Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH CỦA LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 2000 QUA THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CỦA NGÀNH TÒA ÁN – NHỮNG BẤT CẬP, HẠN CHẾ VÀ ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG


THAM LUẬN CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TỔNG KẾT THI HÀNH LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 2000 – 16/4/2013
Tòa án với tư cách là cơ quan duy nhất trong hệ thống các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét xử, có vai trò quan trọng trong việc góp phần tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật. Từ việc áp dụng các quy định của pháp luật trong công tác xét xử các vụ việc thuộc nhiệm vụ của mình, Tòa án góp phần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của Nhà nước đến nhân dân,… Qua đó, đóng góp quan trọng đến công tác tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm xét xử, tác động đến chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án nói riêng và Nhà nước ta nói chung.
Luật Hôn nhân và Gia đình (sau đây viết tắt là Luật HNGĐ) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2001. Sau hơn mười hai năm thi hành, Luật HNGĐ đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Bảo đảm ổn định cuộc sống gia đình trong xã hội phát huy truyền thống phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nâng cao vai trò trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc tôn trọng và chấp hành các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Tuy nhiên, qua quá trình giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình của ngành Tòa án cho thấy, một số quy định của Luật HNGĐ không phù hợp với thực tiễn, có những quy định mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác, có những quy định chưa phù hợp (hoặc không còn phù hợp), có những quy định chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng và còn có những cách hiểu khác nhau, có những quy định chưa bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, có những vấn đề mới phát sinh trong xã hội chưa được pháp luật về hôn nhân và gia đình điều chỉnh,…
Trong phạm vi chuyên đề này, chúng tôi xin đề cập những vướng mắc, bất cập của một số quy định của Luật HNGĐ. Những vướng mắc bất cập này được tổng hợp nghiên cứu qua quá trình tổng kết thực tiễn thi hành Luật HNGĐ năm 2000 trong công tác xét xử các vụ việc hôn nhân và gia đình của ngành Tòa án các cấp trên phạm vi toàn quốc. Qua đó đưa ra một số kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với Luật HNGĐ.
I. TÌNH HÌNH GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CỦA NGÀNH TÒA ÁN
Qua việc tổng hợp số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, từ ngày 01-9-2000 đến ngày 30-9-2011, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 3.143.746 vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình. Trong đó số vụ việc về hôn nhân và gia đình là 875.282 (chiếm khoảng 30% tổng số vụ việc dân sự đã thụ lý). Ngành Tòa án đã thực hiện tốt quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cụ thể như sau[1]:
1.1. Về công tác giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình ở cấp sơ thẩm
Năm 2001
Năm 2002
Năm 2003
Năm 2004
Năm 2005
Năm 2006
Năm 2007
Năm 2008
Năm 2009
Năm 2010
Năm 2011
Tổng cộng
Tổng số vụ việc đã thụ lý
55082
60265
57138
63151
65238
68833
74484
77624
94710
103332
121848
841.705
Số vụ việc đã giải quyết
48878
(88%)
51461
(85%)
51618
90%
57272
(90%)
59791
( 91%)
64058
(93%)
70204
(94%)
66347
(85%)
89609
(94%)
97627
( 94%)
115331
( 94%)
772.201 (92%)
Qua bảng số liệu trên cho thấy việc giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình ở cấp sơ thẩm ngành Tòa án luôn đạt tỷ lệ cao (từ 88% – đến 94%), đặc biệt là 3 năm gần đây (năm 2009, 2010, 2011) đều giữ được tỷ lệ là 94% và đạt trung bình trong 11 năm qua (từ năm 2001-2011) là 92%, hoàn thành tốt nhiệm vụ mục tiêu đề ra trong toàn ngành. Tỷ lệ các vụ việc hôn nhân và gia đình bị kháng cáo, kháng nghị chiếm khoảng 9% số vụ việc đã giải quyết.
1.2. Về công tác giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình ở cấp phúc thẩm
Năm 2001
Năm 2002
Năm 2003
Năm 2004
Năm 2005
Năm 2006
Năm 2007
Năm 2008
Năm 2009
Năm 2010
Năm 2011
Tổng cộng
Tổng số vụ việc đã thụ lý
2698
2702
3781
2968
2969
2951
2936
2857
2782
2590
2781
32.012
Số vụ việc đã giải quyết
2576
(đạt tỷ lệ 95%)
2443
(đạt tỷ lệ 90%)
3714
(đạt tỷ lệ 98%)
2805
(đạt tỷ lệ 94%)
2833
(đạt tỷ lệ 95%)
2826
(đạt tỷ lệ 95%)
2840
(đạt tỷ lệ 96%)
2503
(đạt tỷ lệ 87%)
2704
(đạt tỷ lệ 97%)
2516
(đạt tỷ lệ 97%)
2666
(đạt tỷ lệ 95%)
30.426 (đạt tỷ lệ trung bình 95%)
Qua bảng số liệu trên cho thấy công tác xét xử các vụ việc hôn nhân và gia đình ở cấp phúc thẩm không ngừng được nâng cao và đạt kết quả cao (từ 87% – đến 98%), đặc biệt là 3 năm gần đây (năm 2009, 2010, 2011) đều giữ được tỷ lệ cao từ 95- 97% và đạt trung bình trong 11 năm qua (từ năm 2001-2011) là 95%. Tỷ lệ kháng nghị chiếm khoảng 5% số vụ việc đã giải quyết.
1.3. Về công tác giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm
Năm 2001
Năm 2002
Năm 2003
Năm 2004
Năm 2005
Năm 2006
Năm 2007
Năm 2008
Năm 2009
Năm 2010
Năm 2011
Tổng cộng
Tổng số vụ việc đã thụ lý
129
138
71
131
326
81
141
107
128
149
161
1.562
Số vụ việc đã giải quyết
124
(đạt tỷ lệ 96%)
98
(đạt tỷ lệ 71%)
67
(đạt tỷ lệ 94%)
124
(đạt tỷ lệ 94%)
325
(đạt tỷ lệ 99%)
79
(đạt tỷ lệ 97%)
130
(đạt tỷ lệ 92%)
94
(đạt tỷ lệ 87%)
119
(đạt tỷ lệ 92%)
136
(đạt tỷ lệ 91%)
144
(đạt tỷ lệ 89%)
1.440 (đạt tỷ lệ trung bình 92%)
Qua bảng số liệu trên cho thấy, việc giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hàng năm không ngừng được quan tâm, chú trọng cao (từ 71% – đến 99%), đặc biệt là 3 năm gần đây (năm 2009, 2010, 2011) đều giữ được tỷ lệ cao từ 89- 92% và đạt trung bình trong 11 năm qua (từ năm 2001-2011) là 92%. Bên cạnh đó qua công tác giám đốc kiểm tra các hồ sơ vụ việc hôn nhân và gia đình đã giải quyết có hiệu lực pháp luật thi hành, phát hiện những sai sót cũng được chú ý, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình nói riêng và công tác xét xử nói chung của ngành Tòa án.
1.4. Về số vụ việc hôn nhân và gia đình bị hủy, sửa
Năm
2001
Năm
2002
Năm
2003
Năm
2004
Năm
2005
Năm
2006
Năm
2007
Năm
2008
Năm
2009
Năm
2010
Năm
2011
Tổng cộng
Tổng số
vụ việc đã giải quyết
51578
54002
55399
60206
62949
66963
73174
68944
92432
100279
118141
804.067
Số vụ việc bị
hủy, sửa
1571
(chiếm tỷ lệ 3%)
1315
(chiếm tỷ lệ 2%)
1896
(chiếm tỷ lệ 3%)
1481
(chiếm tỷ lệ 2%)
1619
(chiếm tỷ lệ 2%)
1381
(chiếm tỷ lệ 2%)
1467
(chiếm tỷ lệ 2%)
1406
(chiếm tỷ lệ 2%)
1344
(chiếm tỷ lệ 1%)
1305
(chiếm tỷ lệ 1%)
1315
(chiếm tỷ lệ 1%)
16.100 (chiếm tỷ lệ trung bình 2%)
Qua bảng số liệu trên cho thấy, tỷ lệ án bị hủy, sửa so với tổng số vụ việc đã giải quyết trong 11 năm qua (từ năm 2001-2011) chiếm tỷ lệ trung bình là 2%. Cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn bộ cán bộ ngành Tòa án thực hiện công tác xét xử ở các cấp, cũng như sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lãnh đạo ngành Tòa án, cấp ủy, chính quyền địa phương, chất lượng xét xử các vụ việc hôn nhân và gia đình ngày một nâng lên, tỷ lệ án bị hủy, sửa đã giảm đáng kể, đặc biệt là 3 năm gần đây (năm 2009, 2010, 2011) tỷ lệ án bị hủy, sửa đã giảm đáng kể và ở mức 1%.
II. NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP QUA THỰC TIỄN ÁP DỤNG LUẬT HNGĐ CỦA NGÀNH TÒA ÁN VÀ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT HNGĐ
2.1. Về áp dụng phong tục tập quán về hôn nhân và gia đình (Điều 6 – Luật HNGĐ)
Điều 6 Luật HNGĐ quy định “Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc quy định tại Luật này thì được tôn trọng và phát huy”. Đây là quy định mang tính nguyên tắc cơ bản về áp dụng phong tục, tập quán trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, có thể thấy quy định này còn chung chung, chưa đáp ứng được yêu cầu có thể áp dụng trực tiếp trong công tác giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình tại Tòa án, như trường hợp phong tục tập quán tốt đẹp nhưng khác với quy định của pháp luật thì có áp dụng phong tục tập quán đó hay không. Bởi liên quan tới nguyên tắc áp dụng tập quán, theo quy định của Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2005 thì Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận thì có thể áp dụng tập quán, nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật này. Nếu theo quy định này của Bộ luật dân sự thì tập quán tốt đẹp trong hôn nhân sẽ không được áp dụng nếu như đã có quy định của pháp luật về cùng vấn đề. Như vậy vô hình chung chính sách “giữ gìn và phát huy truyền thống những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc” của Nhà nước Việt Nam được cụ thể hóa trong Luật HNGĐ sẽ không được áp dụng hiệu quả.
Bên cạnh đó, Việt Nam có 54 dân tộc anh em, là nước đa dân tộc, đa bản sắc, nên việc áp dụng phong tục tập quán không giống nhau. Trong thực tiễn khi giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình có ảnh hưởng của phong tục tập quán gặp nhiều khó khăn trong việc ghi lời khai, thu thập các chứng cứ có liên quan như các trường hợp: Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn, nhưng lại được cộng đồng dân cư nơi đó bảo vệ và công nhận, khi xảy ra tranh chấp Tòa án căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải quyết đã gặp phải sự phản đối của các bên đương sự; hoặc trường hợp nam nữ kết hôn đã tuân thủ quy định về cấm kết hôn trong phạm vi ba đời, như họ vẫn có quan hệ họ hàng mà theo quan niệm tại nơi sinh sống không cho phép kết hôn, do vậy không được gia đình thừa nhận quan hệ hôn nhân và những quyền tài sản liên quan như không được chia ruộng đất, hoặc trường hợp tranh chấp về các lễ vật, sính lễ theo phong tục cưới hỏi,… Vấn đề giải quyết tranh chấp về các lễ vật, sính lễ theo phong tục cưới hỏi, trước đây Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn tại mục 3 Nghị quyết số 01/1988/NQ-HĐTP ngày 20-01-1988 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Tuy nhiên, hiện nay hướng dẫn này đã không được áp dụng bởi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 đã hết hiệu lực thi hành, trong khi đó từ sau khi Luật HNGĐ năm 2000 có hiệu lực lại chưa có hướng dẫn về vấn đề này.
Để việc áp dụng phong tục tập quán trong quan hệ hôn nhân và gia đình đậm đà bản sắc dân tộc, hạn chế và bài trừ những hủ tục lạc hậu, không phù hợp, Luật HNGĐ cần xây dựng cụ thể việc áp dụng phong tục tập quán theo nguyên tắc cơ bản sau: Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng và bình đẳng, phong tục tập quán có nội dung không trái với nguyên tắc của Luật HNGĐ; chỉ áp dụng phong tục tập quán đã thông dụng, được đông đảo mọi người sinh sống trên địa bàn, cùng dân tộc đó, cùng tôn giáo thừa nhận và chỉ áp dụng trên địa bàn đó; phát huy vai trò của người đứng đầu cộng đồng, chức sắc tôn giáo và cần đưa nguyên tắc áp dụng án lệ trong trường hợp này. Cần quy định cụ thể hơn theo hướng mở, tức là nếu phong tục tập quán tốt đẹp, phù hợp với xã hội thì áp dụng phong tục tập quán đó.
2.2. Về điều kiện kết hôn về độ tuổi (Điều 9 Luật HNGĐ)
Điều 9 Luật HNGĐ quy định các điều kiện kết hôn, trong đó có điều kiện về độ tuổi kết hôn của nam là từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, khi giải quyết những vụ việc ly hôn mà người vợ chưa đủ 18 tuổi thì quy định về độ tuổi kết hôn của Luật HNGĐ mâu thuẫn với quy định của pháp luật tố tụng dân sự về khả năng tham gia tố tụng của người vợ chưa đủ 18 tuổi này.
Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự về nguyên tắc, người chưa đủ 18 tuổi khi tham gia tố tụng phải có người đại diện. Tuy nhiên, đối với vụ việc ly hôn đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng (khoản 3 Điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự). Như vậy, Tòa án không thể giải quyết vụ việc ly hôn cho đến khi người vợ đủ 18 tuổi và điều này có thể gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người liên quan trong vụ việc ly hôn, hoặc trong các giao dịch mà có sự mâu thuẫn về quyền lợi giữa người vợ và người chồng.
Đồng thời, việc quy định nữ từ 18 tuổi trở lên được phép kết hôn, nhưng không có những quy định ngoại lệ về năng lực hành vi của người nữ từ 18 tuổi đã kết hôn trong việc tham gia các giao dịch, quan hệ xã hội,… dẫn đến sự không đồng bộ trong quy dịnh của Bộ luật dân sự về người đã thành niên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên không bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Từ đó rất khó khăn cho việc người vợ tham gia các giao dịch dân sự đòi hỏi phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
Về vấn đề này chúng tôi cho rằng: Quy định về độ tuổi kết hôn của Luật HNGĐ là phù hợp với điều kiện hiện nay ở Việt Nam. Tuy nhiên để thống nhất đồng bộ giữa các văn bản pháp luật và giải quyết các vấn đề vướng mắc nêu trên thì cần bổ sung quy định:Nữ từ đủ 18 tuổi trở lên được phép kết hôn.
2.3. Về các trường hợp cấm kết hôn (Điều 10 Luật HNGĐ)
Điều 10 Luật HNGĐ quy định các trường hợp cấm kết hôn. Trong đó khoản 2 quy định cấm kết hôn đối với người mất năng lực hành vi dân sự (NLHVDS). Tuy nhiên, theo quy định của Điều 22 Bộ luật dân sự 2005, thì một người chỉ bị mất NLHVDS phải do Tòa án tuyên bố. Do vậy, thực tiễn giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình liên quan vấn đề này đã phát sinh vấn đề: Có nhiều trường hợp vì một số lý do mà kết hôn với người thực tế không thể nhận thức, không làm chủ được hành vi của mình nhưng chưa bị Toà án tuyên bố mất NLHVDS, khi nhận ra hoặc không thể chung sống với người này được nữa, người vợ/ chồng có nhu cầu muốn ly hôn được hướng dẫn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật HNGĐ. Tòa án thụ lý yêu cầu giải quyết hủy hôn nhân trái pháp luật của cơ quan có thẩm quyền (cụ thể là Hội liên hiệp phụ nữ,…) thì gặp phải ý kiến phản đối của phía gia đình người vợ/chồng và Ủy ban nhân dân nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Ủy ban nhân dân nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho rằng: Họ đã tiến hành làm thủ tục đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật (vì người vợ/chồng chưa bị Toà án tuyên bố là mất NLHVDS. Do đó người vợ/chồng tuy không thể nhận thức, không làm chủ hành vi nhưng chưa có quyết định của Tòa án tuyên người đó mất NLHVDS thì vẫn coi là người bình thường). Một số trường hợp kết hôn và đã gây hậu quả xấu cho xã hội.
Để hạn chế tình trạng nhiều người thực tế đã rơi vào tình trạng mất NLHVDS nhưng chưa bị Toà án tuyên bố mất NLHVDS vẫn được cho đăng ký kết hôn, dẫn đến những hậu quả xấu cho xã hội, Luật HNGĐ cần quy định chi tiết hơn về trường hợp này theo hướng: trong trường hợp có dấu hiệu bị mất NLHVDS… thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra, xem xét trước khi cho đăng ký kết hôn.
2.4. Về tài sản vợ chồng
Chế độ tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được Luật HNGĐ qua các thời kỳ quy định khác nhau. Luật HNGĐ năm 1959 (Điều 15) quy định vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới, Luật HNGĐ năm 1987 (Điều 16) quy định tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hoặc được cho riêng trong thời kỳ hôn nhân thì người có tài sản đó có quyền nhập hoặc không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng, Luật HNGĐ năm 2000 (Điều 27 về tài sản chung vợ chồng) lại quy định:
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.
2. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.
Thực tế giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình đã gặp nhiều khó khăn trong việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng. Tài sản riêng được đưa vào sử dụng chung nhưng không có thỏa thuận bằng văn bản còn có nhiều quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, tài sản vợ chồng đang quản lý chung mặc dù một người đứng tên, không có văn bản thỏa thuận đó là tài sản riêng thì vẫn là tài sản chung của vợ chồng.
Quan điểm thứ hai cho rằng, tài sản có trước khi kết hôn hoặc được thừa kế, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân cho dù có đưa vào sử dụng chung, nhưng vẫn đứng tên người đó, không có văn bản xác nhận đó là tài sản chung thì tài sản đó được xác định là tài sản riêng của vợ hoặc chồng.
Điều 28 Luật HNGĐ quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng, có sử dụng cụm từ “tài sản có giá trị lớn hoặc nguồn sống duy nhất của gia đình”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có tiêu chí để xác định như thế nào là tài sản có giá trị lớn nên dẫn đến nhiều Toà án lúng túng trong việc giải quyết tranh chấp.
Đồng thời, trong thực tế, sau khi kết hôn một hoặc các bên sử dụng tài sản chung của vợ chồng để đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi ly hôn, việc chia tài sản chung của vợ chồng đối với phần tài sản đã đầu tư vào sản xuất kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Luật HNGĐ mới chỉ quy định nguyên tắc chung tại điểm c khoản 2 Điều 95 “Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập”, chưa quy định cụ thể hậu quả việc chia tài sản chung trong góp vốn vào doanh nghiệp. Do đó, khi có vụ việc xảy ra, Tòa án lúng túng trong việc áp dụng pháp luật.
Để giải quyết được những khó khăn, bất cập nêu trên, cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể về việc xác lập, xác định và chia tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong Luật HNGĐ cho phù hợp với thực tiễn và có tính đặc thù, công nhận cả thỏa thuận bằng miệng, bằng văn bản không tuân thủ quy định về hình thức. Ví dụ: quy định rõ các bên có quyền thoả thuận về tài sản chung và tài sản riêng. Trong trường hợp không có thoả thuận thì tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng.
Đồng thời, cần mở rộng các quy định về tài sản nhằm đảm bảo bao hàm cả những loại tài sản mới xuất hiện trong xã hội như quyền sở hữu trí tuệ của vợ hoặc chồng làm phát sinh về tài sản có được coi tài sản chung của vợ chồng. Các giao dịch về chứng khoán, về góp vốn trong doanh nghiệp,… cũng cần được quy định cụ thể trong Luật HNGĐ.
2.5. Về cấp dưỡng
Điều 53 Luật HNGĐ quy định:
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận, nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết”.
Điều 56 của Luật HNGĐ quy định:
Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết”.
Những quy định này còn quá chung chung, chưa có sự thống nhất. Thực tế hiện nay Tòa án ấn định mức cấp dưỡng thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Bởi nhu cầu thực tế đối với người được cấp dưỡng chưa có tiêu chí cụ thể để xác định như về ăn, mặc, đi lại, học tập, chữa bệnh,…
Mức cấp dưỡng hiện nay đã được quy định chi tiết và hướng dẫn tại Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03-10-2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật hôn nhân và gia đình 2000: Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23-12-2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Tuy nhiên trong quá trình thi hành, áp dụng các quy định này chưa có sự thống nhất, mức áp dụng trên thực tế còn thấp. Do đó cần quy định mức cấp dưỡng cụ thể vào Luật HNGĐ để thống nhất cách áp dụng trong mọi trường hợp. Mức cấp dưỡng cần được quy định ít nhất bằng 1/2 mức lương tối thiểu của từng thời điểm mà Nhà nước quy định để làm căn cứ tính mức cấp dưỡng, đồng thời đưa ra các tiêu chí làm căn cứ xác định mức cấp dưỡng (như thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ phải cấp dưỡng, mức sống tại địa phương,…).
2.6. Về quyền yêu cầu ly hôn
Khoản 1 Điều 85 Luật HNGĐ quy định: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn”. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay có rất nhiều trường hợp cha hoặc mẹ viết đơn gửi Tòa án với tư cách là người đại diện xin ly hôn cho con của mình bị mắc bệnh tâm thần. Trường hợp này, Tòa án nhân dân các cấp đã có cách giải quyết khác nhau. Có Tòa án không thụ lý vụ án, vì người yêu cầu không có quyền được yêu cầu ly hôn theo quy định của Luật HNGĐ, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy rằng sự việc trên có cả văn bản xác nhận của Hội liên hiệp phụ nữ, chính quyền địa phương về hành vi ngược đãi của người chồng, không chăm sóc cho người vợ bị mất NLHVDS, có quan hệ tình cảm với người khác,… Có Tòa án thụ lý nhưng lại gặp khó khăn vướng mắc về áp dụng pháp luật tố tụng dân sự, Bộ luật dân sự về vấn đề đại diện. Bởi trước khi yêu cầu ly hôn thì cần phải có tuyên bố của Toà án về việc người vợ/chồng bị mất NLHVDS. Theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật HNGĐ vợ chồng có quyền đại diện cho nhau: Nhưng trong trường hợp này vợ chồng không thể thực hiện quyền đại diện cho nhau vì quyền lợi của họ đối lập nhau, tuy nhiên việc cử người thân của người mắc bnh tâm thần làm đại diện cũng gặp khó khăn vì pháp luật không quy định cụ thể người thân của người mắc bệnh tâm thần làm đại diện hoặc được cử nhưng do không đồng ý, không tham gia tố tụng,… Các quy định này vô hình chung dẫn đến khó khăn cho Tòa án trong việc xác định người đại diện, cử người đại diện trong vụ án ly hôn với một bên mắc bệnh tâm thần.
Để giải quyết vướng mắc này, cần nghiên cứu, bổ sung quy định: người thân có quyền nộp đơn cho một người bị mất NLHVDS khi có căn cứ chứng minh được người vợ (hoặc chồng) có hành vi ngược đãi, không thương yêu chăm sóc người đó.
2.7. Về căn cứ cho ly hôn
Theo quy định của Điều 89 Luật HNGĐ thì căn cứ cho ly hôn gồm:
1. Toà án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Toà án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Toà án giải quyết cho ly hôn”.
Hiện nay, ngành Tòa án nhân dân nhận được nhiều đơn yêu cầu ly hôn của một bên đề nghị ly hôn với người đang bị truy nã do vi phạm pháp luật, nhưng Luật HNGĐ không có quy định cho ly hôn trong trường hợp này, nên Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết vụ án. Điều đó đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người đề nghị giải quyết cho ly hôn.
Luật HNGĐ cần quy định cụ thể thế nào là tình trạng hôn nhân trầm trọng? Đồng thời, để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, cần quy định các trường hợp bị truy nã, người mất NLHVDS là các căn cứ cho ly hôn.
2.8. Về quan hệ nhân thân và tài sản giữa vợ, chồng, các thành viên trong gia đình
Phần quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con còn quá chung chung, không cụ thể. Những quy định đó khó áp dụng trong thực tiễn xét xử. Hiện nay, Tòa án nhận được một số đơn đề nghị của đương sự (ông, bà) về yêu cầu vợ, chồng phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái khi cả hai vợ chồng đều bỏ mặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con của mình bị bại liệt bẩm sinh, vì Luật HNGĐ chỉ quy định chung chung, chưa cụ thể và thiếu chế tài, dẫn đến tình trạng đứa trẻ không được cha mẹ chăm sóc, quan tâm mà chưa có chế tài xử lý trường hợp thiếu trách nhiệm.
Để giải quyết vấn đề nêu trên, Luật HNGĐ cần bổ sung quy định về chế tài, trách nhiệm đối với vợ, chồng không thực hiện nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, hoặc thành niên nhưng bị tàn tật, mất NLHVDS. Đồng thời, cần bổ sung quy định trong trường hợp vợ chồng ly hôn mà con có đóng góp công sức trong khối tài sản chung thì phải tính chia tài sản cho con.
2.9. Về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài
Vấn đề quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài hiện nay cũng đã được hướng dẫn tạiThông tư số 07/2002/TT-BTP ngày 16-12-2002 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10-7-2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài: Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15-9-2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp”: Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình.
Trong thực tiễn công tác xét xử của ngành Toà án cho thấy có nhiều vướng mắc trong giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài như: Trường hợp người Việt Nam đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài, hết thời hạn hợp đồng lao động không về nước mà trốn ở lại sống lưu vong, khi người vợ/chồng ở Việt Nam muốn ly hôn với họ nhưng không biết họ ở đâu, không có liên lạc với gia đình; hoặc trường hợp người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, sau một thời gian sinh sống với vợ/chồng ở nước ngoài trở về Việt Nam và có yêu cầu ly hôn với chồng/vợ đang ở nước ngoài,… Những trường hợp này Toà án đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết như uỷ thác ra nước ngoài nhưng vẫn không có kết quả, dẫn đến vụ việc không được giải quyết ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự.
Để thống nhất và nâng cao hiệu lực áp dụng của văn bản, cần nghiên cứu pháp triển một số quy định chi tiết hoặc hướng dẫn mang tính quy phạm lớn đưa vào Luật HNGĐ. Đồng thời cần quy định rõ hơn về các vấn đề cụ thể của hôn nhân có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là việc giải quyết ly hôn khi có tài sản ở nước ngoài.
2.10. Về các vấn đề cụ thể khác
Về thuật ngữ “xin ly hôn” ở khoản 2 Điều 85, khoản 2 Điều 89 Luật HNGĐ, có nhiều ý kiến cho rằng không nên dùng thuật ngữ này. Vì ly hôn là một trong những quyền về dân sự mà mỗi cá nhân được pháp luật ghi nhận. Đó là quyền của họ, họ không phải “đi xin” Tòa án. Mặt khác, để thống nhất cách sử dụng thuật ngữ này trong Luật HNGĐ, đề nghị nên sửa lại là “yêu cầu ly hôn”.
2.11. Về các quan hệ đã có trên thực tế chưa được Luật HNGĐ quy định hoặc quy định chưa cụ thể
· Thỏa thuận tài sản trước khi kết hôn-Hôn ước
Quyền về tài sản là quyền cơ bản được Hiến pháp, Bộ luật dân sự quy định cho mỗi cá nhân. Do đó, mỗi cá nhân có quyền định đoạt, chiếm hữu, sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của mình mà không bị pháp luật cấm. Để khắc phục những bất cập hiện nay về vấn đề tài sản chung, tài sản riêng vợ chồng thì cần bổ sung quy định: Vợ chồng có quyền thỏa thuận về tài sản chung, tài sản riêng vợ chồng trước khi kết hôn mà không trái pháp luật.
· Về ly thân
Hiện nay, Luật HNGĐ chưa quy định chế định về ly thân, nhưng trên thực tế hiện tượng này vẫn xảy ra. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên có những cặp vợ chồng không lựa chọn việc chấm dứt mối quan hệ hôn nhân của mình là ly hôn (như do tuổi cao, danh dự, uy tín, sợ ảnh hưởng tâm lý của các con,…). Nhiều trường hợp vợ chồng có yêu cầu Toà án bảo đảm về pháp lý cho tình trạng ly thân của mình nhưng Toà án không có căn cứ để giải quyết. Do đó, vấn đề ly thân có nên được điều chỉnh trong Luật HNGĐ trong tình hình xã hội hiện nay hay không, ngành Tòa án nhân dân cũng còn nhiều quan điểm khác nhau:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Luật HNGĐ không nên quy định chế định ly thân, vì dưới góc độ pháp lý, Luật HNGĐ không có quy định nào về việc vợ chồng nhất thiết phải sống chung cùng nhau. Mặt khác bản chất của ly thân không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân và không phù hợp với thuần phong mỹ tục của gia đình Việt Nam.
- Quan điểm thứ hai cho rằng, đây là giải pháp chủ yếu được nhiều cặp vợ chồng lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn ngoài biện pháp cuối cùng là ly hôn (đặc biệt trong Công giáo không được phép ly hôn), ly thân còn là một biện pháp hữu hiệu tránh tình trạng bạo lực gia đình, thời gian sống ly thân vợ chồng có thời gian cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi tới quyết định cuối cùng về hôn nhân. Mặt khác, để giải quyết được vấn đề minh bạch trong việc các bên thực hiện giao dịch phát sinh quyền và nghĩa vụ khi ly thân, cũng như quyền lợi của các con, các thành viên khác trong gia đình được đảm bảo, đề nghị quy định cụ thể vấn đề này trong Luật HNGĐ (con cái, tài sản trong thời gian ly thân), vì vấn đề này là thực tiễn đã xảy ra và không thể cấm.
Về vấn đề này, tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995, TANDTC đã có kết luận: “Luật hôn nhân và gia đình không quy định Tòa án thụ lý và giải quyết yêu cầu ly thân, nhưng Điều 18 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định “khi hôn nhân tồn tại, nếu một hoặc các bên yêu cầu và có lý do chính đáng thì có thể chia tài sản chung vợ chồng”. Trong trường hợp này thông thường quan hệ vợ chồng đã rạn nứt, các đương sự thực tế đã ly thân. Khi chia tài sản nếu họ đặt vấn đề Tòa án xác nhận tình trạng ly thân thì Tòa án có thể xác nhận. Nếu các đương sự chỉ đơn thuần xin ly thân thì Tòa án giải thích cho họ tự định đoạt mà không thụ lý giải quyết cho ly thân hay không”. Như vậy, vấn đề ly thân đã được TANDTC nhắc đến và hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp thực hiện ở những năm trước đây khi chưa có Luật HNGĐ năm 2000.
Chúng tôi cho rằng: Ly thân là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ, trường hợp quy định về chế định này thì cần quy định cụ thể đảm bảo có căn cứ ly thân và việc giải quyết hậu quả của ly thân như vấn đề tài sản, con cái,… để Toà án có căn cứ hợp pháp giải quyết.
· Về quan hệ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn
Đây là vấn đề đã được hướng dẫn khá cụ thể tại Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09-6-2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình: Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp ngày 03-01-2000 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9-6-2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình: Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23-12-2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Tuy nhiên để có tính quy phạm áp dụng chung cho mọi đối tượng trong xã hội, hiện nay có hai quan điểm khác nhau.
- Quan điểm thứ nhất cho rằng, vấn đề này cần giữ như quy định hiện hành. Vì nếu thừa nhận dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, gây khó khăn trong công tác quản lý, và cũng vô hình chung thừa nhận tình trạng “sống thử” trong giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về quyền nhân thân, quyền về tài sản, quyền giữa cha mẹ và con giữa các bên có quan hệ chung sống như vợ chồng. Vì thực tế hiện nay xảy ra hiện tượng này là phổ biến, có phát sinh vấn đề con cái, tài sản. Tòa án đã thụ lý và giải quyết rất nhiều trường hợp.
- Quan điểm thứ hai cho rằng, pháp luật cần tôn trọng quyền tự do của công dân, không thể lấy điều kiện phải đăng ký kết hôn (vi phạm về hình thức) để xác lập các quyền khác (con chung, tài sản chung,…). Nếu có tranh chấp thì họ phải tự chịu hậu quả của việc sống chung đó. Đề nghị nên quy định chế định này trong Luật HNGĐ. Cụ thể, cần quy định các tiêu chí làm căn cứ công nhận như: không công nhận quan hệ vợ chồng; không cho phép đăng ký kết hôn với người thứ ba khi đang sống với người khác như vợ chồng và được xem là trường hợp cấm kết hôn. Về tài sản chung, cần quy định theo nguyên tắc không xác định tài sản chung của các bên, quan hệ tài sản ở đây là hình thức sở hữu chung theo phần: Về con chung, được thực hiện theo quy định của Luật HNGĐ.
· Về kết hôn giữa những người cùng giới tính
Kết hôn giữa những người cùng giới tính không phải là vấn đề mới trên thế giới và cũng đang là vấn đề nóng tại Việt Nam. Việc những người có cùng giới tính chung sống như vợ chồng, có các mối quan hệ về tình cảm, tài sản chung, con cái phát sinh đã xảy ra nhiều trên thực tế. Tuy nhiên, xã hội hiện nay còn có cái nhìn khác nhau về vấn đề này:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng, đây là mối quan hệ không phù hợp với tập quán, văn hóa gia đình Việt Nam, không phải hôn nhân đích thực, trái với tự nhiên, trái phong tục tập quán. Đa số các nước trên thế giới đều không công nhận. Do vậy, không nên quy định vấn đề này trong Luật HNGĐ.
- Quan điểm thứ hai cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Hiện nay, đời sống được nâng lên, quan điểm sống “thoáng” hơn trước, do vậy, pháp luật cần công nhận hiện tượng này, nhưng cần có các quy định cụ thể, rõ ràng về các mối quan hệ hôn nhân, con chung, tài sản chung,… Để khi có tranh chấp có cơ chế giải quyết phù hợp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên.
- Quan điểm thứ ba và cũng là đa số quan điểm của các Tòa án nhân dân các cấp cho rằng: Cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá toàn diện về loại quan hệ này và cần có đánh giá tác động về mặt xã hội. Sau đó cân nhắc, xin ý kiến các cơ quan chức năng có liên quan về việc nên hay không nên đưa vấn đề này điều chỉnh trong Luật HNGĐ.
Việc nghiên cứu và quy định về vấn đề này cần đảm bảo các quy định về quyền con người được pháp luật Việt Nam bảo vệ như quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử, quyền được mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân,…
· Về vấn đề mang thai hộ
Mang thai hộ là vấn đề chưa được Luật HNGĐ điều chỉnh. Hiện nay, chỉ có Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12-02-2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học có quy định: Nhà nước nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ và sinh sản vô tính. Tuy nhiên, Nghị định này cũng chưa quy định về hậu quả pháp lý của việc mang thai hộ. Mang thai hộ là nhu cầu thực tiễn trong xã hội và đang diễn ra ngày càng nhiều. Đây cũng là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền mưu cầu hạnh phúc của các cá nhân, gia đình, do đó cần thiết phải pháp điển hoá quy định về vấn đề này lên tầm văn bản luật, chứ không nên điều chỉnh trong văn bản dưới luật.
Vấn đề này qua trao đổi, tập hợp ý kiến của Tòa án nhân dân các cấp cũng còn nhiều quan điểm khác nhau.
- Quan điểm thứ nhất cho rằng, đây là loại dịch vụ không thể cấm vì thực tế vẫn đang tồn tại. Từ sự kiện này có thể xác định được quan hệ cha mẹ con, quan hệ nuôi dưỡng, tài sản,… do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng không có khả năng sinh con cũng có con như ý muốn cần quy định rõ trong Luật HNGĐ và lưu ý các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Thứ hai, trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì cần xác định các tiêu chí cụ thể làm căn cứ xác định trường hợp được phép mang thai hộ.
Thứ ba, quy định cụ thể về việc giải quyết hậu quả. Xác định cha, mẹ, con, vấn đề cấp dưỡng, giải quyết vi phạm hợp đồng mang thai hộ, các trường hợp mang thai hộ vi phạm điều cấm của pháp luật.
- Quan điểm thứ hai cho rằng, hiện nay chưa nên đưa vấn đề mang thai hộ điều chỉnh trong Luật HNGĐ. Đề nghị thực hiện như quy định tại Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12-02-2003 của Chính phủ: “Nhà nước nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ và sinh sản vô tính. Trẻ ra đời do thực hiện hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân và họ là cha, mẹ đối với đứa trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản”. Cần nghiên cứu kỹ vấn đề này vì đây là vấn đề liên quan đến đạo đức, kinh tế, đặc biệt là mối quan hệ giữa người mang thai hộ và đứa trẻ sinh ra. Do đó, cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá cụ thể và xin ý kiến các cơ quan chức năng có liên quan về việc nên hay không nên đưa vấn đề này điều chỉnh trong Luật HNGĐ.
Chúng tôi cho rằng, mang thai hộ là vấn đề mang tính nhu cầu thực tiễn trước hết là vì mục đích nhân đạo, mưu cầu hạnh phúc của các cá nhân, gia đình không có khả năng sinh con. Do đó mang thai hộ có thể được quy định cho phép vì mục đích nhân đạo. Đồng thời với quy định cho phép này cần đảm bảo có các quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các bên và xác lập quan hệ cha mẹ, con cái, quyền nghĩa vụ giữa cha mẹ và đứa con được sinh ra bằng hình thức này để đảm bảo tránh tranh chấp xảy ra giữa các bên gây hiện tượng xấu trong xã hội. Đồng thời, cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể làm trầm trọng hơn tình trạng buôn bán người hiện nay.
2.4. Cần pháp triển hóa những văn bản hướng dẫn Luật HNGĐ, Nghị quyết của Quốc hội mà phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, không trái với những quy định khác của pháp luật.

MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VỀ CHẾ ĐỘ KINH TẾ CHO DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992


Chế độ kinh tế là một chương quan trọng trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) gồm 15 điều (từ Điều 15 đến Điều 29). So với các quy định tương ứng trong Chương Chế độ kinh tế của Hiến pháp năm 1980, các nội dung trong Chương Chế độ kinh tế của Hiến pháp hiện hành có giá trị thực tiễn và giá trị lịch sử to lớn. Sau hơn 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Hiện nay trước yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, của định hướng xây dựng và phát triển toàn diện đất nước trong giai đoạn mới, yêu cầu sửa đổi Hiến pháp để bổ sung, sửa đổi Hiến pháp 1992 trở nên rất cần thiết. Dưới đây là một số ý kiến góp ý về Chương III Chế độ Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.
1. Một số điểm mới của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Đối chiếu với Hiến pháp 1992, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Dự thảo) đã gộp hai chương, Chương Chế độ kinh tế và Chương Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của Hiến pháp năm 1992 thành một chương mới (Chương 3) với tên gọi là Chương kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.
Với Chương mới này, Bản Dự thảo đã có những điều chỉnh đáng ghi nhận về chế độ kinh tế. Dự thảo đã thể hiện rõ hơn tính chất, mô hình kinh tế (Điều 55), vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (Điều 56), chế độ sở hữu và quyền tự do kinh doanh (Điều 57), tài sản thuộc sở hữu toàn dân (Điều 58), việc quản lý và sử dụng đất đai (Điều 59) và bổ sung một điều mới (Điều 60) về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia và các nguồn tài chính công khác. Dự thảo bổ sung thêm 2 điều nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đó là: Điều 59 (về vấn đề ngân sách nhà nước); Điều 68 (về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu). Việc bổ sung 2 điều mới trong Dự thảo đã thể hiện tính quan trọng của những vấn đề này đối với sự phát triển đất nước.
2. Tổng quan về các ý kiến liên quan đến chế độ kinh tế của Dự thảo
Trước hết, về cấu trúc mới của Hiến pháp thể hiện tính chặt chẽ, sự kết hợp một số chương của Hiến pháp 1992 thành các chương mới phù hợp với bối cảnh chính trị, kinh tế và vị trí mới của đất nước. Việc Dự thảo kết hợp Chương II về chế độ kinh tế và Chương III về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ thành chương mới đã thể hiện tầm quan trọng của trục phát triển bền vững đó là kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là một sự sửa đổi tích cực và đáng ghi nhận của Dự thảo [1].
Một trong những điểm mới của Dự thảo là đã thừa nhận tồn tại của nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, là một trong những đặc trưng của kinh tế thị trường, khẳng định các thành phần kinh tế đều là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế và ghi nhận nguyên tắc tự do, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, hợp pháp.
Đã có nhiều ý kiến tán thành với Dự thảo theo hướng không nêu cụ thể các thành phần kinh tế mà chỉ xác định các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế [2]. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, chỉ còn một Luật Đầu tư (2005), một Luật Doanh nghiệp (2005) áp dụng cho tất cả các thành phần kinh tế, quy định như Dự thảo là phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và quá trình xây dựng pháp luật. Một khi chưa thể xác định rõ mô hình của từng thành phần kinh tế như: kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã, hộ gia đình, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thì không cần liệt kê tất cả các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế cũng như ghi nhận vai trò cố định của từng thành phần trong Hiến pháp. Còn mô hình, vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế sẽ được xác định trong các văn bản quy phạm pháp luật dưới Hiến pháp.
Tại Điều 55, ghi nhận về trách nhiệm của nhà nước trong phát triển kinh tế của đất nước, Dự thảo đã bổ sung thêm một khoản với nội dung là: Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm phát triển hợp lý, hài hòa giữa các vùng, địa phương và tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân. Đề xuất này được nhiều ý kiến tán thành, vì hiện nay sự phát triển không cân đối giữa các vùng, miền đã minh chứng là nếu chúng ta không chú trọng đến nội dung ghi tại Điều 55 thì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh sẽ khó có tính khả thi.
Dự thảo đã cân nhắc để sửa đổi quy định kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Tại Dự thảo có một số nội dung liên quan, như Điều 55, 57, ví dụ như đảm bảo cho các thành phần kinh tế bình đẳng, đảm bảo nền kinh tế thị trường hoạt động phù hợp đúng quy luật, thực hiện chính sách chống độc quyền, và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng đề xuất yêu cầu, cần khẳng định trong Điều 54 vai trò của Nhà nước trong việc tạo điều kiện như nhau cho sự phát triển và đóng góp của các thành phần kinh tế. [3]
Trên thực tế, sự tham gia của kinh tế nhà nước vào thị trường, mặc dù đã có những đóng góp đáng ghi nhận, nhưng không thể phủ nhận là đã hoạt động kém hiệu quả làm méo mó thị trường dẫn đến hiện tượng độc quyền tự nhiên, không những chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế cả nước nói chung mà còn ảnh hưởng trở lại đến các quyết định của nhà nước liên quan đến kinh tế chính trị xã hội. Các doanh nghiệp nhà nước cũng cần phải tiến hành hoạt động kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phi nhà nước. Ngược lại, Hiến pháp cần quy định rõ hơn sự tôn trọng các quy luật vận hành của nền kinh tế thị trường, trong đó có các quy luật cạnh tranh công bằng, lành mạnh, đảm bảo tốt hơn quyền tự do kinh doanh của người dân, xác định hợp lý vai trò đại diện chủ sở hữu của Nhà nước đối với tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, và nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ các biện pháp can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế thị trường. Dự thảo cũng cần cần nhấn mạnh hơn trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Một số ý kiến khác rất xác đáng cần được Ban soạn thảo Dự thảo cân nhắc là, khi cho rằng “sở hữu toàn dân” là khái niệm chưa được xác định rõ, dễ gây hiểu lầm trong thực tiễn vận dụng. Khái niệm này chưa xác định rõ được chủ thể của loại hình sở hữu này, quyền và nghĩa vụ của chủ thể cũng như cách thức mà chủ thể của loại hình sở hữu này thực hiện quyền năng của mình. Do đó, cần tiếp tục giải mã khái niệm sở hữu toàn dân, thiết kế các cơ chế pháp lý cụ thể để các quy định về sở hữu toàn dân không bị hiểu sai lệch và bị lạm dụng trong thực tế. [4]
Sự ghi nhận về việc có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường đối với tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai.. là một điểm mới của Dự thảo lần này. Cần có sự quy định nhất quán về bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường và bồi thường theo quy định của pháp luật và vì từ trước đến nay, tại hầu hết các địa phương, quyết định bồi thường khi nhà nước thu hồi đất vì mục đích vì mục đích công cộng vẫn bồi thường theo quy định của pháp luật, nhưng các văn bản quy phạm pháp luật đó thường chứa đựng các biểu giá không phản ánh mức giá thị trường [5].
Một điểm mới của Dự thảo lần này là sự ghi nhận mới của Điều 59. 1. Ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác được Nhà nước thống nhất quản lý, sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. 2. Ngân sách nhà nước là thống nhất gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Thu chi ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thực tế đã có ý kiến đề nghị trong Hiến pháp nên cân nhắc có một chương về tài chính công hoặc tài chính quốc gia, do đây là vấn đề hệ trọng liên quan trực tiếp tới chủ quyền của nhân dân, mặt khác Hiến pháp nhiều nước có quy định chương về tài chính công. Có ý kiến cho rằng, trong khi đảm bảo nguyên tắc bao quát của một đạo luật gốc, có thể chưa cần thiết có một chương riêng về tài chính công. [6] Dự thảo lần này thiết kế Điều 59 đã có đề cập có tính nguyên tắc về tài chính công. Tuy vậy, về kỹ thuật lập pháp, Điều 59 khoản (1) liệt kê các đối tượng của tài chính công, trong khi đó khoản (2) lại chỉ nêu định nghĩa về ngân sách nhà nước đã ảnh hưởng đến kết cấu toàn diện của điều luật. Theo cách tiếp cận này thì Điều 59 tại Chương này cần được điều chỉnh theo hướng phủ bao quát hơn và toàn diện về khái niệm tài chính công hoặc tài chính quốc gia cho phù hợp hơn.
3. Một số đề xuất sửa đổi cụ thể về chế độ kinh tế tại Chương III của Dự thảo
3.1 Điều 53 Dự thảo
Nền kinh tế nước ta hiện nay phát triển còn thiếu chiều sâu và mang tính bền vững; các ngành kinh tế sản xuất những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao chiếm tỷ trọng thấp, trong khi các ngành sản xuất gia công sử dụng nhiều lao động “thô”, khai thác khoáng sản thô, kinh doanh bất động sản … vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Hơn nữa, hoạt động của nền kinh tế nước ta phụ thuộc khá lớn vào việc nhập khẩu các nguyên, vật liệu từ nước ngoài như xăng dầu, sắt thép, phân bón, bông, vải, sợi v.v. Do vậy, hình thành kinh tế tri thức và phát triển bền vững là mục tiêu và là yêu cầu cấp thiết mà nền kinh tế nước ta cần phải đạt được. Điều 53 Dự thảo cần được sửa thành:“Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;hình thành kinh tế tri thức và phát triển bền vững, phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường” [6].
3.2 Điều 54 Dự thảo
Do tại Điều 1 của Dự thảo đã ghi “ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa…” và Điều 2 Dự thảo cũng xác định “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…” nên không cần thiết phải nhắc lại cụm từ “định hướng hòa xã hội chủ nghĩa…” . Cần sửa đổi Điều 54 như sau:
1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường với hái chế độ sở hữu (công hữu và tư hữu), nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế
2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng, và cạnh tranh theo pháp luật.
3.3 Điều 55 Dự thảo
Cần bỏ các ý về phân công và phân cấp quản lý nhà nước, vì hoạt động này đã được quy định cụ thể trong thể chế kinh tế của nhà nước. Tại Khoản 2, cần bổ sung khi Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, cần sửa đổi Điều 55 như sau:
1. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế đảm bảo cho nên nền kinh tế vận hành theo quy luật của kinh tế thị trường, phát triển nhanh, bền vững
2. Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển các hình thức hợp tác kinh tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và cùng có lợi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.
3.4 Điều 57 Dự thảo
Khi đề cập tới các tài nguyên thiên nhiên, cần lưu ý tính toàn diện của các đối tượng là tài nguyên, như rừng, đất đai; tài nguyên nước, lòng đất, khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác. Để đảm bảo tính toàn diện này, và không bỏ sót một số đối tượng quan trọng như rừng, lòng đất, cần sửa đổi Điều 55 như sau:
“Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên rừnglòng đất, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
3.5 Điều 58 Dự thảo
Cần bổ sung cụm từ “là tài sản” trước cụm từ “đặc biệt của quốc gia”; bởi lẽ, đất đai do tự nhiên tạo ra được tồn tại dưới dạng tài nguyên thiên nhiên và có giá trị thấp, tới khi có sự tác động của con người vào thì đất đai chuyển từ dạng tài nguyên thiên nhiên thành tài sản. Đất đai vừa là tài sản mang tính chất công, vừa là tài sản mang tính chất tư. Bổ sung như vậy là nhấn mạnh vị trí và vai trò quan trọng của đất đai là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước trong nền kinh tế thị trường. Ghi nhận điều này trong dự thảo sẽ giúp Nhà nước thay đổi nhận thức và cách thức quản lý đất đai để phát huy vai trò của đất đai với tư cách nguồn lực quan trọng phát triển đất nước.
Một chủ thể quan trong là “hộ gia đình” cần được lưu ý bổ sung vào khoản 2 và 3 của Điều 58 Dự thảo; Thực tiễn thi hành Luật đất đai từ năm 2003 đến nay cho thấy, hộ gia đình là một trong những chủ thể sử dụng đất chủ yếu. Đây là chủ thể được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, hoặc để ở.
Mặt khác, như đã phân tích ở trên, thực tế hiện nay, một trong những vấn đề có tính thời sự ở nước ta là các tranh chấp, khiếu nại liên quan đến vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất xuất phát từ nguyên nhân chính do việc xác định giá bồi thường quá thấp dẫn đến người dân không đồng thuận với phương án bồi thường. Vấn đề xử lý hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất trong các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế chưa được giải quyết tốt. Để khắc phục những hạn chế có tính áp đặt từ các quy định hiện hành về việc Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng cộng hoặc sử dụng vào mục đích kinh tế; chúng tôi cho rằng cần tách bạch giữa việc Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia với trường hợp Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích công cộng và các dự án phát triển kinh tế – xã hội trong nội dung Điều 58.
Như vậy, toàn bộ Điều 58 cần được sửa đổi lại như sau:
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích; được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ.
2. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế – xã hội
3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia. Nhà nước trưng dụng có bồi thường đất do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Nhà nước trưng dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện kinh doanh phải đền bù theo giá thị trường.
4. Kết luận:
Việc triển khai lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đợt sinh hoạt chính trị – pháp lý quan trọng, rộng lớn trong nhân dân và cả hệ thống chính trị, nhằm thể hiện rõ việc huy động trí tuệ, tâm huyết của mọi công dân trong việc sửa đổi Hiến pháp. Phần Dự thảo sửa đổi về chế độ kinh tế tại Chương III, với những đề xuất cụ thể được nêu và phân tích ở trên, kỳ vọng sẽ là một đóng góp thiết thực để tạo lập khung khổ hiến pháp phù hợp cho những giai đoạn phát triển sắp tới của nền kinh tế nước ta. Bên cạnh đó, phần Chế độ kinh tế khi được hỗ trợ tốt hơn bởi những cải cách tiếp theo trong tổ chức quyền lực nhà nước[7], sẽ góp phần quan trọng để giảm thiểu những rủi ro pháp lý cho các chủ thể đã, đang và sẽ tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế và kinh doanh.
Chú giải:
1. TS. Lê Thanh Vân, Phát biểu tại Tọa đàm do Truyền hình Đài tiếng nói Việt Nam –VOV, tổ chức ngày 15/1/2013
2. Quỳnh Hoa (TTXVN), Ủy ban Kinh tế Quốc hội góp ý sửa đổi Hiến pháp, ngày 27/02/2013.
3. TS. Nguyễn Văn Cương; Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, đăng tại www.http://www.phapluatvn.vn ngày 11/12/2012.
4. PGS.TS Trần Văn Nam, Phát biểu tại Tọa đàm do Truyền hình Đài tiếng nói Việt Nam –VOV tổ chức ngày 15/1/2013.
5. Báo Nhân dân điện tử, Một số đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Chế độ kinh tế trong Hiến pháp 1992 http://www.nhandan.com.vn cập nhật 00:55, ngày 01/03/2013
6. GS.TS Lương Xuân Qùy, Phát biểu tại Tọa đàm góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại Đại học Kinh tế Quốc dân ngày 28/2/2013,
7. PGS, TS. Phạm Duy Nghĩa, Chế độ kinh tế trong Hiến pháp 1992 – phát hiện một số bất cập và kiến nghị hướng sửa đổi; Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp tháng 12/2012.
Tài liệu tham khảo
1. PGS, TS. Trần Văn Nam, Một số ý kiến về Chương Chế độ kinh tế, trang 3 báo Nhân dân ngày 1/3/2013.
2. PGS, TS. Nguyễn Quang Tuyến, Góp ý về một số nội dung Chương chế độ kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Kỷ yếu Hội thảo do Tạp chí Luật & phát triển phối hợp với Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tổ chức tại Hà Nội ngày 22/2/2012.
3. Ủỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Tờ trình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Số 194/TTr-UBDTSĐHP, ngày 19/10/2012.
Nguồn: TẠP CHÍ KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN, SỐ 189 THÁNG 3/2013