Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Rắc rối chuyển giao tài sản được bảo hiểm

Nhiều tranh chấp xảy ra
Trong tình hình kinh tế khó khăn, hoạt động giải thể, sáp nhập, thâu tóm DN diễn ra nhiều hơn. Cùng với đó, do yêu cầu tái cơ cấu hoạt động sản xuất – kinh doanh, sắp xếp lại các bộ phận, loại bỏ các mảng hoạt động kém hiệu quả của các DN, hoạt động chuyển nhượng tài sản cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, khi chuyển nhượng tài sản liên quan đến hợp đồng bảo hiểm cho tài sản đó đã xảy ra nhiều tranh chấp, đến từ cả hai phía, phía khách hàng đòi bồi thường và phía nhà bảo hiểm đòi nợ phí.
Đơn cử như trường hợp một DN lớn của Nhà nước thực hiện tái cấu trúc, chuyển các đội tàu vốn hoạt động không hiệu quả về đơn vị khác có chuyên môn trong lĩnh vực hàng hải. Mặc dù bảo hiểm thân tàu không thuộc loại bảo hiểm bắt buộc, nhưng hiếm có chủ tàu nào không mua và đương nhiên đội tàu nói trên đều được mua bảo hiểm. Tranh chấp xảy ra khi bên bảo hiểm cho rằng, tài sản được chuyển giao thì trách nhiệm của nhà bảo hiểm kết thúc.
Một vụ tranh chấp khác xảy ra khi một DN chuyển giao nhà xưởng cho DN khác, sau đó nhà xưởng bị cháy và nhà bảo hiểm từ chối bồi thường, bởi các bên chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, đất kèm với nhà xưởng chưa sang tên. Phía DN bảo hiểm cho rằng, họ chỉ có trách nhiệm với chủ sở hữu hợp pháp của nhà xưởng. Trong khi đó, chủ mới không thể thương thuyết để chủ cũ làm giấy ủy quyền cho chủ mới trong việc giải quyết bồi thường, dẫn đến tranh chấp kéo dài.

Lưu ý trước khi chuyển nhượng tài sản
Theo luật sư Thái Văn Cách, khi chuyển nhượng tài sản, các bên có thể lựa chọn và thỏa thuận có chuyển nhượng kèm theo cả hợp đồng bảo hiểm hay không. Luật pháp trong lĩnh vực bảo hiểm quy định, trong trường hợp chủ sở hữu tài sản đã được mua bảo hiểm, nay bán cho chủ mới kèm theo cả hợp đồng bảo hiểm thì người đứng ra mua bảo hiểm phải có văn bản thông báo cho nhà bảo hiểm. Đồng thời, phải hoàn tất các thủ tục mua bán, đặc biệt là với tài sản phải có giấy tờ sở hữu hoặc đăng ký như nhà đất, ô tô thì phải có hợp đồng công chứng chứng thực, thanh toán, biên bản thanh lý hợp đồng, sang tên… Khi có tổn thất xảy ra, nhà bảo hiểm sẽ kiểm tra các giấy tờ này, nếu không hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng, nhà bảo hiểm có thể từ chối bồi thường, bởi nhà bảo hiểm chỉ có nghĩa vụ đối với chủ sở hữu của tài sản. Khi đó, bên mua tài sản phải có được giấy ủy quyền của chủ cũ thì nhà bảo hiểm mới giải quyết bồi thường.
Nếu không muốn bán tài sản kèm theo cả giá trị hợp đồng bảo hiểm, chủ tài sản có thể yêu cầu nhà bảo hiểm thỏa thuận hủy hợp đồng, khi đó chủ tài sản sẽ được nhà bảo hiểm hoàn lại số phí tương đương với thời gian còn lại của hợp đồng. Chi phí này thường được các nhà bảo hiểm tính vào khoảng 20 – 30% số phí.
Về phía nhà bảo hiểm, luật pháp không quy định các trường hợp nhà bảo hiểm được quyền từ chối. Do đó, mặc nhiên, khi chủ tài sản cũ có văn bản thông báo về việc chuyển nhượng tài sản kèm theo hợp đồng bảo hiểm, nhà bảo hiểm phải tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Thực tế, không chỉ bên nhận chuyển nhượng tài sản vướng mắc vào các tranh chấp đòi bồi thường bảo hiểm, ngay cả nhà bảo hiểm cũng vướng mắc vào các vụ việc đòi nợ phí khi tài sản được chuyển giao và cả chủ mới lẫn chủ cũ đều đùn đẩy trách nhiệm trả phí. Ví dụ, vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm ở tỉnh Quảng Trị. Theo đó, nhà bảo hiểm và khách hàng ký kết hợp đồng bảo hiểm tài sản cho nhà máy gỗ, chia 3 kỳ đóng phí và nhà bảo hiểm có văn bản chấp nhận cho khách hàng nợ phí kỳ 1. Trong thời gian đó, khách hàng chuyển giao nhà máy gỗ cho DN khác theo quyết định của ĐHCĐ. Sau đó, các bên ngồi lại và thống nhất là chưa thanh lý hợp đồng bảo hiểm, chủ cũ và chủ mới của nhà máy gỗ sẽ phải làm việc với nhau để xem xét chuyển giao hợp đồng hay ký hợp đồng mới. Tuy nhiên, hết hạn hợp đồng, nhà bảo hiểm vẫn không thu được phí nên đã khởi kiện. Vụ kiện kéo dài gần 4 năm mới có được kết quả là chủ cũ phải đóng phí kể từ ngày ký kết hợp đồng bảo hiểm cho đến thời điểm chuyển giao tài sản, chủ mới sẽ đóng nốt phần phí còn lại.
Các bên tham gia chuyển nhượng tài sản được bảo hiểm cần lưu ý các vấn đề trên để tránh những rắc rối có thể phát sinh.            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét