Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Cơ chế hết quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TRIPS và một số gợi ý cho các quốc gia thành viên WTO


1. Khái quát chung về hết quyền sở hữu trí tuệ và cơ chế hết quyền sở hữu trí tuệ
Hết quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là khái niệm bắt nguồn từ thuyết hết quyền[1]. Thuyết này xác định giới hạn cho quyền SHTT mang tính độc quyền và cân bằng giữa bảo hộ quyền SHTT với đảm bảo sự lưu thông của thị trường cũng như duy trì cạnh tranh lành mạnh; cân bằng giữa bảo vệ lợi ích của chủ thể nắm giữ quyền SHTT với lợi ích của người tiêu dùng. Theo thuyết hết quyền, khi sản phẩm mang đối tượng SHTT được đưa ra thị trường bởi chính chủ thể nắm giữ quyền SHTT hoặc với sự đồng ý của chủ thể này, chủ thể nắm giữ quyền SHTT không còn quyền kiểm soát đối với việc phân phối và khai thác thương mại sản phẩm. Do đó, các hành vi thương mại như sử dụng, bán, đề nghị bán, cất giữ để bán, cho thuê hoặc các hành vi phi thương mại như tặng, cho mượn sản phẩm mang đối tượng SHTT được bảo hộ của chủ thể khác không bị coi là xâm phạm quyền SHTT. Hết quyền có thể xảy ra trong phạm vi quốc gia, khu vực hoặc quốc tế tương ứng với ba cơ chế hết quyền: cơ chế hết quyền quốc gia, cơ chế hết quyền khu vực và cơ chế hết quyền quốc tế.
Đối với cơ chế hết quyền quốc gia: chủ sở hữu quyền SHTT không còn quyền kiểm soát việc phân phối và khai thác thương mại sản phẩm mang đối tượng SHTT được bảo hộ khi chủ sở hữu quyền SHTT hoặc chủ thể khác được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền SHTT đưa sản phẩm ra thị trường nội địa. Những quyền nêu trên không còn trong phạm vi lãnh thổ nước mà chủ sở hữu quyền SHTT hoặc chủ thể khác được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền SHTT đưa sản phẩm ra thị trường lần đầu tiên. Tuy nhiên, quyền SHTT của chủ thể này vẫn được bảo hộ ở những nơi khác và chủ thể này có quyền ngăn chặn nhập khẩu song song (NKSS) sản phẩm mang đối tượng SHTT được bảo hộ quyền SHTT ở các quốc gia mà chủ sở hữu được bảo vệ quyền, bất kể thực tế là chủ sở hữu đã đưa sản phẩm ra thị trường hay chưa[2]. Nói cách khác, chủ sở hữu không thể dựa vào quyền SHTT để ngăn cấm lưu thông sản phẩm diễn ra trong thị trường nội địa nhưng vẫn có quyền ngăn chặn NKSS những sản phẩm này từ nước ngoài. Ví dụ, khi Công ty Coca-Cola bán một chai nước giải khát mang nhãn hiệu Coca-Cola cho người mua trên thị trường Hoa Kỳ, quyền kiểm soát đối với việc phân phối và khai thác thương mại của Công ty đối với chai nước này không còn. Công ty có quyền ngăn chặn nhập khẩu nước giải khát đã được bán ở nước ngoài vào Hoa Kỳ trừ khi không có sự khác biệt giữa nước giải khát trong nước và nước giải khát nhập khẩu.
Đối với cơ chế hết quyền khu vực: đây là một hình thức kết hợp giữa cơ chế hết quyền quốc gia và cơ chế hết quyền quốc tế. Cơ chế hết quyền khu vực liên quan đến hết quyền trong phạm vi thị trường rộng hơn thị trường một quốc gia nhưng lại chỉ giới hạn ở một số quốc gia nhất định (ví dụ, các nước thuộc khối Khu vực Kinh tế Châu Âu[3]). Do đó, chủ sở hữu quyền SHTT không thể dựa vào quyền SHTT của mình để ngăn cấm sự lưu thông của các sản phẩm trong phạm vi khu vực khi những sản phẩm này đã được đưa ra thị trường khu vực bởi chính chủ sở hữu hoặc chủ thể khác được sự đồng ý của chủ sở hữu. Tuy nhiên, chủ sở hữu quyền SHTT có quyền ngăn chặn việc nhập khẩu những sản phẩm này từ ngoài vào thị trường khu vực. Ví dụ: Khi xe Volvo đã được đưa ra thị trường Thuỵ Điển, chủ sở hữu nhãn hiệu Volvo mất quyền kiểm soát sự lưu thông tiếp theo của xe này trong phạm vi thị trường Khu vực Kinh tế Châu Âu. Tuy nhiên, chủ sở hữu nhãn hiệu Volvo có quyền cấm nhập khẩu xe này từ ngoài vào thị trường Khu vực Kinh tế Châu Âu. Về nguyên tắc, tất cả các thoả thuận thương mại khu vực đều có thể thừa nhận cơ chế hết quyền khu vực. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế hết quyền này mới chỉ được áp dụng cho các nước thuộc Khu vực Kinh tế Châu Âu và các nước Tây Phi thuộc Cộng đồng Pháp ngữ (Francophone West Africa) kể từ khi Thoả thuận Bangui được ký kết[4] - đây là các nước thuộc Tổ chức SHTT Châu Phi (OAPI).
Đối với cơ chế hết quyền quốc tế: hết quyền SHTT xảy ra khi sản phẩm được bảo vệ quyền SHTT được chính chủ sở hữu quyền SHTT hoặc chủ thể khác được sự đồng ý của chủ sở hữu đưa ra bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Ngược lại với cơ chế hết quyền quốc gia, chủ sở hữu quyền SHTT không thể dựa vào quyền của mình để ngăn chặn sự lưu thông của hàng hoá trên phạm vi toàn thế giới. Ví dụ: Công ty X (pháp nhân Ấn Độ) bán một chiếc máy vi tính mang nhãn hiệu được bảo hộ ra thị trường Ấn Độ, hoặc thị trường nước ngoài, quyền phân phối của Công ty đối với chiếc máy vi tính này không còn nữa. Trong trường hợp này, Công ty không còn quyền kiểm soát quá trình lưu thông tiếp theo của sản phẩm trong đó có quyền ngăn chặn NKSS.
Trong Hiệp định TRIPS - điều ước quốc tế quan trọng nhất về SHTT của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), những vấn đề liên quan đến hết quyền SHTT không chỉ được quy định ở Điều 6 mà còn được đề cập trong một số quy định khác như Điều 16, Điều 26, Điều 28 và Điều 51. Những quy định liên quan đến cơ chế hết quyền SHTT trong Hiệp định TRIPS dẫn đến những cách hiểu khác nhau và gây ra nhiều tranh cãi. Nhóm quan điểm thứ nhất lập luận rằng các nước thành viên không được phép áp dụng những chính sách riêng về hết quyền mà phải tuân thủ những nguyên tắc liên quan đến hết quyền do Hiệp định TRIPS thiết lập[5]. Ngược lại, nhóm quan điểm thứ hai khẳng định Hiệp định TRIPS dành quyền tự quyết cho các nước thành viên trong lựa cơ chế hết quyền[6]. Chúng tôi chứng minh cho quan điểm thứ hai dựa trên cơ sở: (i) phân tích Điều 6 và xem xét Điều 6 trong mối quan hệ với các quy định có liên quan khác của Hiệp định TRIPS; (ii) đoạn 5(d) Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPS và Sức khoẻ cộng đồng[7]; và (iii) pháp luật của các nước thành viên WTO về cơ chế hết quyền trước và sau khi thiết lập Hiệp định TRIPS. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, Hiệp định TRIPS không quy định một cơ chế hết quyền SHTT cụ thể và yêu cầu các nước thành viên WTO phải áp dụng
Điều 6 Hiệp định TRIPS quy định như sau: “Nhằm mục đích giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này, phù hợp với quy định của các Điều 3 và 4, không được sử dụng một quy định nào trong Hiệp định này để đề cập đến hết quyền SHTT”. Quy định này không ngăn cấm các nước thành viên trong việc lựa chọn cơ chế hết quyền. Mỗi nước thành viên có quyền tự do trong việc xây dựng pháp luật điều chỉnh vấn đề hết quyền SHTT, có thể là quy định pháp luật và/hoặc phán quyết của toà án với điều kiện không vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia và nguyên tắc đối xử tối huệ quốc theo Điều 3 và Điều 4 Hiệp định TRIPS. Áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia, hết quyền khu vực hay hết quyền quốc tế cho các đối tượng SHTT, về nguyên tắc, phù hợp với hai nguyên tắc này. Lý do là việc áp dụng những cơ chế này không tạo ra sự phân biệt trên cơ sở quốc tịch theo nghĩa của Điều 3 và Điều 4 Hiệp định TRIPS. Trong mối quan hệ với hết quyền SHTT, nguyên tắc đối xử quốc gia đòi hỏi các nước thành viên WTO đối xử với công dân nước ngoài tối thiểu như công dân nước mình liên quan đến bảo hộ quyền SHTT khi áp dụng nguyên tắc hết quyền. Cho nên, một nước thành viên WTO không thể áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế cho phép công dân nước ngoài nhập khẩu và áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia ngăn chặn công dân trong nước nhập khẩu. Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc áp dụng cho hết quyền SHTT đòi hỏi các nước thành viên không được áp dụng các nguyên tắc hết quyền khác nhau cho công dân của các nước khác nhau. Ví dụ: Nếu nước A áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế đối với nhãn hiệu do công dân nước B nắm giữ; nước này phải áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế đối với nhãn hiệu do công dân nước C nắm giữ (giả định nước A, B, C đều là thành viên của WTO).
Mặc dù ngôn từ của Điều 6 Hiệp định TRIPS khó hiểu, điều luật này chỉ đơn giản muốn khẳng định: không có điều khoản nào trong Hiệp định, ngoại trừ những điều khoản về cấm phân biệt đối xử (gồm đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc) được sử dụng để giải quyết vấn đề hết quyền SHTT theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Nói cách khác, nếu như một nước cho rằng nước khác cho phép NKSS là vi phạm Hiệp định TRIPS, họ cũng không thể yêu cầu WTO giải quyết, trừ khi nguyên tắc cấm phân biệt đối xử bị vi phạm.
Lập luận Hiệp định TRIPS trao cho các nước thành viên WTO quyền tự quyết trong lựa chọn cơ chế hết quyền được củng cố trên cơ sở xem xét các điều khoản khác của Hiệp định. Theo Điều 1(1) Hiệp định TRIPS, “biện pháp thi hành” các quy định của Hiệp định được quyết định tự do trong phạm vi “thực tế và hệ thống pháp luật” của mỗi nước[8]. Như vậy, Hiệp định TRIPS không phải là một đạo luật thống nhất mà chỉ quy định những tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu cho các nước thành viên WTO bên cạnh những quy định tuỳ nghi cho các nước thành viên WTO đối với một số vấn đề. Thêm vào đó, với chú thích 13 cho Điều 51, Hiệp định TRIPS cho phép các nước thành viên WTO quyết định tính hợp pháp của NKSS. NKSS hàng hoá mang đối tượng SHTT được bảo hộ về nguyên tắc được coi là hợp pháp như hệ quả của hết quyền SHTT. Nói cách khác, các nước thành viên được tự do lựa chọn cơ chế hết quyền quốc tế cho các đối tượng SHTT khác nhau.
Theo chúng tôi, dựa vào Điều 28 Hiệp định TRIPS để lập luận Hiệp định đòi hỏi các nước thành viên áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia cho sáng chế và ngăn chặn NKSS hàng hoá được bảo hộ sáng chế không hợp lý. Điều 28 Hiệp định TRIPS phải được xem xét trong mối quan hệ với chú thích rất quan trọng của nó - chú thích 6 - và Điều 6 của Hiệp định này. Chú thích 6 cho Điều 28 ngụ ý: các quyền của chủ sở hữu sáng chế có thể bị giới hạn trong trường hợp hết quyền theo quy định tại Điều 6. Nói cách khác, về nguyên tắc, hết quyền là vấn đề thuộc về mỗi quốc gia, tuy vậy, các nước thành viên WTO có thể thừa nhận cơ chế hết quyền quốc tế bằng cách tham chiếu đến Điều 6. Cách hiểu này đúng cho mọi đối tượng SHTT mặc dù Điều 28 tập trung quy định quyền đối với sáng chế.
Hơn nữa, Điều 28 cho phép chủ sở hữu sáng chế quyền ngăn chặn nhập khẩu hàng hoá được bảo hộ sáng chế không được sự đồng ý của chủ sở hữu. Tuy nhiên, Điều 28 không quy định sự đồng ý được xác định như thế nào. Với các nước thành viên thừa nhận cơ chế hết quyền quốc gia, sự đồng ý chỉ dẫn đến hết quyền khi hàng hoá được đưa ra thị trường nước thành viên đó. Với các nước áp dụng cơ chế hết quyền khu vực, sự đồng ý chỉ dẫn đến hết quyền khi hàng hoá được đưa ra thị truờng của khu vực đó. Với những nước áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế, sự đồng ý dẫn đến hết quyền khi hàng hoá được đưa ra bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Hiệp định TRIPS không đưa ra nguyên tắc liên quan đến phạm vi địa lý trên cơ sở đó sự đồng ý được xác định[9].
Như vậy, xem xét Điều 6 và các quy định có liên quan khác về hết quyền SHTT trong Hiệp định TRIPS cho thấy: Hiệp định này không bỏ qua vấn đề hết quyền nhưng dành quyền tự quyết cho các nước thành viên trong lựa chọn cơ chế hết quyền. Nói cách khác, Hiệp định TRIPS không đưa ra một nguyên tắc hết quyền bắt buộc cho các nước thành viên WTO.
Thứ hai, Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPS và Sức khoẻ Cộng đồng[10] khẳng định quy định tuỳ nghi của Hiệp định TRIPS về cơ chế hết quyền
Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPS và Sức khoẻ Cộng đồng (Tuyên bố Doha) được thông qua trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên WTO tại Doha tháng 11 năm 2001[11]. Tại Hội nghị này, chính phủ các nước thành viên WTO nhấn mạnh cần phải thực thi và hiểu Hiệp định TRIPS theo hướng hỗ trợ sức khoẻ cộng đồng bằng cách thúc đẩy khả năng tiếp cận các thuốc hiện có và sản xuất thuốc mới. Tuyên bố Doha phản ánh nỗ lực đáng kể của các nước đang phát triển trong việc điều chỉnh sự tập trung của Hiệp định TRIPS vào các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Đoạn 4 Tuyên bố Doha bao gồm “thoả thuận” quan trọng của các Bộ trưởng về tác động của Hiệp định TRIPS đoạn 4 Tuyên bố Doha, các nước thành viên WTO cam kết:
       “Chúng tôi đồng ý rằng, Hiệp định TRIPS không và không nên ngăn chặn các nước thành viên tiến hành các biện pháp bảo vệ sức khoẻ. Theo đó, trong khi lặp lại cam kết của chúng ta theo Hiệp định TRIPS, chúng tôi khẳng định rằng Hiệp định có thể và nên được hiểu cũng như thực thi theo cách hỗ trợ quyền bảo vệ sức khoẻ của các nước thành viên WTO, cụ thể, thúc đẩy tiếp cận thuốc cho tất cả mọi người”.
Bởi vì Tuyên bố Doha được thông qua trên cơ sở đồng thuận của các Bộ trưởng và với ngôn ngữ rõ ràng, Tuyên bố được coi như một “quyết định” của các thành viên WTO theo các quy định của Điều IX:1 Thoả thuận WTO[12]. Trong Tuyên bố Doha, vấn đề hết quyền SHTT được xác định rõ tại đoạn 5(d) như sau:
       “Theo quan điểm của đoạn 4 trên đây […] Tác động của những quy định trong Hiệp định TRIPS liên quan tới hết quyền SHTT là cho phép mỗi nước thành viên quyền tự do thiết lập cơ chế hết quyền mà không có bất kỳ phản đối nào, là đối tượng của nguyên tắc đối xử tối huệ quốc và nguyên tắc đối xử quốc gia theo quy định của Điều 3 và Điều 4”[13].
Đáng lưu ý, đoạn 5(d) của Tuyên bố Doha không nhằm đưa ra cách hiểu cho toàn bộ Điều 6 của Hiệp định TRIPS. Đoạn 5(d) phải được đặt trong mối quan hệ với đoạn 4 của Tuyên bố Doha. Như đã nêu, đoạn 4 chỉ rõ mục tiêu của Tuyên bố Doha là bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Do đó, nếu như đoạn 5(d) của Tuyên bố Doha có tác động đáng kể đến Điều 6 của Hiệp định TRIPS thì đó chính là các vấn đề liên quan đến sức khoẻ. Tuy nhiên, “sức khoẻ cộng đồng” không có nghĩa là chỉ nhằm vào lĩnh vực dược phẩm. Thuật ngữ này bao gồm các lĩnh vực kinh doanh khác liên quan đến sức khoẻ cộng đồng, như: sản xuất và phân phối các thiết bị y tế, các dịch vụ quản lý bệnh viện, bảo hiểm y tế. Nghĩa là, đoạn 5(d) không chỉ liên quan đến sáng chế mà cả các đối tượng SHTT khác. Đoạn 5(d) cũng không chỉ áp dụng với Điều 6 mà tất cả “các điều khoản trong Hiệp định TRIPS có liên quan đến hết quyền SHTT”[14].
Tuyên bố Doha kết thúc những tranh cãi về cơ chế hết quyền theo quy định của Hiệp định TRIPS. Ngôn ngữ khẳng định trong đoạn 5(d) Tuyên bố Doha chỉ rõ rằng Hiệp định TRIPS trao cho các nước thành viên WTO quyền quyết định về cơ chế hết quyền[15]. Hơn nữa, ngoại trừ những đòi hỏi theo quy định của Điều 3 và Điều 4, pháp luật của các thành viên WTO về hết quyền không là đối tượng của bất kỳ quy định nào khác trong Hiệp định TRIPS. Do đó, những lập luận phản đối các quy định mở của Hiệp định TRIPS về cơ chế hết quyền cũng không tồn tại được nữa.
Thứ ba, tồn tại những khác biệt giữa các thành viên WTO trong áp dụng cơ chế hết quyền trước và sau khi thiết lập Hiệp định TRIPS
Vào thời điểm Hiệp định TRIPS được thiết lập, các nước thành viên của Hiệp định chung về Thuế quan và thương mại (GATT) áp dụng các nguyên tắc hết quyền khác nhau[16]. Theo nghiên cứu do Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD) thực hiện, “Lịch sử thương lượng của Hiệp định TRIPS không có dấu hiệu nào chứng tỏ các nước thành viên đã đạt được thoả thuận về nguyên tắc hết quyền thống nhất vào thời điểm ký kết”[17]. Theo nghiên cứu của chúng tôi, từ khi Hiệp định có hiệu lực, các nước vẫn tiếp tục thừa nhận và áp dụng những chính sách hết quyền khác nhau (chẳng hạn, Liên minh Châu Âu áp dụng cơ chế hết quyền khu vực; Nhật Bản áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế; Hoa Kỳ áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia có ngoại lệ cho sáng chế và nhãn hiệu, cơ chế hết quyền quốc tế cho quyền tác giả). Do đó, lập luận Hiệp định TRIPS áp đặt một cơ chế hết quyền cụ thể cho các thành viên WTO không hợp lý từ thực tiễn và lịch sử đàm phán Hiệp định TRIPS.
3. Một số gợi ý cho các nước thành viên WTO trong áp dụng quy định của Hiệp định TRIPS về cơ chế hết quyền
Như đã phân tích ở trên, Hiệp định TRIPS và Tuyên bố Doha - “thoả thuận tiếp theo” của Hiệp định này - trao quyền tự quyết cho các nước thành viên WTO trong xây dựng pháp luật quốc gia về hết quyền sao cho phù hợp với chiến lược phát triển và lợi ích quốc gia. Nhằm áp dụng hiệu quả quy định mở về cơ chế hết quyền của Hiệp định TRIPS, khi xây dựng và áp dụng chính sách, pháp luật về cơ chế hết quyền, dựa trên nghiên cứu của chúng tôi, các quốc gia thành viên WTO có thể xem xét một số gợi ý sau đây:
Thứ nhất, xác định rõ lựa chọn cơ chế hết quyền SHTT phù hợp là vấn đề quan trọng nhất liên quan đến hết quyền SHTT của mỗi quốc gia. Theo nghiên cứu của chúng tôi, áp dụng một cơ chế hết quyền sẽ dẫn đến những tác động nhất định đến lợi ích của chủ thể nắm giữ quyền SHTT, lợi ích của người tiêu dùng, phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và thương mại quốc tế. Cụ thể, mỗi cơ chế hết quyền đều tác động đến lợi nhuận của chủ thể nắm giữ quyền SHTT và đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển; đến giá, số lượng và chất lượng của hàng hoá, dịch vụ; đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, chuyển giao công nghệ và dòng hàng hoá lưu chuyển qua biên giới. Hơn nữa, áp dụng mỗi cơ chế hết quyền đều dẫn đến những tác động hai mặt, trong đó bao gồm cả những tác động tích cực và hạn chế. Những tác động này khác biệt giữa các quốc gia, ngành công nghiệp và đối tượng SHTT[18].
Thứ hai, tiến hành đánh giá những tác động của mỗi cơ chế hết quyền, xem xét những hạn chế và lợi ích của việc áp dụng mỗi cơ chế trong bối cảnh kinh tế, xã hội cụ thể của quốc gia trước khi ban hành chính sách, pháp luật. Phương pháp phân tích chi phí-lợi ích (cost-benefit analysis)[19] nên được áp dụng khi đánh giá tác động của mỗi cơ chế hết quyền nhằm xác định lợi ích của việc áp dụng cơ chế hết quyền cụ thể có vượt quá những hậu quả bất lợi do cơ chế này gây ra hay không. Nếu lợi ích (benefit) lớn hơn chi phí/bất lợi (cost), cơ chế đó nên được xem xét áp dụng. Dưới đây là kết quả nghiên cứu của chúng tôi về những tác động của mỗi cơ chế hết quyền đối với chủ thể nắm giữ quyền SHTT và đối với người tiêu dùng.

Tác động
Hết quyền quốc gia
Hết quyền quốc tế
Hết quyền khu vực
Chủ thể nắm giữ quyền
SHTT
- Quyền SHTT được bảo hộ rộng nhất;
- Khả năng kiểm soát theo chiều dọc cao;
- Cho phép tối đa hoá lợi nhuận bằng sử dụng mô hình phân biệt giá cấp ba;
- Cho phép chia cắt thị trường ở mức độ cao;
- Sức ép cạnh tranh với cùng một nhãn hiệu thấp;
- Có thể tăng đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển.
- Quyền SHTT được bảo vệ hạn chế hơn;
- Khả năng kiểm soát theo chiều dọc thấp;
- Khả năng phân biệt giá cấp ba bị hạn chế;
- Khả năng chia cắt thị trường thấp;
- Sức ép cạnh tranh với cùng một nhãn hiệu cao;
- Có thể giảm đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển.
- Bảo vệ chủ thể nắm giữ quyền SHTT thực hiện việc đưa sản phẩm ra thị trường lần đầu tiên là thị trường Khư vực Kinh tế Châu Âu;
- Khả năng kiểm soát theo chiều dọc trong phạm vi khối Khu vực Kinh tế Châu Âu cao;
- Cho phép chia cắt thị trường mức độ thấp hơn hết quyền quốc gia nhưng cao hơn hết quyền quốc tế;
- Sức ép cạnh tranh với cùng một nhãn hiệu trong phạm vi khối Khu vực Kinh tế Châu Âu thấp;
- Có thể giảm hoạt động nghiên cứu và phát triển trong Khu vực Kinh tế Châu Âu.
Người tiêu dùng
- Khả năng tiếp cận hàng hoá, dịch vụ thấp (ở mức thấp nhất);
- Chất lượng sản phẩm có thể được bảo đảm tốt hơn;
- Tăng giá bình quân;
- Ngăn chặn người tiêu dùng có thu nhập thấp tiếp cận với hàng hoá giá cao.


- Khả năng tiếp cận cao với hàng hoá, dịch vụ (ở mức độ cao nhất);
- Chất lượng sản phẩm có thể giảm sút;
- Giảm giá bình quân;
- Giúp người tiêu dùng có khả năng tiếp cận hàng hoá với giá thấp hơn.

- Khả năng tiếp cận với hàng hoá và dịch vụ cao hơn so với những người tiêu dùng ở những nước áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia;
- Chất lượng của hàng hoá, dịch vụ được đảm bảo;
- Giá sản phẩm cao so với một số thị trường khác ngoài khối Khu vực Kinh tế Châu Âu.

Thứ ba, cơ chế hết quyền phải được thể hiện trong pháp luật quốc gia (sự thể hiện khác nhau đối với các nước thuộc dòng họ pháp luật civil law hoặc common law). Những vấn đề liên quan đến cơ chế hết quyền SHTT được điều chỉnh bởi nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau như pháp luật SHTT, cạnh tranh, hợp đồng, hải quan, quản lý chất lượng hàng hoá. Do đó, các quốc gia cần chú ý sự thống nhất giữa các lĩnh vực pháp luật này.
Thứ tư, có thể lựa chọn những cơ chế hết quyền khác nhau cho các đối tượng SHTT khác nhau dựa trên cơ sở đặc điểm của mỗi đối tượng SHTT và điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia gắn với đối tượng SHTT đó.
Thứ năm, có thể thừa nhận ngoại lệ cho cơ chế hết quyền được áp dụng. Tức là, một quốc gia có thể áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế có ngoại lệ hoặc áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia có ngoại lệ nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Chẳng hạn, Hoa Kỳ thành công khi áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia đối với nhãn hiệu nhưng cho phép NKSS hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ “khi chủ sở hữu nhãn hiệu là công ty mẹ, công ty con, hoặc cùng sở hữu với nhà sản xuất nước ngoài”[20] nhằm bảo vệ hãng sản xuất hoặc nhà sản xuất Hoa Kỳ”[21].
Cuối cùng, một quốc gia có thể áp dụng những cơ chế hết quyền SHTT khác nhau vào những thời điểm khác nhau cho phù hợp và nhằm đạt được các mục tiêu phát triển và lợi ích quốc gia./.


[1] Trong tiếng Anh, thuyết hết quyền là “the exhaustion doctrine” hay “the first sale doctrine”. Thuyết hết quyền được Toà án Tối cao Hoa Kỳ xem xét lần đầu tiên trong vụ việc về sáng chế Adams v. Burke, năm 1873. Ở Châu Âu, thuyết hết quyền gắn liền với tên tuổi học giả Đức Joseph Kohler. Thuật ngữ hết quyền được Toà án Đức sử dụng trong một vụ việc về sáng chế vào năm 1902. Cho đến nay, thuyết hết quyền được áp dụng cho các đối tượng SHTT và vấn đề hết quyền SHTT được đưa vào các thoả thuận quốc tế và khu vực. Trong đó, đặc biệt phải kể đến là Điều 6 Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tụê (Hiệp định TRIPS).
[2] Một số vấn đề lý luận chung về thuyết hết quyền và nhập khẩu song song đã được tác giả giới thiệu trong  một số bài viết sau: Nguyễn Như Quỳnh, Lý thuyết hết quyền sở hữu trí tuệ và vấn đề nhập khẩu song song, Tạp chí Luật học số 1 năm 2006, tr. 47-53; Nguyễn Như Quỳnh, Pháp luật về hết quyền sở hữu trí tuệ và nhập khẩu song song ở một số nước ASEAN, Tạp chí Luật học số 12 năm 2009, tr. 28-36.
[3] Khu vực Kinh tế Châu Âu  bao gồm 27 nước thành viên của Liên minh Châu Âu và 03 nước khác là Iceland, Liechtenstein, Na-uy.
[4] Deere, Carolyn, The Implementation Game: The TRIPS Agreement and the Global Politics of Intellectual Property Reform in Developing Countries, Oxford University Press, 2009, p.75-76; Biadgleng, Ermias Tekeste, TRIPS Post-Grant Flexibilities: Paralell Imports, UNCTAD Workshop on Flexibilities in International Intellectual Property Rules and Local Production of Pharmaceuticals for the Southern, Central, and West African Region, organized in Cape Town, South Africa on 7-9 Dec. 2009, ; Elbeshbishi, Amal Nagah, TRIPS and Public Health: What Should African Countries Do? UN Economic Commission for Africa, Jan. 2007, p.5, .
[5]  Xem: Joseph Straus, Implications of the TRIPS Agreement in the Field of Patent Law, (trong cuốn From GATT to TRIPS – The Agreement on Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights của các tác giả Friedrich-Karl Beier và Gerhard Schricker), IIC 1996, tr. 192; UNCTAD-ICTSD Project on IPRs and Sustainable Development, Resource Book on TRIPS and Development, Cambridge University Press, 2005; Frederick M. Abbott, First Report (Final) to the Committee on International Trade law of the International Law Association on the Subject of Parallel Importation, Journal of International Economic Law, 1998, p.633.
[6] Carlos M. Correa, Intellectual Property Rights, the WTO and Developing Countries: The TRIPS Agreement and Policy Options, Zed Books Ltd., 2000, p.83; Carsten Fink, Entering the Jungle of Intellectual Property Rights Exhaustion and Parallel Importation, (trong cuốn Intellectual Property and Development: Lessons From Recent Economic Research do Carsten Fink và Keith E. Maskus biên tập), A copublication of the World Bank and Oxford University Press, 2005, p.190; Bronckers, Macro C.E.J., The Exhaustion of Patent Rights under WTO Law, Journal of World Trade, Volume 32, p.157.
[7] Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPS và Sức khoẻ cộng đồng, WT/MIN(01)/DEC/2 20, tháng 11/2001.

[8] Xem Điều 1(1) Hiệp định TRIPS.
[9] UNCTAD-ICTSD Project on IPRs and Sustainable Development, Resource Book on TRIPS and Development, Cambridge University Press, 2005, p.105.
[10] Xem: Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPS và Sức khoẻ cộng đồng, WT/MIN(01)/DEC/2 20, tháng 11 năm 2001.
[11] Về Tuyên bố Doha, xem thêm: Nguyen Nhu Quynh, Parallel Trade of Patented Pharmaceuticals from Developing Country Perspective, SSRN, , 23 February 2011.
[12] Xem: Frederick M. Abbott, The Doha Declaration on the TRIPS Agreement and Public Health: Lighting a Dark Corner at the WTO, Journal of International Economic Law, Volume 5, 2002, p.493.
[13] Xem: Document WT/MIN(01)/DEC/2 dated 20 November  2001, có tiêu đề là “Ministerial Conference – Fourth Session-Doha, 9-14 November 2001-Declaration on the TRIPS Agreement and Public Health-Adopted on 14 November 2001”, do WTO banh hành, tại: http://www.worldtradelaw.net/doha/TRIPShealth.pdf. (Lưu ý: trong phần trích dẫn trên đây, tác giả lược bỏ một số từ và sử dụng kiểu chữ in nghiêng để nhấn mạnh).
[14] Nuno Pires de Carvalho, The TRIPS Regime of Trademarks and Designs, Kluwer Law International 2006, p.145-146.
[15] Frederick M. Abbott, The Doha Declaration on the TRIPS Agreement and Public Health: Lighting a Dark Corner at the WTO, Journal of International Economic Law, Volume 5, 2002; Carvalho, Nuno Pires de, The TRIPS Regime of Patent Rights, 2nd edition, Kluwer Law International, 2005, đoạn 6.6; Carlos M. Correa, Implication of Doha Declaration of on the TRIPS Agreement and Public Heath, June 2002, p.17-18 .
[16] UNCTAD-ICTSD Project on IPRs and Sustainable Development, Resource Book on TRIPS and Development, Cambridge University Press, 2005, p.94.
[17] UNCTAD-ICTSD Project on IPRs and Sustainable Development, Resource Book on TRIPS and Development, Cambridge University Press, 2005, p.105.
[18] Để biết thêm chi tiết về những tác động này, xem: Nguyễn Như Quỳnh, Hết quyền đối với nhãn hiệu trong pháp luật, thực tiễn quốc tế và Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, năm 2012.
[19] Chi tiết về phân tích chi phí-lợi ích, xem: Matthew D. Adler và Eric A. Posner (biên tập), Cost-Benefit Analysis: Legal, Economic, and Philosophical Perspectives, The University of Chicago Press, 2001, p.17.
[20] Vụ Kmart Corp. v. Cartier, Inc., 486 U.S. 281, 286-287 (1988), đoạn 282.
[21] H.R.Conf.Re. No. 1223, 67th Cong., 2d Sess., at 158, 1922.


Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét