Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

THỜ CÚNG TỔ TIÊN GÓP PHẦN TĂNG CƯỜNG ĐỒNG THUẬN XÃ HỘI

Người Việt Nam dù đi đâu, ở đâu, mỗi khi tết đến, xuân về lại nhớ về quê hương xứ sở, hoài vọng về những ký ức tuổi ấu thơ, nơi đấy đã từng nuôi duỡng tình cảm gia đình, họ tộc, xóm làng và Tổ quốc. Mỗi người con đất Việt lại muốn qua làn khói hương để thể hiện tấm lòng tri ân đối với những bậc tiền nhân đã có công với cộng đồng huyết thống và xã hội. Thờ cúng tổ tiên theo nghĩa rộng, xét về giác độ nào đó thực sự là mẫu số chung về nhu cầu tâm linh, để từ đó tăng cường sự đồng thuận của mọi người dân Việt Nam.
Đồng thuận xã hội là một khái niệm được dùng khá phổ biến trong những năm gần đây, nhất là từ khi được Đảng ta đề cập chính thức trong Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa IX). Thực ra đồng thuận là một khái niệm đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử nhân loại, khi có cộng đồng người chung sống, do nhu cầu cần có sự hài hòa, hợp tác trong sản xuất và cuộc sống. Đồng thuận làm cho mối quan hệ con người với con người luôn ở trạng thái hài hòa, trở thành nền tảng duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội. Đồng thuận có nghĩa là đồng lòng, đồng ý về một giá trị chung nào đó trong cộng đồng mà nội dung chủ yếu là đồng thuận về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, đồng thuận không có nghĩa là san bằng sự khác biệt, xóa hết mọi mâu thuẫn, không còn đấu tranh khi nó vẫn là động lực của sự phát triển. Đấu tranh và hợp tác là hai mặt của quá trình tương tác giữa các cá thể trong một cộng đồng, tạo ra sự phát triển của xã hội, ranh giới hợp lý giữa hợp tác và đấu tranh chính là mục tiêu của sự phát triển. Nên hiểu, đồng thuận là giới hạn hợp lý của đấu tranh và hợp tác; mà đồng thuận xã hội là biểu hiện của sự đồng thuận ở mức độ cao nhất, rộng lớn nhất, bao trùm nhất mà nội dung của nó là tạo ra sự thống nhất về chính trị, kinh tế và văn hóa của xã hội.
Cơ sở của đồng thuận chính trị là xã hội dân chủ và cơ sở của đồng thuận kinh tế là tự do về kinh tế, bảo đảm lợi ích chung, công bằng trong hoạt động kinh tế. Nội dung rất quan trọng của đồng thuận xã hội là đồng thuận về văn hóa. Nếu không có sự đồng thuận về văn hóa thì đồng thuận chính trị hay đồng thuận kinh tế sẽ chỉ là đồng thuận mang tính nhất thời, thiếu bền vững. Văn hóa, trong đó có văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo luôn có khả năng hướng con người đến giá trị chung, luôn tạo dựng được sự đồng thuận xã hội cao. Đồng thuận về văn hóa chủ yếu là sự đồng thuận về nhu cầu tinh thần của con người.
Ở nước ta, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị đạo đức truyền thống, có sức tạo nên sự đồng thuận xã hội, quy tụ sức mạnh cộng đồng rất lớn lao.
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng và nhiều dân tộc. Bên cạnh các tôn giáo lớn như: Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo... còn dung dưỡng cả một hệ thống tín ngưỡng dân gian rất phong phú, đa dạng như: thờ mẫu, thờ thành hoàng, thờ anh hùng dân tộc, tín ngưỡng phồn thực... Đó là chưa kể những loại hình tín ngưỡng có trong đồng bào các dân tộc thiểu số, nhưng tiêu biểu nhất vẫn là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tín ngưỡng này, tồn tại ở nhiều cộng đồng các thành phần dân tộc, đan xen và thẩm thấu vào các hoạt động tôn giáo, trải dài nhiều thời kỳ lịch sử dân tộc. Do vậy, thờ cúng tổ tiên là hiện tượng xã hội có tính phổ biến.
Thờ cúng tổ tiên đã có từ lâu trong cộng đồng người Việt, nhưng khi Nho giáo du nhập vào nước ta, với tư tưởng đề cao gia đình, gia tộc, xem chữ hiếu là nền tảng của đạo lý và coi nam giới là cột trụ trong gia đình, thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được nâng lên một tầm cao mới.
Thờ cúng tổ tiên được hiểu, vừa như một phong tục truyền thống, vừa như một đạo lý làm người, trở thành một hình thức sinh hoạt tâm linh thiết yếu của cộng đồng gia đình, làng xã và đất nước.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng: “Từ xa xưa dân tộc Việt Nam ta không có tôn giáo theo nghĩa thông thường của nhiều nước khác. Còn nói tôn giáo là thờ cúng thì mọi người đều thờ cúng ông bà, mọi họ đều thờ cúng tổ tiên... Từ góc độ văn hoá, đây là một đặc trưng đáng trọng của người Việt Nam, ở chỗ nó là sự tưởng nhớ những người có công trong việc tạo lập cuộc sống ngày nay trong mỗi gia đình và làng xóm”1.
Một thời kỳ không ngắn, không ít người có quan niệm chưa thật đúng về loại hình tín ngưỡng này. Gần đây, nhất là sau khi Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định và ghi nhận: “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân, thì sự nhìn nhận về loại hình tín ngưỡng này mới có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Hiện nay, ở Việt Nam, hầu nh­ư 100% dân cư­ giữ phong tục thờ cúng tổ tiên”2.
 Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên góp phần tạo sự đồng thuận xã hội. Điều này thể hiện ở những điểm sau:
Một là, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tạo sự đồng thuận trong gia đình, họ tộc.
Chim có tổ, người có tông; cỏ cây có gốc rễ; sông suối có ngọn nguồn, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhắc nhở con người hướng về gốc rễ, cội nguồn, đã khơi dậy đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, từ đó tạo điều kiện cho sự gắn bó trong quan hệ huyết thống giữa các thành viên trong gia đình, họ tộc. Mỗi gia đình dù sang hèn, giàu nghèo khác nhau; dù sinh sống ở quê hương hay xa xứ cũng đều có nhu cầu hướng về tổ tiên để tỏ lòng tri ân những người có công sinh thành và nuôi dưỡng con cháu.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, chữ hiếu không chỉ dừng lại ở ý thức, giáo dục đạo đức mà dần dần đã trở thành những nghi thức, tập tục... thường xuyên nhắc nhở con cháu có trách nhiệm với quá khứ, hiện tại và tương lai; giữ quan hệ tốt đẹp với anh em, gia tộc, làng xã và toàn xã hội.
Loại hình tín ngưỡng này ở nước ta, tuy giản dị nhưng sâu đậm. Việc thờ cúng tổ tiên chủ yếu diễn ra vào những ngày mất của bố mẹ, ông bà, tổ tiên mà người ta thường gọi là ngày kỵ hoặc ngày giỗ. Ngoài ra, khi có chuyện vui, việc buồn gia đình cũng thường có nén hương, nải quả để kính báo với gia tiên. Thờ cúng tổ tiên còn được tổ chức vào những ngày có các sự kiện quan trọng trong gia đình như: lấy vợ, làm nhà, tậu trâu, mua ruộng, xa quê, thi cử...
Tín ngưỡng này không nói gì về thiên đường hay địa ngục, cũng chẳng đề ra ân sủng siêu việt hoặc trừng phạt ghê gớm, không có hệ thống triết thuyết, giáo luật khắt khe cũng như tổ chức giáo hội chặt chẽ, mà chỉ là thứ tín ngưỡng dân gian, đơn giản, nhẹ nhàng nhưng lại rất sâu lắng trong lòng nhân dân. Trước ông bà tổ tiên, mọi người cùng chung đối tượng, niềm tin, thời gian, địa điểm, hành vi thờ cúng; trước không gian thiêng liêng với khói hương nghi ngút, con người dễ bao dung, độ lượng, rộng lòng tha thứ để tìm sự đồng thuận mà cuộc sống đời thường khó tránh được có ít nhiều những mâu thuẫn nảy sinh.
Hai là, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tạo sự đồng thuận trong cộng đồng làng xã.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có hai lớp chủ yếu là trong gia đình và ngoài dòng họ nhằm củng cố và thắt chặt quan hệ huyết thống của gia đình hạt nhân và gia đình mở rộng. Tuy vậy, thờ cúng tổ tiên còn được hiểu ở mức độ rộng hơn, đó là thờ những người có công với làng xã, quê hương, được cộng đồng dân cư tôn vinh là thành hoàng.
Thành hoàng của người Việt rất phong phú và đa dạng. Hầu hết các vị được tôn vinh thành hoàng là những người có công đánh giặc giữ nước hoặc cứu thế hộ dân, có vị khai làng lập ấp, có người tạo nghề nghiệp mới, hoặc chính là tổ của một dòng họ. Có làng chỉ phụng thờ một vị thành hoàng, nhưng cũng có thôn xóm thờ đến hai, ba thậm chí thờ cả bảy, tám vị là thành hoàng.
Không kể thân thế, sự nghiệp ra sao (giàu sang hay nghèo hèn, quan lại hay thứ dân) nếu được làng xã tôn vinh là thành hoàng đều được cả dân làng sùng kính. Trung tâm thờ cúng thành hoàng hay thần làng là ngôi đình. Đó là nơi tụ tập dân làng để giải quyết cả việc đời lẫn việc đạo, từ việc vui chơi giải trí đến bàn luận lo toan việc làng, nước.
Tín ngưỡng thờ thành hoàng có sức quy tụ, lôi cuốn đối với cư dân làng xã, không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh mà còn tạo sự đồng thuận trong đời sống thế tục.
Ba là, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân tộc - quốc gia.
Đặc điểm của xã hội phương Đông là việc suy tôn một vị đại diện tối cao của cả cộng đồng, ông vua - thần là hóa thân của thần - con trời được đầu thai xuống cõi trần để cai trị thiên hạ. Vị vua thần ấy được tôn vinh là Thiên tử - con Trời. Thiên tử có trách nhiệm thay trời trị vì đất nước, lo liệu cho muôn dân không chỉ có quyền uy trần thế mà còn có sức mạnh siêu nhiên để điều khiển cả thế giới trong đó có thánh thần, ma quỷ, những người đã khuất thuộc phạm vi lãnh thổ mình cai quản. Việc vua phong cấp: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam đẳng thần cho các vị có công với dân với nước khi chết, cũng như cho các thần sông, thần núi, các vong hồn là một ví dụ đặc biệt về vai trò của Thiên tử - ông vua nửa người nửa thần ở phương Đông. Ở Việt Nam có ba cộng đồng vốn từ xa xưa đã có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, đó là: gia đình, làng xã và quốc gia. Trong tâm thức sâu thẳm của người Việt, khó mà tách biệt cô lập giữa gia đình, làng xã và đất nước, “nước mất thì nhà tan”, “trả thù nhà” gắn liền với “đền nợ nước”. Cụ Phan Bội Châu trong Quốc sử khảo có viết: “Nước là cái nhà to, nhà là cái nước nhỏ”. Vì vậy, tổ tiên gia đình, làng xã và đất nước không tách rời nhau. Trong gia đình có ông bà, tổ tiên, làng xã có thành hoàng, phạm vi quốc gia có vua Hùng.
Tục thờ vua Hùng với lễ hội đền Hùng được tổ chức hàng năm đã hướng mọi người Việt Nam về với cội nguồn dân tộc, hun đúc hồn thiêng sông núi, củng cố ý thức cộng đồng nhằm hướng tới mục đích, như Hồ Chủ tịch đã nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Bốn là, thờ cúng tổ tiên góp phần tăng cường sự đồng thuận giữa các tôn giáo.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, đang diễn ra cuộc “xung đột văn hoá”, “xâm lăng văn hóa” hay sự “đối đầu giữa các nền văn minh” là một thách thức trong những thách thức lớn của thời đại. Sự phục hồi và phát triển của thờ cúng tổ tiên ở nước ta những năm gần đây, rất có thể là điểm tựa để chống lại sự xâm lăng văn hóa từ bên ngoài đang có nguy cơ làm xói mòn bản sắc văn hoá dân tộc. Các tôn giáo ở Việt Nam từ Phật giáo, Đạo giáo và đặc biệt là Khổng giáo rất coi trọng thờ cúng tổ tiên, cho đến sau này có sự xuất hiện đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ cư sĩ Phật hội... cũng coi thờ cúng tổ tiên như một bộ phận không tách rời trong giáo lý, lễ nghi và hoạt động của các tôn giáo này. Riêng trường hợp Công giáo thì việc thờ cúng tổ tiên của tín đồ gặp không ít khó khăn và gập ghềnh trên bước đường hội nhập với văn hóa dân tộc.
 Một thời gian khá dài, Giáo hội Công giáo cấm tín đồ của mình thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, trong tâm khảm sâu thẳm của người công giáo Việt Nam dễ gì đã quên được công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ và vì vậy dưới nhiều hình thức tín đồ Công giáo vẫn duy trì ở mức độ khác nhau về “đạo hiếu”. Việc chấp nhận hay phủ nhận tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người công giáo Việt Nam cũng là cuộc đấu tranh kéo dài trong nội bộ giáo hội Công giáo, đôi khi khá gay gắt.
Cho dù có những ý kiến khác nhau, người thì chấp nhận, kẻ lại phản đối thờ cúng tổ tiên trong hàng ngũ chức sắc Công giáo, nhưng Giáo hội Công giáo chính thức nghiêm cấm tín đồ Công giáo thờ cúng tổ tiên qua nhiều thế kỷ. Chỉ đến ngày 14-6-1965 ở Việt Nam - sau Công đồng Vatican II - các Giám mục mới chính thức cho phép người công giáo giữ và tham gia nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Trong Huấn thị 14-6-1965 có nêu: “Để tỏ lòng ái quốc, hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm các bậc anh hùng, liệt sĩ (như treo ảnh, dựng hình, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức giỗ kỵ...) thì được thi hành và tham gia chủ động”3, người công giáo Việt Nam mới chính thức được cung kính tổ tiên. Người tín đồ Công giáo khẳng định: “Trên thực đơn sống đạo của Công giáo chúng ta không thể thiếu nghĩa vụ đối với gia tiên và quốc tiên”4. Gần đây, Giáo hoàng Gioan-Phaolô II cũng đã thừa nhận: “Cái phải của đạo Thờ cúng tổ tiên”5.
Sự thừa nhận của Giáo hội Công giáo đối với tín ngưỡng này trong tín đồ Công giáo ở Việt Nam, tuy muộn màng, nhưng đã tạo cho giáo dân, giáo sĩ theo đạo Công giáo đồng hành và tạo sự đồng thuận với văn hóa dân tộc. Hiện nay, người công giáo đã được tự do thỏa mãn nhu cầu về cung kính tổ tiên nhằm tri ân những người có công sinh thành và nuôi dưỡng mình.
Người Việt Nam, hằng ngày, nhất là mỗi dịp năm mới xuân về, dù theo tôn giáo gì, tín ngưỡng nào thì vẫn luôn hướng về tổ tiên với tấm lòng thành. Đây là sự đồng thuận về nhu cầu tâm linh của người Việt, là một đặc trưng, một yếu tố rất đặc biệt góp phần không nhỏ cho sự đồng thuận tạo đà cho sự phát triển đi lên của đất nước.
_______________
1. Phạm Văn Đồng: Văn hoá và đổi mới, Nxb CTQG, H, 1994, tr.75.
2. Hội đồng Lý luận Trung ương: Lẽ phải của chúng ta, Nxb CTQG, H, 2004, tr.351.
3. Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, Nguyệt san Công giáo và Dân tộc số 49, tr.34.
4. Xem Nguyệt san Công giáo và dân tộc số 128, tháng 8-2005, tr.27.
5. Gioan - Phaolô II: Bước qua ngưỡg cửa của hy vọng - Trần Thái Bình dịch, 1994, tr.162.

Nguồn: Trang thông tin Mặt trận tổ quốc Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét