Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Khi nào gặp trọng tài thương mại?

Luật Trọng tài thương mại đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 7 hồi tháng 6 vừa qua và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Tuy nhiên, còn có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật.
Một trong số những câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại được nhiều thành viên Ban soạn thảo Nghị định đặt ra là, loại tranh chấp nào thì trọng tài được giải quyết và có nên liệt kê cụ thể những loại vụ việc như vậy ngay trong Nghị định hay không.
Chúng tôi làm, nhưng “rón rén” (?!)
Theo quy định trước đây, chỉ có tổ chức kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh mới có quyền lựa chọn trọng tài. Điều này đã gây khó khăn cho các trung tâm trọng tài và cá nhân có nguyện vọng lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế trọng tài. Ông Nguyễn Minh Chí - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam trần tình: “Tranh chấp liên quan đến công trình xây dựng của một cơ quan nhà nước là tranh chấp giữa Ban quản lý công trình đó với chủ đầu tư. Nếu làm “cứng” theo quy định thì trọng tài không được làm, nhưng thực tế thì chúng tôi cũng “rón rén” làm đối với những trường hợp có một bên hoạt động thương mại”.
Vẫn theo ông Chí, hiện nay, với quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010, phạm vi thẩm quyền của trọng tài đã được mở rộng. Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng đều có thể thỏa thuận lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp, miễn là lĩnh vực phát sinh tranh chấp nằm trong phạm vi quy định của luật. Ông Chí thiên về phương án không quy định chi tiết về phạm vi giải quyết của trọng tài vì e ngại những quy định hướng dẫn lại “bó hẹp” phạm vi so với Luật, làm khó cho cả trọng tài lẫn các bên có nhu cầu sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp này.
Trong khi đó, Luật sư, Trọng tài viên Nguyễn Mạnh Dũng - Phó Tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương lại cho rằng, Nghị định cần “khoanh” rõ: thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài bao gồm tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại (là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác). Ông Dũng cũng nêu vấn đề, trường hợp tranh chấp phát sinh giữa các bên, trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại có bao gồm hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hay không, bởi “nếu có, vấn đề sẽ rất khác”.

Thẩm quyền của trọng tài là một trong ba nội dung của Luật chưa có sự tương thích cao với yêu cầu hội nhập quốc tế
Theo một đại diện Ban soạn thảo Nghị định hướng dẫn, quả thực, thẩm quyền của trọng tài là một trong ba nội dung của Luật chưa có sự tương thích cao với yêu cầu hội nhập quốc tế. Giờ đây, Ban soạn thảo Nghị định đứng trước hai lựa chọn khó khăn: nếu chỉ đề cập đến tổ chức thì rất đơn giản; nếu hướng dẫn cả những vấn đề về chuyên môn thì sẽ rất phức tạp (mặc dù khi đó việc vận dụng Luật sẽ dễ dàng hơn nhiều trên thực tế).
Cụ thể hóa việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
“Mặc dù Luật đã trao quyền cho Hội đồng trọng tài được áp dụng 6 biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo phán quyết được thi hành, nhưng lại… “quên” không quy định việc thi hành các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài” - bà Nguyễn Thị Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) bình luận. Để nội dung rất mới và được coi là một “bước tiến dài” trong việc nâng cao hiệu lực thi hành của phán quyết trọng tài này phát huy hiệu quả, bà Minh cho rằng, Nghị định cần có những quy định cụ thể về những vấn đề nêu trên.

(Theo dddn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét