Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Nguyên tắc "Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" - thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện


I. Đặt vấn đề                                        
   1. Độc lập xét xử được xuất hiện từ tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước thành quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp của Montesquieu. Ông cho rằng “không có gì là tự do nếu quyền tư pháp không được tách khỏi quyền lập pháp và quyền hành pháp”, độc lập xét xử là một thuộc tính không thể thiếu trong bất kỳ quốc gia nào. Quyền tư pháp thực hiện sự phán quyết về những vấn đề mang tính tư pháp, thông thường và chủ yếu là do Tòa án thực hiện.
   Độc lập xét xử bao gồm các thành tố cơ bản sau: độc lập của quyền tư pháp, độc lập của thiết chế thực hiện quyền tư pháp, độc lập của những người thực hiện quyền lực tư pháp. Hay nói một cách khác, độc lập của quyền tư pháp với các quyền lực nhà nước khác, độc lập của cơ quan Tòa án với các cơ quan quyền lực khác cũng như giữa các cơ quan Tòa án với nhau, độc lập của Thẩm phán.
  Tòa án được thiết lập để thực hiện quyền tư pháp, nên:
Tòa án phải độc lập với cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, không bị giám sát, kiểm soát, lệ thuộc về mặt nhận định, tổ chức, nhân sự, kinh phí…
Mối quan hệ giữa các cấp Tòa án phải là mối quan hệ tố tụng, Tòa án cấp 2 (phúc thẩm) có thẩm quyền xem xét lại quyết định hoặc bản án của Tòa án cấp 1 (sơ thẩm) theo quy định của pháp luật. Như vậy, sẽ không có khái niệm Tòa án cấp trên hay Tòa án cấp dưới theo mối quan hệ chấp hành và điều hành của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước. Cho nên, Tòa án cấp 2 không thể có chức năng quản lý về mặt tổ chức, nhân sự, nghiệp vụ, kinh phí… đối với Tòa án cấp 1.
Thẩm phán độc lập, không chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động từ bên ngoài cũng như từ bên trong ngành Tòa án, đồng thời độc lập với các chủ thể tiến hành tố tụng và các chủ thể tham gia tố tụng.
  Khái niệm “độc lập” có nghĩa là một mình tự lập, hành động không phụ thuộc vào người khác. Độc lập xét xử không ngoài mục đích đảm bảo tính tối cao của pháp luật, giữ vững sự cân bằng và kiểm soát các quyền lực của nhà nước, bảo vệ quyền con người.
   Tòa án là một thiết chế không thể tự thực hiện được quyền tư pháp (xét xử) mà phải thông qua con người cụ thể thay mặt Tòa án thực hiện quyền tư pháp, đó là Thẩm phán. “Khi xét xử” có nghĩa là, toàn bộ hoạt động tiến hành tố tụng của Thẩm phán từ khi được phân công giải quyết vụ án cho đến khi vụ án được phán quyết bằng quyết định hoặc bản án.

   2. Ở Việt Nam, ngày 24/01/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh 13/SL về tổ chức Tòa án và ngạch Thẩm phán. Sắc lệnh 13/SL lần đầu tiên quy định về độc lập xét xử, theo đó, Điều 47 Sắc lệnh 13/SL quy định: “Tòa án tư pháp sẽ độc lập đối với các cơ quan hành chính, các vị Thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý, các cơ quan khác không được can thiệp vào việc tư pháp”.
   Để bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán, Điều 50 Sắc lệnh 13/SL quy định: “Mỗi Thẩm phán xử án quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình, không quyền lực nào được can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào công việc xử án”.
   Việc tuyển chọn Thẩm phán được Sắc lệnh 13/SL ghi rõ: “Tuyển bổ vào ngạch tư pháp sau này sẽ khó khăn để gây cho ngạch ấy một uy tín được tôn trọng”. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh khi trình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Thà không có Thẩm phán còn hơn có người mà vô tài, vô hạnh. Khi lập một hạng người có quyền xét xử và làm tội người khác, bản Bộ thấy rõ trách nhiệm đối với nội trị và cả đối với ngoại giao nữa. Bản Bộ không quên rằng, người ngoại quốc khi tới một nước, trước khi hoạt động về kinh tế hay làm một việc gì vẫn tự hỏi luật lệ và Thẩm phán ở nước ấy có đủ minh bạch và công bằng để bảo đảm cho họ không?”
   Để bảo đảm Thẩm phán xét xử độc lập và công minh, Điều 75 Sắc lệnh 13/SL quy định: “Không ai có thể bắt bớ, giam cầm một Thẩm phán bất cứ lý lẽ gì, nếu không được Bộ trưởng Bộ Tư pháp thỏa thuận trước. Nếu một Thẩm phán can trọng tội hay khinh tội thì Chưởng lý Tòa thượng thẩm tự mình hay giao cho một Thẩm phán Công tố viện đi điều tra rồi đệ trình lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp để vị này quyết định có nên hay không nên truy tố”.  
   Điều 63 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gồm có: Tòa án tối cao, Các Tòa án phúc thẩm, Các Tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp” và tiếp tục khẳng định: “Trong khi xét xử, các viên Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp”.
   Như vậy chúng ta có thể thấy rằng, trong giai đoạn đầu tiên hình thành hệ thống Tòa án ở Việt Nam, tư tưởng về độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật đã được quy định trong Sắc lệnh 13/SL và Hiến pháp năm 1946.
   3. Tháng 4/1958, Quốc hội quyết định thành lập Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) và Viện công tố nhân dân trung ương, tách hệ thống Tòa án và Viện công tố ra khỏi Bộ Tư pháp. Quyết định này sau đó được ghi nhận trong Hiến pháp 1959, đánh dấu mốc hình thành và phát triển ngành Tòa án. Điều 100 Hiến pháp 1959 quy định: “Khi xét xử, Tòa án có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
  4. Điều 131 Hiến pháp 1980 quy định: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, Điều 6 Luật tổ chức Tòa án năm 1981 cũng quy định: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
  5. Điều 130 Hiến pháp 1992 quy định: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, đặc biệt khi Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001 tại Điều 2 đã ghi nhận: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Như vậy, mặc dù Hiến pháp năm 1992 khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng đã thừa nhận một thực tế tồn tại các quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp. Điều 127 Hiến pháp 1992 quy định: “Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Điều đó cho thấy, Hiến pháp đã ghi nhận Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, nhưng không quy định Tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, nên chưa có sự thừa nhận chính thức trên thực tế về sự độc lập của quyền tư pháp.
II. Thực tế thực hiện nguyên tắc “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”     
1. Mối quan hệ giữa Tòa án và sự lãnh đạo của Đảng
   Điều 4 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua các nghị quyết, Đảng lãnh đạo về chủ trương và đường lối đối với hoạt động xét xử là cần thiết, nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động xét xử, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội. Theo ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XIII: “Đảng chỉ đạo hoặc cho ý kiến về nguyên tắc chung trên cơ sở quy định của pháp luật trong việc giải quyết, xử lý tội phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên, các vụ án nghiêm trọng, phức tạp về chính trị, kinh tế, xã hội, các vụ án tham nhũng có liên quan đến cán bộ thuộc diện quản lý của các cấp ủy đảng, các vụ án có liên quan đến quan hệ đối ngoại… và trực tiếp quản lý công tác cán bộ, trong đó có việc xem xét, quyết định nhân sự cán bộ lãnh đạo và Thẩm phán Tòa án các cấp”.  Tuy nhiên hiện nay, chúng ta:
- Chưa có tiêu chí xác định rõ, cụ thể, thế nào là vụ án nghiêm trọng, phức tạp về chính trị, kinh tế, xã hội, các vụ án tham nhũng, các vụ án có liên quan đến quan hệ đối ngoại… từ đó, có thể dẫn đến sự lạm dụng lãnh đạo hoạt động xét xử.
- Chưa có cơ chế và hướng dẫn cụ thể trong việc xin ý kiến tổ chức đảng về xử lý một số vụ án cụ thể, nên có thể dẫn đến lạm dụng việc xin ý kiến hoặc ngược lại lạm dụng yêu cầu báo cáo và chỉ đạo.
- Chưa có quy định rõ ràng về phạm vi và nội dung việc kiểm tra của các cấp ủy đảng đối với hoạt động xét xử
   Do đó, Nhà nước cần phải có các quy định rõ ràng, cụ thể về vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động xét xử của Tòa án nói chung cũng như đối với từng vụ án cụ thể nói riêng, để bảo đảm nguyên tắc: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
2. Mối quan hệ giữa Tòa án và cơ quan lập pháp
   Theo quy định của pháp luật hiện hành, Quốc hội bầu, miễm nhiệm, bãi nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm Chánh án TANDTC. Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của TANDTC về hoạt động xét xử của ngành Tòa án. Quốc hội có quyền hủy bỏ văn bản của TANDTC nếu trái với Hiến pháp, luật hoặc nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội quyết định phân bổ ngân sách cho ngành Tòa án. Quyền lực nhà nước là tập trung và thống nhất, nên Quốc hội có quyền cho ý kiến và đánh giá lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC - cơ quan xét xử cao nhất mà Hiến pháp quy định. Như vậy, chưa có sự thừa nhận một cách đầy đủ về địa vị pháp lý cũng như về thẩm quyền, tính độc lập của Tòa án trong hệ thống quyền lực nhà nước.  
3. Mối quan hệ giữa Tòa án và cơ quan hành pháp
   Trong thực tế, thành phần cấp ủy các cấp luôn có sự cơ cấu, tham gia của người lãnh đạo cơ quan hành pháp. Cho nên, Tòa án tất yếu phải chịu sự lãnh đạo của cấp ủy tương ứng, và đương nhiên thì lãnh đạo cơ quan Tòa án thường là “cấp dưới” của những người lãnh đạo cơ quan hành pháp. Mối quan hệ giữa Tòa án và cơ quan hành pháp còn thể hiện ở việc, cơ quan hành pháp có thẩm quyền tham gia hoặc quyết định những vấn đề về ngân sách, cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động của Tòa án. Do đó dẫn đến một thực tế là, cơ quan Tòa án khó có thể độc lập, mà chịu sự chi phối và lệ thuộc cơ quan hành pháp.
4. Mối quan hệ giữa các cấp Tòa án
   Hiến pháp hiện hành không quy định mối quan hệ hành chính giữa Tòa án các cấp, mối quan hệ giữa Tòa án các cấp là mối quan hệ tố tụng, có nghĩa là không có Tòa án cấp trên và không có Tòa án cấp dưới mà chỉ có Tòa án cấp sơ thẩm (cấp 1), Tòa án cấp phúc thẩm (cấp 2) “thực hiện chế độ hai cấp xét xử”. Thế nhưng, Luật tổ chức Tòa án lại quy định: “TANDTC quản lý các Tòa án địa phương về mặt tổ chức có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân địa phương”, từ đó đặt ra vấn đề về tính độc lập của Tòa án, của Thẩm phán liệu có được đảm bảo không, bởi vì:
- Quản lý Tòa án địa phương là quản lý toàn diện, bao gồm: quyết định và phân bổ biên chế; quy định tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật Thẩm phán; xây dựng chế độ chính sách tiền lương; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
- Hướng dẫn đường lối xét xử dẫn đến mất tính độc lập của Tòa án địa phương.
5. Mối quan hệ giữa Tòa án và các cơ quan khác
   Hiện nay, Nhà nước ta chưa có quy định rõ ràng, cụ thể cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp. Cho nên thực tế cho thấy, vẫn còn một số trường hợp cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát cùng cơ quan Tòa án họp bàn thống nhất về đường lối xử lý vụ án trước khi đưa vụ án ra xét xử (họp liên ngành). Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc không bảo đảm tính độc lập của Tòa án và của Thẩm phán.
6. Mối quan hệ giữa Thẩm phán và lãnh đạo
   Thẩm phán cũng là công chức, nên lãnh đạo cơ quan Tòa án được coi là cấp trên của Thẩm phán. Mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới là quan hệ lệ thuộc và nhạy cảm, nên điều đó không thể không làm ảnh hưởng đến sự độc lập của Thẩm phán khi tiến hành tố tụng. Do đó, mặc dù pháp luật không quy định Thẩm phán phải báo cáo án cho lãnh đạo, nhưng trên thực tế đang tồn tại quy ước Thẩm phán phải báo cáo án trước khi xét xử. Những bất cập đó trước hết là xuất phát từ việc Nhà nước chưa xác định vị trí, vai trò và địa vị pháp lý đặc thù của Tòa án, cũng như đặc thù của nghề Thẩm phán. Mặt khác, trong ngành Tòa án cũng chưa có sự nhận thức sâu sắc và xử lý đúng các mối quan hệ quản lý, mối quan hệ tố tụng, ảnh hưởng của nó trong hoạt động tố tụng. Do đó, cần phải nghiên cứu, xây dựng mô hình hoạt động của ngành Tòa án theo hướng các mối quan hệ phải được “tố tụng hóa”.
7. Quy trình tuyển chọn Thẩm phán
  Quy trình tuyển chọn Thẩm phán hiện đang có những bất cập sau:
- Pháp luật hiện hành không quy định phải công bố công khai, rộng rãi việc tuyển chọn Thẩm phán, nên không tạo được tính cạnh tranh. Mặt khác, không có cơ chế khuyến khích những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tự đăng ký dự thi hoặc tuyển chọn làm Thẩm phán. Từ đó, dẫn đến việc tuyển chọn Thẩm phán cơ bản là quy trình khép kín trong nội bộ ngành Tòa án, không thu hút được người tài, giỏi.
-  Quy định bổ nhiệm Thẩm phán phải có “bản nhận xét, đánh giá của lãnh đạo đơn vị” tạo nên quyền uy, sức mạnh của lãnh đạo đối với cán bộ Tòa án khi họ làm hồ sơ bổ nhiệm, đây là nguyên nhân tất yếu dẫn đến sự lệ thuộc.
- Quy định bổ nhiệm Thẩm phán phải lấy ý kiến của tập thể, xét về bề ngoài thì được coi là công khai, dân chủ, khách quan. Nhưng mặt trái của nó lại rất dễ tạo nên tình trạng “tranh thủ”, “dĩ hòa vi quý” hoặc cơ hội.
- Quy định tuyển chọn, bổ nhiệm hiện hành thiếu vắng cơ chế quan trọng và cơ bản, đó là việc kiểm tra công khai, khách quan, minh bạch trình độ nghiệp vụ và năng lực của người được tuyển chọn, bổ nhiệm.
8. Nhiệm kỳ của Thẩm phán
   Quy định của pháp luật hiện hành về nhiệm kỳ của Thẩm phán là 5 năm và cơ chế xem xét tái bổ nhiệm của Thẩm phán khi hết nhiệm kỳ có ảnh hưởng nhất định đến sự độc lập của Thẩm phán. Nhiệm kỳ 5 năm là quá ngắn, tạo ra sự “phụ thuộc”, “lo lắng”, “sợ hãi” của Thẩm phán khi tới thời gian làm hồ sơ tái bổ nhiệm. Do vậy, Nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng một cơ chế hợp lý về nhiệm kỳ của Thẩm phán để tạo hành lang bảo đảm tính độc lập khi xét xử. 
9. Chế độ lương của Thẩm phán
   Lương hiện nay của Thẩm phán cấp quận (sơ cấp) gồm cả phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác thì trung bình hàng tháng được trên dưới 03 triệu đồng, Thẩm phán cấp tỉnh (trung cấp) được trên dưới 04 triệu đồng, Thẩm phán cấp tối cao (cao cấp)  đượctrên dưới 06 triệu đồng. Ngoài ra không còn bất cứ một chế độ cũng như đặc quyền, đặc lợi nào khác. Với mức lương như vậy, Thẩm phán khó có thể bảo đảm được mức sống tối thiểu của bản thân, chưa nói đến trách nhiệm với gia đình, chi phí cho giáo dục, y tế và các chi phí xã hội khác. Điều đó làm cho Thẩm phán dễ bị tác động, bị cám dỗ hoặc tham nhũng khi tiến hành tố tụng.
III. Kiến nghị
   Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta hiện nay đang đặt ra yêu cầu xây dựng cơ chế vận hành nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Để thực hiện được yêu cầu này, quyền tư pháp cần phải được tổ chức, thực hiện theo nguyên tắc độc lập trong phạm vi đã được phân công và chịu sự giám sát của nhân dân.
1. Cần xác định cụ thể nội dung và phạm vi của quyền tư pháp
   Sự phân công quyền lực nhà nước hiện nay là chưa khoa học và hợp lý, quyền tư pháp chưa được thừa nhận về tính độc lập trong hệ thống quyền lực nhà nước: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN dù có áp dụng nguyên tắc phân quyền hay tập quyền thì cũng phải thừa nhận tính độc lập của quyền tư pháp, có như vậy mới có thể bảo đảm sự cân bằng và kiểm soát quyền lực nhà nước, là điều kiện bảo đảm cho nguyên tắc “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Từ đó:
Hiến pháp cần khẳng định quyền tư pháp được thực hiện bởi Tòa án: Các quyết định cuối cùng của Tòa án không thể bị đưa ra xem xét lại bởi cơ quan ngoài Tòa án. Một Tòa án xét xử không đúng chỉ có thể được khắc phục bằng một cấp Tòa án khác có thẩm quyền được pháp luật quy định và phải có điểm dừng. Bởi vì, hoạt động xét xử được thực hiện bằng những con người cụ thể và đã là con người thì không phải luôn hoàn hảo, cho nên nếu có sai sót cũng là lẽ tất nhiên.
- Cần mở rộng thẩm quyền tư pháp: Tòa án có quyền giải thích pháp luật, có quyền xem xét tính hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật. Tất cả các quyết định của cơ quan hành pháp xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân phải đều được coi là đối tượng khiếu kiện tại Tòa án.  
2. Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân
   Quốc hội, Hội đồng nhân dân chỉ giám sát, xem xét và đánh giá báo cáo hoạt động xét xử hàng năm Tòa án, chứ không nên yêu cầu giải trình về những vụ án cụ thể. Việc chất vấn chỉ ở nội dung liên quan đến việc thực hiện các thẩm quyền tố tụng và quản lý Của chánh án.
3. Cơ chế bảo đảm độc lập của Thẩm phán khi xét xử
 Quyền lực tư pháp được vận hành bởi Tòa án, Tòa án được vận hành bởi những con người cụ thể mà đối tượng chủ yếu và trọng tâm là Thẩm phán. Do vậy:
- Cần khẳng định địa vị pháp lý đặc thù của Thẩm phán, từ đó, chế độ luơng và đãi ngộ được thiết kế theo một ngạch riêng, không đồng nhất với ngạch công chức chung. Lương, phụ cấp, điều kiện làm việc hợp lý sẽ làm giảm thiểu khả năng Thẩm phán bị tác động, lệ thuộc và sẽ khích lệ họ trong quá trình làm việc.
- Việc tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán cần phải công khai, minh bạch, nghiêm ngặt, khắt khe và cạnh tranh. Cho phép tất cả mọi người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, tự do nộp hồ sơ tham gia tuyển chọn, để đảm bảo tuyển chọn được Thẩm phán có tri thức, bản lĩnh, theo tiêu chí “thà ít mà chất lượng”.
- Bảo đảm sự ổn định nhiệm kỳ của Thẩm phán, quy định đương nhiên tái nhiệm trừ khi Thẩm phán bị kỷ luật ở mức cách chức, không nên dựa vào số án hủy, sửa làm căn cứ để xem xét tái nhiệm Thẩm phán. Đề xuất này nhằm hạn chế thông lệ xin đường lối xét xử, xin “thỉnh thị” trước khi xét xử.
- Hạn chế sự ảnh hưởng trong quan hệ hành chính, khi phân hồ sơ nên theo phương pháp ngẫu nhiên, từ đó sẽ triệt tiêu được mối quan hệ lệ thuộc giữa Thẩm phán với lãnh đạo và cơ hội tạo lập đường dây “chạy án” trong chính Tòa án.
- Việc thuyên chuyển và đề bạt cán bộ phải có sự đồng ý của chính người được thuyên chuyển hoặc đề bạt, trừ trường hợp việc thuyên chuyển và đề bạt là cần thiết. Việc thuyên chuyển và đề bạt cần phải có một quy trình minh bạch, công khai và khách quan. Nếu không, việc thuyên chuyển và đề bạt có thể được coi là một hành vi “trừng phạt” tiềm ẩn áp dụng đối với cán bộ.
- Cần quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự xem xét kỷ luật, cách chức Thẩm phán. Nên chăng, chỉ nên quy định một hội đồng xem xét kỷ luật Thẩm phán ở tất cả các cấp. Hội đồng xem xét kỷ luật Thẩm phán phải có sự tham gia rộng rãi của đại diện các cơ quan, ban ngành liên quan. Thẩm phán là đối tượng bị xem xét kỷ luật phải được mời tham dự, được trình bày ý kiến, giải trình và phản biện.
- Cần quy định việc giải trình việc ra quyết định hoặc bản án của Thẩm phán, nội dung phán quyết phải được phân tích, lập luận rõ ràng về tất cả các vấn đề có liên quan tới vụ án. Bên cạnh đó, cũng cần phải công bố, công khai tất cả các phán quyết của Tòa án để công chúng được biết, giám sát, phản biện, góp phần tăng cường tính thống nhất trong hoạt động xét xử.
- Điều 130 Hiến pháp năm 1992 ghi “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” nên đổi thành “Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi tiến hành tố tụng”.
   Độc lập xét xử là nguyên tắc hiến định, là cốt lõi của quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm tính tối cao của pháp luật, đảm bảo sự cân bằng và kiểm soát các quyền lực nhà nước và bảo vệ quyền con người. Việc tăng cường cơ chế giám sát của nhân dân trong hoạt động xét xử của Tòa án, của Thẩm phán thông qua việc công khai rộng rãi các phán quyết của Tòa án là nhu cầu thiết thực. Điều đặc biệt quan trọng để đạt được mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam là phải nhận thức một cách toàn diện về quyền tư pháp, nâng cao vị thế của quyền tư pháp, của Tòa án, của Thẩm phán. Có như vậy, thì nguyên tắc “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” mới có ý nghĩa và được bảo đảm một cách đích thực./.
Nguồn: TCNCLP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét