Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ QUYỀN THỪA KẾ TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM


Thừa kế là một chế định quan trọng trong pháp luật dân sự Việt Nam, có ý nghĩa rất lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực thừa kế. Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1959, Sắc lệnh 90/SL ngày 10/10/1945 cho phép tạm thời áp dụng những văn bản pháp luật dân sự của chế độ cũ với điều kiện "những luật lệ ấy không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể cộng hoà". Tại Điều 27 Hiến pháp năm 1980 cũng ghi nhận "Pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản của công dân". Tiếp theo, Thông tư số 81 ngày 27/7/1981 của Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế. Ngày 30/8/1990, Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Pháp lệnh thừa kế.
Qua hơn 4 năm thực hiện Pháp lệnh thừa kế đã cho thấy về cơ bản những quy định của Pháp lệnh phù hợp với thực tế đời sống, do đó chế định thừa kế trong Bộ luật dân sự năm 1995 đã kế thừa hầu hết các quy định của Pháp lệnh thừa kế. Tuy nhiên, những quy định về thừa kế trong Bộ luật dân sự vẫn còn tồn tại những điểm chưa hợp lý, rõ ràng.
Tại Điều 58 Hiến pháp năm 1992 khẳng định: "Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác…Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân."
Trên tinh thần của Hiến pháp năm 1992, Bộ luật Dân sự năm 1995 được ban hành là một bước phát triển mới trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự ở nước ta. Nội dung của Bộ luật dân sự năm 1995 tương đối đồng bộ và toàn diện nên về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế của xã hội thời kỳ này. Chế định thừa kế trong Bộ luật dân sự năm 1995 đã kế thừa hầu hết các quy định của Pháp lệnh thừa kế nói trên. Bên cạnh đó, Bộ luật dân sự năm 1995 đã bổ sung một số vấn đề mới trong lĩnh vực thừa kế, đặc biệt là việc thừa kế quyền sử dụng đất của cá nhân và thành viên của hộ gia đình, đây là những cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng thực thi quyền thừa kế tài sản trong đời sống xã hội.
Qua 10 năm thi hành Bộ luật Dân sự năm 1995, thực tiễn xét xử cho thấy những quy định pháp luật về thừa kế đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, từ sau năm 1995 đến nay đã có hàng loạt văn bản pháp luật có liên quan được ban hành như Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Luật Đất đai năm 2003, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi), Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi), dẫn đến những bất cập nhất định, trong đó có những quan hệ liên quan đến thừa kế. Vì vậy, Bộ luật Dân sự năm 2005 vừa được ban hành đã bổ sung, chỉnh sửa một số quy định về thừa kế tài sản phù hợp và mang tính khả thi hơn.
Tại Phần thứ tư của BLDS  năm 2005 quy định về thừa kế bao gồm 4 chương, từ Điều 631 đến Điều 687.
Người có quyền thừa kế theo quy định của pháp luật Việt Nam là công dân, tổ chức. Quyền thừa kế thuộc về cá nhân được thể hiện theo hai chủ thể nhất định, đó là chủ thể để lại tài sản (quyền của người để lại di sản) và chủ thể hưởng thừa kế di sản (quyền của người nhận di sản). Quyền thừa kế thuộc về tổ chức được thể hiện theo một chủ thể nhất định, đó là chủ thể hưởng thừa kế di sản (và chỉ trong trường hợp thừa kế theo di chúc).
Khi xem xét về vấn đề thừa kế thì di sản là một trong những vấn đề được quan tâm trước tiên. Di sản là cơ sở để thiết lập di chúc bên cạnh các căn cứ khác. Chỉ khi di sản còn tồn tại trên thực tế thì người lập di chúc mới có “cái” để định đoạt.
Những người được thừa kế theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi. Người có hay không có năng lực hành vi hoặc người có năng lực hành vi không đầy đủ đều có quyền thừa kế. Trong trường hợp này, người giám hộ sẽ thực hiện giúp những người này các quyền và nghĩa vụ trong phạm vi tài sản của họ.
I/ Một số nội dung trong các quy định về quyền của người để lại tài sản.
Đối với cá nhân người để lại tài sản, với tư cách là chủ sở hữu hợp pháp đối với những tài sản của mình, cá nhân có quyền lập di chúc để thực hiện quyền định đoạt tài sản của bản thân. Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân trong việc định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của họ trước khi chết.
Theo quy định tại Điều 648 Bộ luật Dân sự thì người lập di chúc có các quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Ngoài ra, tại Điều 662 BLDS còn quy định người lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc.
1. Chỉ định người thừa kế
Người lập di chúc có quyền để lại di sản cho bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào. Họ có thể là con, cha, mẹ, vợ, chồng… của người thuộc diện thừa kế theo luật dựa trên các quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng hoặc quan hệ huyết thống; và cũng có thể là những người khác như Nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội,…
2. Truất quyền hưởng di sản
Quyền định đoạt của người lập di chúc còn được thể hiện thông qua việc họ có thể truất quyền hưởng di sản của người thừa kế theo pháp luật, mà không nhất thiết phải nêu lý do. Người lập di chúc có thể chỉ định một hay nhiều người thừa kế theo luật không được hưởng di sản thừa kế của mình.
Tuy nhiên, do pháp luật không quy định cụ thể như thế nào là “truất” nên hiện nay còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Có quan điểm cho rằng, người bị truất quyền hưởng di sản là trường hợp người lập di chúc thể hiện rõ ràng trong di chúc rằng một hoặc nhiều người thừa kế theo pháp luật không có quyền hưởng di sản. Trong trường hợp này, nếu di chúc bị vô hiệu toàn bộ, thì tư cách người thừa kế theo luật của những người nói trên không ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong trường hợp di chúc có hiệu lực toàn bộ hoặc có một phần vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của việc truất quyền hưởng di sản thì tư cách người thừa kế theo luật của họ đương nhiên bị mất. Do vậy, nếu có phần di sản liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực, được chia theo pháp luật thì người đó vẫn không được hưởng. Quan điểm khác cho rằng, người thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc nhưng không được người lập di chúc chỉ định hưởng tài sản. Khi đó người thừa kế không được chỉ định trở thành người bị truất quyền hưởng di sản. Trong trường hợp này, nếu có phần tài sản nào đó không được định đoạt trong di chúc, được chia theo pháp luật thì họ vẫn sẽ được hưởng, vì họ là người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản, quyền thừa kế của họ có được là do luật định.
3. Quyền phân định di sản cho từng người thừa kế
Người lập di chúc có quyền phân chia một cách cụ thể di sản của mình cho người thừa kế. Người lập di chúc có quyền phân chia di sản cho mỗi người không nhất thiết phải ngang nhau mà không cần phải nêu lý do. Người lập di chúc cũng có thể chỉ định nhiều người thừa kế và di sản được chia đều cho những người có tên trong di chúc. Nếu những người này có sự thỏa thuận về việc hưởng di sản thì việc phân chia di sản sẽ tuân theo sự thỏa thuận đó. Người lập di chúc cũng có thể phân định di sản theo tỷ lệ mà không xác định rõ phần di sản mà từng người thừa kế được hưởng và mỗi người thừa kế được hưởng phần di sản theo tỷ lệ đã được xác định trên tổng giá trị khối tài sản đang còn vào thời điểm phân chia. Hoặc người lập di chúc có thể phân định rõ trong di chúc người thừa kế nào được hưởng di sản là hiện vật gì; khi di sản được phân chia, các thừa kế được nhận hiện vật theo sự xác định trong di chúc
4. Quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế
Theo sự chỉ định trong di chúc, người thừa kế phải thực hiện một công việc vì lợi ích vật chất của người khác mà đáng lẽ khi còn sống, người để lại di sản phải thực hiện như trả nợ, bồi thường thiệt hại… Tuy nhiên, người thừa kế không phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản gắn liền với nhân thân của người để lại di sản. Trong trường hợp người để lại di sản có để lại một nghĩa vụ về tài sản nhưng trong di chúc không nói rõ người thừa kế nào phải thực hiện nghĩa vụ đó thì theo quy định của pháp luật, ai hưởng thừa kế thì người đó phải thực hiện. Tuy nhiên, người thừa kế chỉ phải thực hiện nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại trong phạm vi di sản thừa kế. Nếu người để lại thừa kế đã xác định rõ tỷ lệ nghĩa vụ mà từng người thừa kế phải thực hiện thì mỗi người phải thực hiện phần nghĩa vụ đó trong phạm vi di sản mà mình được hưởng. Phần nghĩa vụ vượt quá di sản người này được hưởng sẽ chia đều cho những người thừa kế khác thực hiện tương ứng với phần di sản mà họ đã nhận.
5. Người lập di chúc có quyền dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng và để di tặng
Người lập di chúc có thể để lại một phần di sản vào việc thờ cúng hoặc để di tặng cho người khác. Phần di sản dùng vào việc di tặng, thờ cúng không được chia thừa kế. Hiệu lực của việc di tặng về nguyên tắc, được xác định theo hiệu lực của di chúc. Nghĩa là việc di tặng chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm người lập di chúc chết và người được di tặng phải còn sống vào thời điểm đó. Người nhận tài sản di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các chủ nợ của người chết, pháp luật cũng quy định: “Trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này” (khoản 2 Điều 671 BLDS) và “Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng””(khoản 2 Điều 670 BLDS).
Pháp luật quy định người để lại di sản thừa kế có quyền dành một phần di sản của mình để di tặng là hoàn toàn hợp lý. Theo quy định về di tặng thì, người được di tặng có nhiều ưu tiên hơn người được thừa kế thông thường vì khi thực hiện nghĩa vụ về tài sản, thì người được di tặng chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi toàn bộ di sản của người lập di chúc không đủ để thanh toán các khoản nợ của họ. Tuy vậy, khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến vấn đề này, còn tồn tại nhiều vướng mắc, cụ thể: Xét về bản chất, người được di tặng là người được hưởng một phần di sản theo di chúc. Như vậy, có áp dụng Điều 643 BLDS quy định về “người không được quyền hưởng di sản”đối với người nhận di tặng hay không?.
Vấn đề để lại di sản dùng vào việc thờ cúng cũng gặp vướng mắc tương tự. Di sản này cũng được hưởng ưu tiên khi thực hiện nghĩa vụ và không bị đem ra chia thừa kế. Tuy nhiên, pháp luật không quy định rõ phần di sản dùng vào việc thờ cúng của người để lại di sản tối đa là bao nhiêu. Do vậy, trường hợp người lập di chúc định đoạt tài sản dùng vào việc thờ cúng quá lớn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thừa kế. Trong thời gian tới, pháp luật dân sự cần quy định cụ thể về phần di sản được dùng vào việc thờ cúng và di tặng để tránh những vướng mắc nêu trên.
6. Quyền sửa đổi, bổ sung thay thế, hủy bỏ di chúc
Sửa đổi di chúc: là việc người lập di chúc bằng ý chí tự nguyện của mình làm thay đổi một phần di chúc đã lập. Những phần di chúc không bị sửa đổi vẫn có hiệu lực; phần di chúc đã bị sửa đổi sẽ không còn hiệu lực mà thay vào đó, pháp luật sẽ căn cứ vào ý chí thể hiện trong sự sửa đổi sau cùng.
Bổ sung di chúc: là việc người lập di chúc bổ sung thêm một số vấn đề mà trong di chúc đã lập chưa nói đến nhằm làm cho di chúc cụ thể, chi tiết hơn, rõ hơn. Khi người lập di chúc bổ sung di chúc thì cả di chúc đã lập và cả phần bổ sung đều có hiệu lực như nhau. Trường hợp di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. BLDS không quy định điều kiện về hình thức của việc sửa đổi, bổ sung di chúc. Tuy nhiên, để tránh việc tẩy xóa, thêm bớt vào di chúc làm giảm tính chính xác và xác thực của di chúc pháp luật cần quy định việc sửa đổi bổ sung di chúc phải được thể hiện bằng văn bản riêng biệt kèm theo di chúc đã lập.
Thay thế di chúc: Thay thế di chúc là việc một người tuy đã lập di chúc định đoạt tài sản của mình cho người khác nhưng sau đó nếu họ thấy việc định đoạt của mình chưa phù hợp (hoặc không còn phù hợp) thì có quyền lập một di chúc khác để thay di chúc đã lập trước. Khoản 3 Điều 662 BLDS quy định: “Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ”.
Hủy bỏ di chúc: là người đã lập di chúc lại bằng ý chí tự nguyện của mình truất bãi di chúc đã lập. Khoản 3 Điểu 662 BLDS 2005 xác định một trường hợp được coi là hủy bỏ di chúc: khi người lập di chúc thay thế di chúc đã lập. Tuy nhiên, thực tế việc hủy bỏ di chúc còn có thể được người lập di chúc thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ: hủy bỏ di chúc trong trường hợp thực hiện hành vi xé, đốt, tiêu hủy di chúc mà người đó đã lập ra; hoặc khi người lập di chúc tuyên bố trước mọi người về việc phế truất di chúc đã lập hay viết vào bản di chúc là không thừa nhận di chúc đó nữa. BLDS không quy định về hình thức hủy bỏ di chúc, tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, dù thực hiện bằng cách nào chăng nữa, nhưng nếu đó là ý chí tự nguyện của người lập di chúc thì đều được coi là hủy bỏ di chúc.
7. Quyền chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản
Để tránh việc thất lạc, hư hỏng di chúc, cũng như để đảm bảo ý nguyện của mình không bị người khác xâm phạm, người lập di chúc có thể gửi di chúc ở cơ quan công chứng nhà nước hoặc bất kỳ người nào mà mình tin tưởng giữ bản di chúc. Đồng thời, để di sản của người lập di chúc để lại không bị mất mát, hư hỏng cần có người quản lý di sản. Tôn trọng ý chí của người lập di chúc nên trước hết người quản lý di sản phải là người được chỉ định trong di chúc, khi nào trong di chúc không xác định người quản lý di sản thì sẽ xác định người quản lý di sản theo một trong các trường hợp sau:
- Là người được những người thừa kế cùng thỏa thuận cử ra để quản lý di sản trong thời gian di sản chưa được chia.
- Người đang chiếm giữ, quản lý di sản là người quản lý di sản trong thời gian những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản mới.
- Người đang chiếm giữ, sử dụng di sản thừa kế theo hợp đồng mà họ đã ký kết với người để lại di sản là người quản lý di sản cho đến khi hết hạn hợp đồng.
- Di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý khi chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý.
Người được chỉ định quản lý di sản trong di chúc có thể là một trong những người thừa kế theo luật của người đó nhưng cũng có thể là một người bất kỳ hoặc một cơ quan hay tổ chức nào đó. Ý chí này của người lập di chúc luôn luôn được pháp luật thừa nhận và bảo đảm thực hiện, nếu đúng là ý chí tự nguyện và không trái với pháp luật.
Người lập di chúc cũng có quyền chỉ định người phân chia di sản, việc phân chia di sản phải tuân theo di chúc. Trường hợp di chúc không xác định cách phân chia di sản thì phải chia theo sự thỏa thuận của những người thừa kế. Người phân chia di sản chỉ được hưởng thù lao đối với công việc chia di sản và theo mức mà người để lại di sản đã xác định, nếu trong di chúc có cho phép hưởng thù lao. Trường hợp di chúc không xác định điều này, nhưng nếu có sự thỏa thuận của những người thừa kế thì người phân chia di sản vẫn được hưởng thù lao theo sự thỏa thuận đó. Đồng thời, người được xác định phân chia tài sản có thể từ chối công việc đó nếu muốn và trong những trường hợp này những người thừa kế tự thỏa thuận để cử ra người phân chia di sản.
Trong một số trường hợp, pháp luật quy định quyền của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, các đối tượng được thừa kế tài sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Cụ thể, Điều 669 BLDS quy định:
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động
Tóm lại, quyền định đoạt của người lập di chúc được pháp luật bảo vệ và tôn trọng nhưng chỉ có hiện lực khi việc định đoạt bằng di chúc thỏa mãn các điều kiện về di chúc hợp pháp được quy định tại Điều 652 BLDS. Nếu người lập di chúc không tuân theo những điều kiện của di chúc hợp pháp thì di chúc đó bị xác định là không hợp pháp và mặc dù ý chí của người có tài sản được pháp luật bảo hộ và tôn trọng nhưng quyền định đoạt của người có di sản không phải là tuyệt đối. Quyền định đoạt tài sản của người lập di chúc không vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp luật thừa kế. Quyền tự do ý chí ấy được thể hiện không những trong việc lập di chúc để định đoạt tài sản mà còn thể hiện ngay cả trong việc không lập di chúc để định đoạt tài sản để lại sau khi chết. Đây là cách thể hiện ý chí của cá nhân bằng việc không lập di chúc để định đoạt tài sản của họ mà ý chí đó thể hiện ở việc chỉ để di sản cho những người có quyền thừa kế theo pháp luật.
II/ Một số nội dung trong các quy định về quyền của người nhận di sản.
Điều 642 BLDS quy định về việc từ chối nhận di sản như sau:
1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.
3. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế.”
Pháp luật thừa kế của nước ta quy định người thừa kế có quyền nhận di sản hoặc từ chối nhận di sản nếu sự từ chối quyền hưởng di sản của người thừa kế phù hợp với những điều kiện mà pháp luật đã quy định. Sự từ chối quyền hưởng di sản của người thừa kế được quy định trong điều luật nêu trên quy định thời hạn có hiệu lực của sự khước từ, hình thức và thủ tục khước từ quyền hưởng di sản và trường hợp không có quyền từ chối quyền hưởng di sản. Quyền từ chối nhận di sản thừa kế được pháp luật cho phép nếu phù hợp với điều kiện, nguyên tắc, thời hạn theo quy định tại Điều 642 BLDS.
Từ chối quyền hưởng thừa kế theo di chúc cũng là sự thể hiện ý chí của người được chỉ định thừa kế theo di chúc đã không nhận thừa kế theo sự định đoạt của người để lại di sản. Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc đồng thời là người thuộc hàng thừa kế theo pháp luật được hưởng di sản thì việc thể hiện ý chí của người đó có thể xảy ra các trường hợp sau:
- Chỉ từ chối quyền hưởng thừa kế theo di chúc mà không từ chối quyền hưởng thừa kế theo pháp luật.
- Chỉ từ chối quyền hưởng thừa kế theo pháp luật mà không từ chối quyền hưởng thừa kế theo di chúc
- Từ chối cả quyền hưởng thừa kế theo di chúc và quyền hưởng thừa kế theo pháp luật.
Theo tinh thần của điều luật này, thì việc từ chối nhận di sản được coi là một quyền năng của người được hưởng thừa kế. Tuy nhiên việc thực hiện quyền năng này chỉ được pháp luật chấp nhận trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày mở thừa kế; nếu quá thời hạn kể trên, người được hưởng di sản mới bày tỏ ý kiến về việc từ chối nhận di sản thì việc từ chối đó không được pháp luật chấp nhận và người đó buộc phải chấp nhận việc hưởng quyền năng của mình đó là “quyền hưởng thừa kế di sản”.
Thực tiễn giải quyết tranh chấp về thừa kế, rất ít trường hợp người nhận di sản thực hiện việc từ chối nhận di sản trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày mở thừa kế (tức là ngày mà người để lại di sản chết). Trong không ít trường hợp, sau khi người để lại di sản chết hàng vài năm, việc phân chia di sản mới được đặt ra (điều này là hoàn toàn phù hợp với cách xử sự truyền thống của người Việt Nam). Khi đó, tranh chấp về thừa kế mới nảy sinh, các bên đương sự đưa nhau ra tòa, yêu cầu Tòa án giải quyết. Nhiều người trong số các đương sự này vì không muốn tham gia vào vụ tranh chấp hoặc vì các lý do khác đã không muốn nhận di sản thừa kế và lúc này họ mới có ý định từ chối nhận di sản. Những người này làm đơn xin Tòa án cho phép họ từ chối nhận di sản (tức là họ từ bỏ một quyền năng của mình). Nếu Tòa án chấp nhận thì sẽ vi phạm quy định về thời hạn từ chối di sản theo Điều 642 Bộ luật dân sự. Nếu Tòa án không cho họ thực hiện quyền năng này, rõ ràng ý chí định đoạt quyền năng của họ đã không được đảm bảo.
Như vậy, quyền thừa kế đối với một khối di sản nhất định về bản chất cũng là một quyền tài sản. Người có quyền năng này cũng chính là chủ sở hữu của khối tài sản đó. Theo Điều 195 Bộ luật dân sự thì chủ sở hữu có toàn quyền định đoạt số phận pháp lý của tài sản thuộc sở hữu của mình, tức là có quyền chuyển nhượng, tặng cho hoặc thậm chí từ bỏ quyền sở hữu của mình. Như vậy, việc cho phép người được hưởng di sản thừa kế có quyền từ chối nhận di sản thừa kế là hoàn toàn hợp lý. Việc thực hiện quyền năng này ngoài thời hạn 06 tháng (nếu không phải để trốn tránh một nghĩa vụ tài sản) thì hoàn toàn không “gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” như nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu quy định tại Điều 165 Bộ luật dân sự.
Rõ ràng, chưa có sự thống nhất trong quy định của các Điều 642, Điều 195 và Điều 165 Bộ luật dân sự. Việc áp dụng một cách máy móc Điều 642 làm phức tạp hóa quan hệ dân sự, gây phiền phức cho người dân, chứ chưa thực nhằm mục đích làm ổn định quan hệ xã hội. Vì vậy, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của những người thừa kế, cũng như tạo điều kiện cho Tòa án giải quyết nhánh chóng, kịp thời các tranh chấp về thừa kế, nên sửa đổi quy định tương ứng của BLDS theo hướng, không quy định hạn chế thời hạn từ chối nhận di sản thừa kế. Đồng thời, pháp luật cũng không nên hạn chế phương thức thể hiện việc từ chối mà người từ chối có thể báo với các cơ quan Nhà nước hoặc Tòa án và những người thừa kế khác tại bất kỳ thời điểm nào trước khi di sản thừa kế được chia.
Nguồn: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

ĐỂ CHÍNH SÁCH KHÔNG BỊ “MƯA ĐÁ DƯ LUẬN”


Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng than rằng, cứ mỗi lần Bộ này đề xuất chính sách hoặc ban hành chính sách là y như rằng dư luận phản ứng rất mạnh. Mạnh đến mức có lúc ông Thăng gọi đó là “những trận mưa đá dư luận”.
Kể ra không ít những quy định của Bộ Giao thông vận tải bị dư luận phản ứng mạnh ngay khi vừa ban hành, Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận quá trình chuẩn bị (nhằm) tạo sự đồng thuận xã hội khi ban hành một chính sách vốn là điểm yếu của Bộ Giao thông vận tải. Và ông kỳ vọng điểm yếu đó sẽ được khắc phục sau khi thoả thuận hợp tác giữa Bộ Giao thông vận tải và viện Khoa học xã hội Việt Nam được ký kết vào giữa tuần qua. “Một trong những mục đích quan trọng của thoả thuận hợp tác này là để chuẩn bị dư luận, nghiên cứu tác động nhiều chiều (trước khi ban bành chính sách) mà trước nay Bộ Giao thông vận tải làm chưa tốt, thậm chí là kém”, ông Thăng nói. Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng, người được ông Thăng giới thiệu như là “kiến trúc sư” của thoả thuận hợp tác này, cũng cho rằng thực tế nhiều chính sách của ngành giao thông khi triển khai vấp phải những phản ứng xã hội rất gay gắt, vì thế, ông hy vọng thoả thuận sẽ đặt nền móng cho “việc trao đổi thông tin, tăng cường thẩm định, phản biện về mặt chính sách của Bộ Giao thông vận tải (từ phía các chuyên gia của Viện)”.
Không thể không ghi nhận nỗ lực “nhằm khắc phục” nói trên của Bộ Giao thông vận tải nhưng thực ra, để một chính sách đi vào cuộc sống, tránh được những “cơn mưa đá dư luận” mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói, nếu chỉ dừng ở mức “tăng cường trao đổi và thẩm định, phản biện” như ông Thắng hy vọng thôi, e là chưa đủ, bởi để có một chính sách phù hợp với yêu cầu của cuộc sống, khâu quan trọng nhất chính là điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu từ thực tế làm cơ sở cho việc nghiên cứu, hình thành các chính sách, các quy định phù hợp. Việc thẩm định, phản biện chỉ là một khâu trong quá trình hình thành chính sách; nên nếu mới chú trọng khâu này mà chưa chú ý đúng mức đến khâu điều tra, khảo sát thực tế trước khi soạn thảo chính sách thì rốt cuộc, cũng chỉ mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề.
Xã hội đang trông chờ các chuyên gia của Viện Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng, và các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nói chung không chỉ được “tham gia thẩm định, phản biện chính sách” hay “có những ý kiến đồng thuận” với chính sách của ngành giao thông mà quan trọng hơn, phải được tham gia vào quá trình làm chính sách nói chung trên nhiều lĩnh vực, bắt đầu từ khâu điều tra xã hội, khảo sát thực tế, đánh giá tác động xã hội của chính sách v.v. để giúp những người làm chính sách ban hành ra những chính sách thật sự khoa học, khả thi, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của cuộc sống.
Ít ngày trước khi lễ ký kết thoả thuận hợp tác nói trên diễn ra, một vị tiến sĩ xã hội học thuộc một viện con của Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã lên báo phản đối khá gay gắt quy định “phạt xe không chính chủ” trong Nghị định 71 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vừa có hiệu lực ngày 10.11 vừa qua. Trước phản ứng ấy, dù thừa nhận “có trách nhiệm của bộ là chưa cung cấp thông tin đầy đủ” khiến vị tiến sĩ kia “không có thông tin” nên hiểu không đúng bản chất nghị định, song Bộ trưởng Đinh La Thăng, khi gần cuối buổi lễ ký kết, lại bày tỏ mong muốn sau khi ký kết hợp tác, các ý kiến (dù chỉ từ một chuyên gia thuộc Viện) cũng phải làm sao để giúp chính sách, giải pháp của bộ đạt được đồng thuận, vì xã hội thường tin tưởng ý kiến của các nhà khoa học.
Chia sẻ với mong muốn của Bộ trưởng, nhưng nghe vậy, người viết không thể không tự hỏi: liệu có một sự ràng buộc nào đó sau thoả thuận hợp tác nêu trên, ví như vì thoả thuận mà những tiếng nói phản biện độc lập từ các chuyên gia thuộc biên chế của Viện sẽ ít đi, nhất là những tiếng nói nghịch với các chủ trương, chính sách của Bộ Giao thông vận tải?
Nguồn: SÀI GÒN TIẾP THỊ ĐIỆN TỬ

HIỂU THẾ NÀO VỀ YẾU TỐ “HÔN” TRONG TỪ “HÔN NHÂN”


Vì “hôn nhân 婚姻” là một từ gốc Hán, nên ta thử tìm hiểu một cách lí giải về yếu tố “Hôn 婚” trong từ này của các tác giả Trung Quốc.
Hình thức cưới xin của loài người trong xã hội thời thượng cổ là như thế nào vẫn đang còn là một dấu hỏi đối với mỗi chúng ta. Một số học giả Trung Quốc trước đây cho rằng, trong lịch sử nước họ chỉ có hình thức hôn nhân “sính lễ ăn hỏi (“sính thú hôn”) theo lệnh của cha mẹ, theo lối của người làm mối mà thôi, còn thì không có hình thức hôn nhân nào khác. Họ không muốn đi sâu vào tìm hiểu diện mạo thật của nó, vì sợ làm mất thể diện của tổ tiên.
Sự thật là ngoài hình thức “sính thú hôn” ra, ở Trung Quốc còn có cả một vài hình thức khác nữa. Điều này đã được bộc lộ ra trong lời quẻ Truân của “Chu Dịch”, tức “Kinh dịch” – bộ sách ra đời cách đây khoảng 3000 năm. Lời quẻ Truân: “Thừa mã ban như, khấp huyết liên như, phỉ khấu hôn cấu”. Có nghĩa là: Tiếng vó ngựa vang lộp cộp, người con gái khóc nước mắt đầm đìa, kẻ cướp nàng làm cô dâu. Hiểu được câu này, thì nghĩa của từ “hôn” đã được giải đáp. “Bọn cướp” đi “cướp” cô dâu tất nhiên không thể “cướp” vào ban ngày được, mà dứt khoát phải là sau lúc hoàng hôn. Cho nên, trong các sách cổ của Trung Quốc, “hôn nhân” đều được viết là 昏姻 hoặc 昏因 (chữ “hôn 昏” này chính là “hôn” trong “hoàng hôn 黄昏” và có nghĩa “hoàng hôn”). Trong sách “Bạch hổ thông nghĩa. Giá thú thiên” ở đời Hán còn nói: “Hôn nhân là gì vậy”? Là hành lễ (cưới) vào lúc hoàng hôn, cho nên gọi là hôn vậy”. Cho đến nay, nghĩa này vẫn còn được bảo lưu. Chẳng hạn, khi một người nào đó vẫn còn chưa có “đối tượng”, nếu người khác đột nhiên hỏi anh ta đã kết hôn chưa, có thể anh ta sẽ dí dỏm mà đáp lại rằng: “kết hôn, kết hoàng hôn”. Qua đây có thể thấy, từ xưa đến nay ở Trung Quốc, giữa “kết hôn” và “hoàng hôn” luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Vì sao người xưa lại cứ phải đón dâu vào lúc tối trời? Lời quẻ Truân đã trả lời bằng “phỉ khấu hôn cấu”. Thì ra hình thức hôn nhân ở Trung Quốc thời thượng cổ là “hôn nhân cướp đoạt” (tức “lược đoạt hôn”). “Hôn nhân cướp đoạt” là chỉ bên nhà trai dùng phương thức cướp đoạt để cưỡng chiếm một người con gái làm vợ khi người con gái ấy cùng người thân của cô còn chưa có ý kiến gì. Mà đã là chuyện cướp đoạt phụ nữ thì chỉ có thể ra tay vào lúc nhập nhoạng tối tăm. (Tục “cướp vợ” tồn tại trong một vài dân tộc ít người ở Việt Nam chắc hẳn cũng là theo hình thức hôn nhân này). Việc kết hôn các đời sau đó vẫn diễn ra theo tập quán này, tức đều đón dâu vào lúc trời đã ngả tối. Chính vì thế mà khái niệm “hôn nhân” đã dần được hình thành, và lễ cưới được gọi là “hôn lễ”.
Sách “Lễ kí .Tăng Tử Vấn có ghi: “Khổng Tử nói: Nhà gái ba đêm không tắt nến, vì nghĩ đến sự xa cách nhau vậy; nhà trai ba ngày không cử nhạc, vì nghĩ tới người thân cô dâu sẽ kéo đến vậy”. Cách nói này đã để lộ đầu mối của hình thức “hôn nhân cướp đoạt”. Trong “Lễ kí . Giao đặc sinh” có nói: “Hôn lễ không mừng”, dụng ý của nó cũng là vì sợ tin tức về việc hôn lễ. Kẻ cướp và hôn lễ là hai việc khác hẳn nhau, vì sao lại nói gộp với nhau? Phải chăng thủ đoạn cướp người trong lễ cưới thời xưa lại chẳng có dính dáng với bọn cướp? (Lương Khải Siêu “Trung Hoa văn hoá sử. Xã hội tổ chức thiên”, chương 2). Cách lí giải này là có lí, kẻ cướp và hôn lễ được nêu ra cùng với nhau hẳn là nhằm thể hiện hình thức “hôn nhân cướp đoạt”, điều này còn có thể thấy được qua ẩn ý của điển tích.
Qua ghi chép trong các cổ tích, ở thời Trung Quốc cổ đại đã từng có hình thức “sư hôn”, tức lợi dụng thủ đoạn chiến tranh để cướp đoạt thê thiếp, đây chính là hình thức “hôn nhân cướp đoạt” chính hiệu! Chu U Vương khi đánh họ Bao đã lấy Cao Tự; Tấn Hiếu Công khi đánh rợ Li đã lấy nàng Li Cơ; Tào Tháo khi phá đất Nghiệp đã cướp vợ Viên Hi làm vợ cho con trai mình; Minh Tông đời Hậu Đường trong thời gian làm kị tướng, khi tranh đoạt Bình Sơn đã lấy được người con gái họ Vương, về sau trở thành hoàng hậu; Nguyễn Thái Tổ khi chinh phục Diệc Nan Sát Hãn đã chiếm đoạt vợ ông ta; Minh Hiến Tông khi đánh Man đã bắt nàng họ Kỉ, sau bà này sinh ra Hiếu Tông; Thanh Cao Tông khi bình định biên cương tộc Hồi đã cướp được Hương Phi rồi đưa vào hậu cung, sủng ái một thời. Những việc như thế xảy ra rất nhiều từ đời Hán đến đời Đường. Chuyện thủ lĩnh các dân tộc thiểu số ở chốn biên cương Trung Quốc dùng thủ đoạn chiến tranh để mưu đồ lấy vợ là đám phụ nữ trong hoàng thất ở Trung Nguyên cũng không phải là ít.
Trong lịch sử, việc dựa vào thế lực để chiếm vợ người cũng không phải là điều hiếm thấy. Thời Xuân Thu, cả Vệ Tuyên Vương và Sở Bình đều chiếm vợ của con mình; thời Tam Quốc, Tôn Lạc nước Ngô chiếm vợ của Phùng Thuần, rồi đưa vào cung phong là Tả phu nhân; Đường Huyền Tông đưa phi tử của Thọ Vương là Dương Thị vào cung, rồi lấy cho Thọ Vương người vợ khác là con của Vi Chiêu Huấn. Trong “Tần Nguyên sử” có ghi: Thái Tổ khi diệt Tứ Bộ Tháp, Tháp Nhi đầu tiên chiếm hoàng hậu Dã Thúc Can, sau nghe nói chị bà này còn đẹp hơn, vừa mới lấy chồng, cũng cướp lấy luôn rồi giết cả chồng bà ta.
Trong dân gian cũng có chuyện vì không nộp nổi đồ sính lễ mà đã phải “cướp vợ”. Trong “Tả truyện . Tương Công nhị thập ngũ niên” có ghi: Một người lái buôn nhỏ nước Trịnh trên đường đi buôn sang nước Tấn khi gặp một đám đón dâu, liền cướp ngay lấy cô dâu làm vợ. “Bắc sử . Cao Ngang truyện” có chép: Khi Cao Càn hỏi con gái họ Thôi làm vợ, nhà gái hiềm anh ta không quyền, không thế nên không bằng lòng. Thế là anh ta liền rủ cậu em trai tên là Cao Ngang đến cướp cô gái đó. Ra đến ngoài thôn, Cao Ngang sợ nhà gái ra cướp lại nên nói với anh mình rằng: Sao anh không tiến hành hôn lễ ngay đi? Cao Càn hiểu ý em, liền “ngủ” luôn với cô này ở ngay tại cánh đồng rồi mới đưa về nhà mình.
Cần phải biết rằng, hình thức “hôn nhân cướp đoạt” của tầng lớp thống trị khác với trong dân gian về tính chất: một đằng là kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu, còn một đằng là buộc phải làm như vậy. Tầng lớp thống trị có thể ngang nhiên cướp vợ của người khác để hưởng lạc, song để duy trì trật tự cho nền thống trị của mình, lại nghiêm cấm người dân không được làm chuyện đó.
(Theo “Bát quái thần bí”)
Nguồn: NEWVIETART.COM

KHÔNG BIẾT VÀ PHẢI BIẾT


Có lẽ chưa bao giờ tình hình kinh tế, xã hội nước ta xảy ra nhưng vụ động trời như hiện nay. Nhưng đáng tiếc khi hậu quả ghê gớm của những vụ này đã và đang hiển hiện trước mắt mọi người thì không ít các cá nhân, các tổ chức quản lý khi được hỏi đều trả lời “không biết, chưa được báo cáo”. Câu trả lời dửng dưng và vô cảm này lâu nay đã trở thành một hội chứng xói mòn lòng tin và gây tác hại lớn.
Xin đơn cử một vài vụ việc:
Đầu tiên là các vụ liên quan đến người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Vụ ngưòi Trung Quốc nuôi cá trái phép trên vịnh Cam Ranh đã diễn ra hàng năm trời. Khi bị phát giác, UBND tỉnh Khánh Hoa trả lời nhẹ tênh “không biết”. Vụ Công ty Nguyên Long Sơn thuộc tập đoàn kinh tế Nguyên Hinh, cũng của Trung Quốc, mua 1,2 héc ta đất trồng lúa ở Hàm Đức, rồi 59,7 héc ta đất trồng cây ở Hàm Chính, cùng thuộc huyện Hàm Thuận ở tỉnh Bình Thuận để chuyển đổi thành đất trồng thanh long, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận ỡm ờ trả lời “không minh bạch”. Vụ người Trung Quốc lộng hành thành lập các cơ sở buôn bán, rồi dựng biển hiệu tiếng Trung Quốc, gây ra hàng loạt sự kiện bức bối ở hàng loạt xã dọc QL 1A thuộc huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ông Nguyễn Đức Thắng, Chánh văn phòng UBND huyện khi được hỏi đã trả lời tỉnh khô: “chúng tôi không biết, vì huyện chỉ chủ trương giải phóng mặt bằng..”. Rồi hàng loạt cơ sở y tế do người Trung Quốc lập ra hoặc trực tiếp tham gia khám chữa bệnh với giá cắt cổ tràn lan ở các tỉnh trong cả nước, đặc biệt dày đặc ở TP. Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội, trong đó không ít cơ sở đã gây ra tử vong cho bệnh nhân. Nhưng ngành Y tế cũng lại “không biết”… Chỉ đến khi vụ việc đáng tiếc xảy ra mới đi giải quyết hậu quả bằng những biện pháp nửa vời… Rồi vụ 31.000 lao động người nước ngoài (tương đương 3 sư đoàn) đang hoạt động trái phép ở hầu hết các tỉnh thành nước ta, ngành Lao động Xã hội cũng lại trả lời “không biết vì không kiểm soát nổi”…
Những việc tầy trời dính đến an ninh quốc gia như vậy còn “không biết”, thì các vụ “đơn giản” hơn, hội chứng này lại càng phát triển. Xin đơn cử vài vụ điển hình:
Vụ thất thoát 44 tỉ ở Cục Điện ảnh sau một hồi điều tra, cuối cùng vào ngày 13-8 vừa qua, Viện Kiểm sát tối cao lạnh lùng công bố quyết định “Tạm đình chỉ vụ việc” vì “Không bắt được thủ phạm”.
Vụ 62 người dân bình thường ở xung quanh sân bay Đà Nẵng bất ngờ nhiễm chất độc điôxin mới được phát hiện trong tuần đầu tiên của tháng 9, cũng được các nhà chức trách trả lời: “sẽ điều tra vì không rõ nguyên nhân”.
Hàng ngàn héc ta vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), và Cúc Phương (Ninh Bình) bị lâm tặc phá trụi. Chính quyền hai tỉnh này và ngành lâm nghiệp vẫn trả lời “không biết”.
Còn mới đây, ngay giữa Thủ đô Hà Nội, việc ngôi chùa Trăm Gian, một di sản văn hoá của cha ông ta được dựng từ thời Lý Cao Tông (1185) bị phá dỡ hoàn toàn. Việc phá dỡ này diễn ra hàng tháng trời với tiếng cưa, tiếng búa cách UBND xã Tiên Phương sở tại chưa đầy 1km, cách UBND huyện Chương Mỹ chưa đầy 4km và Sở VH-TT và DL Hà Nội cách đó cũng không phải là quá xa. Vậy mà chỉ đến khi ngôi chùa biến thành một đống đổ nát gây bức xúc trong nhân dân và trong giới chuyên môn, thì UBND Thành phố Hà Nội mới họp báo tìm nguyên nhân, thủ phạm và giải pháp khắc phục, vì trước đó, tất cả các cơ quan này đều “không biết”…
Thật đau lòng khi cùng với tệ tham nhũng, hội chứng “không biết” đang ngày càng phát triển và đã làm băng hoại nhiều mặt trong xã hội ta, làm mất lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan quản lý, những cơ quan có trách nhiệm “phải biết” về tất cả những gì đang xảy ra…
Nguồn: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NHÀ VĂN

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Chống người thi hành “công vụ sai” có phạm tội không?


Tội “chống người thi hành công vụ”, mà trung tâm là xác định thế nào là công vụ, vốn là một đề tài tranh luận không dứt trong suốt lịch sử phát triển nhà nước pháp quyền.
Việc chống lại một người/lực lượng thi hành một công vụ sai thì có bị coi là phạm tội “chống người thi hành công vụ” không? Trang Pháp luật & cuộc sống xin giới thiệu hai luồng ý kiến khác nhau.
Phải hiểu đúng bản chất của “thi hành công vụ”
Người thi hành công vụ là người đang thực hiện nhiệm vụ công, tức là người đang thực thi quyền lực nhà nước trong các hoạt động quản lý hành chính. Tôi nghĩ pháp luật của chúng ta cũng đã quy định rõ về tội chống người thi hành công vụ. Nếu người thi hành công vụ làm trái pháp luật mà bị cản trở, xâm phạm thì người cản trở, xâm phạm không phải chịu tội chống người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng bản chất của việc “thi hành công vụ”. Tôi lấy ví dụ trong một vụ cưỡng chế, những người đang thực hiện quyết định cưỡng chế (cho dù quyết định đó đúng hoặc sai) mà tuân thủ đúng nội dung, kế hoạch của quyết định cưỡng chế đó thì có nghĩa họ đang thi hành công vụ. Bởi vì trong thời điểm đó, những người thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế đang thực thi một quyết định có hiệu lực pháp luật (nếu người bị cưỡng chế thấy quyết định đó sai thì có thể khiếu nại hoặc kiện ra tòa).
Như vậy, quyết định cưỡng chế có thể sai nhưng những người đang thực hiện không làm trái với nội dung quyết định đó mà bị xâm phạm thì đối tượng xâm phạm bị coi là chống người thi hành công vụ. Chỉ khi những người đang thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế làm sai với nội dung, kế hoạch của quyết định cưỡng chế mà bị xâm phạm thì đối tượng xâm phạm mới không phải chịu tội chống người thi hành công vụ.
Nếu cứ lý luận rằng một quyết định hành chính sai nên việc xâm phạm những người đang thực thi quyết định hành chính đó không bị coi là chống người thi hành công vụ thì lại khuyến khích việc lấy cái sai để chống cái sai, mà có thể người đang thực thi công vụ hoàn toàn không có lỗi gì trong quyết định sai đó.
Ví dụ, một quyết định cưỡng chế sai được ký bởi ông chủ tịch UBND huyện và ông chủ tịch mới chính là người chịu trách nhiệm trước quyết định này, còn những người thực hiện quyết định đó là chiến sĩ công an, chuyên viên phòng, ban chức năng của UBND thì không chịu trách nhiệm trước quyết định sai trên.
Nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc
(Lê Kiên ghi)
Chống lại một quyết định trái pháp luật chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Hồng Bách – Đoàn luật sư Hà Nội – cho rằng đây là một vấn đề về khoa học pháp lý, cần phải xem xét có các yếu tố cấu thành tội phạm hay không mới xác định có phải hành vi phạm tội hay không.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách, bốn yếu tố cấu thành tội phạm để xác định hành vi phạm tội, xử lý hình sự gồm hành vi trái pháp luật, hành vi phải có lỗi, hành vi phải gây hậu quả nghiêm trọng, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả.
Theo đó, nếu hành vi “chống lại một quyết định trái pháp luật” mà đã đủ bốn yếu tố này thì không cần xem xét các vấn đề khác cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can và điều tra để xử lý trước pháp luật.Luật sư Bách cho rằng về mặt nguyên tắc, những người thi hành công vụ được lệnh thực hiện công vụ, họ không biết được rằng việc chấp hành công vụ của họ đúng hay sai.
Do đó, dù chống lại một quyết định trái pháp luật nhưng nếu có đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm như trên thì hành vi đó vi phạm pháp luật. Chống lại một quyết định trái pháp luật chỉ được coi là một tình tiết giảm nhẹ tội cho những người phạm tội. Theo ông Bách, những người bị cưỡng chế dù chưa biết đúng hay sai nhưng phải chấp hành lực lượng thực thi công vụ, sau đó có quyền khiếu nại hoặc tố cáo hành vi đó là sai trái chứ không được phản ứng tiêu cực.
Minh Quang
Công vụ phải hợp pháp (*)
Khách thể của tội phạm này là xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của Nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công.
Đối tượng tác động của tội phạm này là người thi hành công vụ. Người đang thi hành công vụ là người đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ và chưa kết thúc, nếu chưa bắt đầu hoặc đã kết thúc nhiệm vụ mà bị xâm phạm thì không thuộc trường hợp chống người thi hành công vụ, mà tùy trường hợp cụ thể để xác định một tội phạm khác có tình tiết vì lý do công vụ của nạn nhân.Người đang thi hành công vụ phải là người thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự thi hành phải bảo đảm đúng pháp luật. Nếu người thi hành công vụ lại là người làm trái pháp luật mà bị xâm phạm thì người có hành vi xâm phạm không phải là hành vi chống người thi hành công vụ.
__________
(*) Tít của Tuổi Trẻ đặt.
(Trích trong cuốn Bình luận khoa học Bộ luật hình sự, phần các tội phạm – tập VIII – Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. NXB Tổng Hợp TP.HCM (năm 2005) của tác giả Đinh Văn Quế – chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao.
__________
Không thể đặt việc răn đe công dân làm trọng tâm
Thời quân chủ, chỉ cần nhân danh nhà vua thì bất cứ ai cũng không được chống lại, không ai được hỏi lệnh vua đúng hay sai.Thuở ban đầu của nhà nước quân chủ lập hiến, thực thi công vụ được hiểu là mọi hoạt động nhân danh nhà nước. Quá trình phát triển nhà nước pháp quyền chỉ ra rằng bản chất của hoạt động công vụ là sử dụng quyền lực nhà nước.
Trong nhà nước pháp quyền, bất kỳ hình thức sử dụng quyền lực nhà nước nào cũng phải được luật pháp cho phép. Nói một cách khác, một hành vi, một hoạt động công vụ nào cũng phải căn cứ vào ít nhất một điều luật. Hoạt động sử dụng quyền lực nhà nước mà không có cơ sở pháp lý (không căn cứ trên một điều luật cụ thể nào) không những không phải là hoạt động công vụ, mà còn là hành vi lợi dụng quyền lực nhà nước.
Có thể nói trường phái theo chủ nghĩa răn đe trong luật hình sự vẫn thuyết phục được nhiều người khi lập luận rằng khi chống lại người thi hành công vụ, “thủ phạm” đã hiểu rằng đó là công vụ và vì vậy rõ ràng là có chủ đích chống lại người thi hành công vụ. Luật hình sự phải trừng phạt chủ đích này để răn đe.
Tuy nhiên, ngày nay lập luận “Nhà nước pháp quyền hiện đại với trọng tâm là bảo vệ, bảo đảm phẩm giá con người, không thể đặt việc răn đe công dân lên trên nghĩa vụ và trách nhiệm tự ràng buộc mình vào luật pháp” đã trở thành lập luận được đa số ủng hộ. Vì vậy nhiều nước, trong đó có CHLB Đức, đã bổ sung vào luật hình sự điều khoản không trừng phạt người chống lại “người thi hành công vụ” nếu công vụ đó không có cơ sở pháp lý, ngay cả khi “thủ phạm” ngộ nhận đó là công vụ thật sự.
Như vậy, nếu một vụ cưỡng chế thu hồi đất sai pháp luật bị chống trả xảy ra tại một nhà nước pháp quyền như CHLB Đức chẳng hạn, thì các bị cáo trong vụ án không bị truy tố tội “chống người thi hành công vụ”, mà cao nhất chỉ có thể truy tố tội “tự vệ vượt quá giới hạn”.
Ngược lại, các quan chức ra quyết định cưỡng chế sai sẽ bị truy tố về tội lợi dụng quyền lực nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng với bản án vài năm tù và bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị cưỡng chế cũng như cho những người trong lực lượng cưỡng chế bị thương tật.
TS. Nguyễn VâN Nam
Các nhà lập pháp đang nợ nhân dân việc sửa đổi điều 257
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia viết rằng:“Công vụ là một hoạt động do công chức nhân danh nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội”.Nội dung này cũng phù hợp với cách giải nghĩa trong Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.
Rõ ràng, công vụ phải là việc công, do công chức nhân danh Nhà nước thực hiện. Nếu lợi dụng chức quyền để triển khai những việc nhằm trục lợi cho bản thân, không nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, thì không thể ngụy biện là công vụ.Khi công vụ được thi hành một cách đúng đắn thì người chống lại cần bị trừng phạt.
Nhưng khi công vụ được thực hiện không đúng với quy định của pháp luật thì không thể đòi hỏi người dân phải im lặng chấp thuận, và không thể đơn giản kết tội chống đối nếu người dân có phản ứng tự vệ.
Bộ luật hình sự của nước Đức được ban hành vào năm 1871, với tội chống người thi hành công vụ được quy định ở điều 113, trong đó viết rõ điều kiện áp dụng là công vụ được thực hiện đúng pháp luật (rechtmäßige Ausübung). Tức là không thể mặc nhiên kết tội này cho người chống lại nếu công vụ được thực hiện sai pháp luật.
Điều kiện “thực hiện đúng pháp luật” được duy trì trong điều 113 suốt 98 năm, “sống sót” qua bốn lần chỉnh sửa bộ luật hình sự, kể cả lần chỉnh sửa vào năm 1943 dưới thời phát xít. Đó là một yếu tố pháp lý quan trọng để bảo vệ người dân trước khả năng lạm dụng quyền lực của bộ máy công quyền. Chưa yên tâm với điều kiện đó, năm 1970 các nhà lập pháp Cộng hòa Liên bang Đức đã thay nó bằng một điều khoản rõ ràng hơn, có tác dụng bảo vệ người dân triệt để hơn, đó là:“Hành động (chống người thi hành công vụ) không thể bị xử phạt theo quy định này (tức là quy định trong điều 113) nếu việc thực hiện công vụ không đúng pháp luật”.Dù xã hội văn minh đến đâu thì cũng vẫn xảy ra việc người thi hành công vụ vô tình hay cố ý vi phạm pháp luật, khiến người dân phải tự vệ một cách chính đáng.
Cho nên, những quy định pháp lý như trong bộ luật hình sự của Đức để bảo vệ người dân trước khả năng công quyền bị lạm dụng là thật sự cần thiết. Ở Việt Nam, khi mà có tình trạng sự tha hóa và tham nhũng làm ô nhiễm bộ máy công quyền thì những quy định để bảo vệ dân oan lại càng bức thiết. Rõ ràng, các nhà lập pháp đang nợ nhân dân việc sửa đổi điều 257 (về tội chống người thi hành công vụ) của Bộ luật hình sự hiện hành, để đáp ứng đòi hỏi cấp bách của cuộc sống.
GS. Hoàng Xuân Phú, Viện Toán học thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam

Theo: Báo Pháp luật TP.HCM online

Cách viết bản án hình sự


 I. Mục đích, ý nghĩa của bản án hình sự
          Bản án hình sự là một văn bản tố tụng hình sự ghi nhận các kết luận và quyết định của Hội đồng xét xử, cao hơn nữa đó là sự đánh giá của Nhà nước đối với một hành vi, một con người cụ thể khi hành vi đó, con người đó bị truy tố trước Tòa án. Bản án hình sự đánh dấu sự kết thúc của quá trình điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng, do vậy bản án phải phản ánh trung thực diễn biến của vụ án và phải xác định rõ sự thật khách quan, đó là: có sự việc phạm tội xảy ra không?, ai là người đã thực hiện các hành vi đó và hành vi đó có cấu thành tội phạm không?, nếu là tội phạm thì phạm tội gì, theo điểm, khoản, điều nào của Bộ luật hình sự?, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân người phạm tội, động cơ, mục đích, hoàn cảnh, điều kiện của tội phạm đó… Căn cứ vào các kết luận, các phân tích, đánh giá nêu trên để Hội đồng xét xử Quyết định hình phạt cho tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội. Nếu không có tội thì Hội đồng xét xử phải xác định những căn cứ để tuyên bố bị cáo không phạm tội và giải quyết việc phục hồi danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.
          Theo nguyên tắc “Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án” (Nguyên tắc suy đoán vô tội) – Điều 9 BLHS năm 2003.
          Do đó, bản án hình sự có hiệu lực pháp luật là sự thể hiện quyền lực của Nhà nước trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hoạt động xét xử mà kết quả là việc hội đồng xét xử ra bản án để xác định một người có tội hay không có tội, phải chịu hình phạt hay không phải chịu hình phạt có ý nghĩa chính trị, xã hội rất sâu sắc và trước hết trực tiếp ảnh hưởng tới người bị đưa ra xét xử. Bản án hình sự tuyên đúng người, đúng tội, đúng pháp luật không chỉ có ý nghĩa về mặt đảm bảo pháp chế Xã hội chủ nghĩa được thực hiện nghiêm minh mà còn mang tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm trong xã hội, đồng thời tạo ra niềm tin của nhân dân vào công lý.
          II. Các nguyên tắc viết bản án hình sự
          1. Bản án phải đảm bảo chính xác và có tính thuyết phục
          – Tính chính xác của bản án được thể hiện ở chỗ các kết luận của bản án phải phù hợp với sự thật khách quan của vụ án. Bản án phải xác định đúng sự việc phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội, hậu quả của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự… từ đó áp dụng đúng các quy định của pháp luật hình sự.
          Bản án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật tức là việc áp dụng pháp luật đúng đắn, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, được dư luận đồng tình và đó cũng là tính thuyết phục cao của bản án. Tính thuyết phục của bản án còn thể hiện ở việc bản án phân tích sâu sắc, đầy đủ, hoàn thiện diễn biến và nội dung của vụ án, đánh giá đúng tính chất, mức độ, áp dụng đúng pháp luật để có quyết định hình phạt chính xác, đảm bảo nguyên tắc giáo dục và trừng trị.
          2. Bản án phải có căn cứ
          Việc phân tích, chứng minh, kết luận của bản án phải dựa trên các chứng cứ mà các chứng cứ này đã được thẩm tra tại phiên tòa. Hội đồng xét xử không được áp đặt ý kiến chủ quan hoặc sử dụng những chứng cứ chưa được thẩm tra tại phiên tòa.
          Khi kết luận bị cáo phạm tội, Hội đồng xét xử phải viện dẫn các căn cứ buộc tội bị cáo, căn căn cứ để trên cơ sở đó Hội đồng xét xử áp dụng xử phạt bị cáo. Ngược lại, khi tuyên bố bị cáo không phạm tội, Hội đồng xét xử cũng phải đưa ra các chứng cứ, các căn cứ để không chấp nhận việc truy tố của Viện kiểm sát.
          3. Bản án phải hợp pháp
          Bản án hợp pháp là bản án thỏa mãn hai phương diện: Nội dung và hình thức.
          – Về nội dung: Bản án phải giải quyết đầy đủ, toàn diện các vấn đề của vụ án trên cơ sở của Luật nội dung và Luật tố tụng. Các quyết định của bản án khi viện dẫn phải chính xác điểm, khoản, Điều của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự.
          – Về mặt hình thức: Bản án phải được thể hiện bằng ngôn ngữ phổ thông (tiếng Việt), nếu các bạn Lào là tiếng Lào. Văn phong trong bản án phải trong sáng, rõ ràng, đúng chính tả. Bản án phải thể hiện được không gian, thời gian, địa điểm xét xử, tên Tòa án xét xử, thành phần Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng khác như Viện kiểm sát, thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng. Việc phân tích, đánh giá trong các phần của bản án phải đảm bảo tính thống nhất, không được mâu thuẫn.
          III. Cơ cấu của một bản án hình sự
          Bản án phải được viết theo một cơ cấu, bố cục hợp lý. Bản án hình sự được chia thành từng phần và mỗi phần đều có tính độc lập riêng nhưng nằm trong một thể thống nhất, có quan hệ mật thiết, biện chứng, bổ sung hoặc là cơ sở của những phần tiếp theo. Trong tổng thể đó, vụ án được làm sáng tỏ.
          TAND tối cao có hướng dẫn về cách viết bản án hình sự sơ thẩm. (Hướng dẫn, giới thiệu Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 5/11/2004 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “xét xử sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự 2003).
          1. Phần mở đầu của bản án hình sự
          Phần này phản ánh những vấn đề về thủ tục tố tụng của việc xét xử mà chưa phân tích về nội dung vụ án (có tính hình thức). Trong phần này cần ghi rõ:
          – Tên Toà án xét xử;
          – Thời gian, địa điểm xét xử;
          – Xử công khai hay xử kín;
          – Họ tên các thành viên Hội đồng xét xử;
          – Họ tên đại diện Viện kiểm sát;
          – Họ tên thư ký phiên toà;
          – Họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, tiền án, tiền sự, ngày tạm giữ, tạm giam, trả tự do của bị cáo;
          – Họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú của những người tham gia tố tụng (người bị hại; người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bị hại; người làm chứng; người có quyền, nghĩa vụ liên quan; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự…);
          – Họ tên của Luật sư hoặc người bào chữa trong vụ án.
          2. Phần nội dung
          Phần này được chia thành hai phần là “xét thấy” và “nhận thấy”
          2.1. Phần “nhận thấy” trình bày sự việc phạm tội, các hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát truy tố tại bản cáo trạng. Trong phần này, Toà án chỉ viết những vấn đề liên quan trực tiếp đến vụ án, không phải là chép nguyên văn của bản cáo trạng.
          2.2. Phần “xét thấy” đó là những phân tích và đánh giá của Hội đồng xét xử về những vấn đề xung quanh vụ án, trong đó đặc biệt chú trọng đến:
          – Các chứng cứ xác định có sự việc phạm tội không? có cấu thành tội phạm không? người thực hiện hành vi phạm tội. (xác định có tội hoặc không có tội).
          – Nếu có tội thì cần áp dụng điểm, khoản, điều naà của Bộ luật hình sự. Nếu bị cáo không phạm tội thì áp dụng điều nào của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự.
          – Nếu bị cáo phạm tội thì các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Trong đó cần thiết phải xác định rõ nhân thân, điều kiện, động cơ, mục đích… để đánh giá đúng tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm.
          – Đánh giá thiệt hại, hậu quả của vụ án và xác định trách nhiệm dân sự (nếu có).
          – Giải quyết các vấn đề về vật chứng (nếu có).
          – Giải quyết vấn đề án phí hình sự, dân sự.
          3. Phần quyết định của bản án hình sự
          Phần quyết định của bản án hình sự phải ghi đầy đủ, rõ ràng về các căn cứ pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ án. Các căn cứ này là các điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự. Quyết định trong bản án phải cụ thể, dứt khoát, không nửa vời, nước đôi, không có sự hiểu lầm nhằm đảm bảo cho việc thi hành án thuận lợi.
          Phần cuối của quyết định phải tuyền quyền kháng cáo đối với bản án đó.
          IV. Một số vấn đề khác
          1. Khi viết bản án hình sự phúc thẩm: Giáo viên có thể giới thiệu qua về bản án phúc thẩm. Do có sự khác nhau giữa thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm nêu cách viết bản án hình sự phúc thẩm cũng có một số điểm khác sơ thẩm.
          2. Viết quyết định giám đốc thẩm hình sự
          Có thể giới thiệu sơ bộ về một quyết định giám đốc thẩm hình sự, trong đó có nêu về tính đặc thù của thủ tục giám đốc thẩm. (phá án). Từ đó có thể giới thiệu qua về cách viết một quyết định giám đốc thẩm hình sự.
Theo: Cổng thông tin điện tử TANDTC (http: toaan.gov.vn)

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Hướng dẫn khởi kiện tranh chấp kinh tế - thương mại


I. Trình tự thủ tục 
- Người khởi kiện nộp Đơn khởi kiện (theo mẫu hướng dẫn) tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
- Tòa án thụ lý đơn, xem xét đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí gửi người khởi kiện. Người khởi kiện nộp án phí tại Cơ quan thi hành án và nộp biên lai nộp tiền tạm ứng án phí lại cho Tòa án. Tòa án thụ lý vụ án và ra thông báo thụ lý vụ án và vụ án chính thức được Tòa án giải quyết.

II. Hồ sơ khởi kiện
- Đơn khởi kiện (theo mẫu hướng dẫn);
- Hợp đồng kinh tế hoặc văn bản, tài liệu giao dịch có giá trị như hợp đồng kinh tế;
- Biên bản bổ sung, phụ lục, phụ kiện hợp đồng (nếu có);
- Tài liệu về bảo đảm thực hiện hợp đồng như: cầm cố, thế chấp, tài sản (nếu có);
- Tài liệu về việc thực hiện hợp đồng như giao nhận hàng, các biên bản nghiệm thu, các chứng từ thanh toán, biên bản thanh lý hợp đồng, các biên bản làm việc về công nợ tồn đọng; 
- Tài liệu về tư cách pháp lý của người khởi kiện, của các đương sự và người có liên quan khác như: giấy phép, quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; điều lệ hoạt động, quyết định bổ nhiệm hoặc cử người đại diện doanh nghiệp;
- Các tài liệu giao dịch khác (nếu thấy cần thiết); 
- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).
Lưu ý: 
• Bản sao là bản sao chứng thực tại UBND cấp phường/xã.
• Các tài liệu nêu trên là văn bản, tài liệu tiếng nước ngoài đều phải được dịch sang tiếng Việt Nam do cơ quan, tổ chức có chức năng dịch thuật, kèm theo bản gốc. 

III. Thẩm quyền giải quyết
- Tòa án nhân dân có thẩm quyền nhận đơn khởi kiện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các tranh chấp kinh tế - kinh doanh thương mại nơi bị đơn cư trú, làm việc (bị đơn là cá nhân) hoặc bị đơn có trụ sở (bị đơn là cơ quan tổ chức).
- Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Toà án nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp.
- Nguyên đơn được lựa chọn nộp đơn khởi kiện tại Tòa án, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
b) Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
d) Nếu tranh chấp về bồi th¬ờng thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;
đ) Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;
h) Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
i) Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.

IV. Thời hiệu khởi kiện
- Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Thời hiệu khởi kiện các tranh chấp thương mại là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án trong thời hạn 09 tháng kể từ ngày giao hàng.
- Đối với vụ tranh chấp mà trong văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó như: Bộ luật hàng hải Việt Nam, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật giao thông đường thủy nội địa, Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Luật các công cụ chuyển nhượng, …

V. Án phí
1/ Án phí kinh tế bao gồm án phí kinh tế sơ thẩm và án phí kinh tế phúc thẩm.
2/ Mức án phí kinh tế sơ thẩm đối với các vụ án kinh tế không có giá ngạch là 2.000.000 đồng.
3/ Mức án phí kinh tế sơ thẩm đối với các vụ án kinh tế có giá ngạch được quy định như sau:
Giá trị tranh chấpMức án phí
a) từ 40.000.000 đồng trở xuống2.000.000 đồng
b) Từ trên 40.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng5% của giá trị tranh chấp
c) Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng20.000.000 đồng+ 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
d) Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng
đ) Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 2.000.000.000 đồng
e) Từ trên 4.000.000.000 đồng112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 4.000.000.000 đồng.
Tiền tạm ứng án phí sơ thẩm
Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có liên quan, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong các vụ án kinh tế phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm theo thông báo của Toà án với mức tạm ứng là 50% theo quy định trên, trừ trường hợp được miễn tiền tạm ứng án phí, miễn nộp án phí.

VI. Thời gian giải quyết
Thời hạn chuẩn bị xét xử: từ 2 đến 3 tháng kể từ ngày Tòa án thụ lý
Thời hạn mở phiên tòa: từ 1 đến 2 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử
Liên hệ để được tư vấn về thủ tục khởi kiện

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ MINH LONG
Địa chỉ: số 078 phố Đốc Ngữ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội
Luật sư: Phan Khắc Nghiêm - 0988 505 572 - 0913 579 801
Email: minhlonglawfirm@gmail.com/ phannghiemlawyer@gmail.com