Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Kỹ năng của luật sư trong việc viết bài bào chữa, bảo vệ trong vụ án hình sự


PHẦN THỨ 1:
GIỚI THIỆU VỀ BÀI BÀO CHỮA, BÀI BẢO VỆ CỦA LUẬT SƯ 
TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
 
I/-BÀI BÀO CHỮA, BÀI BẢO VỆ CỦA LUẬT SƯ. 
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, thì Luật sư là người tham gia tố tụng trong một vụ án hình sự với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. 
Hoạt động tố tụng hình sự là một hoạt động luật định, được diễn ra theo một trình tự thủ tục nhất định, từ giai đoạn trước đến giai đoạn sau, từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối, theo đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. 
Khi tham gia vào quan hệ pháp luật nói trên, dù là ngay từ khi nó mới vừa phát sinh hoặc là vào một giai đoạn tố tụng cụ thể nào đó, thì những người tiến hành tố tụng và người người tham gia tố tụng cũng đều phải thực hiện những công việc tố tụng theo một trình tự nhất định, đúng với quy định của pháp luật về tố tụng. 
Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành thì Luật sư có thể tham gia tố tụng ở vào bất kỳ giai đoạn tố tụng nào của vụ án, tùy thuộc vào yêu cầu của thân chủ của mình hoặc cũng có thể từ yêu cầu của chính các cơ quan tiến hành tố tụng. 
Tuy nhiên, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, việc tham gia tố tụng của Luật sư vào giai đoạn trước khi hoạt động xét xử được tiến hành, sẽ là hết sức quan trọng và có ý nghĩa rất to lớn đối với hoạt động hành nghề của Luật sư cũng như đối với mối quan hệ dịch vụ pháp lý mà Luật sư đã xác lập với thân chủ của mình. 
Có thể khẳng định như vậy là vì những lý do sau đây: 
Thứ nhất
Đây là giai đoạn tố tụng mà lần đầu tiên Luật sư được công khai phát biểu trình bày quan điểm của mình về vụ án, về việc VKS truy tố bị cáo, về tội danh và hình phạt mà VKS đề nghị áp dụng cho bị cáo, về hành vi phạm tội và hậu quả mà hành vi phạm tội gây ra cho người bị hại cũng như cho phía người bị hại, đồng thời nêu lên những quan điểm, những luận cứ, những tình tiết quan trọng của vụ án, để đối đáp tranh luận, nhằm bác bỏ hoặc ủng hộ quan điểm buộc tội của VKS đối với bị cáo, để đề xuất thay đổi tội danh, làm giảm nhẹ TNHS, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo hoặc để buộc bị cáo phải bồi thường TNDS và khắc phục hậu quả mà bị cáo đã gây ra đối với bị hại hoặc phía người bị hại. 
Nói một cách chung nhất là Luật sư phải làm sao để mang lại kết quả tốt nhất cho thân chủ của mình là bị cáo hoặc là người bị hại trong vụ án hình sự. 
Thứ hai
Trong tất cả các giai đoạn tố tụng, thì việc đưa ra xét xử của Tòa án chính là giai đoạn có sự xuất hiện đầy đủ nhất của những người người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong cùng một vụ án hình sự. 
Ngoài ra, trong nhiều phiên tòa có tiếng vang và dư luận xã hội rộng lớn, có thể sẽ có đông đảo quần chúng nhân dân đến tham dự để theo dỏi trực tiếp việc xét xử vụ án, các cơ quan truyền thông báo chí cũng có thể đến để đưa tin. 
Vì vậy, hoạt động mang tính nghề nghiệp của Luật sư trong giai đoạn này là hết sức quan trọng. Luật sư sẽ có cơ hội để thể hiện kỹ năng hành nghề của mình, nếu thành công có thể sẽ gây tiếng vang lớn trong xã hội làm tăng uy tín nghề nghiệp của Luật sư đồng thời có tác động tích cực đến hoạt động hành nghề của Luật sư trong việc thực hiện các dịch vụ pháp lý với thân chủ của Luật sư sau này. 
Thứ ba
Kết quả của hoạt động xét xử của Tòa án sẽ là một bản án mà Hội đồng xét xử thay mặt và nhân danh Nhà Nước tuyên án đối với thân chủ của Luật sư. 
Không phải chỉ có bản án tuyên thân chủ của Luật sư vô tội; không phải chỉ có bản án tuyên thân chủ của Luật sư có tội nhẹ hơn, TNHS ít hơn, hình phạt nhẹ hơn so với đề nghị truy tố của VKS; hoặc bản án tuyên bị cáo có tội đúng với tội danh và hình phạt, đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường TNDS một cách thích đáng để khắc phục hậu quả cho người bị hại, mới được xem là thành công của Luật sư và là niềm hạnh phúc của thân chủ của Luật sư. 
Ngay như một bản án mà Tòa đã tuyên, có tính bất lợi đối với thân chủ của Luật sư, đôi khi Luật sư cũng có thể nhận được sự cảm thông chia sẻ, thậm chí sự mang ơn từ chính thân chủ của mình. Bởi vì Họ đã cảm nhận được năng lực thực sự của Luật sư, về công sức mà Luật sư đã làm và về trách nhiệm nghề nghiệp mà Luật sư đã thể hiện đối với những yêu cầu của Họ. 
Sự đánh giá tốt của khách hàng đối với Luật sư bao giờ cũng là một chứng cứ hết sức quan trọng mang tính đánh giá nghề nghiệp và năng lực của Luật sư khi tham gia hoạt động tố tụng trong một vụ án hình sự. 
Hơn ai hết, Luật sư phải là người hiểu rõ việc tham gia vào giai đoạn xét xử tại tòa án là một hoạt động tố tụng hết sức quan trọng đối với việc hành nghề của mình và đối với chính hợp đồng dịch vụ pháp lý mà Luật sư đã xác lập với khách hàng của mình. 
Chính vì tính chất quan trọng như vậy, Luật sư cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn xét xử, mà quan trọng nhất, có thể nói là việc chuẩn bị bài bào chữa hoặc là bài bảo vệ cho thân chủ của mình. 
Thế nào là bài bào chữa, bài bảo vệ? 
Bài bào chữa
Là văn bản viết của Luật sư trong đó nêu quan điểm của Luật sư về vụ án, về hoạt động tố tụng mà các cơ quan và người tiến hành tố tụng đã tiến hành, về quan điểm truy tố của VKS đối với thân chủ của Luật sư là bị cáo trong vụ án, về tội danh, về khung hình phạt mà VKS đề nghị, đồng thời đưa ra những căn cứ để bác bỏ toàn bộ việc truy tố của VKS, hoặc để thay đổi sang tội danh khác có TNHS và hình phạt nhẹ hơn, để không phải chịu hoặc làm giảm nhẹ TNDS đối với bị cáo. 
Bài bào chữa sẽ được Luật sư trình bày bằng cách đọc nguyên văn hoặc làm dàn ý để từ đó làm căn cứ phát biểu ngay trong phần tranh luận tại phiên tòa, sau khi nghe vị đại diện VKS đọc bản luận tội. 
Bài bảo vệ
Cũng là một văn bản viết của Luật sư, tuy nhiên do thân chủ của Luật sư trong trường hợp này là người bị hại hoặc là phía người bị hại (trong trường hợp người bị hại chết), là nguyên đơn dân sự, là bị đơn dân sự, là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. 
Họ là những nạn nhân của hành vi phạm tội của bị cáo, là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra trong vụ án, cho nên nội dung và mục đích của bài bảo vệ ứng với từng đối tượng tham gia tố tụng cụ thể sẽ là rất khác so với bài bào chữa cho bị cáo. 
Trong nội dung bài bảo vệ, Luật sư cũng nêu quan điểm của mình về vụ án, về hoạt động tố tụng mà các cơ quan và người tiến hành tố tụng đã tiến hành, về quan điểm truy tố của VKS đối với bị cáo trong vụ án, về tội danh, về khung hình phạt mà VKS đã đề nghị đối với bị cáo. 
Thông thường quan điểm của Luật sư là đồng tình với việc truy tố bị cáo của VKS. 
Tuy nhiên trong một số trường hợp, quan điểm của Luật sư có thể sẽ là không đồng tình với việc truy tố của VKS vì đã bỏ sót tội phạm và hình phạt. 
Thể hiện tất cả những vấn đề vừa nêu trên trong bài bảo vệ, mục đích của Luật sư là muốn khẳng định bị cáo đúng là người phạm tội, giữa hành vi phạm tội của bị cáo và kết quả dẫn đến sự mất mác, thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, bị cáo là người có lỗi cho nên bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường TNDS và khắc phục những hậu quả mà mình đã gây ra. 
Trách nhiệm hình sự mà người phạm tội phải gánh chịu là một việc đương nhiên theo quy định của pháp luật. Không một ai có thể yêu cầu hoặc đòi hỏi về hình thức, mức độ, biện pháp chế tài về hình sự đối với người phạm tội ngoại trừ Viện Kiểm Sát Nhân Dân. 
Trách nhiệm dân sự của bị cáo trong việc bồi thường tổn thất về vật chất cũng như tinh thần cho khách hàng của Luật sư, mới chính là mục đích mà Luật sư bảo vệ cho người bị hại và phía người bị hại hướng đến. 
Cũng giống như bài bào chữa, bài bảo vệ sẽ được Luật sư trình bày bằng cách đọc nguyên văn hoặc làm dàn ý để từ đó làm căn cứ phát biểu ngay trong phần tranh luận tại phiên tòa, sau khi vị đại diện VKS đọc bản luận tội. 
II/-BÀI BÀO CHỮA, BÀI BẢO VỆ LÀ MỘT TÀI LIỆU QUAN TRỌNG KẾT TINH CÔNG SỨC VÀ KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ. 
Bài bào chữa, bài bảo vệ trước hết thể hiện kỹ năng viết của Luật sư. Nhưng để viết được một tài liệu có tính chặt chẽ, ngắn gọn, đầy đủ nội dung, có văn hóa, có trí tuệ, có căn cứ xác đáng và có tính thuyết phục cao như vậy, Luật sư còn phải vận dụng những kỹ năng khác trong hoạt động nghề nghiệp của Luật sư. 
Có kỹ năng hành nghề tốt, Luật sư còn phải có một nền tảng kiến thức khoa học về pháp lý vững vàng. Kiến thức về pháp luật có thể giúp cho Luật sư nhìn nhận một vấn đề pháp lý có tính khoa học và có căn cứ, từ đó thể hiện quan điểm của mình, đề xuất những ý kiến pháp lý quan trọng trong bài bào chữa và bài bảo vệ. 
Nếu không có đạo đức nghề nghiệp, nếu không yêu quý công việc của mình, nếu không thật sự tôn trọng những cam kết mang tính công việc đối với khách hàng, nếu không có tinh thần trách nhiệm cao, thì cũng khó có được một kết quả tốt đẹp cho bài bào chữa, bài bảo vệ của Luật sư. 
Vì vậy có thể nói rằng: Bài bào chữa hay bài bảo vệ của các Luật sư, đều là những tài liệu quan trọng, kết tinh công sức của các luật sư, thể hiện kết quả của một quá trình tích cực nghiên cứu khai thác để tìm ra những tình tiết, chứng cứ cần thiết phục vụ cho nhu cầu mục đích cho việc bào chữa, bảo vệ thân chủ của mình.

PHẦN THỨ 2
KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ KHI CHUẨN BỊ BÀI BẢO VỆ CHO NGƯỜI BỊ HẠI 
TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
Trong nội dung của bài tiểu luận này, chúng ta sẽ chỉ đề cập đến “Bài Bảo Vệ Cho Người Bị Hại” của Luật sư trong vụ án hình sự mà thôi. 
Để làm rõ những nội dung có liên quan trong bài bảo vệ, chúng ta cùng nghiên cứu các khái niệm cũng như các vấn đề sau đây: 
I/-NGƯỜI BỊ HẠI –NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI BỊ HẠI (NĐDHPCNBH): 
Điều 51 BLTTHS đã định nghĩa về “Người bị hại” như sau: 
10. Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. 
20. Người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền: 
a)-Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; 
b)-Được thông báo về kết quả điều tra; 
c)-Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; 
d)-Đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường; 
đ)-Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; 
e)-Khiếu nại quyết định; hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường cũng như hình phạt đối với bị cáo. 
30. Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 105 của Bộ luật này thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa. 
40. Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án; nếu từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự. 
50. Trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền quy định tại điều này. 
Theo thói quen đôi khi chúng ta thường hay sử dụng thuật ngữ “Phía Người Bị Hại” để chỉ “Người Đại Diện Hợp Pháp Của Người Bị Hại” trong trường hợp người bị hại đã chết trong vụ án. 
II/-NHỮNG YÊU CẦU BỒI THƯỜNG TỪ NGƯỜI BỊ HAI VÀ NĐDHPCNBH
Trong một vụ án hình sự, người bị hại là người đã có thiệt hại: 
-Về mặt thể chất: có nghĩa rằng họ có thể đã bị mất đi mạng sống của mình, tổn thương sức khỏe do bị thương tật một cách tạm thời hay vĩnh viễn; 
-Về mặt tinh thần: có nghĩa rằng họ đã có sự tổn thất về danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc suy sụp về tâm lý, tình cảm của cá nhân; 
-Về tài sản: có nghĩa rằng họ đã bị chiếm đoạt, bị mất mác, các vật có giá trị bằng tiền và là đối tượng của quyền tài sản và các lợi ích vật chất khác. 
(Khái niệm về tài sản là một khái niệm rất rộng, chúng ta cũng cần phải hiểu rõ khái niệm đó đưới góc độ pháp lý để nắm bắt vấn đề một cách chính xác). 
Những thiệt hại nói trên là do tội phạm gây ra. 
Luật cũng đã quy định, người bị hại được quyền đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm cho việc bồi thường. 
Thông thường trong vụ án hình sự, người bị hại hoặc người ĐDHPCNBH yêu cầu được bồi thường về tài sản, về thể chất và về mặt tinh thần, mà họ đã bị thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra. 
Thiệt hại về mặt thể chất, thiệt hại về mặt tài sản là có thể xác định dễ dàng thông qua việc giám định thương tật của các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng như thông qua việc xác định và đánh giá thực tế. 
Thiệt hại về mặt tinh thần là không đơn giản để xác định mức độ thiệt hại và đánh giá trị để bồi thường, bởi vì trên thực tế không có tiêu chí chung về mặt tinh thần để xác định cho mỗi cá nhân bởi điều kiện, hoàn cảnh của từng cá nhân là khác nhau. 
Bên cạnh các yêu cầu đó, các biện pháp bảo đảm cho việc bồi thường cũng là rất cần thiết và có ý nghĩa đối với người bị hại nhất là trong trường hợp việc bồi thường có tính lâu dài trong một thời gian nhất định. 
Cũng cần nói thêm rằng, việc yêu cầu được bồi thường của người bị hại là quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Cho nên trong nhiều trường hợp người bị hại cũng có thể từ chối quyền của mình bằng hành vi không yêu cầu và không đề nghị mức bồi thường. 
Tất nhiên, ngoại trừ những yêu cầu mang tính không tưởng, phi thực tế và thiếu căn cứ sẽ không được chấp thuận, thì không phải bất cứ yêu cầu yêu cầu bồi thường nào, với mức độ nào, biện pháp bảo đảm nào, của người bị hại cũng đều được Hội đồng xét xử chấp thuận. 
Bên cạnh đó các Luật sư bào chữa của bị cáo ngay tại phiên tòa cũng luôn có xu hướng đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ TNDS của bị cáo trong vụ án. 
Vì vậy, việc bảo vệ quyền lợi của người bị hại trong vụ án hình sự là một nhiệm vụ không dễ dàng và là một hoạt động nghề nghiệp có tính kỹ năng cao của L.sư.

III/-KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ TRONG VIỆC CHUẨN BỊ BÀI BẢO VỆ CHO NGƯỜI BỊ HẠI
1/-Mục đích, yêu cầu của việc viết bài bảo vệ
a)-Mục đích
Mục đích viết bài bảo vệ là giúp cho Luật sư có điều kiện xem lại các tài liệu đã thu thập, ghi chép được, nhờ đó mà hiểu thấu đáo hơn về nội dung vụ án. Khi viết cũng là lúc Luật sư cân nhắc đáng giá từng tài liệu, tình tiết, so sánh, đối chiếu và tổng hợp các chứng cứ, để phát hiện và sử dụng được các chứng cứ có lợi, bác bỏ những chứng cứ bất lợi cho thân chủ. 
Trên cơ sở phân tích và tổng hợp các chứng cứ, Luật sư đưa ra các quan điểm bảo vệ sẽ toàn diện và không bỏ sót những vấn đề quan trọng. 
Bài bảo vệ được chuẩn bị kỹ lưỡng, sắp xếp các luận cứ một cách lô gíc, khoa học, là tài liệu cần thiết để Luật sư sử dụng trong lúc bảo vệ. Nhờ có dàn ý đã được chuẩn bị, Luật sư trình bày các vấn đề có trọng tâm, không bị bỏ sót và cũng không mang tính dàn trãi tràn lan. 
Nếu Luật sư chỉ tin vào trí nhớ và tài hùng biện của mình mà không chuẩn bị bài bảo vệ, thì có nhiều trường hợp vì quá say sưa trình bày về một vấn đề nào đó mà quên mất các vấn đề quan trọng khác cần phải được trình bày. Sau khi bảo vệ xong mới phát hiện ra là còn thiếu thì rất nuối tiếc. 
Trong thực trạng xét xử hiện nay, vấn đề thư ký phiên tòa ghi chép lại toàn bộ diễn biến của phiên tòa cũng chỉ mang tính thủ tục là chính. Nếu sau khi trình bày bài bảo vệ Luật sư gửi tài liệu đó luôn cho thư ký phiên tòa sẽ là một hành động khôn ngoan và là một kỹ năng nghề nghiệp của Luật sư. 
Vì vậy trong mọi trường hợp Luật sư cần thiết phải chuẩn bị bài bảo vệ. 
b)-Yêu cầu
Để có một bài bảo vệ đạt chất lượng, khi chuẩn bị viết, Luật sư cần phải quán triệt các yêu cầu sau: 
-Bài bảo vệ phải có bố cục chặt chẽ, được viết ngắn gọn, rõ ràng, súc tích; 
-Những vấn đề cần bảo vệ phải được ghi thành đề mục và sắp xếp chúng theo một thứ tự hợp lý; 
-Các tài liệu, số liệu được sử dụng phải chính xác, bảo đảm độ tin cậy; 
-Các quan điểm đề xuất phải rõ ràng, không lập lờ nước đôi, không đổ lỗi, đổ tội cho người khác để có lợi cho người mình bảo vệ, không bênh vực quyền lợi cho thân chủ của mình mà làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. 
2/-Những công việc chuẩn bị để viết bài bảo vệ
a)-Tổng hợp các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được
Để viết bài bảo vệ, Luật sư phải chuẩn bị các loại tài liệu. Những loại tài liệu này gồm: 
-Tài liệu, chứng cứ thu thập được từ việc nghiên cứu hồ sơ vụ án: 
+Các lời khai nhận tội của bị cáo; 
+Những lời khai chối tội của bị cáo nhưng rất mâu thuẫn với các chứng cứ khác của vụ án; 
+Những lời khai buộc tội bị cáo của những người làm chứng, người bị hại; 
+Các tài liệu xác định vật chứng của vụ án; 
+Các tài liệu về chứng thương, giám định; 
+Các tài liệu chứng minh yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại như chứng từ, hóa đơn, biên nhận… 
-Các tài liệu, chứng cứ mới được thu thập bổ sung: 
+Các tài liệu ghi chép được khi Luật sư gặp bị can, bị cáo; 
+Các tài liệu Luật sư thu thập được từ việc tiếp xúc với thân nhân gia đình người bị hại… 
-Các tài liệu và văn bản pháp luật có liên quan: 
+Bộ luật hình sự; 
+Bộ luật tố tụng hình sự; 
+Nghị quyết của HĐTP TANDTC, Nghị định chính phủ, Thông tư liên tịch, và các văn bản dưới luật khác có liên quan đến việc bảo vệ của Luật sư. 
b)-Đánh giá phân tích tài liệu, chứng cứ: 
Là người bảo vệ cho quyền lợi của người bị hại, Luật sư phải nghiên cứu các tài liệu và chứng cứ nói trên, để đánh giá và phân tích, từ đó đưa ra những kết luận về những nội dung, tình tiết có lợi cho thân chủ của mình, như là: 
-Xác định hành vi phạm tội của bị cáo, xác định tội danh và khung hình phạt cho bị cáo; 
-Xác định những thiệt hại thực tế đã xảy ra; 
-Xác định những tình tiết thể hiện việc yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của người bị hại hoặc người ĐDHPCNBH là hợp lý, đúng đắn, chính xác và có căn cứ. 
3/-Xác định định hướng viết bài bảo vệ
a)-Xác định hình thức viết
Tùy thuộc vào tính chất của vụ án là phức tạp hay đơn giản, số lượng bị cáo nhiều hay ít, các tài liệu chứng cứ trong vụ án là đầy đủ hay con thiếu, phù hợp hay có mâu thuẩn với nhau, bị cáo nhận tội hay không nhận tội… mà bài bảo vệ của Luật sư cần được viết chí tiết hay chỉ ở dạng dàn ý và nó được gửi đến Tòa án để Tòa án có điều kiện xem xét kỹ từng tình tiết nội dung yêu cầu của người bị hại mà Luật sư nêu ra hay chỉ là tài liệu mà Luật sư sẽ sử dụng tại tòa. 
Trong trường hợp cần gửi trước cho HĐXX thì Luật sư bắt buộc phải viết hoàn chỉnh bài bảo vệ. 
b)-Xác định định hướng bảo vệ: 
Đây là công việc khá phức tạp của Luật sư, là một bài toán quan trọng mà Luật sư phải có một lời giải hợp lý đúng đắn khẳng định sự thành công hay thất bại của Luật sư trong vụ án. 
Tùy thuộc vào chứng cứ của vụ án và việc Luật sư phải bảo vệ cho đương sự nào trong vụ án mà Luật sư xác định định hướng bảo vệ cho phù hợp. 
Nếu bảo vệ cho người bị hại, Luật sư phải xác định định hướng bảo vệ theo hướng làm rõ TNHS của bị cáo, trên cơ sở đó mới yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại một cách chính xác đầy đủ cho thân chủ của mình. 
Việc làm rõ TNHS của bị cáo có thể theo hướng đề nghị tăng nặng TNHS như yêu cầu xem xét khung hình phạt khác nặng hơn, trả hồ sơ điều tra bổ sung để truy tố theo tội danh khác nặng hơn, nếu thấy cáo trạng truy tố không đúng. 
Trong nhiều trường hợp, định hướng bảo vệ sẽ theo hướng công nhận cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội, nên buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà bị cáo đã gây ra cho người bị hại. 
Định hướng bảo vệ phải dứt khoát rõ ràng thống nhất từ đầu đến cuối không lưng chừng khập khểnh nước đôi. 
4/-Cơ cấu bài bảo vệ
Bài bảo vệ phải có cơ cấu thống nhất với nhau và gồm ba phần: Phần mở đầu; Phần nội dung và Phần kết luận. 
a)-Phần mở đầu
-Giới thiệu: Luật sư tự giới thiệu về mình, về cơ sở hành nghề luật sư, về Đoàn luật sư mà mình đăng ký hoạt động nghề nghiệp luật sư. 
-Lý do tham dự phiên tòa: Luật sư nêu lý do và căn cứ mà mình tham gia phiên tòa. 
b)-Phần nội dung: 
-Phân tích TNHS của bị cáo: 
+Nếu VKS truy tố đúng người đúng tội, đúng với nhận định phân tích của Luật sư thì Luật sư cũng cần phải nêu ý kiến, đề nghị HĐXX chấp nhận việc truy tố của VKS. 
+Nếu VKS truy tố chưa đúng người đúng tội, chưa đúng với phân tích của Luật sư thì Luật sư cũng phải nêu quan điểm của mình, nếu cần thiết thì đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung. 
-Phân tích TNDS của bị cáo: 
+Phân tích chứng minh thiệt hại của thân chủ là có thật, do chính hành vi của bị cáo gây ra, hành vi của bị cáo là hành vi trái pháp luật. 
+Việc yêu cầu bồi thường của người bị hại là có căn cứ. 
c)-Phần kết luận
-Tóm tắt lại những nội dung chính đã trình bày, không cần thiết phải lập lại toàn bộ nội dung, nội dung lập lại phải không mâu thuẫn với nội dung đã trình bày; 
-Đưa ra những đề xuất cụ thể về cách giải quyết vụ án theo hướng có lợi nhất cho thân chủ của mình với Hội đồng xét xử. 


PHẦN THỨ 3:
PHẦN KẾT LUẬN
Tóm lại, “Bài bảo vệ cho người bị hại” của Luật sư trong vụ án hình sự là một văn bản được sử dụng trong phần tranh luận tại phiên tòa với mục đích nhằm bảo vệ quyền lợi của người bị hại trong chính vụ án hình sự đó. 
Bài bảo vệ là một tài liệu quan trọng kết tinh công sức của Luật sư. Thể hiện kết quả của một quá trình tích cự nghiên cứu, khai thác, đánh giá, phân tích hồ sơ tài liệu của vụ án, để tìm ra những những tình tiết, những chứng cứ quan trọng cần thiết phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi của người bị hại là thân chủ của Luật sư trong vụ án. 
Với nội dung và tính chất quan trọng như vậy, Luật sư cần phải có sự đầu tư đúng mức và chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nội dung và hình thức cho bài bảo vệ. 
Việc chuẩn bị bài bảo vệ và thực hiện nó một cách hoàn chỉnh, hiệu quả, cũng chính là một phần trong hệ thống kỹ năng trong hoạt động nghề nghiệp của Luật sư. 
Ls Phan Khắc Nghiêm
NPK & ASSOCIATES

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra


I. Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (BLTTHS) đã có quy định về các trường hợp nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng pháp luật của các cơ quan tư pháp ở địa phương cho thấy, quy định hiện hành của BLTTHS còn chung chung, thiếu rõ ràng; trong khi đó, các văn bản dưới luật chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung này, dẫn đến việc hiểu và áp dụng pháp luật của các cơ quan tư pháp không thống nhất với nhau.
Về vấn đề nhập hoặc tách vụ án hình sự để điều tra được quy định tại Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:
Điều 117. Nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra
1. Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm quy định tại Điều 313 và Điều 314 của Bộ luật hình sự.
2. Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.
3. Quyết định nhập hoặc tách vụ án hình sự phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định.
Với các quy định đó, chủ thể tiến hành nhập và tách vụ án hình sự để điều tra chính là Cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra có thể nhập vụ án hình sự để điều tra trong 3 trường hợp: 1. Bị can phạm nhiều tội; 2. Nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm; 3. Cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm quy định tại Điều 313 và Điều 314 của Bộ luật hình sự.
Để tách vụ án hình sự để điều tra, Cơ quan điều tra cần đảm bảo đồng thời các điều kiện sau: 1. Không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm; 2. Việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.
Có thể thấy quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về việc tách vụ án hình sự để điều tra mang tính tùy nghi, mang tính định tính, dẫn đến các Cơ quan tiến hành tố tụng có thể hiểu việc nhập vụ án hình sự là hoạt động tố tụng tùy nghi, có thể nhập hoặc không nhập. Vấn đề tách vụ án hình sự cũng được quy định bằng những thuật ngữ chung chung như “thật cần thiết”, “không ảnh hưởng”…gây hiểu nhầm và không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Ngoài ra, quyết định nhập hoặc tách vụ án hình sự phải được gửi cho Viện kiểm sát, nhưng để làm gì, phê chuẩn hay kiểm sát việc nhập, tách vụ án hình sự thì Bộ luật Tố tụng hình sự cũng chưa quy định rõ ràng.
Những quy định chưa đầy đủ và rõ ràng đó của Bộ luật Tố tụng hình sự cùng với việc chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn về vấn đề này đã dẫn đến tình trạng không thống nhất và gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về nhập hoặc tách vụ án hình sự để điều tra.
II. Một số vướng mặc trong thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về nhập hoặc tách vụ án hình sự để điều tra:
1. Về vấn đề nhập vụ án hình sự để điều tra, thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự có một số vấn đề sau:
Thứ nhất, trường hợp một bị can thực hiện nhiều tội phạm nhưng ở những địa bàn khác nhau do các Cơ quan điều tra khác nhau có thẩm quyền điều tra.
Đây là trường hợp một bị can thực hiện một loại tội phạm nhưng phạm tội nhiều lần và ở những địa bàn khác nhau. Cơ quan điều tra phát hiện tội phạm đầu tiên tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành tố tụng đối với vụ án đó. Tuy nhiên, các Cơ quan điều tra khác khi phát hiện tội phạm (sau) cũng tiến hành các hoạt động tố tụng tương tự. Mặc dù nhận được yêu cầu nhập vụ án hình sự để điều tra nhưng có trường hợp các Cơ quan điều tra phát hiện tội phạm (sau) cố tình không nhập vụ án mà độc lập khởi tố, điều tra vụ án đó. Cũng có trường hợp Cơ quan điều tra phát hiện tội phạm (sau) chậm trễ trong việc phối hợp để nhập vụ án hình sự, dẫn đến việc hết thời hạn điều tra và Cơ quan điều tra phát hiện tội phạm (trước) phải hoàn thiện hồ sơ, chuyển cho Viện kiểm sát để đề nghị truy tố mà không thể đợi để nhập vụ án.
Vụ án xảy tại Thành phố Hồ Chí Minh: Năm 2000, Lê Thành Trung lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại quận 7 (TP.HCM) rồi bỏ trốn nên bị Công an quận 7 truy nã. Trung trốn sang quận 3, lại lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản rồi bỏ trốn nên cũng bị Công an quận 3 truy nã. Trung trốn tiếp về Duyên Hải (Trà Vinh) rồi bị bắt vì chiếm đoạt một chiếc xe máy. Sau đó, Trung được di lý về Công an quận 7.
Các cơ quan tố tụng quận 7 đã nhiều lần thông báo cho quận 3 phối hợp nhập vụ án để giải quyết chung nhưng không được hồi đáp. Vì thế, TAND quận 7 đã đưa Trung ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phạt Trung hai năm tù. Năm 2003, vừa chấp hành án xong trở về, Trung lại bị Công an quận 3 bắt theo lệnh truy nã để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau đó, Trung tiếp tục bị TAND quận 3 phạt án tù.
Một vụ án khác, khoảng 2 giờ ngày 23-11-2010, tại đường Phạm Thế Hiển, quận 8 (TP.HCM), Nguyễn Văn Minh, Phan Văn Tùng, Đinh Thanh Vũ và Trần Văn Hồi đã chặn xe máy của một phụ nữ bắt đưa tiền. Khi nạn nhân từ chối, Tùng rút dao đâm thủng yên xe thị uy, Minh và Vũ cũng rút dao kề cổ nạn nhân, làm nạn nhân sợ hãi phải vét sạch túi được 1,3 triệu đồng nộp cho chúng.
Bị Công an quận 8 bắt, bốn gã này khai nhận chỉ trong vòng 2 tiếng trước, chúng đã thực hiện liên tiếp hai vụ cướp tại một quận giáp ranh là quận 7. Cụ thể, khoảng 0 giờ ngày 23-11, chúng đã dùng dao khống chế cướp điện thoại di động của một người đàn ông. 1 tiếng sau, chúng lại dùng dao khống chế cướp 400.000 đồng của một cặp vợ chồng.
Công an quận 8 đã gửi công văn yêu cầu Công an quận 7 phối hợp điều tra. Tuy nhiên, Công an quận 7 đã không phối hợp ngay mà độc lập khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Đầu năm 2011, khi hồ sơ vụ án được chuyển sang VKSND quận 7, cơ quan này mới làm công văn chuyển hồ sơ cho Công an quận 8 để phối hợp giải quyết. Về phần mình, do trước đó phải chờ đợi quá lâu nên cơ quan điều tra Công an quận 8 đã ra quyết định từ chối nhập vụ án, tự giải quyết riêng.
Có thể khái quát các trường hợp trên như sau: A  gây 2 vụ án ở 2 huyện khác nhau là B và C thuộc tỉnh H. Ở mỗi huyện này, A gây ra 1 vụ “trộm cắp tài sản”. Cơ quan điều tra huyện B khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với A về tội “trộm cắp tài sản” xảy ra ở địa phương mình. Cơ quan điều tra huyện C cũng tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với A về tội nêu trên (đối với hành vi phạm tội ở huyện C). Mặc dù được yêu cầu phối hợp nhập vụ án để điều tra, nhưng Cơ quan điều tra huyện C do nhiều lí do (chủ quan và khách quan) đã không (hoặc chậm trễ) phối hợp để nhập vụ án hình sự. Dẫn đến hết thời hạn điều tra nên Cơ quan điều tra huyện B kết thúc điều tra, đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can A. Sau đó, huyện C tiến hành truy tố, xét xử độc lập đối với A.
Với trường hợp trên, có quan điểm cho rằng, căn cứ Điều 117 BLTTHS thì các vụ án trên phải được nhập lại để cơ quan tư pháp huyện B tiến hành điều tra, truy tố, xét xử toàn bộ các hành vi của A ở cả hai huyện. Khi đó, bị cáo A chỉ bị tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” mà không phải bị xử lý bằng 2 lần, 2 bản án sẽ không phải chịu hình phạt nặng. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự.
Cũng có ý kiến cho rằng Điều 117 BLTTHS cũng không có quy định bắt buộc phải nhập vụ án của hai địa phương khác nhau để tiến hành điều tra. Trong vụ án này, các bị can thực hiện các hành vi phạm tội độc lập ở những địa phương khác nhau, nên có thể xử lý độc lập. Việc không nhập vụ án nêu trên là không trái pháp luật.
Theo chúng tôi, việc Cơ quan điều tra không tiến hành nhập vụ án trên để điều tra là trái pháp luật. Bởi lẽ, Điều 117, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ đây là trường hợp bị can phạm nhiều tội, có thể nhập vụ án hình sự để điều tra mà không phụ thuộc vào địa bàn thực hiện tội phạm. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự. Khi nhập vụ án hình sự để điều tra, bị cáo A chỉ bị tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” mà không phải bị xử lý bằng 2 lần, 2 bản án sẽ không phải chịu hình phạt nặng. Việc quy định bắt buộc phải nhập vụ án trong trường hợp này cũng góp phần hạn chế tiêu cực trong tố tụng hình sự, tránh oan, sai trong tố tụng hình sự. Trao đổi với nhiều điều tra viên ở địa phương, có nhiều trường hợp các Cơ quan điều tra còn cố tình không nhập vụ án để điều tra nhằm tăng hình phạt đối với bị can, bị cáo (phạm tội chuyên nghiệp, lưu manh, côn đồ…). Điều này vi phạm các nguyên tắc tố tụng hình sự.
Xảy ra tình trạng có nhiều quan điểm khác nhau về việc nhập vụ án trong trường hợp này là do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chưa chặt chẽ về trường hợp nhập vụ án nếu bị can thực hiện tội phạm ở nhiều địa bàn khác nhau. Cần phải bổ sung các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trường hợp này theo hướng quy định rõ Cơ quan điều tra nào có quyền yêu cầu Cơ quan điều tra khác nhập vụ án, thời hạn nhập vụ án, trách nhiệm đối với trường hợp chậm trễ trong việc nhập vụ án.
Thứ hai, trường hợp những bị can khác nhau phạm các tội khác nhau nhưng liên quan chặt chẽ với nhau cả về thời gian và không gian hoặc trường hợp một người vừa là bị can, vừa là người bị hại.
Trong thực tiễn tố tụng hình sự, có nhiều trường hợp các bị can khác nhau phạm các tội khác nhau nhưng các tội này lại liên quan chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn bị can A thực hiện hành vi “cướp tài sản” để lấy tài sản đem bán cho B. A bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “cướp tài sản” được quy định tại khoản 1, Điều 133 – Bộ luật Hình sự. Cơ quan điều tra cũng khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với B về tội “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự.
Trong một trường hợp khác, tháng 5-2010, Phạm Văn Trường gặp Trương Hồng Hào ở một quán cà phê tại huyện Châu Thành (Hậu Giang). Vốn xích mích từ trước, Trường dùng ly thủy tinh đập vào đầu Hào khiến Hào bị thương tật 14%. Hào cầm một cục gạch ống ném trúng trán Trường gây thương tật 31%. Sau đó, Hào yêu cầu Công an huyện Châu Thành khởi tố Trường. Thấy vậy, Trường cũng yêu cầu công an huyện khởi tố Hào.
Mới đây, Công an huyện Châu Thành đã ra quyết định khởi tố Trường về hành vi cố ý gây thương tích. Đối với Hào, dù xác định có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích nhưng cơ quan điều tra lại lúng túng, không biết nên nhập hành vi ném gạch của Hào vào chung một vụ án với Trường để xử lý hay tách ra thành một vụ án độc lập khác.
Trong những trường hợp này, có quan điểm cho rằng: Cơ quan điều tra phải nhập vụ án hình sự để điều tra và việc nhập vụ án nêu trên là đúng pháp luật và trường hợp trên không thể xử lý độc lập. Bởi lẽ, tính liên quan ở các hành vi của các vụ án nêu trên là chặt chẽ, khăng khít nhau cả về mặt thời gian và không gian. Nếu giải quyết độc lập hai vụ án sẽ gây khó khăn, phức tạp trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.
Ý kiến thứ hai cho rằng: Quyết định nhập vụ án nêu trên của cơ quan điều tra là trái pháp luật. Bởi vì, theo quy định tại khoản 1 Điều 117 BLTTHS thì chỉ được nhập vụ án khi cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm quy định tại Điều 313 và Điều 314 của BLHS. Trong trường hợp thứ hai, từng bị can A, B không phạm nhiều tội; B bị khởi tố về tội “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” là độc lập với tội mà cơ quan điều tra đã khởi tố trước đó với A. Trường hợp B phạm vào tội độc lập thì chỉ nhập vụ án khi B phạm tội “che giấu tội phạm” hoặc “không tố giác tội phạm” quy định tại Điều 313, 314 BLHS.
Theo chúng tôi, trong trường hợp này nếu đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự thì rõ ràng việc nhập vụ án hình sự để điều tra là trái pháp luật. Vì rõ ràng theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự thì đây là những trường hợp “không thể” nhập vụ án hình sự để điều tra.
Trong trường hợp này có thể các vụ án có liên quan với nhau nhưng đây vẫn là những vụ án hoàn toàn độc lập cả về người phạm tội và tội phạm. Tính liên quan ở đây cũng chỉ được xác định một cách tương đối, không có căn cứ cụ thể thể xác định mức độ liên quan của những vụ án độc lập này.
Mặc dù việc tách vụ án hình sự có thể gây một số khó khăn cho hoạt động tố tụng như tốn kém công sức, lực lượng tố tụng, điều tra viên không thuận lợi trong hoạt động hỏi cung, lấy lời khai…nhưng việc không nhập vụ án là phù hợp với các quy định của pháp luật. Ngoài ra, việc không nhập vụ án trong giai đoạn điều tra cũng đảm bảo cho các Cơ quan tiến hành tố tụng khác hoạt động được thuận lợi. Rõ ràng Tòa án phải xử trường hợp trên thành 2 vụ án riêng lẻ. Không thể trong cùng một phiên tòa mà một người vừa là bị cáo, vừa là người bị hại.
2. Về vấn đề tách vụ án hình sự để điều tra, khoản 2 Điều 117 BLTTHS quy định: Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án. Cũng tương tự như trường hợp nhập vụ án được nêu ở phần trên, trong thực tiễn áp dụng pháp luật vẫn còn có những tranh cãi về điều khoản này.
Trong một vụ án hình sự, 3 bị can A, B và C là đối tượng không có nghề nghiệp ổn định và nơi cư trú rõ ràng cùng thực hiện hành vi phạm tội trộm cắp tài sản. Cơ quan điều tra đã khởi tố cả ba đối tượng trên về cùng tội danh trên, trong đó A, B bị tạm giam còn C thì bỏ trốn (đã có lệnh truy nã). Khi hết thời hạn tạm giam đối với A và B (bao gồm cả thời hạn đã gia hạn), thì thời hạn điều tra vẫn còn nhưng không xác định được C đang ở đâu. Do không thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác đối với A và B, Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố A và B.
Có quan điểm cho rằng vụ án này cần tách vụ án đối với bị can C, để sau khi thời hạn điều tra đã hết mà vẫn không bắt được C thì cơ quan điều tra căn cứ Khoản 1 Điều 160 BLTTHS để ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với C.
Quan điểm thứ hai cho rằng, không thể tách hành vi của C ra thành 1 vụ án riêng. Bởi vì tách như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, vì thực tế A, B và C cùng thực hiện một hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm tổ chức hoặc thực hành. Theo quan điểm này thì Cơ quan điều tra có thể ra quyết định tạm đình chỉ  điều tra đối với C ngay khi kết luận điều tra với A, B vì thời hạn điều tra (không tính thời hạn gia hạn) đối với C đã hết.
Theo chúng tôi, đây là trường hợp Cơ quan điều tra không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm (vì C đang trốn), và việc tách C ra để xử lý riêng cũng không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật vụ án. Do vậy, đối chiếu với quy định tại Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự, vụ án trên cần được tách ra để đảm bảo việc truy tố đối với A và B khi hết thời hạn tạm giam đối với A và B. Đồng thời, sau khi hết thời hạn điều tra vụ án mà vẫn không xác định được C đang ở đâu thì Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 160 BLTTHS.
III. Hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự về nhập và tách vụ án hình sự để điều tra:
Từ những quy định chưa rõ ràng và thống nhất của Bộ luật Tố tụng hình sự về nhập, tách vụ án hình sự để điều tra cũng như từ những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các quy định này, chúng tôi đề xuất một số vấn đề nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về nhập và tách vụ án hình sự để điều tra như sau:
Một là, tránh dùng những thuật ngữ chung chung trong quy định của điều luật quy định về nhập và tách vụ án hình sự để điều tra vì sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau hoặc hiểu tùy nghi. Khoản 1 Điều 117 quy định: “Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án…”. Quy định này dẫn đến việc tư duy cho rằng việc nhập vụ án để điều tra là quyền, chứ không phải là nghĩa vụ của Cơ quan điều tra, và rằng đây là một quy phạm tùy nghi, Cơ quan điều tra nếu xét thấy thuận lợi cho hoạt động điều tra thì có thể nhập vụ án, không nhập cũng không sao (mặc dù thuộc các trường hợp mà khoản 1 Điều 117 quy định). Điều này dẫn đến việc áp dụng không thống nhất, mà nhiều trường hợp việc nhập hay không nhập vụ án ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 117 quy định: “Được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết… và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.”. Thế nào là “trường hợp thật cần thiết” và “không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án” hoàn toàn thuộc nhận định cảm tính của từng Cơ quan tố tụng khi mà hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn. Điều này cũng dẫn đến cách áp dụng khác nhau của các Cơ quan tiến hành tố tụng.
Hai là, Bộ luật Tố tụng hình sự cần quy định rõ ràng hơn theo phương pháp liệt kê, loại trừ từng trường hợp cần tách hoặc nhập vụ án. Và cũng quy định rõ ràng là chỉ được nhập hoặc tách vụ án hình sự để điều tra trong những trường hợp đó mà thôi, tránh trường hợp các Cơ quan điều tra nhập và tách vụ án trong những trường hợp mà Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định như hiện nay.
Ba là, Bộ luật Tố tụng hình sự cần quy định rõ chủ thể tiến hành nhập, tách vụ án hình sự để điều tra trong trường hợp bị can thực hiện tội phạm ở nhiều địa bàn khác nhau theo hướng Cơ quan điều tra phát hiện tội phạm đầu tiên là Cơ quan điều tra có quyền yêu cầu các Cơ quan điều tra khác tiến hành nhập vụ án hình sự để điều tra. Việc nhập vụ án hình sự giữa các Cơ quan điều tra khác nhau phải thông qua Viện kiểm sát. Liên quan đến quy định này cần quy định rõ thời hạn nhập vụ án hình sự từ khi có yêu cầu, trình tự, thủ tục nhập vụ án hình sự…
Bốn là, quy định rõ về thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra trong trường hợp nhập và tách vụ án hình sự để không gây bất lợi cho bị can trong quá trình điều tra vụ án hình sự.
Năm là, trong  thời gian chờ Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi cần phải có một thông tư liên tịch giữa ba ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án hướng dẫn cụ thể về việc tách, nhập vụ án để áp dụng thống nhất.
Theo chúng tôi, Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự nên được sửa đổi như sau:
“Điều 117. Nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra
1. Cơ quan điều tra nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm quy định tại Điều 313 và Điều 314 của Bộ luật hình sự.
2. Cơ quan điều tra tách vụ án trong trường hợp không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm hoặc các bị can trong vụ án và việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.
3. Cơ quan điều tra đầu tiên tiến hành tố tụng đối với vụ án đó theo thẩm quyền có quyền yêu cầu các Cơ quan điều tra cùng cấp nhập vụ án để điều tra. Trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu nhập vụ án, Cơ quan điều tra nhận được yêu cầu phải tiến hành nhập vụ án.
4. Quyết định nhập hoặc tách vụ án hình sự phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định để kiểm sát việc nhập hoặc tách vụ án hình sự.”./.
 Nguồn: www.moj.gov.vn