Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Về vấn đề áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự khi quyết định hình phạt tù đối với người phạm tội, một số vướng mắc và kiến nghị


Bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự mà phạm tội, đều bị điều tra, truy tố, xét xử và phải chịu hình phạt. Căn cứ vào quy định tại Điều 45 BLHS thì “Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”. Theo cấu trúc của các điều luật thì khi một người bị truy tố, xét xử về một tội phạm nào đó được quy định trong Bộ luật hình sự, thì họ phải chịu mức hình phạt của một trong các hình phạt chính được quy định trong điều luật đó, thậm chí còn phải chịu một hay nhiều hình phạt bổ sung trong chính khung hình phạt của tội phạm đó. Tuy nhiên, cũng có không ít những trường hợp được quyết định hình phạt nhẹ hơn khung hình phạt mà họ đã bị truy tố đó là:
Theo quy định tại Điều 47 BLHS thì “Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án”.
Để áp dụng một cách thống nhất và tránh việc áp dụng một cách tràn lan Điều 47 BLHS, NQ số 01/NQ-HĐTP ngày 4/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn “…Cần hạn chế và phải hết sức chặt chẽ khi áp dụng các quy định tại Điều 47 BLHS năm 1999, trong trường hợp nếu không có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 47 BLHS năm 1999, thì bị cáo phải bị xử phạt ở mức cao của khung hình phạt…” và cũng theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01 nêu trên thì những quy định tại Điều 47 chỉ áp dụng đối với hình phạt chính mà không áp dụng đối với hình phạt bổ sung.
Tại Công văn số 148/2002/KHXX ngày 30/9/2002 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 46 và 47 BLHS có ghi “theo tinh thần quy định tại Điều 47 BLHS, thì Tòa án chỉ có thể quyết định một hình phạt nhẹ hơn dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định từ khoản 1 Điều 46 BLHS. Như vậy, việc Tòa án nào hoặc Hội đồng xét xử nào quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định, khi bị cáo chỉ có một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS (cho dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46) là trái với quy định tại Điều 47 BLHS…”.
Thực tiễn xét xử hiện nay, có không ít trường hợp áp dụng không đúng với quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự, sai sót đó không chỉ ở các Thẩm phán mà còn cả Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa cũng đề nghị không đúng, như khi đề nghị mức hình phạt trong phần luận tội đề nghị mức hình phạt thấp hơn cả mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề và Thẩm phán cũng xét xử như đề nghị của Kiểm sát viên.
Ví dụ: Bị cáo bị truy tố theo khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự về tội nhận hối lộ có khung hình phạt từ mười lăm năm đến hai mươi năm. Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, Kiểm sát viên đã đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự để cho bị cáo được hưởng mức án thấp hơn mức khởi điểm của khung hình phạt, song lại đề nghị mức hình phạt từ 5 đến 6 năm. Trong khi tại khoản 2 của điều luật khung hình phạt là từ bảy năm đến mười lăm năm và Thẩm phán cũng xử như vậy là vi phạm. Vì trong trường hợp này, tối thiểu Hội đồng xét xử cũng phải tuyên phạt bị cáo bảy năm tù mới đúng với quy định tại Điều 47 Bộ luật  hình sự.
Theo chúng tôi, việc điều luật quy định “khi ít nhất có hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46” là quy định “quá cứng” khó cho việc áp dụng vì phạm vi áp dụng hẹp hơn nhiều so với quy định tại khoản 3 Điều 38 BLHS năm 1985 và hướng dẫn tại mục B phần II Nghị quyết số 01-89/HĐTP ngày 19/4/1989 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Việc quy định như vậy, tuy mang tính chặt chẽ, tránh bị vận dụng tùy tiện, không thống nhất, đồng thời hình phạt được quyết định phải trong phạm vi “khung liền kề nhẹ hơn” tức là, nếu từ khoản ba là hình phạt bị truy tố thì chỉ được giảm xuống mức hình phạt quy định tại khoản hai chứ không được áp dụng mức hình phạt quy định tại khoản một. Việc quy định như vậy là cần thiết. Song qua thực tiễn xét xử, chúng tôi thấy việc quy định như vậy cũng chưa bảo đảm nguyên tắc nguyên tắc cụ thể hóa hành vi và cá thể hóa hình phạt cũng như nguyên tắc công bằng trong Luật hình sự Việt Nam. trong nhiều vụ án đồng phạm, đông bị cáo, đặc biệt là các bị cáo phạm tội về ma túy mà cứ phải áp dụng đúng quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì rất khó cho việc cụ thể hóa hành vi, cá thể hóa hình phạt dẫn đến rất nhiều trường hợp “vượt rào” khi áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự. Vì nếu không “vượt rào” thì sẽ không bảo đảm nguyên tắc công bằng trong quyết định hình phạt.
 Nhiều vụ án ma túy lớn có hàng chục bị cáo tham gia và đều bị truy tố theo điểm b khoản 4 Điều 194 Bộ luật hình sự về tội “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy”, song vai trò của họ trong vụ án lại khác nhau, có người  giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, có người thực hiện tội phạm tích cực, có người thực hiện tội phạm ít tích cực. Do đó, khi quyết định hình phạt chúng ta đều phải cụ thể hóa hành vi, cá thể hóa hình phạt. Có thể người chủ mưu cũng chỉ đáng xử với mức khởi điểm của khung hình phạt và đương nhiên những người có vai trò thứ yếu sẽ phải chịu mức án thấp hơn và ở dưới mức khởi điểm của khung hình phạt, vì không thể áp dụng tất cả các bị cáo mức hình phạt giống nhau được, có thể có nhiều bị cáo phải xử mức án dưới mức khởi điểm của khung hình phạt, mặc dù chưa chắc họ đã có hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình phạt.
Ví dụ: Ngày 25/5/2005, Hoàng Đình Đ, Nguyễn Thị H, Nguyễn Sỹ C, Nguyễn Văn V, Trần Thị K ở tại thị trấn GB, huyện GB, tỉnh BN đã có hành vi mua bán trái phép 190,4g Hêroin và bị bắt. Tất cả các bị cáo đều bị truy tố theo điểm b khoản 4 Điều 194 BLHS, với khung hình phạt từ hai mươi năm đến chung thân hoặc tử hình. Trong vụ án này Đ và V có vai trò chính, còn H (là vợ Đ), K (là vợ V), C (là chú H), có vai trò thứ yếu chỉ làm theo sự  chỉ dẫn của Đ và V. Căn cứ vào định lượng Hêroin mà các bị cáo mua bán, đối chiếu với hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/3/2001 thì hai bị cáo Đ và V có vai trò chính trong vụ án có xử nghiêm cũng chỉ đến hai mươi năm tù (NQ số 01 hướng dẫn xử phạt hai mươi năm tù nếu Heerroin hoặc Cocain có trọng lượng từ 100 gam đến dưới 300gam), và đương nhiên các bị cáo còn lại sẽ phải chịu mức án thấp hơn Đ và V là dưới mức khởi điểm của khung hình phạt. Trong khi các bị cáo chỉ có tình tiết khai báo thành khẩn, nếu áp dụng đúng quy định tại Điều 47 và các văn bản hướng dẫn nêu trên thì không thể xử các bị cáo thấp hơn mức khởi điểm của khung hình phạt được vì trái với quy định tại Điều 47! Không có lẽ tuyên phạt tất cả các bị cáo đều hai mươi năm bất kể mức độ họ phạm tội có giống nhau hay không, đây chính là những bất cập và vướng mắc từ chính quy định quá cứng của Điều 47 BLHS.
  Theo chúng tôi, để tháo gỡ những bất cập này,  khi áp dụng  Điều 47 Bộ luật hình sự, các Thẩm phán cũng cần chú ý là:
Tại khoản 1 Điều 46 quy định các tình tiết giảm nhẹ từ điểm a đến điểm s, nhưng không phải mỗi điểm chỉ quy định một tình tiết giảm nhẹ. Mặc dù chưa có hướng dẫn chính thức, nhưng qua các Hội nghị tổng kết và tập huấn cùng với cấu trúc ngữ pháp của tiếng Việt, theo chúng tôi có những điểm quy định tại khoản 1 Điều 46 chứa đựng nhiều hình thức giảm nhẹ khác nhau. Ví dụ: như điểm a, b, i, p, q, s. Tại các điểm này đều có các tình tiết khác nhau và được tách rời bởi dấu phảy. Như điểm p có hai tình tiết là thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải, hay như điểm s có thể hiểu và áp dụng là: Người phạm tội có thành tích xuất sắc trong sản xuất; Người phạm tội có thành tích xuất sắc trong chiến đấu; người phạm tội lập thành tích xuất sắc trong học tập; trong công tác…
Do vậy, khi xác định các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật tố tụng hình sự để áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự, Hội đồng xét xử phải nêu rõ bị cáo có tình tiết giảm nhẹ nào chứ không nên nêu chung chung quy định trong điều luật. Nếu bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì cần phải nêu và phân tích tất cả các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo được hưởng.
Ví dụ: khi nêu bị cáo có hai tình tiết giảm nhẹ tại điểm s khoản 1 Điều 46 cần nêu rõ như “người phạm tội là người đã có thành tích xuất sắc trong công tác đã được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”; “người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong chiến đấu đã được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba” hoặc quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, thì cần hiểu đây là hai tình tiết giảm nhẹ, bởi lẽ có những trường hợp người phạm tội thành khẩn khai báo những lại không thể hiện sự ăn năn hối cải đối với hành vi phạm tội mà mình gây ra. Ví dụ: Nguyễn Văn B phạm tội “giết người”, trước Cơ quan điều tra B đã khai nhận rõ về hành vi phạm tội của mình, song B không hề ăn năn với hành vi phạm tội của mình mà còn có thái độ thách thức, không chịu bồi thường cho gia đình người bị hại, mặc dù B có thừa khả năng để bồi thường. Theo chúng tôi, về vấn đề này cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS.  Có như vậy, việc áp dụng các quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự mới chính xác và thống nhất.
Một vấn đề nữa để việc áp dụng các quy định tại Điều 47 một cách thống nhất, Bộ luật hình sự cũng cần sửa đổi cho phù hợp theo hướng “khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ và không có tình tiết tăng nặng thì Tòa án có thể áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự”, chứ không nhất thiết phải quy định cứng nhắc là tại khoản 1 Điều 46. Đồng thời nên liệt kê thêm một số tình tiết giảm nhẹ mà từ trước tới nay chúng ta vẫn đưa vào khoản 2 Điều 46 như:
- Người phạm tội đầu thú;
- Người phạm tội là con em gia đình Thương binh, Liệt sỹ;
- Khi có đơn của gia đình bị hại xin cho người phạm tội…
Qua nghiên cứu quy định của Bộ luật hình sự về phần các tội phạm cụ thể, chúng tôi thấy, có một số quy định còn chưa phù hợp, dẫn đến khi chúng ta áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự sẽ gặp những vướng mắc nhưng vẫn không có hướng dẫn nào để tháo gỡ. Theo cấu trúc của Bộ luật hình sự năm 1999 thì đa phần các điều luật quy định  về các tội phạm cụ thể đều có các khung hình phạt khác nhau theo thứ tự từ 1 đến 2, 3 hoặc 4 theo trình tự mức hình phạt từ nhẹ đến nặng. Một số ít điều luật lại quy định khung hình phạt nặng nhất là khung 1 sau đó mới đến các khung có mức án nhẹ hơn như quy định tại các Điều về xâm phạm an ninh quốc gia (từ Điều 78 đến 92), tội giết người (Điều 93). Theo cấu trúc này, chúng ta có thể hiểu khung liền kề nhẹ hơn của khoản bốn sẽ là khoản ba, của khoản ba sẽ là khoản hai và tiếp theo… Song  quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 tại Điều 112 tội “hiếp dâm trẻ em” và Điều 227 tội “vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người”, Bộ luật hình sự lại có sự quy định khác về cấu trúc các khung hình phạt dẫn đến việc áp dụng Điều 47 sẽ gặp những vướng mắc cụ thể tại hai Điều luật này quy định như sau:
Điều 112. Tội “Hiếp dâm trẻ em”.
1. Người nào hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a/ Có tính chất loạn luân;
b/ Làm nạn nhân có thai;
c/ Gây tốn hại cho sưc khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
d/ Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ/ Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a/ Có tổ chức;
b/ Nhiều người hiếp một người;
c/ Phạm tội nhiều lần;
d/ Đối với nhiều người;
đ/ Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;
e/ Biết mình bị nhiểm HIV mà vẫn phạm tội;
g/ Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm những công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Theo quy định tại Điều 112 thì khung hình phạt liền kề của khoản bốn là khoản ba, khung hình phạt liền kề của khoản ba là khoản hai, khung hình phạt liền kề của khoản hai là khoản một. Song quy định tại Điều 112 thì khung hình phạt quy định tại khoản 4 của điều luật, mức hình phạt khởi điểm lại thấp hơn mức hình phạt khởi điểm quy định tại khoản 3 (mười hai năm so với hai mươi năm) và bằng với mức hình phạt khởi điểm quy định tại khoản 2 của điều này cùng là 12 năm tù. Vì vậy, trong trương hợp bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, xứng đáng được áp dụng các quy định của Điều 47 thì việc xác định mức án trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn là rất khó khăn. Vì nếu áp dụng khung hình phạt liền kề tại khoản ba thì mức khởi điểm lại cao hơn khoản 4, nếu áp dụng theo mức hình phạt khởi điểm tại khoản 2 thì lại có mức hình phạt khởi điểm bằng nhau và như vậy việc áp dụng các quy định tại Điều 47 lại chẳng có ý nghĩa gì. Còn nếu coi khoản 1 là khung hình phạt liền kề nhẹ hơn để áp dụng thì lại không đúng quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự.
Tương tự như vậy, tại Điều 227 tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người”
“1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a/ Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người;
b/ Gây hậu quả rất nghiêm trọng;
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm;
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Nếu quy định như vậy, thì thực tế sẽ xảy ra trường hợp một người nào đó phạm tội và bị xét xử theo khoản 4 của điều luật này sẽ không có cơ hội được áp dụng các quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự. Bởi lẽ mức hình phạt quy định tại khoản 4 Điều 227 Bộ luật hình sự lại thấp hơn cả mức hình phạt quy định tại khoản 1 điều này (sáu tháng đến ba năm và sáu tháng đến năm năm). Đây chính là những bất cập qua thực tiễn xét xử áp dụng các quy định tại Điều 47 của Bộ luật hình sự năm 1999.
Để khắc phục những vướng mắc như đã nêu và để việc áp dụng các quy định tại Điều 47 có ý nghĩa trong việc mở lượng khoan hồng với những người có nhiều tình tiết giảm nhẹ, cần phải sửa lại quy định tại Điều 112 theo hướng bỏ quy định tại khoản bốn của điều luật mà bổ sung thêm thành một tình tiết định khung tại khoản ba của điều luật là “ Giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi”. Đối với Điều 227 tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người”. theo hướng giảm mức hình phạt tại khoản một và tăng mức hình phạt tại khoản bốn.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử TANDTC 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét