Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

THỰC TIỄN ÁP DỤNG PHÁP LUẬT: HỦY KẾT QUẢ ĐẤU GIÁ KHÔNG RÕ CĂN CỨ

Ông Trần Đình Nam đang khiếu nại các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum khi hủy kết quả bán đấu giá lô gỗ sưa mà không nêu căn cứ cụ thể. Thay vì lô gỗ có giá gần 10 tỉ đồng, chỉ bán có hơn 3 tỉ đồng.
Vô tình trúng đấu giá!
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Hạt Kiểm lâm huyện Kon PLông, tỉnh Kon Tum đã tịch thu hơn 4 m3 gỗ sưa (gồm gốc, rễ, cành, ngọn) và 11 chiếc xe máy. Tháng 6-2010, hạt kiểm lâm ủy quyền choTrung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh Kon Tum (TTĐG) bán đấu giá lô tài sản cho ngân sách. Trên cơ sở định giá, TTĐG đưa ra giá khởi điểm cho lô hàng là hơn 1,5 tỉ đồng.
Sau đó, TTĐG tổ chức phiên bán đấu giá lô hàng với hình thức bỏ phiếu qua ba vòng. Mức chênh lệch của mỗi lần trả giá được quy định là 300 triệu đồng, giá cao nhất của vòng trước được tính là giá khởi điểm cho vòng tiếp theo.
Tại phiên bán đấu giá, vòng một kết thúc với mức giá được trả cao nhất là hơn 2,1 tỉ đồng. Ở vòng thứ hai, ông Nguyễn Quang Trung là người trả cao nhất với giá 8,5 tỉ đồng và đây cũng là giá khởi điểm của vòng ba. Qua vòng ba, chỉ còn lại hai người tiếp tục ra giá là ông Nguyễn Quang Trung với mức giá 8,5 tỉ đồng và ông Phạm Ngọc Sự ra giá 3,4 tỉ đồng.
Với mức 8,5 tỉ đồng, TTĐG tuyên bố ông Trung trúng đấu giá lô tài sản trên. Tuy nhiên, sau đó TTĐG phát hiện ông Trung đã vi phạm nguyên tắc trả giá vì không thực hiện đúng mức chênh lệch giữa các lần trả (đúng ra ông Trung phải trả giá 8,8 tỉ đồng mới hợp lệ).

Theo nguyên tắc bán đấu giá, nếu người trả giá cao nhất vi phạm thì người trả giá kế tiếp sẽ được mua. Trong trường hợp trên, ông Sự sẽ trúng đấu giá. Tuy nhiên, khi tham gia vòng ba, lẽ ra ông Sự phải bắt đầu ở giá khởi điểm 8,5 tỉ đồng thì ông lại trả giá 3,4 tỉ đồng, thấp hơn giá khởi điểm nên cũng vi phạm nguyên tắc trả giá. Do vậy, ngày 28-6-2010, TTĐG có Văn bản số 41, gửi Hạt Kiểm lâm huyện Kon PLông thông báo cuộc bán đấu giá không thành.
Chuyện sẽ không có gì nếu TTĐG không kiểm tra lại, thấy rằng ông Trần Đình Nam – người trả giá 3,1 tỉ đồng ở vòng hai, sau ông Trung, là người đủ điều kiện để mua lô hàng trên. Do vậy, TTĐG lại ra Thông báo cùng số 41 (cùng ngày với thông báo trước đó) gửi hạt kiểm lâm với nội dung ông Nam là người trúng đấu giá.
Hủy rồi… chỉ qua chỉ lại?
Khi bàn giao tài sản đấu giá, ông Nam cho rằng số lượng gỗ sưa bị thiếu và bị thay bằng nhiều loại gỗ khác nên không đồng ý nhận và có văn bản khiếu nại. Cũng trong thời gian đó, UBND tỉnh Kon Tum cũng nhận được nhiều đơn tố cáo liên quan đến cuộc bán đấu giá nên vào cuộc yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum làm rõ.
Ngày 14-3-2011, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum căn cứ vào Nghị định 05/2005 của Chính phủ, hủy kết quả cuộc bán đấu giá trên, TTĐG hoàn trả tiền và ông Nam hoàn trả hồ sơ cho TTĐG.
Một đại diện của Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum nói: “Theo quy định, trường hợp của ông Nam không thuộc diện hủy kết quả bán đấu giá. Việc sở có quyết định hủy kết quả bán đấu giá là theo chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum”.
Ông Trần Duy Lâm, Phó Trưởng phòng Nội chính, UBND tỉnh Kon Tum, khẳng định: “UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo, yêu cầu Sở Tư pháp phải ra quyết định hủy kết quả bán đấu giá trên. Tỉnh chỉ đạo như vậy là căn cứ vào kết luận và kiến nghị của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum. Quyết định hủy kết quả bán đấu giá là đúng. Trong trường hợp sai thì ai ký quyết định người đó phải bồi thường”.
Trong khi đó, Đại tá Đoàn Ngọc Thắng, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), lại phủ nhận: “Đại diện của UBND tỉnh trả lời như vậy là không chính xác. Trong các báo cáo gửi UBND tỉnh, chưa bao giờ cơ quan CSĐT kiến nghị hay đề xuất hủy kết quả bán đấu giá”.
Rốt cuộc đến nay chưa rõ ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trong việc hủy kết quả đấu giá!
Các trường hợp hủy kết quả bán đấu giá tài sản
Kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy trong các trường hợp sau đây:
- Có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản bán đấu giá do có vi phạm pháp luật.
- Trong trường hợp có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản bán đấu giá do có vi phạm pháp luật thì kết quả bán đấu giá tài sản đó đương nhiên bị hủy…
Người có lỗi trong việc quyết định có liên quan đến tài sản bán đấu giá bị sửa đổi hoặc bị hủy phải bồi thường thiệt hại liên quan đến việc hủy kết quả bán đấu giá.
(Theo Thông tư số 03/2005 của Bộ Tư pháp và Nghị định 05/2005 của Chính phủ)
Chỉ vi phạm công tác văn thư
Ngày 2-6, trả lời cho Công an tỉnh Kon Tum về việc TTĐG ban hành hai thông báo cùng ngày, cùng số nhưng có nội dung khác nhau, Bộ Tư pháp khẳng định: Việc ra hai thông báo có cùng số, cùng ngày nhưng lại khác nội dung của TTĐG chỉ là sai sót trong công tác văn thư, lưu trữ.
Nguồn: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

CÁC THỎA THUẬN HẠN CHẾ CẠNH TRANH TRONG HỢP ĐỒNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

Giống như các loại hợp đồng thương mại khác, nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại (NQTM) cũng thể hiện các quyền và nghĩa vụ tương ứng của các bên, tuy nhiên, với những đặc thù nhất định của hoạt động NQTM nên hợp đồng NQTM có những điểm khác biệt với các loại hợp đồng khác, kể cả đối với hợp đồng đại lý.
Chủ thể của hợp đồng NQTM là các thương nhân có quyền kinh doanh độc lập, hoạt động kinh doanh theo mô hình mạng lưới thống nhất về hành động của bên nhượng quyền và các bên nhận quyền, để đảm bảo lợi ích của bên nhượng quyền và các bên nhận quyền khác. Các bên nhận quyền phải tuân thủ trung thành mô hình NQTM, khai thác bí quyết một cách nhất quán trong mạng lưới NQTM, phải trả phí khai thác lợi ích cho bên nhượng quyền và phí sử dụng thương hiệu trong suốt thời gian nhận quyền (đối với các hợp đồng đại lý, bên nhận đại lý không phải thực hiện nghĩa vụ này). Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát bên nhận quyền trong việc tuân thủ trung thành mô hình NQTM (bên đại lý cũng không có quyền kiểm soát này đối với bên nhận đại lý)1. Hoạt động của hệ thống NQTM thường dẫn tới hệ quả phân chia thị trường và có thể gây hạn chế cạnh tranh (HCCT) trong thỏa thuận về phân chia lãnh thổ, thể hiện ở “điều khoản về địa điểm bán hàng” (location clause); cấm bên nhận quyền quảng cáo ngoài phạm vi của mình; mua bán độc quyền liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm; quy định bán kèm. Ngoài ra, trong hợp đồng NQTM, nhiều trường hợp còn quy định về ấn định giá bán cho các thành viên của hệ thống NQTM và có thể có một số ràng buộc khác. Căn cứ vào tính chất của đối tượng điều chỉnh, hợp đồng NQTM có thể được chia thành các loại: (i) NQTM về dịch vụ, theo đó bên nhận quyền chào bán một dịch vụ dưới tên thương mại hoặc biểu tượng và đôi khi là nhãn hiệu thương mại của bên nhượng quyền, theo những chỉ dẫn của bên nhượng quyền; (ii) NQTM về sản xuất, quy định bên nhận quyền sản xuất các sản phẩm theo đúng những chỉ dẫn của bên nhượng quyền và bán chúng dưới nhãn hiệu thương mại của bên nhượng quyền; (iii) NQTM về phân phối, trong đó bên nhận quyền đơn thuần bán các sản phẩm nhất định trong một cửa hàng mang tên thương mại hoặc biểu tượng của bên nhượng quyền. Do đó, mỗi loại đối tượng của hợp đồng NQTM sẽ có khả năng dẫn đến HCCT khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh kinh tế và nội dung cụ thể của hợp đồng. Chúng thường được thể hiện dưới các dạng sau:

Thỏa thuận quy định phân chia khu vực kinh doanh
Để cân bằng lợi ích của bên nhận quyền, đảm bảo không có sự cạnh tranh giữa các bên nhận quyền trong một khu vực địa lý nhất định, đồng thời đạt hiệu quả kinh doanh cho cả hệ thống, bên nhượng quyền thường quyết định số lượng cửa hàng nhượng quyền trên một khu vực địa lý nhất định bằng việc phân chia khu vực kinh doanh cụ thể cho mỗi bên nhận quyền. Quy định này cấm bên nhận quyền kinh doanh ngoài phạm vi được cho phép bởi bên nhượng quyền và chỉ được khai thác một cơ sở duy nhất do bên nhượng quyền cấp. Ví dụ, trong thỏa thuận NQTM của hệ thống nhà hàng Burger King, Hoa Kỳ quy định: “NQTM này dành cho địa điểm được quy định cụ thể và không cấp hoặc ngụ ý cấp bất kỳ sự độc quyền đối với khu vực, thị trường hoặc lãnh thổ nào cho Bên nhận quyền”2. Hay hệ thống nhượng quyền của KFC, bên nhượng quyền đồng ý bảo trợ độc quyền trong bán kính 1,5 dặm với dân số khoảng 30.000 người3. Quy định về việc phân chia thị trường và HCCT giữa các bên trong hợp đồng NQTM là một trong những đặc trưng của hoạt động NQTM nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng. Do đó, bằng sự thỏa thuận mỗi bên nhận quyền chỉ kinh doanh một cơ sở duy nhất trong một phạm vi nhất định, đã tạo ra vị thế độc quyền trong khu vực cho mỗi bên nhận quyền. Thỏa thuận dọc này có thể hạn chế quyền tự do kinh doanh và khả năng phát triển của bên nhận quyền, và sẽ tạo ra sự hạn chế (theo chiều ngang) đối với các doanh nghiệp khác kinh doanh cùng lĩnh vực ngành nghề gia nhập thị trường ở những khu vực đã được bên nhượng quyền phân chia cho các bên nhận quyền. Đồng thời, làm hạn chế khả năng lựa chọn nhà cung cấp sản phẩm hàng hóa, cung ứng dịch vụ của người tiêu dùng trong một khu vực địa lý nhất định. Tuy nhiên, không phải mọi thỏa thuận phân chia khu vực địa lý để kinh doanh đều vi phạm cạnh tranh, để xác định hành vi này có vi phạm pháp luật cạnh tranh hay không còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Ở châu Âu, Tòa án Tư pháp châu Âu (ECJ)4 trong vụ án 161/84 án lệ Pronuptia5 đã hướng dẫn tòa án tối cao Liên bang Đức giải quyết vụ tranh chấp từ hợp đồng NQTM giữa Pronuptia de Paris Gmbh, Frankfurt am Main và Pronuptia de Paris Irmgard Schillgalis, Hamburg trên cơ sở pháp luật cạnh tranh của Liên minh châu Âu. Trong đó, bên nhượng quyền (Pronuptia de Paris gmbh)6 kiện bên nhận quyền (bà Schillgalis) phải trả cho bên nhượng quyền các khoản nợ phí sử dụng nhãn hiệu tính trên 10% toàn bộ doanh số của các năm 1978 đến 1980. Căn cứ vào ba hợp đồng, bên nhận quyền được NQTM ở ba khu vực riêng biệt Hamburg, Oldenburg và Hanover để bán áo cưới, áo dạ hội, dự tiệc và các phụ kiện khác. Với các thỏa thuận: bên nhượng quyền cấp NQTM cho bên nhận quyền, đối với một lãnh thổ được xác định bằng bản đồ đính kèm theo hợp đồng, quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu thương mại ‘Pronuptia de Paris’ để tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của mình và quyền quảng cáo; cam kết không được mở bất kỳ cửa hàng Pronuptia trong lãnh thổ nói đến hoặc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ cho các bên thứ ba trong lãnh thổ đó. Tại Tòa phúc thẩm khu vực tại Frankfurt am Main (Oberlandesgericht Frankfurt am Main)7, bên nhận quyền cho rằng, hợp đồng đã vi phạm pháp luật cạnh tranh, trái với Điều 81(1) của Hiệp ước EC và không được quy định trong phần miễn trừ theo nhóm (block exemption) được cấp cho các loại hợp đồng kinh doanh độc quyền nhất định theo Quy định của Ủy ban châu Âu số 67/67. Vì bên nhượng quyền đã áp đặt cho bên nhận quyền điều kiện HCCT mà cụ thể là ba cửa hàng tương ứng với ba địa điểm đã được xác định cụ thể tại ba thành phố của nước Đức (Hamburg, Oldenburg và Hanover), nên bên nhận quyền bị cấm mở cửa hàng thứ hai trong cùng một khu vực địa lý đã được cấp quyền thương mại. Để tuân theo cam kết đó, bên nhượng quyền không chỉ cố gắng phải hạn chế việc thiết lập cơ sở kinh doanh của mình trong lãnh thổ đó, mà còn bắt buộc các bên nhận quyền khác đưa ra cam kết không mở một cửa hàng thứ hai bên ngoài lãnh thổ của họ. Điều đó dẫn đến kết quả là một sự chia sẻ thị trường giữa bên nhượng quyền và các bên nhận quyền hoặc giữa các bên nhận quyền, và vì vậy, hạn chế sự cạnh tranh giữa các bên trong mạng lưới nhượng quyền. Đồng thời, các điều khoản chia sẻ thị trường giữa bên nhượng quyền và các bên nhận quyền hoặc giữa các bên nhận quyền với nhau trong mọi trường hợp có khả năng ảnh hưởng đến sự buôn bán giữa các quốc gia thành viên, ngay cả khi chúng được ký kết giữa các doanh nghiệp được thành lập trong cùng một quốc gia thành viên, tới chừng mực mà chúng ngăn chặn các bên nhận quyền thành lập cơ sở kinh doanh của mình tại một quốc gia thành viên khác. Đồng ý với lập luận của bên nhận quyền, Tòa án cho rằng, bên nhượng quyền không được hưởng quyền miễn trừ HCCT theo Điều 81(3) và như vậy có thể kết luận: vượt xa sự cần thiết để bảo vệ bí quyết đã cung cấp hoặc giữ gìn danh tiếng và khả năng nhận diện của mạng lưới, một số các điều khoản nhất định hạn chế sự cạnh tranh giữa các thành viên của mạng lưới. Điều đó đúng với các điều khoản chia sẻ thị trường giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền hoặc giữa các bên nhận quyền hoặc ngăn chặn các bên nhận quyền tham gia vào việc cạnh tranh giá với nhau8. Do đó, điều khoản chia sẻ thị trường trong các hợp đồng của Pronuptia đã tạo thành sự giới hạn cạnh tranh theo quy định của Điều 81(1). Tuy nhiên, EJC cũng khuyến cáo rằng, không phải mọi sự hạn chế về địa lý trong các thỏa thuận NQTM phân phối hàng hóa đều tương thích với Điều 81(1) mà phụ thuộc vào các điều khoản chứa trong đó và vào ngữ cảnh kinh tế của chúng.
Các thỏa thuận phân phối và cung ứng độc quyền
Trong NQTM, đặc biệt là hình thức nhượng quyền phân phối, bên nhận quyền chỉ được bán các sản phẩm gắn nhãn hiệu của bên nhượng quyền tại cửa hiệu gắn tên thương mại hoặc biểu tượng của bên nhượng quyền, do đó, bên nhận quyền phải tuyệt đối trung thành và tôn trọng lợi ích của bên nhượng quyền. Trong hoạt động kinh doanh, bên nhận quyền không được phép thực hiện các hành vi nhằm cố ý mang lại lợi ích cho bên thứ ba hoặc đối thủ cạnh tranh của bên nhận quyền, và phải có nghĩa vụ: chỉ được bán hàng hóa do bên nhượng quyền cung cấp hoặc bên thứ ba do bên nhượng quyền chỉ định; hạn chế kinh doanh một loại hàng hóa được chỉ rõ trừ khi hàng hóa đó được bên nhượng quyền cung cấp hoặc bên thứ ba do bên nhượng quyền cho phép; cấm bên nhận quyền bán hàng hóa không mang nhãn hiệu của bên nhượng quyền9. Trong hợp đồng NQTM Burger King (BKC) quy định, tất cả các món trên thực đơn mà BKC xem là thích hợp để giành được lợi thế trọn vẹn trên thị trường tiềm năng và đạt được sự chuẩn hóa trong Hệ thống Nhà hàng BKC sẽ được phục vụ, và không có món nào mà không được nêu trong Sách hướng dẫn hay được cho phép và chấp thuận bởi BKC bằng văn bản sẽ được phục vụ. Bên nhận quyền sẽ chỉ được bán lẻ các món trên thực đơn đã được phê duyệt cho người tiêu dùng từ và thông qua Nhà hàng NQTM, không được bán các món này để phân phối lại hoặc bán lại và để bảo đảm sự độc quyền trong việc bán sản phẩm, bên nhượng quyền đã ấn định bên nhận quyền phải mua tất cả nguyên liệu, thực phẩm, bao bì, giấy gói từ bên nhượng quyền10. Để đảm bảo rằng công chúng có thể mua được hàng hóa có cùng chất lượng từ mỗi người nhận quyền, những thỏa thuận nhằm thiết lập sự kiểm soát này có thể được xem là cần thiết để giữ gìn khả năng nhận diện và bảo vệ danh tiếng của mạng lưới nhượng quyền, Pronuptia de Paris Gmbh đưa ra điều khoản áp đặt bên nhận quyền phải mua từ bên nhượng quyền 80% số áo cưới và các phụ kiện, cùng với một phần váy dạ hội và dự tiệc được đặt bởi chính bên nhận quyền, và mua phần còn lại chỉ từ các nhà cung cấp được phê duyệt bởi bên nhượng quyền. Trong án lệ Pronuptia, các bên không tranh chấp về vấn đề này và thực chất đối tượng của hợp đồng nhượng quyền này là phân phối độc quyền áo cưới và các phụ kiện, do đó, tòa án cho rằng, trong trường hợp này không tạo thành những HCCT vì mục đích của Điều 81(1). Mục đích của những thỏa thuận trong hợp đồng NQTM là bên nhượng quyền hoặc nhà cung ứng được bên nhượng quyền chỉ định đồng ý hạn chế và cấm các nhà phân phối khác (đối thủ của mình) bán hàng hóa trong khu vực địa lý hoặc ít nhất là đối với bên nhận quyền của mình. Do đó, các thỏa thuận phân phối và cung ứng độc quyền thường gây ra những vấn đề nhất định đối với chính sách cạnh tranh, bởi chúng thường xuyên ảnh hưởng đến cạnh tranh giữa các nhãn hàng (theo chiều ngang). Trong cạnh tranh giữa các nhãn hiệu, những thỏa thuận này ngăn cản nhà cung cấp chỉ định nhà phân phối khác trong khu vực địa lý đó, hay nói cách khác, chỉ được bán hàng trực tiếp trong khu vực địa lý dành riêng đó.
Các thỏa thuận mua bán cả gói
Thỏa thuận này thường được áp dụng trong hình thức NQTM dịch vụ về lĩnh vực ăn uống, nhà hàng, khách sạn. Bên nhận quyền khai thác dịch vụ có thể bị áp đặt các thỏa thuận độc quyền trong việc cung ứng những thiết bị, hàng hóa đi kèm. Một ràng buộc bán kèm được hiểu là một hành vi trong đó một nhà cung cấp hàng hóa, như một điều kiện để cung cấp hàng hóa đó (hàng hóa “ràng buộc”), yêu cầu khách hàng phải: (i) mua lại một hàng hóa khác từ nhà cung cấp hoặc người do nhà cung cấp chỉ định; hoặc (ii) hạn chế sử dụng hoặc phân phối, cùng với hàng hóa ràng buộc, một hàng hóa khác không thuộc nhãn hiệu do nhà cung cấp hoặc người được nhà cung cấp chỉ định nêu rõ, và một hành vi trong đó nhà cung cấp hàng hóa lôi kéo khách hàng đáp ứng một yêu cầu đặt ra trong (i) hoặc (ii) bằng cách đề nghị cung cấp hàng hóa đó cho khách hàng đó với những điều kiện hay điều khoản ưu đãi hơn nếu khách hàng đó đồng ý đáp ứng một trong những điều kiện trên11. Hay nói cách khác, khi bên bán sẽ bán một sản phẩm chính với điều kiện bên mua đồng ý mua một sản phẩm khác hoặc/và phải mua sản phẩm được bán kèm từ một doanh nghiệp khác do bên nhượng quyền chỉ định hoặc ít nhất đồng ý không mua sản phẩm được bán kèm từ một doanh nghiệp khác. Ví dụ, hệ thống nhà hàng Burger King quy định: “Tất cả thực phẩm, đồ uống và các món khác sẽ được phục vụ và bán trong bao bì đáp ứng các quy cách của BKC. Chỉ có thực phẩm, nguồn cung ứng, các sản phẩm giấy và bao bì từ các nguồn đã được phê duyệt bởi BKC sẽ được sử dụng tại Nhà hàng NQTM”12. Theo pháp luật cạnh tranh của Hoa Kỳ, Điều 1 đạo luật Sherman, một thỏa thuận ràng buộc bán kèm vi phạm luật cạnh tranh nếu người bán có năng lực thị trường mạnh trên thị trường sản phẩm chính và nếu thỏa thuận ràng buộc đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại trên thị trường sản phẩm được bán kèm13. Và việc chứng minh một thỏa thuận bán kèm HCCT, phải thỏa mãn các điều kiện: (i) sản phẩm chính và sản phẩm được bán kèm là hai sản phẩm riêng biệt; (ii) bên bán đã thực sự ép buộc bên mua. Trong án lệ Siegel v Chicken Delight, Inc14, chuỗi nhà hàng bán thức ăn nhanh Chicken Delight quy định bên nhận quyền phải mua các bếp nấu hoặc chảo rán, sản phẩm bao bì, và các hỗn hợp thực phẩm và những vật liệu đi kèm khác từ bên nhượng quyền với giá cao hơn giá các sản phẩm cùng loại do nhà cung cấp khác bán ra. Dấu hiệu phân biệt sự bán kèm đó là việc cấm các đối thủ cạnh tranh tiếp cận thị trường sản phẩm bị ràng buộc, không phải vì bên áp đặt thỏa thuận có một sản phẩm siêu hạng trong thị trường đó, mà vì quyền lực hoặc ảnh hưởng được áp dụng bởi sản phẩm ràng buộc. Các nguyên tắc điều chỉnh thỏa thuận ràng buộc được thiết kế để nhắm vào, không chỉ là sự kết hợp của các đồ vật có thể chia tách về mặt vật chất, mà còn vào việc sử dụng một sản phẩm mong muốn chi phối để bắt ép mua một mặt hàng riêng biệt thứ hai. Trong thực tế, việc bị ép buộc mua một sản phẩm bị ràng buộc thứ hai là một điều kiện để được áp dụng cho việc mua một sản phẩm ràng buộc chi phối. Bằng việc ngăn cản các đối thủ cạnh tranh xâm nhập thị trường sản phẩm bị ràng buộc, các thỏa thuận ràng buộc hầu như không thể sử dụng cho bất kỳ mục đích nào không phải là sự triệt tiêu cạnh tranh15.
Tuy nhiên, không phải mọi thỏa thuận bán kèm đều vi phạm pháp luật cạnh tranh. Một số trường hợp khác như án lệ Kentucky Fried Chicken v Diversified Packing16, các bên thỏa thuận bên nhận quyền phải mua các thiết bị và nguyên liệu từ bên nhượng quyền hoặc từ nhà cung cấp khác nếu đảm bảo chất lượng và được bên nhượng quyền đồng ý. Tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ cho rằng, thỏa thuận này không vi phạm pháp luật cạnh tranh. Do đó, một thỏa thuận bán hàng có ràng buộc bán kèm được coi là vi phạm pháp luật cạnh tranh phải được xem xét trong ngữ cảnh chung “người bán có năng lực thị trường mạnh trên thị trường sản phẩm chính và nếu thỏa thuận ràng buộc đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại trên thị trường sản phẩm được bán kèm” và nội dung thỏa thuận cụ thể của hợp đồng.
Thỏa thuận giá bán lại
Việc thỏa thuận áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ nhằm ấn định một mức giá trần hoặc mức giá sàn hoặc một mức giá đề nghị không mang tính chất ràng buộc hoặc bất kỳ mức giá đề nghị nào được quảng cáo bởi bên nhượng quyền. Theo đó, bên nhận quyền có nghĩa vụ không bán hàng hóa dưới mức giá bán lẻ tối thiểu, là mức giá sàn được thỏa thuận để giá không thể xuống thấp hơn, hay mức giá bán lại tối đa, là mức giá trần được thỏa thuận để giá bán không được cao hơn hoặc chỉ bán hàng hóa theo mức giá đã ấn định17. Trong hợp đồng của Pronuptia de Paris GmbH, giá cả được đề nghị bởi bên nhượng quyền về giá bán lẻ, mà không phương hại đến quyền quy định giá bán riêng của bên nhận quyền18, nhưng rất khó có thể đưa ra một giá thấp hơn giá mà bên nhượng quyền khuyến nghị vì chi phí đầu vào đã quá cao do những điều kiện ràng buộc khác được quy định bởi bên nhượng quyền. Trong nhiều trường hợp, bên nhượng quyền không ấn định giá bán trong hợp đồng mà chỉ đưa ra đề nghị giá bán lẻ, về mặt hình thức thì thỏa thuận này nhằm tạo quyền tự chủ cho bên nhận quyền, không HCCT nhưng thực tế thì khó có bên nhận quyền nào có thể đưa ra mức giá cao hơn hoặc thấp hơn. Ví dụ một số hệ thống NQTM tại Việt Nam hiện nay như Highland Coffee, KFC…, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy giá bán lẻ tại các cửa hàng nhận quyền cùng một hệ thống nhượng quyền này hầu như không khác nhau, và như vậy trong trường hợp này, có thể gọi đây là các thỏa thuận ngầm giữa các bên được thể hiện thông qua hành vi thông đồng về giá. Trước đây, trong chuỗi cửa hàng phở 24 tại Việt Nam công khai ấn định giá của cả hệ thống là 24 ngàn đồng một tô phở, đến nay, tuy không công khai nhưng tất cả các cửa hàng đều bán theo giá đồng nhất tùy theo mỗi thời điểm khác nhau.
Do đó, những thỏa thuận nhằm duy trì giá bán lại có thể dẫn đến những hệ quả phản cạnh tranh, nếu duy trì mức giá bán lại tối đa có thể có lợi cho công chúng và thường được miễn trừ trong luật cạnh tranh của các nước, nhưng thỏa thuận đó trên thực tế có thể khiến các công ty nhỏ, không có lợi thế về kinh tế bị loại khỏi thị trường, bởi họ muốn đưa ra mức giá cao hơn mức giá trần đã được qui định để tránh lỗ. Đối với hệ thống NQTM, việc duy trì giá bán lại ở mức tối đa sẽ dẫn tới hình thành mức giá phổ biến trên thị trường và như vậy sẽ loại bỏ cạnh tranh về giá. Mặt khác, nếu duy trì giá bán lại tối thiểu sẽ dẫn đến hạn chế mức độ cạnh tranh giữa các bên nhận quyền về giá, thỏa thuận này làm thui chột sự sáng tạo linh hoạt (hạn chế sự cạnh tranh) trong hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền và làm gia tăng khả năng thông đồng về giá.
Kiểm soát số lượng đầu vào, đầu ra của sản phẩm
Đối với hình thức NQTM sản xuất, bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền sản xuất và bán các sản phẩm gắn nhãn hiệu của bên nhượng quyền, theo sự chỉ đạo của bên nhượng quyền. Theo đó, bên nhận quyền là các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất đầu ra bị cấm không được mua bán với các doanh nghiệp hay những nhà phân phối cạnh tranh với doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất đầu vào, ví dụ sản xuất thuốc, nước ngọt…. Để thu lợi nhuận tối đa, thực hiện chiến lược kinh doanh, bên nhượng quyền thường đưa ra những điều khoản trong hợp đồng để kiểm soát, hạn chế số lượng hàng hóa phân phối ra thị trường nhằm đạt những lợi ích nhất định, như tạo sự khan hiếm giả, nâng giá nhằm thao túng thị trường.
Ngoài những thỏa thuận có khả năng tạo ra HCCT như đã phân tích trên, vì lý do đảm bảo cho chuẩn mực và tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền, cũng như những lợi ích của bên nhượng quyền, các hợp đồng NQTM còn tiềm ẩn những thỏa thuận HCCT như: đảm bảo sự quảng cáo độc quyền của bên nhượng quyền; cấm bên nhận quyền được cạnh tranh với các bên nhượng quyền khác trong cùng một hệ thống19. Ngay cả những đề xuất từ bên nhận quyền để cải thiện các yếu tố của Hệ thống nhượng quyền về các sản phẩm, thiết bị, đồng phục, cơ sở vật chất, hình thức, dịch vụ và quảng cáo… được khuyến khích nhưng có thể được hoặc không được xem xét bởi bên nhượng quyền. Bên nhận quyền phải công nhận rằng bất kỳ đề xuất nào do bên nhận quyền đưa ra theo Hợp đồng sẽ thuộc quyền sở hữu độc quyền của bên nhượng quyền. Bên nhượng quyền không có nghĩa vụ phải sử dụng những đề xuất và không có nghĩa vụ chi trả khoản đền bù cho bất kỳ đề xuất nào. Bên nhận quyền không được phép sử dụng bất kỳ đề xuất nào trong hoạt động kinh doanh của mình mà không có sự đồng ý trước bằng văn bản của bên nhượng quyền20. Do đó, còn rất nhiều những thỏa thuận có thể dẫn đến HCCT cần phải được làm rõ hơn để có biện pháp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hợp đồng NQTM cũng như lợi ích công cộng khác.
Chú thích:
(1) ECJ, Case 161/84, Pronuptia de Paris GmbH v Pronuptia de Paris Irmgard Schillgallis, 28/1/1986,[1986]ECR 353. đoạn 33.
(2) www.burgerkingfranchiser.com
(3) www. yumfranchises.com
(4) Treaty establishing a European Economic Community (EEC) (1957), Article 177.
(5) ECJ, Case 161/84, Pronuptia de Paris GmbH v Pronuptia de Paris Irmgard Schillgallis, 28/1/1986,[1986]ECR 353
(6) Pronuptia de Paris gmbh, Frankfurt am Main tại Cộng hòa Liên bang Đức là công ty con của Pronuptia de Paris mẹ có trụ sở tại Pháp, có quyền ký hợp đồng nhượng quyền thương mại dưới tên thương hiệu của công ty mẹ “Pronuptia de Paris”.
(7) Do bên nhận quyền đã không trả phí sử dụng nhãn hiệu, nên bên nhượng quyền đã khởi kiện bên nhận quyền. Bản án sơ thẩm đã tuyên đối với bên nhận quyền số tiền là 158.502 của các khoản nợ phí sử dụng nhãn hiệu tính trên doanh số của bên nhận quyền trong các năm 1978 đến 1980; bên nhận quyền đã kháng cáo lên Tòa phúc thẩm.
(8) ECJ, Case 161/84, Pronuptia de Paris GmbH v Pronuptia de Paris Irmgard Schillgallis, 28/1/1986,[1986]ECR 353, đoạn 23; 24; 26
(9) Hằng Nga, Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2009, tr. 57.
(10) www.burgerkingfranchiser.com
(11) Luật Cạnh tranh Canađa.
(13) Eastman Kodak v Image Technical Services, 504 U.S. 451, 461-462 (1992); Northern Pacific Railway Company v US, 356 U.S. 1, 5-6 (1958); Forter Enterprises, Inc v. US Steel Corp., 394 U.S. 495, 503 (1969).
(14) Siegel v Chicken Delight, Inc., 448 F.2d 43 (9th Cir. 1971), cert. denied 405 U.S. 955 (1972).
(15) Standard Oil Co. v. United States, 337 U.S. 293, 305-306, 69 S.Ct. 1051, 93 L.Ed. 1371 (1949)
(16) Kentuckey Fried Chicken v Diversified Packing, 549 F.2d 368, 375-378 (5th Cir. 1977).
(17) Xem Nguyễn Thị Thanh Huyền, Luận văn thạc sỹ luật học “Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại dưới góc độ pháp luật cạnh tranh Việt Nam và Liên minh châu Âu”, trường Đại học Luật TP. HCM, 2009.
(18) ECJ, Case 161/84, Pronuptia de Paris GmbH v Pronuptia de Paris Irmgard Schillgallis, 28/1/1986,[1986]ECR 353, đoạn 6(d); 25.
(19) ECJ, Case 161/84, Pronuptia de Paris GmbH v Pronuptia de Paris Irmgard Schillgallis, 28/1/1986,[1986]ECR 353, đoạn 6.
(20)www.burgerkingfranchiser.com
Nguồn: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

THỰC TIỄN THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ ĐẠI DIỆN: RỐI CHUYỆN ỦY QUYỀN TRONG ÁN DÂN SỰ

Năm 2007, ba nhân viên của một công ty bị bắt, bị khởi tố vì trộm giấy ủy nhiệm chi mà giám đốc công ty ký sẵn (trị giá hơn 3,6 tỉ đồng) rồi mang đến một chi nhánh của Ngân hàng B yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.
Có cần ghi rõ phạm vi ủy quyền?
Sau đó, Ngân hàng B ủy quyền cho chi nhánh nơi các bị can đến chuyển tiền tham gia phiên tòa sơ thẩm với tư cách là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Sau phiên sơ thẩm cuối năm 2010 của TAND TP.HCM, chi nhánh ngân hàng kháng cáo về phần bồi thường dân sự.
Trong phiên phúc thẩm gần đây, đại diện VKSND Tối cao đã đề nghị tòa bác kháng cáo vì theo nội dung giấy ủy quyền thì Ngân hàng B chỉ ủy quyền cho chi nhánh tham gia phiên sơ thẩm chứ không ủy quyền cả việc kháng cáo. Việc kháng cáo của chi nhánh ngân hàng là vượt quá phạm vi ủy quyền.
Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM lại cho rằng chi nhánh ngân hàng đã được Ngân hàng B ủy quyền thường xuyên để giải quyết công việc hằng ngày. Vì thế, đại diện chi nhánh ngân hàng có thể tham gia ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào trong một vụ án có liên quan tới mình. Từ đó, tòa tiếp tục xử chứ không bác kháng cáo như đề nghị của đại diện VKS.
Nhận định của tòa phúc thẩm đã gây tranh cãi về mặt pháp lý. Theo Thẩm phán Nguyễn Huy Hoàng (TAND quận Gò Vấp, TP.HCM), quan điểm của đại diện VKSND Tối cao là hợp lý. Thẩm phán Hoàng lý giải: Đương sự phải ghi rõ nội dung ủy quyền vì sơ, phúc thẩm là hai giai đoạn tố tụng độc lập, khác nhau.

Đồng tình, TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng nhận xét: Mỗi giai đoạn tố tụng bao hàm những thủ tục khác nhau nên cần những yêu cầu khác nhau. Vì lẽ đó, việc đòi hỏi giấy ủy quyền phải ghi rõ từng nội dung ủy quyền không hẳn là vô cớ.
Khi nào phải làm lại giấy ủy quyền?
Tháng 3-2006, bà PTNN khởi kiện yêu cầu người con trai trả lại một phần đất tại huyện Dầu Tiếng (Bình Dương). Tháng 7-2006, TAND huyện Dầu Tiếng xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của bà N. Đầu năm 2007, TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm cũng tuyên bà N. thắng kiện…
Sau khi chánh án TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, tháng 6-2010, Tòa Dân sự TAND Tối cao đã hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND huyện Dầu Tiếng xử sơ thẩm lại. Tháng 8-2011, TAND huyện Dầu Tiếng xử sơ thẩm lần hai với kết quả như lần xử sơ thẩm đầu tiên. Sau đó, người con kháng cáo…
Trong vụ này, điều đáng nói là sau khi thụ lý lại, TAND huyện Dầu Tiếng đã không yêu cầu một người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan làm lại giấy ủy quyền mới mà vẫn giữ nguyên giấy ủy quyền của lần xử sơ thẩm thứ nhất. Ngoài ra, tòa còn chấp nhận một giấy ủy quyền không hợp lệ về hình thức: Ban đầu, do thiếu hiểu biết nên bà N. cùng bốn người khác đồng đứng đơn kiện rồi ủy quyền cho một người tham gia tố tụng. Sau đó, tòa xác định chỉ có bà N. là nguyên đơn, bốn người kia có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Lẽ ra phải yêu cầu bà N. làm giấy ủy quyền mới thì tòa lại chấp nhận luôn giấy ủy quyền cũ.
Theo Thẩm phán Nguyễn Huy Hoàng, tòa không yêu cầu các đương sự làm ủy quyền mới là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, có thể bị hủy án. Bởi lẽ khi một bản án bị hủy để xử lại thì quá trình tố tụng đương nhiên được quay lại từ đầu nên tòa bắt buộc phải yêu cầu đương sự làm giấy ủy quyền mới. Chưa kể, ý chí của các đương sự lúc đó có thể khác với trước. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho đương sự, tòa có thể linh động mời các bên đến hỏi xem họ có đồng ý giữ nguyên nội dung ủy quyền cũ hay không. Thậm chí ngay tại lúc mở đầu phiên xử, tòa cũng có thể hỏi như trên rồi lập biên bản ghi nhận.
Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) lại cho rằng nên chia thành hai dạng cụ thể: Nếu giấy ủy quyền cũ chỉ ghi chung chung thì khi thụ lý lại vụ án, tòa phải yêu cầu đương sự làm ủy quyền mới để tránh vi phạm tố tụng. Nếu giấy ủy quyền cũ có ghi đầy đủ nội dung, thời gian, phạm vi, thời hạn ủy quyền, mặt khác bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền không có gì thay đổi thì nó vẫn có nguyên giá trị. Bởi lẽ việc hủy án xử lại chỉ là trình tự tố tụng, còn việc ủy quyền liên quan đến quyền và nghĩa vụ của đương sự. Hai việc này hoàn toàn khác nhau…
Ủy quyền “chi ly” hay “bao quát”?
Xung quanh chuyện phạm vi ủy quyền của đương sự, hiện đang có hai luồng ý kiến khác nhau.
Luồng ý kiến thứ nhất dựa vào hướng dẫn tại Nghị quyết 05 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cho rằng người ủy quyền phải liệt kê rõ ràng từng nội dung ủy quyền trong văn bản. Chẳng hạn, giấy ủy quyền phải ghi “ông A. được thay mặt tôi kháng cáo bản án” thì người đại diện mới có quyền kháng cáo.
Luồng ý kiến thứ hai thoáng hơn, lập luận Điều 73 BLTTDS (về người đại diện) không bắt buộc giấy ủy quyền phải ghi chi ly từng công việc của người đại diện nên chỉ cần ghi có tính bao quát là đủ. Chẳng hạn ghi “ông A. được thay mặt tôi tham gia tố tụng” thì người đại diện đương nhiên có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ xuyên suốt trong mọi giai đoạn tố tụng.
Không cần liệt kê cụ thể
Trong vụ việc của ngân hàng, theo tôi không cần liệt kê rõ từng nội dung và yêu cầu mỗi giai đoạn tố tụng phải có một ủy quyền mới. Về nguyên tắc, khi hợp đồng ủy quyền được xác lập, có công chứng thì người đại diện được làm tất cả những gì đã nhận ủy quyền. Không phải máy móc hiểu là trong giấy ủy quyền ghi hai chữ kháng cáo thì người nhận ủy quyền mới được kháng cáo. Trừ khi ủy quyền có ghi thời gian thì hết thời hạn đó phải làm ủy quyền mới. Nhưng riêng trong giai đoạn thi hành án thì chuyện ủy quyền phải cụ thể, chi tiết và thường phải làm ủy quyền mới.
Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM
Tùy nội dung ủy quyền
Ở vụ của bà N., tôi cho rằng phải tùy vào nội dung ủy quyền mới xác định được là cần giấy ủy quyền khác hay không. Nếu giấy ủy quyền ghi rõ người đại diện chỉ được thay mặt đương sự tham gia giai đoạn sơ thẩm hoặc phúc thẩm (giới hạn phạm vi ủy quyền) thì khi án bị hủy, họ phải làm lại ủy quyền mới. Nếu giấy ủy quyền có ghi thời gian được ủy quyền thì hết thời gian đó đương nhiên nó hết hiệu lực, phải làm ủy quyền lại. Còn nếu giấy ủy quyền chỉ ghi chung chung là “được quyền thay mặt giải quyết mọi vấn đề liên quan đến khi vụ án kết thúc” thì tòa vẫn có thể chấp nhận giấy cũ.
Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM
Cần hướng dẫn
Đã đến lúc TAND Tối cao có văn bản hướng dẫn đầy đủ quy định từ hình thức, nội dung cho đến việc thế nào là một giấy ủy quyền hợp lệ. Có hướng dẫn để áp dụng thống nhất sẽ tránh được những sai sót và tranh cãi như hiện nay.
TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM
Nguồn: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

NGUY CƠ KHỦNG HOẢNG NỢ CÔNG TOÀN CẦU VÀ NHÌN LẠI NỢ

Trong tháng 7 vừa qua, thị trường tài chính quốc tế trở nên nhạy cảm với những thông tin liên quan đến vấn đề nợ nần của các nước châu Âu và Mỹ. Phải chăng kinh tế thế giới đang bắt đầu đi vào khủng hoảng nợ công toàn cầu? Theo phân tích, do lo ngại về nợ khu vực đồng Euro và việc bế tắc trong thoả thuận giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà về nâng trần nợ công trước thời hạn 2/8 khiến vàng thế giới liên tục tăng mạnh và lập kỷ lục mới 1.638USD/1ounce vàng vào 29/7 vừa qua.
Từ khi bắt đầu nổ ra cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, các nhà hoạch định chính sách Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã lo ngại rằng cơn hỗn loạn tài chính bắt đầu từ Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha rồi sẽ nhấn chìm những nền kinh tế lớn khác trong khu vực.
Hy Lạp đang đối mặt với 2 vấn đề thâm hụt cùng một lúc, đó là thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai. Theo số liệu nghiên cứu, nợ trong hạn của Hy Lạp lên tới gần 400 tỷ đôla Mỹ, lãi suất Hy Lạp phải trả cho các khoản vay nợ lên tới mức kỷ lục, trên 9% đối với các khoản vay có kỳ hạn.
Hy Lạp đã chính thức kêu gọi hỗ trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các quốc gia thành viên Eurozone. Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone đã quyết định hỗ trợ tài chính dành cho Hy Lạp với mức hỗ trợ 110 tỷ Euro với lãi suất ưu đãi là 5%. Sau khi nhận được khoản hỗ trợ 110 tỷ Euro, Hy Lạp vẫn tiếp tục ở trong nguy cơ vỡ nợ. Gần đây, IMF ước tính nợ quốc gia của Hy Lạp có thể lên đến 172% GDP (so với mức khoảng 120% lúc bắt đầu rơi vào khủng hoảng nợ) trong khi thâm hụt ngân sách của nước này cao hơn dự kiến và nước này đang cần một khoản hỗ trợ mới.
Sau cuộc họp khẩn cấp ngày 21/07/2011, lãnh đạo 17 nước thuộc Eurozone và IMF đã đồng ý cấp cho Hy Lạp 159 tỷ Euro (229 tỷ USD), với lãi suất 3,5%, thời gian đáo hạn có thể lên tới 30 năm, và có thể gia hạn 10 năm nữa. Ngoài ra, Eurozone cũng đưa ra một số loại hình bảo lãnh đối với trái phiếu chính phủ Hy Lạp để các ngân hàng Hy Lạp có thể tiếp tục được Ngân hàng Trung ương châu Âu hỗ trợ thanh khoản.
Tại Ireland, dấu hiệu đầu tiên cho cuộc khủng hoảng nợ công tại quốc gia này là một thị trường bất động sản bong bóng. Trong một thập niên tính đến năm 2007, giá nhà tại Ireland tăng gần gấp 4 lần, thậm chí còn đắt hơn cả những thành phố vẫn được mệnh danh là đắt đỏ trên thế giới như Los Angeles. Khi bong bóng bất động sản vỡ tung đã kéo theo sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng. Và khi chính phủ ra tay cứu trợ ngân hàng – nợ công trở thành gánh nặng cho ngân khố quốc gia.

Ngân hàng Trung ương Ireland đã lên tiếng yêu cầu trợ giúp từ Liên minh châu Âu (EU) trong việc kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực ngân hàng do chi phí trang trải các khoản nợ lên tới 70 tỷ Euro (tương đương 99 tỷ USD), một con số nợ khổng lồ đối với một đất nước tạo ra 171 tỷ USD một năm.
Ireland đã trở thành quốc gia thứ hai sau Hy Lạp buộc phải thực hiện các biện pháp thắt chặt kinh tế để đổi lấy khoản cứu trợ khẩn cấp từ IMF và EU với hi vọng sẽ giải quyết triệt để khủng hoảng nợ công, giảm mức thâm hụt ngân sách từ con số kỷ lục 32% GDP hiện nay xuống mức 3% GDP và giảm tỷ lệ thất nghiệp từ trên 13% hiện nay xuống dưới 10% vào năm 2014.
Tại Bồ Đào Nha, khoản nợ công của năm 2010 lên tới 84% GDP. Nghiêm trọng hơn, 70% các khoản nợ của Bồ Đào Nha là nợ nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc quốc gia này khó có thể xoay xở hay trì hoãn khi nợ đáo hạn. Theo dự báo, tỷ lệ nợ công Bồ Đào Nha sẽ tăng trong thời gian tới từ 82,4% trong tổng GDP trong năm ngoái lên 87,9% GDP trong năm nay và tăng đến 88,1% GDP vào năm tới. Cuộc khủng hoảng nợ công cũng khiến cho tình hình chính trị của nước này bị chia rẽ sâu sắc. Moody’s đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của chính phủ Bồ Đào Nha xuống thêm một bậc, từ A3 xuống Baa1. Các thành viên EU và giới phân tích nhận định quốc gia này cần ít nhất 100 tỷ USD để trang trải các khó khăn tài chính cho tới khi đáo hạn và tổng tuyển cử.
Tây Ban Nha có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ công với bong bóng nhà đất khổng lồ và các vấn đề liên quan đến các khoản nợ tăng lên với mức độ chóng mặt. Hợp đồng bảo hiểm khả năng vỡ nợ (CDS) kỳ hạn 10 năm của trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha đã lên tới mức 312 điểm phần trăm, cao chưa từng có từ trước tới nay. Như vậy, cứ 10 triệu Euro nợ dài hạn của Tây Ban Nha sẽ mất 312.000 Euro phí bảo lãnh.
TẢI TOÀN VĂN BÀI VIẾT TẠI ĐÂY
Nguồn: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 15/2011