Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Cưỡng chế thi hành án- Lý luận và thực tiễn áp dụng


Cưỡng chế thi hành án dân sự là biện pháp cưỡng bức bắt buộc của cơ quan thi hành án do Chấp hành viên quyết định theo thẩm quyền quy định nhằm buộc đương sự( người phải thi hành án) phải thực hiện những hành vi hoặc nghĩa vụ về tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án, được áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành trong thời hạn do Chấp hành viên ấn định, hoặc trong trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án tầu tán, hủy hoại tài sản.
Cưỡng chế thi hành án dân sự đây là một biện pháp nghiêm khắc được Chấp hành viên áp dụng trong quá trình tổ chức thi hành án, thể hiện việc Cơ quan thi hành án sử dụng quyền lực nhà nước để buộc người phải thi hành án thi hành nghĩa vụ mà bản án, quyết định đã tuyên.
Lý luận chung về công tác tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự 
I. Cơ sở pháp lý 
Cưỡng chế thi hành án dân sự là một biện pháp nghiêm khắc nhất trong quá trình Chấp hành viên tổ chức thi hành án, do đó, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định rất chặt chẽ về cưỡng chế trong thi hành án dân sự. 
- Điều 9 Luật THADS năm 2008 quy định " Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này”. 
- Điều 46 Luật THADS quy định " Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế; Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định”. 
Hơn nữa, Luật THADS năm 2008 còn quy định riêng Chương IV, từ Điều 66 đến Điều 121 về áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án dân sự. 
Ngoài ra, việc cưỡng chế thi hành án còn được quy định cụ thể hơn trong Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ từ Điều 8 đến Điều 17.
Qua đó, cho thấy thủ tục cưỡng chế và áp dụng biện pháp bảo đảm trong thi hành án dân sự giữ một vai trò rất quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành án. Mặc dù cơ sở pháp lý chưa được quy định cụ thể hơn trong các văn bản dưới luật nhưng nhìn chung là đầy đủ và cần thiết cho Chấp hành viên áp dụng trong thực tế tổ chức thi hành án dân sự.
II. Lý Luận chung về cưỡng chế thi hành án dân sự 
1. Khái niệm về cưỡng chế thi hành án

Cưỡng chế thi hành án dân sự là biện pháp cưỡng bức bắt buộc của cơ quan thi hành án do Chấp hành viên quyết định theo thẩm quyền nhằm buộc đương sự phải thực hiện những hành vi hoặc nghĩa vụ về tài sản theo bản án, quyết định của tòa án, được áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành trong thời hạn do Chấp hành viên ấn định, hoặc trong trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán, hủy hoại tài sản.
2. Điều kiện áp dụng biện pháp cưỡng chế 
Để áp dụng được biện pháp cưỡng chế thi hành án, cần phải hội đủ các điều kiện sau đây: Người phải thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản hoặc phải thực hiện hành vi theo bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Trọng tài, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh; Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành án. 
Cho thấy, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự chỉ được áp dụng khi người phải thi hành án có nghĩa vụ và hành vi phải thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, nhất là có thái độ và hành vi không tự nguyện thi hành án khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án. Theo khoản 6, Điều 3 Luật THADS năm 2008, có điều kiện thi hành án là trường hợp người phải thi hành án có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản; tự mình hoặc thông qua người khác thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
3. Nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự 
Cưỡng chế thi hành án dân sự là một biện pháp nghiêm khắc nhất, do đó, Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án không được áp dụng một cách tùy tiện mà phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Các nguyên tắc đó là: 
- Chỉ áp dụng các biện pháp cưỡng chế được pháp luật quy định, bao gồm: 1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án. 2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. 3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ. 4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án. 5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ. 6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định( Điều 71 Luật THADS năm 2008). 
- Chỉ được áp dụng biện pháp cưỡng chế sau khi đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án trừ trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Ngoài ra, cơ quan thi hành án dân sự không không tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng trong thời gian 15 ngày trước và sau tết Nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách, nếu họ là người phải thi hành án. 
- Việc tổ chức cưỡng chế phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết khác. Chấp hành viên phải ước tính giá trị tài sản để làm cơ sở cho việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia sẽ làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án( điểm 2, khoản 1, Điều 8 Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ). 
- Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào bản án, quyết định và từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Nguyên tắc này đòi hỏi rất cao về mặt chuyên môn nghiệp vụ của Chấp hành viên, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức Chấp hành viên. Vì việc tổ chức cưỡng chế thi hành án có thuận lợi hay không, an toàn hay không và có ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bản xảy ra việc cưỡng chế hay không tùy thuộc vào việc có áp dụng thống nhất nguyên tắc này trên thực tế của Chấp hành viên. 
4. Căn cứ cưỡng chế thi hành án 
Theo Điều 70 Luật THADS năm 2008, căn cứ tổ chức cưỡng chế gồm có: bản án quyết định, quyết định thi hành án, quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản, quyết định đã tuyên kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án. 
Như vậy, trên cở sở pháp lý đã có, Chấp hành viên cần phải tuân thủ đúng và đầy đủ những quy định của pháp luật để áp dụng biện pháp cưỡng chế. Nhưng để có thể tổ chức được việc cưỡng chế, Chấp hành viên phải thực hiện những trình tự, thủ tục nào? Muốn biết cụ thể hơn, ta hãy đi vào phân tích một số tình huống dưới đây để thấy được điều đó.
Một số tình huống trong công tác tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự

I. Tình huống cưỡng chế " Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ” theo khoản 5, Điều 71 Luật THADS năm 2008
Bản án số: 200/DSPT ngày 28/8/2009 của TAND tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm vụ việc tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất giữa các bên gồm: 
Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1950, trú tại khóm Xuân Phú, thị trấn TB, huyện TB, tỉnh An Giang. 
Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1975, trú tại khóm Xuân Phú, huyện TB, tỉnh An Giang. 
Án tuyên: Y án sơ thẩm. Buộc ông Nguyễn Văn Thanh phải giao trả diện tích 300 m2 quyền sử dụng đất thổ cư nằm trong diện tích 1.200 m2 quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn C được UBND huyện TB cấp giấy CNQSDĐ số: 002231 QSDĐ/gK ngày 14/4/2006( Theo bản đồ hiện trạng sử dụng đất do Văn phòng đăng ký quyền sử đất huyện TB lập ngày 22/6/2009). Đồng thời, buộc ông Nguyễn văn Thanh phải tháo dở, di dời căn nhà cấp 4( kết cấu mái lợp tole, vách ván, khung gỗ tạp, diện tích 47 m2) cất trên diện tích đất của ông Nguyễn Văn C ra nơi khác. Ông Nguyễn Văn C tự nguyện hỗ trợ việc tháo dở, di dời căn nhà cho ông Nguyễn Văn Thanh số tiền 10.000.000 đồng. Án còn tuyên án phí và hoàn tạm ứng án phí cho các bên đương sự. 
Sau khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án ngày 01/9/2009 của ông Nguyễn Văn C có nội dung: Yêu cầu ông Nguyễn Văn Thanh phải tháo dở, di dời căn nhà trả lại diện tích 300 m2 quyền sử dụng đất và tự nguyện hỗ trợ số tiền 10.000.000 đồng cho ông Nguyễn Văn Thanh. Cơ quan thi hành án dân sự huyện TB kiểm tra đơn yêu cầu thi hành án, thấy hợp lệ và ra quyết định theo đơn yêu cầu thi hành án số: 365/QĐ-THA ngày 03/9/2009, giao cho Chấp hành viên Nguyễn Văn Y tổ chức thi hành án. 
Ngày 03/9/2009, Chấp hành viên ra Giấy báo tự nguyện thi hành án số: 350/GBTN-THA ấn định thời hạn cho ông Nguyễn Văn Thanh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. 
Trình tự thi hành án, Chấp hành viên tiến hành tống đạt các quyết định về thi hành án cho ông Nguyễn Văn Thanh. Ông Nguyễn Văn Thanh không nhận quyết định và có thái độ không tự nguyện thi hành án. Do đó, Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của ông Nguyễn Văn Thanh. 
Theo biên bản xác minh ngày 11/9/2009, ông Nguyễn Văn Thanh có vợ và một người con trai 03 tuổi đang sinh sống trong căn nhà phải di dời, nghề nghiệp làm thuê, trình độ văn hóa 07/12, tiền án không, tiền sự có 01 tiền sự về hành vi cố ý gây tích, về điều kiện tái định cư, ông Thanh có một khu vườn trồng cây lâu năm nằm trên cùng địa bàn khóm Xuân Phú, thị trấn TB, huyện TB có diện tích 01ha, về các mối quan hệ có anh em rất đông, khoảng 09 anh em ở gần nơi tổ chức cưỡng chế và nhiều họ hàng thân thích khác. 
Qua trao đổi với chính quyền địa phương, Chấp hành viên ghi nhận quan điểm của địa phương là đồng tình với bản án, cần thiết phải tổ chức cưỡng chế để buộc ông Thanh trả lại đất cho ông C. Vì ông Thanh rất ngang ngược, xin được cất một lều tạm nhờ trên đất trong một năm để chờ khi nào thu hoạch được mùa vụ thì sẽ trả lại đất, nhưng ông Thanh không trả đất mà còn cất nhà kiên cố, chiếm dụng hết diện tích đất trống còn lại của ông C để nuôi bò, chính quyền địa phương đã xử phạt hành vi cất nhà không phép nhưng đến nay ông Thanh vẫn chưa thi hành. Nếu cơ quan thi hành án tổ chức cưỡng chế thì UBND thị trấn sẽ hỗ trợ về mặt lượng tham gia để phối hợp với cơ quan thi hành án trong quá trình cưỡng chế. 
Nắm được các thông tin trên, Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế thi hành án số: 19/QĐ-THA ngày 15/9/2009 lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án số 20/KHCC-THA ngày 15/9/2009 trình Lãnh đạo cơ quan thi hành án phê duyệt và gửi cho các cơ quan liên quan để phối họp trong quá trình cưỡng chế. 
Đúng ngày giờ đã ấn định trong kế hoạch cưỡng chế thi hành án, Chấp hành viên tổ chức thực hiện việc cưỡng chế. 
Do trong quá trình vận động, giáo dục, thuyết phục ông Thanh tự nguyện thi hành án, Chấp hành viên có giải thích nếu ông Thanh có hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ thì sẽ bị xử lý hình sự về tội " Chống người thi hành công vụ” theo Điều 257 Bộ luật hình sự năm 2009. Với trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế của mình, ông Thanh đã thể hiện thái độ chống đối bằng hành vi vắng mặt tại nơi tổ chức cưỡng chế. Thông thường, tâm lý của người phải thi hành án luôn cho rằng, nếu vắng mặt mình thì cơ quan thi hành án sẽ cưỡng chế ai? Và khi mình vắng mặt, việc khiếu nại sau khi cưỡng chế sẽ có nhiều căn cứ hơn để có thể yêu cầu hủy kết quả cưỡng chế của Chấp hành viên. 
Trong trường hợp này, Chấp hành viên đã lập biên bản ghi rõ việc vắng mặt này của ông Thanh, mặt dù ông Thanh đã được thông báo hợp lệ về thời gian và địa điểm cưỡng chế thi hành án. 
Song song, Chấp hành viên lập biên bản mở khóa, tiến hành mở cửa nhà, có sự chứng kiến của Hội đồng cưỡng chế, người làm chứng và Viện kiểm sát nhân dân, sau đó, đưa tài sản ra khỏi nhà có sự kiểm kê rõ ràng, chi tiết về số lượng, chủng loại, hiện trạng tài sản. 
Lúc này, ông Thanh và một số người thân xuất hiện tại nơi cưỡng chế và có ý kiến xin được vào nhà để tự di dời tài sản ra khỏi nhà. Xét thấy yêu cầu của ông Thanh là chính đáng, nên sau khi thống nhất ý kiến của Hội đồng, Chấp hành viên đồng ý để ông Thanh và người thân của mình thực hiện việc di dời tài sản. 
Khi vào trong nhà, ông Thanh chưa thực hiện ngay việc di dời tài sản mà tiến đến bàn thờ thắp nhang cho ông Chia, và kêu khóc thảm thiết, vu khống rằng do bị Tòa án xử ép nên ông Chia chết không thể nhắm mắt. 
Thấy tình hình trở nên căng thẳng, Chấp hành viên xin phép gia đình cho được thắp nén hương khấn vái vong linh người đã mất, cho phép trong thời hạn 05 hoặc 10 phút nữa sẽ di dời bàn thờ, di ảnh ra khỏi nhà để thực hiện nhiệm vụ, trong lúc khấn vái Chấp hành viên nói rất to cho mọi người có mặt cùng nghe việc cơ quan thi hành án tổ chức cưỡng chế là thực hiện nhiệm vụ được pháp luật cho phép, mong muốn vong linh người đã khuất xét thấy và thông cảm cho việc làm của Chấp hành viên, không quở trách những người tổ chức cưỡng chế thi hành án. 
Những tưởng với tấm lòng thành kính đó có thể xoa dịu được căng thẳng trong lòng của ông Thanh và một số người thân, nhưng khi Chấp hành viên có yêu cầu lực lượng nhân công tiến hành việc di dời bàn thờ và di ảnh thì ông Thanh và người thân liền lớn tiếng hâm dọa anh em nhân công, yêu cầu Chấp hành viên và lực lượng nhân công ra khỏi nhà, nếu không ra họ sẽ chém chết. 
Do đã có sự thống nhất về phương án cưỡng chế từ trước, Chấp hành viên yêu cầu lực Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp nhanh chóng khống chế ngay ông Thanh, bắt ngay đối tượng đối tượng có hành vi manh động, quá khích, di lý về trụ sở công an thị trấn TB để tạm giữ chờ xử lý sau. 
Khi tình hình đã lắng dịu, Chấp hành viên yêu cầu lực lượng công nhân tiếp tục tiến hành việc đưa tài sản ra khỏi nhà, đồng thời nhanh chóng tháo dở, di dời căn nhà, đưa tất cả tài sản về trụ sở cơ quan thi hành án bảo quản. 
Xong, thực hiện việc đo đạc diện tích đất và lập biên bản giao quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn C ký nhận.
Kết thúc buổi cưỡng chế, toàn thể lực lượng và thành phần tham gia cưỡng chế tập trung tại Hội trường UBND thị trấn TB để họp rút kinh nghiệm. Qua tình huống trên, ta thấy rằng một khi đương sự đã không tự nguyện thi hành án thì họ luôn tìm mọi cách để trì hoãn, chống đối việc thi hành án. Chấp hành viên với bản lĩnh và kinh nghiệm của mình không thể để cho đương sự lợi dụng được tâm lý của Chấp hành viên là lúc nào cũng tạo điều kiện để đương sự tự nguyện thi hành án. Nên chăng, trước thời điểm công bố quyết định cưỡng chế thi hành án, nếu đương sự không tự nguyện thì cương quyết tổ chức cưỡng chế đến cùng, sau khi cưỡng chế xong, nếu đương sự có thái độ tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên mới tạo điều kiện để họ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. 
Trong trường hợp trên, việc để cho ông Thanh và người thân vào nhà để rồi có hành vi chống đối là một trường hợp thường xảy ra trong thực tế. Vì vậy, Chấp hành viên cần rút kinh nghiệm để khi có những trường hợp tương tự xảy ra thì không để cho mình phải bị động trước những thủ đoạn của người phải thi hành án.
II. Tình huống cưỡng chế " Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định” theo khoản 6, Điều 71 Luật THADS năm 2008 
Bản án số: 100/2009/DSST ngày 01/7/2009 của Tòa án nhân dân huyện TB tuyên buộc: 
Ông Lâm Văn Khanh, sinh năm 1956, trú tại tổ 01, ấp Phú Hòa, xã AP, huyện TB, tỉnh AG chấm dứt hành vi ngăn cản ông Lâm Văn Khánh, sinh năm 1980, trú tại khóm Sơn Đông, thị trấn NB, huyện TB, tỉnh AG chuyển nhượng diện tích 1.200 m2 quyền sử dụng đất thổ cư và lâu năm khác tọa lạc tại tổ 01, ấp Phú Hòa, xã AP, huyện TB, tỉnh AG cho người khác. 
Ngày 20/8/2009, ông Lâm Văn Khánh có đơn yêu cầu cơ quan thi hành án buộc ông Lâm Văn Khanh không được cản trở ông chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác. 
Sau khi xem xét đơn yêu cầu thi hành án đúng theo quy định của pháp luật, Cơ quan thi hành án dân sự huyện TB ra quyết định thi hành án số 200/QĐ.THA ngày 24/8/2009 và giao cho Chấp hành viên Nguyễn Văn Y tổ chức thực hiện quyết định. 
Ngày 24/8/2009, Chấp hành viên ra giấy báo tự nguyện thi hành án số 198/GB.TNTHA ấn định trong thời hạn 15 ngày ông Lâm Văn Khanh phải tự nguyện chấm dứt hành vi cản trở ông Lâm Văn Khánh chuyển nhượng diện tích 1.200 m2 đất thổ cư và lâu năm khác tọa lạc tại tổ 01, ấp Phú Hòa, xã AP, huyện TB. 
Sau khi tống đạt hợp lệ các văn bản về thi hành án cho ông Lâm Văn Khanh và triệu tập ông Lâm Văn Khanh đến cơ quan thi hành án để giải quyết thi hành án thì ông Khanh trình bày như sau: Đất đai của con tôi do cô nó cho, nó có quyền chuyển nhượng cho ai thì tùy nó, tôi đâu có ngăn cấm hay cản trở gì đâu. Việc cơ quan thi hành án ra quyết định buộc tôi chấm dứt hành vi cản trở, tôi xin tự nguyện thi hành án. Con tôi sau này muốn chuyển nhượng đất cho ai thì tùy, tôi không quan tâm. 
Trên cơ sở tự nguyện của ông Lâm Văn Khanh, Chấp hành viên ra giấy báo mời ông Lâm Văn Khánh đến để thông báo nội dung làm việc với ông Khanh cho ông biết. 
Ngày 31/8/2009, ông Lâm Văn Khánh đến cơ quan thi hành án trình báo rằng ông không thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Mai Văn Giao với giá 200.000.000 đồng được, vì ông Mai Văn Giao không dám vào khu đất để thực hiện việc dựng hàng rào phân định ranh mốc, do đó, ông Giao không đồng ý nhận chuyển nhượng mà yêu cầu khi nào dựng được hàng rào thì ông mới đồng ý ký hợp đồng chuyển nhượng và giao tiền đầy đủ. 
Ngày 04/9/2009, Chấp hành viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện TB, đại diện chính quyền địa phương( Đ/c Phó Chủ tịch, Tư pháp, Công an xã, Trưởng ấp Phú Hòa) cùng ông Lâm Văn Khánh và ông Mai Văn Giao cùng đến vị trí khu đất để chứng kiến việc dựng hàng rào của ông Mai Văn Giao. Khi ông Giao và một số nhân công chuẩn bị xuống trụ đá thì ông Lâm Văn Khanh trong nhà đi ra và nói với ông Giao rằng nếu ông Giao rào xong thì ông Khanh và các người con khác sẽ ra nhổ bỏ, mọi thiệt thòi do ông Giao chịu, vì tôi là cha của Khánh, tôi có quyền cho con mình chuyển nhượng hay không. 
Nhận thấy hành vi của ông Khanh là vi phạm pháp luật, Chấp hành viên lập biên bản vi phạm hành chính của ông Khanh và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính buộc ông Khanh phải nộp phạt số tiền 200.000 đồng theo điểm b, khoản 2, Điều 7 Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Tư pháp( Không thực hiện công việc buộc phải làm hoặc không chấm dứt thực hiện công việc không được làm nêu trong bản án, quyết định của Tòa án theo quyết định thi hành án). Đồng thời ấn định cho ông Khanh trong thời hạn 05 ngày làm việc phải đến kho bạc Nhà nước huyện TB để nộp tiền phạt. Vào ngày 15/9/2009, ông Khanh đã đóng đủ tiền phạt và nộp biên lai cho cơ quan thi hành án dân sự huyện TB 
Ngày 16/9/2009, Chấp hành viên cùng Viện kiểm sát nhân dân huyện TB, đại diện chính quyền địa phương( Đ/c Phó Chủ tịch, Tư pháp, Công an xã, Trưởng ấp Phú Hòa) và ông Khánh, ông Giao đến vị trí khu đất để chứng kiến việc ông Giao lập hàng rào, thực hiện theo điều kiện trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhưng lúc này, bà Nguyễn Thị Bê, là vợ của ông Khanh đồng thời là mẹ ruột của ông Khánh ra khóc lóc, kể lễ hoàn cảnh gia đình đang gặp khó khăn về chổ ở, các em của ông Khánh hiện phải ở chung trong nhà cha mẹ, chưa có nơi ở ổn định, nếu ông Khánh bán khu đất này bà sẽ tự tử chết ngay để cho ông Khánh vừa lòng. 
Nhận thấy người ra cản trở việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Khánh là bà Nguyễn Thị Bê, không liên quan đến ông Khanh, là người phải thi hành án theo quyết định thi hành án, nên Chấp hành viên không thể xử lý được. Sau khi tham khảo ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân huyện TB, Chấp hành viên lập biên bản đối với việc cản trở của bà Bê và yêu cầu ông Khánh, ông Giao tạm dừng thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất lại. 
Trường hợp này, cơ quan thi hành án không thể đề nghị Viện kiểm sát nhân dân huyện TB truy tố ông Khanh về tội " Không chấp hành án được”. Vì ông Khanh không cản trở việc chuyển nhượng, hơn nữa, ông cũng đã nộp tiền phạt hành chính đầy đủ. 
Qua trên cho thấy, khi áp dụng biện pháp cưỡng này Chấp hành viên cần phải xem xét, đánh giá tình hình, nghiên cứu kỹ nội dung bản án, quyết định của tòa án. Nếu thấy những điểm nào chưa rõ ràng, Chấp hành viên phải tham mưu kịp thời cho Thủ trưởng đơn vị có văn bản yêu cầu tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích. Nếu trong văn bản giải thích của Tòa án vẫn chưa rõ ràng, thì Chấp hành viên đề xuất Thủ trưởng có văn bản kiến nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục Tái thẩm hoặc Giám đốc thẩm bản án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được thi hành án, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo tình huống, Tòa án chỉ tuyên buộc ông Khanh chấm dứt hành vi không được làm( cản trở việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Khánh), nhưng vấn đề ở chỗ là hành vi cản trở này không chỉ một mình ông Khanh không thực hiện là xong, mà cả vợ ông Khanh, an hem của ông Khánh vẫn có thể thực hiện hành vi cản trở, nhưng Tòa án lại không xem xét, giải quyết cho đến nơi, đến chốn, dẫn đến sự bị động, lúng túng trong việc tổ chức thi hành án dân sự. 
Đến nay, cơ quan thi hành án dân sự huyện TB đã giải quyết xong việc thi hành án này bằng biện pháp đình chỉ thi hành án, giáo dục, thuyết phục ông Khánh thấy được tình cảm thiêng liêng của gia đình, không có tình cảm nào gắn bó hơn tình cảm cha mẹ, anh em ruột thịt trong nhà. Sau đó, ông Khánh đã tự nguyện rút đơn yêu cầu thi hành án và từ bỏ mọi quyền lợi theo bản án, tự mình giải quyết theo góc độ nội bộ gia đình.
III. Tình huống cưỡng chế " Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án” theo khoản 2, Điều 71 Luật THADS năm 2008 
Bản án số: 75/2009/DSST ngày 26/6/2009 của Tòa án nhân dân huyện TB tuyên buộc: 
Ông Lâm Phát Đạt, sinh năm 1975, trú tại cư xác giáo viên trường THPT A, thị trấn TB, huyện TB, tỉnh AG phải trả cho bà Nguyễn Thị Thùy Linh, sinh năm 1978, trú tại khóm Xuân Hòa, thị trấn TB, huyện TB, tỉnh AG số tiền 28.000.000 đồng. 
Ngày 03/8/2009, bà Trang gửi đơn yêu cầu thi hành án đề nghị cơ quan thi hành án buộc ông Lâm Phát Đạt phải trả nợ cho bà. Theo đơn yêu cầu bà cung cấp thông tin ông Đạt là giáo viên của Trường THPT A, có thu nhập ổn định. 
Sau khi xác minh lại các thông tin do đương sự cung cấp, Chấp hành viên xác định ông Đạt chỉ có điều kiện thi hành án duy nhất là nguồn thu nhập từ lương căn bản theo hệ số là 2.450.000 đồng/tháng. Bản thân ông có một vợ( làm nghề giáo viên, phụ trách Thư viện, hệ số 2,1) và một con trai đang học mẫu giáo cùng sống chung trong cư xá giáo viên. 
Ngày 05/8/2009, căn cứ quyết định thi hành án số 180/QĐ-THA ngày 05/8/2009 của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự huyện TB, Chấp hành viên ra giấy báo tự nguyện thi hành án số: 176/GBTN-THA ấn định trong thời hạn 15 ngày cho ông Đạt phải tự nguyện trả cho bà Trang số tiền 28.000.000 đồng. 
Ngày 21/8/2009, Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế " Khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án” và thông báo hợp lệ cho ông Đạt và Ban giám hiệu Trường THPT A để thực hiện việc khấu trừ tiền lương của ông Đạt số tiền 700.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/9/2009. 
Sau khi Ban giám hiệu làm việc với ông Đạt nội dung quyết định cưỡng chế của cơ quan thi hành án, ông Đạt không đồng ý thực hiện quyết định cưỡng chế của cơ quan thi hành án, đồng thời trình bày nếu nhà trường thực hiện việc khấu trừ thì ông sẽ khiếu nại đến Phòng Giáo dục và Sở Giáo dục, đồng thời, ông sẽ không ký vào bản lương thì làm sao nhà trường quyết toán được với kho bạc Nhà nước để tháng tiếp theo nhận được lương mới về phát cho các giáo viên khác. Ngày 26/8/2009, Ban giám hiệu nhà trường có công văn gửi cho Cơ quan thi hành án trình bày các khó khăn của Trường về việc thực hiện theo quyết định khấu trừ thu nhập của ông Đạt. 
Lúc này, Chấp hành viên đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự huyện TB có văn bản trao đổi với Ban giám đốc kho bạc Nhà nước huyện TB, Phòng Giáo dục huyện TB về trường hợp khó khăn của Ban giám hiệu trường THPT A. Sau khi các bên thống nhất ý kiến, đồng ý hỗ trợ cho Ban giám hiệu nhà trường thực hiện quyết định cưỡng chế của cơ quan thi hành án, việc khấu trừ thu nhập của ông Đạt được tiến hành thuận lợi cho đến hôm nay. 
Biện pháp khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức quản lý thu nhập của người phải thi hành án. Do đó, trước khi áp dụng biện pháp này, Chấp hành viên cần tích cực giải thích, giáo dục, thuyết phục đương sự chấp hành theo quyết định cưỡng chế. Đồng thời, cơ quan thi hành án có văn bản đề nghị các cơ quan có liên quan phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý thu nhập của người phải thi hành án để thực hiện việc khấu trừ thu nhập theo quyết định cưỡng chế thi hành án. 
Qua một số tình huống cưỡng chế xảy ra, cho thấy việc cưỡng chế thi hành án vô cùng khó khăn và phức tạp, Chấp hành viên luôn phải đối mặt với mọi vấn đề, với những tình huống không thể lường hết, rất nguy hiểm đến danh dự, tính mạng và sức khỏe của mình cũng như những người tham gia vào quá trình cưỡng chế, từ đó, tôi xin rút ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình cưỡng chế thi hành án dân sự sau đây.
Những bài học kinh nghiệm 
cần rút ra trong cưỡng chế thi hành án dân sự
I. Bảo đảm chặt chẽ về mặt thủ tục trong cưỡng chế thi hành án dân sự 
Thi hành án là một quá trình gồm nhiều thủ tục pháp lý liên quan chặt chẽ với nhau. Thủ tục ban đầu làm tiền đề cho các thủ tục tiếp theo. Thủ tục ban đầu chặt chẽ, thì thủ tục tiếp theo đảm bảo đúng quy định của pháp luật 
Luật bồi thường nhà nước có hiệu lực vào ngày 01/01/2010 là một cơ sở pháp lý quan trọng cho công dân yêu cầu cơ quan thi hành án, người làm công tác thi hành án gây thiệt hại cho công dân, cơ quan, tổ chức( đương sự, người có quyền lợi liên quan) trong quá trình tác nghiệp phải bồi thường. Nhưng hiện nay, thu nhập của người làm công tác thi hành, nhất là Chấp hành viên thường phụ thuộc rất nhiều vào đồng lương căn bản, thì khả năng có thể bồi thường của Chấp hành viên là rất khó khăn, nếu xảy ra việc bồi thường thì chắc chắn, Chấp hành viên sẽ không còn lòng nhiệt huyết và tinh thần để gắn bó với ngành thi hành án dân sự nữa. Do vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất việc phải bồi thường trong quá trình tác nghiệp, Chấp hành viên bắt buộc phải thực hiện việc bảo đảm chặt chẽ về mặt thủ tục thi hành án nói chung và trong quá trình cưỡng chế thi hành án nói riêng. 
Ngoài ra, cưỡng chế thi hành án dân sự là một thủ tục nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người phải thi hành án. Do vậy, việc khiếu nại, tố cáo trước, trong và sau khi cưỡng chế thi hành án xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Nếu thủ tục ban đầu Chấp hành viên không thực hiện được một cách đầy đủ và đúng pháp luật, thì khi có khiếu nại phát sinh, cơ quant hi hành án không có cơ sở bác khiếu nại của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, buộc phải công nhận khiếu nại là đúng thì cả một quá trình thi hành án sẽ bị ngưng trệ, thậm chí phải làm lại từ đầu, gây tốn kém về thời gian và tiền bạc của Nhà nước. Nhất là cơ quan thi hành án sẽ không giải quyết được án tồn, ảnh hưởng chung đến thành tích thi đua của đơn vị, của ngành thi hành án dân sự và làm tăng thêm ghánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc giải quyết lượng án tồn phát sinh.
II. Thực hiện đầy đủ các bước chuẩn bị trước khi cưỡng chế thi hành án dân sự 
Quá trình cưỡng chế thi hành án dân sự không cho phép Chấp hành viên kéo dài thời gian, Luật quy định, Chấp hành viên không được tổ chức cưỡng chế thi hành án từ 22 giờ đêm đến 06 giờ sáng. Muốn vậy, Chấp hành viên phải có công tác chuẩn bị cưỡng chế thật tốt trước khi thực hiện việc cưỡng chế. 
Trong thời gian diễn ra việc cưỡng chế, Chấp hành viên và những người tham gia đoàn cưỡng chế luôn phải đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm nhất định. Nếu thời gian cưỡng chế càng kéo dài thì nguy cơ xảy ra càng nhiều hơn. 
Hơn nữa, tâm lý người bị cưỡng chế luôn mong muốn việc cưỡng chế không thể thực hiện được. Nếu Chấp hành viên tổ chức thực hiện không được việc cưỡng chế sẽ tạo tâm lý xem thường pháp luật của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nhất là ý nghĩa, mục đích giáo dục pháp luật của việc cưỡng chế trong quần chúng nhân dân sẽ không đạt được. 
Công tác chuẩn bị trước khi cưỡng chế rất quan trọng, khi cần thiết hoặc xảy ra bất kỳ tình huống nào, nếu có sự chuẩn tốt, Chấp hành viên sẽ dễ dàng xử lý và chỉ huy cuộc cưỡng chế diễn ra được thuận lợi. Căn cứ tình huống thứ nhất, do Chấp hành viên có sự chuẩn bị tốt về mặt lực lượng tham gia nên khi ông Thanh và người thần vừa có hành vi chống đối liền bị khống chế đưa về trụ sở công an thị trấn, cách ly ngay khỏi khu vực cưỡng chế. Hoặc là, trong trường hợp cưỡng chế giao nhà nhưng Chấp hành viên chưa yêu cầu công ty điện lực cắt điện tại hộ gia đình phải thi hành án thì khi tổ chức cưỡng chế, đương sự có thể dùng chính nguồn điện này để có cơ hội chống đối lực lượng cưỡng chế thành án, khi đó, hậu quả xảy ra không thể nào lường trước được. 
Khi thực hiện việc cưỡng chế, Chấp hành viên luôn là người chỉ huy và chịu trách nhiệm chính, vì vậy, phong thái của Chấp hành viên phải tạo cho người bị cưỡng chế một tâm lý khuất phục thì việc cưỡng chế mới có nhiều cơ hợi thành công. Nhưng nếu quá trình thực hiện nhiệm vụ, Chấp hành viên do không có sự chuẩn tốt về mặt tâm lý, cơ sở vật chất thích hợp thì dẫn đến gặp lúng túng trong việc xử lý tình huống. Ví dụ như khi tiến hành kiểm kê tài sản, có một số tài sản cần phải để riêng nếu không muốn là hư hỏng thì cần có thùng xốp, bao tải, nhưng lúc này phải chạy đi mua thì ảnh hưởng rất lớn đến việc tháo dở, di dời căn nhà, kéo theo việc đo đạc lại diện tích đất phải giao trả không thể thực hiện một cách kịp thời và nhanh chóng được.
III. Bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự 
Cưỡng chế thi hành án không thể được xem là thành công khi trong quá trình cưỡng chế có hậu quả xấu xảy ra cho những người tham gia cưỡng chế hoặc đương sự, người có quyền lợi liên quan. Cho nên, trước, trong và sau khi tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự cần phải chú trọng một số biện pháp sau: 
- Chú trọng công tác giáo dục, thuyết phục, động viên và tạo điều kiện cho người phải thi hành án tự nguyện thi hành án; quan tâm giải thích để đương sự hiểu biết nhằm thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật; Hướng dẫn các bên đương sự thỏa thuận về việc thi hành án nhằm hạn chế các xung đột giữa các bên; Tổ chức tốt công tác tiếp dân để giảm thiểu tình trạng khiếu nại, tố cáo của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. 
- Trường hợp bản án, quyết định có những điểm chưa rõ để thi hành, không phù hợp với thực tế hoặc cần được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. 
- Đối với những vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về mặt an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương cần báo cáo Ban chỉ đạo thi hành án dân sự. Những vấn đề vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án thì thỉnh thị ý kiến của cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời. 
- Đối với những trường hợp bản án, quyết định của Tòa án bị đương sự khiếu nại gay gắt thì việc tổ chức cưỡng chế thi hành án hết sức thận trọng. Trước khi tổ chức cưỡng chế cần chú ý nắm chắc địa bàn( địa hình, giao thông…), tình hình của đương sự( nhân thân, nhân khẩu, ý thức chấp hành pháp luật…), dự liệu các tình huống( nhất là trường hợp có khả năng gây hỏa hoạn, cháy nổ, sát thương, tự thiêu, tụ tập đông người…) để bố trí phương tiện, lực lượng và có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo việc cưỡng chế được an toàn, hiệu quả. 
- Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan hữu quan để tranh thủ sự đồng tình và thống nhất biện pháp giải quyết đối với các vấn đề phát sinh. 
- Khi tổ chức cưỡng chế thi hành án, bên cạnh việc lập các biên bản cần thiết theo quy định của pháp luật, còn phải sử dụng phương tiện( máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm …) để ghi lại diễn biến việc cưỡng chế, nhất là đối với vụ việc phức tạp. 
- Các tài liệu có trong hồ sơ thi hành án phải đầy đủ, chặt chẽ, thể hiện đúng kết quả thi hành án làm cơ sở cho việc kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thuận lợi, chính xác, khách quan.
Trên đây là những bài học kinh nghiệm cần rút ra trong cưỡng chế thi hành án dân sự, nếu Chấp hành viên thực hiện đúng và đầy đủ theo những bài học kinh nghiệm này thì chắc chắn, việc cưỡng chế thi hành án dân sự sẽ được an toàn, thuận lợi và có hiệu quả trong quá tổ chức thực hiện một việc phải thi hành án.
Thi hành án dân sự là quá trình thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên đã được bản án, quyết định của Tòa án ghi nhận. Vì vậy, các bên đương sự có quyền tự định đoạt, thỏa thuận với nhau nhằm thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, khi người phải thi hành án mặc dù có điều kiện thi hành án nhưng tìm mọi cách trì hoãn, trốn tránh để không tự nguyện thi hành án, thì buộc cơ quan cơ quan thi hành án phải tổ chức cưỡng chế thi hành án, thể hiện quyền năng của cơ quan thi hành án, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, nhằm đảm bảo bản án được thi hành nghiêm chỉnh, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, Chấp hành viên không nên làm dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trong quá trình tổ chức thực hiện quyết định thi hành án trên thực tế. Cần thiết, Chấp hành viên phải tìm mọi biện pháp thích hợp, đúng pháp luật để giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các bên đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thỏa thuận với nhau trong thi hành án dân sự, nhưng việc thỏa thuận này không được trái pháp luật, đạo đức xã hội và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Chỉ khi nào hết khả năng để vận động, giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án thì mới được áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.
Ngoài ra, khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, Chấp hành viên tuyệt đối phải thực hiện đúng và đầy đủ các nguyên tắc trong cưỡng chế thi hành án dân sự, đảm bảo trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án, đồng thời, phải luôn nâng cao ý thức bảo đảm cho việc cưỡng chế thi hành án dân sự được an toàn, hiệu quả trong quá trình tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự trên thực tế./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét