Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Trao đổi về thẩm quyền kháng nghị, xét xử giám đốc thẩm theo thủ tục tố tụng hình sự


Nội dung vụ án: Khoảng 19h30 ngày 19/7/2009 Huỳnh Ngọc D (sinh 20/8/1991) dùng xe mô tô 49N1-5107 của anh trai chở Phạm Công Tr (sinh ngày 08/5/1992) và Trần T G (sinh ngày 16/4/1992) cùng trú xã Đ Nh, huyện M Đ, tỉnh Q, đến nhà ông Huỳnh Ngọc Ch (chú ruột Huỳnh Ngọc D) chơi, gặp Nguyễn Văn Ph (sinh ngày 03/01/1992 là người cùng xã) đang chơi ở đó. Tại nhà ông Ch, Phạm Công Tr nói “hết tiền rồi buồn quá”. Nghe vậy Trần Tâm G nói “buồn gì mà buồn, mày lúc nào cũng buồn, lên đường đất đỏ vắng người dễ làm lắm”. Khoảng 15 phút sau D nói với Tr, G và Ph“có đi thì đi luôn, xe đạp tao cầm cố ngày mai là hết hạn rồi” thì tất cả đều đồng ý thống nhất lên đoạn đường đất đỏ (đường cầu sắt ở xã Đ Nh, huyện M Đ) để chặn người đi đường cướp tài sản, nhưng không phát hiện có người để thực hiện. Trên đường quay trở xuống không có tiền mua xăng, D bảo Tr có quán nào bán xăng lẻ thì trộm cắp đổ vào xe. Khi đến quán bà Trần Thị H thì D dừng xe lại, Tr chạy vào lấy trộm 02 chai xăng đem ra thì phát hiện là dầu nhờn. Cả bốn người tiếp tục cùng sử dụng xe máy đi tìm người để cướp tài sản.
Khi đi qua khỏi cây đa trước Uỷ ban nhân dân xã Đ Th khoảng 300m thì D phát hiện chị Trần Thị Kim Ch đi xe mô tô ngược chiều, trên cổ đeo sợi dây chuyền vàng. D chạy xe xuống một đoạn rồi dừng lại nói: “Bà mới đi lên kia hình như trên cổ có đeo dây chuyền vàng, quay lại giật”, D điều khiển xe mô tô quay trở lại đuổi theo và nói “đi xe chở 4 nếu người ta đuổi chạy không được” thì Ph xuống xe còn Tr và G nói “đi thì đi cho đến cùng”, D bảo Ph đứng chờ tý nữa quay lại chở. D chở G và Tr đuổi kịp chị Ch, D bảo Tr giật lấy sợi dây chuyền trên cổ chị Ch rồi D ép xe mình vào sát xe chị Ch, Tr dùng 02 ngón tay giật dây chuyền trên cổ chị nhưng dây chuyền không đứt nên không lấy được, chị Ch la “cướp, cướp”, D tăng ga tiếp tục chạy một đoạn rồi quay xe vào nghĩa địa ẩn nấp. D bảo G đưa đồng hồ để D đi thế chấp lấy tiền đổ xăng, rồi D quay lại chở G, Tr và Ph đi theo hướng lên QL 1A; đi được khoảng 20 mét thấy có một nhóm thanh niên 3 nam 2 nữ gồm Lê Thị Vang, Nguyễn Quốc Mỹ, Phạm Nhựt, Lê Thị Tài và Lê Tuấn Khoa chở nhau đi trên 03 xe đạp. Ph, G và Tr mỗi người nhổ 01 cọc tre hàng rào làm hung khí và chặn đường. Khi nhóm thanh niên vừa đi xe đạp đến thì Ph, G, Tr cầm cây ra đứng giữa đường chặn lại, cầm cây tre đánh vào lưng của anh Phạm Nhựt và nói “tại sao hôm trước mày đánh em tao”, “đánh em tao chấn thương sọ não phải điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng” thì anh Nhựt trả lời “anh nhầm rồi”. Anh Lê Tuấn Khoa thấy vậy can ngăn thì bị D dùng chân đạp vào người làm ngã xuống ruộng. Lê Thị Vang tưởng đánh nhầm nên lấy điện thoại di động rọi vào mặt Nhựt và nói “các anh xem thử chứ các anh đánh nhầm người rồi”, liền lúc đó Ph lấy điện thoại của chị Vang và nói với Nhựt “mày đánh em tao chứ ai nữa”. Tr dùng thanh tre đập vào giỏ xe đạp của chị Lê Thị Vang rồi thò tay vào túi chị lấy ra 01 điện thoại di động (của Nguyễn Quốc Mỹ đưa Lê Thị Vang cầm nghe nhạc trên đường đi). Chị Vang xin lại 02 điện thoại di động thì Tr nói “02 điện thoại di động không đủ tiền thuốc cho em tao”. Nói xong Tr, Ph, G lên xe để D chở về nhà. Số hung khí gây án cả bọn bỏ lại hiện trường và được Cơ quan điều tra thu giữ.
Hội đồng định giá tài sản xác định 02 chiếc điện thoại di động mà 4 bị cáo chiếm đoạt của chị Vang và anh Mỹ là 1.400.000đ và sợi dây chuyền vàng 18K trọng lượng 01 chỉ của chị Trần Thị Kim Ch là 1.800.000đ.
Quá trình tố tụng: Cơ quan điều tra huyện M Đ khởi tố vụ án và khởi tố 4 bị can. Viện kiểm sát nhân dân huyện M Đ, tỉnh Q truy tố cả 4 bị can “tội cướp tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự và “tội cướp giật tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 1999.
 Bản án hình sự sơ thẩm số 14/2010/HSST ngày 23/7/2010 của TAND huyện M Đ xử: Tuyên bố các bị cáo Huỳnh Ngọc D, Phạm Công Tr, Nguyễn Văn Ph, Trần Tâm G phạm tội “cướp tài sản” và “cướp giật tài sản”. Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 133; các điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 69; khoản 1 Điều 74 Bộ luật Hình sự xử phạt Huỳnh Ngọc D 3 năm tù về tội “Cướp tài sản”. Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 136; Điều 18; khoản 3 Điều 52; các điểm g, p khoản 1 Điều 46; Điều 47; Điều 69; khoản 1 Điều 74 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Huỳnh Ngọc Duy 01 năm 03 tháng tù về tội “cướp giật tài sản”. Áp dụng Điều 50 Bộ luật hình sự tổng hợp hình phạt của hai tội buộc bị cáo Huỳnh Ngọc D phải chấp hành là 04 năm 03 tháng tù… Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 133; các điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 69; khoản 1 Điều 74 Bộ luật Hình sự xử phạt Phạm Công Tr 02 năm 06 tháng tù về tội “cướp tài sản”. Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 136; Điều 18; khoản 3 Điều 52; các điểm g, p khoản 1 Điều 46; Điều 47; Điều 69; khoản 1 Điều 74 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Phạm Công Tr 01 năm tù về tội “Cướp giật tài sản”. Áp dụng Điều 50 Bộ luật hình sự tổng hợp hình phạt của hai tội buộc bị cáo Phạm Công Tr phải chấp hành là 03 năm 06 tháng tù…. Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 133; các điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 69; khoản 1 Điều 74 Bộ luật Hình sự xử phạt Nguyễn Văn Ph 02 năm 06 tháng tù về tội “cướp tài sản”. Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 136; Điều 18; khoản 3 Điều 52; các điểm g, p khoản 1 Điều 46; Điều 47; Điều 69; khoản 1 Điều 74 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Ph 09 tháng tù về tội “cướp giật tài sản”. Áp dụng Điều 50 Bộ luật Hình sự tổng hợp hình phạt của hai tội buộc bị cáo Nguyễn Văn Ph phải chấp hành là 03 năm 03 tháng tù…. Áp dụng điểm d khoản 2 điều 133; các điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 69; khoản 1 Điều 74 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Trần Tâm G 02 năm 03 tháng tù về tội “cướp tài sản”. Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 136; Điều 18; khoản 3 Điều 52; các điểm g, p khoản 1 Điều 46; Điều 47; Điều 69; khoản 1 Điều 74 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Trần Tâm G 09 tháng tù về tội “cướp giật tài sản”. Áp dụng Điều 50; Điều 60 Bộ luật Hình sự tổng hợp hình phạt của hai tội buộc bị cáo Trần Tâm G phải chấp hành là 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm…
- Ngày 02/8/2010 Huỳnh Ngọc D, Phạm Công Tr và Nguyễn Văn Ph có đơn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo và cho rằng Trần Tâm G là người khởi xướng đồng bọn phạm tội và là người thực hành tích cực nhưng lại được hưởng án treo là không công bằng.
- Bản án phúc thẩm số 27/2010/HSPT ngày 19/11/2010 của Toà án nhân dân tỉnh Q tuyên xử: Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng Hình sự không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên án sơ thẩm. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Thấy rằng: Toà sơ thẩm xét xử các bị cáo theo điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự và điểm d khoản 2 Điều 136 Bộ luật Hình sự (đều là tội phạm rất nghiêm trọng) là đúng pháp luật, các bị cáo khi phạm tội là vị thành niên (trên 16 tuổi và dưới 18 tuổi) nên được áp dụng khoản 1 Điều 74 Bộ luật Hình sự, mỗi bị cáo đều có nhiều tình tiết giảm nhẹ, từ đó Hội đồng xét xử sơ thẩm áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự tuyên phạt mức án trên là đã chiếu cố giảm nhẹ đối với 3 bị cáo. Riêng đối với bị cáo Trần Tâm G Toà án sơ thẩm lại áp dụng Điều 60 Bộ luật Hình sự xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo – là không tương xứng với vai trò, tính chất mức độ của hành vi phạm tội, vi phạm căn cứ quyết định hình phạt, chế định đồng phạm và việc quyết định hình phạt trong đồng phạm; vì Trần Tâm G là người khởi xướng đồng bọn phạm tội, cùng tham gia cướp giật tài sàn,đưa đồng hồ thế chấp lấy tiền đổ xăng xe máy để làm công cụ phương tiện phạm tội và là người dùng hung khí tấn công các bị hại để cướp tài sản nhưng Toà sơ thẩm xét xử cho hưởng án treo là không công bằng so với các bị cáo khác trong vụ án này. Do đó cần phải kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng không cho bị cáo Trần Tâm G được hưởng án treo.
Để khắc phục vi phạm của cấp sơ thẩm trong việc áp dụng Điều 60 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Trần Tâm G, có hai nhóm ý kiến khác nhau về thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm và thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm:
Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng: Do nguyên tắc 2 cấp xét xử và trong vụ án này có 4 bị cáo đồng phạm cả 2 tội, mặc dù chỉ có 3 bị cáo kháng cáo về hình phạt, Viện kiểm sát không kháng nghị, các bị hại cũng không kháng cáo về hình phạt theo hướng làm xấu đi tình trạng của bị cáo, cấp phúc thẩm đã xét xử phúc thẩm xét kháng cáo và ra bản án y án sơ thẩm. Do đó, nếu kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng huỷ phần áp dụng pháp luật và phần hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo của bản án sơ thẩm đối với Trần Tâm G (cấp phúc thẩm có ghi nhận trong bản án phúc thẩm việc cấp sơ thẩm áp dụng pháp luật và hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với Trần Tâm G, dù không xét đến) để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm theo hướng không cho bị cáo hưởng án treo, sẽ thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc (và) Chánh án Toà án nhân dân tối cao (theo khoản 1 Điều 275 Bộ luật Tố tụng Hình sự). Từ đó, nếu có kháng nghị giám đốc thẩm thì thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm sẽ thuộc Uỷ ban Thẩm phán Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao (theo khoản 2 Điều 279 Bộ luật Tố tụng Hình sự). Nhóm ý kiến này chiếm đa số.
Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng: Với những nội dung trên trong vụ án này, căn cứ các quy định cụ thể của Bộ luật Tố tụng Hình sự đó là: Điều 230 “Tính chất của xét xử phúc thẩm”, Điều 234 “Thời hạn kháng cáo, kháng nghị” Điều 237 “Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị”, Điều 241 “Phạm vi xét xử phúc thẩm”, căn cứ quyết định của Toà phúc thẩm đã áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng Hình sự không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm cũng ghi nhận việc không xét đến những phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị (Trần Tâm G và Đại diện hợp pháp của bị cáo không kháng cáo, cũng không bị Viện kiểm sát kháng nghị, bị hại không kháng cáo) nên cấp phúc thẩm chỉ xét kháng cáo của 3 bị cáo (Điều 230 Bộ luật Tố tụng Hình sự) mà không áp dụng Điều 241 Bộ luật Tố tụng Hình sự để xét đến việc áp dụng pháp luật và phần quyết định của bản án sơ thẩm đối với Trần Tâm G để kiến nghị cấp giám đốc thẩm kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, do đó, phần quyết định của bản án sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Tâm G đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị (theo Điều 237 Bộ luật Tố tụng Hình sự). Từ đó cho rằng, nếu kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với phần áp dụng pháp luật và phần hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo của bản án sơ thẩm đối với Trần Tâm G để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, sẽ thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Q hoặc (và) thẩm quyền của Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Q (theo khoản 3 Điều 275 Bộ luật Tố tụng Hình sự); bởi thế, việc xét xử giám đốc thẩm sẽ thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh Q (khoản 1 Điều 279 Bộ luật Tố tụng Hình sự). Cá nhân tôi hoàn toàn đồng tình với loại ý kiến này.
Vụ án trên là một ví dụ điển hình còn có những ý kiến khác nhau về thẩm quyền kháng nghị, xét xử giám đốc thẩm, thực tế nhiều năm qua tôi nhận thấy, ở tỉnh Quảng Ngãi chưa xảy ra trường hợp người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (kể cả theo hướng có lợi hoặc bất lợi đối với người phạm tội) đối với phần bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị (mà những bản án này đã được cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm xét kháng cáo, kháng nghị, còn những phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà cấp phúc thẩm không áp dụng các quy định cụ thể của Bộ luật Tố tụng Hình sự để xét đến khi xét xử phúc thẩm) theo một trong các hướng ví dụ như:
- Huỷ phần bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc để điều tra lại;
- Huỷ phần bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án đối với một hoặc một số bị án hoặc đối với một hay một số tội danh với một bị án hay một số bị án khi có đủ căn cứ pháp luật ;
- Huỷ phần bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm đối với một hay một số bị án trong vụ án phạm tội có đồng phạm về một tội hay trong vụ án có đồng phạm về một tội nhưng có người thực hiện hành vi “vượt quá” trong đồng phạm hay người phạm tội có đủ dấu hiệu tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nhưng hành vi của họ có dấu hiệu cấu thành một tội khác hay có dấu hiệu được miễn trách nhiệm hình sự hay áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội (mà vụ án này đã có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm và đã được xét xử phúc thẩm chỉ xét kháng cáo, kháng nghị);
- Huỷ phần bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật đối với các bị cáo trong vụ án các bị cáo đều phạm nhiều tội nhưng chỉ có kháng cáo, kháng nghị về tội danh hoặc về hình phạt hay cả về tội danh và về hình phạt nhưng chỉ đối với một hoặc một số tội và cấp phúc thẩm chỉ xét kháng cáo, kháng nghị;
- Huỷ phần bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật đối với một hoặc một số bị án để điều tra lại theo hướng chuyển tội danh nặng hơn hoặc chuyển tội danh nhẹ hơn; hoặc huỷ phần án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại để chuyển khung hình phạt tăng nặng và tăng hình phạt hoặc để chuyển sang khung hình phạt giảm nhẹ và giảm hình phạt hoặc không cho hưởng án treo (mà những phần này của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật và cấp phúc thẩm cũng không xét đến khi giải quyết kháng cáo, kháng nghị);
- Huỷ phần dân sự của bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật (những phần khác đã bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm và đã xét xử) để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Căn cứ những quy định cụ thể của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Dân sự (theo khoản 3 Điều 278 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì kháng nghị phần dân sự trong vụ án hình sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự); cá nhân tôi thấy rằng, thực tiễn có nhiều vi phạm của bản án hình sự sơ thẩm nhưng không bị kháng cáo, kháng nghị, mà những phần khác của bản án sơ thẩm lại bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm nên cấp phúc thẩm thường chỉ xét kháng cáo, kháng nghị mà không xem xét toàn diện vụ án để kiến nghị lên cấp giám đốc thẩm khắc phục vi phạm của phần bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật mà còn thời hạn kháng nghị. Nguyên nhân của vấn đề này có thể do nhận thức của người tiến hành tố tụng về tính chất của xét xử phúc thẩm mà không chú ý đến phạm vi xét xử phúc thẩm và thẩm quyền của cấp phúc thẩm, do nhận thức khác nhau về thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm và xét xử giám đốc thẩm (điều này dẫn đến có tâm lý “ngại” bị cấp giám đốc thẩm kháng nghị theo hướng huỷ án để điều tra lại hoặc để xét xử lại hoặc đình chỉ vụ án mà mình đã xét xử phúc thẩm), do người tiến hành tố tụng chỉ nghiên cứu những phần bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, do quan hệ hành chính – tư pháp, do năng lực của người tiến hành tố tụng,.v.v. thậm chí không loại trừ lý do vụ án đã xét xử theo trình tự sơ thẩm có sai lầm, vi phạm nghiêm trọng nhưng người tham gia tố tụng kháng cáo hay có cả kháng nghị phúc thẩm nhưng kháng cáo, kháng nghị không yêu cầu cấp phúc thẩm xét đến, nên khi xét xử phúc thẩm Toà án áp dụng Điều 230, Điều 237, Điều 248, 249 Bộ luật Tố tụng Hình sự để xét xử và ra bản án (Ở đây không bàn sâu đến việc áp dụng Điều 248 Bộ luật Tố tụng Hình sự và được cụ thể hoá tại các Điều 249, 250 và 251 Bộ luật Tố tụng Hình sự); hoặc do khi xét xử phúc thẩm xong thì đã hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng bất lợi đối với bị cáo (do cấp phúc thẩm tạm đình chỉ vụ án hay vì những lý do phải hoãn phiên toà.v.v.).
Qua vụ án này và những nội dung đã trình bày trên, rất mong Bạn đọc cùng trao đổi về thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm mà còn thời hạn kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự đối với những phần của bản án sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng lẽ ra phải được cấp phúc thẩm xét đến khi xét xử phúc thẩm nhưng lại không xét đến (ở đây là cấp phúc thẩm không xét đến nên không giải quyết theo thẩm quyền khi áp dụng các Điều 241, khoản 2 Điều 249 hoặc Điều 250, Điều 251 Bộ luật Tố tụng Hình sự.v.v. khi có đủ căn cứ; hoặc cấp phúc thẩm không kiến nghị lên cấp có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm khi đã có một trong các căn cứ quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng Hình sự về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm). Và đối với những vụ án đã được xét xử phúc thẩm mà Hội đồng xét xử phúc thẩm hoặc Viện kiểm sát hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tham gia tố tụng kiến nghị yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm (khi có một trong những căn cứ quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng Hình sự) đối với những phần của bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị (không bị kháng cáo, kháng nghị và cấp phúc thẩm cũng không xét đến những phần này của bản án sơ thẩm khi xét xử phúc thẩm, mà cấp phúc thẩm chỉ xét kháng cáo, kháng nghị) thì cấp giám đốc thẩm nào (Viện kiểm sát, Toà án tỉnh hay Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao) quyết định việc kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm? Đây là vấn đề còn chưa được nhận thức thống nhất nên khó khăn thực hiện trong thực tiễn. Cá nhân tôi vẫn cho rằng trường hợp trên thuộc thẩm quyền kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm của cấp tỉnh.
Qua đây, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về vấn đề này nhằm nâng cao trách nhiệm, chất lượng xét xử, chức năng hướng dẫn, giám đốc hoạt động xét xử và trách nhiệm, thẩm quyền của Viện kiểm sát trong công tác thực hành quyền công tố – kiểm sát xét xử, quyền và trách nhiệm của Viện kiểm sát kháng nghị theo các thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, quyền kiến nghị của cơ quan, tổ chức, công dân và những người tham gia tố tụng khi kiến nghị yêu cầu xem xét để kháng nghị giám đốc thẩm, đồng thời để thống nhất về nhận thức và áp dụng các quy định này trong thực tiễn./.
 
Nguồn: Tạp chí kiểm sát

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét