Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

Bài học... 2,7 triệu USD

Hiện tượng lừa đảo xuyên quốc gia đang thực sự trở thành vấn nạn của nền kinh tế thế giới. Tại VN trong thời gian qua đã có hàng loạt sự vụ xảy ra. Nhiều cảnh báo đã được đưa ra từ chính DN lẫn nhà quản lý. Câu chuyện dưới đây là bài học thực tế không hề cũ dành cho các DN Việt: cẩn trọng trước khi ký hợp đồng.
 
Đường NK không thể sử dụng điều kiện GAFTA (điều kiện chung giao hàng về ngũ cốc)
Vụ việc xảy ra trong mấy ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 2010 với số tiền lừa đảo trị giá hơn 2,7 triệu USD. Hơn thế, câu chuyện lừa đảo này về mặt nghiệp vụ ngoại thương rất tinh vi, đối phương dàn dựng lớp lang khá “hoàn hảo” làm cho ta khó có thể nghi ngờ rằng mình đang rơi vào bẫy... Tuy chưa xin phép của bên bị hại song tôi thấy cần phải đưa ra công luận với mong muốn DN rút ra những kinh nghiệm trong kinh doanh.
“Áo gấm đi đêm” và câu chuyện lừa đảo
Theo Cty VN bị hại, trên cơ sở hạn ngạch được cấp để nhập 10.000 MT đường nhằm cân đối thị trường nội địa, khoảng giữa tháng 6 khi lang thang trên mạng, họ tìm được một Cty Đài Loan có đường Thái Lan để bán, Cty này có tên là:
CHI YEE ENTERPRISE CO., LTD Địa chỉ tại 10 FL-2, NO.6, LANE 180, MIN CHAN EAST ROAD, TAIPEI, TAIWAN, R.O.C.
Đại điện cho Chi Yee ở Thái Lan là RIGAR (THAILAND) LTD., LEVEL 32, INTERCHANGE 21, 399 SUKHUMVIT ROAD, BANGKOK 10110, THAILAND.
Cũng phải nói thêm là vào thời điểm đó, tư vấn của ta đã vào mạng điều tra Cty đều không tìm được tên 2 Cty kinh doanh mặt hàng đường này ở Đài Loan cũng như ở Thái Lan. Tư vấn cũng đã nhắc nhở cần điều tra đối tác, hoặc nhờ các Thương vụ VN ở nước ngoài, hoặc phải mua thông tin thông qua các Cty điều tra khác với chi phí khoảng 1.500 USD/vụ.
Thế rồi hai bên thông qua mail và bắt đầu thương thảo hợp đồng. Phía ta ngỏ ý mua 4.700 MT đường trắng Thái Lan nhập riêng cho phía Bắc, phía “đối tác” khẳng định sẵn sàng bán. Hai bên ngã giá 580 USD/MT giá CIF cảng Hải Phòng, theo điều kiện GAFTA (điều kiện chung giao hàng về ngũ cốc!). Tổng trị giá hợp đồng trên 2,7 triệu USD; thanh toán theo tín dụng thư trông thấy (chứng từ) trả tiền ngay, L/C At sight, L/C này lại phải được xác nhận bởi một ngân hàng, hoặc Mỹ hoặc Đài Loan. Phía ta đợi dự thảo hợp đồng và cả mẫu L/C do đối tác nước ngoài dự thảo theo nội dung đã trao đổi. 
Phải nói thêm rằng, hầu hết các DN VN, trong xuất khẩu cũng như nhập khẩu, không có hợp đồng mẫu nêu ra các điều kiện bán cũng như mua, nên mất rất nhiều thời gian trong thương thảo, chưa nói lại nhường việc đó cho đối tác nước ngoài nên thường bị “dắt mũi”.
Sau khi nhận được dự thảo hợp đồng và “mẫu” L/C do người bán soạn thảo theo nội dung đã thương thảo, đối tác VN, người mua, có tham khảo ý kiến của tư vấn, và được góp ý mấy điểm chính như sau:
Tại sao Cty Đài Loan lại thông qua một Cty Thái Lan đứng ra bán đường của Thái Lan, một mặt hàng Thái Lan quản lý theo hạn ngạch ? Họ là ai ?
GAFTA là điều kiện chung mua bán ngũ cốc chứ không phải điều chỉnh trong việc mua bán đường, đúng ra là phải theo RSA (Refine Sugar Association - Hiệp hội đường trắng), phải chăng người bán không thông thạo kinh doanh mặt hàng đường trắng. Sau này hai bên đã chấp nhận theo RSA;
Theo GAFTA và cả RSA, nếu không có thỏa thuận khác trong hợp đồng, mọi tranh chấp có thể xảy ra sẽ được giải quyết tại trọng tài ở London và theo luật Anh; Tư vấn đã từng khuyên, ta nên đấu tranh đòi tranh chấp sẽ được Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC) bên cạnh VCCI giải quyết, theo luật của VN; nếu đối phương không chịu vì lo không rõ luật pháp VN thì nên dẫn chiếu tới Điều 6 khoản 1 của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện các Điều ước quốc tế của VN năm 2005, trong đó có ghi “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”.
Tư vấn cũng đặt vấn đề, đối phương không tin ta nên đòi L/C phải được xác nhận bới ngân hàng thứ ba ở Mỹ hay Đài Loan; ngược lại, ta cũng có quyền đòi đối phương phải cung cấp cho ta môt bảo đảm thực hiên (Performance Bond- P/B) do một ngân hàng loại một (có quan hệ với ngân hàng sẽ mở L/C của ta) ở các nước đó phát hành, mẫu P/B do người mua đưa ra theo như mẫu tư vấn đã cung cấp, với trị giá tối thiểu là 4% trị giá hợp đồng, và, P/B cũng là một điều kiện để hợp đồng vào hiệu lực;
Việc giao hàng phải dẫn chiếu theo Incoterms 2000 (Điều kiện chung giao hàng);  thanh toán phải theo UCP 600 (Quy tắc Thực hành thống nhất về Tín dụng chứng từ), theo UCP 600, thời hạn thanh toán sẽ là 5 ngày (làm việc) kể từ khi ngân hàng mở L/C nhận được chứng từ.
Sau khi phía ta mở L/C mua đường của Thái Lan nhưng cho người Đài Loan thụ hưởng (thanh toán tại ngân hàng Đài Loan), thời hạn giao hàng trong tháng 6 năm 2010, nếu mua được đường với giá 580 USD /MT thì Cty của ta sẽ thắng lớn vì giá đường trong nước đang lên cao. Người bán đã mời TGĐ của ta dẫn đoàn sang Thái Lan kiểm tra hàng trước khi giao dự kiến vào ngày 3/7/2010 (thứ bảy), người bán cũng có “nhã ý” mời đoàn ta dự bữa cơm “thân mật” tại một nhà hàng sang trọng tại Bangkok vào tối thứ sáu ngày 2/7 để bàn bạc chương trình cụ thể cho việc kiểm tra hàng.
Trong khi đoàn của ta đang ở Bangkok thì ngày 1/7 Cty ta ở VN đã nhận được thông báo của ngân hàng là đã nhận được điện của ngân hàng thông báo (ngân hàng Đài Loan) là họ đã nhận được bộ chứng từ “hoàn hảo” và yêu cầu phía ta kiểm tra (các bản sao) để chấp nhận thanh toán, hạn tối thiểu là ngày thứ ba 6/7/2010.
Nhận thấy có điều gì không ổn, trao đổi với tư vấn, Cty  đã yêu cầu ngân hàng cung cấp các chứng từ gốc mà ngân hàng người bán hứa sẽ chuyển tiếp qua đường chuyển phát nhanh.
“Phá án”
Tư vấn chỉ được nhìn các bản sao và thấy rằng mọi chứng từ trong đó có vận đơn (B/L) do Cty Cosnam, đại lý của Hãng tàu biển Trung Quốc, Cosco, cấp,  hóa đơn do người bán lập, giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) do Phòng Thương mại Bangkok cấp, Chứng chỉ giám định số lượng và chất lương (C/Q) do SGS Thái Lan cấp... Như vậy là đầy đủ và “sạch sẽ”, song “lạ” là ở chỗ tất cả các thủ tục này đều hoàn tất và được lập vào cùng một ngày, ngày 24/6/2010, 9 ngày trước ngày người bán mời đoàn ta đi kiểm tra hàng trước khi họ định “phải” giao (3/7/2010)...
Một mặt Cty của ta thông báo ngay cho đoàn của mình đang ở Bangkok biết để hỏi “người bán” lý do tại sao hàng chưa đưa lên tàu nhưng đã có các loại chứng từ, đặc biệt là vận đơn. Sau khi người bán giải thích là do cán bộ của họ “nóng vội” nên lập chứng từ sớm, sai về ngày tháng, rồi, sau đó, mọi số điện thoại của người  bán đều câm lặng khi đoàn của ta gọi lại và cũng chẳng còn bữa cơm tối như họ đã hứa ! Mặt khác, theo góp ý của tư vấn và tư vấn có gọi điện trước cho Thương vụ ta tại Bangkok, đoàn của ta vào gặp Thương vụ VN tại Thái Lan báo cáo và nhờ làm rõ những chứng từ với những nơi cung cấp thì đều được các nơi trả lời là không cấp những chứng từ đó. Tuy nhiên, vì hai ngày sau đó là ngày nghỉ nên không thể có xác nhận bằng văn bản được.
Việc trước mắt cần phải làm ngay là yêu cầu ngân hàng mở L/C không thanh toán và yêu cầu ngân hàng thông báo phải cung cấp các chứng từ gốc, trong đó có nội dung xác nhận của ngân hàng thứ ba và đảm bảo thực hiện hợp đồng (P/B). Theo quy định, ngân hàng sau khi nhận được chứng từ hoàn hảo trong vòng 5 ngày (làm việc) thì buộc phải thanh toán, trừ phi có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa kinh tế, chủ hàng không thể tự yêu cầu ngân hàng ngưng thanh toán được. Tư vấn đã chắp mối cho Cty gặp người của Tòa kinh tế và VIAC để mong có được lệnh khẩn cấp từ phía tòa, nhưng theo luật pháp VN, Tòa kinh tế chỉ ban bố Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi vụ việc đã được VIAC xác nhận là tranh chấp đã được đưa ra VIAC xử lý. Nhưng, theo hợp đồng, lại quy định là theo thể thức RSA, nghĩa là tranh chấp phải đưa ra tòa án trọng tài ở London giải quyết nên không thể lấy được lệnh khẩn cấp từ Tòa án VN.
Thời gian còn lại có 1 ngày thứ hai 5/7/2010 để giải quyết mọi việc, vì nếu chậm, trong trường hợp ngân hàng ta không thanh toán thì ngân hàng xác nhận cũng thanh toán cho người bán ! Tư vấn bàn với Cty người mua có công văn cho ngân hàng không chấp nhận bộ chứng từ do hội đủ các dấu hiệu lừa đảo vì theo các thông tin ban đầu từ Thương vụ ta tại Bangkok, các cơ quan hữu quan của Thái Lan xác nhận là họ không cấp chứng thư mà phía ta đã hỏi; hãng tàu Cosnam xác nhận không cấp vận đơn cho con tàu nào có tên là “Le Rong” của hãng tàu biển Trung Quốc (COSCO), mặt khác, Cty của ta cũng đã hỏi đại diện của COSCO tại Hải Phòng và Hà nội đều được biết không có thông báo gì về con tàu này dự kiến cập cảng Hải Phòng trong đầu  tháng 7/2010 và COSCO cũng không có con tàu nào mang tên “Le Rong”. Cty của ta cũng hứa với ngân hàng tiếp tục bổ sung mọi chứng cứ vào ngày thứ hai và cam kết sẽ chịu trách nhiệm nếu đề nghị ngưng thanh toán là sai. Quả thực, trong ngày thứ hai, 5/7/2010, với sự hỗ trợ của Thương vụ VN tại Thái Lan, Cty liên tục nhận được những xác nhận không có những thông tin như trong thông báo của phía ngân hàng Đài Loan.
Người của Cty có đến tận địa chỉ của Rigar (Thái Lan) LTD thì được biết đó chỉ là một văn phòng nhỏ có mấy nhân viên người Thái được CHI YEE ENTERPRISE CO., LTD thuê và họ cũng không biết “doanh vụ” do người có tên Jame Lee dàn dựng. Khi biết chuyện, họ đã cộng tác với người của Cty tới làm việc với cảnh sát Thái Lan về vụ việc này.
Bài học để lại ?
Qua trao đổi với tư vấn và tìm hiểu, người viết thấy đây là một vụ khá điển hình  trong kinh doanh và nghĩ cần rút ra mấy bài học trong buôn bán quốc tế:
Thứ nhất, việc điều tra đối tác ngay từ đầu là hết sức quan trọng. P/B không thể là cam kết đền bù về số lượng và chất lượng khi giao hàng mà là bảo đảm vô điều kiện khi đối phương bội tín hợp đồng, phải theo mẫu của người mua và do ngân hàng loại một cấp; không thể rút ngắn thời gian kiểm tra chứng từ để chấp nhận thanh toán xuống chỉ có 3 ngày trong khi theo UCP 600 là 5 ngày...
Thứ hai, tư vấn không bị ràng buộc bởi bên nào nên việc góp ý đôi khi “chướng tai, gai mắt”, song nếu bình tâm cũng có thể rút ra những điều bổ ích. Cũng không nên cứ thương thảo xong rồi mới hỏi ý kiến tư vấn. Nên dùng tư vấn từ đầu, đã dùng thì nên tin, nếu quyết định của mình trái với ý kiến tư vấn thì nên lý giải ngọn ngành.  
Thứ ba, luật pháp của ta chưa được kín kẽ trong việc ban hành biện pháp khẩn cấp ngay khi phát hiện ra những dấu hiệu lừa đảo cho dù hợp đồng không quy định tranh chấp sẽ được giải quyết bởi bất cứ trọng tài hay tòa kinh tế nào tại VN. May mà ngân hàng không máy móc chấp nhận yêu cầu của người mua.
Thứ tư, trong việc thanh toán theo tín dụng chứng từ, ngân hàng tuy không cần biết tới hợp đồng mà chỉ căn cứ theo sự chuẩn xác của chứng từ, song ngân hàng cũng cần biết tới nghiệp vụ XNK, trước tiên cần góp ý với DN về những điều khoản trong việc yêu cầu mở L/C để đảm bảo độ an toàn cho DN.
Thứ năm, ngân hàng và DN cần cập nhật các mẫu chứng từ của từng nước mà mình giao dịch để bằng mắt thường ngay từ đầu, có thể phát hiện ra thật hay giả. Ngoài hệ thống của Bộ Công Thương với mạng lưới thương vụ nằm ở nhiều nước, VCCI với mối quan hệ với nhiều Phòng Thương mại của các nước khác, ngân hàng cũng có thể yêu cầu các bạn hàng của mình, các ngân hàng nước ngoài là đối tác, cung cấp; ngoài ra các tổ chức khác, như SGS, các hãng tàu hay đại lý hãng tàu, bảo hiểm cũng là những địa chỉ để ta yêu cầu các mẫu chứng từ có liên quan.
(Theo dddn.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét