Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Vai trò của Tòa án Hành chính

Vấn đề được nhiều đại biểu tham gia cuộc hội thảo góp ý kiến Dự thảo Luật Tố tụng Hành chính do Trung tâm Nghiên cứu và Hành động vì cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức là vai trò của Toà hành chính trong việc bảo đảm quyền công dân... Đây cũng chính là yêu cầu cải cách hành chính đặt ra thông qua cơ chế giải quyết các vụ án có hiệu quả hay không. Và cũng là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự thảo luật này.

Kiện ít hay nhiều không quan trọng

Toà hành chính có vai trò đặc biệt trong việc bảo đảm tôn trọng quyền công dân, quyền con người và tạo ra một cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện quyền lực Nhà nước được thể hiện rõ nét nhất. Vai trò của Toà hành chính được quyết định bởi chức năng của Toà hành chính là xét xử về hành chính, giải quyết các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước giữa công dân với cơ quan hành chính nhà nước. Khi xét xử vụ án hành chính, Toà hành chính có quyền và nghĩa vụ kiểm tra và ra phán quyết về tính hợp pháp của quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị khiếu kiện.

Việc thành lập Toà hành chính và thực tiễn hoạt động xét xử của Toà hành chính trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình cải cách nền hành chính ở nước ta, buộc các cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước phải tự nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm, có những thay đổi phù hợp trong thủ tục cũng như phương thức điều hành, quản lý xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện đầy đủ các quyền tự do dân chủ của mình và buộc những người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước phải chú ý cân nhắc thận trọng hơn khi ra một quyết định hành chính hay khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Tuy nhiên, sau 15 năm đi vào hoạt động hiệu quả hoạt động của Toà Hành chính vẫn đang là một dấu hỏi. Số lượng các vụ việc được giải quyết là quá ít so với tranh chấp hành chính đang xảy ra. Theo báo cáo của ngành Toà án thì trong năm 1998, Toà án giải quyết 267/282 vụ việc, năm 1999 giải quyết 319/408 vụ việc, năm 2000, giải quyêt 419/539 vụ việc, năm 2001 giải quyết 564/803 vụ việc, năm 2002, giải quyết 770/1064 vụ việc, năm 2003 giải quyết 1247/1458 vụ việc, năm 2004 giải quyết 1524/1746 vụ việc, đến tháng 9/2005 giải quyết 1201/1361 vụ việc. Theo báo cáo của 28 tỉnh thì trong 3 năm trở lại đây (2006 - 2008) trong số 56.788 vụ việc đã giải quyết thì chỉ có 310 vụ việc công dân khởi kiện ra toà án.
Theo Phó viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra Đinh Văn Minh, có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng này: thẩm quyền của Toà án trong xét xử hành chính còn hạn chế; trình dộ năng lực thẩm phán còn chưa đáp ứng được yêu cầu xét xử một lĩnh vực mới mẻ; sự hiểu biết của người dân về sự hiện diện của xét xử hành chính và cơ hội khởi kiện còn chưa cao; các quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính còn có nhiều điểm chưa phù hợp.

Cùng quan điểm với ông Minh, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, vụ kiện nhiều hay ít không quan trọng bằng kiện về những việc gì và tỷ lệ thắng kiện là bao nhiêu. Đáng tiếc là không thấy có thông tin gì về vấn đề này. Theo số liệu thống kê, thì những năm đầu, án hành chính còn tăng lên đáng kể, còn suốt 7 năm gần đây vẫn chỉ loanh quanh con số 1.300 đến 1.700 vụ/năm. Vậy thì, phải thiết kế thế nào để mong cho dân thấy thuận tiện, thấy tin tưởng vào Toà mà kiện mà khởi kiện. Phó chủ nhiệm Văn phòng Luật sư TP Hồ Chí Minh, Luật sư Trần Công Ly Tao đã rất thẳng thắn khi đặt vấn đề, liệu những thẩm phán có mạnh dạn, có bản lĩnh để sửa, hủy những quyết định của cơ quan hành chính đặc biệt những cá nhân quyết định đó giữ vị trí nhất định trong xã hội, như chủ tịch UBND cấp quận, huyện...? Hơn nữa, mặc dù thẩm phán được bổ nhiệm hay tái bổ nhiệm là do thẩm pháp Tòa án tối cao nhưng trong quá trình công tác trong nhiệm kỳ 5 năm muốn được bổ nhiệm trở lại thì phải có đề xuất của địa phương. Đây là một vấn đề mà chúng ta không tháo gỡ được thì cải cách hành chính sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Vai trò "cân bằng hóa" của Tòa án
Đã có khá nhiều điềm mới trong Dự luật Luật Tố tụng Hành chính. Mặc dù vậy cảm giác của nhiều người vẫn là sự sao chép các quy định của tố tụng dân sự trong khi tố tụng hành chính có những đặc điểm khác biệt, từ đó cần có những quy định tương ứng cho phù hợp.

Đối tượng xét xử của tài phán hành chính là các tranh chấp liên quan đến luật công. Một bên là Nhà nước (cụ thể là các cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước, nhân danh Nhà nước) thực thi công vụ, vì lợi ích chung và với các phương tiện mang tính quyền lực, tính cưỡng chế; còn bên kia là các cá nhân công dân với các lợi ích cụ thể, các quyền và nghĩa vụ được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải được hoàn thiện, tôn trọng và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh trên thực tế. Người dân có quyền và có các điều kiện cần thiết để tham gia giám sát các hoạt động của bộ máy công quyền, quá trình thực thi công vụ của nhà chức trách. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền, Toà hành chính ra đời là nhằm bảo đảm pháp chế và kỷ luật trong hoạt động hành chính nhà nước, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức...

Mục tiêu là như vậy nhưng để đạt được điều đó, các thiết chế, trong đó có tố tụng hành chính cần đặc biệt quan tâm đến việc đưa ra các quy định để cân bằng hoá tưong quan giữa các bên trong tố tụng hành chính. Ở đây không chỉ nói đến nguyên đơn bị đơn mà còn bao gồm cả ba mối quan hệ: Toà án và cơ quan công quyền (người bị kiện); công dân, người kiện với cơ quan công quyền, người bị kiện. Bởi vì tranh chấp hành chính xuất phát từ mối quan hệ vốn không bình đẳng giữa một bên là người quản lý và một bên là người bị quản lý. Vì vậy, khi đã ra trước toà án, trước công lý nhiệm vụ của toà án là phải "cân bằng hoá" mối quan hệ này.

Nếu như bình đẳng trong tố tụng dân sự có thể đến một cách tự nhiên thì trong tố tụng hành chính, điều này còn phụ thuộc vào toà án và các quy định tố tụng. Sẽ là điều bình thường nếu có những điểm nào đó mà người khởi kiện được "ưu tiên" hơn người bị kiện. Trong khi đó cần có những phương cách để vượt qua những khó khăn rất có thể gây ra từ phía cơ quan công quyền, bên bị kiện. Hạn chế này càng lớn hơn khi người thẩm phán phải xét xử các quyết định hay hành vi hành chính của những người đứng đầu cơ quan công quyền ở địa phương.

Như vậy dự thảo Luật tố tụng hành chính ngoài những kỹ thuật thông thường về tố tụng, cần quan tâm nhiều hơn đến những quy định cho phép toà án vượt qua những khó khăn, chủ yếu là từ phía bên bị kiện ở các khía cạnh như có mặt tại phiên toà và người đại diện của bên bị kiện trong tố tụng hành chính; trách nhiệm chứng minh... Đồng thời, cũng cần thấy rằng tất cả những vấn đề liên quan đến tố tụng hành chính là phục vụ công cuộc cải cách hành chính đem lại hiệu quả thiết thực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét