Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT AN TỬ

“Quyền được chết” được pháp luật một số nước coi là quyền nhân thân của con người và được quy định trong một đạo luật gọi là Luật An tử. Quyền được chết, hiểu một cách đơn giản là quyền của một người đã thành niên đang phải chịu sự đau đớn về thể chất hoặc tinh thần kéo dài và không thể chịu đựng được sau một tai nạn hay một bệnh lý không thể cứu chữa, rơi vào tình huống y tế không lối thoát1, nên đã chọn thực hiện quyền được chết.
Hiện nay, một số quốc gia như Hà Lan, Bỉ, Lúcxămbua, các bang của Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật về an tử. Nhưng quyền được chết vẫn chưa được xem là quyền nhân thân trong pháp luật dân sự của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ nhiều khía cạnh khác nhau: trình độ lập pháp, các khía cạnh kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa… đã tác động làm cho quyền được chết trở thành cuộc chiến không chỉ dừng lại ở phạm vi lập pháp2. Chúng tôi xin đưa ra những nghiên cứu ban đầu về nội dung của một đạo luật quy định về quyền này.
1. Quyền được chết và khả năng xây dựng Luật An tử ở Việt Nam
Tại kỳ họp thứ 6 và 7 Quốc hội khóa XI (2004, 2005), Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách năm 2005, vấn đề quyền được chết đã được đưa vào Dự thảo sửa đổi Bộ Luật Dân sự và được khá nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Nhìn chung, các quan điểm đều nhìn nhận đây là một việc làm nhân đạo, nhưng lại là một vấn đề nhạy cảm, không phù hợp với đạo lý người Á Đông hiện nay. Hơn nữa, số lượng bệnh nhân giai đoạn cuối, mắc bệnh vô phương cứu chữa của Việt Nam còn ít so với thế giới3. Do đó, quyền được chết vẫn chưa được công nhận và thông qua tại Việt Nam.
Trong đại bộ phận dân cư, quyền được chết là một vấn đề còn xa lạ và còn có nhiều sự nhầm lẫn trong quan niệm cũng như nhận thức. Bên cạnh đó, phong tục, tập quán và truyền thống Á Đông đã chi phối đến việc tiếp cận những vấn đề mới, nhạy cảm có liên quan đến tín ngưỡng, văn hóa. Một điều phải công nhận là truyền thống phương Đông chúng ta luôn coi trọng sự sống con người, xem nó là thứ quý giá nhất. Từ lâu, quan niệm này đã ăn sâu vào gốc rễ tâm hồn mỗi người. Ngay cả phương Tây – nơi mà truyền thống, phong tục không quá nặng nề và tư tưởng “thoáng” hơn phương Đông – thì cũng chỉ có vài nước công nhận quyền được chết và lựa chọn cái chết êm ả. Nhưng ở phương Tây thì lý do để đa phần các quốc gia không chấp nhận an tử lại không phải là phong tục, tập quán mà là vì các lý do thuộc về luật pháp, tôn giáo và chính trị… Bên cạnh đó, sự lo sợ Luật An tử khi ban hành sẽ bị lạm dụng cũng góp phần thúc đẩy những quan điểm chống lại an tử phát triển như hiện nay.
Tại Hàn Quốc, năm 1997, bất chấp những đe dọa mạnh mẽ từ phía bác sĩ, một người vợ vẫn quyết định nên để cho người chồng 58 tuổi của mình tự chống đỡ với căn bệnh chảy máu não, do khó khăn tài chính của gia đình khiến bà này không thể làm khác hơn4. Tòa án ở địa phương đã kết án tù người vợ và hai bác sĩ vì đã để bệnh nhân – chồng của bà này, dù đang ở trong một tình trạng nguy kịch – vẫn phải rời khỏi bệnh viện mà không có biện pháp cứu chữa. Bộ luật Hình sự của Hàn Quốc quy định tội giết người cho bất cứ trường hợp nào kết thúc cuộc đời của người khác. Trong trường hợp này, mặc dù đã được sự đồng ý của bệnh nhân và các thành viên trong gia đình, nhưng việc không duy trì sự sống cho nạn nhân bằng cách không cho ăn, uống, không thuốc điều trị và các thiết bị hỗ trợ, sẽ bị coi là một tội ác. Hiện tại, mặc dù y học hiện đại đã có thêm nhiều hỗ trợ, trong đó có nhiều phản hồi tích cực từ tòa án khi một số lớn ý kiến cho rằng sẽ tốt hơn cho gia đình và bệnh nhân khi kết thúc những biện pháp điều trị vô nghĩa, nhất là đối với những bệnh nhân bị hôn mê mà không có một chút khả năng nào sẽ hồi phục, đồng thời sẽ giảm đi gánh nặng cho gia đình. Vụ án này chỉ là một trong những vụ án liên quan đến các tranh luận xung quanh vấn đề quyền được chết và Luật An tử trên thế giới trong nhiều năm qua. Thực sự, đây đã trở thành một chủ đề phức tạp với nhiều luận điểm trái ngược nhau.

Quan niệm coi trọng sự sống của con người có những cơ sở hết sức tốt đẹp. Tuy nhiên, không vì thế mà không chấp nhận an tử bởi chấp nhận an tử không có nghĩa là không tôn trọng sự sống nữa. Khi thực hiện quyền được chết, người bệnh đã tôn trọng cuộc sống của những người khác. Sẽ khó khăn như thế nào cho gia đình, xã hội khi họ còn sống và bản thân sự sống của họ không được đảm bảo nữa. Và an tử được thực hiện theo những điều kiện nhất định và với những mục đích nhân đạo. Xu hướng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chứng tỏ rằng, đói nghèo, bệnh tật, chiến tranh là nguy cơ tiềm tàng dẫn đến nhiều trường hợp “xin được chết” trong tương lai. Hơn nữa, việc chưa có các quy định pháp luật điều chỉnh, nghĩa là chưa có chế tài xử lý sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường do các đối tượng bất chấp pháp luật thực hiện những vụ việc liên quan đến “an tử” với những dụng ý xấu. Bởi vậy, xây dựng Luật An tử hoặc ít nhất là một chế định trong Bộ luật Dân sự (công nhận quyền được chết là quyền nhân thân của con người) là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Những tiến triển trong việc xây dựng luật, công nhận quyền được chết cũng như những cuộc tranh luận trong thời gian vừa qua đã chứng minh cho luận điểm này. Điều quan trọng bây giờ là thay đổi những quan niệm, những cách nhìn nhận sai lầm về quyền được chết và cái chết êm ả chứ không phải là cố gắng ban hành Luật An tử trong điều kiện chưa phù hợp như hiện nay.
Muốn được đông đảo người dân thừa nhận các quy định pháp luật về quyền được chết, chúng ta nên bắt đầu bằng cách làm cho mọi người tiếp cận những kiến thức về quyền được chết nhiều hơn, phổ biến sâu rộng hơn5. Có thể truyền thống người Việt và người phương Đông vẫn coi trọng sự sống, tuyệt đối hóa quyền được sống, nhưng vẫn có thể chấp nhận quyền được chết nếu người dân hiểu rõ bản chất của nó và tất nhiên, một hệ thống pháp luật đảm bảo cho Luật An tử không bị lạm dụng.
Như vậy, vấn đề xây dựng Luật An tử ở Việt Nam hiện nay là vấn đề còn nằm trong tương lai. Nhưng trước mắt, chúng ta cần quan tâm đến việc tuyên truyền ý nghĩa lớn lao của quyền được chết như là một quyền nhân thân quan trọng của con người, được pháp luật quy định và bảo hộ. Đồng thời, chú trọng nghiên cứu thỏa đáng hơn các quan niệm về sự sống và cái chết trong truyền thống của người Việt Nam trước khi bước vào quá trình xây dựng Luật này.
2. Phác thảo một số nội dung cơ bản của Luật An tử
Việc nghiên cứu những nội dung của Luật An tử cũng góp phần mang lại những nhận thức và thay đổi quan niệm không đúng về quyền được chết hiện nay. Trên cơ sở tham khảo Luật An tử của một số nước (Hà Lan, Bỉ, Bang Florida và Oregon của Mỹ…), phân tích thực trạng của quyền được chết, chúng tôi xin xây dựng một số quan điểm riêng về những nội dung cơ bản của Luật An tử như sau:
2.1. Một số khái niệm liên quan
Đây là phần không thể thiếu trong nội dung chính của bất kỳ luật nào. Đối với vấn đề quyền được chết, điều này càng quan trọng hơn bởi tính chất quan trọng và phức tạp của nó. Một số khái niệm mà Luật An tử nên giải thích là:
- Người đã thành niên (adult)
- Cái chết êm ả (an tử, euthanasia)
- Bệnh nhân (patient)
- Bệnh nan y, vô phương cứu chữa
- Tình trạng giai đoạn cuối của bệnh (có 2 loại: end-stage conditinon (tình trạng bệnh không thể thay đổi được, gây nên bởi những tại nạn hay do mắc bệnh, việc điều trị không mang lại kết quả gì); terminal condition (tương tự như loại 1 nhưng nếu không chăm sóc điều trị sẽ hình thành nên cái chết).
- Các biện pháp kéo dài sự sống (life-prolonging procedures).
- Bác sỹ điều trị, bác sỹ thứ 2 (a second doctor) được hỏi ý kiến, hội đồng bác sỹ.
- Chúc thư y tế (living will): rằng khi người bệnh bước vào giai đoạn cuối không chữa trị được nữa thì có quyền được chết, chỉ định một người khác là đại diện nếu lúc đó người bệnh không còn biểu lộ ý chí được và người đại diện sẽ quyết định việc chăm sóc, chữa trị của bệnh nhân.
- Người giám hộ, người đại diện.
- Người được ủy nhiệm bởi bệnh nhân (surrogate).
- Người được ủy quyền, được chỉ định – bởi các cơ quan có thẩm quyền như Tòa án (proxy).
- Người làm chứng cho chúc thư y tế (witness).
Đây chỉ là một số khái niệm ban đầu. Quyền được chết còn liên quan đến nhiều khái niệm mà nhà làm luật cần lưu tâm.
2.2. Điều kiện của chủ thể có quyền được chết
Không phải có quyền được chết thì muốn “chết” là “được chết”. Để thể hiện đúng bản chất của an tử, cá nhân đó phải thỏa mãn các điều kiện sau:
- Là người đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên).
- Đang chịu nhiều đau đớn về thể chất và tinh thần hay đang sống trong trạng thái thực vật dai dẳng, kéo dài sau một tai nạn hoặc mắc bệnh nan y, vô phương cứu chữa.
- Tự nguyện đưa ra yêu cầu xin được chết, không chịu áp lực nào từ bên ngoài. Yêu cầu được lặp đi lặp lại nhiều lần.
- Có chúc thư y tế (nếu bệnh nhân lúc lập chúc thư chưa bước vào giai đoạn cuối của bệnh tật).
- Không có vấn đề nào về tâm thần khi đưa ra quyết định xin được chết (lúc xin chết tại thời điểm ở giai đoạn cuối của bệnh tật) hay lập chúc thư y tế (khi chưa bước vào giai đoạn cuối của bệnh tật).
Bệnh nhân có quyền thay đổi quyết định bất cứ lúc nào. Như vậy, chúng ta đã loại trừ các dạng bệnh nhân khác như: tâm thần, người già neo đơn không nơi nương tựa bị bệnh tật, người thiểu năng trí tuệ… và chỉ cho phép các bệnh nhân thỏa mãn điều kiện ở trên có quyền xin được chết. Hà Lan còn quy định an tử đối với trẻ em: bệnh nhân từ đủ 12 đến dưới 16 tuổi cần có ý kiến của gia đình, từ đủ 16 tuổi trở lên thì ý kiến gia đình là không cần thiết. Nhưng theo chủ quan của chúng tôi thì đây là đối tượng có khả năng bị lạm dụng vào mục đích xấu nhiều nhất. Những hủ tục trọng nam khinh nữ hay những xô đẩy của cuộc sống có thể làm cho luật bị lạm dụng chệch hướng. Vì vậy, nếu có quy định này thì phải có giới hạn. Thiết nghĩ, nếu có quy định an tử cho trẻ em thì phải có ý kiến của gia đình. Nếu gia đình không đồng ý thì không thể thực hiện an tử đối với trẻ em.
2.3. Những quy định đối với bác sỹ
Những quy định đối với bác sỹ sẽ có liên quan đến các loại sau: bác sỹ điều trị (chịu trách nhiệm chính), bác sỹ chăm sóc (đóng vai trò phụ trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân), bác sỹ tâm thần (liên quan trong trường hợp cần xác định tình hình tâm thần của bệnh nhân).
Khoản 2 Điều 293, Bộ Luật Dân sự Hà Lan6 yêu cầu đối với bác sỹ khi thực hiện an tử là:
- Đã xác nhận được rằng quyết định của bệnh nhân là tự nguyện, đã được xem xét một cách cẩn trọng và bền vững.
- Đã xác nhận được rằng sự đau khổ của bệnh nhân không giảm đi và không chịu đựng được.
- Được thông báo khả năng tương lai của bệnh nhân: không tránh được cái chết.
- Đã có kết luận cuối cùng là bệnh nhân không còn sự lựa chọn hợp lý nào khác.
- Phải hỏi ý kiến của ít nhất 01 bác sỹ khác trước khi tiến hành an tử cho bệnh nhân.
- Phải thực hiện thủ tục theo một quy trình y khoa thích hợp và nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, trên đây chỉ là những yêu cầu cơ bản của bác sỹ khi thực hiện an tử. Quy định này sẽ còn thay đổi trong nhiều trường hợp khác nhau nữa mà luật phải quy định rõ ràng. Cũng cần quy định thêm: bác sỹ đó phải có chứng chỉ hành nghề, làm việc trong các bệnh viện. Cần thiết có một bác sỹ chẩn đoán chính xác tình hình hiện tại của bệnh nhân là không thể cứu chữa nữa, nhiều đau đớn kéo dài. Khi bệnh nhân chưa vào giai đoạn cuối mà lập chúc thư y tế thì phải có một bác sỹ tâm thần khám và xác nhận bệnh nhân đó không có vấn đề gì về tâm thần, không chịu sức ép nào từ bên ngoài, hoàn toàn tự nguyện. Tất cả những hoạt động này cần được lập thành văn bản, có người làm chứng và chữ ký của bác sỹ, bệnh nhân và những người liên quan khác.
Việc ra quyết định kết luận cuối cùng về tình trạng bệnh nhân nên thông qua một Hội đồng bác sỹ để mang tính khách quan. Qua đó, kết luận sẽ chính xác và ít bị lợi dụng hơn. Bác sỹ có quyền từ chối thực hiện an tử cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, bác sỹ cần thông báo đầy đủ tình trạng và những thông tin mới về phương pháp chữa trị cho bệnh nhân. Tại Bỉ, quốc gia này còn quy định luật “cứu bệnh nhân liệt giường”, có chính sách hỗ trợ bệnh nhân không có khả năng kinh tế và bác sỹ có trách nhiệm thông báo cho người bệnh biết quy định này.
2.4. Quy định đối với cơ sở khám, chữa bệnh
Cơ sở khám chữa bệnh ở đây chỉ nên khoanh vùng ở các bệnh viện cấp tỉnh trở lên. Còn các trạm xá, trung tâm y tế với quy mô nhỏ thì không có đủ các điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện tốt các yêu cầu của an tử.
Bệnh viện có quyền từ chối yêu cầu được an tử của bệnh nhân. Nếu bệnh viện đồng ý yêu cầu của bệnh nhân thì phải thực hiện theo những quy trình nghiêm ngặt do luật định. Bệnh viện cần có biện pháp đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân trong khả năng có thể và phối hợp tốt với gia đình bệnh nhân. Hội đồng bác sỹ do bệnh viện lập ra và chịu trách nhiệm về hội đồng này.
2.5. Quy định đối với chúc thư y tế
Chúc thư tế được lập khi bệnh nhân còn tỉnh táo, chưa bước vào giai đoạn cuối, chưa chịu nhiều đau đớn. Trong chúc thư, bệnh nhân phải nêu rõ những yêu cầu và những quyết định của mình, chỉ định người được ủy nhiệm (nếu có) thay mình quyết định các vấn đề khi mất năng lực, ý chí. Người này phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và yêu cầu của bệnh nhân. Tất nhiên, người này phải đồng ý làm người được ủy nhiệm bằng cách ký tên vào chúc thư của bệnh nhân thì chúc thư mới có giá trị. Phải có chữ ký của bệnh nhân và 02 người làm chứng (những người này cũng phải đạt độ tuổi thành niên, không bị mất năng lực, ý chí). Bản chúc thư được lập thêm 04 bản nữa: 01 bản giao cho bệnh viện, 01 bản giao cho bác sỹ điều trị của bệnh nhân, 01 bản giao cho gia đình bệnh nhân, 02 bản còn lại giao cho 02 người làm chứng. Tất cả các bản sao phải được công chứng.
Tại Mỹ, theo quy định của bang Florida thì chúc thư chỉ có hiệu lực trong vòng 01 tháng. Còn bang Oregon, chúc thư có hiệu lực trong vòng 06 tháng7. Chúc thư chỉ được thực hiện khi vẫn còn hiệu lực và:
- Bệnh nhân đó bước vào giai đoạn cuối, bệnh tình được kết luận là vô phương cứu chữa hay chịu nhiều đau đớn
- Người được ủy nhiệm còn có đầy đủ ý chí, năng lực đề nghị yêu cầu an tử cho bệnh nhân đó (khi thấy thực tế đã thỏa mãn đầy đủ các điều kiện nêu ra trong chúc thư).
2.6. Quy định đối với người được ủy nhiệm, được ủy quyền
Người được ủy nhiệm là người đã thành niên có đầy đủ năng lực được bệnh nhân chỉ định trong chúc thư y tế. Người này có quyền quyết định việc chăm sóc, chữa trị của bệnh nhân khi bệnh nhân đã ở trong giai đoạn cuối và không thể biểu hiện ý chí của mình. Trường hợp này, chỉ có người được ủy nhiệm quyết định việc đề nghị bệnh nhân được “an tử” lúc nào khi bệnh nhân đã thỏa mãn các yêu cầu nêu trong chúc thư; có quyền đề nghị kiểm tra lại tình trạng của bệnh nhân có thỏa mãn các điều kiện của an tử hay không khi thấy có điều sai trái. Người được ủy nhiệm có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các yêu cầu được bệnh nhân ghi trong chúc thư y tế trước đó. Nếu bệnh nhân tại thời điểm đó có thể biểu hiện ý chí thì quyền quyết định hoàn toàn ở bệnh nhân, người được ủy nhiệm không có quyền hạn gì. Điều này phải ghi rõ trong chúc thư.
Người được chỉ định, được ủy quyền là người đã thành niên, có đầy đủ năng lực, không được bệnh nhân chỉ định trong chúc thư y tế. Có 02 trường hợp để chỉ định người được ủy quyền: người được ủy nhiệm trong chúc thư đến thời điểm đó bị mất năng lực, ý chí hoặc trong chúc thư không chỉ định một ai làm người ủy nhiệm. Khi đến thời điểm nhất định, bệnh nhân vào giai đoạn cuối, không biểu hiện được ý chí thì Tòa án sẽ chỉ định một người hay vài người quyết định việc chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân. Người này có thể là bác sỹ điều trị, người thân, bạn bè thân thiết của bệnh nhân đó…
Tuy những người này đều có quyền quyết định việc chăm sóc, chữa trị của bệnh nhân nhưng phải tuân theo nội dung của chúc thư, quy định của bệnh viện và các quy định của pháp luật.
2.7. Quy định khi bệnh nhân không có chúc thư y tế
Vấn đề này khá phức tạp và khó có thể quy định một cách chặt chẽ nên có thể chia ra làm hai trường hợp như sau:
2.7.1. Đến giai đoạn cuối mới xin được chết
Khi bệnh nhân bước vào giai đoạn cuối, chịu nhiều đau đớn, kéo dài, các biện pháp đều vô ích mới có ý định xin được chết (nghĩa là còn biểu hiện được ý chí). Trước đó họ không có chúc thư y tế, nghĩa là cũng không có người được ủy nhiệm. Trường hợp này họ có thể ký vào đơn yêu cầu theo mẫu của bệnh viện dưới sự giám sát của bác sỹ và người làm chứng để xin được chết. Bác sỹ phải đưa ra được bằng chứng bệnh nhân đã yêu cầu nhiều lần, được lặp đi lặp lại một cách tự nguyện, không bị sức ép nào từ bên ngoài. Cần thẩm định chữ ký đó là chữ ký thật của bệnh nhân. Tất cả các quy trình khác đối với trường hợp này cũng phải theo những quy định của người có chúc thư y tế như: việc lập hội đồng bác sỹ, quy trình thực hiện an tử…
2.7.2. Bệnh nhân đang ở trong tình trạng mất ý thức kéo dài, bị chết não (sống thực vật), gia đình yêu cầu thực hiện an tử đối với bệnh nhân
Đây là an tử không tự nguyện và là một khía cạnh khó, thậm chí bị chống đối nhiều nhất vì dễ bị lạm dụng nhất. Có nên chấp nhận an tử không tự nguyện hay không cần phải cân nhắc kỹ. Cũng cần phân biệt nó với nhiều trường hợp hiện nay khi gia đình bệnh nhân không còn khả năng kinh tế và bệnh nhân vô phương cứu chữa (cũng có thể là vẫn còn cách chữa nhưng lại không có khả năng kinh tế) nên xin cho bệnh nhân về để chờ chết hay tìm cách an tử không tự nguyện (gồm các cách thức đưa bệnh nhân ra đi sớm hơn so với tự nhiên: rút ống dẫn dinh dưỡng, oxy hay tiêm thuốc…).
Theo quan điểm của chúng tôi, vẫn có thể quy định được vấn đề an tử không tự nguyện. Nếu gia đình bệnh nhân “xác nhận rõ ràng và có bằng chứng thuyết phục về mong muốn thực tế của người bệnh, hoặc đó là mong muốn rõ ràng của người bệnh xét trong mọi mối quan hệ của người bệnh, tình trạng sức khỏe của người bệnh và việc chẩn đoán, tiên lượng bệnh. Bằng chứng chuẩn, rõ ràng, thuyết phục là tất cả ranh giới giữa người bệnh và một cái chết sai lầm”8và không còn khả năng kinh tế để tiếp tục việc điều trị cho bệnh nhân, thì có thể yêu cầu an tử đối với bệnh nhân hay làm như cách thức hiện nay nhẹ nhàng hơn là xin về nhà. Nếu sự chứng minh là không đủ, thì người bệnh có quyền tiếp tục được nhận thức ăn và nước uống.
Trong nhiều trường hợp, sẽ là hợp đạo lý và hợp pháp, về mặt lý thuyết, khi ngừng cung cấp dinh dưỡng nhân tạo và khí thở cho bệnh nhân đã sống ở trạng thái thực vật liên tục, thường xuyên, kéo dài. Tuy nhiên, điều đó chỉ thực sự hợp lý, hợp pháp khi một hay những người được ủy quyền quyết định việc chữa trị cho người bệnh có bằng chứng hết sức rõ ràng, mạnh mẽ rằng họ đã bảo vệ cuộc sống của người bệnh, tôn trọng ý chí và quyền tự quyết của người bệnh9.
2.8. Một số yêu cầu khác
Bên cạnh các vấn đề đã nêu ở trên, Luật An tử yêu cầu những quy định khác như:
- Nêu rõ ràng, cụ thể các dạng bệnh nhân xin được chết và các cách thức thực hiện an tử trong Luật An tử.
- Xây dựng quy trình xin được chết và thực hiện an tử phù hợp với những nội dung của Luật An tử. Quy định một cách nghiêm ngặt quy trình đối với từng trường hợp. Đây là một vấn đề rất quan trọng.
- Quy định thêm các biện pháp xử phạt hành chính đối với các tổ chức, các cá nhân vi phạm các quy định của luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (tất nhiên Luật Hình sự cũng phải thay đổi, bổ sung thêm các tội liên quan đến Luật An tử của các cá nhân).
- Xác định rõ thẩm quyền của các cá nhân, tổ chức trong quyền được chết. Từ đó có sở pháp lý chắc chắn khi giải quyết các vụ việc phát sinh.
3. Kết luận
Với vấn đề quyền được chết, triển vọng được nhiều quốc gia công nhận trở thành quyền nhân thân là một chặng đường còn khá dài ở phía trước. Tuy nhiên, thực tế cũng đã chứng minh rằng số lượng các nước chấp thuận quyền được chết và xây dựng Luật An tử đang có xu hướng tăng dần trong các năm qua. Dĩ nhiên, ngay tại các quốc gia này, cuộc đấu tranh lập pháp cũng như chính trị đã diễn ra rất mạnh mẽ và diễn biến trong một thời gian dài. Điều đó cũng chứng minh cho chúng ta thấy rằng, chấp nhận quyền được chết như một quyền nhân thân không phải là vấn đề đơn giản.
Chú thích:
(1) Trương Hồng Quang, Bàn về Quyền được chết và vấn đề xây dựng Luật An tử ở Việt Nam (2009), Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 6/2009, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, trang 56.
(2) Trên thế giới đã chứng kiến nhiều vụ việc phức tạp và kéo dài trong một khoảng thời gian dài. Từ phạm vi lập pháp, vấn đề này đã lan sang các lĩnh vực khác, bị lợi dụng trở thành công cụ chính trị cho các Đảng phái đá qua đá lại. Ví dụ như ở Bỉ ngày 16/05/2002, Thượng viện Bỉ đã chấp thuận đạo luật cho phép bệnh nhân bị bệnh rất nặng có quyền được chết dưới những điều kiện nhất định và đây là chặng cuối của cuộc đua pháp lý kéo dài 3 năm, khởi xướng vào năm 1999 khi mà lần đầu tiên trong vòng hơn 40 năm, liên minh dân sự lên nắm quyền ở Bỉ.
(3) Trương Hồng Quang, Bàn về Quyền được chết và vấn đề xây dựng Luật An tử ở Việt Nam (2009), Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 6/2009, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, trang 61.
(4) “Đại dịch” các sao Hàn tự tử: Tranh luận quyền được chết (cập nhật ngày 16/12/2009), nguồn:
http://phapluattp.vn/2009121509528532p0c1112/dai-dich-cac-sao-han-tu-tu-tranh-luan-quyen-duoc-chet.htm
(5) Xem thêm những giải pháp thực hiện vấn đề này tại: Trương Hồng Quang (2007), Một số vấn đề về Quyền được chết đối với quá trình xây dựng Luật An tử ở Việt Nam hiện nay, Đề tài đạt giải Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ, tr. 35-37.
(6) Theo Dutch Civil Code, nguồn Hollandlaw.com. Bản dịch Tiếng Việt của Trương Hồng Quang.
(7) Có thể xem mẫu chúc thư y tế của bang này tại: Flsenate.gov/statue hoặc bản dịch Tiếng Việt tại phần phụ lục của tài liệu: Trương Hồng Quang (2007), Một số vấn đề về Quyền được chết đối với quá trình xây dựng Luật An tử ở Việt Nam hiện nay, Đề tài đạt giải Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
(8) Xem: Stephen Hicks, A Comparative case study euthanasia, Workshop “How to teach Comparative Law”, Hanoi, 21-23/04/2006, page 11.
(9) Xem: Stephen Hicks, A Comparative case study euthanasia, tlđd, page 11.
(Theo TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ)

BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG GIAO KẾT HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ QUA INTERNET

Hầu như tất cả (98%) các website chưa cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản về thương nhân như tên, địa chỉ, số điện thoại, email, giấy phép đăng ký kinh doanh.
46% các website không công bố bất cứ thông tin gì về các điều khoản giao dịch, chỉ có 8% công bố đầy đủ các điều khoản giao dịch.
Đa phần website vẫn chưa chú ý thích đáng tới việc xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp. Chỉ có 4% trong số những website được khảo sát công bố thông tin về quy trình giải quyết khi xảy ra tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Dự thảo 5 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được đưa ra Quốc hội để thảo luận. Trong quá trình thảo luận, một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết hợp đồng điện tử.
Có ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật dường như chỉ quy định đối với các giao dịch truyền thống mà chưa tính đến các phương thức kinh doanh mới đang phát triển như giao dịch trên Internet hiện nay1. Sau khi kỳ họp thứ 7, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiến hành nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật theo ý kiến góp ý của đại biểu. Tuy nhiên, theo dõi bản Dự thảo 5.4 đưa ra tại cuộc họp ngày 14/8/2010 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, có thể nhận thấy, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết hợp đồng điện tử qua Internet vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
1. Nhu cầu điều chỉnh pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết hợp đồng điện tử
Hợp đồng điện tử đặc trưng cho các giao dịch được thiết lập từ xa. Trong mối quan hệ này, người tiêu dùng luôn ở thế yếu so với nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa. Thế yếu này bắt nguồn từ chính phương thức giao kết hợp đồng: phải sử dụng biện pháp liên lạc từ xa (qua website, e-mail hay chat room…). Người tiêu dùng có thể thiếu thông tin về tình hình thực tế hay pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng. Đặc điểm này là nguyên nhân gây ra bất bình đẳng giữa các bên. Dễ nhận thấy rằng, khi mua một mặt hàng bất kỳ (ví dụ như quần áo) thông qua một website, người tiêu dùng không có dịp kiểm tra màu sắc, kích cỡ hay chất liệu quần áo như khi mua ở một cửa hàng thời trang. Vì vậy, có thể sẽ có rủi ro khi giao kết hợp đồng, sự đồng ý của người tiêu dùng sẽ không rõ ràng như khi ký kết hợp đồng với sự hiện diện của các bên. Ở cấp độ thấp hơn, việc mua hàng thiếu cân nhắc cũng rất đáng ngại, khi đó người tiêu dùng sẽ không suy nghĩ chín chắn trước khi ký kết hợp đồng như trong giao dịch truyền thống. Khi các hợp đồng điện tử đa phần dưới dạng là hợp đồng mẫu, thì vị thế của người tiêu dùng từ xa lại càng yếu thế vì họ không có quyền thỏa thuận, thương lượng.

Mặc dù có sự bất bình đẳng giữa các bên, có tình trạng bất cân xứng về thông tin và khả năng thương lượng giữa các bên, quy trình, phương thức giao kết hợp đồng điện tử có khác biệt, nhưng không phải “cư dân mạng” nào cũng nắm rõ. Do đó, cần thiết phải có sự can thiệp của pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – bên yếu thế trong quan hệ hợp đồng điện tử.
Sự thành công của hợp đồng điện tử phụ thuộc vào việc xây dựng một môi trường giao dịch thu hút cũng như an toàn đối với các bên tham gia. Điều này đặc biệt đúng khi nói tới khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng. Một yếu tố quan trọng để tạo môi trường cho lòng tin và sự tín nhiệm trong giao kết hợp đồng điện tử là phải bảo vệ được người tiêu dùng. Các bên tham gia giao kết hợp đồng điện tử qua mạng Internet không nhất thiết hay không thể gặp mặt nhau. Thông thường, người tiêu dùng không biết rõ các thông tin về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp như người bán hàng, khả năng chịu rủi ro sẽ cao hơn, do đó cần có những quy định pháp luật bảo vệ họ.
2. Thực trạng pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết hợp đồng điện tử
Ở Việt Nam, cùng với những chuyển biến của môi trường xã hội, hạ tầng công nghệ và khung pháp lý trong những năm gần đây, ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp ngày càng được mở rộng, đặc biệt là các ứng dụng trên nền Internet. Số lượng website thương mại điện tử tăng rất nhanh. Do đặc thù của môi trường Internet, giao dịch tiến hành trên những website này tuân theo những trình tự và điều kiện rất khác biệt so với giao dịch truyền thống, đặc biệt trong quy trình giao kết hợp đồng giữa các bên. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật trước đây (trước năm 2006) chưa có văn bản nào điều chỉnh vấn đề này, mọi giao dịch trên các website vẫn được tiến hành một cách tự phát và không có cơ sở pháp lý để giải quyết những tranh chấp phát sinh.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về quy trình giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử là hết sức cần thiết, nhằm thiết lập những nguyên tắc và chuẩn mực chung cho hoạt động của các website, nâng cao tính minh bạch của một hình thức giao dịch thương mại điện tử phổ biến, đồng thời góp phần bảo vệ và cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia giao dịch.
Về vấn đề này, đầu tiên phải kể đến Luật Công nghệ thông tin năm 2006. Khoản 2 Điều 30 Luật này quy định khi thực hiện việc kinh doanh trên mạng, một website bán hàng phải bảo đảm các yêu cầu: a) cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về hàng hóa, dịch vụ, điều kiện giao dịch, thủ tục giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại; b) cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về phương thức thanh toán an toàn và tiện lợi trên môi trường mạng và c) công bố các trường hợp người tiêu dùng có quyền hủy bỏ, sửa đổi thỏa thuận trên môi trường mạng.
Trừ trường hợp các bên liên quan có thoả thuận khác, tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải cung cấp các thông tin sau đây cho việc giao kết hợp đồng: a) trình tự thực hiện để tiến tới giao kết hợp đồng trên môi trường mạng; b) biện pháp kỹ thuật xác định và sửa đổi thông tin nhập sai; c) việc lưu trữ hồ sơ hợp đồng và cho phép truy nhập hồ sơ đó. Khi đưa ra các thông tin về điều kiện hợp đồng cho người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân phải bảo đảm cho người tiêu dùng khả năng lưu trữ và tái tạo được các thông tin đó (Điều 31 Luật Công nghệ thông tin năm 2006).
Một thực tế trong giao dịch điện tử là mọi người thường vội vã nhấp nút “Gửi” khi thực ra họ chưa định làm thế. Nhiều người giao kết hợp đồng qua mạng chắc chắn đã từng gặp trường hợp nhập thông tin vào mẫu trên website mà sai về mọi thứ, từ lỗi chính tả đến số lượng và món đồ định mua. Những lỗi này thường mang tính khách quan, thể hiện sự không thống nhất giữa thao tác bên ngoài với ý chí bên trong của người mua. Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong những trường hợp như thế này, Luật Công nghệ thông tin năm 2006 đưa ra biện pháp tại Điều 32: “Trường hợp người mua nhập sai thông tin gửi vào trang thông tin điện tử bán hàng mà hệ thống nhập tin không cung cấp khả năng sửa đổi thông tin, người mua có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu đã thực hiện các biện pháp sau đây:
1. Thông báo kịp thời cho người bán biết về thông tin nhập sai của mình và người bán cũng đã xác nhận việc nhận được thông báo đó;
2. Trả lại hàng hoá đã nhận nhưng chưa sử dụng hoặc hưởng bất kỳ lợi ích nào từ hàng hóa đó”.
Giải pháp tương tự cũng được quy định tại Điều 15 Nghị định số 57/2006/NĐ-CP về thương mại điện tử khi cho phép cá nhân mắc phải lỗi nhập thông tin khi giao tiếp với một hệ thống thông tin tự động có thể rút bỏ phần chứng từ điện tử có lỗi.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy các quy định nêu trên mới chỉ là quy định khái quát, mang tính nguyên tắc, để đi vào cuộc sống thì cần phải có những quy định cụ thể, chi tiết hơn. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại điện tử, Bộ Công thương đã xây dựng và ban hành Thông tư số 09/2008/TT-BCT ngày 21/7/2008 hướng dẫn việc cung cấp thông tin và giao kết hp đồng trên website thương mại điện tử nhằm đáp ứng các nhu cầu nói trên của thực tiễn kinh doanh. Thông tư được xây dựng theo những quan điểm chủ yếu là: điều chỉnh những vấn đề mang tính đặc thù của việc giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử, còn việc thực hiện hợp đồng được điều chỉnh bởi pháp luật chung về hợp đồng (cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật chung về thương mại); điều chỉnh việc giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử giữa thương nhân với khách hàng (là cá nhân hoặc tổ chức). Các giao dịch giữa cá nhân và cá nhân là giao dịch dân sự, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư. Mục tiêu của Thông tư là đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử do khách hàng thường ở thế bất lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin và bị động hơn trong việc thỏa thuận các điều kiện hợp đồng; đưa ra một khung quy định chung về những thông tin cần được cung cấp và quy trình giao kết hợp đồng trên các website thương mại điện tử nhằm bảo vệ lợi ích tối thiểu cho khách hàng. Thương nhân là bên chiếm ưu thế hơn trong việc đề ra các điều khoản của hợp đồng, do đó có thể chủ động áp dụng những biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích của mình khi giao dịch với khách hàng trên website thương mại điện tử.
Dựa trên những yếu tố đặc thù của môi trường mạng, Thông tư số 09/2008/TT-BCT quy định về một quy trình giao kết hợp đồng tiêu biểu qua website thương mại điện tử, qua đó giúp phân định phạm vi trách nhiệm của mỗi bên trong các giao dịch này, đồng thời giảm bớt sự bất bình đẳng giữa khách hàng và thương nhân trong giao kết hợp đồng. Bên cạnh những điều khoản về quy trình giao kết hợp đồng, Thông tư số 09/2008/TT-BCT còn quy định cụ thể việc cung cấp thông tin trên các website thương mại điện tử nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình giao dịch với yêu cầu những thông tin này phải: a) rõ ràng, chính xác, dễ tìm và dễ hiểu; b) được sắp xếp tại các mục tương ứng trên website và có thể truy cập bằng phương pháp trực tuyến; c) có khả năng lưu trữ, in ấn và hiển thị được về sau và d) được hiển thị rõ đối với khách hàng trước thời điểm khách hàng gửi đề nghị giao kết hợp đồng. Những thông tin mà thương nhân phải công bố trên website theo quy định của Thông tư số 09/2008/TT-BCT bao gồm: thông tin về thương nhân và người sở hữu website; thông tin về hàng hóa, dịch vụ; thông tin về giá cả; thông tin về các điều khoản giao dịch; thông tin về vận chuyển và giao nhận; thông tin về các phương thức thanh toán; thông tin đầy đủ và trung thực về việc được chứng nhận website thương mại điện tử uy tín. Thông tư số 09/2008/TT-BCT còn dành một mục (Mục IV) quy định một số vấn đề đặc thù trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử, như cơ chế rà soát và xác nhận nội dung hợp đồng; thủ tục chấm dứt hợp đồng đối với hợp đồng cung ứng dịch vụ trực tuyến dài hạn; giải quyết tranh chấp liên quan đến các hợp đồng giao kết trên website thương mại điện tử; bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng trên website thương mại điện tử…
Có thể nhận thấy, các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết hợp đồng điện tử của Việt Nam về cơ bản đã tiệm cận được xu hướng điều chỉnh pháp luật trên thế giới, như quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; quy định về cơ chế rà soát và xác nhận nội dung hợp đồng; quy định về sửa lỗi do nhập sai thông tin khi giao kết hợp đồng qua mạng; quy định bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng qua mạng… Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cho phép người tiêu dùng có quyền rút lui khỏi hợp đồng, trả lại hàng hóa đã mua và không phải bồi thường, khi giao kết hợp đồng qua Internet trong một thời hạn nhất định như pháp luật của một số nước tiên tiến trên thế giới2. Quyền rút lui khỏi hợp đồng giúp người tiêu dùng không bị rơi vào thế yếu, nếu nhận thấy mặt hàng mua từ xa không phù hợp với yêu cầu (chẳng hạn như quần áo không vừa), người tiêu dùng có thể thay đổi ý định mà không phải chịu phạt. Bên cạnh đó, các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết hợp đồng điện tử còn nằm rải rác ở các văn bản khác nhau, khó cho việc tra cứu và quan trọng hơn, phần lớn các quy định này mới chỉ được quy định trong một văn bản có hiệu lực pháp lý thấp (Thông tư số 09/2008/TT-BCT), nên hiệu quả điều chỉnh trong thực tiễn chưa cao (có thể thấy rõ điều này qua số liệu khảo sát được trình bày dưới đây). Điều đáng tiếc là trong quá trình xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhiều quy định của Thông tư số 09/2008/TT-BCT được đánh giá là khá tốt lại chưa được pháp điển hóa, nâng lên thành luật quy định trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Sau khi Thông tư số 09/2008/TT-BCT được ban hành, một cuộc khảo sát về mức độ tuân thủ các quy định của Thông tư đã được tiến hành đối với 50 website thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin kết hợp thuộc Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. Kết quả khảo sát đối với một số tiêu chí cơ bản cho thấy:
Hầu hết website (96%) đều mô tả khá rõ ràng về hàng hóa, dịch vụ mà mình cung cấp. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng dễ dàng đưa ra các quyết định mua hàng cũng như xây dựng lòng tin của khách hàng tốt hơn khi thăm các website.
Giá cả của các hàng hóa dịch vụ là tiêu chí duy nhất mà tất cả các website đều đăng tải. Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết thì chỉ có 38% các website công bố rõ ràng cơ cấu giá (giá trước thuế, giá sau thuế, chi phí vận chuyển, các chi phí có liên quan…).
Đa số các website đều có cơ chế trả lời đề nghị giao kết hợp đồng của khách hàng (80%), nhưng còn 20% website không có bất kỳ hình thức trả lời đề nghị giao kết hợp đồng nào trong một khoảng thời gian cụ thể.
Hầu như tất cả (98%) các website chưa cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản về thương nhân như tên, địa chỉ, số điện thoại, email, giấy phép đăng ký kinh doanh.
46% các website không công bố bất cứ thông tin gì về các điều khoản giao dịch, chỉ có 8% công bố đầy đủ các điều khoản giao dịch.
Đa phần website vẫn chưa chú ý thích đáng tới việc xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp. Chỉ có 4% trong số những website được khảo sát công bố thông tin về quy trình giải quyết khi xảy ra tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Một tiêu chí rất quan trọng nữa để đánh giá về một website thương mại điện tử là chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng. Thông tin cá nhân gần đây đã trở thành vấn đề nổi cộm trên thế giới và được rất nhiều quốc gia và tổ chức quan tâm. Kết quả khảo sát cho thấy, tất cả website thuộc mẫu điều tra đều có thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, kể cả những thông tin cực kỳ nhạy cảm như thẻ tín dụng. Nhưng chỉ có 12% các website công bố chính sách bảo vệ thông tin cá nhân, 6% có cơ chế cho phép khách hàng lựa chọn đồng ý hoặc từ chối cung cấp thông tin cá nhân khi tham gia giao dịch3.
So với Dự thảo 5, quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết hợp đồng điện tử của Dự thảo 5.4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hai điểm bổ sung đáng chú ý:
Một là, quy định tại khoản 3 Điều 13: “Trường hợp giao kết hợp đồng qua phương tiện điện tử, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải tạo điều kiện cho người tiêu dùng xem toàn bộ hợp đồng trước khi giao kết”.
Hai là, quy định tại khoản 2 Điều 19: “Trường hợp giao dịch qua trang thông tin điện tử, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng khả năng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này”.
Tuy nhiên, quy định tại khoản 3 Điều 13 là không khả thi, bởi đối với trường hợp giao kết hợp đồng qua điện thoại (một loại phương tiện điện tử), thì các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ dù muốn cũng không thể cho người tiêu dùng xem toàn bộ hợp đồng trước khi giao kết được.
Để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sau khi được ban hành có tính khả thi và đáp ứng nhu cầu điều chỉnh của thực tiễn hiện nay, thì một trong những nguyên tắc quan trọng cần phải quán triệt trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật này là: các biện pháp và mức độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử không thấp hơn so với các giao dịch truyền thống.
Nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chúng tôi cho rằng, các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết hợp đồng điện tử cần được quy định đầy đủ và chi tiết hơn. Ban soạn thảo nên tổng kết, nghiên cứu và pháp điển hóa các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết hợp đồng điện tử nằm rải rác ở các văn bản khác nhau và có hiệu lực pháp lý thấp như đã phân tích ở mục 2 để đưa vào trong Dự thảo Luật này.
Chú thích:
(1) http://dantri.com.vn/c20/s20-400158/nguoi-tieu-dung-truc-tuyen-de-bi-gai-bay.htm
(2) Ví dụ, ở Pháp, người tiêu dùng có quyền rút lui khỏi hợp đồng trong thời hạn 07 ngày, không kể ngày lễ và chủ nhật: Đối với hàng hóa, tính từ ngày người tiêu dùng nhận được hàng hóa, nếu đã có thư khẳng định lại của thương nhân qua đường thư điện tử (email); đối với dịch vụ, thời hạn này được tính từ ngày ký kết hợp đồng hoặc từ ngày thương nhân thực hiện việc khẳng định lại thông tin bằng thư điện tử.
Trong trường hợp thương nhân không thực hiện nghĩa vụ khẳng định lại thông tin bằng email, thì thời hạn mà người tiêu dùng có quyền rút lui khỏi hợp đồng là 03 tháng: Đối với hàng hóa, tính từ ngày người tiêu dùng nhận được hàng hóa; đối với dịch vụ, tính từ ngày ký kết hợp đồng.
Trong trường hợp người tiêu dùng thực hiện quyền rút lui khỏi hợp đồng, thương nhân phải hoàn trả lại số tiền đã nhận trong thời hạn tối đa là 30 ngày.
Quyền rút lui khỏi hợp đồng của người tiêu dùng không áp dụng đối với những hàng hàng hóa hoặc dịch vụ được sử dụng ngay lập tức như: băng, đĩa hình; băng, đĩa nhạc; các phần mềm tin học hay báo chí điện tử…
(3) Bộ Công thương (2010), Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2009, tr. 31-32.
(TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ)

VẤN ĐỀ ĐẠI DIỆN VỐN NHÀ NƯỚC

Chừng nào cơ chế quản lý này còn chưa minh bạch, tình trạng lộng quyền của đại diện vốn nhà nước còn có đất để tồn tại, tạo điều kiện khách quan cho tệ tham nhũng nảy nở và lây lan.
Những tin bài trên báo chí gần đây về “đại diện vốn nhà nước” cho thấy đây còn là một điểm lúng túng trong cơ chế Nhà nước quản lý kinh tế với tư cách chủ sở hữu.
Thời kinh tế tập trung bao cấp, kinh tế tư doanh bị xóa sổ, kinh tế quốc doanh chiếm vị trí độc tôn. Vì Nhà nước vừa là cơ quan quyền lực, vừa là chủ sở hữu kinh tế quốc doanh, nên quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh gắn chặt với nhau. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, xuất hiện chủ trương tách quản lý nhà nước với quản lý kinh doanh các doanh nghiệp nhà nước.
Nếu các cơ quan quản lý ngành tiếp tục thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, thì cơ quan nào quản lý các doanh nghiệp nhà nước với tư cách chủ sở hữu? Thực tế cho thấy các tổng công ty, và sau này là cả các tập đoàn kinh tế, đều không đảm đương nổi chức năng này.
Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, kỳ vọng được đặt vào Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Song, SCIC thực chất cũng chỉ là công ty nhà nước kinh doanh tài chính, cũng không thể đóng nổi vai trò chủ sở hữu khu vực doanh nghiệp nhà nước. Cho đến nay vấn đề cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước với tư cách chủ sở hữu vẫn chưa định hình, chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa minh định.
Thực ra, Nghị định 25/2009/NĐ-CP về chuyển các doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH một thành viên đã đề cập tới vấn đề này khi quy định cá nhân (Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh) hoặc tổ chức (cơ quan quản lý ngành ở Trung ương và địa phương) làm chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên. Song quyền hạn, trách nhiệm chủ sở hữu lại chưa quy định. Vậy mà đã có nghịch lý: quản lý kinh doanh, việc của doanh nhân, nhưng lại giao cho chính khách cấp quốc gia và cấp tỉnh hoặc lại đưa trở về cơ quan quản lý nhà nước.

Từ ngày 1-7-2010, các doanh nghiệp hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên. Cho nên vấn đề đại diện vốn nhà nước chỉ có nghĩa ở những công ty cổ phần có vốn nhà nước thuộc sở hữu hỗn hợp, không hoàn toàn là Nhà nước, cũng không hoàn toàn là tư nhân, quyền quản lý của chủ sở hữu tất phải chia sẻ.
Chỉ ở đây mới cần phân biệt vốn của Nhà nước với vốn không phải của Nhà nước, cũng là để phân biệt giới hạn quyền và trách nhiệm của cổ đông nhà nước với quyền và trách nhiệm của các cổ đông khác.
Theo tin báo chí: theo ủy quyền của Nhà nước, SCIC hiện đã quản lý vốn tại 540 doanh nghiệp, trong đó trực tiếp thực hiện quyền cổ đông tại 22 doanh nghiệp, số còn lại thông qua 600 người đại diện. Trong những trường hợp này, có cơ sở để khẳng định rằng quan hệ giữa SCIC (cổ đông nhà nước) với 600 người đại diện kia thực chất là quan hệ chủ-thợ, trên-dưới. Người đại diện chịu sự chỉ đạo và trong phạm vi đại diện của mình chịu trách nhiệm trước SCIC. Thế nhưng nhiều người dường như không nghĩ như thế, mà coi người đại diện là một cấp quản lý trung gian giữa SCIC với công ty cổ phần.
Trong thực tế, với tư cách đại diện vốn nhà nước, người đại diện thường được cử vào những chức vụ lãnh đạo công ty như chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc… Những vị trí này cho họ những quyền và trách nhiệm đối với công ty, vượt quá giới hạn quyền và trách nhiệm cổ đông nhà nước.
Trong trường hợp này, người đại diện đồng thời đóng hai vai trò: đại diện vốn nhà nước (do nhà nước chỉ định) và người quản lý công ty (do đại hội đồng cổ đông bầu ra), trở thành giao điểm giữa cơ chế Nhà nước quản lý công ty với tư cách chủ sở hữu với cơ chế quản lý công ty cổ phần theo quy định của pháp luật.
Với tư cách đại diện vốn nhà nước, họ là người của Nhà nước và có quan hệ báo cáo – thỉnh thị với Nhà nước (cụ thể là với SCIC). Nhưng với tư cách người quản lý công ty, họ là người của công ty, có quyền và trách nhiệm quản lý hoạt động kinh tế của công ty, thay mặt công ty trong các quan hệ kinh tế với các chủ thể kinh tế bên ngoài và với Nhà nước.
Theo cơ chế quản lý công ty cổ phần quy định trong Luật Doanh nghiệp, bộ máy quản lý công ty gồm:
i) Đại hội đồng cổ đông, cơ quan quyền lực cao nhất thể hiện quyền của các cổ đông (chủ sở hữu). Đại hội đồng cổ đông quyết định các vấn đề kinh tế của công ty theo túc số biểu quyết quy định trong Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty, trong đó số lượng phiếu biểu quyết của mỗi cổ đông tỷ lệ thuận với số lượng cổ phiếu mỗi người sở hữu;
ii) Hội đồng quản trị, cơ quan chấp hành của đại hội đồng cổ đông, do đại hội đồng cổ đông bầu ra và chịu trách nhiệm trước đại hội đồng cổ đông;
iii) Tổng giám đốc do hội đồng quản trị bổ nhiệm và chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị.
Với cơ chế như vậy, dù Nhà nước là cổ đông đa số (nắm giữ 51% cổ phần trở lên) cũng không thể quản lý trực tiếp công ty cổ phần, mà phải quản lý gián tiếp trên cơ sở tôn trọng cơ chế quản lý công ty cổ phần như nêu trên.
Chừng nào cơ chế quản lý này còn chưa minh bạch, tình trạng lộng quyền của đại diện vốn nhà nước còn có đất để tồn tại, tạo điều kiện khách quan cho tệ tham nhũng nảy nở và lây lan.
Trong thực tế, hiện nay nhiều người hiểu cơ chế quản lý công ty cổ phần quá đơn giản. Họ cho rằng khi Nhà nước đã là cổ đông đa số, thì Nhà nước có thể coi công ty cổ phần là doanh nghiệp nhà nước.
Đã từng có văn bản xếp công ty cổ phần mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối vào hàng doanh nghiệp nhà nước! Chính vì quan niệm như vậy nên cung cách quản lý công ty cổ phần sau cổ phần hóa không mấy thay đổi so với trước cổ phần hóa, trong khi đổi mới quản lý để nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội của công ty cổ phần mới là mục tiêu quan trọng nhất của cổ phần hóa.
Những điều nêu trên cho thấy cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước với tư cách chủ sở hữu hầu như vẫn còn đang trong giai đoạn khai phá, mặc dù vấn đề này đã xuất hiện từ khi các công ty cổ phần có vốn nhà nước hình thành. Hình như các quan chức có trách nhiệm về đổi mới doanh nghiệp nhà nước coi việc chuyển được doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần đã là xong việc, mà không thấy được rằng việc xây dựng cơ chế quản lý vốn nhà nước sau cổ phần hóa mới thật sự nặng nề và khó khăn. Trong đó, vấn đề cơ sở của mọi vấn đề là ai (cơ quan nhà nước nào) được coi là chủ sở hữu đến nay vẫn chưa minh định.
( Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN)

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

Viết đơn vu khống có bị xử lý hình sự?

Hỏi: Do tranh chấp đất đai giữa gia đình tôi với người hàng xóm, việc khiếu nại tranh chấp đang giải quyết thì người hàng xóm đã viết đơn hoàn toàn bịa đặt một việc khác gửi đến cơ quan pháp luật tố cáo tôi. Vậy xin hỏi, hành vi vu khống đó có bị xử lý hình sự không?
Trần Minh Hùng - TP. Hồ Chí Minh

Trả lời: Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: Vu khống là hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của người khác. Đối chiếu với quy định này, người phạm tội vu khống phải có một trong các hành vi như bịa đặt điều không có thật; loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt (việc loan truyền này có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như sao chép làm nhiều bản gửi đi nhiều nơi, đăng tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng) nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại. Thiệt hại có thể đã xảy ra hoặc chưa xảy ra.

Theo quy định, người bị hại phải là công dân và bị xúc phạm về danh dự, hoặc có thể bị thiệt hại về tài sản, tinh thần, có đơn đề nghị với cơ quan pháp luật mình đã bị người đó vu khống. Hành vi làm đơn tố cáo sai sự thật gửi đến các cơ quan nhà nước là hành vi cấu thành tội vu khống. ở đây chúng tôi cũng cần nói rõ, không phải bất cứ hành vi vu khống nào cũng bị xử lý hình sự, mà khi đó cơ quan pháp luật sẽ điều tra xem xét cụ thể từng sự việc xem đã đến mức truy cứu trác nhiệm hình sự hay không mới xử lý về mặt hình sự.

Cấp lại "sổ đỏ" khi bị mất

Hỏi: Gia đình tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà "sổ đỏ" nhưng không may đã bị mất. Vậy xin hỏi trường hợp bị mất "sổ đỏ" làm thế nào để được cấp lại?

Vũ Minh Thân - Hà Nội

Trả lời: Theo quy định của Luật Nhà ở, đối với trường hợp chủ sở hữu nhà ở bị mất "sổ đỏ" nhà ở phải có hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận và nộp cho cơ quan quản lý nhà ở của cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận bao gồm: Đơn đề nghị cấp lại giấy chứng nhận, trong đó nêu rõ lý do mất giấy chứng nhận và cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai của mình; Giấy tờ xác nhận về việc mất giấy chứng nhận của cơ quan công an cấp xã nơi mất giấy kèm theo giấy tờ chứng minh đã đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng một lần đối với khu vực đô thị hoặc đã niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại trụ sở UBND xã, phường trong thời hạn mười ngày làm việc đối với khu vực nông thôn, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng là giấy chứng nhận bị tiêu hủy do thiên tai, hỏa hoạn. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ mà chủ sở hữu nhà ở không tìm lại được giấy chứng nhận, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải cấp lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho chủ sở hữu nhà ở.

Lập di chúc bằng chữ dân tộc

Cha tôi mất, có để lại di chúc viết bằng chữ dân tộc Chăm và không được xã chứng thực. Nay bên nội tôi tranh chấp thừa kế với lý do di chúc đó trái pháp luật. Có phải vậy không? (Lương Thị Máy, 0688379.., Ninh Thuận)

Luật sư trả lời: Theo Điều 649 Bộ luật Dân sự, người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình. Khoản 1, 4 Điều 652 bộ luật này cũng quy định di chúc được coi là hợp pháp nếu người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực vẫn được coi là hợp pháp nếu có đủ các điều kiện nêu trên.

Giảm trừ thuế thu nhập cá nhân

Tôi kinh doanh một tiệm tạp hóa tại nhà và năm nào tôi cũng đến các trại trẻ mồ côi để làm từ thiện. Vậy các khoản đóng góp từ thiện có được giảm trừ thuế thu nhập cá nhân hay không?
(Nguyễn Thị Sửu, Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Luật sư trả lời: Theo điểm 3.2 Mục I Phần B Thông tư 84 ngày 30-9-2008 của Bộ Tài chính, đối với đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú, khoản chi đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa (được thành lập và hoạt động theo Nghị định 68 ngày 30-5-2008 của Chính phủ) được trừ vào thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh trước khi tính thuế. Tài liệu để chứng minh việc đóng góp là chứng từ thu hợp pháp của tổ chức, cơ sở.

Nếu có các chứng từ hợp pháp theo quy định trên thì bà sẽ được tính trừ vào thu nhập chịu thuế.

Vợ chết trong khi xin ly hôn, chồng có được hưởng tài sản của vợ?

Hỏi: Năm 2007 do có mâu thuẫn về tài sản nên vợ chồng tôi đã phân chia tài sản chung. Cuối năm 2008 tôi đã làm đơn xin ly hôn. Trong thời gian chờ Tòa án giải quyết ly hôn thì vợ tôi bị tai nạn chết. Sau khi vợ tôi chết, gia đình nhà vợ đã tự ý chia tài sản của vợ tôi rồi nói tôi không còn có quyền gì đối với tài sản của cô ấy vì trước đó hai người đã chia tài sản rồi và chúng tôi đã xin ly hôn nên tôi không còn liên quan gì nữa. Xin cho biết tôi có còn được hưởng thừa kế tài sản của vợ tôi không? (Đặng Văn Hùng, Ba Đình, Hà Nội).
Trả  lời: Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì vợ chồng có quyền chia tài sản chung của mình để xác lập phần tài sản của mỗi người trong khối tài sản chung đó. Việc chia tài sản của vợ chồng không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa họ. Trường hợp của bạn, khi bạn đang làm thủ tục xin ly hôn mà vợ bạn mất thì không làm mất đi quyền thừa kế của bạn đối với tài sản của vợ.
Theo quy định tại Điều 680 Bộ luật Dân sự quy định về việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, đang xin ly hôn, đã kết hôn với người khác thì:
- Trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
- Trong trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
- Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.
Với các quy định nói trên thì bạn hoàn toàn có quyền hưởng di sản thừa kế của vợ. Do vậy, nếu không đồng tình với quyết định của gia đình nhà vợ, bạn có thể khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu Tòa án giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình

Yêu cầu phản tố trong vụ án dân sự

Hỏi: Tôi bị một người bạn kiện ra Tòa đòi khoản tiền nợ 900 triệu đồng. Tuy nhiên người kiện tôi cũng nợ lại tôi 300 triệu đồng. Vậy tôi có thể khởi kiện lại người này hay không? Thủ tục ra sao? (Ngô Văn Hùng, Tuyên Quang)
Trả lời: Phản tố là một quyền của người bị kiện (bị đơn) trong vụ án dân sự, theo đó, người bị kiện được quyền "kiện ngược lại" người đã kiện mình, nếu việc "kiện ngược" đó đáp ứng được các quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 175, 176 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc Toà án đã thụ lý vụ án, người được thông báo (bị đơn) phải nộp cho Toà án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu có. Cùng với việc phải nộp cho Toà án văn bản nói trên, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn. Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn được chấp nhận khi có một trong các trường hợp sau đây:
- Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn;
- Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn;
- Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
Theo quy định nói trên, bạn là bị đơn trong vụ án (bị đòi nợ 900 triệu đồng) và yêu cầu phản tố của bạn (đòi nợ 300 triệu đồng) được coi là trường hợp "để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn"; do đó bạn có quyền làm đơn yêu cầu phản tố nộp cho Tòa án nơi đã thụ lý vụ án theo yêu cầu của nguyên đơn. Thủ tục yêu cầu phản tố thực hiện theo quy định về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Cùng với đơn yêu cầu phản tố, bạn phải nộp cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ kèm theo để chứng minh cho yêu cầu phản tố.
Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ do bạn xuất trình, Tòa án sẽ xem xét, quyết định việc có chấp nhận yêu cầu phản tố của bạn hay không? Nếu yêu cầu phản tố của bạn được chấp nhận, bạn sẽ được bù trừ khoản tiền (300 triệu đồng) nguyên đơn còn nợ bạn vào khoản tiền (900 triệu đồng) bạn còn nợ nguyên đơn, khi đó, nếu yêu cầu đòi tiền của nguyên đơn cũng được Tòa án chấp nhận thì bạn chỉ có nghĩa vụ trả cho nguyên đơn số tiền 600 triệu đồng

Đòi lại đất cho mượn lại phải bồi thường?

Hỏi: Năm 1996, tôi có cho người bà con mượn đất thổ cư để ở, nay tôi muốn sử dụng nên đòi lại phần đất này. Người mượn đất đồng ý trả lại mặt bằng cho tôi nhưng đòi tôi phải bồi thường phần tài sản mà họ đã xây cất trên đó. Xin hỏi tôi có phải bồi thường cho người này không? (Nguyễn Phước Sang, Hà Tĩnh).
Trả lời: Với việc cho mượn đất ở, giữa bạn và người mượn đã xác lập một hợp đồng mượn tài sản. Theo quy định tại Điều 512 Bộ luật Dân sự (BLDS) thì: "Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được". Vì vậy, bạn có quyền đòi lại đất đã cho người này mượn khi đã hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được. Trong trường hợp "bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý" (khoản 1 Điều 517 BLDS).
Mặt khác, Điều 515 BLDS cũng quy định bên mượn có quyền: "Yêu cầu bên cho mượn phải thanh toán chi phí hợp lý về việc sửa chữa hoặc làm tăng giá trị tài sản mượn, nếu có thỏa thuận". Do đó, trong trường hợp hai bên có thỏa thuận, người mượn đất của bạn có quyền đòi bạn phải thanh toán chi phí cho việc họ xây cất nhà trên đất vì việc xây dựng này đã làm tăng giá trị quyền sử dụng đất của bạn. Trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận thì bạn không phải thanh toán chi phí xây dựng trên mảnh đất mà bạn đã cho mượn

Chủ nhà mất tích có bán được nhà không?

Hỏi: Cha mẹ tôi có tài sản chung là ngôi nhà ở mặt phố cổ Hà Nội. Năm 1996, cha tôi bỏ đi biệt tích, gia đình đã tìm kiếm nhưng không thấy. Năm 2002, Tòa án ra quyết định tuyên bố ông mất tích. Nay mẹ tôi muốn bán căn nhà trên có được không? (Ánh Minh, Hà Nội).
Trả lời: Theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình, căn nhà mà gia đình bạn đang sử dụng là tài sản chung của cha mẹ bạn nên cả 2 người có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc định đoạt tài sản nói trên. Vì vậy, việc chuyển quyền sở hữu nhà cho người khác phải có sự đồng ý của cha bạn.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, cha bạn mất tích nhiều năm và đã bị Tòa án tuyên bố là mất tích từ năm 2002 nên theo quy định tại mục a khoản 1 Điều 81 Bộ luật Dân sự, những người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu tòa án ra quyết định tuyên bố cha bạn là đã chết vì "sau ba năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống".
Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Bộ luật Dân sự: "Quan hệ tài sản của người bị tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế" nên sau khi có quyết định của Tòa án tuyên bố cha bạn đã chết (có hiệu lực pháp luật) và xác định được thời điểm mở thừa kế, gia đình bạn phải làm thủ tục khai nhận thừa kế đối với phần tài sản của cha bạn, sau đó mới chuyển nhượng được tài sản này

Những người nào không được hưởng di sản thừa kế?

Hỏi: Pháp luật hiện nay có quy định nào về việc tước quyền thừa kế đối với con cái do ngược đãi, hành hạ cha, mẹ không? Người lập di chúc giả mạo để chiếm đoạt di sản nhưng bị phát hiện kịp thời có được hưởng di sản thừa kế không? (Ngô Thị Mai, Diễn Châu, Nghệ An).
Trả lời: Theo quy định tại Điều 643 Bộ luật Dân sự, những người sau đây không được quyền hưởng di sản thừa kế:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Theo quy định trên, con cái có hành vi ngược đãi, hành hạ cha, mẹ hoặc người lập di chúc giả mạo để chiếm đoạt di sản sẽ không được quyền hưởng di sản thừa kế. Tuy nhiên, pháp luật cũng có quy định những người thuộc vào một trong những trường hợp nói trên vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc. Như vậy, về nguyên tắc, việc tước quyền hưởng di sản thừa kế của những người nói trên chỉ thực hiện trong trường hợp thừa kế theo pháp luật.
Nếu di chúc cho họ được hưởng di sản bị phát hiện là giả mạo thì người giả mạo không được hưởng di sản thừa kế

Chia tài sản của cha để lại

Hỏi:
Ông nội tôi mất, để tài sản lại cho ba tôi thừa kế. Khi ba tôi mất, tài sản này (gồm nhà cửa, đất đai do ba tôi đứng tên) để lại cho tôi và em gái tôi. Do điều kiện kinh tế đầy đủ, tôi làm giấy để toàn bộ tài sản này cho em gái tôi hưởng (có xác nhận của chính quyền địa phương, nơi có tài sản của ba tôi). Nay các ông anh, em chú bác của ba tôi không đồng ý và đề nghị chia tài sản này. Như vậy phần tài sản của ba tôi có phải chia cho các ông anh, em chú bác của ba tôi?

Luật sư trả lởi:
- Theo điều 631 Bộ luật dân sự, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Ngoài ra, theo điểm a khoản 1 điều 676 bộ luật trên, những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm có: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Như vậy, khi cha anh mất không để lại di chúc (bà nội và mẹ anh cũng đã mất) thì số nhà, đất do cha anh đứng tên thuộc về anh và người em gái. Nếu anh đã làm thủ tục từ chối nhận di sản theo đúng quy định (trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế; có lập thành văn bản; có báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, UBND xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản) thì nay em gái của anh được quyền sở hữu, sử dụng toàn bộ số nhà, đất do cha anh để lại.
Các chú, bác của anh không có quyền cản trở em gái anh thực hiện quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất nói trên.

NHÀ, XE ĐÃ BÁN NHƯNG NGƯỜI MUA CHƯA SANG TÊN, RỦI RO AI CHỊU?

Trong các hợp đồng mua bán, giao dịch về tài sản thì việc xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữuthời điểm chịu rủi ro là những vấn đề vô cùng quan trọng, xác định quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia giao dịch. Vấn đề này được Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định khá cụ thể.
Theo đó, Điều 168 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản: "Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Việc chuyển quyền sở hữu đối với động sản có hiệu lực kể từ thời điểm động sản được chuyển giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác"; Điều 439 quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán tài sản: "Quyền sở hữu đối với tài sản mua bán được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó. Trong trường hợp tài sản mua bán chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên bán". Về thời điểm chịu rủi ro, Điều 440 quy định: "Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản mua bán cho đến khi tài sản được giao cho bên mua, còn bên mua chịu rủi ro đối với tài sản mua bán kể từ khi nhận tài sản, nếu không có thoả thuận khác. Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, kể cả khi bên mua chưa nhận tài sản, nếu không có thoả thuận khác.".
Như vậy có thể nói, về nguyên tắc theo quy định của BLDS thì thời điểm chuyển quyền sở hữu và thời điểm chịu rủi ro thông thường là đồng nhất, tức bên bán chịu rủi ro cho đến khi tài sản được giao cho bên mua, bên mua chịu rủi ro kể từ khi nhận tài sản. Nếu đối tượng của hợp đồng là bất động sản, tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên trên thực tế khi áp dụng các quy định của BLDS nêu trên để xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu và trách nhiệm chịu rủi ro trong một số trường hợp gặp nhiều vướng mắt do sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật hiện hành.

Trường hợp thứ nhất, ông Nguyễn Văn A có một chiếc xe gắn máy, sau một thời gian sử dụng ông bán lại cho ông Trần Văn B, giấy mua bán xe đã được UBND phường nơi ông A sinh sống chức thực theo quy định tại Thông tư số 12/2008/TT-BCA-C11 ngày 20/8/2008 của Bộ Công an quy định về việc tổ chức đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Tuy nhiên sau khi mua xe, ông B không đi làm thủ tục sang tên theo quy định mà vẫn giữ giấy đăng ký xe mang tên ông A để sử dụng, vì ông B cho rằng nếu bị Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy đăng ký xe thì chỉ cần xuất trình giấy đăng ký và bảo rằng xe mượn sẽ không hề xử phạt, mặc khác làm thủ tục sang tên rất mất thời gian nên ông không đi làm. Sau đó ông B điều khiển xe gây ra tai nạn giao thông. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì xe gắn máy là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu. Vì vậy đối chiếu với các quy định nêu trên, khi ông B gây ra tai nạn xe máy này về phương diện pháp lý vẫn còn thuộc quyền sở hữu của ông A (vì chưa hoàn thành thủ tục đăng ký) nên ông A phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại với vai trò là chủ sở hữu phương tiện theo quy định của BLDS mặc dù ông A là người hoàn toàn không có lỗi trong việc ông B gây ra tai nạn.
Trường hợp thứ hai, ông M thoả thuận bán cho bà N một căn nhà và vườn rộng 1.000 m2 ở vị trí gần bờ sông với giá 800 triệu đồng. Bà N trả trước 600 triệu, 200 triệu còn lại sẽ trả sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu. Hợp đồng mua bán đã được công chứng vào ngày 15/8/2010 và theo thoả thuận bà N có nghĩa vụ làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu. Tuy nhiên trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu thì đêm 18/8/2010, sau một trận mưa lớn, bờ sông bị sạt lỡ cuốn trôi gần 200 m2 đất của khu vườn này. Bà N đề nghị ông M giảm 200 triệu đồng còn lại để khấu trừ vào số diện tích đất vườn đã bị cuốn trôi. Ông M không đồng ý, ông cho rằng hợp đồng đã được công chứng và có hiệu lực. Tại khoản 5, Điều 93 của Luật Nhà ở quy định "Quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua…kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng đối với giao dịch về nhà ở giữa cá nhân với cá nhân". Bà M thì bảo rằng Luật Nhà ở chỉ quy định về phần nhà, còn phần đất thì khác. Đất là bất động sản và thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu, vì vậy theo quy định tại Điều 168, Điều 439 và Điều 440 của Bộ Luật dân sự thì tính đến đêm 18/8/2010 quyền sở hữu đối với đất vẫn chưa chuyển dịch sang cho bà vì chưa hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu (theo quy định tại Điều 439), điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông M phải chịu rủi ro khi vườn bị sạt lỡ vì thủ tục đăng ký chưa hoàn thành (theo quy định tại Điều 440).
Qua các trường hợp nêu trên có thể nhận thấy: Thứ nhất, đối với những giao dịch dân sự liên quan đến nhóm tài sản là bất động sản, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu nếu người mua không thực hiện hoặc kéo dài việc đăng ký quyền sở hữu thì "nguy cơ" người bán phải chịu rủi ro là rất cao. Thứ hai, là đối tượng của hợp đồng (nhà gắn liền với đất) nhưng khi hợp đồng đã có hiệu lực thì việc xác địch chủ sở hữu của nhà và đất lại không đồng nhất với nhau, phần nhà đã chuyển dịch quyền sở hữu sang cho bên mua nhưng phần đất thì vẫn còn sở hữu của bên bán nếu chưa hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu.
Từ những bất cập nêu trên, thiết nghĩ trong thời gian đến Bộ Công an cần sớm sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng khi cơ quan có thẩm quyền chứng thực vào giấy tờ mua bán, tặng cho phương tiện cơ giới thì đồng thời tiến hành thủ tục thu hồi giấy đăng ký đã cấp trước đó. Điều đó sẽ bắt buộc người mua nếu muốn sử dụng thì phải tiến hành thủ tục sang tên trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho tặng xe theo quy định tại Thông tư số 01/2007/TT-BCA-C11, đồng thời sẽ đảm bảo yêu cầu về quản lý phương tiện cơ giới, loại trừ được trách nhiệm chịu rủi ro của người đã bán xe, nhất là tình trạng xe đã bán nhưng người mua không tiến hành sang tên đang diễn ra phổ biến như hiện nay. Sửa đổi Bộ luật dân sự và quy định của các văn bản pháp luật có liên quan phần xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu và thời điểm chịu rủi ro đối với nhóm tài sản là bất động sản, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu theo hướng thời điểm chuyển giao quyền sở hữu và thời điểm chịu rủi ro sẽ chuyển giao từ người bán sang người mua kể từ thời điểm hợp đồng hoặc giấy tờ mua bán, tặng cho được công chứng, chứng thực, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác./.
(Theo CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG CỤC THI HÀNH DÂN SỰ)

Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHI QUI ĐỊNH ĐỘ TUỔI NGƯỜI LAO ĐỘNG DƯỚI 18 TUỔI TRONG CÁC LUẬT, BỘ LUẬT

Trong các văn bản pháp luật hiện hành, người dưới 18 tuổi được quy định ở nhiều văn bản khác nhau như Bộ luật Dân sự – BLDS (Điều 18), Bộ luật Hình sự – BLHS (Điều 68), Bộ luật Lao động – BLLĐ (Điều 119), Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em – Luật BVCSVGDTE (Điều 1)… Nhưng trong mỗi văn bản lại có cách quy định khác nhau về nhóm đối tượng này. Khác với người đã trưởng thành, là người đã phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần, có thể tham gia đầy đủ các quan hệ xã hội do luật định, người dưới 18 tuổi chưa thể tham gia đầy đủ các quan hệ xã hội do họ có những đặc điểm riêng về tâm sinh lý và thể chất. Từ những đặc điểm riêng của nhóm người dưới 18 tuổi và để phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các văn bản luật khác nhau lại có cách gọi khác nhau về nhóm người dưới 18 tuổi.
1. BLDS và BLHS quy định nhóm người dưới 18 tuổi là “người chưa thành niên”, nhưng giới hạn về độ tuổi của người chưa thành niên lại khác nhau. Điều 18, BLDS quy định: Người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên. Như vậy, BLDS coi tất cả những người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên.
Khác với BLDS, quy định tại Điều 68 BLHS chỉ nêu: “người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự…”. Điều này cho thấy, quy định trong BLHS về người chưa thành niên chỉ giới hạn ở nhóm tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi (tức thấp nhất là từ đủ 14 tuổi trở lên và cao nhất là dưới 18 tuổi), không đề cập tới tất cả những người dưới 18 tuổi như quy định trong BLDS. Tuy nhiên, quy định về người chưa thành niên trong hai Bộ luật này lại không mẫu thuẫn, khi cùng đề cập tới người chưa thành niên, mỗi Bộ luật lại đưa ra giới hạn về chủ thể khác nhau thuộc phạm vi điều chỉnh của mình.
2. BLLĐ quy định một nhóm đối tượng trong nhóm người dưới 18 tuổi là “người lao động chưa thành niên”. Người lao động chưa thành niên được xác định như sau:
Tại Điều 6 BLLĐ quy định: “người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi”. Mặt khác, tại khoản 1 Điều 119 quy định “người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi”. Kết hợp quy định tại Điều này với quy định tại Điều 6 trên, ta thấy độ tuổi của người lao động chưa thành niên là từ đủ 15 tuổi cho tới dưới 18 tuổi. Từ đó, có thể hiểu người lao động chưa thành niên là một nhóm lao động đặc thù, ở độ tuổi từ đủ 15 tuổi cho đến dưới 18 tuổi, có khả năng lao động và có giao kết hợp đồng lao động.

Cụ thể hoá quy định về độ tuổi của người lao động chưa thành niên là từ đủ 15 tuổi cho đến dưới 18 tuổi, tại điểm 51 trong Danh mục công việc cấm sử dụng lao động chưa thành niên được ban hành kèm theo Thông tư số 09/TT-LB ngày 13/4/1995 của Liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội – Bộ Y tế quy định nhóm tuổi này là từ 180 tháng tuổi cho đến dưới 216 tháng tuổi. Tuy nhiên, quy định tại điểm 51 nêu trên chỉ áp dụng đối với trường hợp người lao động chưa thành niên tham gia công việc liên quan đến mang vác trọng lượng một vật nhất định, không thấy đề cập tới việc áp dụng chung cho tất cả các công việc, ngành nghề cấm sử dụng lao động chưa thành niên.
Quy định trên cho thấy pháp luật lao động chỉ thừa nhận những người từ đủ 15 trở lên mới được tham gia quan hệ lao động, còn những người chưa đủ 15 tuổi tham gia quan hệ lao động thì không được pháp luật lao động thừa nhận1. Việc quy định tuổi lao động này được dựa trên một số cơ sở như: đây là độ tuổi tối thiểu để một người có đủ năng lực chủ thể để tham gia quan hệ lao động, có thể tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong lao động; việc quy định này còn căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội về số lượng và cơ cấu của lực lượng lao động xã hội; mối quan hệ giữa cung và cầu trên thị trường lao động; cơ cấu và nhu cầu giải quyết việc làm của xã hội; ngoài ra, quy định này còn nhằm bảo đảm yêu cầu phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, phù hợp giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế và các nước khác trong khu vực.
Bổ sung thêm cho quy định tại Điều 6 trên, tại Điều 120 khẳng định thêm “Cấm nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, ngoại trừ một số nghề và công việc do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định” như: diễn viên, các nghề truyền thống, các nghề thủ công mỹ nghệ, vận động viên năng khiếu. Và khi người sử dụng lao động nhận những em dưới 15 tuổi vào làm việc thì phải tuân theo những điều kiện chặt chẽ do luật quy định như: trẻ em đủ 12 tuổi, có sức khoẻ phù hợp với công việc, có giấy cam kết và đồng ý theo dõi của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp, môi trường lao động không được quá 4 giờ một ngày hoặc 24 giờ một tuần, có hợp đồng lao động… Như vậy, đối với người dưới 15 tuổi, thì ngoài một số nghề, công việc và các điều kiện như trên nêu thì bất kỳ người nào dưới 15 tuổi tham gia quan hệ lao động đều là trái pháp luật lao động của Việt Nam.
Quy định trên phù hợp với Công ước số 138 về Độ tuổi tối thiểu mà Việt Nam đã tham gia năm 2003. Trong Công ước quy định các nước thành viên tham gia công ước phải xác định độ tuổi tối thiểu được đi làm việc hoặc được đi lao động và không một ai ở dưới độ tuổi tối thiểu đó được đi làm việc hoặc được lao động trong bất cứ nghề nào, độ tuổi tối thiểu đó không được dưới độ tuổi kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc và bất kỳ trường hợp nào cũng không được dưới 15 tuổi. Như vậy, có thể thấy pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi.
3. Trong Luật BVCSVGDTE lại quy định một nhóm đối tượng trong nhóm người dưới 18 tuổi là “trẻ em”. Trẻ em trong Luật này được xác định là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi (Điều 1).
Ngoài ra, tại khoản 7 Điều 7 Luật BVCSVGDTE và Điều 228 BLHS có đề cập đến nhóm đối tượng “lao động trẻ em”. Xét ở khía cạnh pháp lý thì trong hệ thống pháp luật của Việt Nam không có một quy định nào để xác định khái niệm “lao động trẻ em”. Do đó, khái niệm lao động trẻ em chỉ có thể xác định dựa trên mặt thuật ngữ khoa học. Để hiểu rõ nội hàm của thuật ngữ “lao động trẻ em”, ta có thể đi từ việc làm rõ khái niệm “trẻ em” và khái niệm “lao động”.
Theo Điều 1 Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 xác định “Trong phạm vi của Công ước này, trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Phù hợp với quy định này và đặc điểm của Việt Nam, Luật BVCSVGDTE tại Điều 1 xác định: trẻ em là người dưới 16 tuổi.
Mặt khác, theo Từ điển tiếng Việt thông dụng thì “Lao động là hoạt động tạo ra sản phẩm vật chất hay tinh thần”. Kết hợp hai khái niệm về “trẻ em” và “lao động” ở trên, ta có thể hiểu: lao động trẻ em là hoạt động tạo ra sản phẩm vật chất hay tinh thần do những người dưới 16 tuổi thực hiện. Nhóm tuổi của lao động trẻ em theo khái niệm trên là để chỉ tất cả những người dưới 16 tuổi.
Từ các quy định trên, trong Luật BVCSVGDTE thì “lao động trẻ em” được hiểu là những người dưới 16 tuổi, trong đó có một nhóm người từ 15 tuổi đến dưới 16 tuổi tham gia lao động cũng sẽ được gọi là “lao động trẻ em”. Mặt khác, theo quy định trong BLLĐ thì người “lao động chưa thành niên” là người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong đó có một nhóm người từ 15 tuổi đến dưới 16 tuổi tham gia lao động cũng sẽ gọi là người “lao động chưa thành niên”. Như vậy, rõ ràng, cùng một nhóm đối tượng từ 15 tuổi cho đến dưới 16 tuổi trong hai văn bản luật lại được gọi khác nhau: “lao động trẻ em” và “lao động chưa thành niên”. Điều này sẽ gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc áp dụng luật trên thực tế, như đối với trường hợp người sử dụng lao động sử dụng nhóm đối tượng từ 15 tuổi đến dưới 16 tuổi làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại thì cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng điểm b khoản 2 Điều 15 của Nghị định số 113/2004/NĐ-CP để xử lý (phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với người sử dụng lao động sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại…). Nhưng sau khi xử phạt xong, người sử dụng lao động vẫn tiếp tục vi phạm thì khó xử lý tiếp theo Điều 228 BLHS (người nào sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm…). Đó là do quy định trong Điều 228 chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm sử dụng lao động trẻ em, nhưng với nhóm từ 15 tuổi đến dưới 16 tuổi lại được hiểu là “lao động trẻ em” hoặc “lao động chưa thành niên” nên sẽ dẫn đến việc lúng túng khi áp dụng Điều 228 của BLHS.
Để khắc phục những nhược điểm trên, theo chúng tôi:
Thứ nhất, cần quy định rõ ràng, cụ thể ngay trong BLLĐ khái niệm về “người lao động chưa thành niên” theo hướng: Trong thời gian đang sửa đổi, bổ sung BLLĐ thì tại Điều 1192 cần sửa lại như sau: “Người lao động chưa thành niên là người lao động từ đủ 180 tháng tuổi cho đến dưới 216 tháng tuổi”. Cách quy định này tương tự như cách quy định về tính thời hạn hợp đồng lao động tại Điều 27 BLLĐ sửa đổi, bổ sung năm 2002 là tính bằng tháng (hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng), thay cho cách tính bằng năm trong BLLĐ năm 1994 (hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một năm đến 3 năm).
Thứ hai, cần có sự điều chỉnh lại về cách quy định trong BLLĐ và Luật BVCSVGDTE đối với nhóm người từ 15 tuổi đến dưới 16 tuổi, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Sự điều chỉnh này theo hướng: Tại khoản 7 Điều 7 của Luật BVCSVGDTE cần sửa lại như sau: “Với trẻ em dưới 180 tháng tuổi: cấm lạm dụng sức lao động của các em, cấm sử dụng các em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động”.
Thứ ba, để có cách hiểu chính thức về thuật ngữ “lao động trẻ em” (như cách sử dụng thuật ngữ này trong BLHS, Luật BVCSVGDTE, Công ước số 138 về Tuổi tối thiểu được đi làm việc, Công ước số 182 về Cấm và hành động ngay lập tức để xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất…) thì nên đưa ra một cách xác định chính thức về thuật ngữ này trong một văn bản quy phạm pháp luật. Cách xác định này có thể như sau: “Lao động trẻ em là những em dưới 180 tháng tuổi tham gia lao động”.
Chú thích:
(1) Trừ một số nghề được nhận người dưới 15 tuổi vào làm việc được quy định tại Thông tư số 21/1999/TT-BLĐTBXH quy định danh mục nghề, công việc và các điều kiện được nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc.
(2) Điều 119 BLLĐ hiện hành quy định: “Người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi”.
(Theo TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ)

BÀN VỀ NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ CỦA CÁ NHÂN: TỪ TUỔI ĐÃ THÀNH NIÊN ĐẾN TUỔI KẾT HÔN CỦA NAM GIỚI

Với sự phát triển của xã hội, trẻ em hiện nay đã vượt trội hơn trẻ em ngày xưa rất nhiều về thể chất và tâm sinh lý. Chiếc áo tuổi thành niên vì vậy không còn phù hợp để khoác lên mình trẻ nữa. Chính vì không được cho những quyền tương thích với sự phát triển tự nhiên nên đã dẫn đến nhiều trẻ bức bối, xé rào quy định tuổi, dẫn đến những sự việc đau lòng. Nhiều vụ án trẻ em phạm tội thực chất các em đã là người lớn. Những nhận định này liệu có cơ sở và có nên thay đổi quy định tuổi thành niên, một cơ sở để xác lập nhiều quyền công dân khác cho trẻ? Chúng tôi giới thiệu ý kiến của hai chuyên gia dưới đây và mong nhận được những ý kiến luận bàn khác để soi rọi thấu đáo hơn vấn đề này.
Việc đưa ra độ tuổi kết hôn là căn cứ trên sự phát triển về tâm sinh lý, sức khoẻ và sự phát triển của nhận thức người đó. Trước đây, người ta cho rằng, sự phát triển tâm sinh lý và nhận thức của nữ thường sớm hơn so với nam. Tuy bằng tuổi, nhưng con gái thường dậy thì trước và nhận thức cũng già dặn hơn bạn nam cùng tuổi. Vì vậy, tuổi kết hôn của nữ ít hơn nam hai tuổi. Tuy nhiên, cuộc sống ngày nay đã khác trước rất nhiều. Điều này thể hiện ở chất lượng cuộc sống hiện đại ngày càng cao. Trẻ ngày nay được nuôi dưỡng đầy đủ về mặt dinh dưỡng nên sự phát triển cơ thể đang có xu hướng sớm hơn trước đây, nhất là trẻ em ở thành phố. Bên cạnh đó là môi trường giáo dục tri thức, nhận thức cho trẻ. Ngày nay, các bạn trẻ có nhiều điều kiện để hoàn thiện tri thức, học hỏi nâng cao nhận thức từ nhiều kênh khác nhau. Và việc phát triển này tương đối đồng đều giữa nam và nữ, chứ ít có chênh lệch rõ ràng như trước.
Nam giới lập gia đình ở độ tuổi 18, về mặt thể lực và sự phát triển tâm sinh lý, họ có thể gánh vác được trách nhiệm gia đình. Thứ nữa là về mặt nhận thức, trí thức so với mặt bằng xã hội, để người ta có một nhận thức nhất định, để có thể ứng xử trong gia đình, thực hiện nghĩa vụ trong gia đình tốt… họ cũng được thụ hưởng tương đương với nữ giới. Người ta từng đề cập đến vấn đề bình đẳng giới, vậy tại sao việc quy định độ tuổi kết hôn như hiện nay có sự bất bình đẳng như vậy mà lại không được điều chỉnh?
Quy định tuổi thành niên hiện hành
Theo quy định của bộ luật Dân sự, người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên, người từ dưới 18 tuổi là người chưa thành niên. Tuy nhiên theo các quy định của bộ luật Hình sự thì người chưa thành niên từ 14 tuổi trở lên đã có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự cũng không quy định thế nào là thành niên hay chưa thành niên nhưng bộ luật này cho phép xác định người thành niên là người đủ 18 tuổi trở lên. Nhìn từ góc độ tổng quát nhất, Hiến pháp Việt Nam dành đủ một chương về “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, theo đó, một người chỉ có trọn vẹn quyền công dân khi họ đủ 21 tuổi trở lên.

Ở nhiều nước trên thế giới, tuỳ điều kiện xã hội, văn hoá từng nơi mà họ đưa ra tuổi kết hôn cho phù hợp. Ở những nước ít dân số, điều kiện dân sinh tốt thì 16 tuổi đã có thể lập gia đình. Đó cũng là cách để đẩy nhanh sự tăng trưởng dân số. Còn những nước có tỷ lệ tăng dân số cao, hoặc ổn định thì độ tuổi kết hôn được đưa ra có thể là 17, 18 tuổi, tuỳ theo quy định nước đó. Xét đến khía cạnh tuổi kết hôn từ xưa đến nay người ta dựa trên những yếu tố như đã đề cập ở trên chứ không căn cứ vào tuổi có thể sinh con. Thực tế là thời phong kiến, 13 – 14 tuổi là người nữ có thể sinh con rồi. Vấn đề là cuộc sống hiện đại, giáo dục làm sao để đừng xảy ra tình trạng những người trẻ mới 13 – 14 tuổi đã sinh con trong khi chưa có sự phát triển đầy đủ về nhận thức, cả mẹ và con trở thành gánh nặng của xã hội. Trong thực tế cũng có nhiều em, biết là chưa đủ tuổi và vi phạm pháp luật nhưng vẫn để tình yêu vượt quá giới hạn. Khi phạm phải điều cấm kỵ, đặc biệt là những em nữ, để tránh dư luận xã hội, các em buộc phải giữ bí mật, dẫn tới hàng loạt những hậu quả nghiêm trọng như nạo hút thai ngoài ý muốn, phải gánh chịu những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, những dằn vặt bản thân… Chúng ta cần nhiều thời gian để luận giải thấu đáo những trường hợp này.
Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ đã có ý thức trách nhiệm của mình để tránh hậu quả, biết lưu ý về tình dục an toàn và hoàn toàn chủ động trong hành vi tình dục của mình. Hiện nay, luật pháp quy định độ tuổi kết hôn đối với nam là 20 tuổi, nữ là 18 tuổi. Tuy nhiên, theo tôi, cần điều chỉnh độ tuổi kết hôn của nam ngang bằng với nữ, tức 18 tuổi để tránh bất bình đẳng giới cũng như phù hợp với sự phát triển của trẻ hiện nay. Cuộc sống của giới trẻ và quan niệm về tình yêu của họ bây giờ đã khác trước rất nhiều. Vì vậy rất cần có sự quan tâm và những giải pháp phù hợp, theo kịp sự phát triển của tâm lý lứa tuổi này. Trong đó, gia đình là điểm tựa đầu tiên giúp trẻ vững vàng, có nghị lực và có khả năng đối phó với các giai đoạn khó khăn của tuổi dậy thì và tự tin bước vào đời. Đồng thời định hướng cho con trẻ có lối sống lành mạnh.
Vấn đề trên tôi đã nêu ra ở một số buổi hội thảo, diễn đàn và nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. Dĩ nhiên, cần thêm những ý kiến luận bàn khác để có nhìn nhận chính xác hơn, phù hợp hơn với tình hình hiện nay.
Tuổi thành niên ở một số nước
Theo tổ chức Y tế thế giới, lứa tuổi 10 – 19 tuổi là độ tuổi vị thành niên. Như vậy người trên tuổi 19 sẽ được coi là thành niên. Tuy nhiên các nước lại có quy định tuổi thành niên khác nhau. Quy định chung tuổi thành niên của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là 20 tuổi, của Úc, Canada, Ấn Độ, Philippines, Anh, Brazil, Croatia, Mỹ là 18 tuổi. Một số nước xác định tuổi trưởng thành để kết hôn lại thấp hơn như: Angola (12 tuổi), Senegal (13 tuổi) Algeria (16 tuổi), Nga (16 tuổi), Bồ Đào Nha (14 tuổi), Uruguay (15 tuổi), Colombia (14 tuổi), Malaysia (16 tuổi)…
K.D (WIKIPEDIA
DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI XUNG QUANH VẤN ĐỀ TRÊN
PGS.TS Trần Thị Quý (nguyên cán bộ viện Nghiên cứu phát triển xã hội):
Tuổi không phù hợp, trẻ sẽ xài lén quyền
Để đi đến một kết luận nên tăng hay giảm quy định tuổi thành niên của trẻ em Việt Nam, cần có những số liệu cụ thể về sự phát triển của trẻ ở từng giai đoạn xã hội. Nếu sự phát triển đó rõ ràng là đi lên cùng với xã hội, trẻ em Việt Nam đang ngày càng tiến gần với sự phát triển của trẻ em một số nước khác, thì việc thay đổi quy định tuổi theo tôi là cần thiết. Một quy định luật pháp nếu phù hợp với sự phát triển tự nhiên sẽ dễ làm người ta chấp pháp hơn là một quy định khiên cưỡng, buộc người ta phải ép mình, phải “đẽo chân cho vừa giày”.
Một người trưởng thành được các nhà nghiên cứu chia thành hai lĩnh vực rõ ràng, đó là sự trưởng thành sinh học và sự trưởng thành xã hội. Tuổi trưởng thành sinh học thì tương đối đồng đều, tuy nhiên sự trưởng thành về mặt xã hội lại rất khác nhau, đó chính là sự hiểu biết, kinh nghiệm sống, ý chí và ý thức xây dựng gia đình. Có nhiều ý kiến cho rằng tuổi trẻ thì chưa nhiều kinh nghiệm sống, kinh nghiệm gia đình nên kết hôn sẽ gặp khó khăn. Điều đó xét theo bình diện chung thì đúng, tuy nhiên trong hôn nhân điều thiết yếu không phải ở chỗ nhiều hay ít tuổi mà là ở chỗ ý thức và điều kiện xây dựng gia đình.
Trong nhiều vụ việc trẻ em phạm pháp, sớm có những hành vi không phù hợp lứa tuổi (yêu đương, quan hệ tình dục…) chúng ta kết luận trẻ vi phạm là vì chúng ta đã lấy cái chuẩn do chúng ta quy định ra mà xét nét, chứ nếu xuất phát từ sự phát triển tự nhiên của trẻ, sẽ dễ dàng nhận ra với những phát triển về tâm sinh lý như vậy và điều kiện sống như vậy, trẻ có những việc làm đó là đương nhiên, là tự nhiên, bản thân trẻ khó mà cưỡng lại. Không được cho mình những quyền lẽ ra đương nhiên thuộc về mình thì trẻ phải sử dụng lén lút, vụng trộm cũng là điều dễ hiểu.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, trưởng ban tuyên truyền hội Luật gia TP.HCM:
Trẻ có phát triển nhưng chưa toàn diện
Dễ dàng bắt gặp những thông tin về việc kết hôn của những người vị thành niên chưa đến tuổi kết hôn mà pháp luật quy định (tảo hôn) trên báo chí. Có người đã lấy nhau được ba năm nhưng chưa đăng ký kết hôn vì cô dâu chưa đủ tuổi, hoặc chưa đến tuổi vẫn cưới vợ, bị kiện vì yêu cô dâu chưa đủ tuổi… Đây là hiện tượng xảy ra rất nhiều ở Việt Nam, đặc biệt ở các vùng quê, nơi mà người dân còn thiếu kiến thức pháp luật, đồng thời cũng là nơi còn chịu nhiều ảnh hưởng của các hủ tục lạc hậu như tảo hôn, trọng nam khinh nữ… Chính điều này đã dẫn tới tình trạng vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình phổ biến, thậm chí vi phạm cả pháp luật hình sự. Theo quy định tại bộ luật Dân sự 2005, người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên, người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên. Tuy nhiên với độ tuổi kết hôn, luật hôn nhân và gia đình 2000 có quy định khác so với độ tuổi thành niên. Cụ thể luật này quy định độ tuổi được kết hôn của nam là từ hai mươi tuổi trở lên và độ tuổi được kết hôn của nữ là từ mười tám tuổi trở lên.
Gần đây cũng có nhiều người cho rằng do điều kiện vật chất và tinh thần để nuôi dạy trẻ đã tốt hơn rất nhiều so với các giai đoạn trước nên các em dậy thì khá sớm. Vì vậy, cần thay đổi quy định độ tuổi trưởng thành, độ tuổi kết hôn để phù hợp với tình hình thực tế phát triển của trẻ. Theo tôi thì lúc này vẫn không nên thay đổi độ tuổi thành niên cũng như độ tuổi kết hôn theo chiều hướng giảm. Đặc biệt là không nên thay đổi độ tuổi người chưa thành niên, trẻ em trong quy định tại luật hình sự bởi tuy các em có điều kiện chăm sóc tốt hơn và dậy thì sớm hơn nhưng do đặc điểm thể chất của người Việt Nam cũng như trình độ phát triển trí não, tâm lý… các em vẫn chưa thể phát triển toàn diện như người trưởng thành được. Rõ ràng là các em vẫn cần được pháp luật bảo vệ cho đến khi đủ tuổi trưởng thành theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai, trung tâm tư vấn tình yêu hôn nhân gia đình, hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam:
Chọn độ tuổi nào cần có quá trình
Khi đưa ra độ tuổi trưởng thành cho trẻ nói chung và tuổi kết hôn nói riêng, người ta phải căn cứ nhiều mặt như sức khoẻ sinh sản, sự phát triển của nhân cách, nhận thức xem người đó có đủ bản lĩnh làm cha làm mẹ hay không. Một đứa bé 16 tuổi có thể sinh đẻ nhưng về mặt nhận thức thì sao, đến bản thân còn chưa phải là người lớn thì làm sao dạy con được? Ngày xưa, người ta quan niệm là “nữ thập tam, nam thập lục”, tức con gái 13 tuổi lấy chồng, con trai 16 tuổi có thể lấy vợ nhưng lúc đó cấu trúc gia đình nó khác. Có thể là tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường cho nên người con dâu sinh con nhưng việc dạy dỗ có thể có cha mẹ, ông bà. Còn bây giờ gia đình hạt nhân, chỉ có vợ và chồng, vì vậy mà bố mẹ chỉ 16, 17 tuổi thì làm sao dạy con.
Công bằng mà nói, do điều kiện sống ngày càng nâng cao, chất lượng dinh dưỡng bữa ăn đảm bảo đầy đủ nên trẻ ngày nay phát triển sớm. Nhiều em nữ mới 10 – 11 tuổi đã hành kinh rồi. Do sinh lý phát triển thì đương nhiên tâm lý cũng phát triển theo. Thứ hai, do tác động của môi trường xã hội, ngày nay trẻ yêu đương rất sớm, quan niệm tình yêu thoáng và quan hệ tình dục cũng sớm. Tuy nhiên việc đưa ra độ tuổi nào phải trải qua quá trình trao đổi, phản biện, cần nhiều thời gian chứ không đơn giản chỉ là để đáp ứng nhu cầu bản năng của con người. Theo đà phát triển của xã hội, việc phát triển tâm sinh lý, nhân cách đến sớm với người trẻ và nhu cầu điều chỉnh tuổi là một thực tế thì tôi nghĩ lúc đó người ta có thể thay đổi quy định.
TRUNG DŨNG (GHI)
altNguyễn Hữu Thọ (27 tuổi, làm trong lĩnh vực truyền thông):
Tăng tuổi sẽ tốt hơn
Hiện việc giáo dục cho giới trẻ hoàn toàn là giáo dục kiến thức chứ những kỹ năng sống, giới tính thì hoàn toàn bỏ ngỏ, hay không hiệu quả nên tất yếu là giới trẻ không hiểu hoặc không nhận được đầy đủ những gì mình làm, và họ cũng sẽ không đủ nhận thức về trách nhiệm khi quan hệ, lập gia đình. Hạ tuổi có thể giúp tình trạng phá thai giảm vì nhiều cặp nam nữ sẽ hợp thức hoá việc có thai ngoài ý muốn nhưng tỷ lệ ly hôn sẽ cao vì những khoảng trống kỹ năng sống của họ. Tôi nghĩ nên tăng độ tuổi kết hôn của nữ lên 20 tuổi còn nam thì 22 vì mặc dù giới trẻ hiện có sự phát triển nhanh về thể chất, trí tuệ song kỹ năng sống, nhận thức gia đình, tính trách nhiệm thì rất thiếu, thậm chí có phần lệch lạc.
altChâu Thị Diệu Hiền (25 tuổi, nhân viên văn phòng):
Giảm tuổi là hợp lý
Theo tôi nên tạo sự công bằng trong quy định độ tuổi kết hôn là 18 cho cả nam và nữ vì ở tuổi này, đa phần cả hai giới đã hoàn thành chương trình phổ thông, có những hiểu biết căn bản để nhận thức cuộc sống và có trách nhiệm với hành động của mình. Xét về yếu tố tâm sinh lý thì độ tuổi 18 cơ thể cũng đã phát triển khá hoàn chỉnh và nhu cầu sinh lý bắt đầu có. Việc gia hạn đến 20 tuổi vô hình trung buộc nam giới phải nén lòng, và với những người không nén được thì sao? Đó là tình trạng quan hệ trước hôn nhân, giải toả nhu cầu bên ngoài (vô tình tạo thêm tiêu cực xã hội). Đành rằng “sống và làm theo pháp luật” nhưng luật khó lòng cấm được hành vi phát triển tự nhiên, bản năng
(THEO BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ ĐIỆN TỬ)