Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

HỦY BỎ HAY TIẾP TỤC THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG KHI MỘT BÊN VI PHẠM CƠ BẢN NGHĨA VỤ HỢP ĐỒNG?

1. Dẫn nhập
Thông thường, khi xảy ra tranh chấp về việc một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã giao kết trong hợp đồng, thường thì bên bị vi phạm sẽ yêu cầu Tòa án buộc bên vi phạm nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cho mình. Cũng có trường hợp bên vi phạm cố tình nại ra một lý do nào đó để yêu cầu được hủy bỏ hợp đồng mà không phải bồi thường. Trong tất cả những trường hợp như vậy, Tòa án sẽ đương nhiên tuyên buộc bên không thực hiện đúng hợp đồng phải có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hợp đồng đã giao kết [1].

Ngoài ra, pháp luật thương mại cũng có các quy định cho phép bên bị vi phạm có quyền tuyên bố đơn phương hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp bên kia “vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng”, hoặc trong một số các trường hợp khác mà các bên đã có “thỏa thuận” [2].

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: nếu không có yêu cầu “tiếp tục thực hiện hợp đồng”, đồng thời cũng không có bên nào tuyên bố đơn phương “hủy bỏ hợp đồng” thì Tòa án giải quyết thế nào? Nói cách khác, trong những trường hợp như thế (tức trường hợp một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng) thì Tòa án nên ra phán quyết buộc các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng, hay nên cho phép các bên hủy bỏ việc thực hiện hợp đồng và giải quyết hậu quả của nó? Việc định đoạt số phận của hợp đồng trong những trường hợp này và việc giải quyết hậu quả pháp lý kéo theo nó sẽ ra sao? Có cần thiết không? Trong khuôn khổ bài bình luận này, sở dĩ tác giả đặt vấn đề như vậy là bởi vì theo sau hai quyết định của Tòa án - quyết định “buộc tiếp tục hợp đồng” và quyết định cho phép “hủy bỏ hợp đồng” - là những hậu quả pháp lý hoàn toàn trái ngược nhau. Các quyết định này không những có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng (trong đó quan trọng nhất là ý chí giao kết hợp đồng lúc ban đầu giữa các bên nhằm đem lại cho họ lợi ích hợp pháp như mong đợi) mà đôi khi còn là một động thái hết sức cần thiết nhằm đặt dấu chấm hết cho các tranh chấp tưởng chừng như không có hồi kết.

2. Tóm tắt vụ án được bình luận:
Vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán gạo số 132/HĐKT/2009 và số 136/HĐKT/2009 giữa Nguyên đơn – Công ty TNHH Song Thuận và Bị đơn - Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang được tóm tắt như sau:

Vào ngày 08/10/2009 Công ty TNHH Song Thuận ký hợp đồng kinh tế số 127/HĐKT/2009 với Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang. Theo nội dung hợp đồng thì Công ty TNHH Song Thuận bán cho Công ty Cổ phần Kinh Doanh Nông sản Kiên Giang 1.000 tấn gạo với giá 6.830.000 đồng/tấn, thành tiền là 6.830.000.000 đồng và tiền thuế VAT tổng cộng là 7.181.281.800 đồng. Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang đã thanh toán cho Công ty TNHH Song Thuận số tiền 6.147.000.000 đồng và còn nợ lại 1.034.281.800 đồng. Nay Công ty TNHH Song Thuận yêu cầu tòa án buộc Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang phải thanh toán số tiền 1.034.281.800 đồng và tiền lãi 1% kể từ tháng 11/2009 đến nay. Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang xác nhận có giữ lại khoản tiền 1.034.281.800 đồng của Công ty TNHH Song Thuận theo hợp đồng kinh tế số 127/HĐKT/2009. Việc giữ lại khoản tiền này với lý do là vào ngày 02/11/2009 Công ty TNHH Song Thuận có ký với Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang 02 hợp đồng mua bán gạo số 132/HĐKT/2009 và số 136/HĐKT/2009 với số lượng là 2.000 tấn gạo 5% tấm, đơn giá 7.300.000 đồng/tấn, thời gian giao hàng từ ngày 15/11/2009 đến ngày 30/12/2009. Vào ngày 03/11/2009 Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang đã thực hiện chuyển tiền 80% giá trị hợp đồng theo như thỏa thuận với tổng số tiền là 11.680.000.000 đồng. Tuy nhiên, đến ngày 12/11/2009 Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang nhận được Ủy nhiệm chi từ phía Công ty TNHH Song Thuận trả lại số tiền là 11.677.800.000 đồng với lý do thị trường gạo trong nước tăng giá liên tục nên gặp nhiều khó khăn trong việc thu mua. Ngày 28/11/2009 Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang có công văn số 122 đưa ra hai phương án:
- Phương án 1: Gia hạn thời gian giao hàng từ ngày 15/12/2009 đến ngày 30/01/2010 và hỗ trợ thêm 500 đồng/kg.
- Phương án 2: Công ty TNHH Song Thuận phải bồi thường hợp đồng.

Ngày 30/11/2009 Công ty TNHH Song Thuận có công văn thể hiện việc chọn “phương án 1” nhưng với điều kiện Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang phải ký thêm hợp đồng mua 2.000 tấn gạo nữa để bù lỗ. Phía Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang không đồng ý và nhấn mạnh: Việc tự ý trả lại tiền và không tiếp tục thực hiện hợp đồng của Công ty TNHH Song Thuận làm cho Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang không có hàng đủ giao và phải bồi thường cho khách hàng nước ngoài 504.000 USD. Do đó, Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang yêu cầu Công ty TNHH Song Thuận phải bồi thường thiệt hại.

* Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 11/2010/KDTM-ST ngày 23/09/2010 Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã quyết định:
-Chấp thuận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Song Thuận. Buộc Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang phải trả cho Công ty TNHH Song Thuận số tiền chưa thanh toán là là 1.142.191.867 đồng.
- Chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang, buộc Công ty TNHH Song Thuận phải trả cho Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang 3.256.080.000 đồng (Tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là 2.085.880.000 đồng, tiền phạt vi phạm hợp đồng là 1.168.000.000 đồng, tiền chuyển trả còn thiếu là 2.200.000 đồng).

* Ngày 30/9/2010 Công ty TNHH Song Thuận có đơn kháng cáo với nội dung: Án sơ thẩm buộc Công ty Song Thuận bồi thường thiệt hại cho Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang 3.256.125.000 đồng là không chính xác vì Bản án sơ thẩm cố ý bỏ qua tình tiết Công ty cổ phần Kiên Giang đã ra văn bản số 129 ngày 10/12/2009 đơn phương hủy bỏ hợp đồng trước khi hết hạn hợp đồng 20 ngày là nguyên nhân dẫn đến hợp đồng không được thực hiện. Việc Cty Song Thuận gửi lại số tiền tạm ứng chỉ là giải pháp tạm thời nhằm tránh tổn thất về lãi suất chứ không hủy hợp đồng.

* Ngày 08/10/2010 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Rạch Giá ra quyết định số 05/QĐ/KNPT-DS kháng nghị bản án số 11/2010/KDTM-ST ngày 23/9/2010 theo thủ tục phúc thẩm với nội dung: Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty TNHH Song Thuận và buộc Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang phải trả cho Công ty TNHH Song Thuận số tiền là 1.142.191.867 đồng mà Tòa án không buộc Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang phải chịu án phí có giá ngạch là không đúng quy định tại Khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án. Việc vi phạm nói trên đã làm thiệt hại đến ngân sách Nhà nước do đó cần có sự điều chỉnh trong phần quyết định của bản án vi phạm về án phí.

* Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm Toà án nhân dân Tỉnh Kiên Giang đã nhận định: Vào ngày 30/11/2009 và tiếp sau đó là các ngày 01 và 03/12/2009, Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang đã có gửi cho Công ty TNHH Song Thuận tổng cộng ba công văn mang số 123/KH-KD, 124/KH-KD và 128/KH-KD thể hiện ý chí tháo gỡ khó khăn để hợp đồng có thể thực hiện được bằng cách: đầu tiên là gia hạn thời hạn giao hàng đến ngày 01/12/2009; sau đó lại tiếp tục gia hạn đến hết ngày 04/12/2009. Xét đã hết thời gian gia hạn mà Công ty TNHH Song Thuận vẫn không có hướng giải quyết cụ thể, rõ ràng dẫn đến việc Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang phải mua hàng nơi khác giao cho kịp thời gian, đồng thời phía Công ty TNHH Song Thuận không có văn bản nào phản hồi cho Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang thể hiện việc tiếp tục thực hiện hợp đồng, cũng không yêu cầu Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang chuyển lại tiền tạm ứng cho mình… nên việc án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang, buộc Công ty TNHH Song Thuận phải trả cho Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang 3.256.080.000 đồng (Tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là 2.085.880.000 đồng, tiền phạt vi phạm hợp đồng là 1.168.000.000 đồng, tiền chuyển trả còn thiếu là 2.200.000 đồng) là hoàn toàn có căn cứ phù hợp với quy định của pháp luật. Công ty TNHH Song Thuận kháng cáo, nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh nên không có căn cứ để Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận.

Bỡi lẽ trên, tòa phúc thẩm đã tuyên xử:
* Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Song Thuận: Buộc Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang phải trả cho Công ty TNHH Song Thuận số tiền là 1.142.191.867đ (một tỷ một trăm bốn mươi hai triệu một trăm chín mươi mốt ngàn tám trăm sáu mươi bảy đồng).
* Chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang: Buộc Công ty TNHH Song Thuận phải trả cho Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang 3.256.080.000 đồng.
* Về án phí: Sửa phần án phí trong bản án sơ thẩm như sau:
+ Buộc Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang phải chịu án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm có giá ngạch số tiền 46.265.756 đồng. Khấu trừ tiền tạm ứng án phí đã nộp số tiền 56.646.674 đồng theo biên lai thu tiền số 008459 ngày 21/4/2010, Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang được nhận lại số tiền 10.380.918 đồng tại Chi cục thi hành án thành phố Rạch Giá.
+ Buộc Công ty TNHH Song Thuận phải chịu án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm có giá ngạch số tiền 97.121.600 đồng. Khấu trừ tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp số tiền 21.514.000 đồng theo biên lai thu tiền số 008404 ngày 02/4/2010 nay còn phải nộp thêm số tiền 75.607.600 đồng.
- Về Án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty TNHH Song Thuận không phải chịu. Hoàn lại tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp số tiền 200.000 đồng theo biên lai thu tiền số 008911 ngày 30/9/2010 tại Chi cục thi hành án thành phố Rạch Giá.

3. Vấn đề bình luận thứ nhất: Hủy bỏ hay tiếp tục thực hiện hợp đồng khi một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng?
Xem xét các tình tiết vụ việc, ta nhận thấy vấn đề mấu chốt mang tính quyết định là xác định liệu có hay không hành vi “vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng” trong hai hợp đồng đang có tranh chấp và hành vi này được qui định ở đâu, trong văn bản pháp luật nào?

Có ý kiến cho rằng Công ty TNHH Song Thuận không vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do vẫn chưa hết thời hạn giao hàng (thời gian giao hàng theo hợp đồng là từ ngày 15/11/2009 đến ngày 30/12/2009; thực tế Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang – bên mua – đã tự ý chấm dứt hợp đồng trước đó 20 ngày). Bên bán là Công ty TNHH Song Thuận trong đơn kháng cáo đề ngày 29/10/2010 cũng cho rằng họ vẫn còn đang muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng chứ không hủy hợp đồng, việc “tạm gửi lại tiền tạm ứng” chỉ nhằm “tránh tổn thất về lãi suất”, chứ không phải đơn phương chấm dứt hợp đồng dẫn đến việc Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang phải hủy hợp đồng với bên thứ ba. Theo tác giả, những lập luận này là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi lẽ, hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng song vụ: bên bán có nghĩa vụ giao hàng và nhận tiền; bên mua có nghĩa vụ trả tiền và nhận hàng. Việc bên mua đã hoàn thành nghĩa vụ trả tiền theo hợp đồng (80% giá trị hợp đồng theo như thỏa thuận với tổng số tiền là 11.680.000.000 đồng) nhưng sau đó bên bán lại đơn phương tùy tiện trả lại số tiền này với lý do giá gạo tăng dẫn đến “không thể thực hiện được hợp đồng”, mà không được sự đồng ý của bên mua, là hành vi vi phạm hợp đồng của bên bán. Về mặt cơ sở lý luận, tuy vấn đề này Luật thương mại không có qui định cụ thể để điều chỉnh, tuy nhiên Bộ luật dân sự - với tư cách là luật chung - lại thấy quy định rất rõ. Theo quy định tại Điều 417 Bộ luật dân sự 2005 thì: “Trong hợp đồng song vụ, khi một bên không thực hiện được nghĩa vụ của mình do lỗi của bên kia thì có quyền yêu cầu bên kia vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Như vậy, việc Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang không thực hiện được trọn vẹn nghĩa vụ trả tiền (đã trả nhưng sau đó bị trả lại) là hoàn toàn do lỗi của Công ty TNHH Song Thuận (đơn phương tự ý trả lại tiền đã nhận theo hợp đồng). Theo pháp luật dân sự, đây chính là cơ sở đầu tiên để khẳng định: đã có hành vi vi phạm hợp đồng từ phía bên bán là Công ty TNHH Song Thuận. Hơn nữa, đó còn là hành vi “vi phạm cơ bản” nghĩa vụ hợp đồng đối với bên mua là Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang mà sau đây ta sẽ tiếp tục chứng minh.

Thế nào là “vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng”? Vấn đề này được luật qui định như thế nào? Theo qui định tại Khoản 13 Điều 3 Luật thương mại 2005 ta thấy có quy định rất rõ về “Vi phạm cơ bản”: Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Như vậy, không phải vi phạm hợp đồng nào cũng được xem là “vi phạm cơ bản”. Nói cách khác, “vi phạm cơ bản” phải thỏa mãn 2 điều kiện: Thứ nhất, phải có sự vi phạm hợp đồng và sự vi phạm đó phải gây ra thiệt hại cụ thể; Thứ hai, thiệt hại do bên vi phạm gây ra phải đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Trở lại vụ việc đang được bình luận, đem đối chiếu với qui định của luật ta thấy các điều kiện trên hoàn toàn được thỏa mãn. Về điều kiện thứ nhất, rõ ràng Công ty TNHH Song Thuận đã vi phạm nghĩa vụ giao hàng do đã nhận tiền nhưng không giao gạo. Về điều kiện thứ hai, việc vi phạm hợp đồng của Công ty TNHH Song Thuận đã gây thiệt hại cho Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang và thiệt hại này nghiệm trọng tới mức làm cho Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng: không có gạo để giao cho bên thứ ba. Như vậy, một lần nữa, đã có đủ cơ sở văn bản (cơ sở pháp lý theo qui định của Luật thương mại) để khẳng định: Công ty TNHH Song Thuận đã vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng trong quá trình thực hiện hai hợp đồng số 132/HĐKT/2009 và 136/HĐKT/2009.

Như vậy chúng ta đã chứng minh được là có hành vi “vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng” của một bên. Vấn đề còn lại là liệu với hành vi đó, Tòa án nên cân nhắc buộc “tiếp tục thực hiện hợp đồng” hay “chấp nhận hủy bỏ hợp đồng” khi mà không bên nào yêu cầu Tòa án tuyên buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng, và cũng không có yêu cầu đề nghị chấp nhận tuyên bố đơn phương hủy bỏ hợp đồng từ bên bị vi phạm.

Trong bản án đang được bình luận, dường như Tòa án chỉ tập trung giải quyết các yêu cầu về bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm theo yêu cầu phản tố của bên bị vi phạm mà đã “quên” định đoạt số phận của các hợp đồng đang tranh chấp (có lẽ do không thấy bên nào yêu cầu?).

Diễn biến thực tế của cả hai phiên xử: phiên xử sơ thẩm và phiên xử phúc thẩm đều chỉ dừng lại ở việc Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang trong việc yêu cầu Công ty TNHH Song Thuận phải bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm do không thực hiện hai hợp đồng mua bán gạo số 132/HĐKT/2009 và 136/HĐKT/2009, để từ đó cấn trừ số tiền chưa thanh toán theo hợp đồng số 127/HĐKT/2009, mà không thấy nêu hướng xử lý như thế nào đối với hai hợp đồng 132 và 136: buộc các bên tiếp tục thực hiện hay chấp nhận tuyên bố đơn phương hủy bỏ hợp đồng của bên bị vi phạm?

Tuy nhiên, với việc đưa ra nhận định rằng: “Như vậy, phía Công ty TNHH Song Thuận không có văn bản nào phản hồi cho Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang thể hiện việc tiếp tục thực hiện hợp đồng, đồng thời cũng không yêu cầu Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang chuyển lại tiền tạm ứng. Do đó, án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang buộc Công ty TNHH Song Thuận phải trả cho Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang 3.256.080.000 đồng (Tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là 2.085.880.000 đồng, tiền phạt vi phạm hợp đồng là 1.168.000.000 đồng, tiền chuyển trả còn thiếu là 2.200.000 đồng) là hoàn toàn có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật...”, dường như Hội đồng xét xử Phúc thẩm đã nghiêng về khả năng cho phép bên bị vi phạm tuyên bố hủy bỏ cả hai hợp đồng 132/HĐKT/2009 và 136/HĐKT/2009 và tiến hành giải quyết hậu quả pháp lý của nó, hơn là tuyên buộc bên vi phạm (Công ty TNHH Song Thuận) phải tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng đã giao kết. Vì nếu giải quyết theo hướng “buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng”, tức buộc Công ty TNHH Song Thuận phải nhận lại tiền tạm ứng và tìm cách giao đủ số gạo đã cam kết (sau khi Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang đã thể hiện thiện chí tháo gỡ khó khăn để hợp đồng có thể thực hiện được - bằng cách gia hạn thời gian giao hàng từ ngày 15/12/2009 lùi lại đến ngày 30/01/2010, đồng thời còn hỗ trợ thêm 500 đồng/kg cho Công ty TNHH Song Thuận), thì hẳn Hội đồng xét xử đã nêu cụ thể trong bản án của mình rồi. Hơn nữa, với quan điểm nhận định sự việc như đã trình bày ở trên, cả hai Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm và phúc thẩm, một lần nữa, đã gián tiếp cho rằng cần thiết phải chấp nhận tuyên bố đơn phương hủy bỏ hợp đồng đối với hai hợp đồng 132/HĐKT/2009 và 136/HĐKT/2009 của Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang với lý do Công ty TNHH Song Thuận đã vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Rất tiếc, với nhận định chính xác như vậy, lẽ ra Tòa án phải viện dẫn qui định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 312 Luật Thương Mại để cho phép bên bị vi phạm được quyền đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua bán sau khi bên kia đã có hành vi vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng [3], chứ không nên “bỏ lửng” việc quyết định số phận của những hợp đồng này như thực tế đã diễn ra.

4. Vấn đề bình luận thứ hai: Giải quyết hậu quả “Hủy bỏ hợp đồng” thế nào cho đúng?
Theo quy định của Luật Thương Mại 2005 về quyền hủy bỏ hợp đồng, thì: “Trừ trường hợp qui định tại Điều 313 của Luật này, sau khi hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi hủy bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp.” (Khoản 1 Điều 314 Luật Thương Mại).

Về vấn đề giải quyết hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng, Luật chỉ qui định chung chung là: “Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng” (Khoản 2, Điều 314 Luật Thương Mại) và “Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này” (Khoản 2, Điều 314 Luật Thương Mại) mà không quy định cụ thể là cần phải áp dụng các chế tài nào trong số các chế tài luật cho phép để xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng (được qui định tại Điều 292 Luật Thương Mại) – là nguyên nhân trực tiếp và duy nhất dẫn đến việc bên bị vi phạm có quyền đơn phương hủy bỏ hợp đồng – và cách áp dụng chúng ra sao. Nói cách khác, khi một bên được quyền đơn phương hủy bỏ hợp đồng do đã có hành vi vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng của bên kia, thì Luật không qui định là chỉ được phép áp dụng duy nhất một chế tài xử lý đối với bên vi phạm, hay có thể áp dụng kết hợp nhiều chế tài cùng lúc; hoặc trong trường hợp được áp dụng nhiều hơn một chế tài để xử lý bên vi phạm, thì đó là những chế tài nào, kết hợp chúng ra sao? Tại Khoản 2 Điều 307 Luật Thương Mại ta thấy Luật có cho phép kết hợp chế tài “phạt vi phạm” và chế tài “buộc bồi thường thiệt hại” (trong trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm và đã ghi rõ trong hợp đồng) để xử lý bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Tuy nhiên, theo tác giả, đó là biện pháp xử lý đối với bên không thực hiện đúng hợp đồng theo hướng buộc bên vi phạm phải “tiếp tục thực hiện hợp đồng”. Còn trong nội dung quy định của Điều 314 Luật Thương Mại về “Hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng” mà ta đang bàn đến, thì không thấy có quy định nào tương tự, hay có liên quan, cho phép bên bị vi phạm được quyền “phạt vi phạm” đối với bên vi phạm cả. Vậy bên bị vi phạm dẫn đến hủy hợp đồng theo quy định của Luật Thương mại có thể được phép yêu cầu đồng thời: vừa được yêu cầu “bồi thường thiệt hại” và vừa có quyền “phạt vi phạm” hay không? Với câu hỏi này thì cho đến nay Luật Thương Mại vẫn chưa có câu trả lời.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử lại cho thấy Tòa án đã đi xa hơn sự cho phép của Luật (ở đây là Luật Thương Mại 2005) liên quan đến “hủy bỏ hợp đồng”: Theo đó, khi một bên vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng - mặc dù các bên không có thỏa thuận về việc này từ trước; đồng thời, bên bị vi phạm còn được quyền yêu cầu kết hợp cùng lúc hai chế tài xử lý: không những được yêu cầu “bồi thường thiệt hại” mà còn được “phạt vi phạm” đối với bên vi phạm! Bản án mà chúng ta đang bình luận (Bản án kinh doanh thương mại Phúc thẩm số 06/2010/KDTM-PT ngày 24/11/2010 của Tòa án nhân dân Tỉnh Kiên Giang về “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa Công ty TNHH Song Thuận và Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang) và Bản án số 27/2011/KDTM-PT ngày 10/03/2011 của Tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng về “Tranh chấp hợp đồng đóng tàu” giữa Công ty TNHH Một thành viên đóng tàu Đà Nẵng và Công ty cho thuê tài chính II – Agribank, cũng đều đi theo hướng này [4]. Với bản án thứ nhất, Tòa án nhân dân Tỉnh Kiên Giang đã chấp nhận tuyên bố đơn phương hủy bỏ hợp đồng của Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang đối với hai hợp đồng 132/HĐKT/2009 và 136/HĐKT/2009 do Công ty TNHH Song Thuận đã vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng, chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang, buộc Công ty TNHH Song Thuận phải trả số tiền là 3.256.080.000 đồng (Tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là 2.085.880.000 đồng; Tiền phạt vi phạm hợp đồng là 1.168.000.000 đồng; Tiền chuyển trả còn thiếu là 2.200.000 đồng) [5]. Ở bản án thứ hai, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã chấp nhận tuyên bố hủy bỏ hợp đồng của Công ty cho thuê tài chính II – Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, buộc Công ty TNHH Một thành viên đóng tàu Đà Nẵng phải hoàn trả lại cho Công ty cho thuê tài chính II tiền mua tàu là 25.600.000.000 đồng và tiền lãi phạt vi phạm là 2.048.000.000 đồng [6] (không yêu cầu bồi thường thiệt hại).

5. Vấn đề bình luận thứ ba: Vừa phải “bồi thường thiệt hại” vừa phải chịu “phạt vi phạm” đối với hợp đồng “không có hiệu lực từ thời điểm giao kết” liệu có thuyết phục? 
Có ý kiến cho rằng việc kết hợp cùng lúc hai chế tài xử lý vi phạm: vừa yêu cầu “bồi thường thiệt hại”, vừa có quyền “phạt vi phạm” trong trường hợp hợp đồng bị hủy bỏ theo Điểm b, Khoản 4, Điều 312 Luật Thương Mại là không thuyết phục. Bởi lẽ, luật qui định: “sau khi hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng” (Khoản 1, Điều 314 Luật Thương Mại). Đã không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ được thỏa thuận trong hợp đồng thì hà cớ gì phải thực hiện thỏa thuận phạt vi phạm? Đó là chưa kể trong hợp đồng, ở một số vụ việc xảy ra tranh chấp, các bên thậm chí không có thỏa thuận về phạt vi phạm [7], mà theo luật, không có thỏa thuận phạt vi phạm giữa các bên thì dứt khoát không được áp dụng (Điều 300; Khoản 1 Điều 307 Luật thương mại). Hơn nữa, và quan trọng hơn hết, là theo quy định của Luật thương mại 2005 về “Hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng” tại Điều 314 thì không có khoản nào cho phép bên bị vi phạm được quyền yêu cầu “phạt vi phạm” đối với bên vi phạm.

Xét về mặt lý luận, luồng quan điểm vừa nêu không phải là không có lý. Tuy nhiên, tác giả lại hoàn toàn không đồng tình với quan điểm trên.

Theo tác giả, hướng đi được thể hiện qua thực tiễn xét xử của Tòa phúc thẩm – TANDTC tại Đà Nẵng và Tòa án nhân dân Tỉnh Kiên Giang, mà cụ thể là đối với các bản án đang được bình luận, mới thực sự có tính thuyết phục và cần được khuyến khích áp dụng. Bởi lẽ, việc áp dụng kết hợp chế tài xử phạt vi phạm bên cạnh chế tài bồi thường hợp đồng – ngay cả nếu trong hợp đồng không có thỏa thuận phạt vi phạm – là hết sức cần thiết nhằm bảo vệ hợp đồng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bên ngay tình trong giao kết. Bởi hợp đồng không phải được sinh ra để bị hủy mà là để đem lại cho các bên những lợi ích hợp pháp mà họ mong đợi. Bên nào có hành vi vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng dẫn đến hợp đồng bị hủy bỏ, thì ngoài việc phải bồi thường thiệt hại cho bên kia (dĩ nhiên là bên bị thiệt hại có nghĩa vụ phải chứng minh – nhưng không phải lúc nào cũng có thể chứng minh được), việc bắt buộc bên vi phạm phải chịu phạt vi phạm do có hành vi “sát thủ hợp đồng” là điều dễ hiểu và có thể chấp nhận được, đặc biệt là nếu xét về mặt xử lý vi phạm cần mang tính răn đe, để bên không ngay tình không thể viện dẫn lý do này lý do khác để vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng (thiết nghĩ, nếu không có thỏa thuận phạt vi phạm giữa các bên trong hợp đồng thì có thể áp dụng ngay mức phạt vi phạm 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm như qui định tại Điều 301 Luật Thương Mại để xử lý, áp dụng chế tài). Và trong tương lai, thiết nghĩ khi bắt tay rà soát sửa đổi Luật Thương Mại, các nhà lập pháp cũng nên “luật hóa” những thực tiễn xét xử tiến bộ - tạm gọi là “án lệ” này - để thực tiễn có đầy đủ cơ sở văn bản giải quyết vấn đề “hủy bỏ do có vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng” [8].

6. Vấn đề bình luận thứ tư: “Hủy bỏ hợp đồng” nhìn từ góc độ luật so sánh
Trong pháp luật nhiều nước trên thế giới, bên cạnh phần điều chỉnh hợp đồng thông dụng (phần riêng về hợp đồng) cho phép hủy bỏ hợp đồng, phần chung về hợp đồng còn chứa đựng những điều khoản qui định một cách bao quát những trường hợp cho phép hủy bỏ hay chấm dứt hợp đồng khi một bên có vi phạm, nhất là khi lợi ích hợp pháp hay phần lớn lợi ích hợp pháp mà bên bị vi phạm mong đợi khi giao kết không thể đạt được. Điều 1184 Bộ luật dân sự Pháp là một ví dụ [9] . Tương tự, trong Luật hợp đồng năm 1999 của Trung Quốc, tại Điều 94 (phần chung) cũng thấy có qui định cho phép một bên hủy bỏ, đình chỉ hợp đồng khi hợp đồng không thể thực hiện được do một bên không thực hiện nghĩa vụ chủ yếu mặc dù bên kia đã cho thêm một thời hạn để thực hiện; do chậm thực hiện hợp đồng hay mọi vi phạm khác làm cho mục đích của hợp đồng không thể thực hiện được.

7. Kết luận:
Trên đây là phần bình luận bản án của tác giả về vấn đề “Hủy bỏ hay tiếp tục thực hiện hợp đồng khi một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng”. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của PGS.TS. Đỗ Văn Đại được viết trong cuốn sách “Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong Pháp luật Việt Nam” . Xin được trích dẫn quan điểm hết sức tiến bộ này để thay cho lời kết: “Hợp đồng sinh ra không phải để bị triệt tiêu (vô hiệu, đơn phương chấm dứt hay hủy bỏ) mà là để được thực hiện nhằm đem lại cho các bên lợi ích hợp pháp mà họ mong đợi. Chính vì vậy, trước việc không thực hiện đúng hợp đồng, chúng ta cần ưu tiên nghiên cứu và sử dụng những biện pháp cho phép hợp đồng được thực hiện đầy đủ để đem lại cho các bên lợi ích hợp pháp mà họ mong đợi như buộc tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng; những biện pháp làm triệt tiêu hợp đồng sẽ được nghiên cứu, và chỉ nên được sử dụng, như biện pháp cuối cùng”./.



[1]: TS.ĐỖ VĂN ĐẠI, Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Tập 2 - Tái bản lần thứ 3, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr.152 và tiếp theo.
[2]: TS.ĐỖ VĂN ĐẠI, Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Tập 2 - Tái bản lần thứ 3, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr.356 và tiếp theo.
[3]: Căn cứ để bên bị vi phạm tuyên bố hủy bỏ hợp đồng được quy định tại Khoản 4 Điều 312 Luật Thương Mại: chỉ được phép đơn phương tuyên bố hủy hợp đồng khi thuộc một trong hai trường hợp sau: a) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng; b) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
[4]: Trong Bản án số 27/2011/KDTM-PT ngày 10/03/2011 của Tòa phúc thẩm, TANDTC tại Đà Nẵng, Tòa đã tuyên “… trong hợp đồng mua bán hàng hóa, thời hạn giao hàng là một điều khoản cơ bản của hợp đồng mà các bên phải cam kết thực hiện. Nhưng do Bên A không thực hiện đúng nghĩa vụ giao tàu theo thời hạn đã ký kết nên Bên B có quyền hủy bỏ hợp đồng theo quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 312 Luật Thương Mại… Vì bị hủy bỏ hợp đồng nên Bên A phải thanh toán lại toàn bộ các khoản tiền đã nhận… Do Bên A không thực hiện đúng hợp đồng (giao hàng chậm) nên còn phải bị phạt theo qui định mà các bên đã thỏa thuận…”.
[5]: Trang 8, Bản án số 06/2010/KDTM-PT ngày 24/11/2010
[6]: Trang 2 và 3, Bản án số 27/2011/KDTM-PT ngày 10/03/2011
[7]: Trong bản án thứ hai, nội dung hợp đồng đóng mới tàu biển số 104/07/HĐ-ĐMTB-ĐN ngày 26/09/2007 giữa Công ty cho thuê tài chính II – Agribank và Công ty TNHH Một thành viên đóng tài Đà Nẵng ta thấy thực chất không hề có thỏa thuận phạt vi phạm mà đó chỉ là thỏa thuận “tiền lãi phạt hợp đồng” qui định tại khoản 1 điều 5 hợp đồng. Phải chăng trường hợp này Tòa án đã có sự nhầm lẫn giữa yêu cầu “tính tiền lãi” với yêu cầu “phạt vi phạm”?; Bởi, ngay từ đầu ta thấy ngoài việc đòi lại số tiền đã chuyển trả là 25.600.000.000 đồng, Nguyên đơn chỉ yêu cầu “tính tiền lãi phạt hợp đồng là 14.448.000.000 đồng tính từ ngày 31/03/2008 đến ngày 20/09/2010” chứ không đặt vấn đề gì về việc “phạt vi phạm” (thực tế, do nhận định số tiền này là “tiền phạt vi phạm” nên tòa Sơ thẩm đã áp dụng mức phạt 8% theo quy định của Luật thương mại và chấp nhận số tiền lãi tính từ ngày 31/03/2008 đến ngày 20/09/2010 tính trên số tiền 25.600.000.000 đồng là 2.048.000.000 đồng). Về vấn đề nhầm lẫn giữa “yêu cầu trả lãi” và “phạt vi phạm”, xem thêm bài viết “Phán quyết trọng tài không đúng có bị hủy?” đăng tại website http://luathoc5c.net/viewtopic.php?t=1256
[8] : Xem bài tham luận của PGS.TS.ĐỖ VĂN ĐẠI, “Hướng tới sự thống nhất pháp luật về xử lý vi phạm hợp đồng ở Việt Nam” tại hội thảo “Hoàn thiện các báo cáo rà soát Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật thương mại” do VCCI phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức tại Tp.HCM ngày 24/08/2011.
[9] : TS.ĐỖ VĂN ĐẠI, Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Tập 2 - Tái bản lần thứ 3, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr.374 và tiếp theo.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét