Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

TỪ SỞ HỮU CHÉO TẠI CHAEBOL ĐẾN THỰC TẾ NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM


Sở hữu chéo trong hệ thống NHTM Việt Nam
Ba nhóm tích cực: 
(1) Sở hữu của các NHTM nhà nước và NHTM nước ngoài tại các Ngân hàng liên doanh
(2) Cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NHTM
(3) Cổ đông tại các NHTM là các Cty quản lý quỹ
Ba nhóm đáng lo ngại:
(4) Sở hữu của NHTM nhà nước tại các NHTM cổ phần
(5) Sở hữu lẫn nhau giữa các NHTM cổ phần
(6) Sở hữu NHTM cổ phần bởi các tập đoàn, tổng Cty Nhà nước và tư nhân
Nguồn: Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
Hình thức sở hữu chéo tồn tại khá lâu và mang lại những thành công không nhỏ cho nhiều nước. Tuy nhiên trên thực tế, sở hữu chéo phức tạp hơn nhiều bởi nó hàm chứa những mối quan hệ chằng chịt và đôi khi rất khó phân tách rạch ròi. Vì vậy, việc nhìn nhận những hạn chế của sở hữu chéo tại các Chaebol Hàn Quốc sẽ cho thấy một số vấn đề trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam hiện nay.
Sở hữu chéo tại các Chaebol Hàn Quốc
Sở hữu chéo đơn giản là việc 2 tổ chức sở hữu cổ phần lẫn nhau, chẳng hạn như công ty (Cty) A đầu tư vào Cty B, sau đó B lại đầu tư vào A. Ở Hàn Quốc, sở hữu chéo được coi là đặc trưng nổi bật của các tập đoàn kinh doanh quy mô lớn (Chaebol). Mối quan hệ sở hữu chéo không chỉ giữa các Cty thành viên trong nội bộ Chaebol mà còn giữa các Chaebol với nhau. Luật Thương mại của Hàn Quốc quy định rõ giới hạn cho phép đối với vấn đề này, theo đó, các Cty con không được phép nắm giữ cổ phiếu của Cty mẹ và Cty mẹ cũng không được phép nắm giữ quá 40% cổ phần của Cty con. Tuy việc nắm giữ cổ phần chéo không được phép nhưng một Cty vẫn có thể đầu tư vốn vào một Cty khác và sau đó chuyển vốn cổ phần sang cho bên thứ 3. Hình thức này là hình thức đầu tư nội bộ, được gọi là “mô hình kim tự tháp”.
Mô hình này cho thấy, với số vốn đầu tư không quá lớn (chỉ cần đảm bảo mức khống chế ở một số Cty chủ chốt và một lượng vốn nhỏ ở các Cty con) nhưng phạm vi ảnh hưởng của Cty mẹ hay các gia đình sáng lập thực sự rất lớn. Cty mẹ chỉ cần duy trì tỷ lệ cổ phần khống chế tại Cty A và Cty B nhưng vẫn có ảnh hưởng rất lớn tới các Cty con của A và B. Tuy nhiên, chính sự tập trung này cộng thêm với các chính sách bảo hộ quá lớn của Chính phủ là những nguyên nhân căn bản gây nên rất nhiều vấn đề bất cập ở Hàn Quốc:
Thứ nhất, những bất cập liên quan tới quản trị doanh nghiệp (DN): Tình trạng quản lý không rõ ràng, kém hiệu quả trong quản lý do những mối quan hệ qua lại đan xen trong mô hình sở hữu chéo khá phổ biến. Các Cty niêm yết trực thuộc các chaebol luôn có quan niệm mang tính mặc định là những người lãnh đạo sẽ không bao giờ bị thay thế. Vị trí của những người này sẽ vẫn được duy trì đến chừng nào những người ủng hộ họ vẫn còn nắm giữ các vị trí quản lý tại các Cty con, vì thế họ đương nhiên sẽ trúng cử trong đại hội cổ đông. Thêm nữa là tình trạng không phân định rõ ràng chức năng quản trị của Hội đồng quản trị (HĐQT) với chức năng quản lý của Ban điều hành và thiếu tính minh bạch trong quản lý DN. Cho đến năm 1997, HĐQT của tất cả các Cty niêm yết chỉ bao gồm những “người trong cuộc” và họ có quyền chỉ định kiểm toán viên bên ngoài. Vì thế, tính độc lập của các kiểm toán viên bên ngoài luôn là một vấn đề gây nhiều nghi vấn.
Sau cuộc khủng hoảng 1997, Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc đã buộc các Cty muốn niêm yết phải có tối thiểu là 1/4 thành viên của HĐQT là các thành viên độc lập từ bên ngoài. Đồng thời, phải thành lập một uỷ ban bao gồm cả kiểm toán viên nội bộ, thành viên độc lập từ bên ngoài và các chủ nợ để lựa chọn (hoặc gợi ý lựa chọn) kiểm toán viên bên ngoài nhằm tăng thêm tính minh bạch cho hoạt động kiểm toán.
Thứ hai, sự thiếu lành mạnh trong cơ cấu vốn của các chaebol: Chính tình trạng sở hữu chéo cộng với sự quản lý trực tiếp từ gia đình sáng lập gần như không tạo ra một cơ chế điều hành hiệu quả. Các Cty hoạt động kinh doanh hiệu quả sẽ phải trợ cấp cho các Cty hoạt động không hiệu quả trong nội bộ chaebol thông qua hoạt động đầu tư và bảo lãnh chéo. Vấn đề “giải quyết nội bộ” như vậy khiến cho các Cty mạnh bị yếu đi và trên bình diện chung gây nên tình trạng thiếu lành mạnh về cơ cấu vốn, thậm chí tạo nên dòng “vốn ảo”.
Khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 đã cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu là việc các Cty gia đình này nắm quyền kiểm soát ở các NHTM và sử dụng những NHTM này tài trợ cho các dự án của mình và các Cty có liên quan. Vì thế, sau khủng hoảng, Hàn Quốc đã cấm ngay các tập đoàn không được đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Thực tế NHTM Việt Nam
Cũng như ở Hàn Quốc, sở hữu chéo trong hệ thống NHTM Việt Nam đã có từ khá lâu. Thời gian đầu chủ yếu do các ngân hàng quốc doanh góp vốn với tư cách cổ đông Nhà nước với mục đích giúp Nhà nước kiểm soát hoạt động của các ngân hàng cổ phần. Về sau, cùng với sự phát triển, các hình thức sở hữu chéo càng ngày càng đa dạng và đến nay, sở hữu chéo trong hệ thống NHTM Việt Nam có thể chia thành 6 nhóm.
Không phải mọi hình thức sở hữu chéo ở Việt Nam đều đáng lo ngại, mà trái lại, trong một chừng mực nhất định, cũng có những tác động tích cực không thể phủ nhận. Những tác động tích cực của sở hữu chéo ở chỗ nó giúp các ngân hàng nhỏ mở rộng được quy mô, nâng cao được năng lực về tài chính, công nghệ, nhân sự…
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, sở hữu chéo trong hệ thống NHTM Việt Nam cũng có nhiều bất cập giống như ở Hàn Quốc.
Thứ nhất, nguồn lực của NHTM có thể không được đánh giá đúng: Theo quy định của Nghị định 141/2006/NĐ-CP về ban hành danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng (TCTD), vốn điều lệ thực góp của các NHTM phải đạt 3.000 tỷ đồng vào năm 2010. Thông qua sở hữu chéo, cổ đông ngân hàng A có thể vay tiền ngân hàng B để góp vốn vào ngân hàng A và ngược lại. Hoạt động đi vay này tạo ra tình trạng tăng vốn ảo trong các ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã được nâng cấp với số vốn tăng nhanh đáng ngạc nhiên, trong đó có thể có phần của sở hữu chéo giữa các NHTM, DN, Cty đầu tư.
Nguy hiểm là ở chỗ, sở hữu chéo làm sai lệch việc đánh giá rủi ro của hệ thống ngân hàng vì rất nhiều chỉ số dựa trên số vốn tự có, trong khi vốn đó là vốn ảo. Các chỉ số không chính xác lại dẫn đến sai lệch về quản trị ngân hàng cũng như việc giám sát đối với hệ thống tài chính. Rủi ro thị trường tài chính ngân hàng mang tính hệ thống vì đó là quan hệ giữa dòng tiền với nền sản xuất thực và khi những rủi ro bùng phát thì chúng lan tỏa không chỉ đối với hệ thống sản xuất kinh doanh ngoài ngân hàng mà ngay cả trong ngân hàng.
Thứ hai, quy định giới hạn tín dụng bị sở hữu chéo vô hiệu hoá: Theo quy định, một cổ đông cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một TCTD; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một TCTD… nhằm hạn chế sự thâu tóm ngân hàng trái pháp luật. Song, khi sở hữu chéo thì quy định này sẽ bị vô hiệu hóa. Bởi lẽ, sở hữu chéo cho phép một DN (hay NHTM) có tỷ lệ cổ phần lớn trong các NHTM có thể gây áp lực (một cách hợp pháp như qua bỏ phiếu trong HĐQT với vị thế cổ đông chiến lược) để ngân hàng này cấp vốn đầu tư vào những dự án của DN hay ngân hàng “sân sau” của mình. Nguy cơ là quy định bị “vượt rào”, bộ máy sàng lọc theo tiêu chí hiệu quả đầu tư của NHTM có thể bị tê liệt hay trở nên hình thức.
Các quy định về các đối tượng cấm cho vay, hạn chế cho vay cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, pháp luật không cho phép TCTD cho vay đối với Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, người thân của họ và một số đối tượng khác. Tuy nhiên, những người này lại có thể vay ở TCTD khác mà tổ chức của mình là cổ đông lớn. Sự minh bạch khi ra phán quyết tín dụng ở các cấp này sẽ là câu hỏi lớn. Sở hữu chéo cũng giúp các ngân hàng có thể lách quy định về việc không được cho các cổ đông của mình vay vốn bằng cách cho các Cty con của các DN vay vốn.
Trong bối cảnh hiện nay, NHTM rất dễ biến thành kênh huy động vốn cho Tập đoàn, các Cty con của Tập đoàn,… Nhìn xa hơn, "mạng nhện" liên kết còn thể hiện ở những hoạt động kinh doanh thiếu kiểm soát, sự nhập nhằng trong việc cho vay, trong thẩm định và cung ứng vốn vay… Nhiều trường hợp ngân hàng A đang là cổ đông lớn chi phối ngân hàng B, không muốn thông qua một khoản vay, đã đẩy khách hàng cho ngân hàng B mà không gặp trở ngại gì do A đang nắm giữ cổ phần chi phối tại B. B biết khách hàng không đáp ứng tiêu chuẩn cho vay nhưng khó có thể từ chối vì đang được điều hành bởi người của A.
Một điều mà các nước nói chung và Hàn Quốc nói riêng rất thận trọng là tách bạch giữa ngân hàng đầu tư và NHTM. Việt Nam cũng quy định ngân hàng không được cấp tín dụng cho Cty trực thuộc hoạt động kinh doanh chứng khoán nhưng thông qua sở hữu chéo, ngân hàng A có thể dễ dàng lách quy định này bằng cách tác động để ngân hàng B (mà A đồng sở hữu) mua trái phiếu của Cty chứng khoán, Cty quản lý quỹ của A.
Thứ ba, quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro có thể bị làm sai lệch:Sở hữu chéo cũng có thể cho phép ngân hàng A giấu nợ xấu của mình bằng cách không khai báo nợ xấu mà nhờ ngân hàng B (A có sở hữu) cho vay, qua đó giảm được mức nợ xấu phải khai báo và không phải trích dự phòng rủi ro tương ứng. Đó cũng là một trong những lý do khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khó nắm được chính xác số nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Giảm thiểu hạn chế của sở hữu chéo như thế nào?
Để giảm thiểu những bất cập này, quan trọng nhất là phải luật hóa vấn đề sở hữu chéo, đồng thời, tăng cường vai trò của cơ quan giám sát bởi hiện nay ngân hàng – bảo hiểm – chứng khoán chưa thống nhất về một mối. Giám sát hệ thống ngân hàng phải được thực hiện đồng bộ, bảo đảm sự giám sát thông suốt là rất cần thiết để làm rõ "bức tranh" phức tạp đã hình thành và tìm cách ngăn chặn sự lặp lại sở hữu chéo trong tương lai.
Ngoài ra, cần khống chế tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức tài chính tín dụng bởi cá nhân cũng như DN cần phải tính đến cả những sở hữu gián tiếp giữa cá nhân này với các Cty con, Cty cháu của họ. Mặc dù Chính phủ và NHNN đã đưa ra quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu giữa các ngân hàng với nhau cũng như yêu cầu các tập đoàn nhà nước phải thoái vốn khỏi các TCTD nhưng dường như NHNN vẫn chưa lường hết mối quan hệ giữa các NHTM với các DN tư nhân.
Bên cạnh đó, chỉ những quy định của Nhà nước thôi là không đủ, mà cần có cơ chế để các cổ đông có tiếng nói trong giám sát hoạt động của HĐQT và đảm bảo tính độc lập của công tác kiểm toán vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của từng cổ đông. Chỉ khi đó, tính bền vững mới được đảm bảo./.
Nguồn: CÔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIETTINBANK

BÀN VỀ XU HƯỚNG LÃI SUẤT HIỆN NAY


Triển khai thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ, ngày 08/6/2012, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành Thông tư số 19/2012/TT-NHNN và Thông tư số 20/2012/TT-NHNN, trong đó, quy định lãi suất huy động tối đa bằng VND có kỳ hạn dưới 12 tháng là 9%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với 4 lĩnh vực ưu tiên là 13%/năm. Tiếp đó, ngày 09/7/2012, tại Thông báo 198/TB-NHNN, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng đánh giá, rà soát dư nợ các khoản cho vay cũ, trên cơ sở khả năng tài chính, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa 15%/năm để giúp các doanh nghiệp và hộ dân vượt qua khó khăn, duy trì ổn định và từng bước phát triển sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, lãi suất cho vay phổ biến tại các tổ chức tín dụng đối với khách hàng thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên từ 10 – 12%/năm; lãi suất cho vay tối đa đối với doanh nghiệp và hộ dân chỉ từ 15%/năm trở xuống. Song, tín dụng tăng trưởng vẫn thấp, lãi suất theo các doanh nghiệp vẫn còn cao so với khả năng sinh lời của hoạt động sản xuất kinh doanh. Vậy, lãi suất biến động phụ thuộc vào những yếu tố nào? Bài viết sẽ gợi mở ở một số khía cạnh nhất định về vấn đề này.
Lạm phát và lãi suất danh nghĩa
Dường như lạm phát là “căn bệnh dai dẳng chưa có thuốc đặc trị” của nền kinh tế Việt Nam. Nếu trong giai đoạn 2001 – 2005, chỉ số CPI cuối kỳ tăng bình quân ở mức 5,14%, thì giai đoạn 2006 – 2010, mức tăng bình quân của chỉ số này là 11,48%, gấp 2 lần giai đoạn trước đó. Năm 2011, tỷ lệ lạm phát ở mức cao thứ hai trong vòng 10 năm trở lại đây. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 6,02% so với tháng 12/2011 và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2012 tăng 9,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2011. (Biểu 1).
clip_image002
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
Một khi lạm phát xảy ra, các biện pháp hầu như tập trung vào chính sách tiền tệ. Khoan bàn đến hiệu quả của việc sử dụng các công cụ để điều hành chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng chỉ số CPI trong thời gian qua, thì có lẽ, Ngân hàng Nhà nước cũng không có nhiều sự lựa chọn, nhất là trong điều kiện các công cụ để điều hành chưa hoàn thiện và có tác dụng dẫn dắt thị trường như ở Việt Nam. Trong giai đoạn 2004 – 2007, chính sách tiền tệ có lẽ vẫn ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng; do vậy, để kiềm chế lạm phát, biện pháp thường được lựa chọn là tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB). Ngay cả năm 2007, khi chứng kiến áp lực tăng giá tương tự năm 2004 và tình hình có vẻ phức tạp hơn khi nền kinh tế Việt Nam đã thực sự bước vào sân chơi lớn WTO, thì tăng tỷ lệ DTBB vẫn là sự lựa chọn dường như không thể khác. Giai đoạn 2008 đến nay, bên cạnh công cụ DTBB và biện pháp hành chính được triển khai trong trường hợp cụ thể như phát hành tín phiếu bắt buộc, thì công cụ lãi suất đã được quan tâm sử dụng. Cho dù có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau của việc thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian qua, nhưng kiểm soát được lạm phát là điều đáng được ghi nhận cho chính sách tiền tệ, góp phần vào thành công chung trong việc triển khai thực hiện các chủ trương lớn của Chính phủ.
Công cụ lãi suất chưa được sử dụng một cách xuyên suốt, nhất quán trong chính sách tiền tệ, nhưng nếu xét sự biến động giữa tỷ lệ lạm phát và lãi suất tiền gửi danh nghĩa từ năm 2007 đến tháng 9/2012 cho thấy hiệu ứng Fisher đã phát huy tác dụng trong trường hợp này (Biểu 2).
clip_image004
(Nguồn: Báo cáo thường niên Ngân hàng Nhà nước các năm 2004 – 2010, Tổng cục thống kê và tính toán của tác giả).
Hiệu ứng Fisher cho rằng có mối quan hệ một – một giữa tỷ lệ lạm phát và lãi suất danh nghĩa. Những năm có tỷ lệ lạm phát cao tương ứng với lãi suất danh nghĩa cao. Những nước có lạm phát cao thường cũng có xu hướng lãi suất danh nghĩa cao. Hiệu ứng Fisher chỉ ra rằng lãi suất danh nghĩa biến đổi theo những biến đổi trong tỷ lệ lạm phát kỳ vọng. Vì vậy, để giảm được lãi suất, cần giải quyết tốt lạm phát kỳ vọng và tâm lý mất giá đối với đồng nội tệ. Xét trường hợp nền kinh tế Việt Nam, tỷ lệ lạm phát năm 2012, tuy được kiểm soát nhưng với mức tăng 2,2% của tháng 9/2012 cho thấy chỉ số CPI chưa thực sự ổn định và nếu so với bình quân cùng kỳ năm 2011, thì chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng năm 2012 đã tăng 9,96%.
Như vậy, với sự phân tích ở trên cho thấy, khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước buộc phải sử dụng nhiều công cụ chính sách tiền tệ, kể cả công cụ mang tính hành chính nhưng trong đó, công cụ lãi suất là không thể thiếu. Và xu hướng lãi suất danh nghĩa biến động không chỉ phụ thuộc vào ý muốn của nhà điều hành, mà tuân theo những quy luật nhất định, trong đó có hiệu ứng Fisher.
Trạng thái thanh khoản của các ngân hàng thương mại
Về lý thuyết, bất kỳ ngân hàng thương mại nào đều phải bảo đảm khả năng thanh khoản đầy đủ; tức là ngân hàng có sẵn lượng vốn khả dụng với chi phí thấp và đúng tại thời điểm ngân hàng có nhu cầu. Ðiều đó có nghĩa là, một ngân hàng có khả năng thanh khoản tốt nếu như có sẵn một lượng vốn khả dụng với quy mô hợp lý, hoặc có thể nhanh chóng huy động vốn bằng vay nợ hay bán tài sản.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng thanh khoản của các ngân hàng thương mại hiện nay. Nhưng việc cho vay quá mức nguồn vốn huy động là điều dễ thấy. Khảo sát tỷ lệ dư nợ cho vay/tiền gửi của khách hàng ở 09 ngân hàng thương mại được xếp loại hạng A theo Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam 2012, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (CRV) thực hiện, sẽ minh chứng cho nhận định trên (Biểu 3).
clip_image006
(Nguồn: Báo cáo thường niên, Báo cáo tài chính các Ngân hàng thương mại 2010, 2011, Quý III/2012; riêng số liệu của Eximbank đến Quý II/2012; chưa có số liệu đến 30/09/2012 của DongAbank).
Xem xét tỷ lệ dư nợ cho vay/tiền gửi của khách hàng đánh giá được các ngân hàng đã sử dụng tiền gửi của khách hàng để cung cấp tín dụng với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm. Tỷ lệ này càng cao, khả năng thanh khoản càng thấp. Mức trung bình của tỷ lệ này giữa 09 ngân hàng là 94,1% (2010) và 99,77% (2011). Tỷ lệ trung bình năm 2011 là 99,77%, có nghĩa, tính bình quân các ngân hàng cứ huy động được 1 đồng thì cho vay trên 0,99 đồng. Trong trường hợp này, các ngân hàng buộc phải sử dụng các nguồn vốn khác để bảo đảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và bảo đảm khả năng thanh khoản. Với nhiều nguyên nhân khác nhau, tỷ lệ dư nợ cho vay/tiền gửi của khách hàng năm 2011 ở một số ngân hàng cho thấy tình hình chưa được cải thiện nhiều, thậm chí tăng cao hơn năm 2010. Cuối tháng 9/2012, vẫn có 5/9 ngân hàng được xem xét có tỷ lệ này cao hơn mức 80%. Và do đó, để tiệm cận với chuẩn mực1 tại Thông tư 13/2010/TT-NHNN vẫn là con đường dài đối với các ngân hàng thương mại. Và tất nhiên, con đường đó không bằng phẳng.
Ngoài ra, nợ xấu gia tăng trong năm 2011 và 9 tháng đầu năm 2012 cũng là nguyên nhân làm giảm sút chất lượng hoạt động và khả năng thanh khoản của các ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng đều gia tăng nợ xấu. Theo số tuyệt đối, nợ xấu của 09 ngân hàng hạng A nêu trên năm 2011 tăng hơn 3.471 tỷ đồng so với
năm 2010 và trong 9 tháng đầu năm 2012 tiếp tục tăng thêm 12.664 tỷ đồng so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu hầu hết các ngân hàng năm 2011 và 9 tháng đầu năm 2012 đều cao hơn năm 2010 (Biểu 4).
clip_image008
(Nguồn: Báo cáo thường niên, Báo cáo tài chính các Ngân hàng thương mại 2010, 2011, Quý III/2012; riêng số liệu của Eximbank đến Quý II/2012).
Với tình trạng thanh khoản chưa được bền vững và nợ xấu như đã phân tích, các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh huy động vốn từ thị trường 1. Và để thực hiện thu hút lượng tiền gửi của khách hàng, nhiều chương trình khuyến mãi được triển khai rầm rộ; ngoài ra, việc cạnh tranh về lãi suất khó thể tránh khỏi2.
Như vậy, biến động về lãi suất phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Xu hướng trong ngắn hạn là sự tác động đan xen giữa mong muốn giảm lãi suất cần được đáp ứng của thị trường, cũng là kỳ vọng của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; và yếu tố khách quan từ các biến số kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, cũng như những yếu kém nội tại từ các ngân hàng thương mại. Việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian qua là sự nỗ lực lớn của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại trong việc chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Song, về lý thuyết cũng như thực tế cho thấy, chừng nào những yếu tố đã phân tích ở trên chưa có sự cải thiện tích cực, thì xu hướng giảm lãi suất khó có thể ở mức như kỳ vọng. Và để cải thiện các yếu tố nêu trên không chỉ trông chờ duy nhất vào chính sách tiền tệ.

Chú thích:
1 Thông tư 13 và Thông tư 19 quy định tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động là 80%. Cách tính tỷ lệ dư nợ cho vay/tiền gửi của khách hàng phản ánh ở góc độ nhất định so với tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động.
Tài liệu tham khảo:
1. N Gregory Mankiw, Kinh tế vĩ mô, NXB Thống kê, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
2. Báo cáo thường niên Ngân hàng Nhà nước 2004 – 2010.
3. Báo cáo thường niên, báo cáo tài chính các ngân hàng thương mại 2010, 2011, Quý II, III/2012.
4. Website: sbv.gov.vn, gso.gov.vn, phapluattp.vn.
 
Nguồn: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 22/2012

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Án oan và câu chuyện về chứng cứ


Oan sai, chỉ hai từ đó nhưng để phấn đấu giảm thiểu tiến tới không còn án oan, là một hành trình đầy khó khăn vất vả. Nhất là khi mỗi năm các ngành tố tụng phải giải quyết hàng chục ngàn vụ án hình sự, trong khi con người, cơ sở vật chất, trang thiết vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế…
Thực tế oan sai vẫn xảy ra, ở địa phương này hay địa phương khác, ở giai đoạn điều tra, truy tố hay xét xử. Không nói đến chuyện nếu cố tình làm oan, dù là tập thể hay cá nhân và là ai đi nữa cũng phải chịu trách nhiệm, bồi thường dân sự hay là trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cũng có những vụ án mà rõ ràng cơ quan tố tụng đã rất cẩn trọng, đã làm đi làm lại nhiều lần, đã họp bàn lên xuống nhưng cuối cùng thì vẫn để xảy ra oan sai, mà mấu chốt của vấn đề ở cách đánh giá chứng cứ.
Một trong những vụ án gây chấn động dư luận đó là vụ án Lê Bá Mai, trú tại Thanh Hóa, vốn là một người làm thuê trong một trang trại ở Bình Phước. Cách đây 8 năm, giữa tháng 11/2004 tại trang trại của ông Dương Bá Tuân ở ấp 2, xã An Khương, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước đã phát hiện thi thể của bé gái Thị Út (SN 1993) bị sát hại dã man, cơ quan công an xác định Út bị hiếp và giết. Quá trình điều tra, Công an Bình Phước đã bắt giam Lê Bá Mai.
Trong 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm sau đó của TAND tỉnh Bình Phước đều tuyên phạt Lê Bá Mai mức án tử hình về 2 tội danh “giết người và hiếp dâm trẻ em”. Vụ án này gây nhiều tranh cãi trong dư luận về vấn đề chứng cứ buộc tội. Một mặt chứng cứ yếu, một mặt cơ quan tố tụng cũng có nhiều sai sót trong vụ án.
Qua 4 phiên xử trong đó có 2 lần bị tuyên án tử hình và đến giữa tháng 5/2011 tại phiên xét xử sơ thẩm (lần 2) TAND tỉnh Bình Phước tuyên Lê Bá Mai không phạm tội hiếp dâm, giết người và được trả tự do ngay tại tòa. Tuy nhiên sau đó, bằng kháng nghị của VKS tỉnh, Lê Bá Mai bị tiếp tục bắt giam trở lại.
Mới đây, tháng 6/2012, vụ án này đã bị hủy để tiếp tục sơ thẩm lần ba. Đây là một trong những vụ án bị kéo dài trong lịch sử tố tụng với những vấn đề về chứng cứ và việc có oan sai hay không lại phải chờ vào… quá trình tố tụng không biết khi nào mới tới điểm dừng.
Hay một điển hình trong vụ oan sai của ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình cũng là một vụ có nhiều vấn đề trong đánh giá chứng cứ. Chỉ vì vay tiền chưa có trả phải khất nợ mà Công an tỉnh Thái Bình đã bắt giam ông Phi vì cho rằng đã có hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”.
Năm 1999, Toà án tỉnh Thái Bình xét xử vụ án, tuyên phạt ông Phi 14 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và 3 năm tù về tội trốn thuế.
Sau khi xem xét bản án, năm 2000 Toà án Nhân dân Tối cao đã xử phúc thẩm, tuyên ông Phi không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, nhưng yêu cầu điều tra bổ sung về tội trốn thuế đối với ông Phi. Để biến ông Phi trở thành có tội, kiểm sát viên còn cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án, bằng cách rút khỏi hồ sơ tờ hoá đơn nộp thuế của ông Phi. Nhưng vụ việc đã được Tổng cục Thuế minh oan cho ông Phi. Kết cục, ông Phi đã được xin lỗi và bồi thường.
Chung quy trong các vụ án oan sai đều khởi nguồn từ những vấn đề về chứng cứ. Có rất nhiều nguyên nhân trong việc đánh giá chứng cứ một cách lệch lạc, trong đó có vấn đề về năng lực chuyên môn. Sự cẩu thả, tâm lý “đâm lao theo lao” vẫn còn nhiều trong chính các cơ quan tiến hành tố tụng khiến nhiều khi người ta không chịu dừng lại cho dù những dấu hiệu oan sai đã rõ ràng.
Nghị quyết 388 và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được ban hành, tiến trình cải cách tư pháp với những mục tiêu rõ ràng giờ đây đã hạn chế rất nhiều những vụ án oan sai. Tuy nhiên, cùng với nâng cao trình độ chuyên môn cho người tiến hành tố tụng, một vấn đề không kém phần quan trọng là sửa đổi BLTTHS, trong đó có các vấn đề về chứng cứ nhằm bảo đảm cho hoạt động của cơ quan tố tụng kịp thời, chính xác, đúng pháp luật.
Nguồn: Pháp Luật Việt Nam

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Quyền phủ quyết luật của Tổng thống Mỹ: Vũ khí quan trọng để kiềm chế Nghị viện


Phủ quyết (veto) được hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là quyền ngăn cản cái gì đó xảy ra. Trong tiếng La tinh, từ “phủ quyết (veto)” nghĩa là “I forbid” (Tôi cấm). Khi quyền phủ quyết được trao cho người đứng đầu nhánh hành pháp (chính phủ) thì đó là quyền ngăn cản các dự luật của nhánh lập pháp có hiệu lực.
Có thể phân loại quyền phủ quyết theo 4 loại sau đây: 

1. Quyền phủ quyết tuyệt đối: là khả năng mà cơ quan hành pháp có thể ngăn cản một dự luật của nhánh lập pháp trở thành luật và dự luật sẽ không được xem xét lại bởi một cơ quan nào nữa. Ví dụ, Quốc vương Anh và Người đứng đầu South Carolina xưa có quyền phủ quyết tuyệt đối.

2. Quyền phủ quyết tương đối (giới hạn): Tuy nhánh hành pháp sử dụng nhưng nó có thể bị vô hiệu hóa bởi nhánh quyền lực khác. Tổng thống Mỹ hiện nay có quyền phủ quyết tương đối. 

3. Phủ quyết bỏ túi (Pocket veto): Thực ra, phủ quyết bỏ túi là một hình thức của phủ quyết tuyệt đối. Ví dụ, Tổng thống Mỹ nhận được dự luật của Nghị viện và có 10 ngày để ký hoặc phủ quyết dự luật. Nếu Nghị viện nghỉ họp trước khi Tổng thống hành động thì Nghị viện sẽ không thể xem xét việc phủ quyết của Tổng thống. 

4. Phủ quyết một phần: là khả năng mà người đứng đầu nhánh hành pháp có thể phủ quyết một phần (một số điều khoản) của dự luật. Ví dụ: Hiến pháp Arizona cho phép thống đốc tiểu bang phủ quyết một phần.

Ở các nước phương Tây, quyền phủ quyết trong lịch sử được thực thi dưới các hình thức khác nhau bởi các vị vua chúa hay quí tộc trong phạm vi quyền lực của nhánh hành pháp. Như ở Rôm, lãnh đạo của các bộ lạc có quyền phủ quyết các dự luật từ Thượng viện La Mã. Hay thời trung cổ, quốc vương Anh là người lập pháp tối cao nhưng bị chi phối bởi các cơ quan như các quan tòa hay các hội đồng như Hội đồng bí mật (Privy Council). Từ từ nhà vua bị mất quyền lập pháp; quyền chấp thuận hay từ chối các dự luật của Nghị viện cũng bị hạn chế. Quyền phủ quyết của nhà vua đối với các dự luật của Nghị viện là để từ chối sự tán thành của nhà vua, không có ý nghĩa đối với hiệu lực của các đạo luật.

Ở Mỹ, trong suốt kỉ nguyên thực dân của lịch sử nước Mỹ, các Hội đồng thuộc địa có quyền ban hành luật nhưng có thể bị phủ quyết bởi Hoàng gia Anh (thời điểm mà quyền phủ quyết có giá trị tuyệt đối). Mặc dù trên thực tế quyền phủ quyết ít được sử dụng đến nhưng theo thời gian, việc sử dụng quyền phủ quyết tuyệt đối này đã trở thành nỗi bất bình cho những người thuộc địa. Tổng thống Jefferson đã từng tuyên bố trong bản Tuyên ngôn độc lập rằng: “Nhà vua George III đã từ chối sự tán thành đối với các dự luật, cái mà sẽ mang lại những giá trị thiết yếu tới cộng đồng.” 

Ảnh hưởng từ đó mà các bang đã không trao quyền phủ quyết cho những người đứng đầu nhánh hành pháp, ngoại trừ New York. Hiến pháp của New York cho phép Hội đồng Xét lại (Council of Revision) thẩm quyền phủ quyết. Hội đồng Xét lại bao gồm Thống đốc bang và các thẩm phán. Hội đồng có 10 ngày sau khi dự luật được thông qua bởi Nghị viện tiểu bang để xem xét và sửa đổi nó. Nếu đa số các thành viên của hội đồng phủ quyết dự luật thì dự luật đó sẽ quay trở lại với Nghị viện, kèm theo đó là những lý do của việc phản đối. Nhưng dự luật vẫn sẽ có hiệu lực nếu được 2/3 tán thành ở cả 2 viện (Thượng viện và Hạ viện). 

Sử dụng khuôn mẫu của New York, các nhà lập Hiến Mỹ quyết định quyền phủ quyết sẽ được trao riêng cho Tổng thống (người đứng đầu nhánh hành pháp), nhưng không phải là phủ quyết tuyệt đối, mà là “quyền phủ quyết tương đối”. Theo đó, khi sử dụng quyền phủ quyết, Tổng thống phải giải lý do từ chối đạo luật của nhánh lập pháp. Cũng giống như New York, đạo luật sẽ có hiệu lực nếu dành được 2/3 tán thành đến từ cả 2 viện. 

Có thể nói rằng việc người đứng đầu cơ quan hành pháp được trao quyền phủ quyết sẽ làm cho nhánh này có thêm sức mạnh như là vũ khí quan trọng để kiềm chế quyền lực nhánh lập pháp. Bởi theo Hiến pháp Mỹ, ba nhánh Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp độc lập, kiềm chế và đối trọng lẫn nhau, không có nhánh nào có quyền lực tuyệt đối. Với lý do, quyền lực tuyệt đối, tối cao sẽ sinh ra lạm quyền. 

Ngoài ra, đó là cơ hội thương lượng của chính phủ và nghị viện cũng như là cơ hội để bày tỏ ý chí của nhánh hành pháp thông qua sự đồng ý hay phản đối của cơ quan này. Hơn nữa, mặc dù đôi khi vì lý do chính trị mà quyền phủ quyết bị lạm dụng, tuy nhiên điều này giúp cơ quan hành pháp (thực thi pháp luật) có thể ngăn cản các dự luật không thể được thực thi bởi những lý do như trái với Hiến pháp, xâm phạm quyền hành pháp hay không được soạn thảo một cách kỹ lưỡng, 

Do đó, Nghị viện cũng sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trước khi thông qua các dự luật. Nhờ vậy, các đạo luật của Nghị viện sẽ có chất lượng hơn khi thể hiện cả ý chí của Chính phủ. Cũng như, trong trường hợp cần thiết, Nghị viện phải tổ chức trưng cầu dân ý để xem lợi ích, mong muốn của nhân dân là gì… Như vậy quyền thực sự mới thuộc về người chủ là nhân dân, chứ không phải là người được ủy quyền.

Nguồn: TẠP CHÍ TIA SÁNG

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Hoàn thiện pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng


Hành vi cạnh tranh không lành mạnh (CTKLM) về bản chất là những hành vi trái với chuẩn mực đạo đức kinh doanh (ĐĐKD) được các chủ thể tham gia thị trường chấp nhận. Khi được sử dụng, nó có thể gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho các chủ thể kinh doanh khác và người tiêu dùng. Xuất phát từ vai trò của hoạt động ngân hàng cũng như mức độ ảnh hưởng của hành vi CTKLM đối với đời sống kinh tế xã hội, việc kiểm soát, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng cần được tiến hành một cách chủ động, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường

Kể từ khi chuyển sang mô hình ngân hàng hai cấp và hoạt động theo nguyên tắc thị trường, thị trường ngân hàng Việt Nam đã có nhiều bước phát triển và làm tốt vai trò trung chuyển nguồn vốn trong nền kinh tế. Trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường, các chủ thể kinh doanh ngân hàng (KDNH) cũng phải không ngừng củng cố nhằm tạo lập sức mạnh cho mình trong quá trình cạnh tranh. Tuy nhiên, cũng xuất hiện ngày càng nhiều hành vi CTKLM, tồn tại ở nhiều lĩnh vực KDNH như: thu hút tiền gửivới mức lãi suất tiền gửi cao hơn tại một số ngân hàng khiến cho tiền gửi chuyển lòng vòng từ ngân hàng này sang ngân hàng khác; quảng cáo đưa ra không đúng hoặc gây hiểu lầm vềnguồn lực tài chính, đưa ra những báo cáo kiểm toán gây hiểu lầm để hỗ trợ những quảngcáo, với quan điểm là để thu hút người gửi tiền từ những ngân hàng khác; khoản vay lãi suấtthấp hơn cho khách hàng của một lĩnh vực cụ thể so với lãi suất cho người vay các khu vựckhác; cho một khách hàng vay để họ có thể sử dụng khoản vay đó như là một khoản tiền gửi tốithiểu để mở một tài khoản;...[1] Do đó, việc nghiên cứu, làm rõ những vấn đề liên quan đến hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.
1. BẢN CHẤT CỦA HÀNH VI CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH TRONG HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG
Hiện có nhiều quan niệm khác nhau về CTKLM. Hành vi CTKLM có thể hiểu là những hành vi cạnh tranh của các chủ thể tham gia thị trường vi phạm những chuẩn mực ĐĐKD thông thường, có thể gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho các chủ thể kinh doanh khác và người tiêu dùng[2]. Quan điểm khác cho rằng, CTKLM là những hành vi cạnh tranh đi ngược lại các nguyên tắc xã hội, tập quán và truyền thống kinh doanh, xâm phạm đến lợi ích của chủ thể kinh doanh khác, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích chung của xã hội[3]. CTKLM là những hành vi cụ thể, đơn phương, vì mục đích cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh luôn thể hiện tính không lành mạnh (chứ không chỉ là bất hợp pháp) mà mục đích của nó là gây cho một hay một số đối thủ cạnh tranh cụ thể sự bất lợi hay gây thiệt hại trong hoạt động kinh doanh[4].
Dưới góc độ pháp lý, hành vi CTKLM là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về ĐĐKD, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng[5]. Nhìn chung, cách tiếp cận hành vi CTKLM theo quy định của pháp luật Việt Nam về cơ bản là phù hợp với Công ước Pari năm 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cũng như pháp luật một số nước. Bản chất pháp lý của hành vi CTKLM chính là mọi hành vi trái với các chuẩn mực trung thực và lành mạnh trong quan hệ thương mại, gây thiệt hại chủ yếu đến doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan. Theo lý thuyết được thừa nhận rộng rãi ở các nước châu Âu lục địa, thì về bản chất, hành vi CTKLM là hành vi vi phạm quyền dân sự; các yếu tố cấu thành của CTKLM giống như các yếu tố cấu thành trách nhiệm dân sự truyền thống, đó là hành vi CTKLM, lỗi, thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi CTKLM và thiệt hại[6].
            Ở Việt Nam, pháp luật cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng ra đời muộn. Theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) năm 1997 (sửa đổi 2004), các tổ chức hoạt động ngân hàng được hợp tác và cạnh tranh hợp pháp. Nghiêm cấm các hành vi cạnh tranh bất hợp pháp, gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn hệ thống các TCTD và lợi ích hợp pháp của các bên. Các hành vi cạnh tranh bất hợp pháp bao gồm: khuyến mại bất hợp pháp; thông tin sai sự thật làm tổn hại lợi ích của TCTD khác và của khách hàng; đầu cơ lũng đoạn thị trường tiền tệ, vàng, ngoại tệ; các hành vi cạnh tranh bất hợp pháp khác.
Luật Cạnh tranh được ban hành năm 2004 đã kiểm soát hành vi cạnh tranh của các chủ thể tham gia thị trường thông qua quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi CTKLM. Do vậy, các quy định của Luật các TCTD cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Theo quy định tại Điều 9 Luật các TCTD số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010 quy định về hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi CTKLM có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức.
Với quy định này, Luật các TCTD năm 2010 đã đặt nền móng cho việc xây dựng các quy định nhằm phát hiện, xử lý hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng. Từ những phân tích trên, có thể rút ra những đặc điểm cơ bản của hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng như sau:
Thứ nhất, đây là hành vi của các TCTD phát sinh trong hoạt động KDNH, trái với đạo đức thông thường trong kinh doanh. Pháp luật hiện hành chưa có quy định về đạo đức trong kinh doanh mà chỉ có quy định về đạo đức xã hội trong Bộ luật Dân sự 2005. Theo đó, đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về đạo đức xã hội, có thể rút ra những dấu hiệu cơ bản của ĐĐKD thông thường trong hoạt động KDNH như sau:
- Là những chuẩn mực ứng xử chung giữa các TCTD do pháp luật hoặc Hiệp hội Ngân hàng quy định trên cơ sở sự đồng thuận của các thành viên của Hiệp hội trong hoạt động kinh doanh. Những chuẩn mực ứng xử chung giữa các TCTD trong KDNH có thể là sự ổn định của thị trường tiền tệ, các biện pháp tương trợ giữa các thành viên khi thị trường gặp khó khăn, bảo đảm khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi cho khách hàng, các cam kết về chất lượng dịch vụ...
- Được cộng đồng các TCTD thừa nhận và tôn trọng.
Thứ hai, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của TCTD khác hoặc với khách hàng. Thiệt hại ở đây được là những thiệt hại về vật chất, tức là ảnh hưởng tới doanh thu, khả năng sinh lợi trong hoạt động của đối thủ cạnh tranh và những tổn hại về uy tín của đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Về dấu hiệu có thể gây thiệt hại cần xem xét kỹ lưỡng, vì hoạt động ngân hàng rất nhạy cảm với những thông tin không tốt, nó sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các TCTD, nó cũng có thể “giết chết” một TCTD cũng như gây tác động xấu đối với xã hội, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Do vậy, khi có dấu hiệu có thể gây thiệt hại, đối thủ cạnh tranh cần tìm đến một giải pháp hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tránh thiệt hại cho cả hai bên cũng như đối với nền kinh tế và xã hội.
Người phải chứng minh mức độ thiệt hại là đối thủ cạnh tranh của TCTD; cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực thi công vụ nếu phát hiện ra hành vi CTKLM thì phải báo cáo kịp thời đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương để có biện pháp phối hợp xử lý. Vấn đề đặt ra là, hành vi CTKLM có mức độ ảnh hưởng tiêu cực trên thị trường hẹp, thường chỉ tác động đến lên một số chủ thể nhất định mà không ảnh hưởng đến một khu vực thị trường rộng như hành vi hạn chế cạnh tranh, ngay cả khi hành vi đó do tính chất mức độ nguy hại của nó xâm phạm đến các đối tượng được Luật Hình sự bảo vệ[7]. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực ngân hàng, do sự khác biệt trong hoạt động, chúng tôi cho rằng, việc xác định mức độ ảnh hưởng của hành vi CTKLM trong lĩnh vực ngân hàng cần được hiểu là trên phạm vi rộng, trên toàn bộ thị trường ngân hàng, bởi lẽ:
- Trong thực tiễn hoạt động, xu hướng hợp tác giữa các TCTD với nhau để cùng tồn tại và phát triển là tất yếu, vấn đề đặt ra là sự hợp tác của các TCTD được thực hiện đến đâu và đến mức nào là nội dung cần phải được quan tâm giải quyết triệt để. Chúng ta vẫn còn nhớ sự kiện Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu do tin đồn thất thiệt đã bị lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ, nếu không có sự cam kết của Thống đốc NHNN và sự hỗ trợ của NHNN và các ngân hàng thương mại trên địa bàn thì nguy cơ phá sản ngân hàng này là điều có thể xảy ra. Bên cạnh đó, trong hoạt động, các TCTD hỗ trợ cho nhau. Sự hợp tác giữa các TCTD chỉ thật sự bình đẳng, thân thiện và minh bạch nếu việc hợp tác này diễn ra công khai, rõ ràng và có thể kiểm soát được.
- Hoạt động KDNH là hoạt động rủi ro rất cao, thường xuyên chịu sự tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô như tình trạng lạm phát, thay đổi trong chính sách của Ngân hàng Nhà nước và dựa trên niềm tin của người gửi tiền, nên nếu ngân hàng “gặp sự cố” thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp vốn cho nền kinh tế.
- Trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay, các TCTD tiếp nhận kỹ thuật, công nghệ, sản phẩm kinh doanh và dịch vụ ngân hàng; đặc biệt trong những năm gần đây, số lượng sản phẩm kinh doanh và dịch vụ ngân hàng mới tăng lên nhanh chóng về quy mô và đa dạng về loại hình càng làm cho vấn đề kiểm soát hành vi CTKLM trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
Từ những phân tích trên, có thể rút ra định nghĩa hành vi CTKLM trong lĩnh vực ngân hàng như sau: Hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng là hành vi của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động ngân hàng trái với những chuẩn mực thông thường về ĐĐKD, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp khác của TCTD, đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các TCTD.
2. THẨM QUYỀN VÀ BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH VI CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNHTRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG
Khi đề cập đến hành vi CTKLM, người ta thường nhấn mạnh đến tính “không lành mạnh” của hành vi cạnh tranh, tức là những hành vi cạnh tranh không đẹp, không phù hợp với ĐĐKD, mà hệ quả của những hành vi này có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng, làm thay đổi tương quan cạnh tranh trên thị trường. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi CTKLM trong lĩnh vực ngân hàng trên thị trường? Chúng ta có thể nhận thấy các biện pháp kiểm soát hành vi CTKLM trong lĩnh vực ngân hàng ở nước ta hiện nay như sau:
Một là, thẩm quyền xử lý hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng của NHNN Việt Nam. KDNH là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cơ quan các thẩm quyền quản lý hoạt động ngân hàng thuộc về NHNN Việt Nam. NHNN Việt Nam thực hiện việc thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của NHNN, thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giám sát ngân hàng, phòng, chống rửa tiền[8]; cụ thể Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện chức năng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát chuyên ngành về ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của NHNN; tham mưu, giúp Thống đốc NHNN quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính quy mô nhỏ, hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thực hiện hoạt động giám sát chuyên ngành về ngân hàng theo quy định của pháp luật và phân công của Thống đốc NHNN[9]. Như vậy, NHNN có quyền xử phạt hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng được thực hiện thông qua các quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Hai là, thẩm quyền xử lý hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng của cơ quan quản lý cạnh tranh. Theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004, Nghị định số 05/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006 về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng cạnh tranhNghị định số 06/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006 về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý cạnh tranhNghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/09/2005 về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranhNghị định số 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, thì Cục Quản lý cạnh tranh tiến hành thụ lý, tổ chức điều tra các vụ việc liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, đồng thời triển khai các chương trình phổ biến pháp luật, tham vấn và giải đáp các vướng mắc liên quan đến Luật Cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp định hình chiến lược kinh doanh phù hợp với các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thẩm quyền và thủ tục xử lý hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN và Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương lại không thống nhất với nhau. Cụ thể:
Thứ nhất, thủ tục xử lý đối với hành vi CTKLM trong lĩnh vực ngân hàng của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN được tiến hành theo thủ tục hành chính, trong khi đó, việc xử lý đối với hành vi CTKLM được tiến hành theo thủ tục tố tụng cạnh tranh[10] được tiến hành trên cơ sở thủ tục tố tụng chặt chẽ.
Thứ hai, khi phát hiện ra hành vi CTKLM trong lĩnh vực ngân hàng thì thẩm quyền xử lý sẽ thuộc cơ quan nào? Theo quy định của Luật Cạnh tranh, Cơ quan Quản lý cạnh tranh có thẩm quyền điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi CTKLM; xử lý, xử phạt hành vi CTKLM. Việc điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh được tiến hành khitổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh (sau đây gọi chung là bên khiếu nại) có đơn khiếu nại đến cơ quan quản lý cạnh tranh. Đối tượng bị điều tra vụ việc cạnh tranh bao gồm[11]: i) tổ chức, cá nhân khiếu nại theo quy định tại Điều 58 của Luật Cạnh tranh; ii) tổ chức, cá nhân bị cơ quan quản lý cạnh tranh phát hiện là đang hoặc đã thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh trong thời hạn hai năm, kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện. Từ các quy định hiện hành cho thấy, chỉ có Cơ quan quản lý cạnh tranh mới có quyền điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh.
Ngoài ra, hoạt động ngân hàng là hoạt động mang tính rủi ro cao, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng rất lớn, do vậy, yêu cầu đối với người tiến hành điều tra, xử lý hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng không chỉ am hiểu pháp luật mà còn cần có những hiểu biết nhất định về hoạt động ngân hàng thì mới có thể xử lý có hiệu quả. Pháp luật hiện hành chưa có quy định về nghĩa vụ chuyển giao vụ việc cạnh tranh từ Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng thuộc NHNN sang cho Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công thương trong trường hợp phát hiện ra hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giám sát ngân hàng. Nói khác đi, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể nhằm xác định thẩm quyền của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương cũng như mức độ tham gia của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trong điều tra, xử lý hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng.
3.KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ HÀNH VI CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH TRONG HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 vừa được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua đã xác định rõ: “Tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường... Phát triển thị trường tài chính với cơ cấu hoàn chỉnh, quy mô tăng nhanh, phạm vi hoạt động mở rộng, vận hành an toàn, được quản lý và giám sát hiệu quả”; “Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền trong kinh doanh, bảo vệ người tiêu dùng”. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 kèm theo Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg ngày 24/05/2006 đã xác định định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng đến năm 2010 như sau: “Xây dựng môi trường pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng minh bạch và công bằng nhằm thúc đẩy cạnh tranh và bảo đảm an toàn hệ thống tiền tệ, ngân hàng. Các chính sách và quy định pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng góp phần tạo môi trường lành mạnh và động lực cho các TCTD, doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Loại bỏ các hình thức bảo hộ, bao cấp, ưu đãi trong lĩnh vực ngân hàng và phân biệt đối xử giữa các TCTD”.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy, các quy định hiện hành về hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng còn chung chung, chưa phản ánh được những nét đặc thù trong việc điều chỉnh hành vi CTKLM trong lĩnh vực ngân hàng. Bên cạnh đó, thực tiễn thi hành pháp luật về hành vi CTKLM trong lĩnh vực ngân hàng đã phát sinh những khó khăn, bất cập nhất định, bản thân hành vi CTKLM, tiêu chí xác định mang tính trừu tượng, khó xác định và cũng khó chứng minh. Để bảo đảm ngăn ngừa, xử lý có hiệu quả hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng, theo chúng tôi, Nhà nước cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành bộ chuẩn quy tắc về đạo đức trong hoạt động KDNH. Việc xác định thế nào là chuẩn mực ĐĐKD, các nguyên tắc xã hội, tập quán và truyền thống kinh doanh cũng rất khó khăn. Không những thế, trong Luật các TCTD hiện hành cũng mới chỉ quan tâm đến quy định phẩm chất đạo đức của những người nắm giữ các chức danh quản lý điều hành của TCTD; vấn đề rủi ro đạo đức của cán bộ ngân hàng khi tác nghiệp mới được đề cập trong thời gian gần đây. Do vậy, chỉ khi ban hành được bộ chuẩn ĐĐKD ngân hàng thì mới có được cơ sở để xác định “tính không lành mạnh” trong hành vi cạnh tranh của các TCTD làm căn cứ để điều tra, xử lý.
Thứ hai, làm rõ quan niệm “hợp tác” và “cạnh tranh” trong hoạt động ngân hàng, làm cơ sở cho việc xác định hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng. Theo Từ điển Tiếng Việt, cạnh tranh là “đua tranh với nhau giữa những người theo đuổi cùng một mục đích, nhằm đánh bại đối thủ và giành cho mình thế có lợi nhất”[12], hợp tác là “cùng chung sức, giúp đỡ lẫn nhau trong một công việc, một lĩnh vực nào đó nhằm một mục đích chung”[13]. Như đã phân tích, trong hoạt động, các TCTD có mối liên hệ khá chặt chẽ với nhau, tuy nhiên, có những chủ thể lợi dụng việc hợp tác giữa các chủ thể kinh doanh để trục lợi bất hợp pháp hoặc gây khó khăn cho đối tác. Do vậy, theo chúng tôi, hành vi lợi dụng “chính sách hợp tác” trong kinh doanh hoặc theo yêu cầu của NHNN của TCTD phải được coi là hành vi CTKLM.
Thứ ba, về khái niệm hành vi CTKLM trong lĩnh vực ngân hàng, có quan điểm cho rằng[14]“Hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng là hành vi cạnh tranh của tổ chức và cá nhân có liên quan đến hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng vì quá chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà trái với các chuẩn mực thông thường về ĐĐKD, có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác”. Với quan niệm này, dấu hiệu quan trọng để xác định hành vi CTKLM là “vì quá chạy theo mục tiêu lợi nhuận” mà thực hiện các hành vi vi phạm “chuẩn mực thông thường về ĐĐKD”, chúng tôi cho rằng, với cách tiếp cận này, hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng đã thu hẹp quá nhiều hành vi CTKLM theo quy định của Luật Cạnh tranh. Thực tế cho thấy, việc thực hiện hành vi CTKLM của các chủ thể trên thị trường không phải lúc nào cũng vì mục tiêu lợi nhuận, trong thực tế, để gây khó khăn cho đối thủ cạnh tranh, các chủ thể kinh doanh đã “hy sinh mục tiêu lợi nhuận” sử dụng các hành vi CTKLM thì hành vi này phải được coi là CTKLM.
Thứ tư, thống nhất thẩm quyền và thủ tục xử lý hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng theo thủ tục tố tụng cạnh tranh do Hội đồng Cạnh tranh tiến hành, không nên quy định song song hai thủ tục xử lý hành vi CTKLM tương ứng với thẩm quyền của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Cục Quản lý Cạnh tranh. Theo đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có trách nhiệm phát hiện, chuyển giao và phối hợp với Hội đồng Cạnh tranh trong việc điều tra, xử lý hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng. Thực hiện kiến nghị này sẽ bảo đảm tính thống nhất của pháp luật trong việc điều tra, xử lý hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng, bởi lẽ, Hội đồng Cạnh tranh có nhiệm vụ tổ chức xử lý, giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh[15].


[1] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng, tháng 6/2011.
[2] Tăng Văn Nghĩa (2009), Giáo trình Luật cạnh tranh, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.132.
[3] Đặng Vũ Huân (2004), Pháp luật về kiểm soát độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 30,31.
[4] Nguyễn Như Phát, Bùi Nguyên Khánh (2001), Tiến tới xây dựng pháp luật cạnh tranh trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 241.
[5] Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004.
[6] Nguyễn Hữu Huyên, Phân biệt giữa cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2008/12/09/2069/
[7] Tăng Văn Nghĩa (2009), Giáo trình luật cạnh tranh, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.136.
[8] Khoản 1 Điều 49 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010.
[9] Quyết định số 83/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
[10] Tố tụng cạnh tranh là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục giải quyết, xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của Luật này.
[11] Điều 65 Luật Cạnh tranh 2004.
[12] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1989, tr. 129.
[13] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1989, tr.489.
[14] Dự thảo Nghị định quy định về hành vi CTKLM trong lĩnh vực ngân hàng và hình thức xử lý đối với những hành vi này (Dự thảo lần 2, tháng 6/2011).
[15] Khoản 2 Điều 53 Luật Cạnh tranh 2004.
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Vụ kiện "kỷ lục" 55 triệu USD: Phiên xử chưa có hồi kết


Ngày 28/12, TAND quận 1, TPHCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp 55 triệu USD tiền thắng cược qua máy đánh bạc. Nguyên đơn của vụ kiện là ông Ly Sam, 61 tuổi, doanh nhân gốc Việt, mang quốc tịch Hoa Kỳ, chủ nhà hàng Y.N tại quận 3, TPHCM. Bị đơn của vụ kiện là Công ty liên doanh Đại Dương (chủ đầu tư khách sạn Sheraton Sài Gòn, đường Đồng Khởi, quận 1). Còn câu lạc bộ (CLB) Palazzo là một công ty con trực thuộc Công ty liên doanh Đại Dương. Quản lý CLB này là Công ty TNHH tư vấn Ewarton (cũng thuộc liên doanh nói trên).
Các đương sự và nhân chứng vụ án đều có mặt tại tòa
Các đương sự và nhân chứng vụ án đều có mặt tại tòa
Ông Ly Sam (áo trắng) tại tòa
Ông Ly Sam (áo trắng) tại tòa 
Phía bị đơn chiếu lại đoạn camera nhưng không ai ghi nhận thấy ông Sam đập bàn phím
Phía bị đơn chiếu lại đoạn camera nhưng không ai ghi nhận thấy ông Sam đập bàn phím
 
Sau phiên xử buổi sáng với nhiều tranh cãi, chiều ngày 28/12, thẩm phán Mai Xuân Bình, chủ tọa phiên tòa, khẳng định, sau khi có tranh chấp việc trúng thưởng, phía bị đơn tự động gửi máy và bo mạch đi giám định mà không thông qua ý kiến của ông Ly Sam là thiếu khách quan. Trong trường hợp xảy ra tranh cãi về việc trúng thưởng, bị đơn phải chủ động lập văn bản nêu rõ ý kiến của các bên để làm cơ sở giải quyết tranh chấp sau này.
 
Sau một ngày đưa ra những chứng cứ phản biện, phía nguyên đơn sau khi hội ý bất ngờ đưa ra yêu cầu nếu bên bị đơn chấp nhận chi trả 30 triệu USD thì sẽ chấm dứt vụ kiện. Đại diện ông Ly Sam một lần nữa tiếp tục cho rằng: “Quan điểm của ông Ly Sam đây là một vụ thắng cược lớn. Tuy nhiên, trên cơ sở chia sẻ niềm vui cùng Công ty liên danh Đại Dương, ông chấp nhận hạ mức nhận tiền thưởng xuống 30 triệu USD”. Tuy nhiên, phía bị đơn đã bác đề nghị này của bên nguyên đơn với lý do: ông Ly Sam không thắng trong quá trình đánh bạc.
Phía bị đơn còn mang cả máy chiếu để chiếu lại đoạn camera thời gian trước, trong và sau khi ông Ly Sam chơi tại máy số 13 và tuyên bố trúng thưởng. Phía bị đơn khẳng định trước lúc thắng khoảng 20 giây, ông Sam có thái độ bực tức và đập vào bàn phím nên máy bị “bất động” trong tích tắc. Sau đó, ông Ly Sam tuyên bố thắng máy đánh bạc. Phía bị đơn nghi ngờ cái đập bàn phím đó đã tác động một ngoại lực làm máy bị sự cố kỹ thuật nên “nhảy loạn xạ”, ra số tiền trúng thưởng khủng. Tuy nhiên, qua camera trình chiếu trước tòa, nhiều người quan sát khẳng định không hề thấy cảnh ông Sam dùng tay đập mạnh vào bàn phím hay màn hình như phía bị đơn “cáo buộc”.
Do cả hai bên đều không đồng ý với những yêu cầu của nhau và do cần thời gian nghiên cứu, thẩm định các chứng cứ cũng như lời khai của các bên liên quan, thẩm phán Mai Xuân Bình, chủ tọa phiên tòa, đã quyết định tạm dừng phiên tòa, sẽ tiếp tục xét xử vào ngày 2/1/2013.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thế giới từng xảy ra những vụ kiện tương nhưng hiếm hoi, chưa quá 10 vụ. Trong đó, đình đám là vụ người chơi tên Cengiz Sengel với casino Silver Legacy với số tiền thắng cược 1,8 triệu USD (năm 2000); vụ Brenda Pickle khiếu kiện IGT and Sam’s Town hotel & casino, số tiền 4,7 triệu USD (năm 2002); một phụ nữ với Macau Galaxy Starworld , số tiền 5,5 triệu USD (năm 2007)… Và, vụ kiện đòi 55 triệu USD của ông Ly Sam thuộc hàng kỷ lục từ trước đến nay.