Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Hòa giải trong thương mại và phát triển phương thức hòa giải trong thương mại ở Việt Nam

Hoà giải thương mại hay trung gian thương mại1 (Commercial Mediation) là một phương thức giải quyết tranh chấp rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Cùng với thương lượng và trọng tài, hoà giải được coi là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) và rất được các doanh nhân ưa chuộng do những ưu điểm vượt trội của các phương thức này so với tố tụng tòa án. Với mong muốn thúc đẩy sự phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế nói chung và phương thức hòa giải nói riêng tại Việt Nam, bài viết giới thiệu những đặc điểm cơ bản nhất của phương thức hòa giải và phân tích một số điểm còn khiếm khuyết của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành của Việt Nam liên quan đến phương thức hòa giải trên cơ sở đối chiếu và so sánh với kinh nghiệm của một số nước.
1. Bản chất và sự phát triển của phương thức hòa giải ở một số nước
Bản chất của phương thức hòa giải
Hoà giải là quá trình các bên đàm phán với nhau về việc giải quyết tranh chấp với sự trợ giúp của một bên thứ ba độc lập (hoà giải viên)2. Hòa giải khác với phương thức thương lượng ở sự có mặt của bên thứ ba (hòa giải viên) và cũng khác với phương thức trọng tài ở chỗ, hòa giải viên không có quyền xét xử và ra phán quyết như trọng tài viên. Vai trò của hòa giải viên trong quá trình hòa giải chỉ dừng lại ở việc khuyến khích và trợ giúp các bên tìm ra một giải pháp mang tính thực tế mà tất cả các bên liên quan đều có thể chấp nhận sau khi xem xét, nghiên cứu những lợi ích và nhu cầu của họ. Tùy thuộc nội dung, tính chất của vụ tranh chấp và sự thỏa thuận của các bên, số lượng hòa giải viên có thể là một hoặc nhiều. Theo thông lệ quốc tế, căn cứ vào tổ chức đứng ra thực hiện việc hòa giải, hòa giải được chia thành hai hình thức là hòa giải công (public mediation) và hòa giải tư (private mediation). Hòa giải công do các cơ quan nhà nước, chủ yếu là các Tòa án, đứng ra thực hiện (gọi là court-based mediation). Hòa giải tư thường do các tổ chức trọng tài thương mại3 hoặc các tổ chức hòa giải thương mại chuyên nghiệp tiến hành4. Ngoài ra, các bên cũng có thể yêu cầu các cá nhân (thường là chuyên gia về hòa giải hoặc về lĩnh vực đang có tranh chấp) đứng ra hòa giải.
Sự phát triển của phương thức hòa giải trên thế giới
Hiện nay, hầu hết các tổ chức trọng tài thương mại lớn trên thế giới đều có quy tắc hòa giải và tổ chức việc hòa giải nhằm giúp các tổ chức, cá nhân kinh doanh giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng và hiệu quả5. Hoạt động hòa giải cũng bắt đầu diễn ra nhộn nhịp tại các nước trong khu vực với sự xuất hiện của nhiều trung tâm hòa giải như Trung tâm hòa giải của CIETAC (Trung Quốc), Trung tâm hòa giải Delhi (Ấn Độ), Trung tâm hòa giải Hồng Kông, Trung tâm hòa giải Indonesia, Trung tâm hòa giải Malaysia, Trung tâm hòa giải Philippine, Trung tâm hòa giải Singapore, Trung tâm hòa giải Thái Lan6… và đã thể hiện được những ưu điểm rõ rệt về thời gian, chi phí và hiệu quả, thu hút được sự chú ý của đông đảo giới luật sư và doanh nghiệp. Chẳng hạn, tại Singapore, theo số liệu thống kê của Trung tâm hòa giải Singapore (SMC), tính tới tháng 4/2009, đã có 1.400 vụ tranh chấp được đưa tới trung tâm này để hòa giải, trong đó tỷ lệ hòa giải thành công chiếm khoảng 75%. Trong số các vụ tranh chấp được hòa giải thành, trên 90% được giải quyết chỉ trong vòng một ngày làm việc. Các tranh chấp được đưa ra hòa giải tại đây rất đa dạng từ các tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng, xây dựng, hợp đồng, công ty, bảo hiểm, hàng hải cho tới các loại tranh chấp trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, lao động, công nghệ thông tin, bồi thường thiệt hại… Ngay cả những vụ tranh chấp có giá trị lớn (trên 90 triệu đô la Singapore) cũng đã được tiến hành hòa giải tại SMC. Về mặt chi phí, các bên tranh chấp rõ ràng cũng đã tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn nếu so với tố tụng tại Tòa án. Ví dụ, đối với một vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa trung thẩm (High Court), nếu các bên chọn con đường hòa giải tại SMC, các bên có thể tiết kiệm được tới 80.000 đô la Singapore. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối năm 2008 với 18.884 bên tranh chấp và 1.563 luật sư đại diện cho các bên tranh chấp khi tham gia hòa giải tại SMC, trên 80% đối tượng được hỏi đã khẳng định tiết kiệm được chi phí và thời gian khi sử dụng phương thức này và trên 94% cho biết sẽ giới thiệu phương thức này cho các tổ chức cá nhân khác khi có tranh chấp tương tự7.
Hiện nay, tại Việt Nam, phương thức hoà giải thường được tiến hành kết hợp với phương thức tố tụng trọng tài hay Tòa án, theo đó, việc hòa giải giữa các bên tranh chấp chủ yếu do các thẩm phán hoặc trọng tài viên tiến hành trong quá trình tố tụng8. Ngoài ra, trên thực tế, các bên tranh chấp cũng có thể nhờ tới các chuyên gia là những người có kỹ năng và kinh nghiệm về hòa giải hoặc một chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực đang tranh chấp (như tài chính, vận tải, ngân hàng, bảo hiểm…) đứng ra thực hiện việc hòa giải9. Trung tâm hòa giải với tư cách tổ chức hòa giải thương mại chuyên nghiệp mới bắt đầu được hình thành với việc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) đưa ra Bộ quy tắc hoà giải và bắt đầu cung cấp dịch vụ này vào năm 200710.
2. Những nguyên tắc cơ bản của hòa giải
Hòa giải mang tính chất tự nguyện
Cũng giống như trọng tài, các bên tham gia vào quy trình hòa giải trên tinh thần tự nguyện, không bên nào có thể ép buộc bên nào tham gia vào phương thức này. Sự tự nguyện còn được thể hiện ở việc các bên có thể quyết định hoàn toàn quy trình hòa giải. Về nguyên tắc, sau khi được các bên lựa chọn, hòa giải viên sẽ gợi ý và hướng dẫn các bên về quy trình thủ tục hòa giải mà hòa giải viên dự định tiến hành. Tuy nhiên, các bên có quyền đề xuất với hòa giải viên những thay đổi cần thiết cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Cuối cùng, các bên hoàn toàn quyết định về việc giải quyết nội dung vụ tranh chấp. Khác với trọng tài viên, hòa giải viên không có quyền xét xử và ra phán quyết mà kết quả giải quyết vụ tranh chấp phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Tùy thuộc mô hình hòa giải và phong cách mà từng hòa giải viên áp dụng, hòa giải viên có thể cung cấp những nhận định, đánh giá về nội dung vụ tranh chấp cũng như ý kiến tư vấn về cách thức giải quyết vụ tranh chấp. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, những nhận định và ý kiến của hòa giải viên chỉ có tính chất tham khảo và không có tính chất ràng buộc đối với các bên tranh chấp. Việc các bên có đi đến thỏa thuận hòa giải hay không và nội dung của thỏa thuận đó sẽ do các bên tự quyết định.
Hòa giải mang tính bí mật
Khi tham gia vào quá trình hòa giải, các bên phải ký cam kết không tiết lộ những thông tin có được từ quá trình hòa giải. Nếu việc hòa giải không thành và các bên phải sử dụng trọng tài hay Tòa án để tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp thì những thông tin có được trong quá trình hòa giải sẽ không thể trở thành bằng chứng để chống lại một trong các bên. Bản thân hòa giải viên cũng phải cam kết giữ bí mật tất cả những thông tin do các bên cung cấp trong quá trình hòa giải. Nếu việc hòa giải không thành và các bên phải sử dụng trọng tài hay Tòa án để tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp thì các bên cũng không được yêu cầu triệu tập hòa giải viên với tư cách nhân chứng cho vụ tranh chấp.
Hòa giải viên phải độc lập và khách quan trong quá trình giải quyết tranh chấp
Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của quá trình hòa giải. “Độc lập” và “khách quan” không có nghĩa hòa giải viên và một hay cả hai bên tranh chấp không quen biết nhau, trên thực tế hòa giải viên và các bên tranh chấp có thể cùng hoạt động trong một lĩnh vực. Nguyên tắc này đòi hỏi hòa giải viên không được thể hiện thái độ thiên vị đối với bất cứ bên tranh chấp nào trong việc điều khiển quá trình hòa giải cũng như trong việc đưa ra các nhận định hay ý kiến tư vấn. Trong trường hợp một trong các bên cảm thấy hòa giải viên vi phạm nguyên tắc độc lập và khách quan, bên đó có quyền yêu cầu thay đổi hòa giải viên hoặc yêu cầu chấm dứt và rút lui khỏi quá trình hòa giải.
Hòa giải không làm ảnh hưởng đến việc các bên sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác
Tùy thuộc vào yêu cầu của bản quy tắc hòa giải của từng trung tâm hòa giải, nhìn chung, việc sử dụng phương thức hòa giải không làm ảnh hưởng đến việc các bên sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác như trọng tài hay Tòa án. Các bên có thể tiến hành hòa giải song song với quá trình tố tụng trọng tài hay Tòa án11. Đây cũng chính là một điểm hấp dẫn thể hiện sự linh hoạt của phương thức này.
3. Quy trình hòa giải
Trên thực tế, không có một quy trình hòa giải mang tính thống nhất trên toàn thế giới mà mỗi trung tâm hòa giải và mỗi hòa giải viên sẽ áp dụng những quy trình riêng phù hợp với nội dung và tính chất của vụ tranh chấp. Nhìn chung, quy trình hòa giải thường bắt đầu bằng việc hai bên tranh chấp cùng đề nghị hòa giải với hòa giải viên hoặc một tổ chức hòa giải; một bên cũng có thể đơn phương liên hệ với hòa giải viên hoặc với một tổ chức hòa giải để yêu cầu tiến hành hoà giải, khi đó hòa giải viên hoặc tổ chức hòa giải sẽ liên hệ và thuyết phục phía bên kia tham gia hòa giải. Việc hòa giải chỉ được thực hiện sau khi có sự đồng ý của cả hai bên tranh chấp. Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên sẽ áp dụng các kỹ năng giải quyết tranh chấp của mình nhằm giúp các bên thảo luận và thương lượng với nhau để tìm ra giải pháp cuối cùng cho vụ tranh chấp. Trong trường hợp các bên đạt được thỏa thuận, hòa giải viên sẽ giúp các bên soạn thảo thỏa thuận hòa giải một cách chi tiết, bản thỏa thuận này có giá trị pháp lý như một hợp đồng. Một trong các bên hoặc bản thân hòa giải viên có quyền chấm dứt hòa giải vào bất cứ giai đoạn nào của quá trình hòa giải khi thấy việc hòa giải sẽ không mang lại hiệu quả (ví dụ khi có bằng chứng để cho rằng một trong các bên thiếu thiện chí…). 
*
Như vậy, so với tố tụng trọng tài và Tòa án thì phương thức hòa giải rõ ràng linh hoạt hơn cả về mặt thủ tục cũng như kết quả giải quyết vụ tranh chấp. Các bên hoàn toàn làm chủ quy trình hòa giải cũng như quyết định nội dung thỏa thuận về việc giải quyết vụ tranh chấp. Kinh nghiệm của các nước nơi hòa giải phát triển cho thấy phương thức này cũng giúp các bên tiết kiệm thời gian và chi phí hơn nhiều so với tố tụng trọng tài và tòa án. Ngoài ra, nguyên tắc bí mật của hòa giải cũng giúp các bên bảo vệ được bí mật kinh doanh của mình, đặc biệt là giữ gìn hình ảnh của doanh nghiệp mình trong mắt các đối tác và khách hàng. Điều quan trọng nhất mà hòa giải có thể mang lại cho các doanh nghiệp đó là việc duy trì mối quan hệ kinh doanh giữa các bên, điều này đặc biệt quan trọng khi các bên tranh chấp vốn là những đối tác có mối quan hệ kinh doanh lâu dài và có sự tín nhiệm nhất định đối với nhau. Khác với tính chất đối kháng của tố tụng trọng tài và tòa án, mục tiêu của phương thức hòa giải là tạo ra không khí thân thiện, mang tính xây dựng và tin tưởng giữa các bên tranh chấp, từ đó giúp các bên đề ra biện pháp giải quyết vụ tranh chấp. Trong suốt quá trình hòa giải, hòa giải viên phải tạo ra được bầu không khí cởi mở, hợp tác và khuyến khích các bên trao đổi thảo luận với nhau nhằm tìm ra một giải pháp cho vụ tranh chấp mà cả hai bên đều có thể chấp nhận.
4. Một số vấn đề pháp lý phát sinh khi phát triển phương thức hòa giải thương mại tại Việt Nam
Vấn đề thực thi điều khoản hòa giải
Điều khoản hòa giải được hiểu là thỏa thuận giữa các bên về việc đưa vụ tranh chấp sẽ hoặc đã phát sinh ra giải quyết bằng phương thức hòa giải. Theo kinh nghiệm thực tiễn về hòa giải tại các nước phát triển, một điều khoản hòa giải thông thường sẽ được soạn thảo như sau: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc có liên quan đến hợp đồng này trước hết sẽ được giải quyết bằng phương thức hòa giải tại… (tên của một trung tâm hòa giải)… phù hợp với bản Quy tắc hòa giải của trung tâm này. Các bên cam kết sẽ tham gia hòa giải với thái độ thiện chí và bị ràng buộc bởi thỏa thuận đạt được trong quá trình hòa giải”.
Ngoài ra, các bên cũng có thể quy định thêm về việc giải quyết vụ tranh chấp tại Tòa án hay trọng tài nếu việc hòa giải không thành công và cam kết về việc giữ bí mật các thông tin tài liệu có được trong quá trình hòa giải cũng như việc yêu cầu triệu tập hòa giải viên với tư cách người làm chứng…
Cũng tương tự như điều khoản trọng tài, điều khoản hòa giải có thể được quy định thành một điều khoản ngay trong hợp đồng giữa các bên hoặc được các bên thoả thuận trong một hợp đồng riêng. Điều khoản này có thể được soạn thảo trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
Vấn đề đặt ra là khi các bên đã có điều khoản hòa giải (ví dụ các bên thỏa thuận tiến hành hòa giải tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam) và một bên đơn phương khởi kiện tới Tòa án thì Tòa án sẽ thụ lý vụ án hay sẽ tạm dừng việc thụ lý vụ án và yêu cầu các bên tiến hành hòa giải (tại VIAC) trước? Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì việc các bên có thỏa thuận hòa giải không phải là một căn cứ để Tòa án từ chối thụ lý vụ án. Như vậy, việc các bên có thỏa thuận hòa giải trở nên vô nghĩa hoặc cùng lắm cũng chỉ có ý nghĩa khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp bằng phương thức này, mà không hề có ý nghĩa ràng buộc của một quy định trong hợp đồng. Nhiều nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực hòa giải tại các nước phát triển đều cho rằng, việc Tòa án không công nhận và yêu cầu các bên thực thi thỏa thuận hòa giải trước khi thụ lý vụ án là đi ngược lại với những nguyên tắc cơ bản của hợp đồng và không hỗ trợ cho sự phát triển của phương thức này12. Không ai bắt các bên tham gia vào thỏa thuận hòa giải, do vậy, về nguyên tắc, các bên có trách nhiệm tôn trọng và thực thi những điều mà họ đã thỏa thuận. Ngoài ra, về mặt chính sách, nhằm thúc đẩy sự phát triển của phương thức hòa giải, góp phần đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác giải quyết tranh chấp nhằm giảm tải cho hệ thống Tòa án thì việc Tòa án tạm dừng việc thụ lý vụ án và yêu cầu các bên tiến hành hòa giải trước là một việc làm hết sức có ý nghĩa. Vấn đề cơ bản ở đây chính là sự cân nhắc giữa một bên là việc đảm bảo quyền được tiếp cận hệ thống Tòa án của các tổ chức, cá nhân trong xã hội với một bên là việc khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng và hiệu quả thông qua phương thức hòa giải, giảm tải công việc cho các Tòa án. Hiện nay, pháp luật của một số nước như Anh, Australia, Hong Kong, Singapore13… cũng đang đi theo xu hướng công nhận và cho thi hành điều khoản hòa giải. Theo kinh nghiệm của các nước này, trong trường hợp trong hợp đồng giữa các bên có điều khoản hòa giải, Tòa án sẽ chỉ tiến hành thụ lý vụ án nếu (i) điều khoản hòa giải giữa các bên được quy định không rõ ràng (ví dụ không quy định thời hạn dành cho việc hòa giải), hoặc (ii) đã hết thời hạn dành cho việc hòa giải theo hợp đồng mà các bên không tiến hành hòa giải, hay (iii) các bên đã tham gia vào quá trình hòa giải và đã hết thời hạn dành cho việc hòa giải theo hợp đồng mà các bên không đạt được thỏa thuận. Nếu bên khởi kiện không chứng minh được vụ tranh chấp thuộc một trong các trường hợp nói trên, Tòa án sẽ tạm dừng quá trình tố tụng và yêu cầu các bên thực hiện điều khoản hòa giải trước.
Vấn đề đảm bảo tính bí mật của quá trình hòa giải
Vấn đề này thực sự có khả năng trở thành rào cản pháp luật lớn nhất đối với sự phát triển của phương thức hòa giải tại Việt Nam (đặc biệt là hòa giải tư) trong thời gian sắp tới. Cũng giống như đối với phương thức trọng tài, nguyên tắc bí mật được coi là nguyên tắc nền tảng và chính là điểm hấp dẫn của phương thức hòa giải. Thực tiễn phát triển của phương thức hòa giải trên thế giới cho thấy, chìa khóa thành công của phương thức này phụ thuộc rất nhiều vào sự cởi mở của các bên trong việc chia sẻ các thông tin liên quan đến vụ tranh chấp. Nếu nguyên tắc bí mật trong hòa giải không được đảm bảo thì các bên khó có thể thẳng thắn trao đổi với nhau và với hòa giải viên về việc giải quyết vụ tranh chấp và quá trình hòa giải sẽ rất dễ đi đến thất bại... Vấn đề đặt ra là liệu các bên có “dám” trao đổi thẳng thắn và cởi mở với nhau không nếu như pháp luật không có cơ chế nào để đảm bảo tính bí mật của các thông tin và tài liệu14 được trao đổi trong quá trình hòa giải? Tiếc rằng pháp luật tố tụng dân sự hiện hành của Việt Nam còn bỏ ngỏ vấn đề này. Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 chưa có quy định cụ thể nào nhằm hạn chế quyền của Tòa án trong việc triệu tập hòa giải viên như là một nhân chứng của vụ án. Điều 66, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 có quy định người làm chứng được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nghề nghiệp. Liệu những thông tin mà hòa giải viên có được trong quá trình hòa giải có được coi là bí mật nghề nghiệp và hòa giải viên có quyền từ chối cung cấp những thông tin này? Mặt khác, pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể nào ngăn cấm hòa giải viên vi phạm cam kết của mình và tham gia tố tụng trọng tài hay tố tụng tòa án với tư cách nhân chứng nhằm chống lại một bên. Về vấn đề chứng cứ, pháp luật cũng chưa có quy định nhằm đảm bảo cho việc các chứng cứ được các bên đưa ra trong quá trình hòa giải sẽ không được ra làm chứng cứ tại Tòa án và trọng tài. Điều 97 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 quy định, Tòa án không công bố công khai chứng cứ có liên quan đến bí mật nghề nghiệp và bí mật kinh doanh theo yêu cầu chính đáng của đương sự. Việc các thông tin, tài liệu được các bên đưa ra trong quá trình hòa giải có được coi là bí mật nghề nghiệp hay không vẫn còn chưa rõ. Ngay cả nếu những thông tin, tài liệu này được coi là bí mật nghề nghiệp hay bí mật kinh doanh thì pháp luật chỉ yêu cầu Tòa án không công bố công khai chứ không yêu cầu Tòa án không sử dụng nhằm chống lại một bên. Như vậy, vấn đề bảo mật các thông tin, tài liệu trong quá trình hòa giải và vấn đề hạn chế việc triệu tập hòa giải viên với tư cách người làm chứng vẫn là những vấn đề chưa được quy định rõ trong pháp luật Việt Nam.
Do đó, với mục tiêu khuyến khích sự phát triển của phương thức hòa giải như là một biện pháp xã hội hóa công tác giải quyết tranh chấp nhằm giảm tải cho hệ thống Tòa án, Bộ luật Tố tụng Dân sự cần có quy định cụ thể về việc hòa giải viên có nghĩa vụ từ chối tham gia với tư cách người làm chứng trong quá trình tố tụng Tòa án hay trọng tài sau này. Ít nhất pháp luật Việt Nam cũng cần ghi nhận những hiểu biết và thông tin mà hòa giải viên có được trong quá trình hòa giải là bí mật nghề nghiệp và hòa giải viên có nghĩa vụ từ chối khai báo những thông tin này. Ngoài ra, tất cả những thông tin tài liệu do các bên đưa ra trong quá trình hòa giải phải được đảm bảo bí mật và không thể trở thành chứng cứ nhằm chống lại một bên trong tố tụng tại Tòa án hay trọng tài.
Vấn đề thực thi thỏa thuận hòa giải
Nói chung, pháp luật của nhiều nước chưa coi thỏa thuận hòa giải có giá trị pháp lý như một phán quyết trọng tài để có thể được công nhận và cho thi hành ngay, mà thường chỉ coi thỏa thuận hòa giải như một hợp đồng giữa các bên. Do vậy, trong trường hợp các bên đạt được thỏa thuận giải quyết vụ tranh chấp nhưng sau đó một bên không thực thi thỏa thuận này thì bên kia có quyền đệ đơn tới Tòa án để giải quyết vụ tranh chấp và thỏa thuận hòa giải trở thành một bằng chứng quan trọng. Thực tế cho thấy, trong những trường hợp như vậy, Tòa án các nước thường tiến hành thủ tục tố tụng rất nhanh chóng, ghi nhận thỏa thuận hòa giải và ra phán quyết có lợi cho bên bị vi phạm. Pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng đang đi theo hướng này, do vậy, đây không phải là một vấn đề lớn đối với hệ thống pháp luật hiện hành của chúng ta.
(1) Hiện nay, những thuật ngữ này được sử dụng tại Việt Nam một cách thiếu nhất quán. Trong bài viết này, tác giả sử dụng thuật ngữ hòa giải, việc các bên tự thỏa thuận với nhau không có sự tham gia của bên thứ ba sẽ được gọi là thương lượng (tương đương với khái niệm ‘Negotiation’).
(2) Xem Goldberg, Sander & Rogers, Dispute Resolution: Negotiation, Mediation and Other Processes, (1992), trang 103.
(3) Ví dụ hòa giải theo Quy tắc hòa giải của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).
(4) Việt Nam chưa có hình thức tổ chức hòa giải chuyên nghiệp này.
(5) Trong đó có ICC, AAA, WIPO, LCIA, HKIAC, UNCITRAL…
(6) Trên thực tế vào năm 2007, 07 trung tâm hòa giải là Trung tâm hòa giải Delhi (Ấn Độ), Trung tâm hòa giải Hồng Kông, Trung tâm hòa giải Indonesia, Trung tâm hòa giải Malaysia, Trung tâm hòa giải Philippine, Trung tâm hòa giải Singapore, Trung tâm hòa giải Thái Lan đã thành lập Hiệp hội Hòa giải châu Á (AMA) với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của hoạt động hòa giải tại châu Á, chia sẻ thông tin dữ liệu và những kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động, góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực. Xem website của Hiệp hội này tại < http://www.asianmediationassociation.org>.
(7)Những thông tin và số liệu trên được lấy từ website của SMC online tại
(8) Xem kết quả bảo cáo ‘Dự án điều tra cơ bản: Thực trạng tranh chấp và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam và vai trò của các thiết chế tư pháp, bổ trợ tư pháp’ do Viện Nghiên cứu khoa hoc pháp lý – Bộ Tư pháp thực hiện trong bài ‘Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế - Doanh nghiệp còn lúng túng’ trên Báo Người đại biểu nhân dân online tại
(9) Tuy vậy rất khó có thống kê chính xác về hình thức hòa giải này.
(10) Quy tắc hòa giải và Biểu phí hòa giải được đăng tại website của VIAC tại http://www.viac.org.vn/vi-VN/Home/default.aspx. Rất tiếc, hiện nay chưa thấy VIAC đưa ra con số thống kê cụ thể số lượng các vụ tranh chấp đã được đưa ra hòa giải cũng như tỷ lệ thành công của việc hòa giải tại đây để giúp các cá nhân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp có thể đánh giá hoạt động hòa giải của trung tâm này.
(11)Chú ý: khi tiến hành hòa giải tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), theo quy định của Quy tắc hòa giải của Trung tâm này thì các bên phải cam kết sẽ không tiến hành tố tụng tại trọng tài hay Tòa án trong suốt quá trình hòa giải.
(12)Ví dụ LV Katz, ‘Enforcing an ADR Clause – Are Good Intentions All You Have?’, (1988) 26 American Business Law Journal 575; M Shirley & A Wood, ‘Dispute Resolution Clauses’, (1991) 7 Queensland University of Technology Law Journal 165;  Joel Lee, ‘The Ènforceability ò Mediation in Singapore’, Singapore Jỏunal of Legal Studies, (1999) 229-247…
(13) Ví dụ, xem Chỉ thị số 31 của Tòa án hướng dẫn về Hòa giải của Hồng Kông tại theo đó, Tòa án Hồng Kông sẽ khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) và trong quá trình diễn ra hoạt động hòa giải giữa các bên, Tòa án có thể ra quyết định tạm dừng quá trình tố tụng cho đến khi quá trình hòa giải kết thúc.
(14) Đặc biệt là các bí mật kinh doanh.

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Hai ý kiến về quyết định hình phạt trong Bộ luật hình sự

1. Ý nghĩa của việc quyết định hình phạt
Quyết định hình phạt được hiểu là việc Toà án lựa chọn một loại và mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội1.
Quyết định hình phạt là một trong những giai đoạn cơ bản, một nội dung quan trọng của quá trình áp dụng luật hình sự. Hiến pháp năm 1992 và Bộ luật Hình sự năm 1999 (BLHS) quy định, chỉ có Toà án mới có quyền quyết định hình phạt. Theo đó, Toà án nhân danh Nhà nước, căn cứ vào quy định của BLHS tuyên bố áp dụng hình phạt đối với người phạm tội. Điều này thể hiện sự lên án của Nhà nước đối với người phạm tội về việc thực hiện tội phạm.
Quyết định hình phạt có vai trò vô cùng to lớn, bởi suy cho cùng, các hoạt động tố tụng hình sự trước đó (từ khởi tố, điều tra, truy tố, kể cả việc tranh tụng tại phiên toà) sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu Toà án không làm tốt việc quyết định hình phạt. Quyết định hình phạt đúng pháp luật, công bằng và hợp lý là tiền đề, điều kiện để đạt mục đích hình phạt (cải tạo, giáo dục, phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng). Nếu hình phạt quá nhẹ sẽ làm giảm ý nghĩa phòng ngừa của hình phạt, bởi nó có thể làm phát sinh ý định phạm tội, thái độ vô trách nhiệm và coi thường pháp luật. Nhưng hình phạt quá nặng sẽ tạo tâm lý không công bằng, không hợp lý ở người bị kết án dẫn đến thái độ oán hận, không tin tưởng pháp luật. Hình phạt có đạt mục đích hay không và đến mức độ nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, hai yếu tố quan trọng nhất là yếu tố lập pháp và áp dụng pháp luật (về hình phạt và quyết định hình phạt). Yếu tố áp dụng pháp luật chịu sự ràng buộc của yếu tố lập pháp. Ngược lại, yếu tố áp dụng pháp luật cũng có vai trò rất quan trọng, bởi vì chỉ trên cơ sở nhận thức và vận dụng đúng đắn pháp luật cho từng trường hợp phạm tội cụ thể thì Toà án mới có thể cho ra đời một bản án tuyên hình phạt đúng đắn và có hiệu quả, khi đó, các yếu tố về mặt lập pháp mới có ý nghĩa thực tiễn.
Khi quyết định hình phạt, Toà án phải tuân thủ các nguyên tắc quyết định hình phạt và các căn cứ quyết định hình phạt. Những nguyên tắc này không được quy định cụ thể trong BLHS. BLHS chỉ đề cập các căn cứ quyết định hình phạt tại Điều 45 BLHS là; 1) Các quy định của BLHS; 2) Tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; 3) Nhân thân người phạm tội và (4) Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Như vậy, căn cứ quyết định hình phạt đầu tiên là các quy định của BLHS, nhất là phần liên quan trực tiếp đến quyết định hình phạt. Nhìn chung, các quy định của BLHS liên quan đến quyết định hình phạt đã khá hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để Toà án quyết định hình phạt đúng pháp luật, công bằng và đúng đắn. Tuy nhiên, khi nghiên cứu các quy định về tổng hợp hình phạt của BLHS, chúng tôi thấy có một số vướng mắc. Điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng của bản án hình sự nói chung và hiệu quả của hình phạt nói riêng. Hai trường hợp dưới đây là sự minh họa rõ ràng.
Thứ nhất, tổng hợp thời gian thử thách của án treo
Ví dụ vụ án: Ngày 10/4/2002, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh An Giang đã tuyên phạt Tài ba năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là ba năm về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 27/6/2002, TAND thành phố Long Xuyên tuyên phạt Tài hai năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là hai năm về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (mặc dù bị xét xử sau nhưng tội phạm này được thực hiện trước khi có bản án ngày 10/4/2002). Trong Bản án số 38/HSST (ngày 27/6/2002), TAND thành phố Long Xuyên đã tổng hợp hai bản án treo và buộc Tài phải chấp hành bản án treo (với mức phạt tù là năm năm) và thời gian thử thách là năm năm.
Ngày 24/01/2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm Bản án số 38/HSST và yêu cầu TAND tỉnh An Giang sửa một phần bản án sơ thẩm với nội dung buộc Tài phải chịu mức phạt tù là ba năm nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là năm năm (áp dụng điểm a, Khoản 1, Điều 50; Khoản 2, Điều 51; Khoản 1, Điều 60 của BLHS).
Trong vụ án này, căn cứ theo BLHS hiện hành, việc ngày 27/6/2002, TAND thành phố Long Xuyên tiếp tục cho Tài được hưởng án treo là đúng pháp luật vì Tài không vi phạm căn cứ được hưởng án treo. Theo Nghị quyết số 01-HĐTP (18/10/1990) hướng dẫn về việc áp dụng Điều 44 BLHS năm 1985 hướng dẫn căn cứ cho hưởng án treo về nhân thân như sau:2
“- Đối với người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội hoặc có nhiều bản án mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá 5 năm tù, thì cũng có thể cho hưởng án treo, nhưng phải xét thật chặt chẽ.
- Nói chung người được hưởng án treo phải là người chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của bản thân, chưa có tiền án, tiền sự. Tuy nhiên, đối với người có tiền án, tiền sự, nếu xét tính chất của tiền án, tiền sự đó cùng với tính chất của tội phạm mới thực hiện và các căn cứ khác thấy không cần thiết phải bắt họ chấp hành hình phạt tù, thì cũng có thể cho họ được hưởng án treo, nhưng tinh thần chung là hạn chế và phải xét thật chặt chẽ”.
Như vậy, việc cho hưởng án treo của TAND thành phố Long Xuyên là không trái quy định của pháp luật hiện hành và tinh thần Nghị quyết số 01 hướng dẫn về căn cứ cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, với cách làm của TAND thành phố Long Xuyên là tổng hợp hình phạt của hai bản án treo và tổng hợp thời gian thử thách của hai bản án này để buộc Tài phải chịu thử thách năm năm là không đúng. Đồng thời, yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang rằng cần sửa một phần bản án sơ thẩm với nội dung buộc Tài phải chịu mức phạt tù là ba năm nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là năm năm (chỉ cộng thời gian thử thách) cũng không chính xác.
Trong vụ án trên, thời gian thử thách của hai bản án này không thể được tổng hợp, mức hình phạt tù của hai bản án này lại càng không được tổng hợp. Vì Khoản 5, Điều 60 BLHS quy định: “Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này”. Điều 51 BLHS lại chỉ quy định việc tổng hợp hình phạt mà không đề cập việc tổng hợp thời gian thử thách của án treo. Thêm nữa, Điều 60 của BLHS cũng không quy định việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp người được hưởng án treo mà bị xét xử về một tội phạm được thực hiện trước khi có bản án treo đó (hoặc trước khi bắt đầu tính thời gian thử thách của bản án treo đó).
Vì vậy, theo nguyên tắc pháp chế, căn cứ vào các quy định của BLHS, hai bản án treo này vẫn được giữ nguyên chứ không được tổng hợp. Hai bản án treo trong trường hợp này sẽ được áp dụng song song cho người phạm tội bằng cách, người phạm tội chịu cùng một lúc hai thời gian thử thách. Tài chỉ cần qua thời gian thử thách là ba năm trừ đi thời gian thử thách mà Tài đã trải qua (hơn hai tháng) cho cả hai bản án treo (vì bản án treo thứ nhất với thời gian thử thách ba năm và đã qua hơn hai tháng; bản án treo thứ hai là hai năm).
Việc áp dụng nói trên cho thấy, quy định của BLHS là không công bằng, không phù hợp với nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt. Người phạm nhiều tội cần chịu biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn so với người phạm một tội tương ứng với tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của họ. Các nguyên tắc này đã được đảm bảo trong quy định của Điều 51 về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án trong trường hợp một người đang chấp hành hình phạt mà bị xét xử về một tội phạm trước khi có bản án đó. Theo Khoản 1, Điều 51 của BLHS thì “trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Toà án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 50 của Bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung”.
Như vậy, để đảm bảo nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự và nguyên tắc cá thể hoá hình phạt, tạo căn cứ pháp lý để Toà án cho hưởng án treo một cách có hiệu quả, Điều 60 nên được bổ sung theo hướng quy định việc tổng hợp thời gian thử thách của hai bản án treo trong trường hợp người đang được hưởng án treo mà được hưởng án treo về một tội phạm được thực hiện trước khi tính thời gian thử thách của bản án treo đó. Mức tối đa của thời gian thử thách trong tổng hợp thời gian thử thách là năm năm, bằng mức tối đa của quy định về mức tối đa của thời gian thử thách của án treo. Nó cũng là thời gian đủ để người phạm tội ăn năn, hối cải. Vì vậy, theo chúng tôi, Điều 60 của BLHS nên được bổ sung khoản 6 với nội dung như sau:
“6. Đối với người được hưởng án treo mà lại được hưởng án treo về một tội phạm được thực hiện trước khi tính thời gian thử thách của bản án treo đó, Toà án quyết định tổng hợp thời gian thử thách của bản án treo trước và bản án treo sau. Mức thử thách chung không quá thời gian được quy định tại khoản 1 Điều này”.
Thứ hai, tổng hợp hình phạt trong trường hợp người phạm tội chưa thành niên
Ví dụ vụ án: Ngày 26/9/2004, Trần Ngọc Long (sinh ngày 15/6/1989) đi cùng nhóm bạn vào uống cà phê khu cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh). Long có mang theo 26 triệu đồng để trong yên xe máy. Khi về nhà, Long phát hiện tiền đã bị kẻ trộm mở khoá yên lấy mất. Ngày hôm sau, qua nguồn tin riêng, Long biết được thủ phạm vụ trộm là Kỳ và Nhân. Tuy nhiên, Long không đi trình báo cơ quan công an mà tự mình tìm đến khống chế bắt Nhân chở về nhà mình. Sau đó, Long hỏi Nhân có lấy tiền của mình không để buộc Nhân trả lại. Tuy nhiên, Nhân không nhận đã lấy tiền của Long. Tức giận, Long lấy dao đâm chết Nhân rồi bỏ trốn.
Ngày 21/9/2006, vì mẹ của Khả Vy (15 tuổi) thiếu tiền Long (Long cho vay) nên Long ép Vy phải về chỗ ở của mình. Tại nơi ở của mình, Long cưỡng ép Vy phải giao cấu với mình để trừ nợ cho mẹ. Vì sợ Long đòi nợ mẹ nên Vy đồng ý giao cấu với Long.
Ngày 13/6/2008, Long uống rượu say, đánh một người đi đường gây thương tích 15% và bị bắt.
Trong vụ án này, Long phạm tổng cộng là ba tội, trong đó, tội nặng nhất là Tội giết người được thực hiện lúc Long trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Căn cứ pháp lý để giải quyết là Điều 75 của BLHS. Điều luật này quy định:
“Đối với người phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng như sau:
1. Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 74 của Bộ luật này;
2. Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đã thành niên phạm tội”.
Áp dụng quy định này, có hai quan điểm giải quyết vụ án trên như sau:
Theo quan điểm thứ nhất, do tội phạm nặng nhất được Long thực hiện lúc chưa đủ 18 tuổi, nên hình phạt cao nhất sau khi tổng hợp cho Long không được vượt quá 18 năm tù (mức hình phạt cao nhất được quy định tại Điều 74 của BLHS).
Quan điểm thứ hai cho rằng, mức hình phạt cao nhất của Long sau khi tổng hợp không quá 12 năm tù. Bởi vì, theo Điều 74 của BLHS, có hai nhóm tuổi: đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, hình phạt cao nhất là 12 năm tù; đối với người phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, hình phạt cao nhất là 18 năm tù. Do vậy, khi tổng hợp hình phạt, giới hạn mức cao nhất cũng phải tính theo quy định này. Tức là phải chia thành hai nhóm để xem xét tội nặng nhất được thực hiện trong giai đoạn nào (độ tuổi) mà xác định mức hình phạt cao nhất.
Chúng tôi ủng hộ quan điểm thứ hai vì nó dựa trên nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt. Không thể đồng nhất việc người phạm tội nặng nhất trong giai đoạn từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và phạm tội nặng nhất trong giai đoạn từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Vì thế, để thống nhất trong xử lý những trường hợp này, Khoản 1 Điều 75 của BLHS nên được sửa đổi thành:
“1. Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó chưa đủ 16 tuổi thì hình phạt chung không được vượt quá 12 năm tù, nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt chung không được vượt quá 18 năm tù”.
(1) Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (tập 1), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 255; Võ Khánh Vinh, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (phần chung), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 399; Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Tội phạm học, Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự, Nxb. Chính trị quốc  gia, Hà Nội, 1994, tr. 219.
(2) Mặc dù Nghị quyết số 01-HĐTP hướng dẫn Điều 44 BLHS năm 1985 nhưng cho đến nay, chưa có văn bản nào khác hướng dẫn nội dung này trong BLHS hiện hành, nên nó vẫn có giá trị tham khảo.
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Tái cơ cấu tư duy

Do cơ quan chức năng chưa công bố chính thức về chương trình cụ thể nên đang có khá nhiều suy luận rằng sẽ có những NH sáp nhập, hay một vài sự đóng cửa ở đâu đó. Việc suy luận có thể gây nên những hoang mang phi lý, do vậy việc bàn về cơ cấu lại hệ thống NH VN có thể nên có định hướng trước về tư duy.
 
Có một vài lập luận về việc tập trung các NH nhỏ lại thành các NH lớn hơn. Nếu tham chiếu các bài học cho thấy, mục tiêu của ý tưởng là rất tốt nhưng đó mới chỉ là một vế của vấn đề tái cơ cấu.
Đến nay, hệ thống NH VN có thể được coi là đã trải qua 2 lần tái cơ cấu căn bản: lần đầu là cuối những năm 1980 và sau đó là đợt tái cơ cấu sau khủng hoảng tài chính khu vực (1998). Hiện tại, hệ thống lại đang đứng trước cuộc cải cách thứ ba.
Do đó nếu căn cứ vào nguyên lý và nhìn vào hoạt động thực tế của hệ thống NH VN và kết quả của quá trình tái cơ cấu hai lần trước, thì có thể thấy còn khá nhiều vấn đề cần được định hướng lại trước  khi “làm” cơ cấu lại hệ thống NH lần thứ ba này:
Thứ nhất, nguồn vốn tài chính là nguồn lực khan hiếm: Đối với bất kỳ quốc gia nào, nguồn vốn tài chính cần luôn được coi là nguồn lực khan hiếm của xã hội và do đó việc sử dụng nó không được dễ dãi hay thiếu cẩn trọng theo cách này hay cách khác. Do đó, cơ cấu lại NH cũng cần định hướng lại cách ứng xử của NH với nguồn tài lực. Nguyên tắc coi nguồn vốn tài chính là tài lực quý hiếm đặt ra yêu cầu hoạt động NH và các chính sách về NH cẩn trọng. Theo định hướng này, toàn bộ nguồn vốn tín dụng cần được định hướng cho khu vực sản xuất vật chất - nơi thực sự tạo ra của cải cho xã hội.
Tại VN, quan sát cho thấy, có khá nhiều biểu hiện về sự dễ dãi với nguồn lực tài chính ở các NH (và rộng hợp là toàn bộ nền kinh tế), cần được định hướng lại theo thời gian tới. Sự tăng trưởng tín dụng rất nhanh so với quản trị quản lý của NH VN và tập trung cho các hoạt động đầu cơ hơn là đầu tư sản xuất cho thấy điều đó. Theo dòng lịch sử, các năm, tăng tưởng tín dụng của cả hệ thống thường tăng trưởng gần 40% so với năm trước; có năm, mức này lên tới trên 50% so với năm trước. Nếu tính riêng từng NH, có NH tăng trưởng tín dụng ở mức rất mạnh trên 100% so với năm trước... Sự tăng trưởng này trước tiên, dẫn đến NH thiếu thanh khoản và lại kích thích hoạt động chấp nhận rủi ro quá mức và đầu cơ vào khu vực bong bóng như bất động sản hay chứng khoán...
Thứ hai, NH không phải là Cty tài chính cho các DN: Trong Luật các tổ chức tín dụng có các quy định khá quan trọng về hạn chế cho vay cổ đông nội bộ ( như Điều 127); Điều đó định hướng rằng, NH được lập ra là hoạt động cho xã hội mà không phải sau khi thành lập NH trở thành Cty tài chính cho DN (lập ra nó). Tuy nhiên, thời gian qua, nguyên tắc này ở VN đã bị vi phạm theo nhiều cách rất “kỹ thuật” (lách luật). Hàm ý về hiện tượng này, ý kiến của một số chuyên gia đầu ngành đã từng phát biểu rằng, các cổ đông lớn của các NHTM cổ phần phần lớn là các chủ DN kinh doanh bât động sản rất lớn với các dự án bất động sản lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Khuynh hướng gần đây ở VN, dường như đang có trào lưu rằng một số DN thôn tính NH và biến NH này thành Cty tài chính của mình (huy động vốn cho hoạt động của Cty hơn là phục vụ nền kinh tế).
Thứ ba, không được lấy vốn để thay cho quản lý tốt. Quan sát cho thấy, có rất nhiều NH VN trong thời gian qua hoạt động theo  nguyên tắc “lấy vốn để thay cho quản trị tốt”. Tình trạng đó có nghĩa rằng NH đang hoạt động trái với nguyên tắc cơ bản về hoạt động tài chính và quản trị DN hiện đại. Các NH dường như chỉ chú trọng vào việc tăng vốn. Hơn thế nữa quá trình tăng vốn lại rất dễ dàng, không đi kèm với cải thiện quản trị, quản lý rủi ro của NH.
Một vài ý tưởng suy luận rằng, NH nhỏ, thiếu vốn có thể được chính phủ bơm vốn theo cách này hay cách khác như mua cổ phần, hay mua lại các khoản nợ khó đòi... Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, quá trình bơm vốn (tái cơ cấu về tài chính) cho NH cần phải đi liền với cải thiện về quản trị, quản lý NH. Tại VN, việc yêu cầu các NHTM tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng cũng cần  đi kèm với yêu cầu vể nâng cao năng lực quản lý và cải thiện quản trị NH một cách tương ứng thì quá trình tái cơ cấu ấy mới có thể dẫn đến lành mạnh hóa hệ thống NH một cách bền vững.

Việc yêu cầu các NHTM tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng cũng cần đi kèm với yêu cầu về nâng cao năng lực quản lý và cải thiện quản trị NH một cách tương ứng.
Thứ tư, cổ phần hóa NHTM nhà nước không nên theo phong trào. Việc cổ phần hóa các NHTM nhà nước trong thời gian qua cũng được coi là quá trình cơ cấu lại hệ thống này theo hướng thương mại hóa (tách bạch hoạt động chính sách của NHTM nhà nước về các ngân hàng chính sách) và tăng cường quản trị... Tuy nhiên, ngay tại các NHTM nhà nước thời gian qua, việc cổ phần hóa dường như đã diễn ra theo phong trào. Có NHTM nhà nước vốn hàng ngàn tỉ đồng nhưng sau khi cổ phần hóa đã dường như bị tuột khỏi tay Nhà nước. Tình trạng cổ phần hóa NHTM nhà nước theo cách cũ, phong trào còn có thể dẫn đến tình trạng tài sản của Nhà nước bị mài mòn theo cách này hay cách khác, chẳng hạn như lợi ích của Nhà nước trong các giao dịch không được bảo đảm mà  chỉ vì quyền lợi của cá nhân (do cơ chế về đại diện quản lý phần vốn góp rất lớn của Nhà nước tại NHTM cổ phần chưa được xây dựng và hoàn thiện trước khi tiến hành cổ phần hóa NHTM nhà nước).
Cuối cùng, NH càng to có phải là NH tốt ? Các quan điểm trên báo chí cho thấy, dường như quá trình cơ cấu lại NH VN sẽ chỉ nhằm thành lập các NH thật to về vốn và chi nhánh. Trong thực tế, NH càng to thường là những NH có đủ vốn để hấp thụ các cú sốc. Tuy nhiên điều đó chỉ đúng với NH có hệ thống quản trị tốt và theo nguyên tắc cẩn trọng (hệ thống quản trị và giám sát tốt).
Tại VN, gần đây đã có bài học nhãn tiền và  đắt giá về cái gọi là tập đoàn kinh tế rất to theo nghĩa “khủng” cả về  vốn và “khủng cả về quy mô” với hàng trăm Cty con cháu. Thực tế đã cho thấy, những Cty hay những NH quá to chưa chắc là  nơi tuyệt đối an toàn và đó lại là những nơi dễ đổ vỡ và để lại các hậu quả rất xấu cho xã hội. Đối với quá trình tái cơ cấu NH VN, hiện tại, có một vài lập luận về việc tập trung các NH nhỏ lại thành các NH lớn hơn. Nếu tham chiếu các bài học cho thấy, mục tiêu của ý tưởng là rất tốt nhưng đó mới chỉ là một vế của vấn đề tái cơ cấu.

Nguồn: DĐDN

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Khảo sát con đường dẫn đến sự thịnh vượng

Những cỗ máy tăng trưởng trên thế giới đang trong thời kỳ chuyển pha. Các nền kinh tế đang phát triển hiện nay đang đóng góp trên một nửa tổng tăng trưởng GDP toàn cầu. Kết quả đương nhiên là người ta phải quan tâm tới một vấn đề nóng hổi: Liệu có nguy cơ là một số hay nhiều nước đang phát triển sẽ trở thành miếng mồi ngon của “bẫy thu nhập trung bình” hay không?

Bẫy thu nhập trung bình đã và đang níu kéo nhiều nước đang phát triển: dù họ đã thoát khỏi mức thu nhập thấp - tính theo đầu người – nhưng sau đó thì có vẻ như dẫm chân tại chỗ, đánh mất động lực trên con đường tiến tới mức thu nhập cao ngang bằng với các nền kinh tế tiên tiến. Đấy là kinh nghiệm mà hầu hết các nước Mỹ Latin đã trải qua trong những năm 1980, và trong những năm gần đây các nước có thu nhập trung bình ở các nơi khác cũng sợ rằng họ có thể lạc vào con đường tương tự như thế. Có phải là càng lên cao thì cái thang thu nhập càng khó leo hơn không?

Trong đa số mọi trường hợp các quốc gia thành công trong việc tiến lên mức thu nhập trung bình từ mức thu nhập thấp, nền tảng quá trình phát triển là khá giống nhau.  Thường thì, có rất nhiều người lao động không có tay nghề được chuyển từ những công việc với thu nhập chỉ đủ sống qua ngày sang những ngành sản xuất hay dịch vụ hiện đại hơn – cần vốn đầu tư lớn hơn và công nghệ cao hơn - mà không cần phải nâng cao tay nghề cho những người lao động này.

Những ngành công nghệ đó đã có sẵn từ các nước giàu có hơn và dễ dàng thích ứng với hoàn cảnh địa phương ở các nước nghèo. Hiệu quả tổng hợp của công việc chuyển giao đó – thường đi kèm với quá trình đô thị hóa – là sự gia tăng đáng kể “năng suất lao động toàn xã hội”, yếu tố quan trọng tạo ra sự gia tăng GDP vượt trên mức tăng trưởng đơn thuần dựa trên gia tăng công ăn việc làm, tiền vốn, và những tác nhân vật chất khác trong sản xuất.

Chẳng sớm thì muộn, việc gặt hái lợi ích từ những loại “hoa quả ở cành thấp” như thế - hiểu theo nghĩa cơ hội tăng trưởng – sẽ gặp phải giới hạn. Sau đó tốc độc tăng trưởng có thể chậm lại làm cho nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Thời điểm mấu chốt là khi trong nền kinh tế không còn dư thừa những người thiếu tay nghề để tiếp tục chuyển sang phục vụ trong những ngành kinh tế hiện đại không đòi hỏi kỹ năng lao động bậc cao. Hoặc là, như trong một số trường hợp cho thấy, khi những ngành này không thể tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh [vì không thể tăng thêm được lợi nhuận] trong khi nền kinh tế thì vẫn đang dư thừa những lao động không có tay nghề.

Otaviano Canuto, là Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách mảng giảm nghèo và quản lí kinh tế (the World Bank’s Vice-President for Poverty Reduction and Economic Management), đồng tác giả cuốn: Một ngày sau ngày mai: Sổ tay về chính sách kinh tế trong tương lai trong thế giới đang phát triển (The Day After Tomorrow: A Handbook on the Future of Economic Policy in the Developing World).
Sau thời điểm bước ngoặt này, sự gia tăng năng suất lao động toàn xã hội và việc duy trì tốc độ phát triển GDP cao phụ thuộc vào khả năng của nền kinh tế trong việc nâng cấp sản xuất, dịch vụ và nông nghiệp theo xu hướng đòi hỏi công nghệ phức tạp hơn, trình độ lao động cao hơn, và cần những tài sản vô hình như năng lực thiết kế và tổ chức. Mặt khác, một yếu tố quan trọng cơ bản khác là việc thiết lập các định chế trợ giúp cho đổi mới và chuỗi các giao dịch phức tạp trên thương trường.

Bây giờ thách thức không còn là tiếp cận những công nghệ cơ bản [mà thế giới đang có] mà là tạo dựng năng lực cùng những định chế phù hợp ở trong nước – vốn là những thứ không thể nhập khẩu hoặc sao chép một cách dễ dàng của nước ngoài. Điều kiện tối thiếu ở đây là xã hội phải cung cấp được một nền giáo dục và cơ sở hạ tầng phù hợp.

Hiện nay các nước có mức thu nhập trung bình ở Mỹ Latin đã thấy quá trình chuyển đổi lao động từ những công việc có thu nhập chỉ đủ sống qua ngày sang những công việc có thu nhập cao hơn đang chậm lại, dù lao động dư thừa vẫn còn. Đây là do sai lầm trong quản lí kinh tế vĩ mô và nền sản xuất hướng nội, trì trệ kéo dài tới tận những năm 1990, khi những nước này vấp phải những giới hạn của quá trình dịch chuyển lao động. Tuy nhiên, có một số nước đã vượt lên được, xác lập vị trí vững vàng trong chuỗi giá trị toàn cầu (ví dụ ở Brazil đã hình thành ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khoan dầu ngoài biển sâu, và công nghiệp sản xuất máy bay).

Ngược lại, các nước đang phát triển ở châu Á lại dựa chủ yếu vào thương mại quốc tế nhằm đẩy nhanh quá trình dịch chuyển lao động bằng cách tự mình tham gia vào những lĩnh vực cần nhiều lao động trong chuỗi giá trị toàn cầu. Những tiến bộ trong công nghệ thông tin liên lạc và cước vận chuyển rẻ cũng như hàng rào thương mại quốc tế giảm đã tạo nhiều thuận lợi cho xu hướng này.

Con đường từ thu nhập thấp (tính theo đầu người) lên mức trung bình và sau đó là lên mức cao đồng nghĩa với việc gia tăng tỉ lệ dân chúng chuyển từ những công việc chỉ đủ sống qua ngày sang những công việc đơn giản của thời hiện đại và sau đó là sang những công việc phức tạp hơn. Ngành thương mại quốc tế đã mở rộng cửa cho con đường này, nhưng những cải cách trong lĩnh vực định chế, nền giáo dục chất lượng cao và việc tạo ra những tài sản vô hình tại chỗ là vấn đề then chốt cho sự tiến bộ bền vững trong dài hạn. Hàn Quốc là thí dụ rõ nhất về việc một nước biết tận dụng cơ hội để leo lên các nấc thang thu nhập.

Để duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, các nước đang phát triển cần tận dụng nhóm lao động có thu nhập thấp ở nông thôn và số lao động bán thất nghiệp ở khu vực đô thị vì đây là nguồn lực còn chưa được khai thác. Nếu chuyển đổi nghề nghiệp thành công cho nhóm người này thì tổng năng suất lao động toàn xã hội sẽ gia tăng. Để điều này thành công trên bình diện toàn cầu thì bản thân các nước có mức thu nhập trung bình phải vượt qua các rào cản trên con đường dẫn tới mức thu nhập cao hơn, và bằng cách đó, tạo ra nhu cầu mới đồng thời tiếp tục chuyển giao cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp cho những người lao động ở các nước nghèo hơn.

Các nước có mức thu nhập trung bình nhưng giàu tài nguyên trực diện với con đường riêng của mình, một con đường đã được mở rộng ra nhờ sự tăng giá các nguyên vật liệu trong một thời gian dài, kèm theo sự dịch chuyển trong cơ cấu GDP toàn cầu. Khác với hoạt động sản xuất công nghiệp, ngành khai thác tài nguyên thiên nghiên thường có những tính chất đặc thù, tạo cơ hội cho việc hình thành các năng lực ở địa phương trong những hoạt động kinh doanh tầm cao [sinh nhiều lợi nhuận]. Tuy nhiên, thách thức gắn liền ở đây là làm sao để duy trì phát triển theo cách này một cách bền vững.

Trong khi phần lớn các nước tiến từ trạng thái thu nhập thấp lên thu nhập trung bình đều đi qua một con đường nói chung là giống nhau thì những giai đoạn tiếp theo của họ sẽ đòi hỏi những dạng kinh nghiệm phong phú khác nhau về cải cách thể chế và tích lũy tài sản vô hình. Căn cứ vào triển vọng phát triển không lấy gì làm tốt đẹp của những nền kinh tế tiên tiến, động lực của nền kinh tế thế giới hiện nay sẽ phụ thuộc vào mức độ thành công của các nước nghèo và các nước thu nhập trung bình khi nỗ lực tiến lên những bậc thang thu nhập mới.

Nguồn: http://www.project-syndicate.org/ commentary/canuto3/English

Việt Nam tụt 8 bậc trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh

Trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh Doing Business năm 2012 do Ngân hàng Thế giới thực hiện, Singapore đã sáu lần liên tiếp được đánh giá là nước dễ dàng để khởi nghiệp nhất cùng với môi trường kinh doanh thuận lợi. Việt Nam đứng tốp giữa và đạt hạng 98.
Bảng xếp hạng khảo sát trên 183 quốc gia, được thực hiện hàng năm kể từ năm 2004. Sau Singapore, những nước/vùng lãnh thổ trong tốp 5 không thay đổi so với năm 2010, là Hongkong, New Zealand, Mỹ và Đan Mạch.

Ở nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi BRICS, ngoài trừ Nam Phi đứng thứ 35, còn lại đều có vị trí khá thấp trong bảng xếp hạng như Trung Quốc đứng thứ 91, Nga hạng 120, Brazil được xếp hạng 126 và Ấn Độ hạng 132.


Trong tổng thể bảng xếp hạng, Việt Nam tụt tám bậc và đứng thứ 98/183. Xét về từng tiêu chí riêng thì Tiếp cận tín dụng (Getting Credit) là hạng mục mà Việt Nam được đánh giá cao nhất: 24. Bảo vệ nhà đầu tư và Số tiền nộp thuế là hai tiêu chí bị đánh giá thấp, với thứ tự lần lượt là 166 và 151.

Morocco là nước tăng hạng nhanh nhất: từ 115 vào năm ngoái đã xếp thứ 94 trong năm nay sau khi quốc gia Bắc Phi này đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng. Hàn Quốc cũng tăng đến hạng 8 so với vị trí 15 của bảng xếp hạng trước nhờ thành lập quy trình đăng ký mở công ty trực tuyến, sáp nhập một số loại thuế và cho phép nộp hồ sơ kiện tụng qua mạng.

Một tiêu chí mới được bổ sung trong danh sách năm nay là khả năng được nối điện đến công ty. Giám đốc Hệ thống chỉ số và Phân tích toàn cầu của Ngân hàng Thế giới Neil Gregory, người đứng đầu nhóm thực hiện bảng phân tích, cho biết tại một số quốc gia có thể tốn hàng tuần hoặc hàng tháng thì các công ty mới thành lập có điện để hoạt động.

Để thực hiện bảng xếp hạng này, Ngân hàng Thế giới tập hợp thông tin từ những thay đổi trong khuôn khổ pháp lý, thủ tục hành chính và những trở ngại về kỹ thuật trong việc bắt đầu xây dựng hoặc mở rộng một doanh nghiệp. Ngoài ra, Ngân hàng cũng kêu gọi các tổ chức công cộng, các trường đại học, chuyên gia pháp lý và doanh nghiệp tham gia đo lường điều kiện kinh doanh. Thông tin được ghi nhận đến tháng 6.2011. Phần lớn khu vực châu Phi vẫn nằm ở cuối cuối danh sách bất chấp những nỗ lực để cải thiện trong thời gian qua. Năm 2011 được đánh giá là năm kỉ lục trong quá trình cải cách pháp lý và thúc đẩy điều kiện kinh doanh, đặc biệt ở các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển, khi tới 125 nền kinh tế đã thực hiện 245 cải cách về thể chế quản lý.

Nguồn: SÀI GÒN TIẾP THỊ

Xã hội dựa trên hai trụ cột: tri thức và lòng trắc ẩn

Giáo sư Phạm Xuân Yêm cho rằng xã hội dựa trên hai trụ cột: tri thức và lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn mà không có tri thức thì vô dụng, còn tri thức mà không có lòng trắc ẩn sẽ là vô nhân đạo và độc ác.
Là thủ khoa kỳ thi tú tài năm 1954 toàn vùng Hà Nội, đến nay nhìn lại ông đã có hơn 100 công trình nghiên cứu vật lý đăng trên các tạp chí khoa học uy tín toàn cầu, như một sự góp mặt đáng tự hào của người Việt trong cộng đồng khoa học thế giới. Là một nhà vật lý danh tiếng, nguyên Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), Giáo sư ĐH Paris VI, từ xa ông vẫn đau đáu với những vấn đề nóng của đất nước.

Trong môi trường đầy thách thức tại trung tâm khoa học số một của thế giới, làm thế nào một nhà khoa học Việt Nam có được tiếng nói riêng?

Thật khó nói. Riêng nhóm vật lý lý thuyết thuộc đại học Paris VI gồm khoảng 40 giảng viên – nghiên cứu (mà tôi là một thành viên), có chừng mươi quốc tịch đến từ bốn châu lục Âu, Mỹ, Á, Phi. Đó là một môi trường cạnh tranh lành mạnh và khắc nghiệt theo tiêu chuẩn quốc tế, sự tuyển chọn đều công khai, không hề có một đặc chế về vấn đề quốc tịch. Có được tiếng nói riêng của mình là do rèn luyện bền bỉ để có hay không khả năng chuyên môn cao, hoà nhập với cộng đồng.

Có lẽ đối với bất kỳ nhà nghiên cứu bình thường nào, phần thưởng lớn nhất nhận được là khi công trình của mình được đồng nghiệp khắp nơi quan tâm và triển khai mạnh hơn nữa, được trích dẫn nhiều lần, thậm chí vài chục năm sau còn được nhắc đến và khai thác. Cá nhân tôi cũng vài lần hạnh phúc như vậy.

Làm thế nào để cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam tại Pháp cũng như ở các nước khác có thể đóng góp lớn vào khoa học quốc tế?

Câu hỏi khó vì theo tôi, muốn có đóng góp lớn vào khoa học quốc tế, thì phải có một số lượng tới hạn nào đó để tạo nên một cú hích, mà con số đó ta chưa đạt được, không chỉ ở Pháp mà ở nhiều nước phát triển khác cũng vậy. Nhìn con số các sinh viên Việt Nam theo lớp cao học, tiến sĩ về khoa học và công nghệ cao ở vài trường lớn tại Mỹ (như Harvard) thì thấy mình hãy còn quá ít so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ. Hiện tượng Ngô Bảo Châu phải hàng thập niên, thậm chí dài hơn nữa, mới có thể lập lại trong cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam.

Trong điều kiện của đất nước, tư chất nào của các nhà khoa học Việt Nam giúp chúng ta có được những tên tuổi lớn?

Muốn có những nhà khoa học tên tuổi tại quê nhà, xã hội cần có cơ sở hạ tầng tri thức tốt, hiện đại; có những thể chế học thuật phù hợp với quy luật phát triển của khoa học trên thế giới. Và con người cần phải có đam mê, tận tuỵ. Nhưng trước hết nhà khoa học cần phải đủ sống, và có quỹ để phát triển ngành mình, kết nối thế giới. Không có những điều kiện đó, khoa học sẽ bó tay, sẽ không thể có nền khoa học quốc gia, mà chỉ có những cá nhân riêng lẻ, nhưng phải dựa vào môi trường nước ngoài như hiện nay.

Tôi tin chắc rằng trong môi trường thuận lợi và cạnh tranh ráo riết nhưng lành mạnh ở các nước phát triển, thế hệ các bạn trẻ Việt Nam du học còn vươn hơn nữa so với thế hệ trước. Tôi có thấy những gương mặt đó như Đinh Tiến Cường, Nguyễn Tiến Dũng về toán, Đặng Đình Thi về công nghệ hàng không, Nguyễn Thắng về sinh học, Giáp Văn Dương, Lê Đức Kiên về vật lý, nhưng chắc chắn còn nhiều mà tôi chưa biết ở mọi ngành.

Theo ông, làm thế nào để bảo vệ tinh thần tự chủ và tự do trong môi trường học thuật?


Chúng ta không thể nào đi khác hơn con đường thế giới đã và đang đi, không thể nào chối bỏ các giá trị phổ quát của cả thế giới, nền tảng của sự phát triển nói chung.
Môi trường xã hội Việt Nam đang bị “méo mó” trong hầu hết mọi lãnh vực: con người, đạo đức, nhận thức, tôn chỉ giáo dục... tất cả đều méo mó quá độ. Dân chủ, giáo dục, khoa học và công nghệ là những cột trụ của xã hội phương Tây để làm cho họ mạnh. Những thứ đó đang bị xuống cấp và biến dạng ở nước ta. Việc quan trọng nhất là phải “kéo thẳng” những thứ đó lại, phải “ngay thẳng” lại, phải chăm sóc cho những thứ đó phát triển đúng cách. Mỗi quốc gia muốn canh tân, đều phải đi đúng quy luật. Nhật Bản và tất cả các quốc gia khác đều làm như thế.

Ông coi trọng điều gì nhất khi viết? Có nhà văn nào ông ngưỡng mộ?

Rất ngại phải nói đến cái ngã đáng ghét, nhưng thôi cũng đành liều nhắm mắt đưa vài nét sở thích. Cũng như nhiều bạn cùng lứa tuổi, tôi mê say thi văn tiền chiến, thơ Đường, nhạc cổ điển Tây phương... Hai nhà văn hoá cận đại mà tôi ngưỡng mộ là Nguyễn Hiến Lê sâu sắc, đồ sộ mà dễ hiểu; và Bùi Giáng khi điên lúc tỉnh mà tuyệt phẩm Giảng luận về Tản Đà ai cũng nên đọc.

Không có khoa học, con người dễ sa ngã vào mê tín, “dị giáo”. Nhưng không có văn hoá, nghệ thuật, con người dễ cằn cỗi về tâm hồn. Và không có đạo đức, con người dễ sa đoạ.

Ông đánh giá thế nào về hiện tượng những nhà khoa học cuối cùng lại trở thành những nhà văn hoá, đầy trách nhiệm với đất nước trong những vấn đề nóng của đời sống nhân sinh?
Thử hỏi có nhà khoa học nào từng bao năm sinh hoạt ở các nước phát triển mà chẳng ước mong đóng góp cho đất nước, dân tộc mình cũng được như người? Nó tự nhiên như hơi thở mà thôi. Để kết nối nhiều nguồn chất xám cho hoạt động khoa học tại Việt Nam, mấy đức tính như chân thành, bao dung, nhún nhường, tránh đố kỵ có lẽ là những điều kiện cần? Mấy năm qua trí thức đã kết nối nhau nhiều hơn qua nhiều hoạt động, như dịch thuật, biên soạn, giảng dạy, diễn thuyết, hay làm những số kỷ yếu, như Kỷ yếu Lê Thành Khôi, Kỷ yếu Hoàng Tuỵ, Max Planck, Galilei, Darwin và Đại học Humboldt 200 năm để tạo ra một văn hoá trí thức. Họ càng muốn dấn thân hơn cho đất nước. Nhà nước cần mở cửa với trí thức. Đất nước chỉ có lợi trong một sự hợp tác giữa nhà nước và với trí thức, hay ngược lại. “Tri thức là sức mạnh”, đối với cá nhân cũng như đối với quốc gia. Để quy tụ được tiềm năng chất xám quý báu của các thành phần đến từ nhiều chân trời văn hoá khác nhau trong cộng đồng ba triệu người Việt trên khắp năm châu, các nhà khoa học cần tìm đến nhau để có diễn đàn chung, để tập hợp trí tuệ, đoàn kết, và có những hoạt động chung. Việc này đã manh nha thời gian qua, qua các hoạt động biên soạn kỷ yếu chẳng hạn. Và trí thức đã tức khắc có những hành động chống đối việc các nhà khoa học Trung Quốc lồng đường lưỡi bò vào các bài viết của họ đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Ông nghĩ gì khi tiếng nói của những nhà trí thức vẫn chưa đủ sức lay động xã hội?

Tôi cảm thấy buồn, nhưng chúng ta đang ở bước ngoặt, sớm muộn gì những giá trị phổ quát đó sẽ đến. Chúng ta không thể nào đi khác hơn con đường thế giới đã và đang đi, không thể nào chối bỏ các giá trị phổ quát của cả thế giới, nền tảng của sự phát triển nói chung.

Ông thích một vẻ đẹp như thế nào của con người, của văn chương, nghệ thuật?

Có lẽ là tính nhân bản vị tha chăng?

Để xây dựng môi trường sống lành và sạch, mỗi chúng ta phải nỗ lực như thế nào, theo ông?

Tôi thực sự buồn khổ khi biết những tin tức về sự thờ ơ, vô cảm đang lan tràn xã hội. Thôi thì trước hết mỗi chúng ta trong khả năng của mình hãy nỗ lực sạch và lành đã. Xã hội dựa trên hai trụ cột: tri thức và lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn mà không có tri thức thì vô dụng, còn tri thức mà không có lòng trắc ẩn sẽ là vô nhân đạo và độc ác.

Những kỷ niệm nào đáng nhớ nhất về mái trường Chu Văn An – Hà Nội, nơi ông đã lớn lên? Phải chăng ân tình với trường xưa là lý do ông hết lòng giúp đỡ sinh viên và nhiều trường hợp khó khăn của trí thức trong nước?

Còn nhớ năm 1953, tôi được giải về luận văn trong cuộc thi hàng năm trung học toàn quốc và được hưởng chuyến du ngoạn bằng máy bay tham quan Sài Gòn và Huế do hội phụ huynh học sinh tặng. Sau này trở lại thăm bạn bè cùng học Chu Văn An, thực là xúc động thấy các bạn, đặc biệt GS Đặng Mộng Lân trong muôn vàn khó khăn đã thực hiện cuốn từ điển Vật lý Anh – Việt và âm thầm đóng góp cho nền vật lý. Đỡ được ai phần nào là như trả món nợ ân tình với thầy với bạn thiếu may mắn đã cho mình những kỷ niệm quý báu.

Ông có thể kể một chút về cha mẹ mình, những người thầy đầu tiên dạy ông bài học làm người?

Nhà tôi ở Bắc Ninh, bố tôi là hiệu trưởng trường tiểu học Vọng Cung, ru tôi ngủ bằng thơ Kiều. Còn mẹ tôi có một cửa hàng nhỏ bán tạp hoá, nước mắm, chè mạn, măng khô... Trong nạn đói Ất Dậu 1945, với chum đất nung cao hơn đầu tôi, mẹ tôi mỗi sáng nấu một nồi cháo thêm vào chút mắm để phát chẩn. Quên sao nổi cảnh người hàng hàng nối nhau húp cháo.
Để nuôi dưỡng “giấc mộng dài”, ông đã trải qua những khó khăn khắc nghiệt như thế nào?

Tôi không nghĩ là khắc nghiệt những buổi làm việc thâu đêm, hoặc mệt mỏi tranh cãi với đồng nghiệp, bạn bè về đề tài nghiên cứu vì mỗi người có một cách tiếp cận khác nhau. Nhưng có nhiều lúc, thậm chí hàng tuần hàng tháng chán chường, bế tắc, không thấy ngõ ra, không biết phải làm gì. Có lẽ chẳng phải riêng tôi mà bất cứ ai trong nghề cũng ít nhiều trải qua. Nhưng tôi không mong “làm cây thông đứng giữa trời mà reo” ở kiếp sau và mong tiếp tục mê say khoa học và nghiên cứu.

Trong những lúc cùng cực nhất, điều đã giúp ông vượt qua khủng hoảng?

Triết lý phương Tây dạy tôi tư duy logic, khoa học, tôn trọng và biết nhìn nhận sự thật, khiêm tốn trước “đại dương tri thức” còn ẩn chứa. Triết lý phương Đông dạy cho tôi sống có xã hội, gia đình, cộng đồng, có trách nhiệm và đóng góp xã hội.

Sau những đắng ngọt của cuộc đời, đọng lại trong ông điều gì quý nhất? Có bao giờ ông cảm thấy quá cô đơn?

Cái quý nhất còn đọng lại là những đóng góp cá nhân trong khoa học cũng như trong xã hội là sống chân thật, có bằng hữu; là sống tự tại. Cái ác là gió thoảng qua. Cái thiện là vĩnh cửu.
Thực hiện Kim Yến
Chân dung hội hoạ Hoàng Tường

* Nhà vật lý thiên văn Nguyễn Quang Riệu:

Vốn là một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực vi mô vật lý hạt, anh Phạm Xuân Yêm đã có những đóng góp khoa học trên trường quốc tế bổ ích cho cả những ngành khoa học vĩ mô như vật lý thiên văn. Anh quan tâm đến sự phát triển ngành khoa học trong nước và rất năng động trong phong trào tham gia cải tiến nền giáo dục nước nhà. Anh còn là người rất lịch thiệp đối với đồng nghiệp và bạn bè.

* Giáo sư Cao Huy Thuần:

Trong thảo luận Thế giới quan của vật lý học hiện đại và tư tưởng Phật giáo tại Phật đường Khuông Việt với cả trăm trí thức tham dự, một đề tài khoa học khô khan và khó hiểu, anh Yêm bắt đầu tham luận của anh với câu nói dè dặt: “Tôi xa nước đã lâu, nói tiếng Việt không sõi, mong các anh lượng thứ”. Tôi vội vàng chuẩn bị tấm lòng rộng rãi của tôi để lượng thứ cho anh, nhưng anh càng nói, tôi càng hoảng kinh vì lời lẽ của anh lưu loát, văn chương, tôi không bì kịp. Nhiều từ khoa học, nhiều từ triết lý rất khó dịch, tôi không ngờ anh đã theo dõi rất sát ngôn ngữ trong nước, diễn tả không hề vấp váp, không cần phải nhờ cậy đến tiếng Pháp. Mà chuyện vật lý của anh sao quyến rũ đến thế, người rất dốt khoa học như tôi cũng bị lôi cuốn!”

* Dịch giả Hà Dương Tuấn:

Một người luôn luôn vui vẻ, khiêm tốn, đối xử với người trẻ hơn và ít hiểu biết hơn mình một cách hoàn toàn bình đẳng. Có gì không hiểu viết thư hỏi đều được anh ấy khuyến khích và chỉ bảo tận tình. Một giáo sư về vật lý học hiện đại nổi tiếng, đã viết sách giáo khoa về Vật lý lượng tử từ năm 1998. Trong Cuộc cách mạng tháng 11 của vật lý hạt đăng trong kỷ yếu 400 năm thiên văn học và Galilei, NXB Tri Thức (2009), anh kể lại công việc của mình liên quan đến một sự kiện lớn trong vật lý học, tháng 11.1974, là việc thiết lập ưu thế tuyệt đối của “mô hình chuẩn”. Khi những nhà thực nghiệm tìm ra một lượng tử mới, ngay sau đó một nhóm bảy nhà lý thuyết đã làm việc thâu đêm để giải thích hạt đó là gì bằng “mô hình chuẩn”. Diễn giải đó sau này được chứng tỏ là chính xác, từ đấy “mô hình chuẩn” thực sự lên ngôi và trở thành công cụ lý thuyết phổ biến trong vật lý học hiện đại, và đã đóng góp rất nhiều từ đó đến nay. Một trong bảy người đó là anh Phạm Xuân Yêm.

Lỗ của DNNN cao gấp 12 lần doanh nghiệp khác

Bộ KHĐT cho biết, sẽ trình Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước (DNNN)" lên Thủ tướng Chính phủ vào khoảng tháng 6/2012.
Theo báo cáo của Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp-Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (đơn vị chủ trì đề án), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, DNNN hiện chiếm 70% vốn đầu tư của toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA và chỉ đóng góp vào GDP ở mức khoảng 37-38%.
Những số liệu này cho thấy hiệu quả kinh doanh của DNNN chưa cao và tình hình tài chính của nhiều DNNN chưa đảm bảo yêu cầu an toàn, lành mạnh. Khả năng sinh lời từ vốn nhà nước còn hạn chế. Nhiều DNNN chưa đảm bảo các yêu cầu lành mạnh và an toàn tài chính, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro và đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê năm 2011, hàng năm có khoảng 12% DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh, trong khi của khu vực doanh nghiệp nói chung là 25%. Tuy nhiên, mức lỗ bình quân của một DNNN bị lỗ cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Cơ chế quản lý đầu tư còn nhiều bất cập đã hạn chế hiệu quả đầu tư hiệu quả của DNNN. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của DNNN chưa tương xứng với quy mô các nguồn lực được đầu tư.
Những nguyên nhân chủ yếu, xuất phát từ đặc thù của DNNN, không theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận như doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Cơ cấu DNNN hoạt động kinh doanh chưa hợp lý, có khoảng cách khá xa giữa chính sách và triển khai thực hiện; bản thân chính sách còn bất cập; kết quả của quá trình cơ cấu lại DNNN cho đến nay mới chỉ dừng lại ở mức độ giảm số lượng DNNN mà chưa có ảnh hưởng rõ rệt đến cơ chế phân bổ nguồn lực nhà nước, tái cấu trúc ngành nghề và hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN. Quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tốt.
Đề án trình Chính phủ đã đưa ra các chính sách chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN như đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại DNNN. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý DNNN và mô hình tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước.
Tăng cường giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, đặc biệt cần đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác, loại bỏ hình thức ưu đãi và bao cấp đối với DNNN còn tồn tại.

Nguồn: DDDN

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

MỘT SỐ VIỆC CẦN LÀM TRƯỚC KHI TÁI CẤU TRÚC HỆ THỐNG NGÂN HÀNG

Do việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là bước đi đầu tiên trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế, mọi sai lầm trong quá trình này có thể sẽ làm cản bước các kế hoạch tái cấu trúc các lĩnh vực khác sau này.
Dựa trên những phát biểu dồn dập trong những ngày gần đây của các vị lãnh đạo hàng đầu Chính phủ, như Thủ tướng và phó Thủ tướng, thì việc tiến hành quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam có lẽ sẽ được tiến hành trong nay mai.
Tương tự như đã diễn ra ở một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Indonesia sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở Việt Nam sẽ bao gồm các hoạt động: giải thể một số ngân hàng yếu kém, tiến hành sáp nhập một số ngân hàng yếu hơn vào ngân hàng khoẻ mạnh, và củng cố lại hoạt động của các ngân hàng còn lại trong hệ thống để đảm bảo rằng sau khi tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng sẽ hoạt động an toàn hơn và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, khác với việc xử lý sự phá sản hoặc hoạt động yếu kém của một ngân hàng yếu kém trong thời kỳ bình thường, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đòi hỏi một kế hoạch đồng bộ và dài hạn, bao gồm trình tự xử lý cũng như xây dựng các kịch bản dự phòng cho các tình huống xấu nhất, để sao cho trong quá trình tái cấu trúc hoạt động thanh toán và hoạt động tín dụng của hệ thống không bị ảnh hưởng.
Kinh nghiệm tái cấu trúc ngành ngân hàng của các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan… sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998 cho thấy để việc tài cấu trúc thành công, Chính phủ và ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần chuẩn bị những việc sau.
Khôi phục niềm tin
Hoạt động ngân hàng vận hành trơn tru được chủ yếu là nhờ dựa trên chữ tín. Vì thế, trước việc người dân và các doanh nghiệp đang thiếu niềm tin vào hệ thống ngân hàng, bước đầu tiên là khôi phục lại niềm tin của họ.

Có ba thông điệp cần được đưa ra. Thứ nhất, với người gửi tiền, Chính phủ cần đảm bảo rằng họ sẽ không bị thiệt hại khi một ngân hàng nào đó bị giải thể trong quá trình tái cơ cấu. Thông tin về việc NHNN sẽ đảm bảo lợi ích của người gửi tiền đã được tiết lộ trên báo chí trong vài ngày trước. Tuy nhiên, NHNN cần đưa ra thông cáo hoặc một văn bản chính chức khẳng định về điều này.
Thứ hai, đối với những ngân hàng sẽ tiếp tục hoạt động, NHNN cần đưa ra thông điệp rằng các ngân hàng đó sẽ thực sự khoẻ mạnh trong tương lai theo nghĩa các ngân hàng này sẽ áp dụng các chuẩn mực kế toán và kiểm toán hợp với thông lệ quốc tế (đặc biệt liên quan đến việc ghi nhận nợ xấu và phân loại tài sản), có các biện pháp quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ tốt. NHNN cũng cần đưa ra lộ trình áp dụng các tiêu chuẩn Basel II cho tất cả các ngân hàng còn lại trong những năm tới.
Cuối cùng, Chính phủ cũng cần đưa ra thông điệp về việc xây dựng quy chế cũng như đầu tư, nâng cao năng lực của các cơ quan giám sát tài chính sao cho các cơ quan này hoạt động độc lập và đủ mạnh, để đảm bảo rằng hệ thống ngân hàng sẽ được vận hành an toàn trong tương lai.
Rà soát khuôn khổ pháp lý
Để nâng cao hình ảnh của Chính phủ trong việc tuân thủ pháp luật, việc tiến hành các hoạt động cải tổ hệ thống ngân hàng cần được đặt trong một khuôn khổ pháp lý vững chắc. Cần rà soát lại các văn bản pháp luật về các phương án can thiệp của Chính phủ trong các tình huống khác nhau, để đảm bảo rằng chúng không vi phạm các luật lệ đã ban hành trước đây.
Việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý rất quan trọng. Nó cho thấy hành vi can thiệp của Nhà nước là khách quan, bình đẳng, và minh bạch, vì lợi ích chung của nền kinh tế chứ không phải vì một động cơ nào khác. Căn cứ vào các văn bản pháp lý đó, NHNN sẽ cần phải xây dựng một quy trình, với những tiêu chí rõ ràng ngay từ đầu, về mức độ can thiệp của Nhà nước cho từng trường hợp cụ thể.
Quyền lợi người đóng thuế
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy quá trình tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ tốn kém. Các loại chi phí trong quá trình bao gồm cấp tiền cho quỹ bảo hiểm tiền gửi, “làm đẹp” các ngân hàng yếu kém trước khi đem đi sáp nhập với các ngân hàng khoẻ mạnh khác, hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng tiếp tục hoạt động nhưng yếu kém đạt được các chuẩn mực quốc tế, v.v.
Để đảm bảo quỹ này có thể hoạt động được thì Chính phủ cần chỉ rõ nguồn tiền cho quỹ sẽ được hình thành từ đâu, quỹ sẽ chỉ được sử dụng trong tình huống nào, cho mục đích gì, và khi nào thì quỹ sẽ đóng? Việc hình thành một quỹ với những quy chế và mục tiêu rõ ràng như vậy rất quan trọng. Nó đảm bảo rằng các khoản chi phí đó đều được hạch toán. Về cơ bản, các khoản chi phí này cần được xem như là các khoản đầu tư của Nhà nước vào các ngân hàng tiếp tục hoạt động. Dù được chi cho mục đích nào, chúng cũng cần được quy đổi ra lượng cổ phiếu góp vào các ngân hàng còn lại. Nếu như hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thành công, các ngân hàng còn lại sẽ hoạt động hiệu quả và an toàn hơn trong tương lai. Trong trường hợp đó, các khoản đầu tư của Nhà nước cho hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ được thu hồi.
Việc hình thành quỹ tái cấu trúc sẽ giúp cho Chính phủ, Quốc hội và người dân có thể giám sát và kiểm soát được chi phí liên quan trong quá trình tái cấu trúc. Việc tăng tính minh bạch trong hoạt động tái cấu trúc sẽ góp phần đảm bảo rằng mọi chi phí đều được cân nhắc cẩn thận. Khi buộc phải chi thì các chi phí được bỏ ra là ít nhất trong khi hiệu quả đem lại sẽ là nhiều nhất. Nó cũng giúp cho Chính phủ ngăn cản các hành vi lạm dụng của quan chức chính phủ, cũng như các ngân hàng còn lại trong hệ thống tìm cách trục lợi từ quá trình tái cấu trúc này.
Việc tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam rõ ràng là việc cần làm. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta tiến hành một cách vội vàng trước khi xây dựng một kế hoạch hoàn chỉnh, với những bước đi thận trọng và chi tiết, dựa trên những nguyên lý kinh tế và kinh nghiệm quốc tế đã được khẳng định. Do việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là bước đi đầu tiên trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế, mọi sai lầm trong quá trình này có thể sẽ làm cản bước các kế hoạch tái cấu trúc các lĩnh vực khác sau này.

Nguồn: BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ