Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư dự án điện tại Việt nam


Một tập đoàn chuyên nghiệp hàng đầu Hàn Quốc trong lĩnh vực tổng thầu (EPC), hỗ trợ tín dụng và đầu tư các dự án nhà máy điện với quy mô lớn muốn tìm kiếm các cơ hội đầu tư và chia sẻ tài chính với các chủ đầu tư các dự án nhiệt điện, thủy điện tại Việt nam. Ra đời từ năm 1969, đến nay tập đoàn này đã là nhà thầu EPC và chủ đầu tư cho hàng trăm nhà máy thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân có quy mô lớn tại Hàn Quốc và nhiều Quốc gia trên thế giới.
Vậy các nhà đầu tư có dự án và mong muốn chia sẻ sự hợp tác với tập đoàn trên xin vui lòng gửi thông tin dự án và trao đổi sơ bộ với luật sư ủy quyền của tập đoàn tại việt nam để tập đoàn cử đoàn công tác sang thực địa và đàm phán:
Luật sư: Phan Khắc Nghiêm (Lawyer Phan)
Hotline: 0988 505 572
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ MINH LONG
Địa chỉ: Số 2/24 Đào Tấn, Ba Đình, Hà Nội
Tel: 04.62928330
Fax: 04.3211 5054
Skype: phannghiemlawyer
YM: phannghiemlawyer

SỬA HIẾN PHÁP– GÓC NHÌN CỦA MỘT LUẬT SƯ?

Duy trì khái niệm “sở hữu toàn dân” trong kinh tế là tiếp tục cho phép tồn tại trạng thái “vô chủ” và tiếp tục hỗ trợ khả năng lạm quyền và lạm dụng để tư lợi đối với tài sản của quốc gia và nhân dân.
1. Sửa Hiến pháp – nên chăng vẫn đi con đường cũ?
Hiến pháp không thể đơn giản là một đạo luật, bởi luật là do cơ quan lập pháp làm ra, tức sản phẩm của bộ máy nhà nước, theo đó, nhà nước (thông qua nghị viện hay quốc hội) có thể thay đổi nó. Hiến pháp không như vậy, nó là khế ước tinh thần và pháp lý của toàn xã hội.
Đang có một sự bàn luận sôi nổi trong giới học thuật về sửa Hiến pháp. Với tư cách là một người làm nghề luật, tôi cũng rất quan tâm, tuy nhiên tự hỏi: sửa Hiến pháp, đó là sự kiện “trọng đại” hay “bình thường”?
Ngẫm nghĩ, câu hỏi đó không dễ trả lời. Ở nhiều quốc gia, việc sửa đổi hiến pháp có ý nghĩa rất trọng đại, có khi phải trả giá bằng cả một cuộc cách mạng. Bởi vậy, người ta rất ít khi sửa đổi hiến pháp, và chỉ tiến hành khi đại đa số người dân thấy bức thiết phải làm điều đó.
Ở nước ta, Hiến pháp đã được sửa nhiều lần, trung bình khoảng 15 năm lại sửa. Và như vậy, hầu như nó đã trở thành việc bình thường. Điều này, đối chiếu với thông lệ chung, có gợi cho chúng ta điều gì không?
Trước hết, hãy quan niệm về hiến pháp
Tôi nhớ các nhà luật học Xô Viết trước đây đã coi Hiến pháp Liên Xô là một cương lĩnh chính trị hay một văn bản có tính chất như vậy. Nhận thức đó đã từng trở thành một học thuyết về hiến pháp. Tại sao như vậy? Bởi đọc hiến pháp người ta thấy cả một bức tranh đẹp đẽ mô tả tổng thể xã hội và đất nước, bao gồm cái đã có, đang có và cả cái sẽ có trong tương lai. Thêm nữa, và quan trọng hơn, hiến pháp được ban hành trên cơ sở cương lĩnh chính trị hoặc các nghị quyết của Đảng về đường lối, chiến lược xây dựng đất nước. Vậy, hiến pháp là “nghị quyết” hay “luật”? Câu trả lời là “cả hai”, vì nội dung của nó giống với “nghị quyết” nhưng gọi tên là “hiến pháp” để có hiệu lực như “luật”. Bởi rằng, “nghị quyết” chỉ có thể áp dụng trong phạm vi một tổ chức, còn “luật” thì có hiệu lực đối với toàn xã hội.

Hiến pháp của nước ta có được làm theo xu hướng như vậy không, khi mà đọc nó chúng ta dường như cũng thấy tất cả, từ mô hình tổ chức quyền lực nhà nước cho tới các vấn đề cụ thể như quyền “tự chủ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” hay “sinh đẻ và kế hoạch hoá gia đình”?
Suy xét, tôi vẫn cho rằng hiến pháp không thể là “cương lĩnh”, nhưng cũng không đơn giản là “luật” (dù là “luật cơ bản” như nhiều người muốn đề cao), mà hơn thế. Về bản chất, hiến pháp chính là “khế ước xã hội”. Nó là thoả thuận và cam kết của mọi người dân với nhau và với nhà cầm quyền của một quốc gia về trạng thái, bản chất và sự phát triển chính trị của quốc gia đó gắn với một giai đoạn lịch sử có tính thời đại. Hãy đọc một số hiến pháp của các quốc gia. Hiến pháp Mỹ, vẻn vẹn với bảy điều, chỉ xoáy quanh câu chuyện kiểm soát quyền lực nhà nước, làm sao để quyền lực nhà nước không ngày càng phình to, lấn át và đè bẹp tự do của người dân, bằng cách các cơ quan nhà nước tự giám sát và kiềm chế lẫn nhau. Hiến pháp CHLB Đức tập trung khẳng định các quyền cơ bản của người dân và thể chế dân chủ, vốn là điều mà người Đức trước đó, do chủ quan, đã để mất bởi chế độ phátxít Hitler. Còn Hiến pháp Nhật Bản, được xây dựng sau Thế chiến thứ hai, thể hiện cam kết hùng hồn của người dân Nhật Bản về xây dựng một nước Nhật yêu chuộng hoà bình và không quân phiệt.
Nếu theo lý thuyết “Hiến pháp của chúng ta tự sửa” (cho tương thích với thực tiễn đời sống và mặt bằng pháp luật hiện hành) thì sẽ vấp phải một thực tế là người dân sẽ dần dần quên sự tồn tại của Hiến pháp mà chỉ còn chú ý đến các văn bản pháp lý thi hành hàng ngày.
Tóm lại, hiến pháp như một “áng linh hồn” cần ghi nhận được những điều gì mà người dân đau đáu nhất. Sau nhiều thế kỷ phát triển chín muồi của chế độ quân chủ, người dân Anh không còn “đau đáu” vấn đề tổ chức quyền lực nhà nước mà hội tụ niềm tin vào đức vua hay nữ hoàng, do đó, họ không cần một hiến pháp viết thành văn. Nhưng không vì thế mà nước Anh bớt đi sự văn minh và dân chủ.
Hiến pháp không thể đơn giản là một đạo luật, bởi luật là do cơ quan lập pháp làm ra, tức sản phẩm của bộ máy nhà nước, theo đó, nhà nước (thông qua nghị viện hay quốc hội) có thể thay đổi nó. Hiến pháp không như vậy, nó là khế ước tinh thần và pháp lý của toàn xã hội, không ai có quyền thay đổi nó trừ khi đạt được thống nhất ý chí của đa số người dân hoặc bằng một cuộc cách mạng. Hiến pháp đứng trên các đạo luật bởi nó chế ước cả nhà nước và không ai được phép vượt qua nó.
Để có một Hiến pháp có thể tồn tại lâu dài
Có một nguyên lý chung là luật được làm ra như thế nào thì sửa nó như thế. Đối với Hiến pháp, phải chăng cũng như vậy? Tôi còn nhớ luật gia Phùng Văn Tửu, nguyên phó chủ tịch Quốc hội, lúc sinh thời có nói vào những năm 80 (thế kỷ trước) rằng “Hiến pháp của chúng ta tự sửa”. Có nghĩa rằng Hiến pháp của chúng ta quy định rất nhiều điều mà không thể thực hiện được, vì vậy, một cách tự nhiên do nhu cầu thực tiễn, các luật, pháp lệnh hay thậm chí nghị định đã phải điều chỉnh nó “cho phù hợp”. Lâu dần, đến một lúc nào nào đó, ta “tổng kết thực hiện” và sửa Hiến pháp cho tương thích với thực tiễn đời sống và mặt bằng pháp luật hiện hành. Nếu theo lý thuyết “Hiến pháp của chúng ta tự sửa” (cho tương thích với thực tiễn đời sống và mặt bằng pháp luật hiện hành) thì sẽ vấp phải một thực tế là người dân dần dần quên sự tồn tại của Hiến pháp mà chỉ còn chú ý đến các văn bản pháp lý thi hành hàng ngày.
Có người có trọng trách cho rằng hãy sửa Hiến pháp sao cho nó có thể tồn tại lâu dài hơn, tránh “sửa đi, sửa lại”. Liệu rằng điều kiện thực tế đã chín muồi để đạt được điều này hay chưa còn là câu chuyện phải bàn, tuy nhiên, theo tôi, vẫn có một lối đi tới mục đích đó nếu cùng nhau xác lập và thống nhất các nguyên lý sau đây về Hiến pháp:
Thứ nhất, Hiến pháp không cần và không nên quy định những điều cụ thể thuộc phạm vi của các luật đơn hành. Đọc Hiến pháp năm 1992, chúng ta thấy sự trùng lắp như vậy khá nhiều, chẳng hạn giữa Hiến pháp với bộ luật Dân sự, luật Đất đai, luật Doanh nghiệp nhà nước, hay thậm chí cả luật Thể dục thể thao và luật Du lịch.
Thứ hai, Hiến pháp không quy định những điều đã trở thành hiển nhiên cũng như những điều xa vời mà không thể đạt tới được. Hãy xem tại sao Hiến pháp Mỹ không hề nói tới các quyền cơ bản của công dân, vì tự do cá nhân đã trở thành giá trị hiển nhiên của xã hội Mỹ, nên hiến pháp chỉ cần quy định cơ chế bảo đảm nó mà thôi. Đối với nước ta, chẳng hạn, nếu cho rằng nguyên lý “Nhà nước của dân do dân và vì dân” và “Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần” là hiển nhiên thì không cần thiết quy định; đồng thời cũng nên xoá bỏ quy định về việc công dân có nhà ở và việc làm như một quyền cơ bản vì không thể thực thi được.
Thứ ba, Hiến pháp hãy chỉ tập trung quy định những điều gì mà một cách tự nhiên, cơ quan nhà nước dễ dàng vi phạm nhất và các cơ chế để người dân sử dụng hay đấu tranh nhằm bảo đảm tính thực thi của những gì đã nghi nhận trong Hiến pháp, đặc biệt liên quan đến các quyền cơ bản của họ. Cơ chế này ở các nước, chẳng hạn là nguyên tắc phân chia quyền lực và toà án Hiến pháp.
Một hiến pháp như vậy sẽ đơn giản, “gọn nhẹ” nhưng thiêng liêng, bởi chắt lọc những điều bản chất và cốt lõi, thể hiện các giá trị cao cả và niềm tin tối thượng của một quốc gia và xã hội.
2. Thời điểm thích hợp để sửa chế định về sở hữu
Sửa Hiến pháp là một cơ hội để bàn đến những vấn đề căn bản. Có nhiều vấn đề căn bản có thể được đặt ra khi nghiên cứu sửa Hiến pháp lần này, trong đó một vấn đề có lẽ đã “chín muồi” sau hơn 20 năm thử nghiệm và chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường ở nước ta. Đó là chế định “sở hữu toàn dân” nói chung và sở hữu toàn dân đối với đất đai nói riêng.
Sở hữu toàn dân là khái niệm không có nội dung pháp lý
Có thể khẳng định rằng về mặt học thuật, khái niệm sở hữu toàn dân là một sản phẩm của quá khứ và đã thuộc về quá khứ khi nói đến chế định sở hữu trong hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa (ở Liên Xô và các nước Đông Âu cũ). Khái niệm này có ý nghĩa chính trị thuần tuý mà không có nội dung pháp lý, bởi đơn giản không thể có chủ thể “toàn dân” (là ai?) đối với các đối tượng sở hữu cụ thể. Do đó, “sở hữu toàn dân”, một cách tự nhiên và cần thiết, đã biến tướng thành “sở hữu nhà nước”. Tuy nhiên, một lần nữa, sự “mập mờ” lại xuất hiện khi không định nghĩa rõ ràng “nhà nước là ai?”. Nên nhớ rằng trong thực thi pháp luật, mọi sự không rõ ràng đều dễ bị lợi dụng và lạm dụng. Hệ quả là “nhà nước” trong thực tế chính là tổ chức, cá nhân nào đó có quyền cấp phép hay ban phát các quyền cụ thể đối với người dân. Và đó là người đại diện các cấp chính quyền từ ông chủ tịch xã, phường trở lên. Một khi điều đó xảy ra, “chủ sở hữu” đích thực (“toàn dân” hay cơ quan đại diện của họ là Quốc hội và Hội đồng nhân dân) đã bị tước bỏ các quyền sở hữu.
Có một câu chuyện thú vị về sở hữu toàn dân là khi tư nhân hoá các xí nghiệp quốc doanh ở Liên Xô và các nước Đông Âu cũ, người ta đã chia cổ phần các xí nghiệp đó cho toàn dân để bảo đảm tính nghiêm túc của khái niệm này, tuy nhiên, đó là các “cổ phần nhỏ” được định giá rất thấp và ngay sau đó, đã bị các nhà đầu tư tư nhân mua lại hết.
Duy trì khái niệm “sở hữu toàn dân” trong kinh tế là tiếp tục cho phép tồn tại trạng thái “vô chủ” và tiếp tục hỗ trợ khả năng lạm quyền và lạm dụng để tư lợi đối với các tài sản của quốc gia và nhân dân như tài nguyên, khoáng sản, tài sản và vốn đầu tư kinh doanh từ ngân sách nhà nước do các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước quản lý hiện nay.
Do đó, để trả lại sự minh bạch cho chế định hết sức căn bản và quan trọng này, cần thay đổi khái niệm “sở hữu toàn dân” về mặt pháp lý, thay vào đó là sở hữu công và sở hữu của chính quyền, bao gồm sở hữu quốc gia, sở hữu của cộng đồng dân cư, sở hữu của các cơ quan chính quyền (Trung ương và địa phương).
Từ góc độ kinh tế, cần lưu ý một hiệu ứng là sự minh bạch hoá về sở hữu sẽ góp phần hạn chế “lòng tham” và tăng cường trách nhiệm quản lý của chủ sở hữu, bởi sở hữu tài sản nói chung không chỉ là “quyền và lợi” mà còn là “gánh nặng” và “nợ” cả về trách nhiệm pháp lý và kinh tế.
Cần đa dạng hình thức sở hữu đất đai
Từ góc độ học thuật, đáng tiếc rằng khái niệm sở hữu toàn dân đối với đất đai còn “mập mờ” hơn nữa khi “đất đai” nói chung (với tư cách là toàn bộ lãnh thổ của quốc gia) về mặt khách quan không thể là đối tượng của quyền sở hữu. Đất đai nói chung thuộc về môi trường và không gian sống của con người. Do vậy, chỉ có các mảnh đất cụ thể và riêng rẽ mới có khả năng thuộc sở hữu của ai đó. Lý giải cho sự bất hợp lý này, tôi nhớ đến một lập luận khá chính thống rằng quy định như vậy để dễ cho nhà nước trong việc lập quy hoạch phát triển và sử dụng đất cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế… Phải chăng nếu đúng như vậy thì các nước có sở hữu tư nhân về đất đai chắc không thể phát triển được (?).
Trên thực tế ở tất cả các quốc gia, dù có quy định về sở hữu đất đai như thế nào, đều xác lập một nguyên tắc chung, đó là chính quyền luôn luôn có quyền trưng thu hoặc trưng mua các mảnh đất để sử dụng cho mục đích an ninh quốc gia và công cộng. Hiến pháp nước ta cũng quy định nguyên tắc này, tuy nhiên ngay sau đó, luật Đất đai năm 2003 đã bổ sung thêm quyền thu hồi đất của cơ quan chính quyền cho mục tiêu “phát triển kinh tế”. Phát triển kinh tế đương nhiên là một phạm trù rất rộng, có thể bao gồm mọi dự án kinh tế của nhà nước hoặc tư nhân. Áp dụng điều luật này, trên thực tế nhiều năm qua, ai cũng biết rằng hàng ngàn hecta đất của nông dân trên khắp đất nước đã bị nhiều cơ quan chính quyền địa phương thu hồi để xây dựng các dự án khu công nghiệp và sân gôn, trung tâm thương mại và khu đô thị nhằm “phát triển kinh tế”.
Nói như vậy không có nghĩa nhất thiết chúng ta phải thay thế “sở hữu toàn dân” như hiện nay bằng sở hữu tư nhân đối với đất đai hay thực hiện chính sách tư nhân hoá đất đai, nhưng rất cần xác lập các hình thức đa dạng và phong phú về sở hữu đất đai.
“Sở hữu toàn dân” đối với đất đai đã trở thành một khái niệm “chết” và là rào cản đối với quá trình vật chất hoá và gia tăng giá trị các quyền sở hữu đối với loại tài sản quan trọng này.
Đất đai (tức các mảnh hoặc khu đất cụ thể) luôn luôn là tài sản và vốn đầu tư của bất cứ ai sở hữu nó. Cần nhìn nhận sở hữu đất đai như một phạm trù “sống động”, tức xác lập quyền sở hữu và quyền được thay đổi, luân chuyển và khai thác các quyền này một cách linh hoạt sao cho tạo ra các giá trị và hiệu quả kinh tế cao nhất. Chẳng hạn, về mặt pháp lý sẽ là phi logic bởi một khi quy định nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai thì tại sao lại không cho nhà nước quyền bán đất (là một quyền năng cơ bản của chủ sở hữu theo luật dân sự), thay vì chỉ cấp, giao và cho thuê “quyền sử dụng” như hiện nay? Chính vì vậy, “sở hữu toàn dân” đối với đất đai đã trở thành một khái niệm “chết” và là rào cản đối với quá trình vật chất hoá và gia tăng giá trị các quyền sở hữu đối với loại tài sản quan trọng này.
Nhìn từ góc độ quyền con người, duy trì sở hữu toàn dân đối với đất đai như một nguyên lý tối thượng còn thể hiện tính “phi nhân bản” của hệ thống pháp luật. Bởi mục tiêu của sự hỗ trợ của pháp luật đối với phát triển kinh tế chính là sự tạo lập sở hữu tài sản và không gian sống cho cá nhân mỗi con người. Điều này sẽ không thể đạt được chừng nào sở hữu đất đai bị tách rời khỏi sở hữu của mọi tài sản trên và gắn liền với nó.
Sửa đổi Hiến pháp, nếu để biến nó trở thành một sự kiện trọng đại trong đời sống luật pháp nói riêng và đời sống phát triển của đất nước nói chung, cần đề cập đến các vấn đề quan trọng và căn bản này.

Nguồn: BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ TRONG HỢP ĐỒNG

Để thực hiện mục tiêu “Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng theo hướng tôn trọng thoả thuận của các bên giao kết hợp đồng, không trái với đạo đức xã hội, không xâm phạm trật tự công cộng, phù hợp với tập quán, thông lệ thương mại quốc tế”1, các nội dung sửa đổi, bổ sung pháp luật về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS 2005) đã nhận được sự quan tâm nhiệt tình của các cơ quan, tổ chức và giới luật học. Bài viết nêu lên những bất cập và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện chế định trách nhiệm dân sự (TNDS) trong hợp đồng hay TNDS do vi phạm hợp đồng.
1. Bất cập trong thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về trách nhiệm dân sự trong hợp đồng
Trong thực tiễn áp dụng pháp luật hợp đồng và công tác xét xử của Tòa án hiện nay, xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến áp dụng các quy định về TNDS do vi phạm hợp đồng như sau:
- Với vai trò là BLDS thống nhất, BLDS 2005 đã đặt những nền tảng cơ bản nhằm điều chỉnh các quan hệ dân sự theo các quy tắc chung, mà quan hệ hợp đồng là một trong số đó. Mặc dù vậy, vẫn tồn tại những quy định mâu thuẫn nhau của Luật Thương mại 2005 và BLDS 2005 liên quan đến vấn đề hợp đồng.
Ví dụ, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH), theo BLDS 2005, có bốn căn cứ để xác định trách nhiệm BTTH: có hành vi vi phạm, có lỗi của bên vi phạm, có thiệt hại thực tế xảy ra, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại. Còn trong Luật Thương mại 2005 lại không quy định yếu tố lỗi là một căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH.
Về căn cứ miễn trách nhiệm vi phạm nghĩa vụ hợp đồng cũng tồn tại một vài điểm chưa thống nhất. Nếu BLDS chỉ đặt ra hai căn cứ miễn trách nhiệm là sự kiện bất khả kháng và lỗi của bên bị vi phạm (còn lại là trường hợp miễn trách nhiệm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng) thì Luật Thương mại 2005 lại quy định bốn trường hợp là căn cứ miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm tại Điều 294 bao gồm: các trường hợp miễn trách nhiệm do các bên thỏa thuận, sự kiện bất khả kháng, hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia và hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

- Đối với các quy định về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tại Tòa án, thì trước khi có Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (BLTTDS 2004) và BLDS 2005, việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng thuộc thẩm quyền của Tòa dân sự hay Tòa kinh tế, áp dụng thủ tục quy định tại Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 hay Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế 1994 tùy thuộc vào tính chất của loại hợp đồng đó là hợp đồng dân sự hay hợp đồng kinh tế theo quy định tại BLDS 1995 và Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 19892. Khi BLTTDS 2004 ra đời, đã xác định tính chất bao quát của khái niệm dân sự theo nghĩa rộng, tức là bao hàm cả dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại và lao động, thì lúc này, Tòa án không dựa vào việc xác định hợp đồng kinh tế hay hợp đồng dân sự để xác định văn bản pháp luật tố tụng được áp dụng nữa, mà các tranh chấp liên quan đến hợp đồng đều được giải quyết thống nhất theo quy định của BLTTDS 2004 và BLDS 2005. Tuy nhiên, vẫn cần có quy định để xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp (ví dụ, thuộc thẩm quyền của Tòa kinh tế hay Tòa dân sự), vì vậy, Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/05/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS 2004 đã có quy định tại Mục I.1 về thẩm quyền của Tòa án, theo đó Tòa án căn cứ vào việc xác định tranh chấp về dân sự hay tranh chấp về kinh doanh thương mại để thụ lý giải quyết, tính chất của tranh chấp sẽ quyết định thẩm quyền giải quyết vụ việc của Tòa án: “Toà kinh tế có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 29 và Điều 30 của BLTTDS 2004 và các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận”. Như vậy, theo quy định này, việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ việc, cụ thể là xác định thẩm quyền của Tòa kinh tế dựa trên các trường hợp được quy định tại điều 29 và điều 30 của BLTTDS 2004. Ngoài ra, các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà các bên đều không có đăng ký kinh doanh, nhưng vì mục đích lợi nhuận thì cũng có thể thuộc thẩm quyền của Tòa kinh tế. Quy định này là chưa hợp lý vì có phần mâu thuẫn với nguyên tắc của pháp luật thương mại. Rõ ràng, trên thực tế, có rất nhiều tranh chấp dân sự phát sinh từ các giao dịch dân sự, phát sinh từ các hợp đồng dân sự và các giao dịch hay hợp đồng này phần lớn đều “vì mục đích lợi nhuận”. Điểm để phân biệt giữa giao dịch/hợp đồng dân sự với các hoạt động thương mại là xác định xem trong giao dịch/hợp đồng đó có tính chất “kinh doanh, thương mại” hay không. Ở trong trường hợp này, nếu giao dịch đó không được thực hiện bởi các bên có đăng ký kinh doanh (không phải là thương nhân)3, thì rất khó có thể xác định đó là hành vi, hoạt động thương mại, yếu tố vì “mục đích lợi nhuận” là không đủ để quy một hợp đồng và giao dịch dân sự là hợp đồng hay giao dịch thương mại, để thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa kinh tế.
- Về lãi suất: Theo khoản 2 Điều 313 BLDS 1995, trong trường hợp người có nghĩa vụ chậm trả tiền thì người đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Ngoài ra, bên vay có lãi mà khi đến hạn không trả hoặc trả không đầy đủ, thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi theo lãi suất nợ quá hạn của Ngân hàng Nhà nước tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ (khoản 5 Điều 471 BLDS 1995). Đến BLDS 2005, cách tính lãi suất đã khác so với BLDS 1995. Cụ thể, theo khoản 5 Điều 474, trường hợp vay có lãi đến hạn mà bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Trong khi đó, Điều 306 Luật Thương mại 2005 lại quy định, bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả. Cách tính mới của BLDS 2005, trói buộc lãi suất của hợp đồng vay vào lãi suất cơ bản, là chưa thực sự phù hợp với các quy định, chính sách về việc tôn trọng sự thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất (Thông tư của Ngân hàng Nhà nước số 07/2010/TT-NHNN ban hành ngày 26/02/2010 có quy định Tổ chức tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận đối với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường, mức độ tín nhiệm của khách hàng vay). Do vậy, không ít Tòa án đã lúng túng trong việc áp dụng cách tính lãi suất đối với các hợp đồng vay, đặc biệt là các hợp đồng tín dụng giữa một bên là các tổ chức tín dụng và một bên là cá nhân. Vì thế, đối với các hợp đồng vay có lãi suất không đúng như quy định về lãi suất tại Điều 474 và Điều 476 của BLDS 2005 mà các bên có tranh chấp và vi phạm hợp đồng khởi kiện nhau ra Tòa án, rất có thể Tòa án sẽ tuyên vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, thay vì Tòa án công nhận hợp đồng và quyết định trách nhiệm của các bên trong hợp đồng. Nếu giải quyết như vậy, phần thiệt thòi thường sẽ rơi vào bên bị vi phạm nghĩa vụ vì họ đã thực hiện nghĩa vụ của mình nhưng hợp đồng vẫn bị tuyên vô hiệu.
- Ngoài ra, trong thực tế, các tranh chấp về hợp đồng cũng có những trường hợp hợp đồng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật về cả nội dung lẫn hình thức, nhưng vì lý do nào đó phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng nên một trong hai bên thay đổi ý định, không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng. Điển hình như trong các hợp đồng mua bán, bên mua không muốn mua nữa nên không giao đủ tiền; trường hợp khác do được trả giá cao hơn, bên bán đổi ý không chịu bán nên đã không giao tài sản, hoặc trong hợp đồng mua bán nhà ở, một trong hai bên cố ý không chịu hoàn tất các thủ tục liên quan đến hình thức của hợp đồng dẫn đến khi bên bị vi phạm khởi kiện ra tòa án, Tòa án thường xử hủy hợp đồng và giải quyết hậu quả của việc hủy hợp đồng. Cũng như ở trường hợp trên, bên bị vi phạm nếu đã thực hiện nghĩa vụ của mình thường thiệt thòi trong những vụ việc bị xét xử như vậy.
2. Kiến nghị khắc phục các bất cập để hoàn thiện chế định trách nhiệm dân sự trong hợp đồng
Một là, thống nhất các văn bản pháp luật Việt Nam về hợp đồng
Như đã trình bày ở trên, một trong những tồn tại của pháp luật hợp đồng Việt Nam là, tuy BLDS 2005 được coi như một “bộ luật gốc” điều chỉnh những quan hệ cơ bản và thiết lập những quy tắc chung nhất và các luật chuyên ngành khác phải được xây dựng trên nền tảng đó, nhưng giữa BLDS 2005 và Luật Thương mại 2005 vẫn còn nhiều điểm chưa tương đồng. Vì vậy, cần có sự sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật chuyên ngành có quy định về hợp đồng theo đúng hướng mà BLDS đã xây dựng. Mặc dù một nguyên tắc chung là khi có sự khác biệt giữa luật chuyên ngành và luật chung thì sẽ ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành, nhưng cần nhớ rằng, các quy định của luật chuyên ngành có nhiệm vụ quy định rõ hơn về một vấn đề chứ không thể có cách tiếp cận trái ngược so với luật chung và phải tuân theo những nguyên tắc ban đầu cũng như tinh thần mà luật chung đã đưa ra.
Như trường hợp về lãi suất và lãi suất nợ quá hạn đã trình bày ở trên, ngoài BLDS 2005 còn có Luật Thương mại năm 2005 và một số văn bản hướng dẫn khác của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định về vấn đề này. Nhưng cả ba loại văn bản này lại chưa thống nhất về quan điểm tiếp cận, cụ thể là cách tính lãi suất trong các trường hợp khác nhau, dẫn đến khó khăn trong công tác áp dụng hay giải thích pháp luật. Thiết nghĩ, BLDS được coi là bộ luật gốc, vì vậy cần có quy định mang tính bao quát và “để dành” một số “không gian” nhất định để các văn bản luật và dưới luật khác – tùy theo từng trường hợp, trong lĩnh vực của mình – sẽ tự quy định cụ thể đối với trường hợp đó một cách hợp lý và thực tế nhất, và quan trọng hơn, là vẫn đi theo đúng cách tiếp cận mà BLDS 2005 đã đặt ra.
Hai là, hoàn thiện các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về phạt vi phạm hợp đồng
Chế định hợp đồng trong BLDS 2005 đã có nhiều điểm vượt trội so với BLDS 1995 và Pháp lệnh Hợp đồng dân sự 1991, tuy nhiên trong BLDS 2005, phạt vi phạm hợp đồng lại không được xếp vào là một trong các loại TNDS, dù đây là một loại TNDS được áp dụng rất phổ biến trong đời sống xã hội hàng ngày. Ngoài ra, không có một điều luật độc lập quy định về mối quan hệ giữa phạt vi phạm và BTTH (tuy có được đề cập đến trong Điều 422 BLDS), trong khi Luật Thương mại 2005 có quy định riêng về mối quan hệ này tại Điều 307 và thậm chí BLDS 1995 trước đây cũng đã có một quy định về vấn đề này tại Điều 379. Vì thế, theo chúng tôi, cần nhìn nhận phạt vi phạm là một loại TNDS có mối quan hệ mật thiết với các loại TNDS khác, cần xếp phạt vi phạm vào phần TNDS do vi phạm nghĩa vụ và phải bổ sung một quy định về mối quan hệ giữa phạt vi phạm và BTTH như BLDS 1995 đã có.
Ba là, hoàn thiện quy định về các trường hợp miễn trừ trách nhiệm dân sự
- Như đã trình bày ở phần một, các căn cứ miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng được quy định ở BLDS 2005 và Luật Thương mại 2005 vẫn có sự khác nhau. Như vậy, cần phải có sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật về các trường hợp được coi là căn cứ miễn trách nhiệm để hạn chế sự mâu thuẫn này. Do các quy định của Luật Thương mại 2005 đã đưa ra những căn cứ hợp lý và cụ thể, vì vậy, chúng tôi đề nghị nên xây dựng quy định về căn cứ miễn trách nhiệm trong một văn bản hướng dẫn của BLDS thống nhất với quy định của Luật Thương mại 2005.
- Cần phải bổ sung những điều kiện nhất định để đảm bảo sự tôn trọng của các bên trong hợp đồng và hạn chế việc bên có lợi thế hơn trong giao kết hợp đồng lợi dụng căn cứ miễn trách nhiệm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng để đặt ra những trường hợp miễn trách nhiệm có lợi cho mình. Vì vậy, muốn xem xét sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng có thể trở thành một căn cứ để miễn trách nhiệm hay không sẽ phải đánh giá tính hợp lý của thỏa thuận đó. Một thỏa thuận bất hợp lý, không thể hiện sự công bằng giữa các bên chủ thể thì không có đủ điều kiện pháp lý để trở thành căn cứ miễn trách nhiệm.
- Sự kiện bất khả kháng là một trong các căn cứ miễn TNDS thường hay xảy ra trong thực tế. Những sự kiện sau (theo nguyên tắc pháp luật chung) có thể được coi là sự kiện bất khả kháng: thiên tai (tác động của thiên nhiên mà con người không thể kiểm soát), hành vi có tính mệnh lệnh hành chính (sự can thiệp của quyền lực nhà nước), sự đình công và tình trạng chiến tranh4. Tuy nhiên, có thể thấy những quy định về sự kiện bất khả kháng của BLDS 2005 có phần chưa cụ thể, hoặc đã được quy định nhưng lại bị phân tán ở các điều luật khác nhau, chưa tập trung và không thống nhất. Vì vậy, để được miễn TNDS trong hợp đồng với căn cứ là sự kiện bất khả kháng, chúng tôi kiến nghị cần phải có các điều kiện cụ thể hơn, chặt chẽ hơn như sau: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện khách quan, nằm ngoài ý chí của các bên tham gia hợp đồng và không thể dự đoán trước bởi các bên; đây là sự kiện xảy ra sau khi các bên đã giao kết hợp đồng; hành vi vi phạm phải là kết quả của sự kiện bất khả kháng; bên vi phạm đã dùng hết năng lực của mình để khắc phục hậu quả nhưng không thể khắc phục được. Bên cạnh đó, BLDS chưa có quy định về nghĩa vụ thông báo của bên vi phạm cho bên bị vi phạm về sự kiện bất khả kháng. Trên thực tế, việc thông báo về sự kiện bất khả kháng của bên vi phạm cho bên bị vi phạm sẽ làm giảm đáng kể hoặc ngăn ngừa thiệt hại cho bên bị vi phạm do bên vi phạm không thực hiện được nghĩa vụ trong hợp đồng và việc thông báo về sự kiện bất khả kháng cũng có thể coi là một căn cứ để chứng minh bên vi phạm thực sự gặp phải sự kiện bất khả kháng.
Bốn là, phân định rõ các quy định về trách nhiệm dân sự trong hợp đồng và ngoài hợp đồng
TNDS trong hợp đồng được quy định từ điều 302 đến điều 308 của BLDS 2005, tức TNDS do vi phạm nghĩa vụ, hợp đồng là nguồn phát sinh chủ yếu của nghĩa vụ nên chúng ta có thể hiểu TNDS do vi phạm nghĩa vụ ở đây bao gồm cả nghĩa vụ trong hợp đồng. Tuy nhiên, cách tổ chức, sắp xếp điều luật như vậy đã làm cho sự phân định giữa TNDS trong hợp đồng và ngoài hợp đồng không được rõ ràng. Do đó, theo chúng tôi, nên xếp riêng TNDS do vi phạm hợp đồng tại Mục 7 Chương XVII Phần thứ III “hợp đồng dân sự” của BLDS 2005, và những quy định về TNDS ngoài hợp đồng tại phần trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng tại Chương XXI của BLDS 2005. Cách sắp xếp riêng biệt như vậy sẽ giúp dễ dàng nhận diện các loại trách nhiệm và tránh được nhầm lẫn giữa hai chế định trách nhiệm của luật dân sự.
Năm là, sửa đổi quy định về lãi suất và bổ sung điều luật về quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại vào Bộ luật Dân sự
- Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bên bị vi phạm với những thiệt hại phát sinh do bên vi phạm gây ra, chúng tôi kiến nghị nên bổ sung một điều luật quy định về quyền yêu cầu đòi BTTH trong phần TNDS do vi phạm hợp đồng có nội dung như sau: “Bên bị vi phạm hợp đồng bị thiệt hại có quyền yêu cầu đòi BTTH đối với bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng”.
- Sửa đổi khoản 5 Điều 474 BLDS 2005, bổ sung cụm từ “trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác” vào điều khoản này. Theo đó, khoản 5 Điều 474 sẽ được sửa đổi như sau: “Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Lý do bổ sung cụm từ này là do trong thực tế, có rất nhiều trường hợp vì lý do tình cảm hoặc vì bên cho vay có lãi chỉ cần nhận lại được khoản tiền cho vay ban đầu càng sớm càng tốt nên đã sẵn sàng không tính lãi, hoặc áp dụng một mức lãi thấp đối với bên đi vay. Việc bổ sung cụm từ này sẽ đảm bảo nguyên tắc tự do cam kết hợp đồng, sự tự thỏa thuận của các bên trong giao kết hợp đồng.
Chú thích:
(1) Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24/05/2005, mục 3 phần II.
(2) Hiện nay, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 đã bị bãi bỏ.
(3) Điều 6, Luật Thương mại năm 2005 quy định “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”.
(4) Nguyễn Mạnh Bách, “Nghĩa vụ dân sự trong luật dân sự Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia, 1998.
Nguồn: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

TRANH CHẤP VỀ TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ: KIỆN BỒI THƯỜNG BỨC TRANH

Chủ nhân bức tranh sơn dầu đòi bồi thường 200 triệu đồng, còn bên kia bảo việc kiện tụng trên là phi lý.
Ngày 3-6, ông L., ngụ huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã nộp đơn khởi kiện, đòi ông K. bồi thường 200 triệu đồng do đã làm bẩn bức tranh sơn dầu của mình …
Bức tranh bị bẩn
Theo hồ sơ, ông L. có bức tranh “Dáng Huế” vẽ một thiếu nữ Huế mặc áo dài trắng cầm cành hoa sen, được giới trong nghề nhận định rất giá trị.
Ngày 9-4, qua giới thiệu, ông K. tìm đến thỏa thuận mua với giá khoảng 128 triệu đồng. Tuy nhiên, trước khi trả tiền, ông muốn mượn bức tranh trong một tuần để đem đi nhờ người thẩm định. Ông L. đồng ý và buộc ông K. phải trả 5 triệu đồng cho việc mượn tranh.
Sau một tuần, ông K. đem trả lại do không thích tranh này và chỉ trả 5 triệu đồng tiền mượn tranh. Mở bức tranh ra xem lại, ông L. phát hiện một góc tranh bị vấy bẩn và tranh có một số hạt màu lốm đốm. Ông nhất quyết không nhận lại tranh và yêu cầu ông K. phải mua lại bức tranh trên như giá thỏa thuận ban đầu…
Phải trả lại nguyên bản…
Hai bên tranh cãi mãi mà vẫn không thống nhất nên ông L. phải gửi đơn đến tòa một quận ở TP.HCM phân xử. Ông L. yêu cầu tòa buộc ông K. đền lại bức tranh y nguyên bản ban đầu, nếu không đền được ông K. phải bồi thường thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Bởi ngoài giá trị 128 triệu đồng mà đôi bên đã đồng ý mua bán, ông còn bị tổn thất về tinh thần do bức tranh là tài sản quý mà cha ông đã để lại cho gia đình…
Ngược lại, phía ông K. cho rằng yêu cầu đòi bồi thường của ông L. là hết sức phi lý. Bức tranh ông hoàn trả là nguyên vẹn. Ông L. bảo ông làm nó vấy bẩn là không chính xác. Vết vấy bẩn trên tranh có từ khi nào ông không rõ và không phải do ông gây ra. Ông yêu cầu tòa đưa bức tranh đi thẩm định giá phần thiệt hại đồng thời nếu có cơ sở chứng minh ông làm hư bức tranh thì ông mới bồi thường. Cuối cùng ông khẳng định thêm, giá trị bức tranh không thể nào lên tới 128 triệu đồng.

Định giá sao đây?
Giải quyết vụ án, tòa bối rối trước hết đây là vụ kiện khá lạ liên quan đến một tài sản khó có thể định giá. Thứ nữa là không biết sẽ dựa trên cơ sở nào để xác định giá trị bức tranh. Giá trị của tranh có phải là giá mà người bán kêu giá và người mua ưng thuận hay là giá mà cơ quan giám định kết luận? Cạnh đó, nếu cơ quan định giá chỉ bảo bức tranh bị hư hỏng khoảng 20% thì giá trị bồi thường cụ thể là bao nhiêu và dựa trên cái giá nào? Chưa kể có ý kiến cho rằng bức tranh là một tác phẩm nghệ thuật, bị hư hỏng là coi như mất toàn bộ giá trị, việc giám định thiệt hại là mất 5% hay 10% cũng chỉ là số liệu để tham khảo mà thôi…
Một vấn đề rắc rối khác là việc xác định bức tranh bị vấy bẩn vào thời điểm nào khi một bên cho rằng nó bị vấy bẩn lúc ông K. mang trả, một bên lại bảo mình không hề gây ra vết bẩn này… Dĩ nhiên điều này các bên phải chứng minh cho yêu cầu của mình nhưng để minh định chính xác cũng không đơn giản.
Trước những băn khoăn đó, hiện tòa đã quyết định hỏi ý kiến tòa cấp trên về đường lối xử lý chứ chưa thể đưa ra xét xử. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có diễn biến mới…
Giá trị tranh là do hai bên thỏa thuận
Năm 1998, TAND TP.HCM từng xử một vụ đòi lại bức tranh thủy mặc đã hơn 100 tuổi giữa một họa sĩ nghèo và một Việt kiều. Theo đơn kiện, năm 1997, ông P. cho bà L. mượn bức tranh trên. Hợp đồng thể hiện bức tranh giá trị 15.000 USD và tranh bị rách biên. Tuy nhiên, sau đó bức tranh đã bị thủng nhiều lỗ và bốn viền biên bị cắt xén…
Theo hội đồng định giá, những lỗ thủng trên tranh có trước khi cho mượn. Còn bốn viền bị cắt xén làm giảm khoảng 20% giá trị bức tranh và có sau khi cho mượn. Hội đồng thống nhất bức tranh chỉ có giá trị 5.000 USD.
Xét xử, TAND TP.HCM lại nhận định hai bên thỏa thuận ban đầu là bức tranh có giá 15.000 USD nên đây là giá trị thực của bức tranh. Tòa buộc bà L. phải bồi thường phần hư hại cho ông P. là 3.000 USD (trị giá 20% bức tranh)… Sau đó ông P. đã kháng cáo không đồng ý với phán quyết trên nhưng Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã y án.
Nguồn: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

NHỮNG LỖI DOANH NGHIỆP THƯỜNG GẶP TRONG QUÁ TRÌNH YÊU CẦU BẢO HỘ NHÃN HIỆU

1. Dẫn nhập
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp không những phải quan tâm đến công tác tổ chức sản xuất, kinh doanh mà còn phải quan tâm đến việc xây dựng, bảo vệ, quảng bá để nâng cao uy tín thương hiệu của mình.
Thương hiệu là yếu tố quan trọng làm nên giá trị của một doanh nghiệp. Có nhiều định nghĩa khác nhau về thương hiệu, nhưng có thể nói thương hiệu của một doanh nghiệp được hình thành bởi nhiều thành tố thuộc tài sản vô hình, như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, uy tín của doanh nghiệp, hình ảnh của doanh nghiệp… Trong các thành tố vừa nêu thì nhãn hiệu là thành tố quan trọng nhất, nó là các dấu hiệu tác động trực tiếp đến giác quan của người tiêu dùng, như nhìn thấy (cấu trúc từ ngữ, màu sắc, hình khối… của nhãn hiệu), nghe thấy (cách phát âm nhãn hiệu), liên tưởng đến (ý nghĩa của nhãn hiệu, ví dụ: hoa hướng dương – sunflower, ánh dương – sunlight…).
Nhãn hiệu đối với doanh nghiệp quan trọng như vậy, nhưng rất tiếc đa số doanh nghiệp lại thường mắc các lỗi dẫn đến đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu bị từ chối, hậu quả là những doanh nghiệp này mất cơ hội kinh doanh, tốn phí thời gian chờ đợi vô ích và sau nữa tốn kém về kinh phí.
Bài viết này sử dụng các tài liệu do Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) quản lý về việc đăng ký nhãn hiệu, thẩm định hình thức, thẩm định nội dung, cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc ra thông báo từ chối bảo hộ nhãn hiệu… đồng thời chúng tôi cũng sử dụng các tài liệu có liên quan đến các doanh nghiệp Nghệ An, với mục đích giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Nghệ An nói riêng nhận biết các lỗi đã gặp trong quá trình yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu, qua đó tránh các lỗi này để nâng cao khả năng được sở hữu hợp pháp nhãn hiệu của riêng mình nhằm tạo những lợi thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để thống nhất cách hiểu thuật ngữ, chúng tôi dẫn định nghĩa của Luật SHTT: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.

2. Các lỗi thường gặp
2.1. Thực hiện “Quy trình ngược”
Đây là lỗi hay gặp nhất, các doanh nghiệp thường làm theo “quy trình ngược” với các bước:
- Sản xuất, thực hiện dịch vụ;
- Đưa sản phẩm hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu (do doanh nghiệp tự đặt) ra thị trường; được người tiêu dùng chấp nhận;
- Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu;
Sau đó là hy vọng được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Hy vọng là quyền của doanh nghiệp, còn việc có cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho doanh nghiệp hay không thì lại là việc khác. Trong đa số trường hợp, Cục SHTT đã từ chối bảo hộ, tình trạng này dẫn đến ngoài việc mất cơ hội kinh doanh (thời gian từ lúc nộp đơn yêu cầu bảo hộ đến lúc từ chối bảo hộ có thể đến 18 tháng), thì rất có thể doanh nghiệp còn bị doanh nghiệp khác khiếu nại, kiện tụng… làm mất uy tín trong kinh doanh, tốn kém kinh phí (do có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp khác).
Lẽ ra, trước khi đưa sản phẩm hoặc dịch vụ ra thị trường thì doanh nghiệp nên khảo sát đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trước với điều kiện phải tránh các lỗi sẽ đề cập dưới đây.
2.2. Nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và tên thương mại
Trong bài Mối quan hệ giữa nhãn hiệu và tên thương mại[2], Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nghệ An đã nhấn mạnh việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và tên thương mại rất khác nhau: quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục SHTT cấp, còn quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó.
Lưu ý 1: các doanh nghiệp tuyệt đối không bao giờ mặc nhiên coi tên thương mại của mình là nhãn hiệu, nhưng trong thực tế rất nhiều doanh nghiệp đã mắc phải lỗi này, trong đó có cả các doanh nghiệp lớn (ví dụ Vinakansai), các tổng công ty lớn (ví dụ Tổng Công ty Lương thực miền Bắc Vinafood I)… tất nhiên trong số này cũng có các doanh nghiệp Nghệ An.
Lưu ý 2: trên phạm vi cả nước có thể có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trên cùng một lĩnh vực mà lại mang tên thương mại tương tự nhau, nhưng chỉ duy nhất một doanh nghiệp có thể lấy tên thương mại của mình làm nhãn hiệu. Ví dụ Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood I) có tên tương tự với Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II), nhưng chỉ có Tổng Công ty Lương thực miền Nam là chủ sở hữu nhãn hiệu Vinafood II, còn Tổng Công ty Lương thực miền Bắc “đành phải” là chủ sở hữu nhãn hiệu VNF1.
Ví dụ khác, chúng ta gặp khá nhiều bệnh viện mang tên Hữu Nghị, nhưng trong cuộc đua dành nhãn hiệu là chính tên bệnh viện của mình thì “phần thắng” thuộc về đơn vị nào nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu đầu tiên, rất tiếc trong cuộc đua này một số doanh nghiệp Nghệ An lại “chậm chân” hơn, mà trường hợp sau đây là ví dụ.
clip_image002Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có trụ sở tại 138, đường Nguyễn Phong Sắc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu sau:
cho nhóm 44 Dịch vụ khám chữa bệnh đa khoa cho người (bệnh viện), chúng ta thấy nhãn hiệu đề nghị rất đẹp, đặc biệt là chữ thập đỏ cách điệu đã thay thế chữ H trong cụm từ Nghệ An.
Mặc dù nhãn hiệu đề nghị đẹp như vậy, sau nữa nó rất phù hợp với ngành Y tế, nhưng Cục SHTT đã từ chối bảo hộ với lý do nhãn hiệu đề nghị đã tương tự với nhãn hiệu trong Đăng bạ quốc gia số 96564. Tài liệu đối chứng cho thấy Cục SHTT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 96564: cho Doanh nghiệp tư nhân Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 có trụ sở tại  Tổ 21, clip_image004phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Có lẽ sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp có quy mô khác nhau, thuộc các loại hình kinh tế khác nhau được thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực bảo hộ quyền SHTT, chúng ta thấy một doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ đã thắng một bệnh viện lớn trong cuộc đua dành quyền sở hữu nhãn hiệu là chính tên của mình.
2.3. Không khảo sát trước dẫn đến nhãn hiệu đề nghị trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ
Các doanh nghiệp chỉ căn cứ vào yêu cầu của mình rồi tự thiết kế hoặc thuê thiết kế nhãn hiệu, sau đó nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu, tình trạng này dẫn đến nhãn hiệu đề nghị trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ và tất nhiên bị từ chối bảo hộ.
Cách đây một năm, Tạp chí Thông tin KH&CN Nghệ An đã đề cập giải pháp rất đơn giản để khắc phục tình trạng này[3], nhưng rất tiếc nó vẫn diễn ra mà trường hợp sau đây là ví dụ.
clip_image006Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế hạ tầng cơ sở có trụ sở tại nhà bà Ngô Thị Bích Trâm, đường Lý Thường Kiệt, phường Hưng Phúc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu:
cho nhóm dịch vụ 35 Lập hồ sơ mời thầu xây lắp; tư vấn ban quản lý dự án; 36 Tư vấn đầu tư xây dựng; 37 Tư vấn giám sát công trình giao thông, thủy lợi; 42 Khảo sát, thiết kế công trình giao thông, thuỷ lợi, dân dụng; thẩm định hồ sơ thiết kế công trình giao thông, thủy lợi, dân dụng. Nhưng đã bị Cục SHTT từ chối bảo hộ với lý do đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 63307:clip_image008cho chủ sở hữu Công ty Cổ phần Tư vấn, Thiết kế công nghiệp có trụ sở tại 146 Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
2.4. Bị hấp dẫn bởi các dấu hiệu mang ấn tượng đặc trưng, do đó tương tự với nhãn hiệu chứng nhận
Điều 4.18 Luật SHTT định nghĩa: “Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu”. Điểm đáng chú ý là nhãn hiệu chứng nhận thường được cấu trúc bởi các dấu hiệu đặc trưng, đẹp, gây ấn tượng mạnh, dễ nhớ… nên các doanh nghiệp thường yêu cầu bảo hộ các dấu hiệu này làm nhãn hiệu hoặc một phần nhãn hiệu của mình, chúng tôi xin chứng minh.
clip_image010Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Việt Mỹ, có trụ sở tại Khu công nghiệp nhỏ đóng trên địa bàn xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu sau đây: cho nhóm sản phẩm số 16 màng mỏng bằng chất dẻo để bao gói: túi nilon. Nhưng Cục SHTT đã từ chối bảo hộ vì cách trình bày chữ V và ngôi sao đã trùng với nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ tại Đăng bạ quốc gia số 33014, khi tra cứu tài liệu đối chứng chúng tôi nhận được thông tin Cục SHTT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 33014 cho chủ sở hữu Báo Sài Gòn Tiếp thị, có trụ sở tại 25 Ngô Thời Nhiệm, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh với nhãn hiệu:
clip_image012Có lẽ ít người tiêu dùng tại Việt Nam mà không biết đến nhãn hiệu chứng nhận này, nhưng cũng chính chữ V và ngôi sao rất ấn tượng này đã hấp dẫn Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Việt Mỹ, dẫn đến đơn yêu cầu bị từ chối.
2.5. Dùng chính tên sản phẩm/dịch vụ làm nhãn hiệu
Điều 74.2.c Luật SHTT quy định: “Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu”. Ví dụ không bảo hộ nhãn hiệu Thuốc đau mắt cho chính loại thuốc có công dụng chữa đau mắt, không bảo hộ nhãn hiệu Rượu gạo cho chính sản phẩm rượu trưng cất từ gạo lên men…
Rất thú vị khi chúng ta biết rằng không bảo hộ nhãn hiệu Cám con lợn/heo cho sản phẩm cám là thức ăn cho lợn/heo, nhưng trong thực tế chúng ta lại gặp nhãn hiệu Cám con cò cho sản phẩm cám là thức ăn cho lợn/heo, vì lẽ rất đơn giản cò khác biệt với lợn/heo.
clip_image014Tưởng chừng rất đơn giản như vậy, nhưng ít nhất hai doanh nghiệp Nghệ An đã mắc lỗi này (còn một số doanh nghiệp nữa cũng mắc lỗi tương tự, nhưng do khuôn khổ có hạn chúng tôi không thể nêu hết), đó là Công ty Cổ phần đông nam dược HST có trụ sở trên đường Lê Viết Thuật, đối diện bệnh viện Quân Y 4 tại xóm 13, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu sau:  cho nhóm sản phẩm số 5 Rượu ngâm thuốc thảo dược. Tất nhiên, Cục SHTT đã từ chối bảo hộ nhãn hiệu này. clip_image016Có thể lấy thêm ví dụ đối với trường hợp Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lợi Phát có trụ sở tại 141 Nguyễn Trãi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu:
cho nhóm 32 Nước uống tinh lọc đóng chai. Cục SHTT đã từ chối bảo hộ nhãn hiệu này, ngoài lý do Trường Sơn đã trùng với nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ do người khác làm chủ sở hữu thì “Đỉnh cao Chất lượng” và “PURIFIED DRINKING WATER” mang tính mô tả và không có khả năng phân biệt như điều 74.2.c Luật SHTT đã quy định.
2.6. Không phân biệt được các đối tượng khác nhau của quyền SHTT
Luật SHTT quy định rằng đối tượng của quyền SHTT bao gồm quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và quyền đối với giống cây trồng. Trong thực tế, có doanh nghiệp nhận thức rằng quyền tác giả và nhãn hiệu cũng như nhau, vì chúng cùng là các đối tượng của quyền SHTT, bởi vậy khi bị Cục SHTT từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì sang Cục Bản quyền tác giả để nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng (thực chất nó chỉ là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, nhưng doanh nghiệp lại lầm tưởng rằng đó là nhãn hiệu).
Đáng tiếc là không chỉ các doanh nghiệp lầm tưởng, mà chính các phương tiện thông tin đại chúng cũng nhầm lẫn, điều nguy hiểm là với sức lan tỏa thông tin trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, khi một tờ báo đăng tin thì gần như ngay lập tức các báo khác cũng sao chép theo. Trường hợp sau là một ví dụ điển hình:
Tác giả Xuân Long đưa tin trên Báo Lao động số 3 ra ngày 04/01/2007 với đầu đề “Hoa đào Nhật Tân chính thức có bản quyền”, nội dung của bài báo được tóm tắt:
Bắt đầu từ Tết Nguyên đán Đinh Hợi, hoa đào Nhật Tân sẽ chính thức có bản quyền tác giả. Thương hiệu “Hoa đào Nhật Tân” đã được pháp luật bảo hộ.
… người dân trồng đào tại Nhật Tân sẽ yên tâm với thương hiệu riêng của mình “Hoa đào Nhật Tân”.
(Độc giả có thể sử dụng công cụ google để tra cứu tin này, hiện nó còn được khá nhiều website lưu giữ)[4].
Chúng tôi rất ngạc nhiên khi đọc tin này, khi lục tìm trong kho tư liệu của Cục Bản quyền tác giả thì thu được thông tin về tác phẩm mỹ thuật ứng dụng như sau:
clip_image018 clip_image020
Thực ra đây chỉ là một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng mà Cục Bản quyền tác giả ghi nhận bảo hộ với các thông tin:
Loại hình tác phẩm: - Mỹ thuật ứng dụng
Tác giả: – Đỗ Thị Mai Lan
Chủ sở hữu tác phẩm: – Hợp Tác xã nông nghiệp dịch vụ tổng hợp
Nhật Tân
Số chứng nhận: 710/2006/QTG
Ngày cấp: 25/04/2006
Các thông tin này cho thấy đây tuyệt nhiên không phải nhãn hiệu hay thương hiệu như Báo Lao động đã đăng.
Nếu doanh nghiệp không phân biệt nổi hai đối tượng rất khác nhau của quyền SHTT, mà cứ theo thông tin như báo đã đưa, rồi gắn hình vẽ kiểu như trên vào sản phẩm và mặc nhiên coi đó là nhãn hiệu rồi tung ra thị trường thì hậu quả sẽ khó lường.
3. Kết luận
Chúng tôi không đề ra giải pháp khắc phục các lỗi vừa nêu, mà các doanh nghiệp chỉ nên tránh các lỗi này thì chính đó đã là giải pháp.
Hy vọng rằng bài viết này sẽ cung cấp một số tư liệu có thể giúp ích cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Nghệ An nói riêng trong quá trình sản xuất và kinh doanh, khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.,.

[1] Bài viết theo đề nghị của Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ Nghệ An, số 4.2011
[2] Xin tham khảo thêm: Trần Hải Linh, Mối quan hệ giữa nhãn hiệu và tên thương mại, Tạp chí Thông tin KH&CN Nghệ An, số 3.2010
[3] Xin tham khảo thêm: Trần Văn Hải, Thấy gì qua việc nhãn hiệu do các doanh nghiệp Nghệ An đề nghị được bảo hộ hoặc từ chối bảo hộ? Tạp chí Thông tin KH&CN Nghệ An, số 3.2010
[4] Xin tham khảo thêm: http://laodong.com.vn/Home/Hoa-dao-Nhat-Tan-chinh-thuc-co-ban-quyen/20071/17636.laodong http://vietbao.vn/Kinh-te/Hoa-dao-Nhat-Tan-chinh-thuc-co-ban-quyen/40180996/87/ …
Nguồn: TẠP CHÍ THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NGHỆ AN, SỐ 4.2011

THỰC TRẠNG XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN Ở VIỆT NAM

1. Bối cảnh và khái niệm
Đường lối đổi mới kinh tế theo hướng thị trường đã đuợc chính thức khẳng định từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), khi thông qua kế hoạch cải cách kinh tế theo hướng “đổi mới”. Đường lối này sau đó đã được thể chế hóa trong Hiến pháp (1992) và được tiếp tục phát triển trong các văn kiện của các Đại hội Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ Việt Nam về “phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN”. Để cụ thể hóa đường lối chính trị này, Chính phủ và nhân dân Việt nam những năm qua đã có những nỗ lực không ngừng nhằm hình thành một hệ thống thể chế kinh tế mới: thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
ở Việt Nam, thể chế kinh tế thị trường hiện được hiểu là một bộ phận cấu thành của hệ thống thể chế xã hội, tồn tại song trùng với các bộ phận khác như thể chế chính trị, thể chế gia đình, thể chế văn hóa; thể chế tôn giáo, v.v.. Các yếu tố cấu thành của hệ thống thể chế đó bao gồm: (i) các quy tắc, chuẩn mực (rules and norms) về hành vi kinh tế diễn ra trên thị trường; (ii) bản thân các bên tham gia thị trường với tư cách là các chủ thể thị trường (market actors); (iii) cách thức tổ chức thực hiện các quy tắc, chuẩn mực thị trường, nhằm đạt được mục tiêu, hay kết quả mà các bên tham gia thị trường mong muốn; và (vi) hệ thống các thực thể thị trường vật chất, tức là bản thân các “thị trường”- với tư cách là các địa điểm, là “sân chơi”, là các đầu mối giao dịch, nơi hàng hóa, dịch vụ được trao đổi trên cơ sở cung cầu, quy định của “luật chơi” (Bảng 1).
Việc Việt nam lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN xuất phát từ thực tế là mô hình kinh tế CNXH cổ điển, đặc trưng bởi hệ thống kinh tế kế hoạch hoá tập trung, sau nhiều thập kỷ tồn tại, đã tỏ ra không còn sức sống và khả năng tự phát triển nội sinh về mặt kinh tế. Trong khi đó, kinh tế thị trường với tư cách là một phương thức sản xuất, đã được chứng minh là có thể được sử dụng nhằm phục vụ cho sự phát triển và thịnh vượng chung của các quốc gia, dân tộc, chứ không phải chỉ là tài sản riêng của CNTB. Tuy nhiên, thực tế phát triển của các nền kinh tế thị trường (nhất là các nước theo mô hình kinh tế thị trường “thuần chủng”) ngày càng cho thấy rõ chính trong quá trình phát triển của mình, kinh tế thị trường luôn luôn tiềm ẩn những nguy cơ thất bại, bởi nó tỏ ra mâu thuẫn sâu sắc với các giá trị truyền thống, 1àm tăng tính bất ổn của xã hội và khoét sâu hố ngăn cách giầu – nghèo. Vì vậy, vai trò Nhà nước như một chủ thể xã hội sáng tạo và hùng mạnh để quản lý các quá trình kinh tế vĩ mô, nhằm hạn chế những khuyết tật của thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển, cần phải được khai thác có hiệu quả. Vì vậy, các thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam được xây dựng và thực thi chính là nhằm mục đích làm cho “thị trường” và “Nhà nước” trở thành hai yếu tố bổ sung cho nhau, chứ không phải thay thế, loại trừ nhau.
Bảng 1: Các yếu tố cấu thành thể chế kinh tế thị trường.
Các yếu tố
Nội dung
¨ Các quy tắc tạo thành “luật chơi” kinh tế thị trường
o Khung luật pháp về kinh tế;
o Các quy tắc, chuẩn mực xã hội về/ hoặc liên quan đến kinh tế, kể các các quy tắc hay chuẩn mực phi chính thức;
¨ Các chủ thể tham gia “trò chơi” kinh tế thị trường
o Các cơ quan quản lí nhà nước về kinh tế;
o Doanh nghiệp;
o Các tổ chức thuộc “xã hội dân sự”, cộng đồng dân cư và người dân;
¨ Các cơ chế thực thi các “luật chơi kinh tế” trên thị trường
o Cơ chế bổ sung giữa Thị trường và Nhà nước;
o Cơ chế phân cấp quản lí kinh tế;
o Cơ chế phối hợp;
o Cơ chế tham gia; v.v.
¨ Các “sân chơi kinh tế” hay hệ thống các “thị trường cứng”
o Thị trường hàng hóa;
o thị trường vốn,
o thị trường lao động,
o thị trường bất động sản,
o v.v.
Phần dưới đây sẽ trình bày ngắn gọn về thực trạng quá trình hình thành và hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam trong những năm gần đây.

2. Thực tiễn quá trình hình thành và hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế
2.1 – Những thành tựu
Ngay từ khi công cuộc cải cách kinh tế mới bắt đầu, Việt Nam đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp luật dưới dạng Bộ luật, Luật và Pháp lệnh liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế thị trường và khuyến khích kinh doanh. Tính từ 1986 đến nay đã có hàng trăm luật và Pháp lệnh (kể cả Luật và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung) đã được ban hành và đưa vào áp dụng. Số lượng văn bản pháp luật được ban hành trong 3 nhiệm kỳ của Quốc hội (VIII, IX và X) đã gấp nhiều lần so với tất cả các nhiệm kỳ trước cộng lại. Đó là chưa kể hàng trăm văn bản pháp luật dưới các hình thức nghị quyết, nghị định của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng[1]. Nội dung pháp luật kinh tế đã phù hợp hơn với cơ chế thị trường, đáp ứng được hầu hết những đòi hỏi từ công cuộc cải cách kinh tế. Khuôn khổ luật pháp mới đã cho phép thực hiện những bước đi đầu tiên trong quá trình chuyển đổi hành vi của Nhà nước từ “làm cho” (làm hộ) sang “cho làm”, từ việc can thiệp trực tiếp sang tác động gián tiếp vào các hoạt động kinh tế. Công tác soạn thảo, thẩm định và ban hành các văn bản pháp luật đã bước đầu đi vào nền nếp, theo một quy trình thống nhất do luật định. Hoạt động thông tin, phổ biến pháp luật đã có chuyển biến tích cực, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu đa dạng và góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi người dân. Nhờ có những nỗ lực đó, mà khung luật pháp của nền kinh tế thị trường đã dần được định hình và ngày càng hoàn thiện hơn, thể hiện rõ qua những đặc điểm sau đây:
- Tạo dựng khung pháp lý cho việc thực hiện quyền tự do kinh doanh, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội
Với việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài (1987), Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990), Nhà nước Việt nam đã chính thức thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của các thành phần kinh tế phi Nhà nước. Tiếp theo đó, Luật Doanh nghiệp nhà nước (1995) và Luật Hợp tác xã (1996) cũng đã được ban hành, tạo khung khổ pháp luật cơ bản cho các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế nhiều thành phần, hạn chế từng bước sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Như vậy, nền kinh tế nhiều thành phần theo chủ trương của Đảng và được quy định trong Hiến pháp 1992 đã được cụ thể hoá bằng các văn bản pháp luật.
Bên cạnh đó, với Luật Phá sản (ban hành 1993, sửa đổi 2004), khung pháp lý cho quá trình rút khỏi thị trường cũng đã được xây dựng, tạo điều kiện quan trọng cho việc thực hiện chức năng đào thải, chọn lọc của cơ chế cạnh tranh, góp phần thúc đẩy quá trình phân bổ lại nguồn lực theo hướng có hiệu quả hơn.
Bước ngoặt lớn nhất của quá trình cải cách trong những năm gần đây là việc ban hành và thực thi Luật Doanh nghiệp (2005). Sự ra đời của Luật này là kết quả của cam kết chính trị về tạo lập môi trường thuận lợi, bình đẳng và phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và các đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; nhằm mục tiêu trước hết là khắc phục sự chia cắt, tách biệt áp dụng theo thành phần kinh tế của hệ thống luật pháp (trước đó) về doanh nghiệp, khi mà các doanh nghiệp có cùng loại hình pháp lý, song nếu thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, lại bị điều chỉnh bởi các quy định pháp luật khác nhau về nhiều phương diện, bao gồm từ thủ tục, điều kiện gia nhập hoặc rút lui khỏi thị trường, đến cách thức quản lý nội bộ, v.v [2]. Nay, nhờ có Luật Doanh nghiệp mới (2005), quyền tự do và bình đẳng trong kinh doanh – điều được quy định rõ trong Hiến pháp 1992 – đã thực sự đi vào cuộc sống và đang giúp tạo ra bầu không khí mới trong môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Tương tự như vậy, Luật đầu tư (chung), thay thế cho Luật đầu tư nước ngoài và Luật khuyến khích đầu tư trong nước, được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2005, có hiệu lực từ 1/7/2006, đã thực sự là bước tiến dài theo hướng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo một “sân chơi” bình đẳng cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Luật này còn bao gồm các quy định mới về đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn vốn đầu tư, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
- Khung pháp lý về thị trường hàng hoá, dịch vụ đã và đang tạo điều kiện cho cơ chế thị trường vận hành có hiệu quả
Những đổi mới thể chế đầu tiên nhằm phát triển nhanh thị trường hàng hoá, dịch vụ đặc biệt là hàng tiêu dùng, xuất khẩu, là một trong những chương trình cải cách quan trọng góp phần tạo ra các thành tựu trong giai đoạn đầu của Đổi mới. Điều này được thực hiện trước hết thông qua các chủ trương về giải quy chế, rỡ bỏ các mệnh lệnh có tính chất “bế quan toả cảng”, tạo điều kiện thúc đẩy lưu thông hàng hoá. Tiếp theo đó, Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế đã sớm được ban hành năm (1989), tạo khung khổ pháp lý cho các hành vi giao dịch kinh tế trên thị trường. Bộ luật dân sự (1995) và Luật thương mại (1997) cũng đã được đưa vào thực hiện, tạo giúp cho các giao dịch trên thị trường ngày càng trở nên sống động.
Đối với xuất – nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ, Việt Nam đã có những bước đổi mới ngay từ giai đoạn đầu cải cách với việc xoá bỏ chế độ độc quyền ngoại thương. Từ 1988 các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được phép hoạt động xuất nhập khẩu, tiếp theo các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân cũng được kinh doanh xuất nhập khẩu (theo Luật Công ty). Thủ tục xin giấy phép xuất nhập khẩu cũng được đơn giản hoá từng bước. Việc ban hành Nghị định 57/NĐ-CP năm 1988 có thể coi là bước ngoặt của quá trình tự do hoá ngoại thương ở Việt nam, bởi nó đã chính thức khẳng định quyền tự do kinh doanh trong lĩnh vực ngoại thương. Bên cạnh đó, Nhà nước còn thực hiện nhiều biện pháp nới lỏng về quản lý ngoại hối, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình thanh toán với đối tác nước ngoài. Những rào cản phi thuế như chế độ quota, quy định đầu mối xuất nhập khẩu cũng dần được rỡ bỏ, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt nam.
Song song với những biện pháp kể trên, trong những năm cuối của thập kỷ 80, Việt nam đã tiến hành những biện pháp cải cách rất mạnh mẽ trong lĩnh vực giá cả theo xu hướng hình thành hệ thống một giá tương ứng với giá thị trường. Năm 1992, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định 137- HĐBT về quản lý giá. Đây là những quy định pháp lý đầu tiên về quản lý giá trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Đúng 10 năm sau, UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh giá nhằm tạo lập khung pháp luật cho việc quản lý giá trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Điều này đã tạo ra những tác động tích cực cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế: bao cấp qua giá đã được huỷ bỏ đối với hầu hết các mặt hàng, giá cả trên thị trường hàng hoá, dịch vụ đã phản ánh được quan hệ cung – cầu và tạo được cơ sở cho quá trình ra quyết định đầu tư theo hướng sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực xã hội.
- Hình thành khung luật pháp cho việc xây dựng và vận hành thị trường các yếu tố sản xuất quan trọng nhất
Trong hơn 10 năm qua, Nhà nước Việt Nam đã cố gắng xây dựng khung pháp lý cho một số thị trường yếu tố quan trọng nhất được hình thành và bước đầu đưa vào vận hành. Đối với thị trường lao động: bộ Luật Lao động đã (năm 1994) đã tạo thành nền tảng pháp lý đầu tiên cho thị trường lao động bằng việc công nhận quyền tự do tìm việc làm và quyền lựa chọn người lao động – hai yếu tố cơ bản tạo ra quan hệ cung – cầu cho thị trường lao động. Cùng với nó, nhiều văn bản pháp lý khác cũng được ban hành để điều chỉnh những hành vi trên thị trường còn tương đối sơ khai này [3]. Dựa trên cơ sở đó, giao dịch trên thị trường lao động đã hình thành và từng bước phát triển, không chỉ riêng trong lãnh thổ Việt nam mà còn vươn ra cả phạm vi ngoài nước. Đối với thị trường bất động sản, thời gian vừa qua, bên cạnh việc ban hành Luật Đất đai (năm 1988, sửa đổi vào năm 1993 và 2003)[4], Luật Xây dựng (năm 2004), Nhà nước còn ban hành và bổ sung hệ thống các văn bản pháp lý, đề ra các chính sách sách liên quan đến việc điều chỉnh từng vấn đề cụ thể như: thị trường đất đai, thị trường nhà ở, v.v. Khung pháp lý cho thị trường vốn cũng dần được hoàn thiện: những năm đầu của cải cách, kinh tế Việt nam đã phải đương đầu với nạn lạm phát phi mã, hệ thống NHNN vừa có chức năng phát hành vừa có chức năng cung ứng nguồn tín dụng cho nền kinh tế. Chính vì vậy, việc chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng một cấp sang hệ thống ngân hàng hai cấp là một bước đi cực kỳ quan trọng để kiềm chế lạm phát, đồng thời tạo cơ sở cho việc thực hiện chính sách tiền tệ tương ứng với cơ chế thị trường. Năm 1990, UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh NHNN Việt nam và Pháp lệnh ngân hàng, HTX tín dụng và các công ty tài chính. Năm 1997, Quốc hội đã ban hành Luật NHNN Việt nam và Luật về các tổ chức tín dụng thay thế cho 2 Pháp lệnh trên. Với khung khổ pháp lý này, 4 NHTM quốc doanh đã được tách khỏi NHNN và hàng loạt các ngân hàng cổ phần, ngân hàng liên doanh và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã xuất hiện trên thị trường tài chính Việt nam. Đối với thị trường khoa học công nghệ (KHCN), lần đầu tiên, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu công nghệ được đưa vào thành các quy định trong Bộ luật dân sự (1995). Tiếp đó, trong hơn một thập kỷ qua, với đường lối “coi KHCN là động lực của tăng trưởng”, nhiều cơ chế, chính sách cho hoạt động thị trường KHCN đã được thể chế hoá thành hệ thống các văn bản pháp quy nhằm điều chỉnh hành vi, sự tham gia, mối quan hệ qua lại giữa các tổ chức tham gia vào thị trường KHCN,… Một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng liên quan đến vận hành thị trường KHCN phải kể đến như: Luật KHCN (2000); Bộ Luật dân sự (1995); Bộ Luật hình sự (1999); Luật thương mại. Bên cạnh đó, còn có hàng trăm văn bản dưới luật cũng đã được ban hành. Đặc biệt, trong năm 2005 và 2006, đã ban hành hai luật quan trọng là Luật Sở hữu trí tuệ (2005) và Luật chuyển giao công nghệ (2006).
- Tạo dựng và làm hài hòa hệ thống luật pháp nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, để thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tiến tới hài hòa luật pháp của Việt Nam với khung luật pháp quốc tế, Luật đầu tư nước ngoài đã được điều chỉnh, bổ sung và sửa đổi 4 lần (vào các năm 1990, 1992, 1996 và 2000). Ngoài Luật đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng đã tiếp tục bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện nhiều luật quan trọng khác như: Luật đất đai, Luật Lao động, Luật cạnh tranh,…theo hướng hỗ trợ hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong quan hệ quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã tích cực tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương với các nước và vùng lãnh thổ[5], gia nhập các tổ chức thương mại khu vực và quốc tế. Nhiều cam kết trong các Hiệp định như: xoá bỏ phân biệt đối xử giữa người tiêu dùng trong nước với người nước ngoài về giá, phí một số hàng hoá, dịch vụ[6]; giảm dần những hạn chế về chuyển giao công nghệ, quản lý ngoại hối, sử dụng đất đai,… một mặt đã góp phần giảm bớt những rào cản về thương mại, đầu tư quốc tế, mặt khác đã tạo “nền” cho việc tiếp tục hoàn thịên hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Hiện nay để sớm có kết quả tốt trong việc đàm phán gia nhập WTO, Chính phủ Việt Nam đang tích cực, khẩn trương xây dựng, sửa đổi hệ thống luật pháp, chính sách hiện hành theo hướng mở cửa kinh tế thị trường, đáp ứng đòi hỏi của WTO. Đồng thời, việc tham gia tích cực hơn vào các thoả thuận, cam kết quốc tế, các nỗ lực làm hài hoà các quy tắc và chuẩn mực quốc tế đã góp phần đáng kể làm tăng tính thị trường của các thể chế kinh tế ở Việt Nam.
2.2 – Những yếu kém và tồn tại
Mặc dù đã có những cố gắng và nỗ lực như đã nói ở trên, nhưng nhìn chung hệ thống pháp luật kinh tế của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều yếu kém, bất cập và vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Điều này thể hiện rõ nhất qua các thực tiễn như: (i) Hệ thống pháp luật còn thiếu toàn diện, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật. Nhiều nội dung quan trọng liên quan tới vấn đề đổi mới kinh tế – xã hội chậm được thể chế hoá như: vấn đề quản lý nhà nước đối với tài sản thuộc sở hữu nhà nước; về đăng ký kinh doanh bất động sản; cạnh tranh trung thực; kiểm soát độc quyền; v.v; (ii) Một số văn bản pháp luật quan trọng đã ban hành song hiệu lực thực thi chưa cao. Ví dụ, Luật Cạnh tranh, tuy được ban hành từ năm 2004, song hiệu lực thực thi còn thấp, vẫn còn nhiều khe hở để một số doanh nghiệp lạm dụng vị thế khống chế thị trường — điều đó đã làm tổn hại lợi ích của xã hội nói chung và những doanh nghiệp nhỏ nói riêng; (iii) Tính cụ thể, minh bạch, rõ ràng của nhiều luật còn thấp: Những sai phạm về hình thức văn bản vẫn xảy ra. Việc công bố, đăng tải, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật chưa được các cơ quan nhà nước chấp hành kịp thời và nghiêm chỉnh; (iv) Quy trình xây dựng pháp luật còn thiếu tính dân chủ, tính đại chúng: còn nhiều cứng nhắc và nhiều bất cập, cách phân công và thực hiện quy trình soạn thảo dễ dẫn đến tình trạng bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành, địa phương; chưa thật sự vì lợi ích chung và vì sự thuận lợi của người dân; v.v.
3 – Đổi mới, sắp xếp lại các DNNN
3.1 Thành tựu
Một trong những hướng đổi mới quan trọng nhất đối với khu vực doanh nghiệp là việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và áp dụng từng bước chế độ quản trị hiện đại đối với các DNNN. Những thành công đáng ghi nhận nhất trong lĩnh vực này là:
- Quá trình chuyển các DNNN sang tổ chức hoạt động cùng một mặt bằng pháp lý với các loại hình doanh nghiệp khác đang được thực hiện một các tích cực. Các quy định pháp lý trong Luật Doanh nghiệp đang được sửa đổi nhằm bảo đảm tính thực tiễn, sát thực và phù hợp.
- Mô hình quản trị DNNN đang được đổi mới trên cơ sở bảo đảm quyền của chủ sở hữu, hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khác. Chức năng sở hữu nhà nước và chức năng quản lý nhà nước đang ngày càng được phân biệt, làm rõ. Nhà nước đang dần dần chuyển đổi phương thức quản lý doanh nghiệp từ phương thức đầu tư, sở hữu toàn bộ doanh nghiệp sang phương thức đầu tư, góp vốn để nắm giữ tỷ lệ cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối. L
- Quyền lợi hợp pháp của các đồng chủ sở hữu trong DNNN có vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác nhau ngày càng được tôn trọng và bảo đảm. Hiện tượng can thiệp của các cơ quan hành chính nhà nước đối với các quyết định hợp pháp, đúng luật, đúng điều lệ của doanh nghiệp ngày càng giảm, đặc biệt là đối với các công ty cổ phần được hình thành từ việc cổ phần hóa DNNN.
- Việc chuyển đổi các tổng công ty sang mô hình công ty mẹ công ty con; hình thành và phát triển các loại tập đoàn kinh tế, chủ yếu là tập đoàn đa sở hữu trên cơ sở liên kết và đầu tư về vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, cổ phần hoá các tổng công ty; đồng thời khuyến khích tạo điều kiện cho việc phát triển các loại tập đoàn kinh tế trên cơ sở các công ty cổ phần, Cty TNHH, doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng thu hút được sự chú ý của nhiều bên có liên quan.
- Các quy phạm pháp luật về vấn đề liên kết kinh tế, hợp đồng liên kết nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và chuyên môn hóa cao cho các doanh nghiệp; minh bạch hóa hệ thống thông tin doanh nghiệp nhằm giảm rủi ro và chi phí cơ hội cho doanh nghiệp trong quá trình hình thành, ký kết và thực hiện liên kết kinh tế thông qua hợp đồng đang được nghiên cứu sửa đổi và bổ sung; tạo điều kiện hình thành và khuyến khích phát triển các hình thức liên kết kinh tế.
3.2 Các hạn chế và tồn tại
Tuy vậy, quá trình cải cách các DNNN hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn và hạn chế cần được khắc phục, trong đó quan trọng nhất phải kể đến là:
- Các DNNN có quy mô lớn, nhưng hoạt động kém hiệu quả: Thực tế cho thấy DNNN đang nắm giữ 75% tài sản cố định của quốc gia, 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, gần 50% tổng vốn đầu tư nhà nước, 60% tổng lượng tín dụng ngân hàng trong nước, hơn 70% tổng vốn vay nước ngoài, trên 90% tổng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hợp tác đầu tư với nước ngoài và phần lớn nguồn nhân lực có chất lượng cao. Tuy nắm giữ nguồn lực lớn như vậy, nhưng năm 2003, trong số 77% doanh nghiệp nhà nước có lãi chỉ có chưa đầy 40% doanh nghiệp có mức lãi bằng hoặc cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại. Nhưng nếu đưa giá trị quyền sử dụng đất vào chi phí và cắt bỏ các khoản ưu tiên, ưu đãi của nhà nước thì số DNNN làm ăn có lãi còn ít hơn nhiều. Số thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ là 8000 tỷ đồng trên tổng số 87.000 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước năm 2003 nói lên hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước rất thấp.
Mấy năm qua tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực DNNN ngày càng sa sút so với doanh nghiệp dân doanh (các con số tương ứng của năm 2003 là 12% và 18%; năm 2004 là 11,8% và 22,8% và quý I năm 2005 là 7,9% và 25,5%). Chi phí sản xuất công nghiệp cao, hạn chế mức tăng giá trị gia tăng. Giá trị sản xuất mấy năm gần đây tăng đến 15%/năm, nhưng giá trị gia tăng chỉ tăng trên dưới 10%/năm. Quý I năm 2004, mức tăng giá trị sản xuất công nghiệp là 14,4%, trong khi đó mức tăng giá trị gia tăng công nghiệp chỉ có 8,5%. Rõ ràng là nếu trước đây, để tăng được 1% giá trị gia tăng cần 1,5% giá trị sản xuất, thì con số này của Quý I năm 2005 đã lên tới 1,7%.
- Nhiều DNNN có trình độ công nghệ dưới mức trung bình của thế giới và khu vực: máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất lạc hậu so với thế giới từ 10 đến 20 năm, 38% thiết bị chờ thanh lý. Tốc độ đổi mới công nghệ chậm (khoảng 10%/năm); các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ cao, hiện đại, như điện tử, tin học mới chỉ chiếm vài phần trăm giá trị sản xuất công nghiệp; dịch vụ có hàm lượng trí tuệ cao chưa nhiều.
- Về giải quyết việc làm mới cho xã hội cũng không đáp ứng yêu cầu: trong vòng 11 năm qua từ năm 1992 đến hết năm 2003, cả nền kinh tế thu nhận được thêm 9 triệu lao động thì khu vực nhà nước chỉ tăng thêm có gần 200 nghìn người. Hiện chỉ có trên 2 triệu lao động làm việc trong khu vực DNNN.
- Năng suất lao động trong công nghiệp chưa có tiến bộ đáng kể: Số liệu về năng suất lao động xã hội của Tổng cục Thống kê 2002 cho thấy năng suất lao động thời kỳ 1996-2001 tăng bình quân mỗi năm 4,8%, chậm hơn tốc độ tăng GDP (7%) cùng kỳ. Năng suất lao động thấp, năm 2000 mới đạt khoảng 12 triệu đồng, tương đương 832 USD, thấp hơn Indonesia (1705 USD), Trung Quốc (1517 USD), Thái Lan (3701 USD), Philipine (2690). Trong các thành phần kinh tế, năng suất lao động của DNNN thấp hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đến 2 lần.[7]
- Sức cạnh tranh cuả các DNNN còn rất yếu: Báo cáo "năng lực cạnh tranh toàn cầu" của của Diễn đàn kinh tế Thế giới năm 2004 xếp hạng năng lực cạnh tranh của 104 nước trong năm 2003-2004, trong đó năng lực cạnh tranh Việt Nam xếp thứ 77, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp Việt Nam xếp thứ 73. Trong đó, các DNNN chưa chứng minh được sự khác biệt về năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Rõ ràng là, chất lượng phát triển của DNNN trong thời gian qua còn khoảng cách khá xa mới đáp ứng được yêu cầu vươn lên đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế – xã hội và chấp hành pháp luật của DNNN chưa thể nói là tấm gương để các thành phần kinh tế khác noi theo. Hiệu quả và sức cạnh tranh thấp so với các nước là thách thức lớn khi ta hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế quốc tế và khu vực.
4. Đổi mới thể chế nhằm đẩy mạnh phát triển các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần
4.1- Các nỗ lực cải cách thể chế nhằm thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp dân doanh trong nước
- Việc rà soát các giấy phép kinh doanh hiện hành và điều kiện kinh doanh đối với những ngành có điều kiện đang được tiếp tục, nhằm giảm bớt số lượng các ngành nghề, lĩnh vực thuộc danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, hoặc kinh doanh có điều kiện.
- Những quy định hạn chế cạnh tranh, phân biệt đối xử, không còn phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết quốc tế, trước hết về ngành nghề kinh doanh, vay vốn và đất đai, mở rộng các thị trường điện lực, viễn thông, hàng không, điện ảnh, báo chí, quảng cáo và thông tin kinh tế đang tiếp tục được rà soát, kiến nghị xoá bỏ hoặc sửa đổi. Các thủ tục hành chính trực tiếp liên quan đến khu vực doanh nghiệp như thủ tục hoàn thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, công chứng…đang ngày càng được hoàn thiên theo hướng tập trung, đơn giản hoá, thực hiện chế độ công khai, minh bạch;
- Yêu cầu về việc hình thành một cơ quan đăng ký kinh doanh chung cho các loại hình doanh nghiệp, tăng cường năng lực cho cơ quan này đủ sức chịu trách nhiệm theo dõi tình hình phát triển, thực hiện “tiền kiểm, hậu kiểm” theo quy định của pháp luật đối với hoạt động của các loại hình doanh nghiệp đang được xem xét một cách tích cực;
- Quyền của các doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, các điều kiện, thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp, hộ gia đình ngày càng được được giảm bớt, các doanh nghiệp được quyền xuất khẩu những mặt hàng không cấm hoặc không hạn chế số lượng;
- Cơ chế, chính sách tạo điều kiện và tạo động lực cho doanh nghiệp chủ động tăng qui mô hoạt động thông qua tự tích luỹ và các biện pháp huy động vốn trên thị trường chứng khoán, phát triển hình thức công ty cổ phần được tích cực sửa đổi, bổ sung. Các quy định và thực hiện về hợp đồng liên kết của các doanh nghiệp, hợp tác, kể cả liên kết thầu phụ nói riêng đang được quan tâm hoàn chỉnh.
Nhờ vậy, khu vực kinh tế tư nhân đã thực sự được khuyến khích phát triển: hiện đã có trên 200 000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phần này trong nền kinh tế hiện đang dẫn đầu: năm 2005, khu vực kinh tế tư nhân, cá thể đóng góp khoảng 39,9% tổng sản phẩm trong nước. Quan trọng hơn, chính khu vực này đã tạo ra phần lớn việc làm cho người lao động, góp phần giữ vững ôn định và trật tự xã hội.
4.2 – Đối với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
- Thủ tục cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp có vốn ĐTNN đang ngày càng được đơn giản hóa, chế độ đăng ký cấp phép đầu tư cho những dự án trong các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, các dự án không thuộc danh mục cấm hoặc hạn chế đầu tư được mở rộng.
- Hình thức thu hút vốn ĐTNN được đa dạng hóa thông qua đầu tư gián tiếp, mua lại, sát nhập; các hình thức pháp lý của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng ngày càng nhiều thêm. Việc thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) vào hoạt động tại Việt Nam được đặt thành mục tiêu quan trọng. Cụ thể hoá và thu hẹp các lĩnh vực không cấp giấy phép đầu tư và điều kiện cấp phép đối với những lĩnh vực đầu tư có điều kiện, mở cửa các lĩnh vực dịch vụ có năng lực cạnh tranh thấp.
- Các quy định đặc thù đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp có vốn ĐTNN đang được giảm dần và sẽ tiến tới xóa bỏ. Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (ban hành năm 2005, có hiệu lực từ 1/7/2006) tạo ra cơ sở vững chắc cho việc thực hiện một mặt bằng pháp lý và điều kiện kinh doanh bình đẳng giữa các nhà đầu tư/ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong nước.
Nhờ có những nỗ lực đó mà khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và sẽ tiếp tục có bước phát triển, thực sự trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
4.3Đối với các chủ thể kinh tế nông nghiệp
Nhiều biện pháp hoàn thiện thể chế kinh tế cho các chủ thể kinh tế ở nông thôn đã được thực hiện:
- Các cải cách thể chế kinh tế đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp là cải cách về quyền sử dụng đất nông nghiệp: hệ thống “khoán 100” năm 1981 đã cho phép các HTX nông nghiệp giao quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân, cho họ quyền tự do định đoạt các sản phẩm do mình làm ra sau khi đã “nộp sản”. Tuy mới dừng ở mức rất khiêm tốn là giao đất theo từng năm, nhưng biện pháp cải cách thể chế kiểu “dò đá qua sông” này đã giúp làm tăng đáng kể năng suất nông nghiệp thời kỳ sau đó. Những cải cách của “khoán 10”, được thực hiện vào năm 1988, tức là ngay sau “Đổi mới” đã giúp người nông dân Việt Nam có nhiều quyền hạn hơn đối với đất đai (7 quyền như: quyền được sử dụng đất theo các mục tiêu xác định, quyền thế chấp, chuyển nhượng, thừa kế, cho thuê, v.v) và quyền được tự định đoạt sản phẩm do mình làm ra đã thực sự “cởi trói” cho người nông dân. Kết quả là năng suất nông nghiệp tăng vọt: chỉ trong vài năm, đã biến Việt Nam từ một nước nhiều năm phải nhập khẩu gạo thành một trong các nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đã có những ước tính cho rằng trên 80% mức tăng trưởng trong những năm 1990 là nhờ vào các cải cách này.[8]
- Luật đất đai được thông qua năm 1993 và tiếp tục được sửa đổi, bổ sung trong năm 2003 là các bước tiến dài theo hướng cải cách thể chế liên quan đến đất đai, các quyền về sở hữu và quyền sử dụng đất cho các bên tham gia thị trường, trong đó, nông dân và các chủ thể kinh tế nông nghiệp khác là những người được hưởng lợi trực tiếp và chính yếu. Cùng với các cải cách về quyền sử dụng đất đai, quyền tự do được mở rộng trong việc trao đổi nông sản, cả trong và ngoài nước, đã khuyến khích đáng kể năng suất của ngành nông nghiệp.
- Các thể chế tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn cũng đã được cải thiện đáng kể: Ngân hàng Nông nghiệp đã được thành lập nhằm vào đối tượng chính là các hộ và doanh nghiệp trong khu vực nông nghiệp và nông thôn. Bên cạnh đó, Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long cũng được đưa vào hoạt động nhằm mục tiêu hỗ trợ cho các đối tượng đặc biệt tại khu vực kinh tế này. Các chính sách tín dụng cũng đã có những đổi mới cơ bản: để đáp ứng yêu cầu mở rộng đầu tư ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 67/QĐ/TTg về một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp – nông thôn, trong đó có những quy định mới về nới lỏng các quy định về đảm bảo tiền vay ngân hàng, đối tượng cho vay và mục tiêu sử dụng, đã có vai trò rất quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân trong tiếp cận và sử dụng vốn tín dụng ngân hàng.
5 . Cải cách hành chính
5.1. Đổi mới trong cơ cấu Chính phủ
Ngay từ khi bắt đầu công cuộc cải cách, ngày16/12/1987 Hội đồng Nhà nước ban hành Nghị quyết số 782-NQ/HĐNN7 về kiện toàn một bước cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Theo đó, nhiều Bộ chuyên ngành đã được sáp nhập vào để có chức năng tổng hợp hơn[9]. Đặc biệt, theo Nghị quyết này, Uỷ ban Quan hệ kinh tế với nước ngoài đã được thành lập trên cơ sở Luật đầu tư nước ngoài nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động đầu tư nước ngoài.
Trong những năm tiếp theo, Hội đồng Nhà nước và Quốc hội đã ban hành thêm một số quyết định về đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ hơn, các bộ có chức năng quản lý tổng hợp hơn. Ví dụ: Nghị quyết 66/HĐNN8 ngày 24/3/1988[10]; Nghị quyết số 244 NQ/HĐNN8 ngày 31-3-1990 của HĐNN[11]. Như vậy, trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi nền kinh tế, bộ máy quản lý nhà nước đã có một số thay đổi để từng bước đáp ứng được phương thức quản lý nhà nước mới phù hợp với cơ chế thị trường. Năm 1992, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp mới, thay đổi cơ bản phương thức hoạt động của Nhà nước Việt nam. Ngày 30/9/1992, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết quy định cơ cấu Chính phủ bao gồm 20 Bộ và 7 cơ quan ngang bộ.
Ngày 25/12/2001, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2001/QH10 sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Theo Hiến pháp (sửa đổi) này, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 02/2002/QH11 (ngày 5/8/2002), quy định cơ cấu Chính phủ bao gồm thành phần là 20 bộ và 6 cơ quan ngang bộ. Do có sự thay đổi về cơ cấu Chính phủ và chức năng của từng bộ, trong 2 năm tiếp theo, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các Nghị định quy định lại tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của các Bộ, ngành. Cơ cấu tổ chức Chính phủ cũng được điều chỉnh một bước: một số Bộ, cơ quan ngang bộ được thành lập mới (bộ Tài nguyên và môi trường, bộ Bưu chính Viễn thông, ủy ban dân số Gia đình và trẻ em); điều chỉnh và đổi tên một số bộ, cơ quan ngang bộ (như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội Vụ, Thanh tra Chính phủ, ủy ban dân tộc). Cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, ngành cũng được kiện toàn trở nên phù hợp hơn với các chức năng, nhiệm vụ mới.
Tất cả những thay đổi trên đều thực hiện nhằm thiết lập bộ máy hành chính công có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự tham gia của người dân và các tác nhân thị trường khác vào phát triển kinh tế – xã hội. Bộ máy quản lý kinh tế trong hệ thống hành pháp đã bước đầu được tổ chức lại theo hướng hình thành các Bộ quản lý tổng hợp, thu gọn đầu mối các cơ quan trực thuộc Chính phủ; Phân cấp giữa các cấp chính quyền trong quản lý kinh tế đã được đổi mới từng bước; tạo dựng một số thể chế và tổ chức mới; thủ tục hành chính bước đầu được đơn giản hoá, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài; thu hẹp các chức năng can thiệp vào hoạt động kinh doanh, tăng thêm những nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất.
5.2 – Đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế
Song song với những cải cách cơ cấu tổ chức trong hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế, Chính phủ Việt Nam cũng đã từng b­ước điều chỉnh chức năng quản lý nền kinh tế theo hướng gần hơn với cơ chế thị trường. Nhờ đó, chức năng quản lý nhà n­ước về kinh tế đã có sự thay đổi cơ bản, cả về lí luận lẫn trên thực tiễn
- Về mặt lý luận, Đại hội Đảng lần thứ VII đề ra nhiệm vụ “bộ máy nhà n­ước từng bư­ớc chuyển sang chức năng quản lý nhà nư­ớc, khắc phục dần sự can thiệp vào điều hành kinh doanh” và đề ra phương hư­ớng “Nhà nư­ớc quản lý kinh tế theo định hư­ớng, dẫn dắt, tạo môi tr­ường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ….đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế và xã hội…”. Đại hội Đảng lần thứ VIII, bên cạnh yêu cầu phải “nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý kinh tế của Nhà nư­ớc”, còn đề ra phương hư­ớng “Nhà nư­ớc định hư­ớng phát triển, trực tiếp đầu tư­ vào một số lĩnh vực, thiết lập khuôn khổ pháp luật, xây dựng chính sách nhất quán, phân phối lại thu nhập, hạn chế tiêu cực của cơ chế thị trư­ờng …”. Đại hội IX chỉ đạo “tiếp tục đổi mới các công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế. Đổi mới hơn nữa công tác kế hoạch hoá, nâng cao công tác xây dựng chiến l­ược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội”.
- Trên thực tế, nhiều biện pháp đổi mới chức năng quản lý Nhà nước cụ thể, phù hợp hơn với cơ chế thị tr­ường đã được thực hiện. Nội dung đổi mới chủ yếu của quản lý nhà n­ước về kinh tế là: tách bạch chức năng quản lý nhà nước về kinh tế của các cơ quan nhà nư­ớc, chức năng chủ sở hữu DNNN của Nhà n­ước ra khỏi chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp; chuyển từ quản lý cụ thể các hoạt động của nền kinh tế sang quản lý tổng thể nền kinh tế quốc dân; chuyển từ can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế sang can thiệp gián tiếp thông qua hệ thống pháp luật, kế hoạch, cơ chế chính sách và các công cụ điều tiết vĩ mô. Hộp 1 tóm tắt những biện pháp đổi mới cụ thể đã được thực hiện trên tất cả các phương diện của chức năng kinh tế của Nhà nước trong thời gian gần đây.
Hộp 1: Một số biện pháp đổi mới chức năng kinh tế của Nhà nước
(1) Đổi mới phương thức quản lí Nhà nước đối với nền kinh tế
o Ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều luật, pháp lệnh mới cho phù hợp với sự vận động của nền kinh tế thị trư­ờng. Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp (năm 1999) với tư­ tưởng đột phá là chuyển từ việc quy định công dân chỉ đ­ược hoạt động kinh doanh khi “Nhà n­ước cho phép” sang chính thức công nhận công dân đư­ợc tự do kinh doanh ở những lĩnh vực “Pháp luật không cấm”. Điều này đã và sẽ góp phần cải thiện mạnh mẽ đến mối quan hệ giữa Nhà n­ước và thị trường.
o Tạo khung khổ pháp luật và chính sách để mở rộng thị tr­ường trong n­ước cũng như thị tr­ường nư­ớc ngoài cho hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam, mở rộng kênh l­ưu thông hàng hoá và dịch vụ trong nư­ớc; mở rộng quyền tham gia xuất nhập khẩu, xúc tiến thư­ơng mại; mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại; thực hiện hội nhập khu vực và quốc tế v.v…
o Từng bước chuyển kế hoạch hoá từ kế hoạch chi tiết, hiện vật sang kế hoạch mang tính chất định h­ướng là chính, với trọng tâm là xây dựng chiến l­ược tổng thể phát triển kinh tế, xã hội 10 năm, kế hoạch 5 năm và chú trọng hơn tới công tác dự báo, kể cả dự báo hàng tháng, hàng quý.
o Đổi mới chính sách tài chính: Hệ thống thuế đ­ược đổi mới theo hư­ớng tạo sự bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế giữa các loại hình doanh nghiệp; thực hiện cơ cấu lại và đổi mới chính sách chi tiêu của NSNN theo hư­ớng kết hợp giữa nguồn tài chính nhà nư­ớc với việc phát huy các nguồn lực của các tầng lớp dân cư­ để phát triển kinh tế, bư­ớc đầu thực hiện chính sách xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá v.v… song còn thiếu cơ chế thích hợp;
o Chính sách tiền tệ – tín dụng đã từng b­ước đ­ược đổi mới theo hướng dựa nhiều hơn vào thị trư­ờng, bớt dần sự can thiệp hành chính trực tiếp của Nhà nư­ớc. Hệ thống ngân hàng đã đ­ược đổi mới một bư­ớc, chuyển từ một hệ thống ngân hàng duy nhất thành hệ thống ngân hàng 2 cấp, tách chức năng quản lý nhà nư­ớc của Ngân hàng trung ương với chức năng kinh doanh của ngân hàng thuơng mại và các tổ chức tài chính phi ngân hàng khác; hình thành hệ thống các tổ chức tín dụng với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế; từng bư­ớc thực hiện chính sách lãi suất và chính sách tỷ giá linh hoạt hơn theo cung cầu trên thị tr­ường, kết hợp với áp dụng chính sách tín dụng ­ưu đãi (chủ yếu cho đầu t­ư phát triển) và hỗ trợ lãi suất cho các mục tiêu cần khuyến khích phát triển.
(2) Đổi mới chức năng “nhà kinh doanh, nhà đầu tư” của Nhà nước
o Nhà n­ước giảm mạnh tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời thực hiện can thiệp vào hoạt động này thông qua chính sách đầu t­ư vào các DNNN công ích và các DNNN kinh doanh thuộc những lĩnh vực đặc biệt quan trọng;
o Củng cố và phát triển kinh tế Nhà nước, thông qua việc chú trọng các ngành, lĩnh vực then chốt để bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước (ví dụ: Chính phủ đã ban hành tiêu chí, danh mục các ngành, lĩnh vực sản phẩm và dịch vụ trong đó Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ);
o Đầu t­ư của Nhà nư­ớc đư­ợc định hướng tập trung hơn vào phát triển cơ sở hạ tầng và vào những lĩnh vực mà t­ư nhân không muốn hoặc chư­a có khả năng đầu tư, trên cơ sở đó tạo thêm thuận lợi cho cơ chế thị trư­ờng phát huy tác dụng.
(3) Đổi mới trong chức năng bảo đảm phúc lợi
o Chính sách phân phối đã có bư­ớc chuyển ban đầu từ phư­ơng thức phân phối bình quân, phân phối theo tiêu chuẩn hiện vật sang thực hiện nhiều hình thức phân phối đa dạng: phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế; phân phối theo mức vốn đóng góp; phân phối thông qua phúc lợi xã hội. Đã bư­ớc đầu thực hiện chính sách điều tiết thu nhập, tuy còn ở phạm vi hẹp.
o Đã chú ý thực hiện tốt hơn các chính sách đền ơn đáp nghĩa và chính sách xã hội. B­ước đầu thực hiện cơ chế Nhà nư­ớc và nhân dân cùng làm trong nhiều lĩnh vực như:­ y tế, giáo dục, phát triển hệ thống đ­ường giao thông và mạng l­ưới phân phối điện ở nông thôn v.v… Hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội cho ngư­ời lao động thuộc mọi thành phần kinh tế theo hướng tách bạch rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia, loaị bỏ dần các hình thức bao cấp của Nhà nư­ớc; Tổ chức thực hiện có kết quả rõ rệt các chư­ơng trình quốc gia; Có các giải pháp hiệu quả hơn trong đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội nh­ư: ma tuý, phòng chống tai nạn giao thông,v.v.
Tuy còn có những hạn chế, yếu kém (thể hiện trong việc phân định chưa thật rõ vai trò quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường; hoặc qua năng lực còn hạn chế của bộ máy quản lý kinh tế của Nhà nước), song, chính nhờ có những nỗ lực kể trên mà mối quan hệ Nhà nước – thị trường – doanh nghiệp có sự thay đổi cơ bản theo hướng Nhà nước điều tiết vĩ mô, thị trường điều tiết doanh nghiệp.
4.3 Đổi mới công tác kế hoạch hóa
Công tác kế hoạch hoá cũng đã có nhiều đổi mới, góp phần cải thiện vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường và thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế nói chung. Về mặt luật pháp, Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị trình lên Quốc hội dự thảo Luật về công tác kế hoạch hoá. Nếu được phê chuẩn, Luật này sẽ trở thành khung pháp lý quan trọng cho hoạt động của các cơ quan kế hoạch. Trên thực tế, mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến nội dung và quy trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch, cũng như một số tồn tại, bất cập trong việc điều hành thực hiện kế hoạch, v.v. những thành tựu cơ bản trong lĩnh vực kế hoạch đã ngày càng thể hiện rõ nét qua các khía cạnh sau:
o Kế hoạch định hướng phát triển 5 năm đang ngày càng trở thành trọng tâm của công tác kế hoạch, được xây dựng trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế – xã hội dài hạn, định rõ cho từng thời kỳ phát triển;
o Hệ thống chỉ tiêu kế hoạch được thay đổi một cách cơ bản, thu hẹp dần các chỉ tiêu hiện vật, đồng thời mở rộng thêm các chỉ tiêu giá trị;
o Qúa trình lập kế hoạch đã được đổi mới từng bước theo hướng dân chủ và công khai, thu hút nhiều hơn sự tham gia của người dân và các bên có liên quan;
o Việc điều hành kế hoạch cũng chuyển dần từ can thiệp vi mô sang duy trì các cân đối vĩ mô, sử dụng các công cụ gián tiếp; phương pháp kế hoạch hoá theo chương trình mục tiêu nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc nhất về kinh tế – xã hội đang dần được hoàn thiện;
o Công tác điều hành kế hoạch đã hướng tới các kết quả thiết thực hơn: đã kịp thời phát hiện và xử lý tốt hơn những diễn biến bất thường xuất hiện do tác động của nền kinh tế thế giới, khu vực và của đời sống kinh tế – xã hội trên các vùng khác nhau ở Việt Nam;
o Công tác quy hoạch phát triển đã được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển một số ngành, lĩnh vực, vùng và các địa phương.
o Vai trò của Nhà nước và của công tác kế hoạch hoá trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được đổi mới và ngày càng được khẳng định vững chắc.
5. Xây dựng và phát triển các loại thị trường yếu tố sản xuất
Trong hơn một thập kỷ qua, nhiều nỗ lực nhằm đặt nền móng cho hệ thống thể chế thị trường các yếu tố ở Việt Nam đã và đang được thực hiện. Bên cạnh các nỗ lực xây dựng khung luật pháp (phần 2.1 trên đây), nhiều hoạt động thực tiễn đã và đang được xúc tiến tích cực, nhờ đó, các thị trường yếu tố cơ bản đã được hình thành và bắt đầu vận hành.
5.1 Thị trường lao động:
Là loại thị trường yếu tố sản xuất được hình thành và thực sự đi vào hoạt động sớm nhất ở Việt Nam, bắt đầu từ các nỗ lực đổi mới căn bản nhận thức về thị trường lao động: nếu trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung, lao động không được coi như một hàng hoá, sự tồn tại của thị trường lao động không được pháp luật thừa nhận, thì nay, thị trường lao động đã được chính thức thừa nhận là một trong những thị trường yếu tố sản xuất quan trọng nhất. Bước tiếp theo là tạo dựng hệ thống “cơ sở hạ tầng” cho thị trường lao động: bao gồm từ các cơ sở giới thiệu, giao dịch về việc làm (năm 2004, đã có gần 200 trung tâm giới thiệu việc làm, thuộc các cơ quan của bộ LĐ-TB-XH, hoặc các tổ chức, đoàn thể xã hội), đến các siêu thị lao động, “chợ lao động”, v.v. Đây chính là nơi người lao động cần tìm việc làm và người sử dụng lao động cần người làm việc có thể “gặp” nhau để thực hiện các giao dịch về sức lao động, hoặc là nơi để các trường đào tạo nghề có thể nắm bắt nhu cầu về các loại nghề nghiệp và thực hiện việc tuyển sinh. Đồng thời, nhiều công ty môi giới lao động cho xuất khẩu đã xuất hiện, làm cầu nối cho người lao động muốn tìm việc làm có thu nhập cao hơn ở nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng lao động từ Việt Nam có thể gặp gỡ nhau. Một số biện pháp cải tiến cụ thể liên quan đến thị trường lao động được tóm tắt tại Hộp 2 dưới đây.
Nhờ đó, thị trường lao động đã chính thức đi vào cuộc sống và từng bước phát triển, không chỉ riêng trong lãnh thổ Việt nam mà còn vươn ra cả phạm vi ngoài nước. Nguồn nhân lực, vì thế, đã được sử dụng một cách có hiệu quả hơn.
Hộp 2
Một số biện pháp cụ thể hỗ trợ sự phát triển của thị trường lao động
§ Ban hành và thực thi các văn bản pháp lý tạo điều kiện cho việc tự do trao đổi sức lao động trên thị trường; bảo vệ quyền lợi của cả người lao động và người sử dụng lao động, thuộc mọi thành phần kinh tế;
§ Hình thành quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo hướng Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động cùng đóng góp;
§ Bước đầu khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển hàng hóa sức lao động (ví dụ: tham gia vào việc đào tạo, xuất khẩu lao động);
§ Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra của Nhà nước và xử lý kịp thời vi phạm pháp luật lao động;
§ nâng cao vai trò đại diện của Công đoàn trong việc xây dựng và thực hiện khung chính sách về lao động;
§ Tạo dựng và đa dạng hóa các loại hình “thể chế thị trường lao động cứng” như chợ lao động, triển lãm việc làm, các trung tâm giới thiệu việc làm; v.v. và các cơ chế thị trường thuận lợi khác nhằm giúp đỡ những người có khả năng lao động, nhất là những người trẻ tuổi, được đào tạo, tìm được công ăn việc làm với mức trả công xứng đáng.
5.2 Thị trường bất động sản
Trong những năm gần đây, đã có nhiều thay đổi được thực hiện đối với thị trường bất động sản ở Việt Nam. Bên cạnh những đổi mới về khung luật pháp, đã có nhiều thay đổi tích cực về quản lý nhà nước đối với loại thị trường này: năm 2004, Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức được thành lập, với một trong những chức năng quan trọng là thực thi việc quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản, trong đó có đất đai, nhà ở và các công trình trên đất khác. Cho đến nay, đã có nhiều biện pháp và sáng kiến đã được thực hiện nhằm làm cho các hoạt động của thị trường BĐS đi theo hướng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và đảm bảo công bằng xã hội (xem Hộp 3). Nhờ đó, thị trường BĐS đang trở thành một trong những thị trường có hoạt động sôi động nhất trong những năm gần đây.
Hộp 3
Một số biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ sự phát triển Thị trường BĐS
· Xác định rõ các quyền về đất đai của người sử dụng, các biện pháp và chế tài bảo đảm thực hiện dễ dàng các quyền đó; Tạo cơ sở pháp lý thuận lợi về cho thuê và chuyển quyền sử dụng đất.
· Thực hiện cơ chế mọi doanh nghiệp đều phải mua quyền sử dụng đất hoặc thuê đất khi có nhu cầu sử dụng;
· Phân cấp mạnh hơn cho Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc quản lý đất đai;
· Nâng cao tính công khai, minh bạch trong quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm tính pháp lý của quy hoạch khi được thông qua;
· Thống nhất chế độ đăng ký bất động sản và giấy tờ liên quan đến bất động sản.
· Bãi bỏ nhiều quy định hạn chế khả năng chuyển dịch bất động sản.
Tuy nhiên, liên quan tới thị trường BĐS hiện còn có quá nhiều vấn đề thể chế cần được xem xét. Trong đó trước hết phải kể đến là các vấn đề liên quan đến hệ thống luật pháp, bộ máy thực thi pháp luật bất động sản, và sự thiếu vẵng các “thể chế thị trường cứng”, được công nhận chính thức ở Việt Nam. Việc thiếu vắng một đạo luật về đăng ký và kinh doanh bất động sản – cơ sở pháp lý tối cần thiết để điều chỉnh sự vận hành của loại thị trường quá nhạy cảm và rất phức tạp này – cũng chính là hạn chế rất lớn hiện nay.
5.3 Thị trường tài chính
Sự phát triển thị trường tài chính Việt Nam thời gian qua đã có những kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể là: (i) các cấu thành cơ bản của thị trường này đã được hình thành. Một loạt các định chế mới như: công ty chứng khoán, công ty tài chính, công ty bảo hiểm nhân thọ,… đã được xây dựng và bắt đầu hoạt động; (ii) hệ thống ngân hàng và tín dụng ngân hàng đã và đang có những thay đổi căn bản theo hướng tích cực. Vai trò và năng lực của NHNN, NHTM đã dần được cải thiện, tiếp cận với các hình thức kinh doanh hiện đại; (iii) thị trường tài chính trong nước đã dần từng bước hoà hợp với thị trường quốc tế. Các nguyên tắc quản lý tài chính tiên tiến, các chuẩn mực quốc tế về tính minh bạch, kế toán, kiểm toán,… đã và đang từng bước được thể chế hoá và vận dụng trong thực tế và (iv) các cơ quan quản lý Nhà nước và các định chế tài chính (NHNN, Bộ Tài chính, UBCKNN,…) đã dần được thể chế hoá và có sự phối hợp tác nghiệp chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì thị trường tài chính Việt Nam vẫn chưa theo kịp và đáp ứng được những đòi hỏi của đời sống kinh tế – xã hội. Thị trường tài chính nói chung, thị trường tiền tệ và thị trường vốn nói riêng, còn ở trình độ phát triển thấp, thị trường chứng khoán mới ra đời còn nhỏ bé và yếu kém. Hiện nay, nhiều thị trường thứ cấp ở Việt Nam vẫn chưa phát triển, mối liên kết, tác động qua lại giữa các thị trường trong hệ thống còn thiếu chặt chẽ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; tính minh bạch thông tin chưa thường xuyên được đảm bảo… Ngoài ra, hệ thống pháp lý hiện hành vẫn chưa tạo điều kiện để đảm bảo tính độc lập cần thiết của NHTW và cũng chưa nới lỏng điều kiện gia nhập thị trường tài của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Hệ thống pháp lý trong lĩnh vực tín dụng còn thể hiện sự phân biệt đối xử tương đối rõ nét giữa các nhà cung ứng tín dụng cũng như giữa khách hàng của các tổ chức tín dụng[12].
5.4. Thị trường khoa học công nghệ
Trong hơn một thập kỷ qua, với đường lối “coi KHCN là động lực của tăng trưởng”, nhiều cơ chế, chính sách cho hoạt động thị trường KHCN đã được thể chế hoá thành hệ thống các văn bản pháp quy nhằm điều chỉnh hành vi, sự tham gia, mối quan hệ qua lại giữa các tổ chức tham gia vào thị trường KHCN. Tuy vậy, trên thực tế, so với các thị trường yếu tố sản xuất khác thì thị trường KHCN còn rất sơ khai. Nếu quan sát thị trường KHCN ở Việt Nam trong vài năm qua, rõ ràng có thể thấy: trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất thấp; các giao dịch trên thị trường KHCN còn nghèo nàn (các doanh nghiệp chủ yếu tham gia vào giao dịch mua bán máy móc mà chưa tham gia vào giao dịch có hàm lượng KHCN cao như: mua bán bản quyền sáng chế, hợp đồng nghiên cứu và triển khai,…); cung trên thị trường KHCN từ các doanh nghiệp và tổ chức KHCN nước ngoài nhiều, nhưng chi phí quá cao so với khả năng tài chính của doanh nghiệp. Do vậy, đến nay đã có nhiều ý kiến cho rằng thị trường khoa học công nghệ thực sự còn chưa được hình thành ở Việt Nam[13]. Trong khi đó, loại thị trường yếu tố này là bộ phận cấu thành không thể thiếu để đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
6. Mở cửa và hội nhập
Bên cạnh những nỗ lực về cải thiện khung pháp lý nhằm tạo dựng mới và/ hoặc làm hài hòa hệ thống luật pháp (xem phần 2.1 trên đây), Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó, quan trọng phải kể đến là:
- Tiến hành rộng rãi công tác tuyên truyền, giải thích trong các tổ chức chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, về các cơ hội và thách thức của quá trình này;
- Tích cực chuẩn bị cho việc xây dựng Chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế với một lộ trình cụ thể để các ngành, các địa phương, doanh nghiệp dựa vào đó mà sắp xếp lại cơ cấu, chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm hội nhập có hiệu quả hơn;
- Thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của ngành hoặc của quốc gia, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mũi nhọn, có khả năng chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
- Tiếp tục sắp xếp lại, đổi mới DNNN theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này;
- Chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, tinh thông nghiệp vụ, có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao. Quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh; bước đầu bắt tay xây dựng và đưa vào thực hiện một số chính sách về thu hút và sử dụng nhân tài;
- Tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường và các đối tác, tham gia tích cực vào hoạt động của các tổ chức quốc tế, nhằm nâng cao thế và lực của Việt Nam.[14]
- Thực hiện mọi nỗ lực nhằm sớm kết thúc đàm phán để gia nhập WTO theo các phương án và lộ trình hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và các yêu cầu của các đối tác quốc tế.
- Thành lập và kiện toàn UBQG về hợp tác kinh tế quốc tế, nhằm giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức, chỉ đạo các hoạt động hội nhập.
Nhờ đó, hội nhập kinh tế quốc tế trong những năm qua có bước tiến quan trọng. Quan hệ quốc tế được mở rộng, các cam kết quốc tế được triển khai thực hiện tốt; đồng thời đã tiến hành ký kết nhiều hiệp định đa phương, song phương, tạo bước phát triển mới về kinh tế đối ngoại. Theo báo cáo của bộ Kế hoạch và Đầu tư (năm 2005), thị trường xuất khẩu được duy trì và mở rộng; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh (16,2%/năm), chiếm trên 50% GDP và đạt 370 USD/người. Nguồn vốn tài trợ phát triển chính thức (ODA) liên tục tăng qua các năm, kể cả trong điều kiện kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn: tổng giá trị các hiệp định đã được ký kết trong thời kỳ 2001 -2005 đạt khoảng 14,7 tỷ USD, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại chiếm 15-20%. Nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tăng khá, nhờ môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện thông qua việc sửa đổi, bổ sung các chính sách. Trong 5 năm 2001-2005 tổng vốn đăng ký vẫn đạt 17,9 tỷ USD, vượt 19,3% mục tiêu đề ra. Tổng vốn thực hiện đạt 13,6 tỷ USD (so với mục tiêu đề ra là 11 tỷ USD), tăng 12,5% so với thời kỳ trước.
Tuy vẫn còn những khó khăn cần sớm được khắc phục (ví dụ: xuất khẩu chủ yếu vẫn là các nhóm hàng nguyên liệu, hoặc gia công, có giá trị gia tăng thấp; hoặc những chậm trễ trong việc giải ngân làm giảm hiệu quả sử dụng ODA), những thành tựu nói trên vẫn là các yếu tố đáng ghi nhận, nếu tính đến một thực tế là Việt Nam mới đang ở giai đoạn chuẩn bị và thử nghiệm các thể chế mới cho một sự hội nhập kinh tế thực sự và toàn diện.
Rõ ràng là, nhờ những nỗ lực của 20 năm đổi mới, đặc biệt là trong 5 năm vừa qua (nhất là các năm 2004 và 2005), Việt Nam đã hình thành được các thể chế kinh tế thị trường ban đầu. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ, song Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với không ít những khó khăn do thiếu vắng cơ sở lý luận và các tiền lệ lịch sử. Do vậy, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện khung thể chế cho nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đang và sẽ tiếp tục được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ Việt Nam.
Mục tiêu của nhiệm vụ này không phải là tạo ra một nền kinh tế thị trường khác, mà là sử dụng các ưu thế của kinh tế thị trường hiện có như một “công cụ” để phát triển kinh tế đất nước, trong khi định hướng XHCN được trao vai trò là “kim chỉ nam” để hướng các chủ thể kinh tế thị trường vận động theo huớng đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội tối đa. Các thử nghiệm về đổi mới thể chế ban đầu đã cho thấy rất rõ rằng thể chế kinh tế thị trường không phải là phạm trù bất biến, mà là thường xuyên biến đổi: việc Nhà nước, thị trường, doanh nghiệp ở Việt Nam cần đảm nhiệm vai trò nào trong quá trình vận hành nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào trình độ phát triển của chính nền kinh tế đó ở từng thời điểm. Nếu kinh tế thị trường càng phát triển, năng lực tự điều chỉnh càng cao thì càng ít cần sự can thiệp của Nhà nước. Ngược lại, nếu nền kinh tế này đang còn tiểm ẩn nhiều rủi ro, nhiều sự bất định, trong khi thị trường với các doanh nghiệp cấu thành lại chưa đủ sức tự xử lý các rủi ro này một cách hiệu quả, thì Nhà nước Việt Nam vẫn sẽ cần phải duy trì vai trò lớn hơn, lâu dài hơn.

[1] Dẫn từ nguồn: “ Nâng cao chất lượng xây dựng các dự án Luật, pháp lệnh do Chính phủ soạn thảo” – TS. Phạm Tuấn Khải – TC Nghiên cứu Lập Pháp – 3/2004.
[2] Ví dụ: Các DNNN hoạt động theo Luật DNNN (2003), Luật Doanh nghiệp (1999) áp dụng cho các DNTN, còn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoại là được điều chỉnh bằng Luật về đầu tư trực tiếp nước ngoàI (1996).
[3] Trong các văn bản pháp quy có liên quan, đáng lưu ý là Nghị định 198/CP (ngày 31/12/1994) quy định chi tiết và hướng dẫn về hợp đồng lao động; Nghị định 72/CP (ngày 31/10/1995) quy định chi tiết và hướng dẫn về việc làm; Nghị định 03/CP (ngày 15/1/2003) quy định về điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội, ngoài ra còn một số thông tư về bảo hiểm xã hội, về giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi,…
[4] Nguyên tắc cơ bản của Luật đất đai ở Việt nam là đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân (nguyên tắc này cũng đã được tuyên bố trong Hiến Pháp năm 1980 “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” – một nền tảng hoàn toàn mới về thể chế đối với đất đai). Luật đất đai đã thiết lập quyền sử dụng đất lâu dài, bao gồm: quyền sử dụng đất, quyền sở hữu kết quả sản xuất từ đất, quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thế chấp quyền sử dụng đất. Luật này cũng phân chia đất thành nhiều loại như: đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất thổ cư, đất đô thị, đất chuyên dùng và đất chưa sử dụng. Chính phủ quy định khung giá thuê cho từng loại đất, trên cơ sở đó, UBND các tỉnh xác định cụ thể giá để áp dụng.
[5] Đến nay, Việt Nam đã ký kết 47 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với các nước và vùng lãnh thổ, trong đô Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đã mang lại nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp.
[6] Lộ trình xoá bỏ chế độ 2 giá đang được đẩy mạnh. Giá vé máy bay nội địa đã được thống nhất áp dụng từ 1/1/2004. Trong khuôn khổ đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết xoá bỏ sự phân biệt về giá điện cho sản xuất vào năm 2005
[7] Các số liệu trong mục này được trích dẫn từ bài tham luận của TS. Ngô Văn Điểm, Phó Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, tại hội thảo về “ Phát triển thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam”, do CIEM tổ chức tại Hà Nội, ngày 29/4/2005.
[8] Dẫn theo: “Những thể chế nào là quan trọng cho việc duy trì sự tăng trưởng dài hạn ở Việt Nam”, do ADB xuất bản, năm 2004, tr. 140
[9] Ví dụ: Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm được hình thành từ 3 bộ: Bộ Nông nghiệp, Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ lương thực; Bộ Năng lượng từ 2 bộ: Bộ điện lực và Bộ Mỏ và than,…
[10] Theo Nghị quyết này: 1- Thành lập Bộ kinh tế đối ngoại trên cơ sở sáp nhập Bộ ngoại thương và Uỷ ban Kinh tế đối ngoại, 2- Thành lập Bộ xây dựng (mới) trên cơ sở sáp nhập Bộ xây dựng và Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước, 3- Sáp nhập Tổng cục điện tử và Kỹ thuật tin học vào Bộ cơ khí và Luyện kim.
[11] Theo Nghị quyết này sẽ có một số thay đổi như sau:
- Thành lập Bộ văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch trên cơ sở Bộ văn hóa, Bộ thông tin, Tổng cục thể dục thể thao và Tổng cục du lịch để thống nhất quản lý Nhà nước về văn hóa, thông tin, phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản, thể dục thể thao và du lịch;
- Thành lập Bộ giáo dục và đào tạo trên cơ sở Bộ giáo dục, Bộ đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề để thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo;
- Thành lập Bộ thương nghiệp trên cơ sở Bộ kinh tế đối ngoại; Bộ nội thương, Bộ vật tư để thống nhất quản lý Nhà nước các hoạt động thương nghiệp và dịch vụ;
- Đổi tên Bộ cơ khí và luyện kim thành Bộ công nghiệp nặng để thống nhất quản lý Nhà nước đối với các ngành cơ khí luyện kim, điện tử, mỏ, địa chất, dầu khí và hóa chất. Phê chuẩn việc giải thể Tổng cục mỏ và địa chất, Tổng cục hóa chất và Tổng cục dầu khí;
- Đổi tên Bộ giao thông vận tải thành Bộ giao thông vận tải và bưu điện đảm nhiệm chức năng quản lý Nhà nước đối với ngành bưu điện do Tổng cục bưu điện phụ trách và ngành hàng không dân dụng. Phê chuẩn việc giải thể Tổng cục hàng không dân dụng Việt Nam.
- Đổi tên ủy ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước thành ủy ban khoa học Nhà nước để thống nhất quản lý Nhà nước về khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội; Phê chuẩn việc chuyển ủy ban khoa học xã hội Việt Nam thành Viện khoa học xã hội Việt Nam làm chức năng nghiên cứu khoa học xã hội;
- Giao chức năng quản lý Nhà nước đối với ngành cao su cho Bộ nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm đảm nhiệm. Phê chuẩn việc giải thể Tổng cục cao su.
[12] Thể hiện qua sự phân biệt đối sử giữa các ngân hàng thương mại quốc doanh với các ngân hàng thương mại cổ phần, giữa các ngân hàng trong nước với các ngân hàng liên doanh và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Phân biệt đối xử cũng thể hiện rõ nét giữa các khách hàng là DNNN với các khách hàng là doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.
[13] Xem “Kinh tế Việt Nam 2003” của Viện nghiên cứu QLKTTƯ, phần về “Thị trường khoa học và công nghệ”, tr. 89-92.
[14] Ví dụ: để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã đặt ra cho các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài nhiệm vụ hàng đầu là phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.

Nguồn: CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG