Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Lừa đảo qua mạng, khó xử!


Luật sửa đổi bổ sung BLHS có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 bổ sung thêm tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 226b).
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nên thực tiễn xét xử còn thiếu thống nhất…
Tháng 11-2011, TAND TP Hà Nội đã phạt Hoàng Thế Anh bốn năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS. Tổng hợp với một bản án trước đó, Anh phải chấp hành hình phạt chung là năm năm tù.
Bất nhất tội danh
Theo hồ sơ, Anh đã lập nhiều tài khoản và tạo thông tin bán, đấu giá iPhone, laptop… trên mạng Internet. Khi khách hàng thắng đấu giá hoặc đặt mua, Anh liên hệ, yêu cầu họ chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản trên một trang web mua bán trực tuyến. Sau đó Anh liên hệ với những người bán, giả mạo là người chuyển tiền mua. Người bán kiểm tra thấy tiền (của khách đặt mua hàng với Anh) đã chuyển vào tài khoản liền chuyển hàng cho Anh. Với thủ đoạn này, tổng cộng Anh đã lừa đảo, chiếm đoạt được của bảy người hơn 100 triệu đồng.
Ở một vụ chiếm đoạt tiền qua mạng khác, tháng 9-2011, TAND TP.HCM lại phạt Nguyễn Chí Toàn sáu năm tù về tội sử dụng mạng máy tính thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 226b BLHS.
Toàn là nhân viên một công ty công nghệ thông tin. Tháng 6-2009, Toàn được công ty cử đến một ngân hàng khắc phục sự cố trong quá trình sử dụng phần mềm quản trị thẻ ATM nên phát hiện ra mật mã truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu thẻ của ngân hàng. Toàn bèn dùng CMND giả đăng ký thẻ ATM rồi truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu thẻ, ghi khống 700 triệu đồng vào tài khoản một khách hàng, chỉnh sửa số thẻ cho trùng với số thẻ của Toàn để rút tiền qua máy ATM. Từ ngày 10-1 đến 18-2-2011, Toàn đã 114 lần rút tổng cộng 329,5 triệu đồng. Tháng 2-2011, Toàn lại ghi khống 1,5 tỉ đồng vào tài khoản của khách hàng trên nhằm tiếp tục rút tiền thì bị mất thẻ. Khi Toàn thông báo việc này, ngân hàng kiểm tra và phát hiện vụ việc.
Thiếu hướng dẫn
Trong một hội nghị ngành tòa án gần đây, Tòa Hình sự TAND Tối cao cho biết hiện có hai luồng quan điểm về tội danh đối với loại tội phạm sử dụng công cụ phương tiện là thiết bị công nghệ cao, mạng máy tính… chiếm đoạt tài sản.
Theo luồng quan điểm thứ nhất, các hành vi nêu trên có dấu hiệu của nhóm tội xâm phạm sở hữu như lừa đảo, trộm cắp… Tuy nhiên, các hành vi này không chỉ xâm hại đến quan hệ sở hữu mà còn xâm hại nghiêm trọng đến an toàn công cộng, trật tự công cộng. Vì vậy, nhà làm luật mới tách chúng ra thành một tội mới là tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và xếp vào chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Do đó phải xử lý các hành vi sử dụng công cụ phương tiện là thiết bị công nghệ cao, mạng máy tính… chiếm đoạt tài sản theo tội mới.
Ngược lại, cũng có những thẩm phán cho rằng vẫn phải xét xử các hành vi trên về tội phạm tương ứng trong nhóm tội xâm phạm sở hữu. Theo Tòa Hình sự, để giải quyết vướng mắc đang gây tranh cãi và áp dụng pháp luật thống nhất thì cần phải có văn bản hướng dẫn giải thích.
Khó truy tìm nạn nhân
Bên cạnh đó, Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, cho biết một cái khó trong việc xử lý loại tội phạm này là cơ quan tố tụng khó truy tìm nạn nhân. Bởi lẽ tài sản bị chiếm đoạt là có thật nhưng nạn nhân thường sử dụng nick ảo. Mặt khác, họ cũng khó chứng minh đó là tài sản của mình bị thủ phạm chiếm đoạt. Khá nhiều trường hợp, nạn nhân ở nước ngoài, ngân hàng lại từ chối cung cấp thông tin nên không đủ điều kiện tìm ra người bị hại.
Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thanh Sơn, Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao, cũng kể nhiều vụ ra tòa phía gỡ tội đặt ra câu hỏi là vụ án không có người bị hại gây khó khăn cho việc xét xử.
Tuy nhiên, cả Thẩm phán Long và kiểm sát viên Sơn đều đồng ý rằng khó tìm người bị hại không có nghĩa là cơ quan tố tụng bế tắc khi giải quyết án. Bởi lẽ lời khai cũng người bị hại trong những vụ án này chỉ là một trong những nguồn chứng cứ chứ không phải là tất cả. Cơ quan tố tụng còn căn cứ vào lời khai bị can bị cáo cũng như những chứng cứ khác để xác định có hành vi, sự việc phạm tội…
Lừa mua cả vé máy bay
Cuối năm 2011, TAND TP.HCM đã phạt Nguyễn Thái Thông ba năm tù, Nguyễn Ngọc Ánh 11 tháng hai ngày tù về tội sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Huỳnh Ngọc Long một năm tù treo về tội trộm cắp tài sản.
Thông là sinh viên công nghệ thông tin. Tháng 10-2009, Thông đăng ký làm thành viên một diễn đàn chuyên cung cấp thông tin thẻ tín dụng bị đánh cắp và làm quen với Long, Ánh. Cả ba tìm mua hoặc được các thành viên diễn đàn cho thông tin thẻ tín dụng rồi đăng nhập vào trang web bán vé trực tuyến của Vietnam Airlines đặt mua vé máy bay điện tử. Thu thập đủ thông tin về khách hàng, hãng máy bay sẽ trừ tiền trên tài khoản của chủ thẻ tín dụng và gửi vé cho nhóm Thông. Tiếp đó, Thông rao bán các vé này trên mạng với giá chỉ bằng một nửa hoặc tặng bạn bè. Chỉ trong gần một năm, cả nhóm đã mua trót lọt 138 vé máy bay trị giá 266 triệu đồng của Vietnam Airlines…
Theo TAND TP, Thông và Ánh sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tiền sau ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS có hiệu lực (ngày 1-1-2010) nên phạm vào tội sử dụng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Còn Long gây án trước ngày này nên phạm vào tội trộm cắp tài sản.
Theo tội mới
Nếu so sánh tội mới với các tội xâm phạm sở hữu thì dấu hiệu trong cấu thành cơ bản tương đối giống nhau. Điểm khác lớn nhất để phân biệt chính là công cụ, phương tiện mà người phạm tội sử dụng để chiếm đoạt tài sản. Đó là các thiết bị kỹ thuật cao như mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số.
Nếu so sánh về mức độ và tính chất nguy hiểm cho xã hội thì tội mới so với các tội xâm phạm sở hữu là ngang nhau. Do đó khi giải quyết án loại này, cơ quan tố tụng nên truy tố, xét xử và kết án các bị cáo theo tội mới ở Điều 226b thay vì các tội xâm phạm sở hữu tương ứng như trước.
Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM
Sớm thống nhất
Các ngành tố tụng trung ương cần sớm thống nhất trong việc xử lý loại tội phạm này theo tội danh chính xác. Ngoài ra, cũng phải lưu ý khi tiến hành giải quyết các loại án này thì cơ quan tố tụng cần phải thu thập thông tin thật đầy đủ chứng minh hành vi phạm tội của bị can, bị cáo. Những thông tin này thường liên quan đến số tiền họ đã chiếm đoạt và hành vi chiếm đoạt cụ thể. Có như vậy án đưa ra xét xử mới đúng người, đúng tội và có mức hình phạt phù hợp với tội phạm.
Kiểm sát viên cao cấpNGUYễN THANH SƠN,
Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao

Nguồn: Báo Pháp luật TP.HCM online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét