Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Hoàn thiện các quy định về xử lý hậu quả của hợp đồng dân sự vô hiệu


Chúng ta không thể phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của hợp đồng, nhất là hợp đồng dân sự, trong đời sống hiện đại. Hợp đồng tạo ra những tiền đề pháp lý cho sự vận động linh hoạt và an toàn của các giá trị vật chất trong xã hội. Khi xây dựng pháp luật về hợp đồng, các nhà làm luật đều quan tâm tới các quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, về xử lý hậu quả của hợp đồng dân sự vô hiệu. Các quy định này có tác dụng đảm bảo sự ổn định của xã hội, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ hợp đồng. Bài viết đề cập đến những khó khăn khi áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự 2005 vào xử lý hậu quả của hợp đồng dân sự vô hiệu và đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung. 
1. Hợp đồng dân sự và hợp đồng dân sự vô hiệu
Hợp đồng dân sự
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các chủ thể, nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ trong một quan hệ cụ thể. Hợp đồng luôn có những điểm chung sau đây:
- Yếu tố cơ bản nhất của hợp đồng là sự thỏa thuận bằng ý chí giữa các bên giao kết hợp đồng với nhau, trên cơ sở phải tôn trọng đạo đức, trật tự xã hội, trật tự công cộng. Nhà nước có thể can thiệp vào việc ký kết hợp đồng và giới hạn quyền tự do giao kết hợp đồng. Sự can thiệpnày được pháp luật quy định chặt chẽ để tránh sự lạm dụng, vi phạm quyền tự do hợp đồng của công dân.
- Hợp đồng chỉ phát sinh các quyền và nghĩa vụ pháp lý khi người giao kết có đầy đủ năng lực hành vi để xác lập hợp đồng.
 - Hợp đồng phải xác định đối tượng. Đối tượng của hợp đồng phải được xác định rõ ràng và không bị pháp luật cấm đưa vào các giao dịch dân sự - kinh tế. Chẳng hạn, đối tượng của hợp đồng mua bán phải là những thứ không bị cấm. Nếu đối tượng của hợp đồng là thứ bất hợp pháp thì hợp đồng bị coi là vô hiệu.
Hợp đồng được giao kết một cách hợp pháp thì nó có hiệu lực như pháp luật đối với các bên giao kết. Đây cũng là nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng, các bên buộc phải thực hiện cam kết trong hợp đồng, nếu vi phạm sẽ dẫn đến trách nhiệm tài sản mà bên vi phạm sẽ phải chịu.  
Hợp đồng dân sự vô hiệu
Khi hợp đồng không đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định, hợp đồng bị vô hiệu. Hợp đồng vô hiệu được hiểu là giao dịch có sự thể hiện ý chí của các bên tham gia, nhưng có sự vi phạm điều kiện có hiệu lực của hợp đồng đã được quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS). Điều 127 BLDS 2005 qui định: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này thì vô hiệu”. Theo Điều 127 BLDS và các điều tiếp sau cũng như Điều 410 BLDS, các điều kiện được qui định tại Điều 122 BLDS   là những điều kiện cần và đủ để hợp đồng có hiệu lực. Nói cách khác, chỉ khi hợp đồng vi phạm một trong các điều kiện trên thì mới có thể bị coi là vô hiệu, ngoài ra không còn bất cứ trường hợp vô hiệu nào khác.  
Tuy nhiên, Điều 411 Khoản 1 BLDS quy định: “Trong trường hợp ngay từ khi ký kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được vì lý do khách quan thì hợp đồng này bị vô hiệu” là qui định chỉ rõ đối tượng của hợp đồng cũng là một trong những điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Nhưng quy định này chỉ được đề cập đến trong từng chế định cụ thể của giao dịch dân sự, chứ không được quy định bao quát tại Điều 122 BLDS - điều luật quy định chung về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Do đó, chúng ta nên bổ sung thêm điều kiện về đối tượngvào các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực tại Điều 122 BLDS. Và như vậy, nếu Điều 127 quy định là: “Giao dịch dân sự vi phạm một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này thì vô hiệu” thì BLDS sẽ bao quát và thống nhất hơn.  
Từ các quy định của BLDS, có thể thấy, các điều kiện để hợp đồng được công nhận hợp pháp theo quy định của BLDS năm 2005 là: người tham gia hợp đồng phải có năng lực hành vi dân sự; nội dung thỏa thuận của các bên không vi phạm điều cấm của pháp luật, đạo đức xã hội; các bên hoàn toàn tự nguyện tham gia ký kết hợp đồng; hình thức hợp đồng phải tuân thủ các quy định về hình thức của pháp luật; đối tượng của hợp đồng phải được xác định rõ và được phép giao dịch.
Một hợp đồng vô hiệu là một hợp đồng không thỏa mãn các quy định trên, không có giá trị pháp lý, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với các bên tham gia hợp đồng từ thời điểm xác lập. Khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu, các bên tham gia ký kết hợp đồng phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi về vật chất và tinh thần như: không đạt được mục đích thỏa thuận ban đầu; nếu chưa thực hiện hợp đồng thì sẽ không thực hiện giao dịch nữa; nếu đang thực hiện thì phải chấm dứt việc thực hiện đó để quay lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu một trong các bên có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu thì phải chịu bồi thường thiệt hại cho bên kia. Điều 137 BLDS 2005 quy định: “1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. 2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.
2. Bất cập khi xử lý hậu quả pháp lý của hợp đồng dân sự vô hiệu  
Như vậy, theo Điều 137 Khoản 2 BLDS, sự vô hiệu của hợp đồng dẫn đến hậu quả là không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Nhưng quy định “khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường” của Điều 137 BLDS lại gây ra những khó khăn đáng kể khi áp dụng pháp luật. Các khó khăn này thể hiện qua:
Khôi phục lại tình trạng ban đầu
Trong thực tiễn áp dụng pháp luật thì “khôi phục lại tình trạng ban đầu”  thường được đồng nhất với “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”, song đây lại là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Tòa án buộc các bên trong hợp đồng vô hiệu phải khôi phục lại tình trạng ban đầu khi tài sản được hoàn trả không đúng với hiện trạng tại thời điểm xác lập hợp đồng: tài sản đã bị hư hỏng, giảm giá trị; tài sản đã được tu sửa, xây dựng, cải tạo làm tăng giá trị.
Trong trường hợp thứ nhất, bên đã làm hư hỏng, giảm giá trị tài sản phải sửa chữa, phục hồi, nâng cấp lại tài sản, nhưng đối với trường hợp thứ hai, có cần thiết phải khôi phục tài sản trở về trạng thái ban đầu khi tài sản đó đã được làm tăng giá trị? Thực tiễn xét xử cho thấy, nhiều trường hợp bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã xây dựng nhà ở hoặc công trình kiên cố nên khi hợp đồng bị vô hiệu, Tòa án buộc bên nhận chuyển nhượng phải tháo dỡ công trình trên đất để trả lại hiện trạng đất ban đầu cho bên chuyển nhượng. Mặc dù việc khôi phục lại hiện trạng ban đầu trong trường hợp này là có thể thực hiện được, song sẽ gây lãng phí rất lớn, đặc biệt khi tài sản tăng thêm có giá trị cao. Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, Tòa án có thể lựa chọn giải pháp theo hướng buộc một bên nhận lại tài sản đã được làm tăng giá trị và thanh toán thành tiền tương ứng với phần giá trị tài sản tăng thêm cho bên kia.   
Quy định “các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu” cũng là việc không thể trong trường hợp đối tượng của hợp đồng là công việc (dịch vụ) đã được thực hiện, nên “các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” không hề đơn giản. Trong trường hợp này, nếu áp dụng “nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền” thì qui định về việc không công nhận quyền và nghĩa vụ của các bên lại không có ý nghĩa.
Hoàn trả cho nhau những gì đã nhận
Đây là chế tài có mục đích “khôi phục lại tình trạng ban đầu” của tài sản của các bên như trước khi giao kết hợp đồng. Nhưng việc “khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” chỉ có thể áp dụng khi đối tượng hợp đồng còn nguyên vẹn, chưa có hoặc ít có sự biến đổi đáng kể, như đã nói trên. Trong trường hợp tài sản đã được chuyển giao thực tế không thể hoàn trả được thì pháp luật tính đến khả năng hoàn trả số tiền tương đương, dù như vậy là vi phạm qui định về việc không công nhận quyền và nghĩa vụ của các bên khi Tòa án đã tuyên hợp đồng dân sự bị vô hiệu. Đồng thời sẽ có thêm các hệ lụy sau:
- Trong trường hợp đối tượng hợp đồng là tài sản nhưng tài sản không còn giữ được tình trạng như ban đầu hay đối tượng hợp đồng là công việc (dịch vụ) đã được thực hiện mà có căn cứ xác minh là hợp đồng vô hiệu thì không thể áp dụng được việc “khôi phục lại tình trạng ban đầu”. Đặc biệt là đối với những hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu do vi phạm điều cấm pháp luật và trái đạo đức xã hội mà đối tượng hợp đồng là các công việc có liên quan đến giá trị nhân thân của các bên chủ thể. Thực tế xét xử cho thấy, đối với những hợp đồng như hợp đồng vận chuyển, hợp đồng xây dựng, hợp đồng tư vấn... việc hoàn trả cho nhau những gì đã nhận rất khó thực hiện. Ví dụ, trong hợp đồng vận chuyển, khó có thể xử lý trường hợp đối tượng hợp đồng đã được vận chuyển tới một không gian hay địa điểm khác so với địa điểm xuất phát ban đầu, cũng như không thể bắt các bên trong hợp đồng xây dựng vô hiệu phải phá đi phần công trình đã xây và hoàn trả lại số tiền đã thanh toán.
Hoặc đối với hợp đồng thuê nhà, nguyên tắc xử lý hợp đồng vô hiệu là các bên trả cho nhau những gì đã nhận: bên cho thuê lấy lại nhà, bên thuê lấy lại tiền cọc. Các thỏa thuận về mất cọc, bồi thường tiền cọc không được xem xét đến. Nhiều bản án của Tòa án không buộc người cho thuê phải bồi thường thiệt hại của bên thuê vì cho rằng, hợp đồng đã bị vô hiệu. Có một số trường hợp, khi tuyên bố hợp đồng vô hiệu, Tòa án cũng xét đến yếu tố lỗi của hai bên trong việc giao kết hợp đồng để buộc các bên cùng phải chịu trách nhiệm về thiệt hại. Có vụ việc, tòa án đã tuyên buộc mỗi bên phải chịu một nửa thiệt hại do việc kết thúc hợp đồng cho thuê nhà, nhưng quan điểm này luôn gây tranh cãi, có khi bị cấp phúc thẩm hủy án.
Thực tiễn xét xử tại Tòa án cũng cho thấy, việc hoàn trả cho nhau những gì đã nhận chưa thực sự đảm bảo được lợi ích của các chủ thể. Điển hình như đối với những giao dịch có đối tượng là nhà ở hay quyền sử dụng đất. Trong các vụ án yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu, nguyên đơn hầu hết là bên chuyển nhượng. Đối với bên chuyển nhượng, việc lấy lại đất là thoả đáng. Nhưng với bên được chuyển nhượng, việc phải trả lại đất cho bên bán là một tổn thất rất lớn đối với họ. Cho dù được nhận lại đủ số tiền đã bỏ ra trước đây, họ không bao giờ còn có thể mua được thửa đất như vậy nữa, vì vị trí lô đất đã khác, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị đồng tiền cũng đã khác. Tuy trong trường hợp bên chuyển nhượng có lỗi khi xác lập hợp đồng này, bên nhận chuyển nhượng được bồi thường thiệt hại, nhưng khoản bồi thường cũng không bao giờ bù đắp được mất mát thực tế của họ do hợp đồng chuyển nhượng bị tuyên vô hiệu. Đây cũng là một nguyên nhân làm phát sinh nhiều khiếu kiện.
Việc xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu cũng rất phức tạp trong trường hợp bên mua tài sản đã cải tạo, sửa chữa tài sản đó hay nói cách khác là đã làm tăng giá trị của tài sản. Sau khi có BLDS 1995, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) có Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/04/2003 của Hội đồng thẩm phán “Về hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình” đã quy định phương hướng giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng mua bán nhà vô hiệu: “Nếu trong thời gian quản lý, bên mua đã cải tạo, sửa chữa nhà làm tăng giá trị gắn liền với giá trị quyền sử dụng đất thì khi nhận lại nhà, bên bán phải thanh toán cho bên mua phần giá trị tăng thêm đó, trừ trường hợp bên bán có phản đối hoặc cơ quan có thẩm quyền không cho phép mà bên mua vẫn cố tình cải tạo, sửa chữa nhà”;...“Nếu các đương sự không thoả thuận được về giá nhà, giá trị quyền sử dụng đất và giá trị thiệt hại, thì Toà án yêu cầu cơ quan chuyên môn định giá hoặc ra quyết định thành lập hội đồng định giá. Giá nhà và giá trị quyền sử dụng đất được xác định theo giá thị trường chuyển nhượng tại địa phương nơi có nhà, đất đang tranh chấp đối với từng loại nhà, đất vào thời điểm xét xử sơ thẩm”. Hướng dẫn chi tiết này của Nghị quyết lại chỉ áp dụng đối với hợp đồng mua bán nhà vô hiệu mà các hợp đồng mua bán tài sản khác không được dẫn chiếu đến.
- Khoản tiền phải hoàn trả do không hoàn trả được tài sản bằng hiện vật cần được xác định như thế nào? Đây cũng là một vấn đề không đơn giản. Ví dụ, trong hợp đồng cho thuê máy móc, thiết bị giải trí bị tuyên bố vô hiệu, Toà án ra phán quyết hoàn trả tài sản mà hiện nay giá trị tài sản đã bị hao mòn (bao gồm cả hao mòn vô hình và hao mòn hữu hình) theo thời gian, thì sẽ không đảm bảo được quyền lợi cho bên cho thuê, nhưng ngược lại, yêu cầu bên thuê phải thanh toán giá trị tài sản tính theo thời điểm xác lập hợp đồng thì rõ ràng, cách giải quyết đó không đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của bên thuê. Bởi hiện tại, thiết bị máy móc giải trí đó đã lạc hậu, bị hao mòn và bên thuê cũng đã phải trả chi phí khấu hao tài sản trong giá thuê thiết bị.    
Bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại
Theo Điều 137 BLDS năm 2005 thì bên có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Cần lưu ý rằng, hợp đồng vô hiệu có thể chỉ do lỗi một bên mà cũng có thể do lỗi của hai bên và vấn đề bồi thường thiệt hại được đặt ra cả trong trường hợp mức độ lỗi của hai bên là tương đương nhau. Do đó, Tòa án phải xác định mức độ lỗi của từng bên trong việc làm cho hợp đồng vô hiệu để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại: nếu mỗi bên đều có lỗi tương đương nhau thì mỗi bên phải chịu ½ giá trị thiệt hại; nếu mức độ lỗi của họ không tương đương nhau thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định theo mức độ lỗi của mỗi bên.
Hiện nay, vấn đề xác định thiệt hại của hợp đồng dân sự vô hiệu nói chung chưa được hướng dẫn cụ thể, nhưng nếu dựa trên các quy định tại điểm c tiểu mục 2.3 mục 2 phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/04/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về xác định thiệt hại của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và điểm c tiểu mục 2.4 mục 2 phần I Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/04/2003 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về xác định thiệt hại của hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu, thì có thể xác định thiệt hại trong hợp đồng vô hiệu nói chung bao gồm: khoản tiền mà các bên bỏ ra để khôi phục lại tình trạng ban đầu khi tài sản là đối tượng của hợp đồng bị vô hiệu bị hư hỏng; khoản tiền mà các bên bỏ ra để làm tăng giá trị của tài sản là đối tượng của hợp đồng bị vô hiệu; khoản tiền chênh lệch giá do các bên thỏa thuận với giá trị tài sản tại thời điểm xét xử sơ thẩm; các thiệt hại khác (nếu có).
Có thể thấy, bồi thường thiệt hại được quy định trên cơ sở xác định lỗi do chủ thể nào gây ra và xác định được thiệt hại xảy ra trên thực tế khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu. Vấn đề phức tạp ở đây là xác định lỗi trong thực tế là việc rất khó. Đối với trường hợp hợp đồng vô hiệu do vi phạm quy định về hình thức, còn các điều kiện khác đều hợp pháp, Tòa án tuyên các bên phải hoàn thiện hình thức hợp đồng, nếu bên nào không thực hiện được xem là có lỗi và phải đền bù thiệt hại. Đây là đường lối giải quyết rất rõ ràng trong thực tiễn xét xử. Tuy nhiên đối với các trường hợp khác như hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn, hợp đồng vô hiệu do đối tượng không thực hiện được hay hợp đồng vô hiệu do người giao kết hợp đồng không có quyền định đoạt tài sản mà bên đối tác cũng biết về điều đó thì xác định mức độ lỗi của các bên còn nhiều quan điểm tranh cãi. 
Theo Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP và Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì việc xác định lỗi trong hợp đồng mua bán nhà ở, quyền sử dụng đất căn cứ vào:
- Một bên (bên bán) bị coi là có lỗi nếu bên đó có hành vi làm cho bên kia nhầm tưởng là có đầy đủ điều kiện để mua nhà ở hoặc bán nhà, đất hợp pháp.
- Trường hợp hợp đồng mua bán nhà, đất vô hiệu do lỗi của bên nào thì tùy mức độ lỗi của mỗi bên (có thể bên bán hoặc bên mua) để buộc các bên phải chịu thiệt hại, trừ trường hợp vi phạm điều cấm pháp luật và trái đạo đức xã hội thì cần buộc các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận.
Việc xác định lỗi theo các tiêu chí như hướng dẫn trên, theo chúng tôi, là còn chưa hợp lý nhìn từ trường hợp hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn, mà sự nhầm lẫn này thuộc nhầm lẫn song phương hoặc bên bán không có lỗi khi tại thời điểm giao kết hợp đồng, bên bán không biết hoặc không thể biết đối tượng hợp đồng không thực hiện được do quyết định của cơ quan nhà nước (ví dụ, quy hoạch đất chưa công bố công khai).
Như vậy, hợp đồng dân sự vô hiệu sẽ dẫn tới nhiều hậu quả pháp lý bất lợi, do đó ngay khi xác lập hợp đồng các bên cần tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của một hợp đồng nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Đồng thời, khi tuyên bố một hợp đồng vô hiệu, Tòa án phải xác định đầy đủ các hậu quả pháp lý, đặc biệt là yếu tố lỗi của các bên làm cho hợp đồng vô hiệu, từ đó xác định thiệt hại mà mỗi bên phải gánh chịu thì mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật  
Vẫn theo Điều 137 Khoản 2 BLDS, “khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật”. Có thể thấy, quy định tịch thu tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tứcthu được khi hợp đồng vô hiệu được đưa ra nhằm xử lý những tài sản là đối tượng của hợp đồng, nhưng thuộc diện tài sản Nhà nước tịch thu, sung công quỹ. Tuy nhiên BLDS lại chưa quy định rõ, thời điểm tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu là trước hay sau khi giao dịch bị tuyên bố vô hiệu?
 Việc xác định rõ thời điểm tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu là trước hay sau khi giao dịch bị tuyên bố vô hiệu sẽ là rất cần thiết, bởi lẽ nó sẽ là một trong các căn cứ xác định chủ thể chịu trách nhiệm (đã có trường hợp, tài sản là đối tượng của hợp đồng dân sự, nhưng đã bị tịch thu trong một vụ án khác, trước khi Tòa án tuyên hợp đồng này bị vô hiệu). Rất tiếc, BLDS đã chưa có quy định rõ ràng, nên khó áp dụng trong thực tế.
3. Đề xuất hướng sửa đổi quy định về xử lý hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu  
Từ thực tiễn xét xử tại các Tòa án về xử lý hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu, có thể thấy, hợp đồng dân sự bị tuyên bố vô hiệu thường thuộc hai dạng sau:
Thứ nhất, hợp đồng bị tuyên bố là vô hiệu vì bản thân hợp đồng không đem lại lợi ích cho ít nhất một bên chủ thể như mong muốn của họ. Ví dụ như: hợp đồng vô hiệu do một bên bị lừa dối, bị nhầm lẫn, bị đe dọa.
Thứ hai, hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu bởi một lý do, nhưng lý do này không làm ảnh hưởng đến lợi ích mà các bên mong muốn. Ví dụ như: hợp đồng vô hiệu do vi phạm hình thức của hợp đồng hoặc hợp đồng vô hiệu do một bên chủ thể không có đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Thương mại.
Có thể nhận thấy, đối với dạng hợp đồng vô hiệu thứ nhất thì việc xử lý hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận... sẽ đem lại sự công bằng cho bên có lợi ích nhưng không đạt được. Nhưng đối với dạng hợp đồng vô hiệu thứ hai, thì khi giao kết và thực hiện hợp đồng, các bên đều đã đạt được mong muốn của mình, do đó, việc áp dụng một cách cứng nhắc quy định “khôi phục tình trạng ban đầu”, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”... rõ ràng là không cần thiết. Hợp đồng này không làm ảnh hưởng đến lợi ích của các bên, lợi ích của người thứ ba hay của cộng đồng
Do vậy, đối với hợp đồng vô hiệu do vi phạm về hình thức hay điều kiện đăng ký kinh doanh, nhưng các bên đều tự nguyện và đã thực hiện hợp đồng, thì chúng ta nên thừa nhận. Những vi phạm về hình thức hay điều kiện đăng ký kinh doanh của hợp đồng có thể được Tòa án yêu cầu các bên tiến hành hoàn thiện để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, chúng ta nên mạnh dạn chấp nhận những hợp đồng tuy không tuân thủ đúng các quy định về hình thức bắt buộc, nhưng các bên đã thực hiện hợp đồng thì hợp đồng không bị vô hiệu và cần được công nhận. Tương tự như vậy là đối với các hợp đồng không thỏa mãn quy định về điều kiện đăng ký kinh doanh.
 Sự chấp nhận này sẽ hạn chế được tình trạng tuyên bố hợp đồng vô hiệu tràn lan do một bên chủ thể lợi dụng quy định của pháp luật để bội ước hợp đồng hay sự lúng túng của Tòa án trong việc xét xử hợp đồng vô hiệu do vi phạm về hình thức hoặc không thỏa mãn điều kiện đăng ký kinh doanh. Và các quy định về hậu quả pháp lý đối với các hợp đồng trên cũng phải được sửa đổi, bổ sung.
Trong tiến trình sửa đổi, bổ sung BLDS năm 2005, các quy định về xử lý hợp đồng dân sự vô hiệu cần phải được hoàn thiện để những quy định này mang tính khả thi hơn, phù hợp với thực tế và quan trong hơn là tạo điều kiện để hợp đồng phát huy hết vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường./.
 Nguồn: NCPL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét