Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Nhận đơn khởi kiện và thụ lý vụ án kinh doanh thương mại


Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
  • Thủ tục nhận đơn, kiểm tra đơn khởi kiện, cũng như việc xác định thẩm quyền, thời hiệu khởi kiện, v.v. giống như thủ tục giải quyết vụ án dân sự .
  • Các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa kinh tế (điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 phần I Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP).
  • Khi nhận đơn khởi kiện, Thẩm phán phải kiểm tra, xem xét các tài liệu gửi kèm theo đơn kiện (hợp đồng kinh tế) để xác định trong vụ tranh chấp đó các bên có thoả thuận trọng tài hay không. Nếu có căn cứ cho thấy trong vụ tranh chấp đó các bên đã có thoả thuận trọng tài thì Toà án căn cứ vào điểm e Điều 168 BLTTDS để trả lại đơn kiện cho người khởi kiện (tiểu mục 1.1 mục 1 Nghị quyết số 05/2003/NQ-HĐTP).
  • Trong trường hợp sau khi thụ lý vụ án Toà án mới phát hiện được trong vụ tranh chấp đó các bên đã có thoả thuận trọng tài, thì Toà án căn cứ vào Điều 168, khoản 2 Điều 192 vàĐiều 193 của BLTTDSra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trả lại đơn kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn kiện cho đương sự (tiểu mục 1.1 mục 1 Nghị quyết số 05/2003/NQ-HĐTP).
  • Thẩm quyền của TAND các cấp:
-     TAND cấp huyện giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại được quy định từđiểm a đến điểm i khoản 1 Điều 29 của BLTTDS;
-     TAND cấp tỉnh giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại được quy định từđiểm k đến điểm o khoản 1 Điều 29 và tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 29 của BLTTDS.
  • Khi Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án thụ lý vụ án, chuẩn bị xét xử vụ án phát hiện ra vụ án không thuộc thẩm quyền của Toà kinh tế thì sẽ xử lý theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 mục 1 Nghị quyết số 05/2003/NQ-HĐTP.
  • Trong quá trình chuẩn bị xét xử, Thẩm phán phải xem xét xác định vụ án thuộc loại án cụ thể nào trong số những loại án được quy định tại Điều 29 BLTTDS để áp dụng đúng luật chuyên ngành điều chỉnh loại quan hệ pháp luật đó.
  • Khi giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại Thẩm phán phải tuân theo Luật TM và pháp luật có liên quan. Hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì Thẩm phán áp dụng quy định của luật đó. Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật TM và trong các luật khác thì Thẩm phán áp dụng quy định của Bộ luật dân sự.
  • Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giữ, tạm giam, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Toà án tước quyền hành nghề vì phạm các tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và các tội khác theo quy định của pháp luật thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên (khoản 2 Điều 12 Nghị định số 139/2007/NĐ-CP).
Ls Phan Khắc Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét