Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

NHỮNG BỨC XÚC PHÁT SINH TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

Tranh chấp LĐ và đình công của NLĐ rất dễ xảy ra, nhất là vào dịp sát Tết Nguyên đán. 9 tháng đầu năm 2008, cả nước đã xảy ra 650 cuộc đình công.
Còn ở Hà Nội, đến 30.11.2008 có 46 cuộc tranh chấp LĐ, ngừng việc tập thể và đình công của gần 20.000 LĐ. Điều đó cho thấy quan hệ LĐ giữa chủ DN và NLĐ ngày càng phức tạp, cần có giải pháp xây dựng quan hệ LĐ hài hoà, ổn định và tiến bộ tại DN theo Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư.
Giá cả tăng cao, mức thu nhập của CNLĐ – nhất là các KCN tập trung- chưa đảm bảo đời sống; sinh hoạt văn hoá tinh thần không được cải thiện; nhận thức pháp luật của NLĐ ở mức thấp; tiếng nói của CĐCS chưa đủ mạnh… Đó là những bức xúc dẫn tới phát sinh tranh chấp LĐ tập thể tại DN.
“Vùng trũng” về thu nhập và văn hoá
Theo thống kê của Ban Quản lý các KCN-CX Hà Nội, thu nhập bình quân của NLĐ khu vực DN FDI ngành dệt may là 1.342.800đ/tháng, cơ khí 1.441.4000đ/tháng, điện và điện tử là 1.435.000đ/tháng. Đa số CN là người ngoại tỉnh, phải thuê nhà trong điều kiện vệ sinh, ăn uống, điện, nước không đảm bảo. Trong KCN và các xã lân cận cũng không có rạp chiếu phim, sân vận động, nhà văn hoá, bưu điện, bệnh viện…nên NLĐ thiếu hẳn sự giao lưu văn hoá cần thiết. Những bất cập đó, theo Chủ tịch CĐ các KCN-CX HN Nguyễn Thị Hoá, đã tạo nên “một vùng trũng” về thu nhập và đời sống văn hoá-xã hội.
Mặc dù TP đã chỉ đạo triển khai dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho CN đang làm việc ở KCN Thăng Long thuê với giá 120.000đ/người/tháng, nhưng cũng khó đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của 24.000 LĐ. Vậy mà vẫn nhiều CN không muốn thuê chung cư, vì tổng số tiền thuê nhà khoảng 200.000đ/tháng vẫn cao so với thu nhập của họ. Dù mức thu nhập mà DN trả không thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định, song vẫn quá thấp so với giá cả sinh hoạt hiện nay. Cách trả và phương pháp tính thu nhập của các DN khác nhau đã gây nên tâm lý so bì về thu nhập giữa NLĐ trong KCN. Các lý do đáng nói nữa là sự khác biệt về văn hoá, bất đồng về ngôn ngữ giữa chủ sử dụng LĐ nước ngoài với LĐVN; thái độ không đúng mực, cậy thế của một số nhân viên quản lý người Việt trong DN với NLĐ và mức ăn ca thấp trong khi giá tăng liên tục không đảm bảo dinh dưỡng để tái tạo sức LĐ của CN. Còn NLĐ lại thiếu kiến thức về pháp luật LĐ, nội quy, quy chế DN, văn hoá DN, văn hoá ứng xử…nên đã có những hành vi chưa đúng pháp luật hoặc bị kẻ xấu kích động, lợi dụng.
Từ đầu năm 2008 đến nay, tại KCN-CX HN xảy ra 38 cuộc biểu hiện ngừng việc tập thể, trong đó 16 cuộc ngừng việc tập thể trong thời gian từ 2-4 ngày. Số còn lại được CĐ các KCN-CX HN xuống giải quyết kịp thời nên đã không xảy ra.
8/10 DN nợ BHXH hơn 3,244 tỉ đồng
Việc kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách pháp luật đối với NLĐ được các cấp CĐ thủ đô tham gia cùng các ngành chức năng tổ chức thường xuyên, quan tâm tới chế độ “hậu kiểm” những DN vi phạm. Do đó góp phần ngăn ngừa và giải quyết phần lớn những bức xúc của NLĐ. Tại hội thảo lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Bộ LLĐ sau 13 năm thực hiện (LĐLĐ TP HN tổ chức ngày 10.12), Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HN Đặng Minh Thuần cho biết: Từ tháng 10-11.2008, Ban CSKT-XH LĐLĐ TP đã tham gia đoàn kiểm tra liên ngành tại 10 DN gồm 3 DNNN, 6 Cty CP, 1 Cty 100% vốn Nhật Bản. Qua kiểm tra cho thấy, DN thường vi phạm về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, xây dựng thang lương, bảng lương, nợ BHXH, không thanh toán trợ cấp thôi việc và trả sổ BHXH, không ký TƯLĐTT hoặc ký thì chủ yếu sao chép luật ít có điều khoản cao hơn luật, không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về LĐ…Kiểm tra Cty TNHH Nissei Electric HN, đoàn kiểm tra phát hiện trong 10 tháng đầu năm 2008, Cty tổ chức cho 1.471 LĐ làm thêm từ trên 300 giờ đến trên 700 giờ không đúng quy định. Về nợ BHXH, có tới 8/10 DN nợ với tổng số tiền hơn 3,244 tỉ đồng. Cá biệt, Xí nghiệp in Báo Nhi đồng thuộc TƯ Đoàn TNCS HCM vẫn đang áp dụng mức lương tối thiểu 450.000đ và ngừng đóng BHXH cho NLĐ hiện vẫn đang làm việc tại XN từ tháng 11.2006 đến nay (hết 10.2006 còn nợ BHXH gần 235 triệu đồng). Số DN thanh toán trợ cấp thôi việc cho NLĐ chỉ chiếm 20% (2/10DN). Ký TƯLĐTT cũng chỉ có 5/10 DN thực hiện và mới có 3 DN đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về LĐ.
Cuối năm là thời gian nhạy cảm với NLĐ về vấn đề lương, thưởng. Nhất là các KCN-CX HN, tình hình kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng lớn khiến các nhà đầu tư phải thu hẹp SX, vì vậy họ đề nghị giảm LĐ. Điều này đòi hỏi các cấp CĐ thủ đô, đặc biệt CĐ KCN-CX HN phải tăng cường cử CB xuống cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ và yêu cầu các DN thực hiện đúng luật LĐ nhằm tránh những vụ ngừng việc xảy ra không đúng pháp luật gây thiệt hại cho cả DN và NLĐ.
48/65 DN trong KCN-CX HN chưa thực hiện xây dựng đăng ký và công khai quy chế trả lương, hệ thống thang bảng lương, tiêu chuẩn, điều kiện áp dụng với từng chức danh theo quy định tại Nghị định 114/2002/NĐ-CP và Điều 57 Bộ LLĐ. Do vậy, dẫn đến tình trạng trả lương tuỳ tiện của giới chủ, được giới chủ sử dụng như một phương tiện để “khống chế” NLĐ, làm cho họ không được biết khi nào thì tăng lương và tăng bao nhiêu. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây nên tranh chấp giữa NLĐ và người sử dụng LĐ.
(Theo BÁO LAO ĐỘNG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét