Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TÀI SẢN BỊ XÂM PHẠM: HƯ BẢY QUẢ TRỨNG CHIM, ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CẢ VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN

Đầu năm 2010, ông D. (62 tuổi, ở Thanh Hóa) được bạn tặng bảy quả trứng chim quý nên ông quyết định ươm giống. Theo quan niệm dân gian nơi ông sinh sống, muốn trứng chim nở dễ dàng thì phải đem trứng vùi vào cám gạo để bên cạnh chim mẹ trong vòng một ngày sau đó mới đưa cho chim mẹ tự ấp…
Trứng thối, chim rụng lông
Do gia đình không có cám gạo nên ông D. đem bảy quả trứng chim kèm con chim kiểng của mình (làm chim mẹ) sang nhà ông B. (hàng xóm) gửi nhờ. Sau khi dặn dò kỹ lưỡng cách thức, công đoạn “tiền ấp trứng”, ông về và hẹn sang ngày mai đến lấy trứng và chim.
Đến hẹn, ông D. sang nhà hàng xóm thì được ông B. cho biết đã đem trứng cho chim mẹ ấp. Lúc này ông D. tỏ ra gay gắt cho rằng bạn làm sai công thức và có nguy cơ làm hỏng cả chim lẫn trứng. Lời qua tiếng lại một lúc, ông D. đành phải đưa chim và trứng về nhà.
Một tuần sau, bảy quả trứng chim bốc mùi thối còn con chim kiểng bắt đầu rụng lông đầu và đuôi. Xót của, tiếc chim, ông D. liền chạy qua nhà ông hàng xóm bắt đền. Tuy nhiên, cả hai bên không tìm được tiếng nói chung, thậm chí còn xung đột dẫn đến cãi vã…
Mọi chuyện bẵng đi hơn một năm, mới đây đầu tháng 4-2012, ông D. khởi kiện ra tòa.
Đòi phi lý, không chấp nhận
Theo đơn kiện, ông D. giãi bày bản thân ông rất yêu chim và muốn ươm thật nhiều giống quý. Bảy quả trứng chim trên cũng là giống quý nên ông không muốn đem ra lò ấp vì sợ khi trứng nở, chim non bị bắt trộm. Do vậy ông quyết định tự mình ươm giống.

Theo kinh nghiệm dân gian, ông đã nhờ người hàng xóm và chỉ nhờ vùi trứng chim vào cám gạo, một ngày sau sẽ tới lấy còn các công đoạn khác ông tự làm. Ông B. tự ý đưa trứng ra khỏi cám gạo và bắt chim mẹ tự ấp là làm sai công đoạn và trái với mong muốn của ông dẫn tới trứng chim bị hư, chim mẹ bị rụng lông do chưa kịp thích nghi với môi trường lồng ấp. Trong việc này, ông B. có lỗi hoàn toàn nên phải bồi thường 100 triệu đồng, trong đó 70 triệu đồng tiền trứng chim và 30 triệu đồng là chi phí chạy chữa cho chú chim rụng lông. Giá trị bồi thường này bao gồm cả tổn thất tinh thần mà ông phải gánh chịu khi các tài sản trên bị ảnh hưởng.
Trước các yêu cầu trên của nguyên đơn, phía ông B. trước sau không đồng ý. Ông phản đối kịch liệt vì cho rằng yêu cầu quá phi lý. Chim kiểng thì ông không đền còn số trứng hư thì ông chỉ bồi thường theo giá bán ngoài thị trường…
* * *
Hiện tòa đang lên kế hoạch hòa giải vụ kiện khá lạ này. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi thông tin đến bạn đọc khi có diễn tiến mới.
Khó đòi bồi thường tổn thất tinh thần đối với thiệt hại vật nuôi
Theo luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM), ở một số nước phát triển, việc làm thiệt hại, hư hỏng đối với vật nuôi sẽ phải bồi thường cả về vật chất lẫn tổn thất tinh thần. Tuy nhiên, ở nước ta, chưa có bất cứ quy định nào về việc bồi thường tổn thất tinh thần khi làm thiệt hại đến vật nuôi. Vì vậy trong trường hợp này, theo tôi nếu nguyên đơn yêu cầu bồi thường thì cần phải xem xét kỹ lưỡng để vừa phù hợp với tâm lý xã hội vừa phù hợp với pháp luật. Số tiền bồi thường nếu có thì cũng không đi quá xa với thực tế…
Luật sư Phạm Hiền Trúc (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết thêm khi kiện, nguyên đơn phải chứng minh được bị đơn làm hư hại trứng của mình. Ở đây hai bên đã thống nhất việc làm hư trứng thì tòa đã có căn cứ để phân xử. Tuy nhiên, việc đòi 70 triệu đồng cho số trứng hư này tòa sẽ xem xét, có thể tòa chấp nhận toàn bộ hoặc chỉ chấp nhận một phần… Tương tự, việc đòi bồi thường cho con chim kiểng cũng vậy.
Nguồn: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Các điều khoản bổ sung cần nhớ trong Incoterms 2010

1. Bỏ 4 điều khoản trong INCOTERMS 2000
Xu hướng container hóa và giao hàng từ điểm này đến điểm khác ngày càng nhiều dường như đã khiến cho ICC phải có những sửa đổi quan trọng và đưa ra hai điều khoản mới về “đã giao hàng”:
· Delivered At Place (DAP) được sử dụng thay cho DAF, DES và DDU;
· Delivered At Terminal (DAT) thay thế cho DEQ.
Những điều khoản này có thể được sử dụng với bất kì phương thức vận tải nào. Một lí do có ít điều khoản hơn đơn giản là các bên thường chọn “nhầm” điều khoản hoặc lẫn lộn các điều khoản, dẫn đến các hợp đồng có nội dung mẫu thuẫn hoặc không rõ ràng.
Chú thích: Hiệp hội thị trường bảo hiểm Lloyd’s (Lloyd’s Market Association LMA) và Hiệp hội các nhà bảo hiểm quốc tế của London IUA.
Điều khoản DAF của Incoterm 2000 không còn đáp ứng nhu cầu thương mại và thực tế còn gây ra vấn đề khi người mua không thể kiểm tra hàng hóa trước khi hàng đến điểm đích, mà thường điểm đích lại nằm xa hơn điểm giao hàng (tức là biên giới).
Đối với cả hai điều khoản mới – (DAP) và Delivery at Terminal (DAT) – việc giao hàng diễn ra tại điểm đích đã xác định.
Qui tắc mới DAP trong Incoterm 2010 (Delivery at Place) bao gồm tất cả các trường hợp người bán giao hàng cho người mua trên phương tiện vận tải đến mà chưa dỡ hàng xuống, là những trường hợp trước đó được qui định bởi các điều khoản DAF, DES cũng như tất cả các trường hợp giao hàng tại cơ sở của người mua hay điểm đích nào khác tại nước của người mua mà trước đó được qui định bởi điều khoản DDU.
Đối với điều khoản DAP, “phương tiện vận tải đến” cũng có thể là một con tàu, và “điểm đích xác định” có thể là cảng dỡ.
Với qui tắc mới DAT của Incoterm 2010 (Delivered at Terminal), việc giao hàng diễn ra khi hàng hóa được giao vào quyền định đoạt của người mua tại ga/trạm xác định tại cảng hoặc tại điểm đích chưa được dỡ xuống khỏi phương tiện vận tải đến. Điều khoản DAT của Incoterm 2010 thay thế cho điều khoản DEQ trước đó của Incoterms 2000 (Delivered Ex Quay) vốn chỉ phù hợp cho hàng nguyên liệu.
Incoterms 2000 không có giải pháp thỏa đáng cho các điều khoản “D” đối với trường hợp hàng hóa được giao mà chưa dỡ xuống khỏi phương tiện vận tải đến tại trạm/ga. Điều khoản mới DAT của Incoterm 2010 (Delivered at Terminal) đã giải quyết được vấn đề này và bao gồm tất cả các trường hợp trước đó được qui định bởi điều khoản DEQ. “Trạm xác định” trong điều khoản DAT có thể là cầu cảng tại cảng dỡ hoặc trạm container tại cảng dỡ.
2. Đưa ra hai loại điều khoản thay vì bốn loại như trước kia
11 điều khoản được chia thành hai loại:
  • Giao hàng bằng bất kì phương thức vận tải nào (vận tải biển, đường bộ, hàng không, đường sắt, đa phương thức) – EXW, FCA, CPT, CIP, DAP, DAT và DDP; và
  • Giao hàng bằng vận tải đường biển/đường thủy nội địa - FAS, FOB, CFR và CIF.
3. Các qui tắc được điều chỉnh
Bộ qui tắc INCOTERMS mới được nêu rõ là có thể sử dụng “cả cho thương mại quốc tế và thương mại nội địa”. Điều này là nhờ những câu trong các qui tắc rằng nghĩa vụ thực hiện các thủ tục hải quan xuất nhập khẩu chỉ tồn tại trong trường hợp có liên quan đến xuất nhập khẩu.
Chú thích: đối với các khối thương mại (như EU) khi các thủ tục “biên giới” không còn, và ở Hoa Kì khi ngày càng nhiều người muốn sử dụng INCOTERMS hơn là các điều khoản giao hàng trong Uniform Commercial Code, các điều khoản mới giờ đây trở nên dễ áp dụng hơn.
4. Các ghi chép điện tử
Các nghĩa vụ của người bán và người mua trong việc cung cấp các chứng từ hợp đồng giờ đây có thể được thực hiện bằng “bản điện tử nếu các bên đồng ý hoặc đó là tập quán”, phản ánh sự thừa nhận của ICC về tầm quan trọng ngày càng tăng và tính chắc chắn về hợp đồng (nhờ tốc độ chuyển thông tin nhanh chóng) mà giao tiếp bằng điện tử mmang lại. Điều này cũng đảm bảo sự phù hợp của INCOTERMS 2010 trong tương lai khi các giao tiếp/thủ tục điện tử ngày càng phát triển.
INCOTERMS 2000 yêu cầu người bán và người mua phải thống nhất rõ ràng là sẽ giao tiếp với nhau bằng đường điện tử để trao đổi dữ liệu điện tử tương đương và chấp nhận chúng như bằng chứng về chứng từ giao hàng/vận tải.
5. Các điều khoản bảo hiểm hàng hóa chuẩn
Khi một điều khoản trong INCOTERM yêu cầu người bán phải mua bảo hiểm, thì các yêu cầu bảo hiểm đều đã được sửa đổi để phản ánh những sửa đổi trong các điều khoản bảo hiểm hàng hóa chuẩn. Nghĩa vụ của các bên về bảo hiểm cũng đã được làm rõ: chỉ theo CIF và CIP thì người bán mới có nghĩa vụ mua bảo hiểm vì quyền lợi của người mua, tuy nhiên trong tất cả các điều khoản giao hàng, các bên đều có nghĩa vụ cung cấp cho bên kia, nếu có yêu cầu, những thông tin cần thiết để mua bảo hiểm hay mua them bảo hiểm cho hàng hóa (hoặc tự mua hoặc nhờ bên kia mua hộ vì lợi ích của mình). Các qui tắc Incoterms 2010 qui định về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong các Điều
A3/B3, là những điều nói về kí kết hợp đồng vận tải và bảo hiểm. Những điều này giờ đây đã được tách khỏi những điều qui định chung trong phần A10/B10 của các qui tắc Incoterms 2000. Ngôn ngữ trong các điều A3/B3 liên quan đến bảo hiểm cũng đã được sửa đổi để làm rõ nghĩa vụ của các bên về vấn đề này.
6. An ninh
Vấn đề an ninh hàng hóa/tàu biển, v.v giờ đây là mối quan tâm hàng đầu của mọi người khi nói đến thương mại quốc tế. Vì ngày nay hầu hết các nước đều yêu cầu kiểm tra an ninh nghiêm ngặt nên các qui tắc thương mại quốc tế cũng yêu cầu cả hai bên đều phải cung cấp tất cả những thông tin cần thiết (V như thông tin về những người cầm giữ hàng hóa trong quá trình vận chuyển) để làm thủ tục thông quan xuất nhập khẩu. Các qui tắc cũng phân bổ rõ ràng các chi phí có liên quan.
Trong các qui tắc A2/B2 và A10/B10 của mỗi điều khoản Incoterm, nghĩa vụ của người bán và người mua về thông tin cần cung cấp cho bên kia hay sự hỗ trợ để lấy được thông tin đó cũng được nêu rõ. Các phiên bản INCOTERMS trước đây không yêu cầu chi tiết về mức độ hợp tác như vậy.
7. Các khoản phí bốc xếp tại ga/trạm
Trong trường hợp người bán phải thuê và thanh toán cho việc vận chuyển hàng hóa đến một điểm đích nhất định (CIP, CPT, CFR, CIF, DAT, DAP và DDP), có thể các chi phí bốc xếp hàng hóa đã được chuyển sang cho người mua thông qua giá cả của hàng hóa. Tuy nhiên, từ trước đến nay, trong một số trường hợp, người mua vẫn có thể phải thanh toán khoản này cho nhà ga
(tức là chịu phí hai lần).
INCOTERMS® 2010 đã cố gắng khắc phục tình trạng này bằng cách làm rõ ai sẽ chịu trách nhiệm thanh toán các chi phí ở ga/trạm. Tuy nhiên, vẫn phải chờ thêm một thời gian nữa để xem liệu qui định của Incoterms có chấm dứt được tình trạng người mua phải chịu phí hai lần như trước nữa hay không.
8. Bán hàng dây chuyền
Trong các hợp đồng mua bán “hàng nguyên liệu” (khác với hàng chế tạo), thường có trường hợp hàng hóa được bán tiếp một vài lần trong quá trình vận chuyển (tức là bán dây chuyền, hay bán hàng trong quá trình vận chuyển). Trong những trường hợp như vậy, người bán ở giữa dây chuyền không phải là người gửi hàng đi, bởi vì hàng đã được gửi đi bởi người bán ở đầu dây chuyền. Do đó, nghĩa vụ của người bán ở giữa dây chuyền là mua hàng hóa mà đã được gửi đi. Bộ INCOTERMS mới làm rõ điều này bằng cách cho thêm cụm từ “nghĩa vụ mua hàng hóa đã được gửi đi” như một nghĩa vụ thay thế cho nghĩa vụ gửi hàng. Điều này phù hợp với các trường hợp FAS, FOB, CFR và CIF vì về nguyên tắc  nó chỉ có thể được thực hiện khi sử dụng vận đơn hay một chứng từ sở hữu có tính chất tương đương.
9. Lưu ý hướng dẫn
Trong ấn phẩm Incoterms® 2010, bạn sẽ thấy có một phần Lưu ý hướng dẫn trước mỗi điều khoản. Phần lưu ý này giải thích những nội dung căn bản của mỗi điều khoản. Các lưu ý hướng dẫn không phải là một phần của các qui tắc trong Incoterms 2010, mà chỉ nhằm mục đích giúp cho người sử dụng hiểu rõ hơn về các qui tắc này.
Ví dụ, lưu ý hướng dẫn cho các điều khoản CPT và CIP Incoterm 2010 nhấn mạnh rằng theo những điều khoản này, người bán được coi là hoàn thành nghĩa vụ giao hàng của mình khi anh ta   giao hàng cho người vận tải chứ không phải là khi hàng đến điểm đích. Những qui tắc này có hai điểm mấu chốt, bởi vì rủi ro và chi phí được chuyển giao ở các địa điểm khác nhau. Rủi ro đối với hàng hóa được chuyển từ người bán sang người mua khi hàng được giao cho người vận tải đầu tiên, tuy nhiên người bán cũng chịu trách nhiệm thuê hay mua hợp đồng vận tải hàng hóa đến điểm đích xác định. Tương tự như vậy, với các điều khoản CFR và CIF trong Incoterms 2010, rủi ro và chi phí được chuyển giao ở những nơi khác nhau.
10. Điểm chuyển giao rủi ro từ người bán sang người mua trong các trường hợp FOB, CFR và CIF
Các điều khoản FOB, CFR và CIF của Incoterms đều bỏ phần nói đến lan can tàu như là điểm giao hàng, thay vào đó là nói đến hàng được giao “lên boong” tàu. Điều này phản ánh chính xác hơn thực tế thương mại hiện đại và tránh hình ảnh lỗi thời của việc tưởng tượng rủi ro đang “treo lơ lửng và đung đưa” qua lại một đường tưởng tượng (là lan can tàu).
11. Sử dụng cụm từ “đóng gói”
Đã được đóng gói: từ này được sử dụng cho các mục đích khác nhau:
  • · Đóng gói hàng hóa theo yêu cầu trong hợp đồng mua bán.
  • · Đóng gói hàng hóa sao cho phù hợp với việc vận chuyển.
  • · Việc xếp hàng đã đóng gói trong container hay các phương tiện vận tải khác.
Trong các qui tắc Incoterms 2010, đóng gói có cả hai nghĩa thứ nhất và thứ hai nêu trên. Các qui tắc Incoterms 2010 không nói đến nghĩa vụ của các bên trong việc xếp hàng vào container và do đó các bên liên quan phải thống nhất cụ thể về vấn đề này trong hợp đồng mua bán. Incoterms 2000 không có quui định rõ ràng về vấn đề này.
Các bạn có thể Download bộ tài liệu này ở đây:
1. Incoterms 2010 Changes Summary (EN or VN)
2. Incoterms 2010 Introduction (EN or VN)
3. Incoterms 2010 Payment Method (EN or VN)
4. Insurance and Incoterms 2010 (EN or VN)

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Hợp đồng tương lai

Manh nha xuất hiện ở Việt Nam khoảng 6 năm nay, nhưng hiện mới chỉ có trên dưới 100 doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh thông qua các ngân hàng thương mại, trong đó có hợp đồng tương lai. Trong khi đó, trên thực tế, Việt Nam đã có một số loại hàng hóa có thể giao dịch trên các sàn giao dịch hàng hóa thế giới như cao su, cà phê, đậu tương, hạt điều, kim loại. Vậy vì sao doanh nghiệp Việt Nam lại ít sử dụng hợp đồng tương lai?
Lợi thì có lợi...
Hợp đồng tương lai xác lập nghĩa vụ mua bán hàng hóa với giá cả đã được xác định tại thời điểm hiện tại, nhưng giao hàng vào một thời điểm trong tương lai. Do vậy, hợp đồng sẽ giúp hạn chế rủi ro biến động giá. Doanh nghiệp có thể thông qua các ngân hàng thương mại để ký hợp đồng tương lai. Ngân hàng sẽ kết nối với các sàn giao dịch hàng hóa để thực hiện lệnh đặt mua hoặc bán. Về cơ bản, cách thức hoạt động của các sàn này cũng giống như sàn giao dịch chứng khoán. Chỉ khác là sàn chứng khoán giao dịch cổ phiếu, còn sàn hàng hóa thì giao dịch cà phê, đậu tương, cao su, lúa gạo, kim loại...
Theo ông Đào Duy Long, Phó Giám đốc Khối nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ của Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), việc giao dịch hợp đồng tương lai gắn với hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu thực của doanh nghiệp (tức có khối lượng, thời gian giao hàng cụ thể trong tương lai) là một cách bảo hiểm rủi ro, có thể giúp tránh thua lỗ.
Còn ông Ker Chung Yang, chuyên gia phân tích thị trường hàng hóa của Philip Futures (Singapore) thì cho biết, trên thế giới, nhiều nhà đầu tư sử dụng công cụ này để đầu tư giống như đầu tư chứng khoán và họ cũng dùng đòn bẩy tài chính. Nếu dự đoán xu hướng giá cả hàng hóa không chính xác, họ sẽ bị thua lỗ. Ngược lại, nếu phân tích xu hướng chính xác, nhà đầu tư sẽ thắng lớn. Những vụ đánh cược như thế diễn ra phổ biến ở các thị trường tài chính phát triển. Còn ở Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp chưa đủ khả năng cũng như công cụ hỗ trợ để sử dụng hợp đồng tương lai theo cách này.
Những cái khó
Hiện nay, cả nước chỉ có trên dưới 100 doanh nghiệp sử dụng các công cụ phái sinh, một con số quá khiêm tốn. Một nguyên nhân chính là Việt Nam chưa phát triển mạnh sàn giao dịch hàng hóa. Có chăng chỉ là một vài sàn như sàn cà phê BCEC tại Buôn Ma Thuột, hay Sàn Hàng hóa Việt Nam VNX (giao dịch cà phê, cao su và thép), nhưng giao dịch cũng chưa sôi động. Nghĩa là chưa có đất để hợp đồng tương lai cũng như các công cụ phái sinh khác phát triển. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam chọn tham gia các sàn quốc tế là chính. Tuy nhiên, khi tham gia các sàn giao dịch quốc tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ người chuyên môn cao để phân tích, dự báo xu hướng giá thế giới, từ đó có thể đưa ra quyết định chính xác.
Ông Đinh Thế Quyết, Giám đốc Công ty An Phú Linh, cho biết để chốt được giá của một hợp đồng tương lai về đậu tương, ông phải theo dõi nhiều kênh thông tin quốc tế như Bloomberg, Reuters, các báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ về mùa vụ, các thông tin về diễn biến thời tiết ở những khu vực có trồng nhiều đậu tương… Bên cạnh đó, ông còn tham khảo báo cáo chuyên sâu của các ngân hàng có cung cấp dịch vụ hợp đồng tương lai và tư vấn của cán bộ ngân hàng về xu hướng giá đậu tương. Mặc dù nghiên cứu kỹ như vậy, nhưng ông Quyết cho biết cứ 10 phiên mà dự đoán chính xác được 7 phiên đã là tốt.
Còn ông Nguyễn Thế Hiền, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Trường Lộc Phát, thì cho biết ông đã sử dụng hợp đồng tương lai đối với mặt hàng đồng từ vài năm nay ở một số sàn tại Mỹ hay Anh. Để có thể dự đoán giá cả thị trường, Công ty có cả một đội ngũ nghiên cứu và ông thường phải trực tiếp tham gia mới có thể nắm được phần thắng.
Theo đánh giá của ông Long, PG Bank, hầu hết các doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh đều là doanh nghiệp tư nhân. Vấn đề không hẳn nằm ở chỗ các doanh nghiệp nhà nước không muốn sử dụng hợp đồng tương lai; nó còn liên quan đến nhận thức của cơ quan chức năng về tính hữu hiệu của công cụ này. Đối với giao dịch hàng hóa thực, hợp đồng tương lai luôn giúp doanh nghiệp, dù là quốc doanh hay tư nhân, tránh được rủi ro. Nhưng mọi việc sẽ trở nên rất nặng nề, đặc biệt đối với các doanh nghiệp quốc doanh nếu việc sử dụng các công cụ phái sinh khiến cho họ thiệt hại về tài chính.
Ngày 27.3.2012, chẳng hạn, một công ty cà phê Việt Nam đã sử dụng hợp đồng tương lai về xuất khẩu cà phê, giá chốt giao tháng 7 tới là 2.051 USD/tấn. Với mức giá này, tạm tính các chi phí vốn, lưu kho bãi, hao hụt… doanh nghiệp này cũng đã có lãi. Thế nhưng, nếu đến khi giao hàng, giá cà phê trên sàn London tăng mạnh lên 2.100 USD/tấn, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại 49 USD/tấn. Khối lượng cà phê xuất khẩu càng nhiều thì thiệt hại cho doanh nghiệp càng lớn. Đây chính là điểm doanh nghiệp nhà nước phải giải trình với đơn vị chủ quản. Và thực tế điều này đã xảy ra.
Rõ ràng, sự hiểu biết, cởi mở hơn của cơ quan chức năng và việc tạo ra khuôn khổ pháp lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển các công cụ phái sinh. Ở ví dụ trên, nếu chỉ nhìn một chiều thì sẽ thấy doanh nghiệp bị thiệt hại. Nhưng nếu doanh nghiệp tính toán đúng xu hướng giá và nếu vào lúc giao hàng, giá giảm xuống mức 2.000 USD/tấn thì họ đã làm lợi cho mình tới 51 USD/tấn. Và xuất khẩu với khối lượng càng nhiều, lãi sẽ càng lớn.
Ông Long, PG Bank, cũng lưu ý rằng trên thế giới, có nhiều doanh nghiệp sử dụng loại hợp đồng này và giá ghi trong hợp đồng tương lai là giá tham chiếu cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thực. Vì thế, không thể nói rằng không tham gia hợp đồng tương lai thì không bị ảnh hưởng gì. Doanh nghiệp, dù đứng ngoài cuộc chơi, vẫn sẽ bị tác động khi giá các hợp đồng tương lai biến động. Do đó, cần chủ động tiếp cận công cụ này để nắm bắt thông tin thị trường.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Ker Chung Yang, Philip Futures, cho biết, ở Singapore, 90% người dân có hiểu biết về thị trường chứng khoán, 50% người dân biết về hợp đồng tương lai. Do vậy, doanh nghiệp rất ưa chuộng công cụ này. Theo ông, ngân hàng luôn có vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp hiểu biết và sử dụng hợp đồng tương lai qua việc cung cấp thông tin chuyên sâu về các ngành hàng, các loại hàng hóa cũng như tư vấn cho doanh nghiệp.

Nguồn: NCĐT

Mua lại bằng nợ: Từ M.U Tới Bianfishco

Từ khi gia đình Glazer nắm quyền tại Manchester United (M.U) vào năm 2005, câu lạc bộ bóng đá này đã bước vào một chu kỳ thành công mới, đạt kỷ lục 19 chức vô địch Premier League, 1 cúp vô địch Champion League và hàng loạt danh hiệu khác. Tuy nhiên, nỗi căm ghét của các Manucian (cổ động viên của M.U) với ông chủ mới người Mỹ dường như vẫn chưa tắt.
“Love United, Hate Glazer”
Quá trình thôn tính M.U của gia đình Glazer bắt đầu từ năm 2003, với xuất phát điểm là số cổ phần chỉ 2,9%. Đến tháng 6.2004, con số này đã xấp xỉ 20% và vào tháng 5.2005 gia đình Glazer đã sở hữu 75%. Sau đó, cổ phiếu của M.U đã rời khỏi thị trường chứng khoán và trở thành tài sản cá nhân của các ông chủ người Mỹ. Số tiền chính xác cho toàn bộ giao dịch này không được tiết lộ. Theo những con số từ Red Knight, nhóm cổ động viên M.U chống lại sự thôn tính của gia đình Glazer, số tiền này là 921 triệu bảng Anh, trong đó có 650 triệu bảng là vốn vay. Sau khi thôn tính M.U thành công, gia đình Glazer đã chuyển số nợ 525 triệu bảng từ khoản vay này lên vai câu lạc bộ. Trước khi những ông chủ người Mỹ đến, M.U không có bất kỳ khoản vay nào.
Sau khi tiếp quản, để có tiền tái cấu trúc M.U, nhà Glazer lại tiếp tục đi vay. Có thời điểm số nợ của M.U đã tăng tới 800 triệu bảng. Tệ hơn nữa, M.U còn phải gánh thêm việc trả lãi cho khoản vay 220 triệu bảng với lãi suất đến 16,25%/năm cho công ty mẹ Red Football Joint Venture của gia đình Glazer. Đến cuối năm 2011, số nợ vay của M.U là khoảng 440 triệu bảng. Theo thông tin từ tờ Daily Mail, 9 tháng qua M.U đã phải trả 71 triệu bảng tiền lãi cho khoản vay này.
Không thể phủ nhận dưới sự điều hành của các ông chủ người Mỹ, doanh thu của M.U đã tăng mạnh, song lợi nhuận hầu như không được dùng để tái đầu tư. Ngược lại, theo các cổ động viên của M.U, cho đến nay gia đình Glazer đã rút ra hơn 500 triệu bảng từ thu nhập của M.U.
Mối duyên NTB và Bianfishco
M.U là một trường hợp điển hình của hình thức dùng vốn vay để đi mua một công ty (Leveraged Buyouts - LBO), với tài sản thế chấp là chính công ty được mua. Mấy năm gần đây, hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa có thương vụ LBO nào diễn ra.
Khác với các hình thức M&A khác, LBO thường có sự tham gia của ngân hàng, với tư cách người cho vay. Khi được hỏi về khả năng áp dụng LBO tại Việt Nam, đại diện một ngân hàng thương mại đã từ chối trả lời. Tuy nhiên, chị nói thêm rằng: “Một số doanh nghiệp nợ ngân hàng rất nhiều và hầu như không có khả năng trả. Tuy nhiên, việc ngân hàng bỏ tiền ra mua lại doanh nghiệp rất khó khả thi, vì đầu tư mua lại doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với việc tham gia vào quản lý, kinh doanh trong một ngành mới mà ngân hàng không có chuyên môn”. Nhưng nếu không mua để tái cấp vốn, nhiều doanh nghiệp có khả năng sẽ phá sản, ngân hàng cũng mất tiền. Và chấp nhận đầu tư vốn cho một doanh nghiệp trung gian mua lại theo hình thức LBO sẽ là lối thoát cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Mới đây, thương vụ Công ty Cổ phần Xây dựng Đầu tư và Khai thác Công trình Giao thông 584 (NTB) đầu tư vào Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) có những biểu hiện tương tự như một nghiệp vụ LBO. Chi tiết của thương vụ này vẫn chưa được công bố chính thức, nhưng theo kế hoạch, NTB sẽ đầu tư vào Bianfishco 500 tỉ đồng, trong đó 70% là vốn vay Ngân hàng BIDV, 30% là vốn tự có và huy động khác (?). NTB và Bianfishco sẽ cùng quản lý sản xuất kinh doanh, lợi nhuận sau thuế chia đều nhưng NTB phải có lợi nhuận sau thuế tối thiểu 15%. Với khoản vay 350 tỉ đồng này, tính lãi suất trung bình 15%/năm, mỗi năm NTB sẽ phải trả lãi vay khoảng 52,5 tỉ đồng.
Theo tính toán của NCĐT, hệ số thu nhập trên vốn đầu tư (Return on Invested Capital - phản ánh khả năng sử dụng vốn đầu tư để tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp) của 10 doanh nghiệp kinh doanh cá tra trên sàn HoSE là 11%. Nếu Bianfishco hợp tác với NTB theo tỉ lệ mỗi bên góp 50% vốn (Bianfishco góp vốn bằng tài sản) để thành lập doanh nghiệp, số vốn đầu tư của doanh nghiệp mới sẽ là 1.000 tỉ đồng. Đặt giả thiết công ty mới này cũng có khả năng đạt được mức ROIC 11%, họ sẽ tạo ra lợi nhuận 110 tỉ đồng mỗi năm. Mỗi năm NTB sẽ nhận được 50% lợi nhuận, tức khoảng 55 tỉ đồng, chỉ vừa đủ để trả lãi vay.
Tuy nhiên, chỉ số ROIC trên được tính toán từ bình quân của 10 doanh nghiệp kinh doanh cá tra lớn trên sàn, Bianfishco khó có thể so sánh với những doanh nghiệp này được. Vấn đề lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hiện nay là thiếu nguyên liệu. Trong khi đó, với “uy tín” của mình, Bianfishco khó lòng tiếp tục mua cá từ nông dân. Và trên thực tế, chỉ số ROIC của Bianfishco trong năm 2010 cũng chỉ đạt gần 8%. Như vậy, nhiều khả năng thương vụ hợp tác giữa Bianfishco và NTB sẽ chỉ tiếp tục là một ly nước muối cho con bệnh đang khát.
Có vẻ như các thương vụ LBO đều mang lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp được mua lại, nhưng không thể phủ nhận lợi ích của chúng. Đối với M.U, đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh thu và thương hiệu. Theo bảng xếp hạng các câu lạc bộ bóng đá có giá trị thương hiệu cao nhất của Tạp chí Forbes, 2012 là năm thứ tám liên tiếp M.U dẫn đầu với giá trị 2,235 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư mạo hiểm có thể kiếm được lợi nhuận không nhỏ. Theo Forbes, tính tới cuối tháng 4.2012, gia đình Glazer đã kiếm được khoảng 420 triệu USD từ thương vụ đầu tư vào M.U. Hiện tổng tài sản của gia đình này là hơn 3 tỉ USD, phần lớn là nhờ vào M.U và một câu lạc bộ bóng đá khác của Mỹ.

Nguồn: NCĐT

BÌNH LUẬN CHẾ ĐỊNH HỘ GIA ĐÌNH TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005

Hộ gia đình là một trong những chủ thể của quan hệ trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, nó đã tạo ra vô vàn rắc rối pháp lý trong thực tế cuộc sống, vì tuy có quy định nhưng lại gần như không thể xác định được nếu dựa trên cơ sở pháp lý.
1. Khái niệm Hộ gia đình trong hệ thống pháp luật:
Hộ gia đình đã được nhắc đến trong các văn bản quy phạm pháp luật ít nhất là từ năm 1964. Tuy nhiên, đó chỉ là những khái niệm để giải quyết một số vấn đề chính sách xã hội như khoản 6, Điều 29, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 1990), đã quy định về một trong những đối tượng được hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình, đó là “Người có anh, chị hoặc em ruột trong cùng một hộ gia đình là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ”.
Sự rắc rối pháp lý bắt đầu xuất hiện từ Luật Đất đai năm 1993, khi đã “phát minh” ra Hộ gia đình là một trong những chủ thể sử dụng đất, bên cạnh các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và cá nhân. Gắn liền với việc này là quy định về Hộ gia đình là một trong những đối tượng nộp thuế theo Luật Thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 1994. Đặc biệt, từ khi Bộ luật Dân sự năm 1995 chính thức ghi nhận Hộ gia đình là một chủ thể pháp lý tham gia quan hệ dân sự, thì mới thực sự gây ra nhiều khó khăn, rắc rối, nhiễu loạn các quan hệ pháp luật. Sau quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 và năm 2005, Hộ gia đình đã như một thứ “dịch bệnh lây lan” ra hàng loạt đạo luật khác và các văn bản dưới luật.
Cho đến tháng 5-2012, đã có tới 52 đạo luật nhắc đến Hộ gia đình, trong đó có 12 đạo luật đã hết hiệu lực và 40 đạo luật đang có hiệu lực (xem Phụ lục 01: Danh mục các đạo luật đề cập đến Hộ gia đình).
Trong khi các chủ thể khác tham gia quan hệ dân sự đều được xác định một cách cụ thể, rõ ràng, nhưng cho đến nay vẫn không có cơ sở pháp lý để xác định thế nào là Hộ gia đình.
2. Về Hộ gia đình tham gia quan hệ dân sự:
Điều 106 về “Hộ gia đình”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này.”

Theo quy định trên, khi tham gia vào quan hệ dân sự, thì Hộ gia đình phải có phải có đủ 3 điều kiện sau đây:
- Thứ nhất, phải là Hộ gia đình “mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định”, chứ mọi Hộ gia đình nói chung không đương nhiên là chủ thể trong quan hệ dân sự;
- Thứ hai, chỉ khi Hộ gia đình “tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực” để “hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định”. Như vậy, chỉ trong các quan hệ sản xuất, kinh doanh như vay vốn, mua vật tư nguyên liệu sản xuất,… của gia đình, thì mới có sự tham gia của chủ thể Hộ gia đình. Còn, nếu như tham gia vào các hoạt động khác, chẳng hạn như mua bán xe ô hoặc mua bán nhà ở tô không vì mục đích kinh doanh, thì không xuất hiện ch thể Hộ gia đình trong quan hệ dân sự. Đây là một điều vô lý, vì khi cũng là tài sản chung và giao dịch liên quan đến tài sản chung của Hộ gia đình, nhưng lại không phải là giao dịch của Hộ gia đình. Tất nhiên các điều khoản liên quan khác thì lại vẫn quy định việc định đoạt ài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của Hộ gia đình thì vẫn phải được các thành viên đồng ý;
- Thứ ba, các thành viên Hộ gia đình “có tài sản chung”, nhưng không phải là bất cứ tài sản nào, mà chỉ trong trường hợp có tài sản chung theo quy định tại Điều 108 về “Tài sản chung của hộ gia đình”, Bộ luật Dân sự năm 2005 như sau: “Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ.” Tuy nhiên, điều khó khăn là, ngoài tài sản chung là “quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình”, thì không biết căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để xác định được những tài sản nào khác là “tài sản chung của Hộ gia đình”.
Như vậy, cùng một tài sản, nhưng chủ thể tham gia giao dịch, lúc này thì là là cá nhân, nhưng lúc khác lại phải là Hộ gia đình, mặc dù không hề có bất cứ sự thay đổi nào về chủ sở hữu. Ngoài ra, cũng khó có thể tách bạch giữa tài sản của Hộ gia đình sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh với tài sản để sinh hoạt.
Và theo quy định của Bộ luật Dân sự thì chủ thể Hộ gia đình trong quan hệ dân sự chỉ áp dụng trong một số giao dịch sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Điều 106 nói trên. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực khác đã mở rộng chủ thể Hộ gia đình vượt quá quy định nền tàng của Bộ luật Dân sự, đưa chủ thể quan hệ dân sự này vào rất nhiều giao dịch khác, như: Vay vốn ngân hàng, mua bán điện nước sinh hoạt,…
3. Về đại diện của Hộ gia đình trong quan hệ dân sự:
Điều 107 về “Đại diện của hộ gia đình”, Bộ luật Dân sự quy định:
1. Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ.
Chủ hộ có thể uỷ quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự.
2. Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình.”
Theo quy định trên, thì chủ Hộ gia đình đương nhiên là người đại diện của hộ gia dình để xác lập các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Người đại diện có thể là chủ Hộ gia đình được ghi tên trên Sổ hộ khẩu hoặc là người được người chủ Hộ gia đình đó uỷ quyền. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 109 về “Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình”, thì chủ Hộ gia đình không đương nhiên có quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, mà còn phải đáp ứng được một số điều kiện như sau:
1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.
2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.”
Tuy nhiên, Điều 146 về “Hợp đồng về quyền sử dụng đất”, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ về Thi hành Luật Đất đai thì lại quy định: “Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng chung của hộ gia đình phải được tất cả các thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình đó thống nhất và ký tên hoặc có văn bản uỷ quyền theo quy định của pháp luật về dân sự.” Như vậy, theo pháp luật đất đai, thì giao dịch của Hộ gia đình chỉ đòi hỏi các thành viên từ đủ 18 tuổi trở lên, trong khi Bộ luật Dân sự thì yêu cầu các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên. Điều khó hiểu là ở chỗ, mặc dù Nghị định này đã được sửa đổi, bổ sung tới 6 lần, nhưng vẫn giữ nguyên về điều kiện tham gia của thành viên Hộ gia đình đủ 18 tuổi rõ ràng mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự.
Ngoài đất đai đã được quy định tại Luật Đất đai năm 2003, còn lại những tài sản khác, thì không có căn cứ pháp lý để xác định thế nào là “tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình”. Chỉ có quy định tài sản phải có hay không có giấy chứng nhận quyền sở hữu, chứ chưa có quy định thế nào là có giá trị lớn. Thậm chí đối với tài sản là tiền gửi tiết kiệm, thì pháp luật chuyên ngành ngân hàng không hề căn cứ vào mối quan hệ vợ chồng, gia đình,… mà khẳng định luôn: “Chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là người đứng tên trên thẻ tiết kiệm” và “Đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là 2 cá nhân trở lên cùng đứng tên trên thẻ tiết kiệm” (khoản 3 và 4, Điều 6 về “Giải thích từ ngữ”, Quy chế về Tiền gửi tiết kiệm, ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
4. Về trách nhiệm của Hộ gia đình trong quan hệ dân sự:
Trong quan hệ dân sự, Hộ gia đình phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 110 về “Trách nhiệm dân sự của hộ gia đình”, Bộ luật Dân sự như sau:
1. Hộ gia đình phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện nhân danh hộ gia đình.
2. Hộ gia đình chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của hộ; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình.”
Khoản 2, Điều 107 như đã đề cập ở trên cũng quy định “Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình.” Tuy nhiên, nếu không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 109 nói trên, thì có thể dẫn đến giao dịch dân sự vô hiệu và Hộ gia đình không phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 110 nói trên.
5. Về thành viên của Hộ gia đình:
Muốn xác định được Hộ gia đình có đủ điều kiện để tham gia các giao dịch dân sự một cách hợp pháp và phải chịu trách nhiệm hay không, thì việc quan trọng nhất là phải xác định được các thành viên của Hộ gia đình. Đáng tiếc, vấn đề mấu chốt này lại là một điều thách đố, nguy hiểm và nhức nhối trên thực tế, vì không có căn cứ pháp lý để khẳng định những người nào là thành viên của Hộ gia đình.
Trên thực tế, thường xác định các thành viên của Hộ gia đình dựa vào Sổ hộ khẩu gia đình, mặc dù, Sổ hộ khẩu không phải là căn cứ pháp lý để xác định quyền và nghĩa vụ chung của các thành viên, mà để phục vụ cho mục đích quản lý nhân khẩu thường trú. Thành viên đăng ký trong Sổ hộ khẩu thường xuyên có biến động do việc tách, nhập hộ; nhập cắt, chuyển khẩu do sinh, tử, di chuyển, thậm chí đăng ký cư trú nhờ,… Theo quy định tại Điều 19 về “Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh”, Luật Cư trú năm 2006, thì ai cũng có thể được đăng ký vào Sổ hộ khẩu của gia đình khác, chỉ cần người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà đồng ý bằng văn bản. Riêng việc nhập vào Sổ hộ khẩu tại thành phố trực thuộc trung ương thì đòi hỏi có thêm điều kiện về quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng hoặc họ hàng ruột thịt.
Do vậy, để xác định thành viên Hộ gia đình làm cơ sở cho giao dịch dân sự theo đúng quy định của pháp luật, thì thường phải phát huy hết khả năng suy đoán để tìm ra mọi tình huống có thể. Chẳng hạn, khi giao dịch bất động sản (bao gồm đất đai, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất) của Hộ gia đình, thì thường phải xác định như sau:
- Thứ nhất, phải xác định thành viên của Hộ gia đình là tất cả những người có tên trong Sổ hộ khẩu tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận bất động sản. Không có cơ sở pháp lý để loại trừ những người cùng chung hộ khẩu, mặc dù là người ngoài cuộc, người ở nhờ không phải là thành viên đồng sở hữu tài sản chung của Hộ gia đình. Trường hợp không còn Sổ hộ khẩu tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận bất động sản, thì phải căn cứ vào những bằng chứng pháp lý khác như văn bản xác nhận của UBND hoặc Công an nơi đăng ký hộ khẩu về các nhân khẩu của Hộ gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận bất động sản;
- Thứ hai, phải xác định thành viên của Hộ gia đình là tất cả những người có tên trong Sổ hộ khẩu tại thời điểm thực hiện giao dịch. Không có cơ sở pháp lý để chỉ công nhận các thành viên Hộ gia đình có tên trong Sổ hộ khẩu tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận bất động sản và tước quyền của những người có tên trong Sổ hộ khẩu sau thời điểm đó. Và cũng như trên, không có cơ pháp lý để loại trừ những người không phải là thành viên đồng sở hữu tài sản của Hộ gia đình.
- Thứ ba, phải xác định người ký giao dịch hoặc văn bản đồng ý với việc giao dịch gồm tất cả các thành viên đủ 15 tuổi trở lên (hoặc là đủ 18 tuổi trở lên theo pháp luật đất đai) trong Sổ hộ khẩu có quan hệ hôn nhân (vợ – chồng), quan hệ huyết thống (cha mẹ đẻ – con, ông bà nội ngoại – cháu ruột, anh – chị – em ruột,…), quan hệ nuôi dưỡng (cha mẹ nuôi – con nuôi) và quan hệ khác nữa, mà cùng có quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản chung tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận bất động sản cũng như tại thời điểm thực hiện giao dịch. Đồng thời, còn phải xác định người ký còn bao gồm cả những người khác thực sự là thành viên của Hộ gia đình, nhưng lại không có tên trong Sổ hộ khẩu ở cả hai thời điểm được cấp Giấy chứng nhận bất động sản và tại thời điểm giao dịch. Không đủ cơ sở pháp lý để loại trừ người không có tên trong Sổ hộ khẩu, vì đã tách hộ khẩu hoặc chưa nhập khẩu vào Hộ gia đình, vì điều đó không đồng nghĩa với việc họ đã mất quyền đối với quyền sở hữu tài sản chung của Hộ gia đình. Mặc dù, nếu họ không có tên trong Sổ hộ khẩu, thì cũng khó có cơ sở pháp lý để yêu cầu ký vào văn bản liên quan, nhất là các giao dịch bắt buộc phải công chứng Bên cạnh đó, nếu người có tên trong Sổ hộ khẩu nhưng không thực sự là thành viên Hộ gia đình, thì cũng không có cơ sở pháp lý để loại bỏ họ. Vì vậy vẫn buộc phải đưa họ vào trực tiếp tham gia giao dịch, không thì cũng phải yêu cầu họ lập cam kết không liên quan đến tài sản. Vì vấn đề quá rắc rối như vậy, nên hầu như phải phó thác và chỉ còn biết thực hiện theo yêu cầu hay hướng dẫn của từng địa phương và của các công chứng viên. Ví dụ như theo Công văn liên ngành số 02/CVLN-STP-NHNNCNQN của Sở Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh ngày 04-11-2009 về việc trả lời những vướng mắc trong công chứng, chứng thực (xem Phụ lục 02: Công văn số 02/CVLN-STP-NHNNCNQN V/v Trả lời những vướng mắc trong công chứng, chứng thực).
Vì không có cơ sở pháp lý thống nhất để xác định thành viên của Hộ gia đình, cho nên trên thực tế, mỗi công chứng viên, mỗi tổ chức công chứng lại suy luận và “quyết” một kiểu thủ tục khác nhau khi chứng nhận giao dịch hợp đồng liên quan đến tài sản của Hộ gia đình. Xin nêu ra một vụ việc thế chấp cụ thể vừa xảy ra cuối tháng 5-2012 tại Maritime Bank, đối với 1 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ ông Nguyễn Văn Tr., liên quan đến 3 cuốn Sổ hộ khẩu khác nhau (xem Phụ lục 03: Hồ sơ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tr.):
- Năm 1992, ông Nguyễn Văn Tr. kết hôn với bà Nguyễn Thị T;
- Năm 2001, Sổ hộ khẩu gia đình được TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cấp cho chủ hộ là bà Nguyễn Thị Th. Tổng số có 7 thành viên trong Sổ hộ khẩu và có quan hệ với chủ hộ như sau: Ông Nguyễn Th., sinh năm 1949, là chồng; anh Nguyễn Kh., sinh năm 1984, là con; anh Nguyễn N., sinh năm 1990, là con; ông Nguyễn Văn Tr., sinh năm 1966, là em; ông Nguyễn Văn C., sinh năm 1974, là em và bà Phí Thị Th., sinh năm 1974, là em dâu và ông Nguyễn Văn Tr., là em;
- Năm 2004, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích 2.236m2 đất thổ cư và cây lâu năm, được UBND huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cấp cho “Hộ: Nguyễn Văn Tr.”;
- Năm 2005, Sổ hộ khẩu gia đình khác được TP Vũng Tàu cấp cho vợ ông Nguyễn Văn Tr., chủ hộ là bà Nguyễn Thị T., sinh năm 1970. Tổng số có 5 thành viên trong Sổ hộ khẩu và có quan hệ với chủ hộ như sau: Cháu Nguyễn Thị Thảo H., sinh năm 1995, là con; cháu Nguyễn Thị Thảo Ng., sinh năm 2002, là con; anh Nguyễn Văn Đg., sinh năm 1974, là em và anh Nguyễn Văn Đ., sinh năm 1971, là em;
- Năm 2008, Sổ hộ khẩu khác nữa được TP Vũng Tàu cấp cho một mình chủ hộ là ông Nguyễn Văn Tr., không có thành viên khác.
- Năm 2011, quyền sử dụng đất cấp cho Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tr. nói trên được thế chấp để vay vốn tại ngân hàng Hợp đồng thế chấp chỉ có 2 vợ chồng ông Nguyễn Văn Tr. và bà Nguyễn Thị T. ký, đã được công chứng và đăng ký thế chấp.
- Năm 2012, khi ký lại hợp đồng thế chấp nói trên, thì chúng tôi mới phát hiện ra: Vì đất cấp cho Hộ gia đình, cho nên phải được tất cả các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên (theo quy định của Bộ luật Dân sự) hay chí ít là đủ 18 tuổi trở lên (theo quy định của pháp luật đất đai) của Hộ gia đình đồng ý.
Do ông Nguyễn Văn Tr., có vợ con có kết hôn hợp pháp và lại có tên trong 2 Sổ hộ khẩu khác nhau tại 2 thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (năm 2004) và tại thời điểm thế chấp (năm 2012), nên có tổng cộng 11 người nằm trong Hộ gia đình có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến quyền sử dụng đất của Hộ ông Nguyễn Văn Tr.. Trong số đó, có 7 người trong 1 Sổ hộ khẩu tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 5 người trong 2 Sổ hộ khẩu tại thời điểm thế chấp. Vấn đề nan giải là, xác định các thành viên thật sự của Hộ gia đình tham gia và quan hệ pháp luật này là những ai? Phải có sự đồng ý của 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 hay cả 11 người có tên trong 3 Sổ hộ khẩu (bằng chứng pháp lý của Hộ gia đình), mà ông Nguyễn Văn Tr., là một thành viên trong đó, thì mới đúng pháp luật? Xét về pháp lý, có khả năng xảy ra 11 tình huống khác nhau dưới đây:
- Gồm có 11/11 người có tên trong 3 Sổ hộ khẩu năm 2001, 2005 và 2008 (do bà Th., bà T. và ông Tr. làm chủ hộ), vì cả 11 người này đều là thành viên Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. tại 2 thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tại thời điểm thế chấp;
- Gồm có 10/11 người có tên trong 3 Sổ hộ khẩu năm 2001, 2005 và 2008 (do bà Th., bà T. và ông Tr, làm chủ hộ), vì cả 11 người này đều là thành viên Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. tại 2 thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tại thời điểm thế chấp, nhưng loại trừ 1 cháu chưa đủ 15 tuổi tại thời điểm thế chấp;
- Gồm có 9/11 người có tên trong 3 Sổ hộ khẩu năm 2001, 2005 và 2008 (do bà Th., bà T. và ông Tr. làm chủ hộ), vì cả 11 người này đều là thành viên Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. tại 2 thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tại thời điểm thế chấp, nhưng loại trừ 2 cháu chưa đủ 18 tuổi tại thời điểm thế chấp;
- Gồm có 8/11 người có tên trong 3 Sổ hộ khẩu năm 2001, 2005 và 2008 (do bà Th., bà T. và ông Tr. làm chủ hộ), vì cả 11 người này đều là thành viên Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. tại 2 thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tại thời điểm thế chấp, nhưng loại trừ có 3 người, gồm 2 cháu chưa đủ 18 tuổi tại thời điểm thế chấp và 1 cháu chưa đủ 15 tuổi tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Gồm có 7/7 người có tên trong 1 Sổ hộ khẩu năm 2001 (do bà Th. làm chủ hộ), vì cả 7 người này đều là thành viên Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đến thời điểm thế chấp đều đã trên 18 tuổi;
- Gồm có 6/7 người có tên trong 1 Sổ hộ khẩu năm 2001 (do bà Th. làm chủ hộ), vì cả 7 người này đều là thành viên Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng loại trừ 1 người có quan hệ là em dâu;
- Gồm có 5/6 người có tên trong 2 Sổ hộ khẩu năm 2005 và năm 2008 (do bà T. và ông Tr. làm chủ hộ), vì cả 6 người đều là thành viên của 2 Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. và Hộ gia đình của vợ con ông, tại thời điểm thế chấp, nhưng loại trừ 1 người, chưa đủ 15 tuổi tại thời điểm thế chấp;
- Gồm có 4/6 người trong 2 Sổ hộ khẩu năm 2005 và năm 2008 (do bà T. và ông Tr. làm chủ hộ), vì cả 6 người đều là thành viên của 2 Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. và Hộ gia đình của vợ con ông, tại thời điểm thế chấp, nhưng loại trừ 2 người con chưa đủ 18 tuổi tại thời điểm thế chấp;
- Gồm có 3/6 người trong 2 Sổ hộ khẩu năm 2005 và năm 2008 (do bà T. và ông Tr. làm chủ hộ), vì cả 6 người đều là thành viên của 2 Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. và Hộ gia đình của vợ con ông, tại thời điểm thế chấp, nhưng loại trừ 3 người, gồm 1 người con chưa đủ 15 tuổi vào thời điểm thế chấp và 2 người em chỉ là người đăng ký nhờ hộ khẩu, chứ không phải là thành viên có quyền đối với tài sản của Hộ gia đình;
- Gồm có 2/6 người trong 2 Sổ hộ khẩu năm 2001 và năm 2008 (do bà T. và ông Tr. làm chủ hộ), vì cả 6 người đều là thành viên của 2 Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. và Hộ gia đình của vợ con ông, tại thời điểm thế chấp, nhưng loại trừ 4 người, gồm 2 người con chưa đủ 18 tuổi vào thời điểm thế chấp và 2 người em chỉ là người đăng ký nhờ hộ khẩu, chứ không phải là thành viên có quyền đối với tài sản của Hộ gia đình (tức chỉ có 2 vợ chồng ông Tr. là thành viên của hộ gia đình đủ 18 tuổi trở lên);
- Gồm có 1/1 người trong Sổ hộ khẩu gia đình năm 2008 (đứng tên một mình ông Tr.), vì chỉ có một mình ông Nguyễn Văn Tr. trong Sổ hộ khẩu tại thời điểm thế chấp và Sổ hộ khẩu năm 2001 có hiệu lực vào thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2004 tuy có 7 thành viên, nhưng thì ông Tr. chỉ đăng ký nhờ hộ khẩu, nên các thành viên khác của Hộ gia đình không có liên quan gì đến quyền quyền sử dụng đất.
Dù có biết rõ là phần lớn trong số 11 người nói trên không có quyền đối với quyền sử dụng đất, nhưng đó chỉ là suy đoán cảm tính, chứ không có cơ sở pháp lý chắc chắn. Để bảo đảm về pháp lý, tránh nguy cơ bị vô hiệu, thì đương nhiên là phải bắt cả 11 người ký vào hợp đồng thế chấp. Nếu ai không ký vào hợp đồng thế chấp, thì ký vào giấy uỷ quyền thế chấp. Nếu ai không ký vào giấy uỷ quyền thế chấp, thì ký văn bản cam kết không liên quan, không khiếu nại, thắc mắc gì,… Tóm lại là Bộ luật Dân sự bắt người ta phải lôi tất tật mọi thành viên vào, từ người giúp việc cho đến người ở nhờ đã được đăng ký vào hộ khẩu, từ thân bằng gia quyến trưởng thành cho đến con cháu chưa thành niên, từ người đang sinh sống ở trong nước, cho đến người đã ra cư trú tại nước ngoài, từ người còn sống cho đến người đã chết (tìm người thừa kế ký thay).
Vì pháp luật không quy định rõ, nên mỗi công chứng viên, mỗi tổ chức công chứng suy luận và “quyết” một kiểu thủ tục khác nhau khi chứng nhận giao dịch hợp đồng liên quan đến tài sản của Hộ gia đình. Vì vậy, trong lĩnh vực ngân hàng, cứ 10 giao dịch thế chấp tài sản liên quan đến Hộ gia đình, thì có tới 9 vụ rơi vào tình trạng mông lung, không chắc chắn, không yên tâm, dù đã được công chứng.
6. Những vướng mắc khác liên quan đến Hộ gia đình:
Xét về bản chất, chỉ có trường hợp Nhà nước giao đất nông nghiệp, thì mới xuất hiện chủ thể giao đất cho Hộ gia đình. Tuy nhiên Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn đã nhập nhèm quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với rất nhiều loại đất cho Hộ gia đình, trong khi đó là đất thuộc quyền sử dụng của một cá nhân hay của hai vợ chồng. Ví dụ đất do 1 cá nhân nhận chuyển nhượng hoặc đất thổ cư từ lâu đời cũng “bị” cấp “sổ đỏ” cho cả Hộ gia đình (xem Phụ lục 04 và 05: Đất ở và đất nhận chuyển nhượng cấp cho Hộ gia đình).
Hộ gia đình sử dụng đất không phải là đất thuê chỉ có quyền: “Thế chấp, bảo lãnh[1] bằng quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế hoặc cá nhân để vay vốn sản xuất, kinh doanh” (khoản 7, Điều 113 về “Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không phải là đất thuê”). Nghĩa là Hộ gia đình không được phép thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm cho nghĩa vụ vay vốn hay mua vật tư, phân bón của cá nhân, tổ chức phi tín dụng để sản xuất, kinh doanh hoặc không được thế chấp tại các tổ chức tín dụng để làm việc khác như xây nhà, chữa bệnh, học tập,…
7. 3 kiến nghị pháp lý về Hộ gia đình:
3.1. Cần phải giải thích rõ việc xác định Hộ gia đình để giải quyết hậu quả pháp lý đối với những hành vi pháp lý liên quan đến Hộ gia đình trong 40 đạo luật hiện hành như đã được đề cập đến trong bản tham luận này. Theo đó, Hộ gia đình bao gồm những thành viên nào, thời điểm xác định và quan hệ giữa thành viên với tài sản của Hộ gia đình như thế nào? Việc này nhằm tránh khỏi tình trạng vướng mắc trong quá trình giao dịch mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, trao đổi, góp vốn quyền sử dụng đất (cũng như nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) lâu nay là: Không thể biết được rằng phải có sự đồng ý của những ai, vì không có cách nào khẳng định chính xác những ai có quyền thật sự đối với quyền sử dụng đất trong trong Hộ gia đình và tài sản. Từ hộ kinh doanh gồm từ một đến vài người hay tổ hợp tác gồm một số người cho đến pháp nhân với hàng nghìn người, thì cũng chỉ cần 1 người đại diện giao dịch là hợp pháp, còn Hộ gia đình thì lại phải đòi hỏi tất cả thành viên đồng ý, mà điểm mấu chốt thì lại không có căn cứ pháp lý để xác định những ai là thành viên Hộ gia đình.
Đã 20 năm trôi qua, kể từ khi Hộ gia đình được đưa vào thành một chủ thể trong Luật Đất đai mà vẫn không hướng dẫn được nó là cái gì, thì đến nay cũng không có hy vọng làm được việc này.
3.2. Cần phải ghi rõ họ tên của tất cả những người có quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (kể cả đã cấp trước đây) thay vì chỉ ghi tên một người chủ hộ hoặc chủ hộ là 2 vợ chồng trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất, để tránh những hậu quả pháp lý vô cùng rắc rối, phức tạp và nguy hại, đã, đang và sẽ xảy ra trong nhiều chục năm nữa. Đối với tài sản của Hộ gia đình là đất đai và những tài sản khác có giấy chứng nhận quyền sở hữu, thì đương nhiên phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu như đã được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình,… chứ chủ Hộ gia đình không thể có vai trò pháp lý quyết định hơn so với các thành viên khác của Hộ gia đình. Còn đối với tài sản của Hộ gia đình không phải là đất đai và những tài sản khác không có giấy chứng nhận quyền sở hữu, thì chỉ cần một người đại diện cho Hộ gia đình giao kết xưa nay vẫn được pháp luật công nhận hiệu lực..
Làm được việc này sẽ tránh khỏi tình trạng quy định bất khả thi như hiện nay, đồng thời cũng gián tiếp loại trừ chủ thể Hộ gia đình ra khỏi quan hệ dân sự. Ngoài ra, nếu ghi rõ tên các cá nhân liên quan, chắc chắn sẽ phát hiện ra nhiều trường hợp đã cấp sai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Hộ gia đình, mà đáng lẽ ra phải cấp cho 1 cá nhân hoặc cho 2 vợ chồng.
3.3. Giải pháp lâu dài, cơ bản và hợp lý nhất là cần phải loại bỏ Hộ gia đình, với tư cách là một chủ thể trong quan hệ dân sự trong Bộ luật Dân sự cũng như chủ thể sử dụng đất trong Luật Đất đai. Từ đó, cần bỏ hết chủ thể Hộ gia đình trong các quan hệ dân sự khác. Trong pháp luật hôn nhân, gia đình, thì đã có khái niệm gia đình. Trong pháp luật kinh doanh, thương mại, thì đã có chủ thể thay thế là Hộ kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Chỉ còn một số trường hợp thật đặc biệt cần phân biệt một cách tương đối như trong một số quan hệ hành chính, thì vẫn có thể sử dụng khái niệm Hộ gia đình.
Không thể duy trì chế định Hộ gia đình nói chung, quyền sử dụng đất của Hộ gia đình nói riêng một cách tù mù và bế tắc như chế định sở hữu toàn dân hay sở hữu nhà nước về đất đai.
——————————————-

Phụ lục 01
DANH MỤC CÁC ĐẠO LUẬT ĐỀ CẬP ĐẾN HỘ GIA ĐÌNH
1. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1990 (luật gốc năm 1981 chưa nhắc đến Hộ gia đình).
2. Luật Đất đai năm 1993 (Luật Đất đai năm 1987 trước đó chưa nhắc đến Hộ gia đình).
3. Luật Thuế Chuyển quyền sử dụng đất năm 1994 (hết hiệu lực).
4. Bộ luật Dân sự năm 1995 (hết hiệu lực).
5. Luật Hợp tác xã năm 1996.
6. Luật Thuế giá trị gia tăng năm 1997 (hết hiệu lực, Luật Thuế GTGT năm 2008 hiện hành không nhắc đến Hộ gia đình).
7. Luật Thương mại năm 1997.
8. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1998 (hết hiệu lực).
9. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Chuyển quyền sử dụng đất năm 1999 (hết hiệu lực).
10. Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 (Luật Hôn nhân gia đình năm 1986 trước đó chưa nhắc đến Hộ gia đình).
11. Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001.
12. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2001 (hết hiệu lực).
13. Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002.
14. Luật Đất đai năm 2003.
15. Luật Hợp tác xã năm 2003.
16. Luật Thi đua khen thưởng năm 2003.
17. Luật Thống kê năm 2003.
18. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2003 (hết hiệu lực).
19. Luật Thuỷ sản năm 2003.
20. Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 (luật trước đó không nhắc đến Hộ gia đình).
21. Luật Xây dựng năm 2003.
22. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.
23. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2003 (hết hiệu lực).
24. Bộ luật Dân sự năm 2005.
25. Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.
26. Luật Đầu tư năm 2005.
27. Luật Nhà ở năm 2005.
28. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản (Luật gốc năm 1996 chưa nhắc đến Hộ gia đình) năm 2005.
29. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005.
30. Luật Bình đẳng giới năm 2006.
31. Luật Cư trú năm 2006.
32. Luật Điện ảnh năm 2006.
33. Luật Quản lý thuế năm 2006.
34. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2007 (hết hiệu lực).
35. Luật Hoá chất năm 2007.
36. Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007.
37. Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007.
38. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2007.
39. Luật Bảo hiểm y tế năm 2008.
40. Luật Đa dạng sinh học năm 2008.
41. Luật Trưng dụng, trưng mua tài sản năm 2008.
42. Luật Dân quân tự vệ năm 2009.
43. Luật Người cao tuổi năm 2009.
44. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (Luật Xây dựng năm 2003, Luật Đất đai năm 2003, Luật Đấu thầu năm 2005, Luật Nhà ở năm 2005 và Luật Doanh nghiệp năm 2005) năm 2009.
45. Luật Thuế tài nguyên năm 2009.
46. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
47. Luật Khoáng sản năm 2010.
48. Luật Người khuyết tật năm 2010.
49. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010.
50. Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010.
51. Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010.
52. Luật Tố tụng hành chính năm 2010.

[1] Theo tinh thần của Bộ luật Dân sự, thì hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất được thay thế bằng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm nghĩa vụ dân sự cho người khác. Tuy nhiên, hiện nay Toà án cho rằng vẫn phải là hợp đồng bảo lãnh.
Nguồn: Hội thảo Các quy định về chủ thể, giao dịch, và đại diện trong Bộ luật Dân sự năm 2005 – Định hướng sửa đổi, bổ sung – Bộ Tư pháp và KAS (CHLB Đức), Hà Nội 5-6/6/2012

THỰC TIỄN THI HÀNH LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH: TRUY NHẬN CHA CHO CON, KHÓ TRĂM BỀ

Vụ án nào cũng có những khó khăn dù ít dù nhiều cho người tiến hành xét xử khi phải thu thập, xem xét, đánh giá chứng cứ.
Với những vụ “truy nhận cha cho con” thì việc xét xử lại càng khó trăm bề.
Trước hết là về mặt chứng cứ. Nếu trong một giao dịch dân sự bình thường nào đó, các bên có thể tiến hành công khai, minh bạch, có giấy trắng, mực đen, có thể có thêm người làm chứng thì những sự vụ như thế này, thường chỉ có người trong cuộc biết rõ với nhau mà thôi.
Chứng cứ mù mờ, gánh nặng giám định
Phần lớn những vụ truy nhận cha cho con bắt nguồn từ một mối quan hệ oái oăm, chẳng hạn người đàn ông ngoại tình khi đang có gia đình. Đối với những vụ việc này, tòa căn cứ vào lời khai và các chứng cứ khác để chứng minh họ có quan hệ tình cảm như thư từ, email, hình ảnh… Tuy nhiên, từ quan hệ tình cảm để khẳng định có quan hệ tình dục để sinh ra đứa bé thì không có một căn cứ nào đảm bảo.
Nếu người cha sau khi được tòa phân tích, thấy được trách nhiệm của mình thì vụ việc còn có thể kết thúc tốt đẹp, bằng không thì đành phải cậy nhờ vào các giám định khác để làm căn cứ xét xử. Một biện pháp phổ biến mà ai cũng nghĩ ngay đến là xét nghiệm ADN. Nhưng chi phí để làm thủ tục xét nghiệm là cả một vấn đề lớn đối với không ít phụ nữ. Ngày nay, chi phí đã giảm khá nhiều (tương đương 10 triệu đồng) mà không ít phụ nữ còn không thể có để ứng ra, nói gì đến trước đây. Bao nhiêu trường hợp sau khi nhận được thông báo của tòa, người mẹ đó chỉ biết ngậm ngùi ôm con về buông xuôi mọi chuyện, chấp nhận con mình không có cha và đứa trẻ buộc phải chấp nhận rằng trong khai sinh của nó có một phần trống ở ô “tên họ người cha” cũng như một khoảng trống trong tâm hồn do thiếu vắng vai trò của người đã tạo ra mình.
Đương sự trốn, từ chối xét nghiệm
Nhiều trường hợp, người mẹ có đủ tiền xét nghiệm ADN nhưng rồi cũng không thể tiến hành để có kết quả cho tòa xét xử bởi người cha đã “nhấn nút” biến mất.

Tôi đang theo đuổi một vụ truy nhận cha cho con mà người cha trong vụ việc đã biến mất ngay khi nghe tin có một đứa trẻ đang tượng hình mang huyết thống của mình. Cô gái trong hoàn cảnh đó một mình sinh con, nuôi nấng và quyết tâm tìm cha cho con.
Nhìn lại, cô cho rằng đó là một thủ đoạn vì người tình giấu nhẹm tất cả, không chịu chụp bất kỳ tấm ảnh chung nào và bỏ việc ngay khi cô thông báo có thai để lẩn trốn. Qua nhiều khó khăn, cô gái đã tìm được thông tin gia đình cha của con mình. Họ là một gia đình có học thức và khá thành đạt ở huyện Châu Thành (Tiền Giang), cũng giống người đã phụ bạc mẹ con cô – một người đàn ông thành đạt, có học vị thạc sĩ. Cô đã đến nơi xin gia đình khuyên lơn để cha bé nhận con nhưng gia đình vẫn cứ trốn tránh trách nhiệm và giấu bặt thông tin con mình. Họ chỉ gửi cho cô vài hộp sữa nuôi cháu rồi sau đó lại thôi.
Tôi hỏi cô có thấy ngại ngùng không khi người khác biết chuyện này và có thể có cái nhìn không đúng về cô. Cô nói mình không ngại gì cả. Người đáng xấu hổ là người cha đã đành tâm dứt bỏ con mình và cái gia đình không dám nhận con, nhận cháu. Tôi vẫn đang cùng cô ấy truy tìm thông tin cha của đứa trẻ để có thể hoàn tất thủ tục nhận con. Khó khăn nhiều và đau lòng cũng lắm khi phải làm điều này nhưng vẫn phải làm vì có một đứa trẻ đang cần biết cha nó là ai. Dù sau khi tòa tuyên cha nó có trách nhiệm với nó hay không thì nó cũng cần biết người đã bỏ rơi nó trên cõi đời này mà không hề đếm xỉa tới.
Ngay cả trong trường hợp tìm ra người cha, có người còn không chịu tiến hành xét nghiệm ADN. Lúc đó, mọi thứ lại không thể giải quyết được vì luật không quy định rằng trong trường hợp này phải xử lý như thế nào. Tòa không thể buộc họ phải phối hợp để xét nghiệm.
Người thân bất hợp tác
Trường hợp người cha còn sống đã khó khăn như vậy thì trong trường hợp người này đã mất, chuyện truy nhận cha lại càng lắm nhiêu khê.
Trong một vụ hai người con xin truy nhận cha tại TP.HCM mà tôi có dịp tiếp xúc, người cha đã mất, anh chị em của người này thì trước sau luôn khăng khăng chối bỏ và từ chối giám định ADN. Vị chủ tọa phiên tòa hôm đó đã đặt một câu hỏi khiến cả khán phòng im bặt. Ông nói với một người chú: “Khỏi cần giám định ADN, ông nhìn thử xem dáng vóc, hình thể của họ có giống người nhà ông không? Ông hỏi thử những người ở phiên tòa này xem người ta nói thế nào?”…
Sau một hồi im lặng, cả khán phòng chợt râm ran: “Giống quá, giống quá!”. Thật sự thì người cháu trai của họ giống y đúc chú bác của mình. Cả cái dáng đứng, nét mặt, đôi mắt, ai nhìn cũng thấy rất rõ. Dù vậy, những người chú, người bác vẫn quyết lạnh lùng ngoảnh mặt.
Trong phiên xử hôm ấy, tòa chưa quyết định được. Nhưng với những gì đã diễn ra, tôi tin rằng nếu kết quả có như thế nào thì những người chú, người bác cũng nói rằng họ không tin kết quả, không bao giờ thừa nhận cháu.
Khoảng trống mênh mông!
Vất vả, gian nan là thế nhưng một người mẹ dù đã hoàn tất thủ tục nhận cha cho con cũng không thể nào tìm được cho con mình một người cha thật sự. Cái họ được chỉ là một quyết định của tòa, một tên cha được cải chính trong giấy khai sinh, còn tình cha con, nghĩa dưỡng dục thì không. Nếu tòa quyết là người cha phải trợ cấp nuôi con thì họ sẽ thực hiện, còn chăm nom, nuôi dạy, dành cho con trẻ một sự quan tâm, yêu thương như một người cha bình thường thì hầu như không thể.
Chắc có người sẽ trách người mẹ của những đứa con không được thừa nhận. Có người sẽ cho rằng vì họ không biết giữ mình, không xem xét tường tận mà tạo ra đứa bé không được đường hoàng, chính thức. Nhưng khoan hãy đổ dồn mọi lỗi lầm lên người phụ nữ vì dù thế nào, họ cũng đang bảo bọc, chăm lo con mình và đương đầu với bao điều tiếng. Trong khi đó, người đàn ông mà họ tin tưởng, thương yêu lại nỡ đang tâm phụ bạc, dứt bỏ tình thân. Vậy ai mới là người đáng trách hơn ai?
Là người, ai cũng cần biết nguồn, biết cội!
Tham gia một phiên tòa, tôi thấy xót lòng khi nghe câu hỏi từ một người ở hàng ghế xét xử: “Sao lúc cha còn sống, cô không yêu cầu truy nhận cha? Bây giờ cha cô chết rồi, cô đòi nhận cha có phải vì muốn quyền thừa kế hay không?”. Cô gái ở phía bên yêu cầu truy nhận cha trả lời rành rọt, không va vấp, không luống cuống như những câu trả lời khác của cô tại phiên tòa nhưng trong giọng nói có phần uất nghẹn: “Tôi là đứa con sinh ra không có cha. Đến khi lớn lên, tôi phải lén lút gặp cha mà không được công khai như người khác. Giờ cha tôi chết rồi, tôi cũng muốn được xem ông là cha, được thờ cúng như một người con. Con người ai cũng cần biết nguồn, biết cội, biết cha, biết mẹ mà!”.

Nguồn: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

TÁI CẤU TRÚC NGÂN HÀNG – MỘT TRONG BA TRỤ CỘT CỦA QUÁ TRÌNH TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ

Đối với bất cứ quốc gia nào, hoạt động ngân hàng (NH) luôn là huyết mạch của nền kinh tế, sự ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng giữ vai trò trọng yếu trong việc ổn định và phát triển nền kinh tế đất nước. Ngân hàng huy động tiền nhàn rỗi trong xã hội để đáp ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của xã hội. Vì vậy, để đảm bảo ổn định và lành mạnh hệ thống ngân hàng thì hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của xã hội (trong đó có chi tiêu của Chính phủ và tiêu dùng của cá nhân và doanh nghiệp) cũng phải được lành mạnh hóa. Người vay tiền sử dụng đồng vốn không hiệu quả, những khó khăn đó cũng sẽ đổ dồn gánh nặng cho ngân hàng. Chính vì vậy, tái cấu trúc ngân hàng đạt hiệu quả phải gắn liền với tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp. 
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu gần đây nhất (2007-2009) xuất phát từ việc cho vay “dưới chuẩn” của các NH, đặc biệt là ở Mỹ, buộc các quốc gia phải quan tâm, đánh giá lại toàn bộ hoạt động của các NH. Việc tái cấu trúc NH trở nên phổ biến và cấp thiết ở mỗi quốc gia, đảm bảo cho các NH thích nghi được với nhu cầu phát triển mới trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy biến động. Ở Việt Nam, khi mà thị trường chứng khoán chưa phát triển, gánh nặng về vốn còn dồn lên vai NH, thì việc giữ cho hệ thống NH ổn định và lành mạnh càng phải đặc biệt quan tâm.
Có thể nói, nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng Việt Nam đã cơ bản vượt qua cơn khủng hoảng 2007-2009. Tuy nhiên, trước những biến động phức tạp thời gian gần đây của nền kinh tế thế giới, để ôn định và phát triển nền kinh tế hiệu quả và bền vững, Đảng và Nhà nước ta đã ra Nghị quyết tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tái cấu trúc NH, tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước là 3 trụ cột trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế.
Cho đến nay, chúng ta đã có 5 NHTM Nhà nước (mặc dù một số NH đã được Cổ phần nhưng Nhà nước chiếm giữ cổ phần chi phối), 1 NH Chính sách xã hội, 1 nh phát triển, 37 NHTMCP, 48 chi nhánh NH nước ngoài, 5 NH liên doanh, 5 NH 100% vốn nước ngoài, 48 văn phòng đại diện NH nước ngoài, 17 công ty tài chính, 13 công ty cho thuê tài chính, 1 QTDTW với 24 chi nhánh và hơn 1000 QTDND cơ sở. Có thể nói, Việt Nam đã đa dạng hóa hình thức sở hữu và loại hình hoạt động NH, phát triển mạnh mẽ về quy mô, tạo điều kiện cho hệ thống NH huy động vốn trong và ngoài nước để đáp úng vốn cho phát triển nền kinh tế. Năm năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình khoảng 33% năm, so với thế giới thì tốc độ này là cao, nguyên nhân là do thị trường chứng khoán của Việt Nam chưa phát triển, nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng chủ yếu dựa vào NH. Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, ngành NH phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 xuống dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15-16%; tăng tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; giảm cho vay BĐS, chứng khoán. Từ đó đến nay, ngành NH cơ bản đã thực hiện tốt các yêu cầu của Chính phủ đặt ra; lạm phát đã được kiểm soát. Tuy nhiên, hệ thống NH đã bộc lộ những bất cập cần được tái cơ cấu để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Tại phần trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, Thống đốc NHNN cũng đã khẳng định: Việc tái cấu trúc hệ thống NH là việc làm bình thường và thường xuyên của NH, đảm bảo cho hệ thống NH lành mạnh, hiệu quả, ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo cạnh tranh trong môi trường đầy biến động của thế giới, đảm bảo cho hệ thống NH đáp ứng đủ vốn cho phát triển kinh tế – xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân cả ở vùng sâu, vùng xa đều được tiếp cận với dịch vụ NH, tạo ra một hệ thống NH đa dạng về loại hình, về sở hữu, về quy mô, trong đó có những NH có đủ tiềm lực để cạnh tranh với các NH trong khu vực và trên thế giới, làm trụ cột cho các NH trong nước. Đồng thời cũng có những NH nhỏ nhưng lành mạnh hoạt động trong các phân khúc thị trường khác nhau. Dự kiến sau 5 năm tái cấu trúc, hệ thống NH Việt Nam sẽ có khoảng 2 NH có đủ sức cạnh tranh với các NH trong khu vực, có khoảng 10-15 NH đủ lớn làm trụ cột cho các NH trong nước, khoảng 8 NH nhỏ hoạt động lành mạnh với quy mô phù hợp. Để tái cấu trúc, NHNN sẽ phân loại các NH thành 3 nhóm: Nhóm thứ 1, gồm các NH có tình hình tài chính lành mạnh có năng lực và quy mô đủ lớn để tiếp tục phát triển thành những NH trụ cột, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Dự kiến sẽ có khoảng 15 NH loại này chiếm khoảng 80% thị phần hoạt động của cả hệ thống NH. Nhóm thứ 2, là nhóm các NH có tình hình tài chính lành mạnh nhưng có quy mô nhỏ, không có nhu cầu hoặc không có điều kiện phát triển quy mô cao hơn nữa. Sẽ có quy định đảm bảo giám sát chặt chẽ cũng như phân khúc thị trường để đảm bảo cho các NH này hoạt động hiệu quả. Nhóm 3, là nhóm NH đang có tình hình tài chính khó khăn cần phải cầu trúc lại. NHNN sẽ tham gia giám sát chặt chẽ, yêu cầu các NH lớn sẽ tham gia mua cổ phần, tham gia vào quản trị điều hành và cơ cấu lại các khoản mục đầu tư; mua lại hoặc hợp nhất, sáp nhập nếu cần.
Phương châm của quá trình tái cơ cấu là không để NH nào đổ vỡ, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng của NH. Đây cũng là nguyên tắc được Chính phủ đảm bảo trong quá trình tái cơ cấu các NH.
Kinh nghiệm các nước sau khủng hoảng tài chính (2007-2009), nhiều quốc gia áp dụng tiêu chuẩn Basel làm tiêu chuẩn mang tính bắt buộc cho hoạt động của mỗi NH. Hệ thống tiêu chuẩn Basel III có thể đảm bảo cho sự cân đối giữa tài sản có và các nghĩa vụ trả nợ của mỗi NH, đảm bảo thanh khoản ngay cả khi rút vốn ồ ạt. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào áp dụng cũng thành công mỹ mãn, việc thành công còn phụ thuộc vào tình hình thực tế của sự phát triển NH của mỗi nước. Ở những nước áp dụng thành công, do chú trọng đến những tiều chí cơ bản: Tỷ lệ an toàn vốn (thường là 8% theo quy định của Basel), tỷ lệ này đã được đúc rút từ kinh nghiệm quản trị NH từ nhiều năm, nó đảm bảo cho NH hoạt động bình thường. Đảm bảo tính thanh khoản, nghĩa là luôn phải đảm bảo một khoản dự phòng đảm bảo cho các khoản phải thanh toán ngay. Tăng cường quản trị và giám sát hoạt động NH từ mỗi NH cũng như toàn hệ thống, đảm bảo hoạt động của mỗi NH luôn trong tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý. Minh bạch hóa thông tin công khai các thông tin cơ bản về hoạt động của mỗi NH, để không chỉ cơ quan quản lý biết mà toàn thể người dân đều biết và tham gia quản lý hoạt động NH. Việc đánh giá, xếp hạng của các tổ chức chuyên nghiệp có uy tín và công khai, việc đánh giá xếp hạng cũng có tác động tích cực buộc các NH phải đẩy mạnh mọi hoạt động NH theo chuẩn mực để giữ uy tín, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Điều đầu tiên cần quan tâm trong tái cơ cấu NH là phải có 1 bộ tiêu chuẩn để phân loại các NH. Có thể lấy hệ thống các chỉ tiêu của Basel và một số tiêu chí có tính thực tế của nước sở tại phân làm 3 loại: Loại hoạt động bình thường; loại hoạt động kém bình thường cần có cơ chế hỗ trợ (có điều kiện) để hoạt động trở lại bình thường; loại hoạt động không bình thường để có thể khuyến khích tự nguyện sáp nhập, hợp nhất hoặc cưỡng chế sáp nhập, hợp nhất, thậm chí cho đóng cửa. Ở nhiều quốc gia, Chính phủ trao quyền cho NHTW, cơ quản bảo hiểm tiền gửi, cơ quan giám sát NH tham gia giám sát chặt chẽ các NH yếu kém, có thể thành lập một tổ giám sát trực tiếp các hoạt động của NH này, lên phương án tái cấp vốn cũng như mua lại các khoản nợ để tái cấu trúc lại các khoản mục đầu tư của mỗi NH. Đồng thời, yêu cầu các NH lớn hoạt động bình thường tham gia vào quá trình tái cấu trúc các khoản đầu tư, thậm chí mua lại những khoản nợ của NH yếu kém. Cũng có một số nước, tổ giám sát có quyền can thiệp sâu vào việc sắp xếp lại mô hình hoạt động, có thể yêu cầu cắt giảm chi nhánh, thay đổi lãnh đạo quản lý điều hành để đảm bảo sau khi tái cấu trúc NH đó có quy mô hoạt động phù hợp, đội ngũ lãnh đạo điều hành có năng lực và phẩm chất đảm bảo điều hành hiệu quả hoạt động NH. Trong trường hợp cần thiết cũng có thể bán bớt cổ phiếu cho NH mạnh trong nước hoặc NH nước ngoài.
Trong quá trình tái cấu trúc, việc sửa đổi các quy định để nâng cao các tỷ lệ an toàn cũng phải được coi trọng. Việc chọn mô hình hoạt động, quy mô hoạt động và cấu trúc lại các khoản mục đầu tư cho mỗi NH có ý nghĩa quan trọng, ưu tiên tăng tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực ít rủi ro; giảm tỷ trọng đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán; mở rộng các dịch vụ mới. Chỉ khi các NH được tái cấu trúc đi vào hoạt động ổn định, Nhà nước (tổ giám sát trực tiếp) mới có thể trao quyền tự điều hành hoạt động NH và rút dần vốn hỗ trợ của Nhà nước.
Việc tái cấu trúc đầu tư công cũng vô cùng quan trọng. Chính phủ phải đảm bảo rằng các khoản đầu tư công có hiệu quả thiết thực cả trước mắt và lâu dài, không dàn trải, tránh lãng phí và tham nhũng. Việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước cũng đòi hỏi cấp bách, thúc đẩy nhanh cổ phần hóa, công khai minh bạch thông tin về hoạt động của DNNN, đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Trong thế giới đầy biến động hiện nay, mỗi quốc gia có cách thức tái cấu trúc nền kinh tế khác nhau. Việt Nam cần phải có những nghiên cứu, đánh giá kỹ để có biện pháp phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của đất nước. Sự phát triển của hệ thống NH không chỉ chịu tác động từ bên ngoài mà còn chịu sự chi phối của các yếu tố lịch sử, văn hóa-xã hội, trình độ dân trí, trình độ quản lý. Tái cấu trúc NH phải gắn liền với tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế, tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao chất lượng quản trị và hệ thống giám sát, nâng cao khả năng dự báo… một cách đồng bộ thì mới có kết quả cao. Những động thái của Chính phủ và NHNN vừa qua cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng, hy vọng công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế và NH sẽ đạt kết quả như mong muốn./.

Nguồn: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

BÌNH LUẬN CHẾ ĐỊNH GIAO DỊCH BẢO ĐẢM TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005

1. Về tên gọi các biện pháp bảo đảm:
1.1. Khoản 1, Điều 318 về “Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự” của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định có 7 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bao gồm:

- Cầm cố tài sản;
- Thế chấp tài sản;
- Đặt cọc;
- Ký cược;
- Ký quỹ;
- Bảo lãnh;
- Tín chấp.
1.2. Ngoại trừ 2 biện pháp là bảo lãnh và tín chấp là không gắn liền với tài sản cụ thể, 5 biện pháp còn lại đều dựa trên cơ sở có tài sản xác định cụ thể thì mới thiết lập được giao dịch. Tuy nhiên, chỉ có “cầm cố” và “thế chấp” được gán thêm đuôi “tài sản” (cầm cố tài sản và thế chấp tài sản), còn đặt cọc, ký cược và ký quỹ thì lại không gắn liền với chữ “tài sản”.
1.3. Vì vậy, đề nghị bỏ bớt từ “tài sản” ở sau các biện pháp “cầm cố” và “thế chấp” hoặc thêm từ “tài sản” sau các biện pháp “đặt cọc”, ”ký cược” và “ký quỹ” để bảo đảm sự thống nhất của các thuật ngữ có tính chất tương tự nhau.
2. Về giao dịch ký quỹ:
2.1. Khoản 1 và 2, Điều 360 về “Ký quỹ”, Bộ luật Dân sự quy định: “1. Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá khác vào tài khoản phong toả tại một ngân hàng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.
2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được ngân hàng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng.”
2.2. Theo câu chữ của quy định trên, thì ký quỹ phải có sự tham gia của 3 bên là bên ký quỹ, bên nhận ký quỹ và ngân hàng. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật ngân hàng, thì chỉ có 1 bên giao dịch với ngân hàng vẫn gọi là ký quỹ. Khi đó ngân hàng đồng thời đóng vai trò của bên nhận ký quỹ, ví dụ như việc ký quỹ mở L/C của các doanh nghiệp.
2.3. Vì vậy, đề nghị quy định rõ trong Bộ luật Dân sự một trường hợp rất phổ biến là bên có quyền trong giao dịch ký quỹ có thể đồng thời là ngân hàng (tổ chức tín dụng) để bảo đảm sự thống nhất của pháp luật.
3. Về biện pháp bảo lãnh:
3.1. Biện pháp bảo lãnh theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005 có sự khác biệt so với Bộ luật Dân sự năm 1995, đó là chỉ còn một loại bảo lãnh duy nhất không kèm theo tài sản cầm cố, thế chấp. Tức là sẽ không còn giao dịch bảo lãnh bằng hàng hoá, tài sản, nhà ở nói chung, bằng quyền sử dụng đất nói riêng. Nhưng, nếu chỉ căn cứ vào câu chữ giải thích tại Điều 361 về “Bảo lãnh” của Bộ luật Dân sự năm 2005: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.” thì gần như không có gì khác Bộ luật Dân sự năm 1995 và không thể phân biệt được sự khác nhau này. Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2003 đã 44 lần nhắc đến việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và qua lần sửa đổi Luật này vào năm 2009 vẫn giữ nguyên cụm từ “bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất”. Ngay chính cuốn sách “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2005” của Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, do PGS.TS Hoàng Thế Liên chủ biên, tại trang 157 cũng giải thích Điều 361, Bộ luật Dân sự rằng: “Điều khác nhau cơ bản giữa chế định bảo lãnh và các chế định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nêu trên là ở chỗ bảo lãnh là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, trong đó người thứ ba dùng tài sản thuộc quyền sở hữu để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của người khác chứ không phải là bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của chính chủ sở hữu tài sản như các chế định bảo đảm khác.” Theo quan điểm này, thì vẫn như quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995, không có việc cầm cố, thế chấp tài sản của người thứ ba?
3.2. Do đó, trên thực tế sau 6 năm thực hiện Bộ luật Dân sự, vẫn còn quá nhiều người, kể cả các thẩm phán, công chứng viên, tiến sỹ luật đang nhầm lẫn, cho rằng bên cạnh biện pháp bảo lãnh không bằng tài sản (không kèm theo theo tài sản cầm cố, thế chấp) vẫn có thể kèm theo biện pháp cầm cố, thế chấp tài sản như trước đây là:
- Bảo lãnh – cầm cố (hoặc cầm cố – bảo lãnh) bằng tài sản của người thứ ba;
- Bảo lãnh – thế chấp (hoặc thế chấp – bảo lãnh) bằng tài sản của người thứ ba.
Thậm chí trên trang web Thông tin pháp luật dân sự vào ngày 05-8-2011, tác giả Lư Quang Vinh khi tranh luận về bài ”Cần tách bạch chủ thể hợp đồng trong giao dịch thế chấp và bảo lãnh” của mình, đã cho rằng khoản 4 Điều 72 NĐ 163/2006/NĐ-CP là “’tráo’ khái niệm bảo lãnh thành thế chấp!”,và “Nếu vướng, nên kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ cho phù hợp chứ Nghị định không thể “đè” lên luật khi đem ra đối chiếu, phân minh được.
Ngay tại Hội thảo này, tham luận của Thạc sỹ Lê Thị Bích Lan, thẩm phán Toà án Hà Nội cũng vẫn nhiều lần nhắc đến việc bảo lãnh bằng bất động sản.
Nguy hiểm hơn, Ngân hàng TMCP Quân Đội vừa bị Toà án tỉnh Quảng Ngãi có Bản án số 26/2011/KT-ST ngày 05-8-2011 tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ 3 để vay vốn, vì cho rằng đó phải là hợp đồng bảo lãnh.
3.3. Vì vậy, đề nghị quy định rõ trong Bộ luật Dân sự, bảo lãnh là biện pháp bảo đảm bằng tài sản nhưng không kèm theo tài sản vào cầm cố, thế chấp (tại thời điểm thiết lập giao dịch bảo lãnh).
4. Về giao dịch bảo đảm tín chấp:
4.1. Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự “Tín chấp” trong Điều 372 về “Bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị – xã hội” của Bộ luật Dân sự năm 2005 được quy định dành riêng cho quan hệ “Tổ chức chính trị – xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ theo quy định của Chính phủ”.
4.2. Hình thức tín chấp này đã được quy định một cách rất cụ thể tại Điều 373 về “Hình thức bảo đảm bằng tín chấp” của Bộ luật Dân sự: “Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có ghi rõ số tiền vay, mục đích vay, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức bảo đảm”. Tuy nhiên, thực chất thì trách nhiệm về tài sản của biện pháp bảo đảm này hoàn toàn bằng không. Đó chỉ là một thứ bảo đảm “ảo”, như một thứ “thuốc” giả, không màu sắc, không mùi vị và hoàn toàn vô tác dụng trong chế định giao dịch bảo đảm. Giao dịch tín chấp này không thuộc về quan hệ tài sản, cũng chẳng phải là quan hệ nhân thân phi tài sản.
4.3. Vì vậy, đề nghị cần loại bỏ khỏi Bộ luật Dân sự biện pháp bảo đảm “tín chấp” để bảo đảm sự hợp lý, chuẩn mực của Bộ luật này.
5. Về nội dung của hợp đồng cầm cố, thế chấp:
5.1. Bộ luật Dân sự gọi giao dịch bảo đảm là hợp đồng, nhưng không có quy định về nội dung tối thiểu phải có, cho nên đương nhiên sẽ thực hiện theo các quy định chung tại Điều 402 về “Nội dung của hợp đồng dân sự” như sau: “Tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những nội dung sau đây:
1. Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm;
2. Số lượng, chất lượng;
3. Giá, phương thức thanh toán;
4. Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
5. Quyền, nghĩa vụ của các bên;
6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
7. Phạt vi phạm hợp đồng;
8. Các nội dung khác.
5.2. Do Bộ luật Dân sự không quy định những nội dung nào bắt buộc phải có trong hợp đồng nói chung, hợp đồng bảo đảm nói riêng, nên trên thực tế đã xuất hiện nhiều hợp đồng cầm cố, thế chấp (đã được công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm) không ghi giá trị của tài sản cầm cố, thế chấp, đồng thời cũng không ghi giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm bằng tài sản cầm cố, thế chấp. Những nội dung có tính chất cơ bản, chủ yếu như vậy không được ghi nhận trong hợp đồng là điều cần phải xem lại. Thậm chí trên thực tế còn xuất hiện cả một số hợp đồng mua bán nhà ở đã được công chứng và sang tên trước bạ cũng không ghi giá trị ngôi nhà.
5.3. Bộ Tư pháp cũng đã có Công văn số 2506/BTP-ĐKGDBĐ ngày 31-7-2009 V/v “trả lời vướng mắc trong lĩnh vực công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm”, trong đó giải thích tại Mục 2 “Về việc ghi giá trị tài sản bảo đảm trong hợp đồng bảo đảmnhư sau: Ngoài trường hợp thế chấp nhà ở[1], việc Công chứng viên yêu cầu trong hợp đồng bảo đảm phải có điều khoản về giá trị của tài sản bảo đảm là không đúng với quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều phòng (văn phòng) công chứng chấp nhận việc không ghi giá trị tài sản vào hợp đồng bảo đảm.
5.4. Vì vậy, đề nghị phải xem xét quy định rõ hơn về những điều khoản chủ yếu của hợp đồng nói chung và hợp đồng bảo đảm nói riêng để bảo đảm cách hiểu thống nhất và bảo đảm hiệu lực của hợp đồng bảo đảm.
6. Về tài sản thế chấp hình thành trong tương lai:
6.1. Giao dịch bảo đảm là nhằm bảo vệ chắc chắn cho việc thực hiện nghĩa vụ, là loại giao dịch dự phòng, đòi hỏi phải được “xây” xong trước để sẵn sàng “dùng” sau. Giao dịch bảo đảm chỉ có ý nghĩa và cần thiết khi vi phạm đã thật sự xảy ra. Khi đó thì bao nhiêu cam kết, ràng buộc cũng trở lên vô nghĩa, nếu các bên không tự giác thực hiện nghĩa vụ hoặc dù rất muốn nhưng lại không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy, mới cần đến biện pháp thế chấp tài sản và đòi hỏi phải có tài sản hiện hữu thật sự để bảo đảm nghĩa vụ được thực thi một cách chắc chắn, kịp thời. Tài sản thế chấp đã được xác định, đã hiện hữu, nhưng do bên thế chấp giữ, mà không chuyển giao cho bên nhận thế chấp như các biện pháp bảo đảm khác.
6.2. Khoản 2, Điều 320 về “Vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Vật dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là vật hiện có hoặc được hình thành trong tương lai. Vật hình thành trong tương lai là động sản, bất động sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết.” Việc Bộ luật Dân sự cho phép thế chấp tài sản hình thành trong tương lai (thậm chí Điều 22, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP còn cho phép thế chấp cả quyền đòi nợ hình thành trong tương lai), là điều không hợp lý. Có thể mua bán cái chưa có, cũng tương tự như việc ứng trước tiền để mua một thứ hàng hoá hay hưởng một thứ dịch vụ nào đó chưa có, vì nghĩa vụ giao hàng, nghĩa vụ thực hiện dịch vụ phát sinh trong tương lai là một điều hoàn toàn bình thường. Nhưng không thể thế chấp một thứ chưa có, chưa hình thành, vì nghĩa vụ bảo đảm bằng tài sản có thể phát sinh vào bất cứ thời điểm nào, không ngoại trừ là ngay sau khi thế chấp. Nghĩa vụ bảo đảm phát sinh đồng nghĩa với việc không được phép trì hoãn. Có nghĩa là, tài sản bảo đảm cần phải được xử lý ngay lập tức để thực hiện nghĩa vụ tại thời điểm phát sinh. Chủ sở hữu và người quản lý tài sản bảo đảm có nghĩa vụ thực hiện vô điều kiện yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để bảo đảm quyền lợi của bên nhận thế chấp. Nhưng nếu vẫn chưa thấy “tăm hơi” tài sản đâu, chưa thể xử lý được tài sản, thì lại đồng nghĩa với việc bên thế chấp và các bên liên quan đương nhiên được quyền “miễn trách”, được phép kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ cho đến khi tài sản đã được hình thành xong. Thời hạn này có thể là nhiều năm tháng, thậm chí có thể là vô thời hạn, nếu rơi vào tình trạng đã đến thời điểm phải xử lý tài sản bảo đảm (vì lợi ích của bên nhận thế chấp), nhưng tài sản mới chỉ được hình thành một phần nhỏ.
6.3. Tài sản hình thành trong tương lai còn được hiểu bao gổm cả những mảnh đất đã hiện hữu từ lâu đời hay nhà ở đã sử dụng nhiều năm nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu (quyền sử dụng) hoặc đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu cho chủ cũ, nhưng vẫn là tài sản hình thành trong tương lai đối với người đã, đang và sẽ mua (nhận chuyển nhượng). Hay tài sản hình thành trong tương lai có thể là một số loại công trình xây dựng đã đưa vào khai thác, sử dụng nhiều năm, nhưng chỉ có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà không biết bao giờ mới được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình. Nó đã thực sự tài sản thuộc về “quá khứ”, nhưng lại vẫn bị liệt vào loại “tương lai”.
6.4. Ngoài ra, nếu theo quan điểm chặt chẽ, thì thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai là trái với quy định tại Điều 91 và 92 của Luật Nhà ở năm 2005, đó là điều kiện thế chấp phải có “Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở theo quy định của pháp luật” và bên thế chấp phải là “chủ sở hữu nhà ở”. Và trái với một trong những nội dung đã được quy định tại Điều 5 về “Lời chứng của công chứng viên”, Luật Công chứng năm 2006 là “đối tượng của hợp đồng, giao dịch là có thật”. Mục 4, Công văn số 3744/BTP-HCTP ngày 04-9-2007 của Bộ Tư pháp về việc Công chứng giao dịch bảo đảm đã giải thích “Tài sản hình thành trong tương lai cũng được coi là tài sản có thật nếu có đầy đủ cơ sở pháp lý để chứng minh.” Tuy nhiên, gần đây chính Bộ Tư pháp lại đề xuất sửa đổi nội dung này trong Luật Công chứng để trách mâu thuẫn.
6.5. Do việc chưa hiện hữu trên thực tế tài sản hình thành trong tương lai, thì chỉ nên coi đó là một nguồn thu mà các bên có thể cam kết dành cho việc thực hiện nghĩa vụ hoặc là một nguồn tài sản mà các bên có thể cam kết sẽ đưa vào thế chấp trong tương lai. Chỉ đến khi tài sản đã hình thành xong và có thể lập tức mua bán, phát mại, chuyển đổi thành tiền, thì mới nên “định danh” là tài sản bảo đảm. Chẳng hạn, ngân hàng mở L/C để nhập khẩu hàng hoá, thì không nên coi hàng hoá còn ở nước khác, thậm chí hàng hoá chưa hề được sản xuất, là tài sản thế chấp, mà chỉ nên coi đấy là một nguồn thu khả thi có thể dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ sau này. Chỉ nên coi là tài sản thế chấp khi nhà nhập khẩu thực tế đã thực sự nắm được quyền quản lý hàng hoá và ngân hàng đã có thể chi phối được việc quản lý hàng hoá đó. Còn trước đó, thì chỉ là cam kết thoả thuận sẽ đưa tài sản vào thế chấp, hoặc chỉ nên chấp nhận là loại hợp đồng thế chấp có điều kiện, chỉ phát sinh hiệu lực đối với từng phần tài sản đã hiện hữu.
6.6. Vì vậy, đề nghị loại bỏ tài sản hình thành trong tương lai ra khỏi các loại tài sản được cầm cố, thế chấp, đồng thời không gọi các tài sản đã hình thành hiện hữu là tài sản hình thành trong tương lai.
7. Về nghĩa vụ bảo đảm được hình thành trong tương lai:
7.1. Khoản 2, Điều 319 về Phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Các bên được thoả thuận về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự để bảo đảm thực hiện các loại nghĩa vụ, kể cả nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện”. Vậy, “nghĩa vụ trong tương lai” được xác định thế nào trong mối quan hệ với hợp đồng và biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng?
7.2. Giao dịch bảo đảm chỉ là một biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng. Hợp đồng bảo đảm chỉ là hợp đồng phụ của hợp đồng chính, chỉ là một điều khoản, là một bộ phận trong hợp đồng chính. Như vậy, về nguyên tắc, nếu không có hợp đồng chính, thì không thể có hợp đồng phụ. Điều đó có nghĩa là, giao dịch bảo đảm phải được hình thành trên cơ sở đã có các hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại,…
7.3. Như vậy, “Nghĩa vụ trong tương lai” nói trên phải được hiểu là nghĩa vụ có đủ cơ sở thực tế, đã được đề cập đến trong một hợp đồng xác định, chứ không thể là một nghĩa vụ chung chung bất kỳ nào đó xảy ra trong tương lai, mà không xuất phát từ một hợp đồng nào trước đó. Tuy nhiên, theo tinh thần của Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, thì lại cho phép giao dịch cầm cố, thế chấp để bảo đảm cho cả những nghĩa vụ trong các hợp đồng chính sẽ ký trong tương lai, hoàn toàn chưa có bất kỳ “dấu vết” nào. Đây là một nghịch lý đã được thừa nhận theo kiểu chơi chữ “sinh con rồi mới sinh cha”, mà không xuất phát từ căn nguyên không có “cha” thì không thể có “con”.
7.4. Chỉ nên cho phép bảo đảm cho nghĩa vụ trong tương lai, nhưng nghĩa vụ đó đã phải được xác định trong hợp đồng chính, chứ “phần phụ” của hợp đồng không thể bảo đảm cho “phần chính” của hợp đồng, khi “phần chính” hoàn toàn chưa được hình thành. Trong lĩnh vực ngân hàng trước đây, các bên đã khắc phục bài toán “gà và trứng” này bằng cách ký hợp đồng tín dụng nguyên tắc, sau đó dựa vào hợp đồng tín dụng nguyên tắc để ký hợp đồng bảo đảm, cuối cùng là ký và thực hiện hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ cụ thể.
7.5. Do không phải dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ đã xác định, nên trên thực tế, các bên thường ký hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh để bảo đảm cho nghĩa vụ được hình thành trong tương lai mà không cần xác định cụ thể hợp đồng chính. Đồng thời một thoả thuận mang tính công thức trong hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh là: Hợp đồng này có hiệu lực cho đến khi bên có nghĩa vụ thanh toán hết toàn bộ nợ gốc, lãi và các chi phí liên quan cho bên nhận bảo đảm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, nghĩa vụ dân sự ấy có thể kéo dài vĩnh viễn, kể cả nghĩa vụ dân sự nào đó xảy ra 1.000 năm sau, thì bên bảo đảm vẫn phải chịu trách nhiệm. Nếu là nghĩa vụ của chính người cầm cố, thế chấp thì có thể chấp nhận được, nhưng nếu là việc người thứ ba cầm cố, thế chấp, bảo lãnh cho nghĩa vụ của người khác, thì là một sự áp đặt vô lý.
7.6. Vì vậy, đề nghị phải quy định rõ “các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự để bảo đảm thực hiện các loại nghĩa vụ trong hiện tại và trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện đã được xác định trước trong hợp đồng chính”, để bảo nguyên tắc trong mối quan hệ giữa hợp đồng chính và hợp đồng phụ.
8. Về điều kiện của tài sản thế chấp:
8.1. Bộ luật Dân sự nói riêng và pháp luật nói chung không quy định cụ thể điều kiện của tài sản thế chấp, nhất là sự phân biệt giữa tài sản và quyền tài sản. Khoản 1, Điều 322 về “Quyền tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự” quy định các quyền tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm được thế chấp gồm cả “quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng và các quyền tài sản khác thuộc sở hữu của bên bảo đảm”. Do vậy trong một số trường hợp, một tài sản có thể được thế chấp nhiều lần với các quyền tài sản khác nhau một cách hợp pháp. Cùng một tài sản là bất động sản, nếu thế chấp bất động sản thì đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, còn nếu thế chấp quyền tài sản thì đăng ký thế chấp tại Trung tâm Đăng ký Tài sản, Giao dịch thuộc Cục Đăng ký Quốc gia Giao dịch Bảo đảm. Chẳng hạn như:
- Một tài sản là căn hộ chung cư thuộc dự án xây dựng có thể được thế chấp đồng thời nhiều lần tại một thời điểm như sau:
+ Chủ đầu tư thế chấp cả dự án xây dựng (tài sản hình thành trong tương lai), trong đó có căn hộ;
+ Chủ đầu tư thế chấp tài sản là phần công trình xây dựng của dự án, trong đó có căn hộ;
+ Chủ đầu tư thế chấp tài sản là quyền khai thác dự án (bán, cho thuê, sử dụng dự án), trong đó có căn hộ;
+ Người mua căn hộ thế chấp tài sản là căn hộ (là tài sản hình thành trong tương lai);
+ Người mua căn hộ thế chấp tài sản là quyền mua căn hộ (số tiền đã nộp và quyền được thực hiện hợp đồng mua căn hộ);
+ Người mua căn hộ thế chấp tài sản là quyền khai thác căn hộ (bán, cho thuê, sử dụng căn hộ);…
- Cả khối tài sản của một doanh nghiệp cũng có thể được thế chấp trùng lặp như sau:
+ Cổ đông thế chấp toàn bộ cổ phiếu của công ty do mình đang sở hữu;
+ Công ty thế chấp toàn bộ tài sản của công ty, mà tài sản đó thực chất đã được thể hiện bằng giá trị cổ phiếu;
+ Công ty thế chấp giá trị thương hiệu của công ty, mà thực chất giá trị này đã nằm trong giá trị cổ phiếu;
+ Công ty thế chấp hàng hoá hình thành trong tương lai, đồng thời thế chấp nguyên, nhiên vật liệu tồn kho (cũng chính là tài sản để hình thành nên hàng hoá) và hai loại tài sản này lại có thể là cơ sở để tạo nên giá trị cổ phiếu;
+ Công ty thế chấp hàng hoá đã hiện hữu và hàng hoá hình thành trong tương lai, đồng thời thế chấp quyền đòi nợ bán hàng hoá hình thành trong tương lai (do bán hàng hoá), thực chất cũng là một và suy đến cùng thì cũng chính tài sản được biểu hiện ra bên ngoài bằng giá trị cổ phiếu;…
- Hay việc thế chấp quyền sử dụng đất thuê đã trả tiền trước nhiều năm, mà thực chất là thế chấp giá trị số tiền thuê đất đã trả trước. Nhưng thế chấp như vậy, thì giá trị phần nghĩa vụ thường là tỷ lệ nghịch với giá trị tiền thuê đất và thường là không ai nhằm đến giá trị tiền thuê đất đã trả trước, mà nhằm đến giá trị của đất và quyền được tiếp tục thuê đất (rẻ rẻ hơn giá thị trường).
8.2. Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Nhà ở và Luật Đất đai lại hạn chế quyền giao dịch bảo đảm của chủ sở hữu (sử dụng) tài sản so với Bộ luật Dân sự, chẳng hạn:
- Điều 114 về “Điều kiện thế chấp nhà ở” của Luật Nhà ở năm 2005 lại quy định một tài sản là nhà ở “chỉ được thế chấp tại một tổ chức tín dụng”;
- Luật Đất đai năm 2003 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định tài sản và quyền sử dụng đất thuộc quyền sở hữu (sử dụng) hợp pháp của cá nhân và các tổ chức kinh tế chỉ được thế chấp để vay vốn, mà không được phép thế chấp để phục vụ các nhu cầu khác như bảo đảm nghĩa vụ cho các hợp đồng mua bán, đầu tư, xây dựng hay phục vụ nhu cầu đời sống, kể cả vay vốn để học tập, xây nhà ở hay chữa bệnh cứu người. Đó là các quy định sau:
+ Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất chỉ được “Thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam để vay vốn theo quy định của pháp luật” (điểm d, khoản 2, Điều 110 về “Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất”);
+ Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất chỉ được: “Thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam để vay vốn sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật” (điểm b, khoản 1, Điều 111 về “Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế sử dụng đất thuê”);
+ Cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất không phải là đất thuê chỉ có quyền: “Thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế hoặc cá nhân để vay vốn sản xuất, kinh doanh” (khoản 7, Điều 113 về “Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không phải là đất thuê”).
8.3. Vì vậy, cần sửa đổi Bộ luật Dân sự (và Luật Đất đai, Luật Nhà ở) theo hướng quy định rõ về điều kiện được thế chấp, để bảo đảm cho một tài sản không bị cầm cố, thế chấp trùng, cũng không bị hạn chế quyền cầm cố, thế chấp của chủ sở hữu tài sản.
9. Về hình thức giao dịch bảo đảm:
9.1. Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, trong 7 biện pháp bảo đảm, ngoại trừ duy nhất biện pháp “ký cược” là không bắt buộc phải lập thành văn bản, còn lại các giao dịch bảo đảm đều phải lập thành văn bản (Điều 327 về “Hình thức cầm cố tài sản”; Điều 343 về “Hình thức thế chấp tài sản”; khoản 1, Điều 358 về “Đặt cọc”; Điều 360 về “Ký quỹ”; Điều 362 về “Hình thức bảo lãnh”; Điều 373 về “Hình thức bảo đảm bằng tín chấp” của Bộ luật Dân sự năm 2005). Quy định như vậy là không hợp lý, không cần thiết trong mọi trường hợp. Nếu hợp đồng chính không bắt buộc phải bằng văn bản, thì chẳng có lý do gì bắt hợp đồng phụ phải lập thành văn bản. Ví dụ, khi mua vài chai bia Hà Nội, thì thường là giao kết hợp đồng bằng lời nói và như vậy là hợp pháp. Tuy nhiên, người mua thường phải đặt cọc một số tiền để bảo đảm cho nghĩa vụ trả lại vỏ chai cho người bán. Nếu cứ theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự, thì việc đặt cọc để trả vỏ chai sẽ phải lập thành văn bản!?.
9.2. Việc bắt buộc phải làm thành văn bản chỉ cần thiết đối với một số giao dịch dưới đây :
- Giao dịch ký quỹ (vì liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng bắt buộc phải thể hiện bằng văn bản, giấy tờ);
- Giao dịch bắt buộc phải công chứng, chứng thực;
- Giao dịch đối với những tài sản phải đăng ký quyền sở hữu (quyền sử dụng).
9.3. Vì vậy, cần bỏ bớt việc bắt buộc giao dịch bảo đảm phải làm thành văn bản và cần quy định rõ việc bắt buộc theo các trường hợp giao dịch thay vì theo các biện pháp bảo đảm.
10. Về thủ tục công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm:
10.1. Thế chấp bất động sản là một trong những biện pháp bảo đảm chủ yếu và có giá trị lớn nhất trong các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, hiện nay, để nhận thế chấp quyền sử dụng đất và nhà ở, thì bên thế chấp bắt buộc phải làm cả 3 thủ tục sau đây, nhằm bảo đảm giá trị pháp lý và hiệu lực của giao dịch thế chấp:
- Thứ nhất: Phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng thế chấp theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai và Luật Nhà ở;
- Thứ hai: Phải đăng ký thế chấp với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai;
- Thứ ba: Phải giữ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Nhà ở.
10.2. Khoản 2 và 3, Điều 323 về “Đăng ký giao dịch bảo đảm”, Bộ luật Dân sự quy định: “Việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp pháp luật có quy định.” và “Trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký theo quy định của pháp luật thì giao dịch bảo đảm đó có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký.” Tuy nhiên, trên thực tế từ trước đến nay, quy định này vẫn hoàn toàn bị hiểu là đăng ký giao dịch bảo đảm là bắt buộc để có hiệu lực pháp lý đối với ngay chính hai bên trong cuộc là bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Luật quy định như trên vẫn chưa đủ rõ, chưa cụ thể để tạo ra một cách hiểu thống nhất, chính xác. Trên thực tế lâu nay, cả thủ tục công chứng và đăng ký giao dịch thế chấp bất động sản vẫn được các Toà án phán quyết là những điều kiện bắt buộc có hiệu lực của giao dịch thế chấp.
10.3. Cơ chế đăng ký giao dịch bảo đảm là nhằm tới việc bảo vệ quyền lợi cho người nhận thế chấp trong trường hợp có nhiều người nhận thế chấp và tránh cho chủ thể khác giao dịch đối với tài sản bảo đảm mà không biết bị ngăn cấm, hạn chế. Như vậy, đáng lẽ trong trường hợp tài sản không có tranh chấp về quyền sở hữu, không dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ nào khác, thì đương nhiên bên nhận thế chấp là người có quyền duy nhất. Tuy nhiên, thực tế Toà án luôn “xổ toẹt” quyền của chủ nợ có bảo đảm nếu không đăng ký giao dịch bảo đảm trong trường hợp bắt buộc phải đăng ký, dù có hay không có chủ nợ khác. Như vậy, mặc dù là giao dịch dân sự, nhưng pháp luật lại coi trọng những quy định, thủ tục hành chính rắc rối, vô lý hơn là sự tự do, tự nguyện ý chí của các bên.
10.4. Vì vậy, đề nghị chỉ quy định thủ tục công chứng là tự nguyện, không bắt buộc và việc đăng ký giao dịch bảo đảm có giá trị với người thứ ba nếu có phát sinh quyền của người thứ ba liên quan đến tài sản bảo đảm (nếu không có người thứ ba, thì việc không đăng ký giao dịch bảo đảm vẫn có giá trị pháp lý giữa hai bên).
11. Về thứ tự ưu tiên thanh toán:
11.1. Pháp luật đất đai chỉ thừa nhận “hợp đồng thế chấp có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất”. Như vậy, pháp luật chỉ công nhận hiệu lực của giao dịch thế chấp khi đã được đăng ký thế chấp, đồng thời chỉ thừa nhận quyền được ưu tiên thanh toán theo thứ tự đăng ký thế chấp. Như vậy là chỉ thừa nhận duy nhất “hiệu lực hành chính” chứ không mảy may thừa nhận “hiệu lực dân sự”. Những thoả thuận hoàn toàn tự nguyện, chính đáng và hợp pháp của các bên đều trở thành vô nghĩa. Pháp luật lại chỉ bảo vệ người đăng ký thế chấp trước, bất chấp đó là giao dịch rõ ràng bội ước, gian dối, lừa đảo. Chẳng hạn, dù cho hai bên đã công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản, vì một lý do nào đó mà bất động sản đó lại được mang đi thế chấp cho người khác ngoài ý chí của bên nhận thế chấp ban đầu, thì người nhận thế chấp đầu tiên không đăng ký hoặc “chậm chân” đăng ký thế chấp sau sẽ hoàn toàn không được bảo vệ. Nếu như vậy, thì việc đồng thời bắt buộc phải thực hiện thủ tục công chứng và thủ tục đăng ký thế chấp bất động sản là một đòi hỏi phi lý, “hành dân”, tiếp tay cho sự gian lận, lật lọng, trốn tránh nghĩa vụ phát sinh trước. Nếu chỉ thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên cho giao dịch đăng ký thế chấp trước, thì sẽ trái với quy định tại khoản 1 và 2, Điều 324 về “Một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự” của Bộ luật Dân sự:
- “1. Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
- 2. Trong trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản.”
11.2. Quy định trên chỉ hợp lý đối với các trường hợp chỉ bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm mà không thực hiện việc công chứng hợp đồng bảo đảm và không giữ Giấy chứng nhận quyền sở hữu (quyền sử dụng)
11.3. Vì vậy, pháp luật cần phải có quy định về việc ưu tiên thanh toán cho người nhận thế chấp trước bằng cách loại bỏ quyền ưu tiên của người đăng ký thế chấp nếu giao dịch ấy trái với ý chí, nguyện vọng hợp lý của các bên liên quan như quy định tại Điều 324 nói trên của Bộ luật Dân sự.
12. Về bán tài sản thế chấp:
12.1. Khoản 4, Điều 348 về “Nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản” của Bộ luật Dân sự quy định”: Bên thế chấp “Không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp”, trừ 2 trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 349 về “Quyền của bên thế chấp tài sản” của Bộ luật Dân sự, đó là:
- “Được bán, thay thế tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Trong trường hợp bán tài sản thế chấp là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được trở thành tài sản thế chấp thay thế cho số tài sản đã bán.” và
- “Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý.”
12.2. Về nguyên tắc, pháp luật không hạn chế bên thế chấp được bán tài sản đang thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý. Tuy nhiên do thực trạng môi trường pháp luật của Việt Nam, mặc đù hợp đồng thế chấp thường thoả thuận rất chặt chẽ việc không cho bán hoặc chỉ được bán để trả nợ cho nghĩa vụ thế chấp, nhưng trên thực thế bên thế chấp hoặc bên giữ tài sản thế chấp vẫn thường tự ý bán, giao dịch tài sản thế chấp một cách bất hợp pháp, không có sự đồng ý hoặc không trả nợ cho bên nhận thế chấp, dẫn đến tranh chấp phức tạp, không bảo đảm quyền lợi của bên nhận thế chấp.
12.3. Vì vậy đề nghị chưa quy định việc bên thế chấp đương nhiên được quyền bán tài sản, trừ trường hợp tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
13. Về xử lý tài sản bảo đảm:
13.1. Hiện nay, nếu không thoả thuận được việc xử lý tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm, thì phải khởi kiện vụ án dân sự hoặc vụ án kinh doanh thương mại (mặc dù không có tranh chấp về hợp đồng chính là dân sự hay kinh doanh thương mại), trên cơ sở đó Toà án mới xem xét xử lý về biện pháp bảo đảm. Do đó vụ việc diễn ra phức tạp, kéo dài hơn một vụ tranh chấp không có biện pháp bảo đảm.
13.2. Trong trường hợp đã công chứng và đăng ký giao dịch thế chấp theo đúng quy định bắt buộc, thì giao dịch thế chấp cần phải có giá trị pháp lý và thực tiễn cao hơn giao dịch không được công chứng và đăng ký thế chấp. Hợp đồng thế chấp cần được chuyển cho cơ quan thi hành án để phát mại tài sản bảo đảm, mà không buộc phải khởi kiện ra Toà án để xem xét công nhận hay không công nhận giao dịch thế chấp như mọi vụ án thông thường khác. Hoặc nếu phải kiện, thì cần quy định riêng thủ tục công nhận xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng phụ, thay vì phải gắn liền với việc giải quyết hợp đồng chính trong vụ án.
13.3. Ngoài ra, pháp luật cũng cần có quy định cụ thể nhằm bảo vệ tốt hơn cho người nhận bảo đảm trong một số trường hợp như tài sản đã đưa vào thế chấp, nhưng lại bị đem ra chia tài sản theo thừa kế, khi ly hôn hay theo thoả thuận của các bên.
13.4. Vì vậy, cần tạo ra cơ chế thi hành án trực tiếp hoặc tố tụng rút gọn đặc thù trong xử lý tài sản bảo đảm, nhất là trường hợp đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm.
14. Về bảo mật thông tin giao dịch bảo đảm:
14.1. Thông tin về giao dịch bảo đảm, đặc biệt thông tin về đăng ký giao dịch bảo đảm, phải được công khai rộng rãi thì mới phát huy được ý nghĩa, tác dụng. Tuy nhiên, một số quy định tại các Luật khác liên quan đến giao dịch bảo đảm lại có thể dẫn đến mâu thuẫn với điều này, ví dụ như:
- Khoản 2, Điều 14 về “Bảo mật thông tin” của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.” Như vậy, việc bảo đảm bí mật các thông tin liên quan đến “các giao dịch của khách hàng” thì có bao gồm cả giao dịch ký quỹ, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh hay không?
- Tương tự là khoản 1, Điều 6 về “Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng” của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”. Như vậy, thì “bí mật thông tin” của khách hàng có bao gồm cả thông tin về giao dịch bảo đảm, trong trường hợp người tiêu dùng phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thanh toán hàng hoá, dịch vụ hay không?
14.2. Vì vậy, nếu Bộ luật Dân sự không quy định rõ, thì sẽ đương nhiên được hiểu là các tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải bảo mật tất cả các thông tin liên quan đến giao dịch kỹ quỹ, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh của khách hàng.
15. Tóm tắt kết luận về giao dịch bảo đảm:
15.1. Về tên gọi các biện pháp bảo đảm:
- Vấn đề: Không có sự thống nhất giữa các thuật ngữ có tính chất tương tự nhau;
- Kiến nghị: Bỏ bớt từ “tài sản” ở sau các biện pháp “cầm cố” và “thế chấp” hoặc thêm từ “tài sản” sau các biện pháp “đặt cọc”, ”ký cược” và “ký quỹ”.
15.2. Về giao dịch ký quỹ:
- Vấn đề: Ký quỹ phải có sự tham gia của 3 bên, trong đó có ngân hàng, trong khi pháp luật ngân hàng thì có thể là 2 bên;
- Kiến nghị: Quy định trường hợp rất phổ biến là chỉ cần 2 bên, trong đó ngân hàng đồng thời là bên có quyền.
15.3. Về biện pháp bảo lãnh:
- Vấn đề: Sau 5 năm thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005, nhưng vẫn còn rất nhiều người hiểu sai bản chất của quan hệ bảo lãnh (hiểu như Bộ luật Dân sự 1995).
- Kiến nghị: Quy định rõ bảo lãnh là biện pháp bảo đảm bằng tài sản nhưng không đưa tài sản vào cầm cố, thế chấp.
15.4. Về giao dịch bảo đảm tín chấp:
- Vấn đề: Tín chấp dang được quy định là một biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự.
- Kiến nghị: Loại bỏ khỏi Bộ luật Dân sự biện pháp tín chấp (chỉ cần quy định trong các văn bản dưới luật về tín dụng chính sách).
15.5. Về nội dung của hợp đồng cầm cố, thế chấp:
- Vấn đề: Nội dung của hợp đồng bảo đảm có thể không cần ghi giá trị nghĩa vụ được bảo đảm và giá trị tài sản bảo đảm mà vẫn không sai pháp luật.
- Kiến nghị: Quy định căn cứ pháp lý để xác định giá trị nghĩa vụ được bảo đảm và giá trị tài sản bảo đảm có phải là điều khoản bắt buộc của hợp đồng bảo đảm hay không?
15.6. Về tài sản thế chấp hình thành trong tương lai:
- Vấn đề: Nhà đất có từ lâu đời rồi, nhưng vẫn được coi là tài sản hình thành trong tương lai và tài sản chưa hình thành trên thực tế vẫn được coi là tài sản thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ.
- Kiến nghị: Không nên coi tài sản hình thành trong tương lai (chưa hình thành) là tài sản cầm cố, thế chấp và không coi tài sản đã đã hiện hữu là tài sản hình thành trong tương lai.
15.7. Về nghĩa vụ bảo đảm được hình thành trong tương lai:
- Vấn đề: Hợp đồng bảo đảm được ký trước khi ký hợp đồng chính, dẫn đến chưa xác định được nghĩa vụ được bảo đảm là gì và có thể kéo dài vô thời hạn.
- Kiến nghị: Quy định rõ nghĩa vụ được bảo đảm phải được xác định trước trong hợp đồng chính, cho dù là trong tương lai.
15.8. Về điều kiện của tài sản thế chấp:
- Vấn đề: Bất động sản thuộc quyền sở hữu (sử dụng) nhưng lại chỉ được thế chấp để vay vốn; bên cạnh đó chỉ một tài sản nhưng lại có thể thế chấp trùng lặp dưới các trạng thái khác nhau như: Tài sản hiện vật, quyền đối với tài sản, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng,…
- Kiến nghị: Cho phép thế chấp bất động sản để thực hiện nhiều nghĩa vụ; quy định rõ nguyên tắc cầm cố, thế chấp một tài sản nhưng được biểu hiện dưới nhiều hình thái khác nhau.
15.9. Về hình thức giao dịch bảo đảm:
- Vấn đề: Ngoại trừ “ký cược”, còn lại tất cả các biện pháp cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký quỹ, bảo lãnh và tín chấp đều phải lập thành văn bản.
- Kiến nghị: Bỏ bớt việc bắt buộc giao dịch bảo đảm phải làm thành văn bản đồng thời quy định rõ việc bắt buộc bằng văn bản theo các trường hợp giao dịch thay vì theo các biện pháp bảo đảm.
15.10. Về thủ tục công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm:
- Vấn đề: Đồng thời bắt buộc 2 thủ tục pháp lý là công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm đối với nhà đất, bên cạnh việc giữ giấy tờ sở hữu.
- Kiến nghị: Chỉ nên quy định bắt buộc 1 thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm. Và nếu không có người thứ ba, thì việc không đăng ký giao dịch bảo đảm vẫn có giá trị pháp lý giữa hai bên bảo đảm và nhận bảo đảm.
15.11. Về thứ tự ưu tiên thanh toán:
- Vấn đề: Thứ tự ưu tiên thanh toán chỉ dựa duy nhất vào thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm, trong cả trưởng hợp đã có hay không có công chứng giao dịch bảo đảm.
- Kiến nghị: Nếu giao dịch bảo đảm trước đã được công chứng, trong đó không cho phép thực hiện giao dịch bảo đảm khác, thì phải loại bỏ quyền ưu tiên của người nhận bảo đảm sau (không phụ thuộc vào thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm).
15.12. Về bán tài sản thế chấp:
- Vấn đề: Bên thế chấp không được quyền đương nhiên bán tài sản thế chấp, trừ đối với hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
- Kiến nghị: Giữ nguyên quy định bên thế chấp chỉ được bán nếu bên nhận thế chấp đồng ý.
15.13. Về xử lý tài sản bảo đảm:
- Vấn đề: Việc xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm nhưng thường phải khởi kiện tại Toà án như một vụ tranh chấp hợp đồng chính.
- Kiến nghị: Tạo ra cơ chế thi hành án trực tiếp hoặc tố tụng rút gọn đặc thù trong xử lý tài sản bảo đảm, nhất là trường hợp đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm.
15.14. Về bảo mật thông tin giao dịch bảo đảm:
- Vấn đề: Theo Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì các thông tin về giao dịch bảo đảm cũng thuộc loại thông tin mật.
- Kiến nghị: Bộ luật Dân sự cần quy định rõ thông tin về giao dịch bảo đảm phải được công khai, không được đưa vào loại thông tin mật.