Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

Chia tài sản của cha để lại

Hỏi:
Ông nội tôi mất, để tài sản lại cho ba tôi thừa kế. Khi ba tôi mất, tài sản này (gồm nhà cửa, đất đai do ba tôi đứng tên) để lại cho tôi và em gái tôi. Do điều kiện kinh tế đầy đủ, tôi làm giấy để toàn bộ tài sản này cho em gái tôi hưởng (có xác nhận của chính quyền địa phương, nơi có tài sản của ba tôi). Nay các ông anh, em chú bác của ba tôi không đồng ý và đề nghị chia tài sản này. Như vậy phần tài sản của ba tôi có phải chia cho các ông anh, em chú bác của ba tôi?

Luật sư trả lởi:
- Theo điều 631 Bộ luật dân sự, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Ngoài ra, theo điểm a khoản 1 điều 676 bộ luật trên, những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm có: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Như vậy, khi cha anh mất không để lại di chúc (bà nội và mẹ anh cũng đã mất) thì số nhà, đất do cha anh đứng tên thuộc về anh và người em gái. Nếu anh đã làm thủ tục từ chối nhận di sản theo đúng quy định (trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế; có lập thành văn bản; có báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, UBND xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản) thì nay em gái của anh được quyền sở hữu, sử dụng toàn bộ số nhà, đất do cha anh để lại.
Các chú, bác của anh không có quyền cản trở em gái anh thực hiện quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất nói trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét