Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Đổi mới Hiến pháp, nghĩ về một thiên cổ hùng văn cho đời sau

Có thể chúng ta chưa có những công trình vật chất để lại ngàn năm, tuy nhiên, với năng lực tinh thần, chúng ta có thể nghĩ đến việc tạo lập ra những giá trị để lưu dấu lâu dài, mà một ví dụ cụ thể là đổi mới Hiến pháp nhằm thể hiện tầm nhìn mới, tầm nhìn lâu dài của lãnh đạo, làm cho Hiến pháp trở thành tài sản của mọi người dân Việt Nam – hôm nay và cả mai sau.
Huyền sử Nghiêu Thuấn và khát vọng dân chủ của dân tộc Trung Hoa

Đọc văn học cổ Trung Quốc, biết đến hai vị vua Đường Nghiêu và Ngu Thuấn (khoảng ba trăm năm đầu thuộc thiên niên kỷ thứ ba TCN) như hai vị vua anh minh, thường được nhắc đến như hai tấm gương cho các vua đời sau noi theo để trị nước. Dưới thời Nghiêu Thuấn, thiên hạ thái bình, mưa thuận gió hòa. Trong văn học sử và cả văn hóa dân gian, Nghiêu Thuấn như hai triều đại mang tính biểu tượng của thái bình thịnh trị ‘ngoài đường của rơi không nhặt, nhà cửa thường bỏ ngỏ không sợ trộm cắp”.

Các vua chúa đời sau thường lấy đức thời Nghiêu Thuấn để răn dạy mình. Tuy vậy, có một điều mà tất cả các triều đại Trung Hoa về sau không bao giờ học được từ hai vị vua này, đó là việc cả hai vua Nghiêu và Thuấn đều không nhường ngôi cho con trai mình mà nhường ngôi cho người có tài đức trong thiên hạ. Vua Nghiêu không nhường ngôi cho con mình mà nhường ngôi cho Thuấn vì Thuấn là người giỏi trong nước. Đến lượt mình, vua Thuấn cũng không nhường ngôi cho con mà nhường ngôi cho vua Vũ lập nên triều nhà Hạ. Việc chọn người tài đức, tốt nhất trong dân để truyền ngôi từ đó về sau vẫn còn là tấm gương nhưng chưa triều đại nào theo kịp. Câu chuyện này đi vào văn học sử như còn đó, một giấc mơ.

Các triều đại sau chẳng những không theo được gương chọn người tài trong nước mà còn ra sức củng cố chắc chắn hơn sự lãnh đạo tuyệt đối của mình. Trớ trêu thay, sự mong muốn lãnh đạo tuyệt đối của các vương triều lại nói lên tính tương đối của nó và lịch sử đã cho thấy không một vương triều nào tồn tại mãi mãi. Cho dù mạnh mẽ, tham vọng như Tần Thủy Hoàng, vì muốn cai trị muôn đời nên đã đặt đế hiệu cho mình là Tần Vương Nhất Thế, với mong muốn là dòng họ của mình sẽ ngự trị đến vạn thế, cũng không bao giờ là hiện thực…Thực tế là sau đó nhà Tần chỉ tồn tại được hai đời nữa (Tần Tam thế bị Hạng Võ sát hại và nhà Hán của Lưu Bang kế tục sau đó). Cứ như thế, vẫn không như mong muốn của những người sáng lập, các vương triều cũng chỉ tồn tại một cách tương đối không khác được, đó là thịnh và suy tàn. Lịch sử lại như các vòng lặp của các vương triều thay nhau. Ngàn năm cũng chỉ đơn thuần là phép cộng các vòng lặp không hơn không kém. Vì vậy, có lẽ nếu không có một cơ chế tạo điều kiện để người giỏi nhất trong nước lãnh đạo đất nước, thì có lẽ câu chuyện Nghiêu Thuấn sẽ mãi là chuyện thần tiên, và dường như mãi chỉ là giấc mơ.
Chú bé Obama và Hiến pháp Hoa Kỳ, tầm nhìn của các Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên

Viết về tuổi thơ của mình, lúc sống ở nước ngoài (Indonesia) với mẹ (1), Thượng nghị sĩ Obama có kể rằng mẹ ông là người đã rèn cho ông niềm tin là mọi người Mỹ, với các màu da khác nhau đều bình đẳng theo Hiến pháp. Bà là người đầu tiên đọc cho chú bé Obama Hiến pháp và Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ và giải thích rằng chính những dòng chữ trong các văn bản này đã bảo vệ nước Mỹ và người dân Mỹ. Và chú bé Obama đã cảm thấy như được bảo vệ khi nghe mẹ đọc những văn bản này.

Có thể không phải ai cũng được như Obama, nhưng không ai có thể phủ nhận được rằng những gì ông đạt được có cơ sở từ luật pháp Mỹ mà tinh thần và định hướng của hệ thống này là Hiến pháp Mỹ, gồm 7 điều và 27 điều bổ sung sửa đổi. Không phải người Mỹ da đen nào cũng thành đạt như Obama, nhưng khó có thể phủ nhận sự thật rằng một người Mỹ da đen chẳng những có thể được bình đẳng theo luật pháp Mỹ mà còn có thể trở thành lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ. Thật vậy, những thành công của Obama đã phần nào là bằng chứng cho tinh thần công dân bình đẳng của Hiến pháp Mỹ.
 
Tính ưu việt của một bản Hiến pháp thể hiện trước hết ở tính vì dân của nó, tuy không phải Hiến pháp nào được làm ra từ đầu đều đã là ưu việt. Hơn nữa, những bản Hiến pháp ưu việt ngoài tính vì dân còn phải thể hiện ở sự linh hoạt cần thiết, cũng để vì dân. Chính những điều khoản sửa đổi dựa trên tinh thần này của Hiến pháp Mỹ đã tạo điều kiện giúp chú bé Obama trở thành Tổng thống Hoa Kỳ.

Thật thú vị, vì ngay cả sau khi Obama đã đắc cử Tổng thống, nhiều người còn hoài nghi tính hợp hiến của việc này do họ chưa tin rằng Hiến pháp Mỹ được công nhận từ 1781, lúc còn chế độ nô lệ, chấp nhận một người da đen làm Tổng thống. Xem lại tinh thần bản Hiến pháp và các điều khoản sửa đổi bổ sung 13: Bãi bỏ chế độ nô lệ (năm 1865), 14: Quyền công dân (năm 1868), và 15: Quyền bỏ phiếu của người Mỹ gốc Phi (năm 1870) như các điều khoản không tách rời của Hiến pháp Mỹ, những người hoài nghi mới nhận thấy rằng, nếu họ hồ nghi một người da đen có thể được làm Tổng thống thì họ cũng sẽ phải nghi ngờ như vậy đối với người da trắng và các màu da khác. Nói đơn giản là các điều khoản không chỉ thể hiện sự giải phóng người da đen mà còn thể hiện một cách khách quan sự bình đẳng và quyền làm chủ của mọi người dân. Thật vậy, khi xem lại những tác phẩm của một trong các chính trị gia vĩ đại người Mỹ, Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, Thomas Jefferson, người chấp bút Tuyên ngôn Độc lập Mỹ (vốn là nguồn cảm hứng cho các chính trị gia, văn hào về sau) những người hoài nghi mới nhận thấy rằng, sự linh hoạt vì một xã hội văn minh hơn đã được minh định từ lâu. Ông đã từng viết (1816): “Tôi không phải là người cổ súy cho việc hay thay đổi luật lệ và pháp chế. Nhưng rõ ràng hai thứ này phải cùng phát triển không tách rời với tiến bộ của tư tưởng con người. Khi nhân loại ngày càng phát triển và khai sáng, khi ngày càng có nhiều phát minh và chân lý được soi rọi, khi cách thức và ý kiến thay đổi, thì trong bối cảnh mới đó, các định chế cũng phải đi lên để hòa nhịp với thời thế. Ta có thể so sánh việc một xã hội văn minh bị kiềm hảm trong các định chế bán khai của cha ông giống như bắt một người trưởng thành phải chui vào tấm áo của trẻ con vậy.”(2) 

Phải chăng chính những người hoài nghi lại lạc hậu hơn chính tiền nhân của họ.
 
Với những tư tưởng tiên phong như thế, cũng không có gì ngạc nhiên khi các văn bản luật quan trọng như Hiến pháp Mỹ lại có được một sự linh hoạt đến như vậy. Và nhờ đó, tính vì dân và công bằng của nó đã làm cho những người dân “thấp bé” nhất, như chú bé Obama thưở nào, vừa cảm thấy ở nó một sự tự hào vừa cảm thấy được bảo vệ. Thật vậy, trong một xã hội mà phê bình đã thành văn hóa, dù người dân Mỹ có chỉ trích chính quyền này hay đảng phái nọ… họ hầu như không bao giờ phê bình Hiến pháp của mình. Văn bản pháp luật này được xem như một báu vật quốc gia quý giá nhất của họ.

Như vậy, một Hiến pháp đặt người dân ở vị trí trung tâm, vượt trên lợi ích của các chính quyền, đã tồn tại với thời gian vì đơn giản nó là của dân, chủ nhân của đất nước. Một Hiến pháp như thế thể hiện tầm nhìn rộng lớn, vượt thời gian của những nhà lập quốc Hoa Kỳ. Có thể nói đây chính là món quà quý nhất dành cho đời sau của những nhà lập quốc. Và nó đã trở thành tài sản của người dân Hoa Kỳ. Môt khía cạnh nào đó, tinh thần dân chủ kiểu Nghiêu Thuấn đã được minh định bằng văn bản có tên Hiến pháp và được thể hiện liên tục từ ngay sau vị “vua Nghiêu đầu tiên của Mỹ” (George Washington).

Trách nhiệm với đời sau

Một câu hỏi lớn đặt ra cho chúng ta mà có lẽ vì quá bộn bề công việc mà ta đã không nghĩ tới, đó là ta sẽ làm gì cho con cháu chúng ta ngàn năm sau? Đất nước ta sẽ như thế nào trăm năm, ngàn năm sau?

Chúng ta là con cháu của ngàn năm trước mà chúng ta cũng còn là cha ông của ngàn năm sau. Trách nhiệm đối với ngàn năm sau có thể nói còn nặng nề hơn, nhưng liệu có đang được quan tâm? Từng trí thức, từng nhà lãnh đạo nên đặt câu hỏi cho mình… Không dừng lại để tự vấn, thời gian sẽ cuốn ta đi, rồi một ngàn năm nữa liệu có hơn gì ngàn năm cũ? Chắc chắn chúng ta không muốn một ngàn năm sau nữa cũng chỉ đơn thuần là phép cộng các vòng lặp không hơn không kém và lịch sử lại như các vòng lặp của các vương triều thay nhau. Mà có chắc chắn rằng ta có thể tồn tại mạnh mẽ như cha ông mình? Biết đâu ta bắt đầu, hay đã ỷ lại ở khả năng tồn tại của mình, mà khi ỷ lại chính là lúc ta đi xuống! Nếu thế, còn gì cho cháu con ta?

Dân tộc ta đã nổi tiếng. Tuy vậy, cho đến thời khắc này của lịch sử nhân loại, chúng ta phải tự nhận thấy rằng, chúng ta nổi tiếng vì sự tồn tại mãnh liệt và nhọc nhằn của dân tộc mình, bên cạnh các dân tộc khác nổi tiếng vì sự dẫn đầu của sự phát triển, của tinh thần vượt trên châu lục, rồi đi trước thế giới. Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc làm sao con cháu chúng ta tự hào về cha ông không chỉ bằng sự tồn tại mà còn bằng sự vượt lên vĩ đại! Suy cho cùng và cũng là một cách khôn ngoan, thì việc giải quyết bài toán vượt lên của dân tộc cũng chính là để giải quyết bài toán tồn tại, vốn cũng chưa bao giờ đơn giản, với dân tộc ta.

Lịch sử nhân loại đã quá đủ để chúng ta nhìn lại mình, định hướng và bắt đầu một đại công cuộc cho dân tộc với tầm nhìn thật xa để con cháu ngàn năm sau của chúng ta tự hào vì cha ông mình! Làm sao để tinh thần vì trăm năm, ngàn năm sau lan tỏa vào huyết quản của từng người dân ở mọi nấc thang xã hội? Có lẽ nên bắt đầu một cuộc đại tự vấn, “tuyển dụng” trong toàn dân, làm sao để người giỏi nhất, tốt nhất có điều kiện dẫn dắt đi đầu, đưa đất nước vào một ngàn năm mới, ngàn năm của phát triển chứ không phải ngàn năm của nhọc nhằn tồn tại. Nếu cho rằng dân tộc ta chưa đủ sức làm, điều kiện đất nước chưa đủ chín mùi thì có lẽ chúng ta sẽ không tiến hành thực hiện và thời điểm chín mùi kia cũng không bao giờ đến!

Để thực hiện đại cuộc này thiết nghĩ, trước mắt cần nêu cao trách nhiệm đối với con cháu đời sau, cải tạo bản thân thành một dân tộc hòa giải mọi bất đồng, cần một tinh thần dân chủ để khai thác toàn diện những nguồn nguyên khí quốc gia từ khắp mọi nơi. Những việc trước mắt này có thực hiện triệt để cũng sẽ mất rất nhiều thời gian. Và vì mất nhiều thời gian nên cần càng sớm tiến hành. Thật vậy, với “ngàn năm” thì đây chỉ là tiền đề, chỉ là “trước mắt” mà thôi. Nếu không có quyết tâm và hành động cụ thể, thì ngàn năm có thể không đủ dài để ta tiếp tục thong dong, cạn nghĩ. Thiển nghĩ, có ý thức trách nhiệm đối với cháu con đời sau sẽ giúp chúng ta dễ đoàn kết, hòa giải bất đồng hơn. Ghi tâm trách nhiệm với đời sau sẽ là cơ sở để chúng ta cẩn thận gìn giữ những gì tiền nhân tạo lập. Nêu cao trách nhiệm với đời sau sẽ giúp chúng ta học được những bài học của tiền nhân và quan tâm hơn đến hậu quả của những việc ta làm – từ giáo dục, môi trường, điều hành kinh tế, đến an ninh quốc phòng. Khi có trách nhiệm với con cháu đời sau thì chúng ta sẽ dễ dàng vươt qua mọi cám dỗ, vì ta biết rằng, những cám dỗ dù rất nhỏ, nếu ta không vượt qua cũng sẽ là vết nhơ làm tổn thương niềm kiêu hãnh của con cháu chúng ta.
 
Có thể nguồn lực vật chất chúng ta chưa đủ để khẳng định rằng chúng ta sẽ có những công trình vật chất để lại ngàn năm, tuy nhiên, với năng lực tinh thần, chúng ta có thể nghĩ đến việc tạo lập ra những giá trị để lưu dấu lâu dài. Một ví dụ cụ thể mà chúng ta có thể tiến hành là đổi mới Hiến pháp nhằm thể hiện tầm nhìn mới, tầm nhìn lâu dài của lãnh đạo, làm cho Hiến pháp trở thành tài sản của mọi người dân Việt Nam – hôm nay và cả mai sau. Một Hiến pháp mà con cháu đời sau đều trân trọng giữ gìn. Đây thật sự là một tham vọng. Tại sao chúng ta không có tham vọng góp chung vào danh sách các thiên cổ hùng văn của dân tộc như Nam Quốc Sơn Hà (930 năm), Bình Ngô Đại Cáo (580 năm) (3) một áng văn để lại cho đời sau? Đặc biệt là khi vận hội thưc hiện tham vọng vừa hiện hữu vừa bức thiết.

Hơn nữa, trong điều kiện ngày nay, khi chúng ta tiếp thu tinh anh của thế giới, Hiến pháp của chúng ta sẽ làm thăng hoa tinh thần Việt, tinh thần học hỏi - vươn lên trong một ngàn năm mới. Lịch sử Hiến pháp của chúng ta tuy chưa dài nhưng không thiếu những kinh nghiệm và tinh thần đó, và bản Hiến pháp 1946 là một ví dụ sinh động. Tin rằng có một ngày, Hiến pháp Việt Nam sẽ như một lời hiệu triệu người Việt khắp nơi trên thế giới, không phân biệt tôn giáo, quốc tịch, không phân biệt chính kiến, không phân biệt Nam -Bắc, Đông Tây,…cùng chung lưng đấu cật, dù ở phương trời nào cũng canh cánh trong lòng một giấc mơ đưa đất nước tiến lên. Một Hiến pháp mà khi đọc nó, từng người dân, từng cô cậu bé cảm thấy vừa như được bảo vệ, vừa như được thôi thúc vươn lên. Đây có lẽ là một bước đầu cụ thể nhất của một thiên niên kỷ mới của dân tộc Việt, một thiên niên kỷ không chỉ để tồn tại mà còn để kiêu hãnh vượt lên.
---
 (1) http://www.time.com/time/nation/article/0,8599,1818037-2,00.html

  (2) “I am not an advocate for frequent changes in laws and Constitutions. But laws and institutions must go hand in hand with the progress of the human mind. As that becomes more developed, more enlightened, as new discoveries are made, new truths discovered and manners and opinions change, with the change of circumstances, institutions must advance also to keep pace with the times. We might as well require a man to wear still the coat which fitted him when a boy as civilized society to remain ever under the regimen of their barbarous ancestors.” Jefferson, Thomas Quick link http://quotationsbook.com/quote/44896/

  (3) Lý Thường Kiệt sáng tác Nam Quốc Sơn Hà năm 1077, Nguyễn Trãi sang tác Bình Ngô Đại Cáo năm 1428.
 
Nguồn: TẠP CHÍ TIA SÁNG

Giải phẫu cái tự ngã: cá nhân chọi với xã hội

Mỗi nền văn hoá có hệ thống khái niệm, phương thức cảm nhận riêng, mà người lạ phải rất khó khăn mới có thể hiểu được. Nếu muốn tìm hiểu tính cách Nhật, văn hoá Nhật đầy phức tạp thì không thể không biết đến những khái niệm phổ quát của nó.
Cuốn sách được chia làm ba phần: Các khái niệm cơ sở; Con người trong xã hội và Ý nghĩa của bí mật. Takeo Doi đặc biệt chú trọng đến việc giải thích sự liên kết giữa Omote (cái mặt bên ngoài, thấy được) và Ura (cái tình bên trong, không thấy được), hai khái niệm tiêu biểu cho lối nhìn sự vật độc đáo trong văn hóa Nhật, chi phối quan niệm tương tác ứng xử của người Nhật, dẫn tới tính phân hóa phức tạp giữa con người nội tâm và con người xã hội.

Người Nhật rất nhạy cảm với tính đa nghĩa của ngôn từ và hành vi. Bắt nguồn từ câu nói của Pascal: tính hai mặt của con người rõ ràng đến nỗi có kẻ nghĩ rằng chúng ta có hai tâm hồn, Takeo Doi viết nhiều về tâm hồn, cả phương Tây lẫn Nhật Bản, phân tích tâm lý người Nhật tham chiếu với tâm lý người phương Tây: “Và họ không bị đau khổ vì sự xung đột Kitô  giáo giữa tinh thần và thể xác, cũng không bị đè nặng bởi sự lưỡng phân của chủ thể và khách thể cố hữu trong truyền thống triết học phương Tây. Điều đó có thể đúng. Nhưng người Nhật lại bị khổ vì sự chia tách ý thức thành omote và ura, và chúng ta không được quên rằng, chúng ta tìm kiếm sự hợp nhất với thiên nhiên chính là vì nỗi khổ ấy.”

Ông đưa ra những thí dụ cực kỳ thú vị trong ứng xử hàng ngày, như cách mở quà của người Mỹ và người Nhật, để thể hiện những chiều kích ngầm của văn hoá: người Nhật có tục lệ bao gói quà bằng những lớp giấy và vải lụa đẹp đẽ, không mở quà trước mặt người tặng; trong khi đó người Mỹ cho rằng mở quà ngay lập tức và bộc lộ niềm vui được nhận quà mới là cách ứng xử thích hợp. Ví dụ này được liên hệ mở rộng với các khái niệm thần bí (shinpi), tâm (kokoro), u huyền (yūgen), hoa (hana), mặt nạ (o-men)..., dẫn tới kiến giải về sức mê hoặc của bí mật trong cách cảm nhận cuộc sống, tình yêu của người Nhật.

Cuốn sách chứa đựng nhiều khái niệm văn hóa học và mỹ học sâu sắc đa dạng, lại được viết bởi một ngôn ngữ rất trong sáng và tinh tế. Đặc biệt, người đọc có thêm rất nhiều phát hiện thú vị qua những tầng lớp ý nghĩa trong phẩm văn học kinh điển và hiện đại của Nhật Bản như Truyện kể Genji (Murasaki Shikibu); Cậu ấm ngây thơ; Kokoro (Natsume Soseki); Himitsu (Jun'ichirō Tanizaki)...

Chỉ dày hơn 200 trang, nhưng Giải phẫu cái tự ngã có thể kích phát một số lượng lớn ý tưởng trong đầu người đọc, nó cho người ta thấy sự vô tận của đời sống, của nghệ thuật và tâm hồn con người. Khám phá cái tự ngã để thấy sự hoà hợp với thiên nhiên quan trọng ở cả phương Tây lẫn phương Đông, trong cả xã hội cổ điển lẫn hiện đại. Mỗi cá nhân đều là bí ẩn, hiểu tự ngã để mở rộng tự ngã, để hưởng thụ vẻ đẹp của cuộc sống.

Takeo Doi sinh năm 1920 tại Tokyo, tốt nghiệp ĐH Tokyo năm 1942, giữ nhiều cương vị tại các đại học và học viện Mỹ, giảng dạy và nghiên cứu tâm thần học tại Mỹ, từng là lãnh đạo khoa tâm thần học bệnh viện St Luke Tokyo. Hiện ông là Giáo sư ĐH Kitô giáo quốc tế Tokyo và là nhà tâm thần học hàng đầu của Nhật.

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Tính thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản: Còn nhiều lỗ hổng

Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN - có hiệu lực từ 1-1-2009), thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) sẽ phải nộp thuế. Cách tính thuế chuyển nhượng BĐS được các chuyên gia đánh giá là có nhiều tiến bộ so với quy định cũ. Tuy nhiên, nhiều địa phương tỏ ra lúng túng khi tính thuế TNCN từ hoạt động này. Với thực trạng hệ thống đăng ký đất đai ở nước ta chưa kiểm soát được một người có bao nhiêu BĐS, việc thu đúng, thu đủ khoản thuế này vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Có quy định, vẫn khó thực hiện

Luật Thuế TNCN quy định, người có từ hai BĐS trở lên khi bán sẽ phải nộp thuế TNCN. Điều này đồng nghĩa với việc khi một người bán BĐS duy nhất sẽ được miễn thuế. Như vậy, luật đã quy định cụ thể đối tượng chịu thuế và miễn thuế khi chuyển nhượng BĐS. Song tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 30 của Chính phủ do Tổng cục Thuế tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều cục thuế địa phương phản ánh, việc thu khoản thuế này đang vướng mắc. Nguyên nhân là do ngành thuế còn lúng túng trong việc xác định đâu là BĐS duy nhất của người chuyển nhượng.

Đại diện Cục Thuế tỉnh Thái Bình cho biết, cơ quan thuế địa phương đang gặp nhiều khó khăn khi tính thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS. Nguyên nhân là do việc xác định cá nhân nào đó bán BĐS có phải là BĐS duy nhất hay không lại không thuộc thẩm quyền của cơ quan thuế. Trong khi đây là điều kiện quan trọng để xác định một hợp đồng chuyển nhượng BĐS nào đó có phải nộp thuế TNCN hay không?
Thực tế cũng cho thấy, nhiều hợp đồng mua, bán nhà đất hiện vẫn tồn tại theo hình thức viết tay giữa các cá nhân, nên không đủ căn cứ pháp lý để tính thuế. Bởi theo quy định, việc xác định căn cứ tính thuế thu nhập từ chuyển nhượng BĐS chỉ xảy ra khi hoạt động chuyển nhượng đã được cơ quan nhà nước chứng thực. Điều này khiến các cơ quan chức năng ở địa phương, nơi cá nhân mua bán BĐS cư trú, khó xác định người chuyển nhượng hiện có bao nhiêu BĐS và đâu là BĐS duy nhất.

Theo ông Nguyễn Huy Trường, Trưởng ban Quản lý thuế TNCN (Tổng cục Thuế), khó khăn hiện nay xuất phát từ việc hệ thống đăng ký đất đai của chúng ta chưa kiểm soát được một người hiện có bao nhiêu BĐS. Vì vậy, cơ quan thuế chưa xác định được những trường hợp có hai BĐS trở lên có chuyển nhượng nhà đất mà trốn thuế. Một khó khăn nữa là nếu một người có nhiều BĐS ở các địa phương khác nhau, việc kê khai trốn thuế hoàn toàn có thể xảy ra.
Được chọn cách nộp thuế có lợi nhất?

Bên cạnh những vướng mắc từ phía cơ quan thuế, nhiều người dân cũng băn khoăn trước việc tính thuế thu nhập khi chuyển nhượng BĐS. Ông Nguyễn Trường Sinh, một người dân ở quận Hoàng Mai cho biết: "Cách đây 10 năm, tôi mua một mảnh đất trị giá 120 triệu đồng. Đến nay, theo giá thị trường, mảnh đất đó có giá trị hơn 1 tỷ đồng. Khi tôi bán mảnh đất này, nếu tính thuế thu nhập từ BĐS bằng cách lấy giá bán trừ đi giá mua, sau đó tính thuế phần chênh lệch, thì người nộp thuế quá thiệt thòi...".
Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Trường cho biết, Luật Thuế TNCN đã đặt ra 2 lựa chọn với người nộp thuế chuyển nhượng BĐS. Cụ thể, họ có thể chọn cách nộp 25% tiền lãi thu được từ hoạt động chuyển nhượng (chênh lệch giá giữa mua và bán) hoặc nộp 2%/tổng giá trị chuyển nhượng BĐS ghi trên hợp đồng. Trong hai phương án này, người nộp thuế có thể chọn cách nộp thuế có lợi nhất cho mình. Việc áp thuế chuyển nhượng BĐS mức 25% được thực hiện với trường hợp cơ quan thuế xác định được thu nhập chịu thuế. Còn mức 2% sẽ áp dụng cho trường hợp không thể xác định được giá vốn (giá mua) của hoạt động chuyển nhượng và các chi phí liên quan làm cơ sở xác định thu nhập tính thuế. Trong trường hợp hai bên mua - bán cố tình khai mức giá bán thấp hơn thực tế, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào bảng giá đất do UBND các tỉnh, thành phố quy định tại thời điểm chuyển nhượng để tính mức thuế thu nhập phải nộp.
Trả lời vướng mắc của người dân về việc khi có một miếng đất duy nhất mà bán đi một nửa, có phải đóng thuế TNCN hay không, ông Nguyễn Duy Minh, Phó ban Quản lý thuế TNCN (Tổng cục Thuế) khẳng định, trường hợp này vẫn phải nộp thuế. Vì nguyên tắc BĐS duy nhất được hiểu là người có quyền sở hữu nhà, đất khi bán đi sẽ không còn chỗ nào để ở. Theo ông, mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc xác định thuế chuyển nhượng BĐS; song theo Luật Quản lý thuế, nếu phát hiện trường hợp trốn thuế, khai gian thuế, cá nhân đó sẽ bị truy thu, nộp phạt; thậm chí, vi phạm nặng thì sẽ bị truy tố hình sự.

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Phương thức thanh toán quốc tế - lợi ích và rủi ro

Trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, thu chi tiền hàng là quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của hai bên mua (nhập khẩu) và bán (xuất khẩu).
Vì vậy, khi đàm phán về phương thức thanh toán, các bên đều nỗ lực thỏa thuận điều kiện thanh toán có lợi cho mình. Không đề cập đến đồng tiền thanh toán, công cụ thanh toán, hay các thủ tục và quy trình thanh toán, mà bài viết này chỉ tập trung phân tích một số vấn đề liên quan đến lợi ích và rủi ro mà mỗi phương thức thanh toán mang lại cho nhà nhập khẩu hoặc nhà xuất khẩu và các gợi ý cân bằng lợi ích giữa hai bên để tham khảo.
 1. Phương thức chuyển tiền (remittance)
 * Trong giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế, theo phương thức này, nhà nhập khẩuyêu cầu ngân hàng của mình chuyển một số tiền nhất định cho nhà xuất khẩu (người hưởng lợi) ở một địa điểm nhất định bằng phương tiện chuyển tiền do nhà nhập khẩu quy định.
 * Phương thức chuyển tiền có thể là bộ phận của phương thức thanh toán khác như phương thức nhờ thu, tín dụng dự phòng, tín dụng chứng từ… nhưng cũng có thể là một phương thức thanh toán độc lập.

* Thực tế, nhiều trường hợp, nhà nhập khẩu sẽ không chuyển tiền hàng cho nhà xuất khẩu cho đến khi nhận đầy đủ hàng. Đây là một lợi thế của nhà nhập khẩu nhưng lại là rủi ro của nhà xuất khẩu khi hàng hóa đã được chuyển giao nhưng tiền hàng không được thanh toán, bị chậm trễ thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ. Tuy vậy, bên nhập khẩu cũng có thể gánh chịu rủi ro, đặc biệt trong trường hợp chuyển tiền trước khi giao hàng như: nhận toàn bộ tiền hàng trước khi giao hàng, đặt cọc, tạm ứng… Trong trường hợp này nhà nhập khẩu có thể sẽ phải gánh chịu rủi ro nếu tiền đã chuyển mà hàng không được giao đúng thời hạn, đúng chất lượng hoặc số lượng…
 Để phòng ngừa rủi ro các bên nên:
 - Xây dựng rõ lộ trình chuyển tiền: Ví dụ: chuyển trước bao nhiêu % tại thời điểm nào?; Thanh toán nốt phần còn lại tại thời điểm nào?…
 - Thỏa thuận thời điểm chuyển tiền trùng với thời điểm giao hàng.
 - Quy định rõ về phương tiện chuyển tiền, chi phí chuyển tiền ai chịu?
 2. Phương thức ghi sổ (open account)
 * Đây thực chất là một hình thức mua bán chịu. Phương thức này áp dụng trong mua bán hàng hóa quốc tế như sau: Nhà xuất khẩu (người ghi sổ) sau khi hoàn thành nghĩa vụ của mình (thường là nghĩa vụ giao hàng) quy định trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (hợp đồng cơ sở) sẽ mở một quyển sổ nợ để ghi nợ. Nhà nhập khẩu (người được ghi sổ), bằng một đơn vị tiền tệ nhất định và đến từng định kỳ nhất định do hai bên thỏa thuận, sử dụng phương thức chuyển tiền thanh toán cho người ghi sổ

* Phương thức này hoàn toàn có lợi cho nhà nhập khẩu (người được ghi sổ). Nhà xuất khẩu sẽ phải gánh chịu rủi ro khi bên nhập khẩu không thanh toán hoặc chậm trễ thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ.
 * Để hạn chế rủi ro, chỉ áp dụng phương thức này khi cả hai bên là các bạn hàng có mối quan hệ làm ăn lâu dài, thực sự tin cậy lẫn nhau. Để bảo đảm an toàn cho nhà xuất khẩu, các bên có thể áp dụng biện pháp bảo đảm như thư bảo lãnh ngân hàng, thư tín dụng dự phòng, đặt cọc…
 3. Phương thức nhờ thu (collection)
 * Phương thức nhờ thu là phương thức thanh toán mà bên có các khoản tiền từ các công cụ thanh toán (chủ nợ) ủy thác cho ngân hàng thu hộ tiền ghi trên công cụ thanh toán đó từ phía người nợ.
 * Các công cụ thanh toán quốc tế thường gồm: hối phiếu (bill of exchange); kỳ phiếu thương mại (Promissory Note), séc quốc tế (International cheque), hóa đơn thu tiền (Financial Invoice).
 * Bài viết này đề cập đến phương thức thanh toán trong hợp đồng mua bán quốc tế nên, chủ nợ là nhà xuất khẩu và người nợ là nhà nhập khẩu. Có hai phương thức nhờ thu là nhờ thu trơn và nhờ thu kèm chứng từ.
 3.1. Phương thức nhờ thu trơn (clean collection)
 * Phương thức nhờ thu trơn là một trong các phương thức thanh toán áp dụng trong hợp mua bán hàng hóa quốc tế mà trong đó nhà xuất khẩu ủy thác cho ngân hàng thu hộ tiền ghi trên công cụ thanh toán mà không kèm với điều kiện chuyển giao chứng từ.
 Trong quy trình nghiệp vụ của phương thức thanh toán này có một đặc điểm liên quan đến lợi ích của nhà xuất khẩu, cần đặc biệt lưu ý:
 * Nhà xuất khẩu giao hàng và gửi trực tiếp chứng từ cho nhà nhập khẩu. Như vậy thông thường hoạt động này diễn ra trước thời điểm thanh toán. Đây có thể là một bất lợi cho nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu chưa phải thanh toán tiền hàng nhưng đã nắm giữ được chứng từ để nhận hàng từ nhà chuyên chở nhưng sau đó cố ý chiếm dụng vốn, thanh toán chậm, thiếu, từ chối thanh toán. Ngân hàng chỉ là một tổ chức trung gian thu hộ và có thể bị nhà nhập khẩu từ chối.
 * Vì vậy, trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế cần hạn chế áp dụng phương thức này. Nếu áp dụng phương thức thanh toán này, thì chỉ nên áp dụng khi cả hai bên là đối tác tin cậy của nhau, đồng thời trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cần có các chế tài nghiêm ngặt để bảo đảm nhà nhập khẩu thanh toán. Ví dụ: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do không thanh toán, chậm thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ; chịu lãi suất chậm trả, chịu phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán…
 3.2. Phương thức nhờ thu kèm chứng từ (documentary collection)
 * Phương thức nhờ thu có kèm theo chứng từ là một trong các phương thức thanh toán áp dụng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà trong đó nhà xuất khẩu ủy thác cho ngân hàng thu hộ tiền ghi trên công cụ thanh toán với điều kiện sẽ giao chứng từ nếu nhà nhập khẩu thanh toán, chấp nhận thanh toán hoặc thực hiện các điều kiện khác đã quy định.
 Trong quy trình nghiệp vụ của phương thức thanh toán này có một điểm cần lưu ý:
 * Nhà xuất khẩu không giao trực tiếp chứng từ cho nhà nhập khẩu. Nhà nhập khẩu phải trả tiền thì Ngân hàng mới giao chứng từ để mang chứng từ đi nhận hàng. Như vậy, phương thức này bảo vệ được lợi ích của nhà xuất khẩu, tránh được tình trạng bị nhà nhập khẩu chiếm dụng vốn, chậm thanh toán, thanh toán không đầy đủ hoặc từ chối thanh toán.
 * Dưới đây là một mẫu điều khoản phương thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế:
 * “Bên mua thanh toán ngay khi hối phiếu do bên bán phát hành được xuất trình. Thanh toán xong giao chứng từ.”
 4. Phương thức ủy thác mua hàng (Authority to purchase – A/P)
 * A/P là một phương thức thanh toán áp dụng trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, theo đó Ngân hàng của nhà nhập khẩu, theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, ra văn bản yêu cầu ngân hàng đại lý ở nước xuất khẩu phát hành một A/P cam kết sẽ mua hối phiếu của nhà xuất khẩu ký phiếu với điều kiện chứng từ xuất trình phù hợp với các điều kiện đặt ra trong A/P và phải được đại diện của nhà nhập khẩu xác nhận thanh toán.
 * Phương thức này áp dụng chủ yếu trong các hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị, các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ cao.
 * Bản chất của phương thức này là nhà nhập khẩu thông qua ngân hàng của mình ở nước nhập khẩu chuyển tiền sang một ngân hàng ở nước xuất khẩu để ủy thác cho ngân hàng này trả tiền hối phiếu của nhà xuất khẩu ký phát.
 Có hai cách thức chuyển tiền sang ngân hàng của nước xuất khẩu để mua hàng:

* Một là, nhà nhập khẩu thông qua ngân hàng của mình chuyển tiền đặt cọc 100% sang ngân hàng nước xuất khẩu để ngân hàng này phát hành A/P.
 * Hai là, nhà nhập khẩu yêu cầu ngân hàng của mình phát hành A/P cho ngân hàng đại lý ở nước xuất khẩu hưởng và đặt cọc 100% trị giá của A/P. Trên cơ sở A/P đó, ngân hàng nước xuất khẩu phát hành một A/P đối ứng cho người thụ hưởng là nhà xuất khẩu.
 Về điều kiện chứng từ của nhà xuất khẩu gồm có:
 1. Hối phiếu hoặc hóa đơn của nhà xuất khẩu xuất trình phải được đại diện của nhà nhập khẩu tại nước xuất khẩu đồng ý thanh toán.
  2. Các chứng từ xuất trình phải phù hợp với Hợp đồng mua bán hàng hóa mà hai bên đã ký kết.
 * Phương thức thanh toán này khá an toàn cho nhà xuất khẩu nhưng ngược lại sẽ có nhiều bất lợi cho nhà nhập khẩu khi mà tiền đã xuất ra nhưng chưa chắc đã nhận được hàng hoặc nhận được hàng kém chất lượng hoặc bị giao hàng chậm trễ. Để hạn chế rủi ro cho mình, nhà nhập khẩu cần đưa ra những điều kiện cụ thể, nội dung, quy trình thanh toán chi tiết nếu áp dụng phương thức A/P để tránh bất lợi cho mình sau này.
 5. Phương thức tín dụng chứng từ (Letter of Credit – L/C)
 * Theo phương thức này thì một ngân hàng (ngân hàng mở thư tín dụng), theo yêu cầu của khách hàng (bên yêu cầu mở thư tín dụng) sẽ trả một số tiền nhất định cho một người khác (người hưởng lợi số tiền của thư tín dụng) hoặc chấp nhận hối phiếu do người này ký phát trong phạm vi số tiền đó khi người này xuất trình cho ngân hàng một bộ chứng từ thanh toán phù hợp với những qui định của thư tín dụng.
 5.1. Bản chất pháp lý của thư tín dụng (L/C)
 * Thực chất trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, phương thức thanh toán thư tín dụng đã chuyển trách nhiệm thanh toán từ nhà nhập khẩu sang ngân hàng bảo đảm nhà xuất khẩu giao hàng và nhận tiền hàng an toàn, nhanh chóng, nhà nhập khẩu nhận được hóa đơn vận chuyển hàng đúng hạn. Vì vậy, ở một mức độ nhất định, L/C là phương thức thanh toán cân bằng được lợi ích của cả hai bên xuất khẩu và nhập khẩu và giải quyết được mâu thuẫn không tín nhiệm nhau của cả hai bên. Vì vậy, phương thức này được sử dụng phổ biến trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.
 * Đây là một phương thức thanh toán khá an toàn, tuy nhiên, trong quá trình áp dụng các bên cần lưu ý các đặc điểm pháp lý sau đây của thư tín dụng để tránh áp dụng sai, gây thiệt hại cho chính bản thân mình.
 (1). L/C là một khế ước độc lập với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (hợp đồng cơ sở)
 * L/C được hình thành trên cơ sở hợp đồng cơ sở (hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ,…) nhưng khi được phát hành nó hoàn toàn độc lập với hợp đồng cơ sở. Ngân hàng mở thư tín dụng và các ngân hàng khác tham dự vào nghiệp vụ thư tín dụng chỉ làm theo quy định của thư tín dụng.
 (2). Thư tín dụng là một “kiểu mua bán chứng từ”

* Theo Điều 5 của UPC600 thì: “Các ngân hàng giao dịch trên cơ sở các chứng từ chứ không phải bằng hàng hóa, dịch vụ hoặc các thực hiện khác mà các chứng từ có liên quan”.
 * Như vậy Ngân hàng có nghĩa vụ thanh toán cho nhà xuất khẩu khi họ xuất trình được các chứng từ phù hợp với các điều kiện và điều khoản qui định trong L/C. Ngân hàng không được phép lấy lý do bên mua chưa nhận hàng để từ chối thanh toán nếu chứng từ mà bên bán xuất trình phù hợp với các điều kiện và điều khoản quy định trong L/C.
 5.2. Những vấn đề lưu ý khi sử dụng L/C
 * Thanh toán bằng L/C là một phương thức tương đối an toàn cho cả nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả L/C, đồng thời để bảo đảm lợi ích của mình khi sử dụng L/C như là một phương thức thanh toán, các bên nên lưu ý một số vấn đề được nêu sau đây.
 * Đối với nhà nhập khẩu thì phải làm thủ tục soạn và nộp đơn yêu cầu phát hành thư tín dụng. Thực ra đơn yêu cầu phát hành thư tín dụng theo mẫu chuẩn quốc tế (Standafo, Standaci) nên nhà nhập khẩu chỉ phải điền nội dung cần thiết vào chỗ trống và xóa đi những thông tin không cần thiết. Để bảo đảm tính chính xác của đơn và sau này là thư tín dụng (L/C), nhà nhập khẩu phải dựa trên cơ sở các nội dung của Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế để lập đơn, tránh mọi sự sai khác.

* Đặc biệt lưu ý đối với nhà xuất khẩu (người thụ hưởng trong L/C), cần phải kiểm tra kỹ lưỡng thư tín dụng. Bởi vì nếu có sự không phù hợp giữa L/C và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà nhà xuất khẩu không phát hiện ra được mà cứ tiếp tục giao hàng thì nhà xuất khẩu sẽ khó đòi được tiền hoặc ngược lại nếu từ chối giao hàng thì vi phạm hợp đồng.
 * Cơ sở để kiểm tra L/C là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (hợp đồng cơ sở). L/C phải phù hợp với hợp đồng cơ sở và không được trái với các nội dung của hợp đồng cơ sở. Đối với các hợp đồng có các sửa đổi, bổ sung thì cần cẩn trọng kiểm tra nội dung của hợp đồng gốc và hợp đồng sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra cơ sở pháp lý điều chỉnh L/C thông thường là UCP 600, ISBP 681, eUCP 1.1 và URR 525 1995. Do vậy cần đánh giá hình thức và nội dung của L/C trên cơ sở luật áp dụng.
 * Về mặt nội dung của L/C, cần kiểm tra kỹ lưỡng các nội dung sau: số tiền của L/C; ngày hết hạn hiệu lực của L/C; địa điểm hết hạn hiệu lực của L/C; loại L/C (thông thường là thư tín dụng không hủy ngang (Đối với nhà xuất khẩu thì nên chọn L/C không hủy ngang cùng với điều kiện miễn truy đòi và nếu được xác nhận thì càng tốt)); thời hạn giao hàng; cách thức giao hàng; cách vận tải; chứng từ thương mại; hóa đơn; vận đơn; đơn bảo hiểm.
 * Khi phát hiện ra nội dung của L/C không phù hợp với hợp đồng cơ sở hoặc trái với luật áp dụng hoặc không có khả năng thực hiện, nhà xuất khẩu phải yêu cầu nhà nhập khẩu làm thủ tục sửa đổi, bổ sung L/C. Trong trường hợp sự sai sót trong L/C không quá nghiêm trọng thì nhà xuất khẩu và ngân hàng có thể phối hợp tìm hướng giải quyết như nhà xuất khẩu soạn thư bảo đảm chịu trách nhiệm về bộ chứng từ thanh toán gửi ngân hàng phát hành L/C, hoặc thông qua đại diện của nhà nhập khẩu xin chấp nhận thanh toán và gửi ngân hàng phát hành L/C… hoặc chuyển sang phương thức thanh toán khác như phương thức nhờ thu hoặc đòi và hoàn trả tiền bằng điện…
 * Nói tóm lại L/C với nội dung phù hợp với hợp đồng cơ sở và không trái luật áp dụng sẽ bảo đảm quyền lợi cho cả nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu.
 6. Bảo lãnh và Tín dụng dự phòng
 * Thực chất bảo lãnh và tín dụng dự phòng là các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng.
 * Bảo lãnh là việc người thứ a (người bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (người nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (người được bảo lãnh) nếu khi đến thời hạn mà người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Trong giao dịch xuất nhập khẩu thường có các bảo lãnh: bảo lãnh thực hiện hợp đồng; bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước (hoặc tiền đặt cọc); bảo lãnh bảo hành máy móc, thiết bị; bảo lãnh nhận hàng chưa có vận đơn gốc; bảo lãnh thanh toán
 * Thư tín dụng dự phòng là cam kết không hủy ngang, độc lập, bằng văn bản và ràng buộc khi được phát hành. Trong đó người phát hành cam kết với người thụ hưởng thanh toán chứng từ xuất trình trên bề mặt phù hợp với các điều khoản và điều kiện của thư tín dụng dự phòng theo đúng quy tắc. Người phát hành phải thanh toán chứng từ xuất trình bằng việc chuyển số tiền theo phương thức trả tiền ngay, hoặc chấp nhận hối phiếu của người thụ hưởng hoặc cam kết trả tiền sau hoặc chiết khấu….
 * Bảo lãnh hoặc thư tín dụng dự phòng được sử dụng kết hợp với các phương thức thanh toán khác để tăng độ an toàn cho các bên. Do vậy, trong các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế, đặc biệt đối với các hàng hóa có giá trị lớn như máy móc, thiết bị các bên cũng nên xem xét và áp dụng các biện pháp bảo lãnh hoặc thư tín dụng dự phòng.

Phương thức giao chứng từ nhận tiền ngay (CAD or COD)

CAD Cash against documents , hay COD: Cash on delivery là phương thức thanh toán trong đó tổ chức nhập khẩu dựa trên cơ sở hợp đồng ngọai thương sẽ yêu cầu ngân hàng bên xuất khẩu mở một tài khoản tín thác (Trust account) để thanh toán tiền cho tổ chức xuất khẩu xuất trình đầy đủ chứng từ theo thỏa thuận. 
Qui trình thanh toán
* Nhà nhập khẩu yêu cầu ngân hàng mở cho mình một tài khỏan tín thác, số dư tài khỏa bằng 100% trị gía hợp đồng và nó được dùng để thanh toán cho nhà xuất khẩu, theo đúng bản ghi nhớ (Memorandum) thỏa thuận giữa nhà nhập khẩu và ngân hàng .
* Ngân hàng thông báo cho nhà xuất khẩu biết .
* Nhà xuất khẩu giao hàng cho người nhập khẩu theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng .
* Nhà xuất khẩu lập chứng từ xuất trình cho ngân hàng.
* Ngân hàng kiểm tra chứng từ , đối chiếu với bản ghi nhớ ,nếu phù hợp thì thanh toán cho nhà xuất khẩu.
* Ngân hàng chuyển bộ chứng từ cho nhà nhập khẩu và quyết toán tài khoản tín thác.
Nhận xét :
Phương thức này được áp dụng trong trường hợp :
Nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu phải tin tưởng nhau.
Hàng hóa thuộc loại khan hiếm
Nhà nhập khẩu phải có đại diện bên nước nhà xuất khẩu vì trong bộ chứng từ mà nhà nhập khẩu yêu cầu nhà xuất khẩu xuất trình có giấy chứng nhận của đại diện người mua về việc giao hàng hóa
ưu điểm
- Thủ tục thanh toán đơn giản.
- Chuyển từ Ngân hàng phục vụ Người Mua qua Người Bán nhanh.
- Người Bán thanh toàn bằng phương thức này rất có lợi :giao hàng xong là được tiền ngay, Bộ chứng từ xuất trình giản.
Nhược điểm
- Người Mua phải có đại diện hay chi nhánh ở nước Người Bán vì phải xác nhận hàng hoá trước khi gửi.
- Việc kí quỹ để thực hiện CAD, sẽ dẫn đến ứ đọng vốn tại Ngân hàng, Nếu người Bán ko giao hàng thì tiền kí quỹ sẽ ko được hưởng lãi xuất

Hình thức chuyển tiền trong thanh toán quốc tế

1. Khái niệm
Thanh toán trực tiếp là hình thức thanh toán theo đề nghị của Bên vay, nhà tài trợ sẽ chuyển tiền thanh toán trực tiếp cho nhà thầu/người cung cấp. Hình thức này thường áp dụng trong các trường hợp thanh toán theo tiến độ thực hiện cho các hợp đồng xây lắp lớn, hợp đồng tư vấn hay thanh toán cho các hợp đồng nhập khẩu hàng hoá với số lượng nhỏ không cần thiết phải mở L/C.
Ðối với các dự án JBIC tài trợ thì hình thức này gọi là hình thức rút vốn chuyển tiền và chỉ áp dụng đối với các đơn rút vốn bằng Ðồng Việt Nam.
1.1 Ðể rút vốn thanh toán trực tiếp từng lần Ban Quản lý dự án gửi các tài liệu sau đến Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại):
Ðơn rút vốn và các sao kê đi kèm theo mẫu quy định và công văn đề nghị rút vốn;
Hoá đơn/yêu cầu thanh toán của nhà thầu;
Phiếu giá thanh toán đã được Cơ quan kiểm soát chi xác nhận . Trường hợp thanh toán tạm ứng phải có phiếu giá thanh toán tạm ứng được Cơ quan kiểm soát chi xác nhận.
Trong những trường hợp đặc biệt, Bộ Tài chính có thể yêu cầu Ban Quản lý dự án cung cấp các tài liệu giải trình bổ sung.
1.2 Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Ðối ngoại) sẽ xem xét và ký đơn rút vốn gửi nhà tài trợ.
Ðối với các dự án do WB và ADB tài trợ, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Ðối ngoại) có ý kiến bằng văn bản gửi Ban quản lý dự án và ngân hàng phục vụ. Trong vòng 2 ngày làm việc, kể từ khi có ý kiến của Bộ Tài chính, Ngân hàng phục vụ cùng Ban quản lý dự án ký vào đơn rút vốn và gửi nhà tài trợ.
Nhà tài trợ xem xét đơn xin rút vốn nếu chấp nhận sẽ chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của nhà thầu. Ðối với dự án JBIC việc chuyển tiền thanh toán vào tài khoản của nhà thầu sẽ thông qua ngân hàng phục vụ.
2. Quy trình rút vốn theo thủ tục Thư cam kết, hoặc thanh toán bằng L/C không cần thư cam kết:
2.1 Thủ tục thư cam kết là hình thức theo đề nghị của bên vay, nhà tài trợ phát hành một Thư cam kết đảm bảo trả tiền cho ngân hàng thương mại đối với khoản tiền đã hay sẽ thanh toán bằng Thư tín dụng (L/C).
Hình thức này thường áp dụng trong trường hợp thanh toán hàng nhập khẩu bằng L/C và thanh toán phần ngoại tệ trong các hợp đồng của các dự án JBIC.
Ban Quản lý dự án gửi đến Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Ðối ngoại) các tài liệu sau:
- Công văn đề nghị Bộ Tài chính cho phép mở L/C và đề nghị phát hành Thư cam kết kèm Ðơn xin rút vốn và các sao kê theo mẫu quy định (Ðối với dự án của JBIC không yêu cầu nộp Ðơn xin rút vốn và các sao kê).
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, căn cứ vào công văn đề nghị và quy định trong hợp đồng, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Ðối ngoại) xem xét có văn bản chấp thuận mở L/C gửi Ban Quản lý dự án và ngân hàng phục vụ. Căn cứ vào ý kiến đồng ý của Bộ Tài chính, trong vòng 2 ngày làm việc, kể từ khi có ý kiến của Bộ Tài chính, Ngân hàng phục vụ làm thủ tục đề nghị ngân hàng phục vụ nước ngoài mở L/C và thông báo cho nhà tài trợ đề nghị phát hành thư cam kết (trường hợp dự án JBIC) hoặc cùng Ban quản lý dự án ký vào đơn rút vốn gửi nhà tài trợ ( trường hợp dự án của WB, ADB).
Nhà tài trợ xem xét thư đề nghị hoặc đơn xin rút vốn, nếu chấp nhận sẽ phát hành Thư cam kết.
2.2 Thanh toán bằng L/C không cần thư cam kết (áp dụng đối với một số dự án tài trợ song phương):
Ban Quản lý dự án gửi đến Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Ðối ngoại) các tài liệu sau:
- Công văn đề nghị Bộ Tài chính cho phép mở L/C .
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận mở L/C gửi Ban quản lý dự án và ngân hàng phục vụ.

Các phương thức thanh toán quốc tế trong kinh doanh

Trong kinh doanh ngày nay, thanh toán quốc tế đang ngày trở nên phổ biến. Những phương thức thanh toán truyền thống như tiền mặt đã dần được thay thế bằng những phương thức thanh toán hiện đại hơn, nhanh chóng hơn.
Bạn thử hình dung nếu bạn có quan hệ đối tác làm ăn với các thương nhân nước ngoài mà bạn không có các phương thức thanh toán quốc tế thì sẽ như thế nào? Hẳn là không thể kinh doanh được rồi.
Những phương thức thanh toán quốc tế ngày nay ngày càng nhiều. Các doanh nhân sử dụng chúng cũng một cách thông dụng hơn trong hoạt động giao thương của mình. Nhưng do tính chất đặc biệt của nó nên rất dễ gặp rủi ro. Chẳng hạn như mới đây hãng Acama, một hãng chuyên nhập khẩu đồ gỗ nội thất của Mỹ khi nhận một hoá đơn thanh toán theo phương thức nhờ thu của đối tác nước ngoài. Acama đã theo những chỉ dẫn chung đã thực hiện việc chuyển tiền qua ngân hàng, nhưng do chưa tìm hiểu kỹ càng ngân hàng nhờ thu nên đã mất không một khoản tiền. Không những thế Acama còn bị phạt Hợp đồng vì thành toán muộn.
Đó chỉ là một trong rất nhiều các trường hợp doanh nghiệp gặp phải rủi ro trong quá trình thanh toán quốc tế. Yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp là cần có kiến thức vững chắc về phương thức thanh toán quốc tế nhất định được áp dụng trong từng lần giao thương.
1) Phương thức chuyển tiền:
Khi có một khách hàng (người trả tiền) yêu cầu ngân hàng phục vụ mình chuyển một số tiền nhất định cho một người khác ( người thụ hưởng) ở một địa điểm nhất định thì gọi là chuyển tiền của ngân hàng.
Để thực hiện việc chuyển tiền thì ngân hàng chuyển tiền phải thông qua đại lý của mình ở nước người thụ hưởng.
Phương thức chuyển tiền có thể thực hiện bằng hai cách:
- Chuyển tiền bằng điện
- Chuyển tiền bằng thư
Hai cách chuyển tiền trên chỉ khác nhau ở chỗ là: chuyển tiền bằng điện nhanh hơn chuyển tiền bằng thư, nhưng chi phí chuyển tiền bằng điện cao hơn.
Tiền chuyển đi có thể là tiền của nước người thụ hưởng hoặc là tiền của nước người trả hoặc là tiền của nước thứ ba. Nếu là tiền của nước người thụ hưởng và tiền của nước thứ ba thì gọi là thanh toán bằng ngoại tệ. Trong trường hợp thanh toán bằng ngoại tệ thì người chuyển tiền phải mua ngoại tệ theo tỷ giá hối đoái của nước đó.
Phương thức chuyển tiền ít được sử dụng trong thanh toán thương mại quốc tế. Nó được sử dụng chủ yếu trong thanh toán phi mậu dịch, cũng như các dịch vụ có liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hoá như cước vận tải, bảo hiểm, bồi thường...
2) Phương thức nhờ thu: Người xuất khẩu sau khi hoàn thành nhiệm vụ xuất chuyển hàng hoá cho người nhập khẩu thì uỷ thác cho ngân hàng phục vụ mình thu hộ số tiền ở người nhập khẩu trên cơ sở hối phiếu do mình lập ra.
Các thành phần chủ yếu tham gia phương thức thanh toán này như sau:
- Người xuất khẩu
- Ngân hàng phục vụ người xuất khẩu
- Ngân hàng đại lý của ngân hàng phục vụ người xuất khẩu (đó là ngân hàng quốc gia của người nhập khẩu)
- Người nhập khẩu
Phương thức nhờ thu được phân ra làm hai loại như sau:
- Nhờ thu phiếu trơn: Người xuất khẩu sau khi xuất chuyển hàng hoá, lập các chứng từ hàng hoá gửi trực tiếp cho người nhập khẩu (không qua ngân hàng), đồng thời uỷ thác cho ngân hàng phục vụ mình thu hộ tiền trên cơ sở hối phiếu do mình lập ra.
Phương thức thanh toán này ít được sử dụng trong thanh toán thương mại quốc tế vì nó không đảm bảo quyền lợi cho người xuất khẩu.
- Nhờ thu kèm chứng từ: là phương thức trong đó người xuất khẩu uỷ thác cho ngân hàng thu hộ tiền ở người nhập khẩu, không những chỉ căn cứ vào hối phiếu mà còn căn cứ vào bộ chứng từ hàng hoá, gửi kèm theo với điều kiện là người nhập khẩu trả tiền hoặc chấp nhận hối phiếu có kỳ hạn, thì ngân hàng mới trao bộ chứng từ hàng hoá để đi nhận hàng.
Theo phương thức này ngân hàng không chỉ là người thu hộ tiền mà còn là người khống chế bộ chứng từ hàng hoá. Với cách khống chế này quyền lợi của người xuất khẩu được đảm bảo hơn.


Ls Phan Khắc Nghiêm
0988 505 572

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Danh hiệu

Trong Đạo đức kinh Lão Tử có viết “Danh khả danh phi thường danh” (Cái danh có thể đặt ra để gọi không phải là cái danh thường hằng). Câu ấy nửa đúng nửa sai, nhưng rõ ràng danh hiệu là nơi đan xen các yếu tố triết học và ngôn ngữ, văn hóa và chính trị, không thể khinh suất hay tùy tiện đến nỗi dẫn tới những trường hợp phi luân phi loại như gọi Hùng Vương là Quốc tổ mà gọi Âu Cơ là Quốc mẫu (mẹ lại sinh ra ông nội!).
Sau tháng 4. 1975 Quân giải phóng miền Nam được cải tổ và hợp nhất với quân đội cả nước, một bộ phận tiếp tục phục vụ trong quân đội, một bộ phận được giải ngũ, nhưng tất cả đều phải phong cấp bậc quân hàm để bố trí công tác hay đãi ngộ phù hợp, lúc ấy có chủ trương cho từng cá nhân viết lý lịch, thành tích và tự phong cấp bậc. Có một người thoát ly chiến đấu từ 1964, đang là Trung đội trưởng, bạn bè cùng lứa đều ở cấp bậc cao hơn, trong lòng xốn xang mà không tiện nói ra, không dám tự phong là Đại đội trưởng nhưng tự phong là Đại đội phó lại thấy ép lòng, vò đầu bứt tai suốt mấy hôm, sau cùng nộp bản khai trong đó chỗ tự phong ghi thêm hai chữ ngoài quy định mà cán bộ tổ chức hay cán bộ quân lực thời ấy bất kể là ai đọc thấy cũng cười sặc lên “Đại đội phó BẬC CỨNG”.

Chuyện này kể ra để cười chứ hoàn toàn không có ý nhạo báng, vì thực tế Quân giải phóng miền Nam sau chiến tranh không thể hoàn toàn phù hợp với khung phân loại của quân đội chính quy ở miền Bắc, hai chữ Bậc cứng kia vì thế nói cho cùng cũng là một cách điều chỉnh mang tính tự phát nhưng có lý do chính đáng của một người muốn khẳng định mình trong một hệ thống danh hiệu chưa thật phù hợp. Cho nên khía cạnh đáng suy ngẫm của câu chuyện này là, trong quan hệ giữa con người hay nói rộng ra là thực tế đời sống với hệ thống danh hiệu, nếu một trong hai yếu tố ấy có vấn đề là lập tức phát sinh các tấn bi hài kịch.

Là nói theo logic thế thôi, chứ ở xứ ta khoảng hai mươi năm nay thì cả hai yếu tố ấy đều có vấn đề, thế mới chết... Cho nên chung quanh quan hệ này đã xuất hiện ngày càng nhiều các tấn bi hài kịch đã đành, mà còn có cả xú kịch nữa.

Còn nhớ cuối 1977 vừa bảo vệ Luận văn tốt nghiệp Đại học, ông già ra Bắc dự Đại hội Đảng IV vào trường thăm, bạn học đưa lên chỗ các thầy chơi rồi ra quán nước tìm gọi về, vào tới thì người đang nói về Đại hội “Anh Ba và anh Sáu chủ trương...”. Thấy liệt vị sư phụ đều ngẩn ra, vội nói leo để giải thích “Thưa các thầy, ba em là nói ông Lê Duẩn và ông Lê Đức Thọ đấy”. Đương sự gật đầu nói “Phải, anh Ba Duẩn với anh Sáu Thọ”, liếc thấy liệt vị sư phụ đều mắt tròn mắt dẹt, nghĩ thầm ba lỡ bộ rồi, hiện thực lãnh đạo miền Bắc nó khác tập quán kháng chiến miền Nam, đừng nói là các thầy tôi, cỡ Bí thư Tỉnh ủy ở miền Bắc cũng không dám sau lưng khơi khơi gọi hai vị ấy là anh như ba đâu, nhưng thật lòng thì rất không thích nếu ông già nói “Đồng chí X và đồng chí Y rất kính mến của chúng ta chủ trương…”. Hay năm 1983 cùng người khác làm một quyển sách nhờ Giáo sư Trần Văn Giàu viết cho Lời giới thiệu, đánh máy xong đem qua xin ông ký tên để giao cho cơ quan xuất bản, hỏi thêm một câu “Thưa, ký là Trần Văn Giàu hay Giáo sư Trần Văn Giàu?”, ông thản nhiên nhìn lên trần nhà nói “Trần Văn Giàu là đủ, Việt Nam có nhiều Giáo sư lắm nhưng chỉ có một Trần Văn Giàu thôi”, vội vàng vâng dạ, lại càng hâm mộ ngạo khí ở một đại nhân vật không thèm dựa vào danh hiệu.

Nhưng vật đổi sao dời, vào những năm 80 của thế kỷ trước có một cuộc vận động đổi mới trong lãnh vực danh hiệu quan phương, chẳng hạn chức vụ Thủ tướng đổi gọi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Tiến sĩ đổi gọi là Tiến sĩ. Chuyện ấy vốn vô hại, tiếc là nhiều nhà lãnh đạo đương thời không nghĩ sâu về quy luật: Người trên mà ưa thích, kẻ dưới sẽ làm quá, thành ra kết quả là nhiều người hăm hở đi tìm danh hiệu. Có điều danh hiệu đâu dễ mà tùy tiện đặt ra được, ngay danh hiệu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mang tính pháp quy hẳn hoi kia cũng đã phải tuyệt tích hơn chục năm nay. Nhưng lối tư duy coi trọng hình thức này đã tràn từ chính giới ra văn giới và nhất là học giới, nên xuất hiện tình trạng chui vào các danh hiệu vốn có nhưng ít chặt chẽ về nội dung. Ai cũng có thể trở thành nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch giả, nhà từ điển học (!), nhà Kiều học, nhà Hà Nội học vân vân, thậm chí có người đóng tiền gia nhập một cái hội quần chúng nhưng tự xưng là “Viện Hàn lâm” ở nước ngoài, khi nhận được giấy chứng nhận hội viên – “Viện sĩ” thì in thiệp mời tổ chức ăn khao ầm ĩ. Không biết bao nhiêu rác rưởi được gọi là tác phẩm, công trình, giáo trình, từ điển này nọ đã bị quăng ra xã hội bởi đám người này, không biết bao nhiêu vụ lừa đảo trộm cắp làm ô uế không khí văn nghệ và học thuật Việt Nam đã được thực hiện bởi đám người này, cũng không biết bao nhiêu hành vi lố bịch của họ đã diễn ra một cách trịnh trọng cả trước mắt văn giới học giới báo giới người nước ngoài nữa!

Tuy nhiên trên đây chỉ là chuyện dở chuyện xấu của một số cá nhân, cũng chưa đáng gì. Đáng nói hơn là phong khí hiếu danh nói trên không những đã lan tràn trong thiết chế chính thống mà còn được chính thống hóa trong khu vực quan phương.

Chủ trương cải cách hành chính trong đó có việc tiêu chuẩn hóa cán bộ bằng bằng cấp học vị đã quét sạch những day dứt liêm sỉ sau cùng của nhiều cán bộ công chức thiếu tài năng và nghèo bản lĩnh. Học giả mua bằng, học giả bằng thật, chạy thầy xin điểm hay thậm chí hối lộ hội đồng chấm thi, sao chép cắt dán, thuê viết luận văn... để có danh hiệu Thạc sĩ, Tiến sĩ và nhiều thứ khác diễn ra ở khắp nơi và như cơm bữa. Và theo quy luật Kiệu hoa lộng lẫy người khiêng người, họ phải che chở cho nhau, tâng bốc lẫn nhau trước mặt người ngoài, đóng một vở kịch Lừa bịp và Kiếm chác không có màn kết thúc. Một số danh hiệu pháp quy bị đánh tráo nội dung nhưng một cách hợp pháp nên ngày càng biến dạng và méo mó. Rồi sàng lia nia hứng, thói sính danh hiệu tán phát ra sinh hoạt ngoài quan trường được thị trường tán thưởng và hàng hóa hóa còn tạo ra một lối ứng xử “danh bản vị” khá phản cảm. Ví dụ gần đây có người in cả chức vụ lên thiệp cưới của con trai.

Những di phong ít lành mạnh này chắc sẽ còn kéo dài rất lâu, vì nó đã bám rễ vào sinh hoạt xã hội khá sâu như các danh hiệu Cử nhân tài năng, Nông dân chất lượng cao hay Hoa hậu các kiểu…

Đất nước càng phát triển càng hội nhập thì càng cần có thêm nhiều danh hiệu, nên những người có quyền hạn về chuyện danh hiệu thận trọng hơn thì hay…

(Theo Tạp chí Tia Sáng)

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

HOÀN THIỆN CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ NHÀ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Bảo vệ nhà đầu tư là vấn đề có tính quyết định đến sự tồn tại và phát triển của thị trường chứng khoán còn rất non trẻ như ở nước ta hiện nay, nhất là trong điều kiện chúng ta bắt đầu tham gia WTO đồng nghĩa với sự tham gia của các đối tác rất có tiềm lực và kinh nghiệm từ các nước. Để bảo vệ nhà đầu tư, đồng thời với việc không ngừng hoàn thiện pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, cần đặc biệt coi  trọng việc hoàn thiện các biện pháp pháp luật bảo vệ họ một cách đồng bộ, bao gồm cả các biện pháp pháp luật có liên quan như hành chính, dân sự, hình sự…
1. Biện pháp hành chính
Theo quy định của Luật Chứng khoán (LCK) Luật Chứng khoán sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007., các biện pháp hành chính được áp dụng bao gồm các biện pháp quản lý và các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, cụ thể như sau:
1.1. Biện pháp quản lý
a. Quản lý việc chào bán chứng khoán ra công chúng
Khi nhà đầu tư (NĐT) mua các chứng khoán (CK) được chào bán tức là nhà đầu tư đã chuyển giao một khoản tiền cho tổ chức phát hành và đổi lại, NĐT  được sở hữu các CK – bằng chứng về quyền tài sản (quyền sở hữu vốn trong công ty cổ phần hoặc quyền chủ nợ) và được hưởng những lợi ích mà chứng khoán đó mang lại. Chất lượng và giá trị của CK hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả hoạt động của tổ chức phát hành và sự biến động của thị trường. Tuy nhiên, NĐT không thể trực tiếp kiểm tra chất lượng và đánh giá được giá trị của CK như đối với các loại hàng hoá thông thường khác mà chỉ căn cứ vào các thông tin liên quan đến tổ chức phát hành và đợt phát hành để đánh giá giá trị của chứng khoán khi quyết định đầu tư. Do đó, nếu tổ chức phát hành hoạt động kém hiệu quả hoặc cố ý đưa ra những thông tin không chính xác về tình hình tài chính và đợt phát hành thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của NĐT  nói riêng cũng như sự an toàn và hiệu quả của thị trường CK nói chung. Chính vì vậy, pháp luật đã đặt ra những quy định nhằm quản lý chặt chẽ việc chào bán CK ra công chúng.

Theo quy định của LCK , cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước đối với hoạt động chào bán CK là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động chào bán CK ra công chúng bao gồm việc cấp Giấy chứng nhận chào bán CK ra công chúng, xem xét gia hạn việc phân phối CK , yêu cầu báo cáo kết quả đợt chào bán, đình chỉ hoặc huỷ bỏ chào bán CK ra công chúng… những nội dung này được quy định tại Chương II của LCK . Tuy nhiên, LCK  chưa quy định cụ thể các hình thức chào bán CK  ra công chúng cũng như các điều kiện chào bán cụ thể đối với từng hình thức chào bán, nhất là việc chào bán CK trong một số trường hợp đặc biệt (như chào bán CK của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, chào bán CK của các tổ chức tài chính quốc tế). Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành LCK  để hướng dẫn cụ thể các vấn đề này.
b. Quản lý công ty đại chúng
Để bảo vệ quyền lợi của NĐT khi họ tham gia đầu tư vào cổ phiếu của các công ty đại chúng, LCK  quy định công ty đại chúng phải thực hiện nghĩa vụ nộp Hồ sơ công ty đại chúng cho UBCKNN theo quy định tại khoản 2 Điều 25 và Điều 26 LCK . UBCKNN có trách nhiệm công bố tên, nội dung kinh doanh và các thông tin khác liên quan đến công ty đại chúng trên phương tiện thông tin của UBCKNN. Đây chính là nguồn thông tin làm cơ sở cho NĐT xem xét, đánh giá trước khi đưa ra quyết định đầu tư vào CK  của công ty đại chúng.
Bên cạnh đó, Luật còn quy định các tổ chức, cá nhân trở thành cổ đông lớn của công ty đại chúng phải báo cáo với UBCKNN theo Điều 29 LCK ; trường hợp tổ chức, cá nhân chào mua công khai (chào mua cổ phiếu có quyền biểu quyết dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành của một công ty đại chúng hoặc chào mua mà đối tượng được chào mua bị bắt buộc phải bán cổ phiếu mà họ sở hữu), thì phải gửi đăng ký chào mua đến UBCKNN và chỉ được thực hiện việc chào mua công khai sau khi UBCKNN chấp thuận. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ trong công ty đại chúng.
c. Quản lý thị trường giao dịch chứng khoán
Theo quy định của LCK , chỉ có SGDCK và TTGDCK mới được phép tổ chức thị trường giao dịch CK . Ngoài hai chủ thể này, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán (Điều 33 Luật Chứng khoán). Theo quy định của LCK thì SGDCK, TTGDCK là pháp nhân thành lập và hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Đây là một điểm mới, khác với quy định của Nghị định 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ về CK và thị trường CK Theo Nghị định 144/2003 thì TTGDCK là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc UBCKNN còn SGDCK là một pháp nhân tự chủ về tài chính, chịu sự giám sát và quản lý của UBCKNN.. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có hai TTGDCK, chưa thành lập SGDCK. Theo quy định của LCK thì việc thành lập, giải thể, chuyển đổi cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu của SGDCK, TTGDCK phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính  chứ không thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp; SGDCK, TTGDCK phải chịu sự quản lý, giám sát của UBCKNN. Bộ Tài chính có thẩm quyền phê chuẩn Điều lệ và các chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc SGDCK, TTGDCK sau khi có ý kiến của chủ tịch UBCKNN theo quy định tại Điều 35 và Điều 36 LCK .
Thời hạn để thực hiện việc chuyển đổi TTGDCK hiện nay thành SGDCK, TTGDCK theo quy định của LCK là 18 tháng, kể từ ngày Luật có hiệu lực. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn vấn đề này.
d. Quản lý niêm yết chứng khoán
Niêm yết CK là việc đưa các chứng khoán có đủ điều kiện vào giao dịch tại SGDCK hoặc TTGDCK (khoản 18 Điều 6 LCK ). SGDCK, TTGDCK có quyền chấp thuận, huỷ bỏ niêm yết chứng khoán và giám sát việc duy trì điều kiện niêm yết CK của các tổ chức niêm yết, đây cũng là một điểm mới của LCK so với quy định của Nghị định 144/2003 (theo Nghị định 144/2003, tổ chức phát hành muốn niêm yết chứng khoán phải được UBCKNN cấp giấy phép). Tuy vậy, tổ chức phát hành khi niêm yết chứng khoán tại SGDCK, TTGDCK phải đáp ứng các điều kiện về vốn, hoạt động kinh doanh và khả năng tài chính, số cổ đông hoặc số người sở hữu CK , nhằm bảo đảm CK được niêm yết, giao dịch tại SGDCK, TTGDCK phải là hàng hoá có chất lượng cao, qua đó bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Trong thời gian tới, để triển khai thi hành LCK , Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể về điều kiện, hồ sơ, thủ tục niêm yết chứng khoán để tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý niêm yết CK .
e. Quản lý việc đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán
Theo quy định của pháp luật, để hoàn tất một giao dịch CK , sau khi lệnh giao dịch CK được thực hiện sẽ được chuyển sang hệ thống thanh toán, bù trừ, đăng ký và lưu ký CK . Hệ thống này sẽ thực hiện việc bù trừ để xác định được bên sẽ phải giao chứng khoán và bên phải trả tiền; thực hiện các nghiệp vụ chuyển giao CK và thanh toán số tiền mua CK đó thông qua tài khoản của các bên; đăng ký các thông tin về CK  và quyền sở hữu CK  của người nắm giữ CK  và lưu giữ, bảo quản CK của khách hàng, giúp khách hàng thực hiện các quyền của mình đối với CK . Các hoạt động này góp phần quan trọng vào việc quản lý có hiệu quả thị trường CK ; giảm rủi ro cho hoạt động của thị trường; giảm thiểu chi phí cho các chủ thể tham gia thị trường CK ; đồng thời góp phần giúp các đối tượng của hệ thống tăng nhanh vòng quay vốn; qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi cho các NĐT. Các hoạt động này sẽ do Trung tâm lưu ký chứng khoán (TTLKCK) và các thành viên lưu ký (TVLK) thực hiện. Theo Điều 42 LCK, TTLKCK là pháp nhân thành lập và hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của LCK . Việc thành lập, giải thể, chuyển đổi cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu của TTLKCK do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính. TTLKCK chịu sự quản lý và giám sát của UBCKNN. Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền phê chuẩn các chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc TTLKCK theo đề nghị của Hội đồng quản trị sau khi có ý kiến của Chủ tịch UBCKNN. Đây cũng là một quy định mới của LCK so với Nghị định 144/2003 và Quyết định của 189/2005/QĐ-TTg ngày 27/7/2005 về việc thành lập TTLKCK Theo các quy định trước đây thì TTLKCK là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc UBCKNN, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, kinh phí hoạt động do Ngân sách Nhà nước cấp.  Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn về việc chuyển TTLKCK sang mô hình mới theo quy định của LCK .
g. Quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán
Các tổ chức kinh doanh CK bao gồm các công ty CK , công ty quản lý quỹ đầu tư CK . Các chủ thể này tham gia vào thị trường CK với nhiều tư cách: vừa là nhà môi giới CK , giúp các NĐT  thực hiện việc mua, bán CK để hưởng hoa hồng; vừa trực tiếp tham gia mua bán CK để hưởng lợi. Điều đó có thể dẫn đến khả năng công ty CK vì quyền lợi của mình mà làm thiệt hại đến lợi ích của NĐT là khách hàng của công ty. Vì vậy, pháp luật có những quy định nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các tổ chức kinh doanh CK .
Theo Điều 59 LCK , công ty CK , công ty quản lý quỹ đầu tư CK phải được UBCKNN cấp giấy phép thành lập và hoạt động (giấy phép). Giấy phép này đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Để được cấp giấy phép, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải có đủ các điều kiện về trụ sở, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động kinh doanh chứng khoán, điều kiện về mức vốn pháp định, điều kiện về chứng chỉ hành nghề kinh doanh CK của người điều hành và các nhân viên kinh doanh của công ty. Trong quá trình hoạt động, nếu có sự thay đổi hoặc tổ chức lại thì phải được sự chấp thuận của UBCKNN theo quy định tại các Điều 68 và Điều 69 LCK . Trường hợp vi phạm các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 70 LCK thì có thể bị đình chỉ hoạt động hoặc bị thu hồi giấy phép.
h. Thanh tra chứng khoán
Thanh tra CK là hoạt động quản lý nhà nước nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về CK và thị trường CK ; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ nhà đầu tư khỏi những rủi ro phát sinh từ những hoạt động không đúng đắn của các đối tượng thanh tra.
1.2. Biện pháp xử lý vi phạm hành chính
Trong lĩnh vực CK , vi phạm hành chính có thể biểu hiện dưới nhiều dạng, trong đó có những vi phạm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT như:
- Vi phạm quy định về chào bán CK ra công chúng: giả mạo hồ sơ, công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật, sử dụng thông tin ngoài Bản cáo bạch để thăm dò thị trường, phân phối CK không đúng với nội dung của đăng ký chào bán…
- Vi phạm quy định về công ty đại chúng: không nộp hồ sơ công ty đại chúng cho UBCKNN theo quy định của pháp luật, không tuân thủ các quy định về quản trị công ty…
- Vi phạm quy định về niêm yết CK : có sự giả mạo trong hồ sơ niêm yết CK ; không chấp hành đầy đủ các quy định về thời gian, nội dung và phương tiện công bố thông tin về việc niêm yết…
- Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh chứng khoán và chứng chỉ hành nghề chứng khoán: không thực hiện đúng quy định của LCK về quản lý tiền, chứng khoán của khách hàng; làm trái lệnh của NĐT ; không thực hiện chế độ bảo mật thông tin của khách hàng; cho mượn tiền, chứng khoán trên tài khoản của khách hàng; cầm cố hoặc sử dụng tiền, chứng khoán trên tài khoản của khách hàng khi chưa được khách hàng uỷ thác…
- Vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán: sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán CK cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán CK trên cơ sở thông tin nội bộ; thao túng giá CK , tạo ra giá CK giả tạo, giao dịch giả tạo…
- Vi phạm quy định về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán CK : xác nhận số liệu, chuyển giao CK không đúng thời hạn; sửa chữa giả mạo chứng từ trong thanh toán; vi phạm chế độ bảo quản CK ; chế độ đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán CK ; chế độ bảo mật tài khoản lưu ký của khách hàng; không cung cấp kịp thời danh sách người nắm giữ CK cho tổ chức phát hành…
- Vi phạm quy định về công bố thông tin: các chủ thể có nghĩa vụ công bố thông tin như tổ chức phát hành, công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, công ty CK, công ty quản lý quỹ và công ty đầu tư CK  công bố thông tin không đầy đủ, kịp thời, đúng hạn, đúng phương tiện theo quy định, công bố thông tin sai sự thật hoặc làm lộ bí mật số liệu, tài liệu hoặc không công bố thông tin theo quy định của LCK …
Điều 119 LCK quy định: tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính nêu trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo các hình thức sau:
- Hình thức xử phạt chính: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền;
- Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: đình chỉ hoạt động; thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường CK , chứng chỉ hành nghề CK ; tịch thu toàn bộ các khoản thu từ việc thực hiện các hành vi vi phạm mà có và số CK được sử dụng để vi phạm.
Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp như: buộc chấp hành quy định của pháp luật; buộc huỷ bỏ, cải chính những thông tin sai lệch, thông tin sai sự thật; buộc phải thu hồi số  CK đã phát hành, hoàn trả tiền đặt cọc hoặc tiền mua CK cho các nhà đầu tư.
Theo quy định tại Điều 120 LCK thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động CK và thị trường CK thuộc về Chánh Thanh tra CK và Chủ tịch UBCKNN, theo đó Chánh Thanh tra CK  có quyền áp dụng các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền, còn Chủ tịch UBCKNN có quyền áp dụng tất cả các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 119 LCK .
LCK cũng quy định giao cho Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền, mức độ xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động CK và thị trường CK . Vì vậy, trong thời gian tới Chính phủ cần khẩn trương ban hành nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động CK và thị trường CK để cụ thể hoá các quy định của LCK , thay thế cho Nghị định 161/2004/NĐ-CP ngày 7/9/2004.
2. Biện pháp giải quyết tranh chấp về đầu tư chứng khoán
Trong quan hệ về đầu tư CK , khi xảy ra tranh chấp, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT , các bên tranh chấp có thể giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật.
2.1. Biện pháp thương lượng
Thương lượng là biện pháp giải quyết tranh chấp theo đó các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, thoả thuận để giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn mà không cần có sự tham gia của bên thứ ba. Pháp luật về CK và thị trường CK của một số nước trên thế giới còn coi thương lượng là một điều kiện bắt buộc trước khi các bên sử dụng các hình thức giải quyết tranh chấp khác.  Ví dụ: khoản 2.2. Điều 202 Luật về chứng khoán và giao dịch chứng khoán Hàn Quốc quy định: khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp của các bên liên quan đến việc mua, bán hoặc các giao dịch chứng khoán khác thì trưởng ban giám sát của UBCK Hàn Quốc có thể thông báo cho các bên liên quan về việc yêu cầu tự thương lượng, hoà giải trong vòng 30 ngày, kể từ khi có yêu cầu này.ở Việt Nam, trong các nghị định về CK và thị trường CK trước đây và Điều 131 LCK cũng có quy định “tranh chấp phát sinh trong hoạt động CK và thị trường CK tại Việt Nam có thể được giải quyết thông qua thương lượng”. Tuy nhiên, thủ tục thương lượng như thế nào và việc bảo đảm thi hành các giải pháp đã được thoả thuận trên cơ sở thương lượng ra sao thì chưa có quy định pháp luật điều chỉnh, chính vì vậy cơ chế giải quyết tranh chấp bằng thương lượng chưa phát huy được hiệu quả mặc dù nó có ưu điểm là giảm thiểu được xung đột xã hội và chi phí xã hội, bảo vệ được uy tín, bí mật kinh doanh của các bên.
2.2. Biện pháp hoà giải
Khác với thương lượng, hòa giải là một biện pháp giải quyết tranh chấp đòi hỏi phải có sự tham gia của một bên thứ ba, đóng vai trò làm trung gian hoà giải, để giúp các bên phân tích, nhận thức rõ vấn đề tranh chấp, hỗ trợ, thuyết phục các bên tìm kiếm các giải pháp nhằm giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn. Tuy nhiên, bên thứ ba là trung gian hoà giải không quyết định tranh chấp của các bên và các bên có quyền chấm dứt vai trò của bên thứ ba bất kỳ lúc nào. Thực tế cho thấy, kết quả hoà giải phụ thuộc rất nhiều vào uy tín, kinh nghiệm và kỹ năng của bên trung gian hoà giải.
Trước đây, theo quy định của Nghị định 144 thì “Trung tâm giao dịch CK , Sở giao dịch CK và UBCKNN có thể làm trung gian hoà giải các tranh chấp phát sinh” (khoản 1 Điều 113 Nghị định 144). Điều 37 LCK  cũng quy định SGDCK, TTGDCKcó quyền làm trung gian hoà giải theo yêu cầu của thành viên giao dịch khi phát sinh tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch CK . Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, nếu tranh chấp phát sinh giữa NĐT với thành viên giao dịch hoặc giữa thành viên giao dịch với các chủ thể có liên quan trong hoạt động giao dịch chứng khoán thì thành viên giao dịch có quyền đề nghị SGDCK, TTGDCK làm trung gian hoà giải, vậy nhà đầu tư có quyền này không? nếu NĐT không có quyền đề nghị SGDCK, TTGDCK làm trung gian hoà giải thì có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân nhân khác làm trung gian hoà giải được hay không? Kết quả hoà giải thành có mang tính bắt buộc đối với các bên tranh chấp và có được bảo đảm thi hành hay không? Mặt khác, hoà giải có phải là thủ tục bắt buộc trước khi NĐT sử dụng các hình thức giải quyết tranh chấp khác không?… Những vấn đề này cần phải có văn bản hướng dẫn thi hành.
2.3. Biện pháp trọng tài
Trọng tài là một biện pháp giải quyết tranh chấp khá phổ biến trên thế giới. ở Việt Nam, việc giải quyết tranh chấp trong hoạt động CK  bằng trọng tài cũng đã được quy định trong các Nghị định 48/1998, Nghị định 144/2003 và tại Điều 131 LCK . Tuy nhiên, LCK không quy định cụ thể thẩm quyền của trọng tài thương mại cũng như trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài mà những vấn đề này được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.
Theo thủ tục trọng tài, thì tranh chấp về đầu tư CK sẽ được đưa ra trọng tài giải quyết nếu giữa các bên (NĐT và chủ thể có liên quan) đã có thoả thuận trọng tài. Hội đồng trọng tài (do Trung tâm Trọng tài tổ chức hoặc do các bên thành lập) sẽ quyết định tranh chấp của các bên. Quyết định của Hội đồng trọng tài có hiệu lực bắt buộc đối với các bên tranh chấp, các bên phải thi hành, trừ trường hợp Toà án huỷ quyết định trọng tài theo quy định của Pháp lệnh trọng tài thương mại.
Một vấn đề vướng mắc hiện nay trong việc giải quyết tranh chấp trong hoạt động CK theo thủ tục trọng tài là việc xác định thẩm quyền của trọng tài thương mại. Theo Điều 2 Pháp lệnh trọng tài thương mại 25/2/2003 thì Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại. Vậy,  hoạt động đầu tư CK có phải là hoạt động thương mại không? Nếu theo quy định của Luật Thương mại 2005 thì hoạt động thương mại là hoạt động của thương nhân nhằm mục đích sinh lợi, mà thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh (Điều 6 Luật Thương mại). Trong quan hệ đầu tư CK , NĐT  có thể là cá nhân không có đăng ký kinh doanh hoặc là tổ chức đầu tư CK (công ty CK , công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư…). Vậy nếu căn cứ vào quy định nêu trên thì chỉ khi quan hệ đầu tư có sự tham gia của NĐT là tổ chức mới thoả mãn các điều kiện của hoạt động thương mại. Mặt khác, nếu căn cứ vào khoản 1 Điều 29 BLTTDS thì tranh chấp về kinh doanh, thương mại phải là tranh chấp giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Như vậy, quan hệ đầu tư của các NĐT  cá nhân, không có đăng ký kinh doanh thì chỉ là hành vi dân sự, tranh chấp phát sinh từ hoạt động đầu tư này có thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại không? Vấn đề này cần được hướng dẫn cụ thể. Chúng tôi cho rằng, nên mở rộng thẩm quyền cho Trọng tài thương mại được giải quyết cả các tranh chấp này khi các bên có thoả thuận trọng tài.
2.4. Biện pháp tố tụng tư pháp
Tranh chấp trong quan hệ đầu tư CK có thể được Toà án giải quyết theo thủ tục tố tụng tư pháp khi có một bên khởi kiện ra trước Toà, yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Toà án với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ quyết định tranh chấp của các bên. Bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp lý bắt buộc đối với các bên tranh chấp, các bên phải thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự. Việc giải quyết tranh chấp được tiến hành theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (BLTTDS).
Vấn đề cần lưu ý là việc xác định Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư CK . Để làm rõ vấn đề này phải xuất phát từ tính chất của quan hệ đầu tư CK có tranh chấp. Trong hoạt động đầu tư CK , tranh chấp phát sinh có thể là tranh chấp hợp đồng Ví dụ: hợp đồng mở tài khoản giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư là khách hàng của công ty; hợp đồng quản lý danh mục đầu tư; hợp đồng tư vấn đầu tư chứng khoán… ; tranh chấp về mua, bán CK ; tranh chấp về quyền sở hữu CK ; tranh chấp giữa các NĐT  là cổ đông của công ty với nhau, giữa cổ đông với công ty liên quan đến thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty, phân phối lợi nhuận…
Để xác định thẩm quyền của Toà án trong việc giải quyết các tranh chấp nêu trên, chúng tôi cho rằng cần phải căn cứ vào quy định tại Điều 25, Điều 29 và Điều 33 BLTTDS. Theo đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư CK được xác định như sau:
- Trường hợp tranh chấp về mua, bán CK (mua bán cổ phiếu, trái phiếu hoặc các CK khác) phát sinh giữa các NĐT với các chủ thể có liên quan mà các bên tranh chấp đều có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận, hoặc tranh chấp phát sinh giữa các nhà đầu tư là cổ đông của công ty với nhau, giữa cổ đông với công ty liên quan đến thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty, phân phối lợi nhuận, thì được coi là tranh chấp về kinh doanh, thương mại theo quy định của Điều 29 BLTTDS và Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó theo thủ tục sơ thẩm là Toà kinh tế Toà án nhân dân cấp tỉnh;
- Trường hợp tranh chấp về đầu tư CK là tranh chấp về hợp đồng dân sự hoặc về quyền sở hữu CK thì được coi là tranh chấp về dân sự theo quy định tại Điều 25 BLTTDS và Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó theo thủ tục sơ thẩm là Toà án nhân dân cấp huyện hoặc là Toà dân sự Toà án nhân dân cấp tỉnh (nếu có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài).
Tuy nhiên, trên thực tế việc phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Toà kinh tế và Toà dân sự cũng gặp phải không ít nhng khó khăn, vướng mắc, nhất là trong quan hệ về đầu tư CK, việc xác định tính chất của quan hệ đầu tư là tranh chấp về kinh doanh, thương mại hay tranh chấp về dân sự  là không đơn giản. Ví dụ: quan hệ giữa NĐT  là cá nhân với công ty CK trong việc mua, bán CK thì được coi là quan hệ kinh doanh, thương mại (điểm l khoản 1 Điều 29 BLTTDS); nhưng cũng là quan hệ giữa NĐT và công ty CK đó trong hợp đồng tư vấn đầu tư CK thì lại được coi là tranh chấp về hợp đồng dân sự, điều này rõ ràng có điểm chưa hợp lý, thiếu sức thuyết phục.
Mặt khác, việc hiểu như thế nào là “tranh chấp về mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác” cũng còn vướng mắc: hiểu theo nghĩa đó là tranh chấp giữa bên mua và bên bán trong việc mua bán CK hay là tất cả các tranh chấp liên quan đến việc mua, bán CK (ví dụ: tư vấn về mua bán chứng khoán; môi giới mua, bán CK; thực hiện các thủ tục mua, bán CK …). Vấn đề này cũng cần có hướng dẫn cụ thể.
3. Biện pháp hình sự
LCK đã quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong hoạt động CK và thị trường CK, cụ thể là:
- Hành vi giả mạo hồ sơ đăng ký chào bán CK ra công chúng (khoản 1 Điều 121) và giả mạo hồ sơ niêm yết CK (khoản 1 Điều 123);
- Hành vi cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật, sử dụng thông tin ngoài Bản cáo bạch để thăm dò thị trường, phân phối CK không đúng với nội dung của đăng ký chào bán về loại CK, thời hạn phát hành và khối lượng tối thiểu theo quy định, thông báo phát hành trên các phương tiện thông tin đại chúng không đúng nội dung và thời gian quy định (khoản 2 Điều 121);
- Hành vi lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để cho mượn tiền, CK trên khoản của khách hàng; cầm cố hoặc sử dụng tiền, CK trên tài khoản của khách hàng khi chưa được khách hàng uỷ thác (khoản 3 Điều 125);
- Hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán CK ; tiết lộ thông tin hoặc đề nghị người khác mua, bán CK (khoản 1 Điều 126);
- Hành vi thao túng giá chứng khoán, tạo ra giá CK giả tạo, giao dịch giả tạo (khoản 3 Điều 126);
- Hành vi cố ý cung cấp tài liệu giả, làm giả, làm sai lệch hoặc tiêu huỷ tài liệu giao dịch để lừa đảo; dụ dỗ khách hàng mua, bán CK (khoản 4 Điều 126);
- Hành vi tạo dựng và tuyên truyền thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường CK, gây lũng đoạn thị trường giao dịch CK (khoản 5 Điều 126);
- Hành vi vi phạm quy định về thời hạn xác nhận số liệu; chuyển giao CK; sửa chữa giả mạo chứng từ trong thanh toán; vi phạm chế độ bảo quản CK; chế độ đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán CK; chế độ bảo mật tài khoản lưu ký của khách hàng; không cung cấp đầy đủ, kịp thời danh sách người nắm giữ CK cho tổ chức phát hành (khoản 1 Điều 127);
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm nêu trên phải căn cứ vào quy định của BLHS. Tuy nhiên, BLHS hiện hành lại chưa có quy định cụ thể về các tội danh trong hoạt động CK và thị trường CK. Hiện nay, có một số tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự 1999 (BLHS) có thể vận dụng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi phạm tội trong lĩnh vực CK như: tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS); tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 142 BLHS); tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 267 BLHS); tội cố ý làm lộ bí mật công tác (Điều 286 BLHS)… Tuy vậy, có những hành vi không thể căn cứ vào các quy định của BLHS  hiện hành để xử lý vì không phù hợp hoặc Bộ luật chưa có quy định. Ví dụ: hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán CK; tiết lộ thông tin hoặc đề nghị người khác mua, bán CK (pháp luật của một số nước gọi hành vi này là giao dịch nội gián); hành vi thao túng giá CK, tạo ra giá CK giả tạo, giao dịch giả tạo (hành vi lũng đoạn thị trường)… Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch của hoạt động CK và thị trường CK, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của NĐT, cần phải được quy định thành các tội danh cụ thể trong BLHS.

Nguồn: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP

NGHIỆP VỤ REPO TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM – ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN

Hoạt động mua bán chứng khoán có kỳ hạn (REPO – Repurchase Order) tại các công ty chứng khoán Việt Nam đã được thực hiện trong những năm gần đây nhưng chưa được các nhà đầu tư biết đến và sử dụng rộng rãi. Để tạo tính thanh khoản cho các cổ phiếu chưa niêm yết, các công ty chứng khoán đưa ra nghiệp vụ REPO để mua có kỳ hạn các loại cổ phiếu này nhằm mục đích tạo cho khách hàng có thêm nguồn vốn để mở rộng danh mục đầu tư của mình.
Đây là loại hình giao dịch mà người sở hữu cổ phiếu bán và mua lại cổ phiếu của chính mình trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển cả về quy mô và chất lượng, thì nghiệp vụ Repo hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, sản phẩm chưa thật sự hoàn chỉnh để phục vụ tốt nhất cho khách hàng.
Tính ưu việt của nghiệp vụ REPO
Việc thực hiện nghiệp vụ REPO góp phần làm tăng tính thanh khoản cho thị trường, tăng hiệu quả đồng vốn kinh doanh. REPO chứng khoán sử dụng một hợp đồng mua bán lại, trong đó, quy định các điều khoản mà các bên tham gia phải tôn trọng. Các hợp đồng REPO được phân vào loại công cụ thị trường tiền tệ và chúng được sử dụng để huy động vốn trong ngắn hạn.Về bản chất, nghiệp vụ REPO giống như một khoản cho vay có đảm bảo bằng chứng khoán và các tài khoản đảm bảo khác nhưng nó có những đặc điểm riêng và linh hoạt hơn. Chẳng hạn, người mua trong giao dịch REPO có quyền kinh doanh chứng khoán đã mua trong suốt thời hạn của hợp đồng, điều này khác ở các hợp đồng cho vay có tài sản cầm cố là chứng khoán. Hoặc là, nhà đầu tư vẫn có quyền mua lại số cổ phiếu đã bán sau một thời gian nhất định, trong thời gian chuyển nhượng vẫn được hưởng cổ tức và các quyền lợi phát sinh khác từ cổ phiếu đã chuyển nhượng. Có thể so sánh tính ưu việt của nghiệp vụ REPO (bảng 1):

Bảng 1: So sánh nghiệp vụ Repo với nghiệp vụ cho vay thông thường
NỘI DUNG
REPO
VAY THÔNG THƯỜNG
1.Thẩm định
- Chỉ thẩm định về tính pháp lý cổ phiếu Repo.
- Theo dõi thường xuyên sự biến động giá cổ phiếu mà không quan tâm đến mục đích sử dụng số tiền Repo.
- Thẩm định về tính pháp lý và khả năng trả nợ của khách hàng.
- Theo dõi mục đích sử dụng vốn vay có hợp lý hay không?
2. Quy trình
- Đơn giản, nhanh chóng: Nhận hồ sơ khách hàng ðKiểm tra giá cổ phiếu ðRepo ð Theo dõi sự biến động giá cổ phiếu trên thị trường.
- Phức tạp và lâu dài: Nhận hồ sơ khách hàng ðKhách hàng nhận nợ vay ð Sử dụng vốn vay ð Sau khi vay.
3. Thời hạn vay
- Ngắn hạn
- Ngắn, trung và dài hạn
4. Nghĩa vụ
- Mua lại cổ phiếu đã Repo
- Trả nợ vay
5. Chi phí sử dụng vốn vay
- Cao
- Thấp.
6. Tài sản đảm bảo
- Được phép kinh doanh cổ phiếu Repo.
- Không được phép sử dụng tài sản đảm bảo cho mục đích kinh doanh.
Việc đánh giá, lựa chọn cổ phiếu REPO là khâu khó nhất trong quy trình thực hiện sản phẩm REPO để tránh rủi ro. Dịch vụ REPO có thành công, an toàn hay không đều dựa vào năng lực khi đánh giá cổ phiếu mà công ty chứng khoán đó nhận. Thông thường, hạn mức REPO được tính khoảng 50% giá thị trường và có thể thay đổi nếu thời hạn hợp đồng còn hiệu lực. Điều này xảy ra khi thị giá của cổ phiếu trên thị trường giảm xuống tới mức giá xử lý, tại mức giá này khách hàng phải nộp vào một số tiền bổ sung hoặc hoàn lại một phần vốn cho công ty chứng khoán.
Nhằm thu hút nhà đầu tư, các công ty chứng khoán có nghiệp vụ REPO đều chú trọng đến giá REPO và lãi suất sao cho hợp lý. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro cho cả nhà đầu tư cũng như cho công ty chứng khoán, các công ty chứng khoán thường xuyên rà soát tất cả các khoản đầu tư, tự doanh, đảm bảo tuân thủ quy trình, hạn mức đầu tư và từng khoản mục, không nên REPO giá chứng khoán quá cao so với tình hình tài chính và kinh doanh của các doanh nghiệp. Tùy thuộc vào từng thời điểm khác nhau mà các công ty chứng khoán công bố danh sách nhận REPO khác nhau. Đồng thời cũng tùy vào tình hình vốn của các công ty chứng khoán mà có thể nhận REPO và ngược lại.
Hạn chế của nghiệp vụ Repo
Tăng tốc độ xuống dốc của thị trường
Trên thực tế, những rủi ro của việc REPO cổ phiếu trong năm 2008 và 2009 là do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế vĩ mô diễn biến phức tạp đã khiến kết quả sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhiều công ty rơi vào tình trạng thua lỗ khiến giá cổ phiếu giảm mạnh. Từ đó, nhiều hợp đồng REPO đã không tất toán được như cam kết, gây rủi ro cho nhà đầu tư lẫn các công ty chứng khoán.
Tình trạng mất thanh khoản của thị trường làm ảnh hưởng tới việc xử lý các hợp đồng REPO
Với tình hình ảm đạm của thị trường chứng khoán năm 2008 – 2009, hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư cũng giảm sút, khả năng trả nợ hay bổ sung tài sản của các nhà đầu tư vì thế cũng giảm theo, dẫn đến hoạt động REPO cổ phiếu tại các công ty chứng khoán gặp rất nhiều khó khăn.
Góp phần làm tăng ảo giá cổ phiếu
Việc thực hiện REPO để đầu tư chứng khoán cũng giống như hoạt động đầu tư mạo hiểm. Nhà đầu tư tận dụng nguồn vốn của các công ty chứng khoán để REPO cổ phiếu rồi dùng tiền mua tiếp cổ phiếu khiến giá bị đẩy lên, một khi các nhà đầu tư đặt lệnh mua với khối lượng lớn sẽ tạo cầu ảo và đẩy giá cổ phiếu tăng cao mà không phải là sự tăng trưởng thực của các doanh nghiệp. Chính điều này tạo điều kiện cho một số nhà đầu cơ lợi dụng để trục lợi và làm lũng đoạn thị trường.
Giải pháp hoàn thiện
Nhằm tránh rủi ro cho các nhà đầu tư, các công ty chứng khoán và giúp hoạt động REPO phát triển ổn định và bền vững, theo chúng tôi cần có một số giải pháp sau:
Một là, quản lý rủi ro và tăng hiệu quả hoạt động của nghiệp vụ REPO bằng cách: Quy định cụ thể các tỷ lệ an toàn cho các công ty chứng khoán và tỷ lệ ký quỹ đối với các nhà đầu tư; xây dựng các thông số ký quỹ cho từng trường hợp; định kỳ báo cáo với Ủy ban Chứng khoán về các giao dịch REPO để cập nhật thông tin thị trường và có biện pháp điều chỉnh khi cần thiết.
Hai là, cần có những biện pháp cưỡng chế, xử phạt nghiêm đối với những trường hợp gian lận trong giao dịch nhằm trục lợi bất chính. Hạn chế tối đa tình trạng thông tin bất cân xứng gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Ba là, tăng cường hoạt động marketing giới thiệu sản phẩm REPO đến với khách hàng, bằng nhiều cách: Thông tin đại chúng, gửi thư hoặc điện thoại; thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo chuyên đề, cử nhân viên trực tiếp tư vấn cho khách hàng,…
Bốn là, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và kiểm soát hoạt động REPO một cách chặt chẽ. Xây dựng quy trình thẩm định cổ phiếu OTC, tăng cường công tác thẩm định chất lượng khoản REPO cũng như năng lực tài chính và thiện chí trả nợ khách hàng.

Nguồn: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 14/2010

XÁC LẬP VÀ BẢO ĐẢM THỰC HIỆN QUYỀN SỞ HỮU CHỨNG KHOÁN NIÊM YẾT

Tổ chức hay cá nhân có thể sở hữu chứng khoán dưới hình thức chứng chỉ (cổ phiếu, trái phiếu) hoặc dữ liệu điện tử. Trên thị trường chứng khoán tập trung, các công ty chứng khoán (CTCK) chính là đầu mối giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán chứng khoán. CTCK nhận lệnh đặt mua, lệnh chào bán và “thể hiện ý chí” mua bán bằng hành vi chuyển lệnh vào hệ thống giao dịch để khớp lệnh, thông báo lệnh đã được khớp, kết nối hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán và hệ thống lưu ký của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, hay nói cách khác, việc giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán, xác lập quyền sở hữu chứng khoán niêm yết thông qua một trình tự, thủ tục đặc biệt.
Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư chứng khoán niêm yết trong quá trình xác lập và thực hiện quyền sở hữu, cần thiết phải làm rõ những vấn đề pháp lý có liên quan trong giao kết và thực hiện hợp đồng mang tính đặc thù gắn với hệ thống giao dịch điện tử hiện nay.
1. Đặt lệnh mua bán chứng khoán – phương thức thể hiện ý chí
Nhà đầu tư có thể mua bán chứng khoán thông qua phương thức giao dịch thỏa thuận hoặc giao dịch khớp lệnh. Đối với trường hợp giao dịch khớp lệnh, nhà đầu tư đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán tại các bộ phận môi giới của CTCK, CTCK với tư cách là thành viên giao dịch chuyển lệnh khớp tại Sở Giao dịch. Nhà đầu tư thể hiện ý chí mua hoặc bán chỉ có thể biết có được sự thống nhất ý chí hay không khi được thông báo kết quả khớp lệnh.
Vấn đề bất cập thường phát sinh ở giai đoạn này là thể hiện ý chí của nhà đầu tư có được chuyển tải đúng hay không. Trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp đưa lệnh mua hoặc lệnh bán vào hệ thống không đúng với yêu cầu của nhà đầu tư nên dẫn đến tình trạng lệnh mua, lệnh bán không được khớp tại phiên giao dịch – hợp đồng chưa hình thành, có nghĩa là nhà đầu tư có thể bị thiệt hại nếu giá chứng khoán tăng. Ở đây, cần phân biệt lỗi trong vận hành của hệ thống giao dịch và lỗi của nhân viên môi giới. Trong tất cả các trường hợp cần thiết phải xem xét mức độ thiệt hại phát sinh để có biện pháp xử lý đối với tổ chức và cá nhân có liên quan cũng như xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư. Một dạng lỗi phổ biến là làm sai lệch lệnh yêu cầu, đây thường là lỗi của nhân viên môi giới, tùy từng trường hợp có thể xác định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại của CTCK do hành vi thiếu trách nhiệm trong tác nghiệp của nhân viên môi giới gây ra1. Việc xác định rõ ràng trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bên có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm quan hệ giao dịch hình thành và được thực hiện có hiệu quả, đề cao trách nhiệm của các bên liên quan trong tác nghiệp chính xác, khách quan và vô tư trong chuyển lệnh, khớp lệnh và thông báo kết quả.

2. Xác nhận quyền sở hữu chứng khoán niêm yết
Về nguyên tắc, sau khi CTCK thông báo kết quả khớp lệnh, giá mua bán chứng khoán đã hình thành. Phải khẳng định rằng vào thời điểm này, các bên không được hủy bỏ hợp đồng cho dù các bên chưa được xác nhận về việc thanh toán tiền và chứng khoán. Về nguyên tắc, khi quyền sở hữu tiền và chứng khoán trong tài khoản của nhà đầu tư chỉ được xác lập sau khi Trung tâm Lưu ký chứng khoán thực hiện hoạt động bù trừ và thanh toán chứng khoán.
Theo qui định pháp luật hiện hành, CTCK sau khi thực hiện hành vi môi giới, tiếp tục thực hiện quyền quản lý tài khoản tổng của các nhà đầu tư, xác lập quyền sở hữu bước đầu của nhà đầu tư. Quyền sở hữu chính thức được xác lập khi khoản tiền thanh toán về tài khoản của bên bán và chứng khoán về tài khoản của bên mua sau 03 ngày giao dịch (T+3). Theo trình tự các bước trong giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh, thời gian thanh toán áp dụng như sau: đối với mua cổ phiếu, sau 03 ngày làm việc kể từ ngày mua, vào buổi chiều thứ 3, cổ phiếu về tài khoản của nhà đầu tư; đối với bán cổ phiếu, sau 03 ngày làm việc kể từ ngày bán cổ phiếu, vào buổi sáng ngày thứ 3, tiền bán chứng khoán sẽ có trong tài khoản của nhà đầu tư.
Quyền mua bán chứng khoán của nhà đầu tư được bảo đảm khi không phát sinh lỗi giao dịch trong hệ thống và mọi thông tin liên quan đến thanh toán, chuyển giao chứng khoán theo đúng khối lượng giá cả tại thời điểm thông báo khớp lệnh đã được truyền tải chính xác đến Trung tâm Lưu ký chứng khoán để bù trừ, thanh toán và lưu ký.
Về cơ bản, qui trình này được áp dụng để đảm bảo an toàn cho hệ thống và đảm bảo cho các thành viên thị trường đủ thời gian cân đối và bù trừ chứng khoán và tiền thanh toán sau ngày giao dịch T. Tuy nhiên, việc xác nhận thanh toán và sở hữu chứng khoán sau giao dịch 03 ngày là một bất cập trong điều kiện sử dụng phương thức giao dịch điện tử, đặc biệt thị trường chứng khoán tập trung được coi là thị trường cho sự thịnh hành “nghề kinh doanh chứng khoán”. Hiện nay, rút ngắn thời gian thanh toán và cho phép giao dịch chứng khoán trong ngày T+2 vẫn đang là một câu hỏi chờ phúc đáp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Bảo đảm thực hiện quyền mua bán chứng khoán niêm yết liên tục
Đặc trưng của chứng khoán niêm yết là hàng hóa đầu tư và được giao dịch trên hệ thống kết nối giữa CTCK và Sở Giao dịch chứng khoán. Về nguyên tắc, quyền sở hữu tiền hoặc chứng khoán chỉ được xác nhận vào ngày T+3, nhà đầu tư chỉ có quyền bán chứng khoán sau khi chứng khoán về tài khoản. Khoảng thời gian trước khi chứng khoán về tài khoản, cụ thể là khoảng thời gian hoàn tất thanh toán tiền mua chứng khoán đến thời điểm chứng khoán về tài khoản, nhà đầu tư sở hữu chứng khoán không được phép giao dịch.
Nếu xét dưới góc độ bảo đảm thực hiện quyền sở hữu của nhà đầu tư và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của CTCK, thì hạn chế trên sẽ trở thành một “rào cản” cho thực hiện các giao dịch chứng khoán vốn đòi hỏi tính liên tục và kịp thời. Cụ thể là :
- Về phía nhà đầu tư sẽ không thực hiện được giao dịch một cách liên tục, phải chờ đợi một khoảng thời gian là 03 ngày sau khi lệnh mua bán được khớp, mặc dù tại thời điểm đặt lệnh, nhà đầu tư mua chứng khoán đã ký qũy đủ số tiền phải thanh toán.
- Về phía CTCK sẽ bị hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ mua bán liên tục cho nhà đầu tư trong điều kiện đã hoàn thiện hệ thống giao dịch đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thanh toán tiền và bán chứng khoán trước ngày T+3.
Nhằm khuyến khích sự gia tăng của giao dịch chứng khoán và đảm bảo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các CTCK, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 50/2009/TT-BTC ngày 16/03/2009 về Hướng dn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán. Theo đó, các giao dịch điện tử trong lĩnh vực chứng khoán phải tuân thủ nguyên tắc rõ ràng, công bằng, trung thực, an toàn và hiệu quả (Mục 1 điểm 4). Có thể thấy, tính thông thoáng của văn bản pháp luật này nhằm đảm bảo các giao dịch điện tử diễn ra một cách công bằng và có hiệu quả.
Chứng khoán niêm yết là một loại hàng hóa đầu tư, với giá cả lên xuống từng ngày, từng giờ theo nhu cầu của thị trường và các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bởi vậy, cần thiết phải bảo đảm thực hiện quyền mua bán chứng khoán liên tục và kịp thời.
Việc cơ quan có thẩm quyền cho phép rút ngắn thời gian thanh toán và cho phép giao dịch chứng khoán trước ngày T+3 đang là sự mong mỏi của các nhà đầu tư và các CTCK hiện nay. Nếu được chấp thuận, sự cho phép này sẽ tạo cơ hội cho nhà đầu tư năng động hơn trong việc kinh doanh chứng khoán cũng như tạo ra môi trường kinh doanh công bằng để CTCK không còn phải “lách luật” kết hợp hoạt động cho vay chứng khoán với hoạt động môi giới chứng khoán và không còn phải “bất đắc dĩ” phân biệt đối xử các nhà đầu tư được đặt lệnh mua bán sớm hơn ngày T+3 với các nhà đầu tư đặt lệnh sau ngày T+32. Đồng thời, việc cho phép bán chứng khoán trước ngày T+3 cũng khuyến khích được các CTCK khai thác tối đa các tài sản đầu tư – hệ thống giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.
Nhìn chung, pháp luật về giao dịch chứng khoán cần được dân sự hóa theo hướng giảm bớt cơ chế “xin – cho” trong quản lý giao dịch3 và thời hạn thanh toán cần được rút ngắn hơn T+3. Ngoài ra, các qui định về giao dịch chứng khoán cần quán triệt nguyên tắc bảo đảm công bằng trong đó, khung pháp lý về giao dịch chứng khoán phải được xây dựng trên cơ sở không phân biệt thời gian thanh toán T+1 cho giao dịch thỏa thuận và thời gian thanh toán T+3 cho giao dịch khớp lệnh. Bởi vì, nếu cùng mục đích kinh doanh chứng khoán thì việc thanh toán trước, và tạo quyền bán chứng khoán trước là sự ưu tiên về thủ tục nhưng cũng đồng nghĩa với tạo lợi ích vật chất cho một số nhà đầu tư qui mô lớn.
Việc rút ngắn thời gian thanh toán cũng như cho phép giao dịch chứng khoán chưa về tài khoản cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Các nước láng giềng Hàn Quốc và Singapore cho phép thực hiện nghiệp vụ bán sau khi giao dịch mua đã được xác nhận. Còn Nhật Bản cho phép CTCK có đủ điều kiện cần thiết thực hiện dịch vụ mua bán liên tục cùng một loại chứng khoán ngay sau khi hoàn tất thủ tục thanh toán trong ngày4.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của việc rút ngắn thời gian thanh toán và bán chứng khoán trước ngày T+3, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần trao quyền tự chủ hơn cho CTCK trong thiết lập và vận hành hệ thống thanh toán bù trừ nội bộ để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư có nhu cầu thanh toán nhanh hoặc bán chứng khoán khi chưa về tài khoản với mức phí bổ sung và mức phí này phải được công khai. Việc sử dụng linh hoạt công cụ “phí giao dịch” có khả năng kết hợp hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, CTCK và vẫn đảm bảo đề cao vai trò quản lý của Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống giao dịch và lưu ký chứng khoán để rút ngắn về thời gian thanh toán tiền và chứng khoán áp dụng chung cho mọi đối tượng nhà đầu tư.
Không thể phủ nhận rằng, các quyết định của Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Bộ Tài chính đã quán triệt nguyên tắc đảm bảo công bằng trong giao dịch và có tính đến sự chưa hoàn thiện của hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán và hệ thống quản lý của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, tuy nhiên, nếu các văn bản pháp qui có tầm nhìn xa hơn trong bảo đảm quyền tự do kinh doanh và bảo đảm thực hiện quyền sở hữu thì nó còn có ý nghĩa lớn hơn trong định hướng hoạt động của CTCK và củng cố niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán. Sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các CTCK, Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán sẽ khắc phục những khiếm khuyết trong tổ chức giao dịch, nhằm hiệu quả hóa hơn nữa các giao dịch chứng khoán.
Chú thích:
(1) Trên thực tế, nhiều lỗi chỉ có thể được phát hiện khi có sai lệch số dư chứng khoán trên tài khoản của nhà đầu tư. Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán áp dụng pháp luật để sửa lỗi là yêu cầu CTCK chuyển lệnh mua bán sai thành lệnh tự doanh của CTCK. Còn CTCK trước khi sử dụng cách nêu trên thường sử dụng phương thức thuyết phục nhà đầu tư chấp nhận giao dịch có lỗi, hoặc sử dụng tài khoản khác để thực hiện mua bán đối ứng.
(2) Tham khảo thêm: “Bán chứng khoán T+2, vẫn bước đi thận trọng”, báo Đầu tư chứng khoán, số 5 ngày 11/1/2010 và “Bán chứng khoán T+2 – chỉ dừng lại ở ý tưởng”, báo Đầu tư chứng khoán, số 11 ngày 25/1/2010
(3) Ủy ban Chứng khoán nhà nước sử dụng công văn hành chính số 64/5/UBCK-PTTT ngày 22/4/2009 cho phép Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch thỏa thuận cổ phiếu chứng chỉ quỹ trên 100.000 đơn vị trở lên.
(4) Tham khảo từ bài CTCK Matsui tổ chức giao dịch chứng khoán buổi đêm và thiết lập hệ thống thanh toán ngay.
Tải từ : http://nikkeibp.com.jp/new ngày 28/7/2006 (bản tiếng Nhật).

Nguồn: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ