Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Kiểm tra, xác minh tin báo về tội phạm là hoạt động điều tra?


Gần đây, Cục Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao đã khởi tố điều tra một số vụ án “Dùng nhục hình”, trong đó có 2 vụ án xảy tại Công an TP. Nha Trang. Các cán bộ điều tra bị khởi tố đều có hành vi đánh người bị tình nghi khi giải quyết tin báo tội phạm (TBTP). Việc xác minh, kiểm tra nguồn tin có phải là “hoạt động điều tra” là vấn đề được tranh luận nhiều nhất nhưng lại chưa được Hội đồng Xét xử (HĐXX) kết luận khi tuyên án.
Như Báo Khánh Hòa đưa tin, ngày 9-1, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt Trần Bá Tuấn (nguyên điều tra viên - ĐTV), Nguyễn Đình Quyết (cán bộ trinh sát) mỗi bị cáo (BC) 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Dùng nhục hình”.
Đáng lưu ý, tại phiên tòa, các BC và luật sư bào chữa đều chung quan điểm cho rằng, quyết định truy tố về tội “Dùng nhục hình“ là không có căn cứ, với lập luận: Các BC chỉ thực hiện công tác xác minh, kiểm tra TBTP chứ không có hoạt động điều tra, bởi chỉ được coi là hoạt động điều tra vụ án hình sự (VAHS) kể từ khi bắt đầu khởi tố VAHS, khởi tố BC và phân công ĐTV. Các BC đã dùng vũ lực với bà Lan ở giai đoạn tiền tố tụng, vì thời điểm đó chưa khởi tố vụ án, khởi tố BC và chưa có quyết định phân công ĐTV, nên chưa thể coi là có hoạt động điều tra…
Đại diện VKSND đã bác bỏ quan điểm trên với lập luận: Hoạt động điều tra được xác định từ khi có tội phạm xảy ra, dựa trên: Tố giác của công dân, tin báo của cơ quan, tổ chức…, bắt khẩn cấp, khám nghiệm hiện trường, tử thi, tạm giữ vật chứng. BC Tuấn là ĐTV, được lãnh đạo Đội phân công trực tiếp xác minh tin tố giác. Chính BC Tuấn đã tiến hành hoạt động điều tra như lấy lời khai của bà Lan, thu giữ vật chứng, tạm giữ bà Lan tại Đội Cảnh sát điều tra Công an TP. Nha Trang từ ngày 28-11 đến 17 giờ ngày 29-11-2010; các BC dùng nhục hình với các hình thức như: xích chân, đánh đập, chích điện, buộc bà Lan phải khai nhận những việc không đúng sự thật…
Vụ án không phức tạp về đánh giá chứng cứ chứng minh có hành vi dùng nhục hình hay không, vì các BC đã thừa nhận có đánh người bị tình nghi. Vì vậy, quá trình xét hỏi, tranh tụng tại Tòa chủ yếu xoay quanh cách hiểu và áp dụng pháp luật tố tụng hình sự thế nào cho đúng, như: Việc ĐTV xác minh, kiểm tra TBTP theo Điều 103 Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) có phải hoạt động điều tra? Thời hạn xác minh có được tính vào thời hạn điều tra VAHS, việc phân công ĐTV giải quyết tin báo thuộc thẩm quyền của ai, phân công bằng miệng hay bằng văn bản… Nội dung xét hỏi của Tòa nhằm xác định hành vi của ĐTV đánh người bị tình nghi trong giai đoạn này có phạm tội “Dùng nhục hình”. Được biết, trước khi xét xử vụ án này, TAND đã một lần trả hồ sơ, yêu cầu thu thập quyết định phân công ĐTV điều tra VAHS. Tuy nhiên, VKSND Tối cao cho rằng, những nội dung yêu cầu là không có căn cứ, nên giữ nguyên cáo trạng, ủy quyền cho VKSND tỉnh chuyển vụ án đến TAND tỉnh xét xử sơ thẩm.
Tại Tòa, các bên tranh tụng nêu quan điểm về nhận thức và áp dụng pháp luật (Điều 103 BLTTHS và Điều 298 Bộ Luật Hình sự - BLHS). Bên buộc tội cho rằng giải quyết TBTP là hoạt động điều tra. Bên gỡ tội thì bác bỏ. Các BC thì trước sau vẫn cho rằng họ không phải chủ thể của hoạt động điều tra nên không phạm tội. Nội dung điều luật  chưa  cụ thể, chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất nên quá trình giải quyết vụ án có những quan điểm khác nhau là không tránh khỏi. Đây cũng là khó khăn trong thực tiễn thi hành pháp luật.
Trở lại vụ án, HĐXX đã tuyên các BC phạm tội nhưng không viện dẫn quy định hoặc văn bản pháp luật cụ thể để kết luận việc xác minh, kiểm tra TBTP là hoạt động điều tra, từ đó nhằm bác bỏ quan điểm bào chữa của các BC và luật sư. Nhận định tại án sơ thẩm chỉ đánh giá chung chung: hành vi của các BC là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng và xâm phạm sức khỏe, danh dự của công dân được BLHS bảo vệ, gây mất niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và hình ảnh tốt đẹp về người Công an nhân dân nói riêng, tạo ra bức xúc trong dư luận…
Nhiều luật gia, luật sư theo dõi phiên tòa cho rằng: Theo luật, chỉ có cơ quan điều tra mới có quyền giải quyết TBTP. Điều 103 BLTTHS đã quy định thời hạn để cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra, xác minh, sau đó phải ra một trong các quyết định: khởi tố VAHS, không khởi tố VAHS. Khi tiếp nhận nguồn tin tố giác, cơ quan điều tra phân công ĐTV thực hiện (không bắt buộc bằng văn bản như thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố BC). ĐTV được phân công phải tiến hành các hoạt động nghiệp vụ để kiểm tra tính xác thực của nguồn tin, như: Lấy lời khai những người biết thông tin, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc báo cáo về nội dung sự việc… nhằm xác định, kết luận: nguồn tin cung cấp có căn cứ hay không; có hành vi phạm tội xảy ra hay không; xảy ra ở đâu; khi nào; ai là người thực hiện hoặc có liên quan… từ đó giải quyết theo quy định của pháp luật. Luật pháp nghiêm cấm dùng nhục hình dưới mọi hình thức. Người nào dùng nhục hình trong hoạt động điều tra sẽ bị xử lý theo Điều 298 BLHS. Hoạt động điều tra được hiểu theo nghĩa rộng, chứ không chỉ bó hẹp từ khi có quyết định khởi tố VAHS. Khi tiến hành các hoạt động xác minh, kiểm tra TBTP, nếu ĐTV hoặc cán bộ được phân công sử dụng bạo lực đối với người bị tình nghi hoặc bất cứ đối tượng khác có liên quan, dù với động cơ nào, cũng bị xử lý theo pháp luật, vì hành vi này đã xâm phạm đến các quyền cơ bản bất khả xâm phạm của công dân mà Hiến pháp và pháp luật đã quy định.
Vụ án đã tạm khép lại bằng bản án sơ thẩm nhưng vấn đề pháp lý trên vẫn còn bỏ ngỏ, do vậy khó thuyết phục những người tham gia tố tụng và người dự phiên tòa. Hy vọng, vấn đề này sẽ được kết luận rõ ràng trong các phiên tòa sau. Thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền cũng cần hướng dẫn áp dụng thống nhất về trình tự, thủ tục giải quyết TBTP, đảm bảo xử lý vụ việc nhanh chóng, chính xác, nhưng vẫn bảo vệ đầy đủ các quyền cơ bản của công dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét