Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Gỡ rối cho các nhà đầu tư nước ngoài

Hướng xử lý cho các hồ sơ thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các Sở Kế hoạch và Đầu tư đang hé mở.

Trong Dự thảo thay thế Nghị định 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài lần đầu thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện đăng ký đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật đầu tư. Trong trường hợp này doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy sẽ có thể chấm dứt những phân vân về việc nên áp dụng quy định theo pháp luật về doanh nghiệp với độ mở cao và nhận được sự đồng thuận lớn của nhà đầu tư hay áp luật theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Ách vì không thống nhất
Cho tới thời điểm này, hàng loạt hồ sơ thành lập doanh nghiệp có tỷ lệ vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài dưới 49% theo quy định của Nghị định 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp vẫn đang bị ách tại một số Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đặc biệt, tại Hà Nội, từ khoảng tháng 10/2009, việc tiếp nhận và xử lý số hồ sơ này đã được dừng tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Lý do được lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nhắc tới khi được hỏi, là theo quy định của Luật Đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư và làm thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Trong khi đó, Nghị định 139/2007/NĐ-CP hiện hành lại cho phép các trường hợp này thực hiện tùy theo tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu tỷ lệ này lớn hơn 49% vốn điều lệ thì các doanh nghiệp mới phải tiến hành thủ tục về đầu tư. Cũng phải nhắc lại rằng, chính việc quy định thủ tục với các trường hợp thành lập doanh nghiệp có tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài dưới 49% được áp dụng như đối với nhà đầu tư trong nước, giúp cho thời gian và thủ tục mà các nhà đầu tư phải bỏ ra để có mặt tại thị trường Việt Nam là khá nhanh và đơn giản. Song, đứng về khía cạnh quản lý nhà nước các Sở Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng, quy định như vậy sẽ làm cho họ khó kiểm soát được sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài ẩn sau các doanh nghiệp mới thành lập.
Sự va chạm giữa hai nhóm lợi ích bởi không thống nhất trong quy định của pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp đã khiến cơ quan quản lý buộc phải dùng biện pháp hành chính là dừng xử lý để chờ có quy định cụ thể.
Hướng mới
Với những nội dung tại Dự thảo thay thế Nghị định 139/2007/NĐ-CP, hướng xử lý cho các hồ sơ đang ách lại tại các Sở Kế hoạch và Đầu tư đã khá rõ ràng. Các nhà đầu tư nước ngoài lần đầu thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam dù có tỷ lệ góp vốn trong doanh nghiệp là bao nhiêu thì vẫn phải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư.
Với các trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập tại Việt Nam dự định thành lập doanh nghiệp mới tại Việt Nam, nếu doanh nghiệp mới do doanh nghiệp có trên 49% vốn điều lệ là sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thành lập hoặc tham gia thành lập, thì  phải có dự án đầu tư và thực hiện đăng ký đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Cần làm rõ khái niệm nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập và hoạt động tại Việt Nam
Trường hợp doanh nghiệp mới do doanh nghiệp có tối đa 49% vốn điều lệ là sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thành lập, tham gia thành lập, thì việc thành lập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc đăng ký đầu tư trong trường hợp này áp dụng theo quy định tương ứng đối với dự án đầu tư trong nước. Như vậy, rất rõ ràng là sự phân định về điều kiện sẽ trên cơ sở làm rõ khái niệm nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Việc xử lý hồ sơ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần thành lập doanh nghiệp mới sẽ phải được xem xét khác với trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, các hướng mở này hiện vẫn đang là dự thảo. Mặc dù theo thông tin từ Ban soạn thảo Dự thảo - Nghị định thay thế Nghị định 139/2007/NĐ-CP, Chính phủ đã có cuộc họp thông qua, song thời gian để thực hiện vẫn phải đợi quyết định cuối cùng. Và như vậy, số hồ sơ bị ách lại tại các Sở Kế hoạch và Đầu tư chắc sẽ chưa thể giải quyết ngay trong một sớm, một chiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét