Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

SẼ BÌNH ĐẲNG CẢ TUỔI HƯU CHO NỮ GIỚI?

Viện Khoa học lao động và xã hội (ILSSA) thuộc Bộ LĐ -TB&XH và Ngân hàng thế giới tại Việt Nam vừa công bố kết quả nghiên cứu về độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ trên khía cạnh bình đẳng giới và bền vững quỹ bảo hiểm xã hội. Theo đó, báo cáo đưa ra hai đề xuất về điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới với thời điểm thực hiện bắt đầu từ năm 2011.
Đại diện Viện Khoa học lao động và xã hội cho biết, dự án này được thực hiện trong hai năm 2007-2008 dựa trên kinh nghiệm trong nước và quốc tế, phân tích số liệu, tham khảo đối tượng phụ nữ hưu trí, đại diện doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách, từ đó cho thấy chưa có bằng chứng về thống kê nào cho thấy điều kiện sức khoẻ của phụ nữ ở độ tuổi từ 55-59 kém hơn nam giới. Trong số những phụ nữ đã nghỉ hưu, 61% số người ở nhóm tuổi 50-54 vẫn tiếp tục làm việc. Tỷ lệ này giảm xuống khoảng 55% ở lứa tuổi 55-59. Báo cáo đưa ra hai đề xuất về điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới.
Giải pháp thứ nhất là lao động nữ được quyền lựa chọn nghỉ hưu sớm 5 năm; hoặc tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và làm việc đến 60 tuổi như nam giới với thời điểm thực hiện bắt đầu từ năm 2011. Phụ nữ vẫn được hưởng quyền lương hưu khi đủ 55 tuổi như quy định hiện tại và công thức tính lương hưu của nữ giới dần dần được thay đổi để bình đẳng với nam giới. Giải pháp thứ hai là tăng tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ. Theo đó, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ phụ thuộc vào tốc độ tăng tuổi nghỉ hưu với thời điểm đồng loạt áp dụng từ năm 2011. Như vậy, nếu lộ trình tăng dần 4 tháng mỗi năm thì đến năm 2025, lao động nữ sẽ nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Nếu lộ trình 6 tháng /năm, quá trình chuyển đổi hoàn thành vào năm 2020 và với thời gian tăng độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới lên năm /mỗi năm, giai đoạn chuyển đổi sẽ hoàn thành vào năm 2015.
Nhiều chuyên gia cho rằng, theo quy định hiện hành của Việt Nam, lao động nữ đủ 55 tuổi là phải nghỉ hưu, trong khi đó nam giới có thể tiếp tục làm việc đến 60 tuổi. Việc quy định tuổi về hưu nữ thấp hơn nam là bất bình đẳng đối với nữ giới do nếu tiếp tục được làm việc, phụ nữ sẽ có cơ hội thăng tiến. Do quy định độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ thấp hơn nam giới 5 tuổi nên khi xem xét đào tạo, bồi dưỡng quy hoạch, đề bạt cán bộ, phụ nữ cũng thường bị bỏ qua cơ hội này sớm hơn 5 năm so với nam giới.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, hiện tại (2008), nếu tuổi nghỉ hưu lao động nữ bằng lao động nam, chi trả lương hưu sẽ giảm được 4.500 tỷ đồng /năm (tương đương 0,4% GDP năm 2008). Theo bà Hương, trong tương lai, khi hệ thống hưu trí tiếp tục phát triển, số lượng người tham gia BHXH càng lớn, gánh nặng này cũng sẽ lớn thêm. Cho đến nay, số người nghỉ hưu hàng năm vẫn ít, nhưng từ năm 2020 trở đi, khi số lượng người nghỉ hưu tăng nhanh thì mức chênh lệch nói trên sẽ lên tới 14.500 tỷ đồng /năm (tương đương 1,3% GDP). Theo số liệu thống kê mức sống dân cho thấy, ở cùng độ tuổi như nhau, tiền lương bình quân /tháng của phụ nữ luôn thấp hơn nam giới. Nếu so sánh mức lương bình quân /tháng của nam giới ở thời điểm nghỉ hưu (55 tuổi) lại càng thấp hơn so với mức lương bình quân /tháng của nam giới ở thời điểm nghỉ hưu (60 tuổi). Trong điều kiện tiền lương hưu vẫn là thu nhập chính của người nghỉ hưu thì điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ hưu trí. Ngoài ra, quy định tuổi nghỉ hưu hiện tại gây nên sự không công bằng trong đóng – hưởng thụ từ quỹ BHXH giữa nam và nữ.
Theo ông Nguyễn Anh Minh, Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH (thuộc BHXH Việt Nam), mức sống của người Việt Nam hiện nay đã được nâng cao, sức khoẻ của người lao động và tuổi thọ bình quân đã được cải thiện nhiều so với trước. Do vậy, các cơ quan có thể xem xét nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động cao hơn hiện nay. Hơn nữa, quy định tuổi nghỉ hưu thấp đối với lao động nữ có thể gây lãng phí về lực lượng lao động, tăng chi phí về BHXH và ảnh hưởng đến công bằng xã hội. Tuy nhiên, quy định tuổi nghỉ hưu thấp hơn vẫn áp dụng đối với những lao động của các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, sớm làm suy giảm khả năng lao động.
(Theo BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét