Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP DÂN SỰ LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI THỨ BA CHIẾM HỮU KHÔNG CÓ CĂN CỨ PHÁP LUẬT: TÒA BÁC YÊU CẦU ĐÒI LẠI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT LÀ CHƯA HỢP LÝ?

Có giấy tờ thuê đất, Tòa án vẫn bác yêu cầu chuộc lại (?)
Bà Thị H là một nông dân Khmer nghèo ở xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang có 5.500m2 đất ở xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp do cha mẹ cho vào năm 1989. Bà H canh tác đến năm 1991 thì cho vợ chồng ông N, bà Q thuê lấy 100 giạ lúa. Vì tin tưởng, hai bên chỉ làm giấy viết tay, giao hẹn đến khi nào có lúa thì sẽ lấy lại đất. Sau khi được UBND huyện Tân Hiệp cấp QSDĐ (năm 1993), bà H giao Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông N quản lý. Làm được một thời gian, ông N chuyển nhượng cho ông T lấy 100 giạ lúa và 8 chỉ vàng 24k. Ông T canh tác đến năm 1999 thì chuyển nhượng (cũng bằng giấy tay), đồng thời giao Giấy chứng nhận QSDĐ của bà H cho ông D, bà M với giá 40 chỉ vàng 24k. Khi lo đủ 100 giạ lúa, bà H đến ông N đòi chuộc lại thì mới biết đất của mình đã bị bán lòng vòng qua nhiều chủ như vậy.
Việc tranh chấp hợp đồng cầm cố và hợp đồng chuyển nhượng trên được TAND huyện Tân Hiệp nhận định không có cơ sở cho thuê đất giữa bà H và vợ chồng ông N. Tại phiên tòa, ông N khai rằng đã mua đất này của bà Năm T (mẹ của bà H) từ năm 1993 bằng 100 giạ lúa; giấy tờ cho thuê viết tay bà H chỉ gạch thập, có chữ ký của ông N, nhưng ông N lại không thừa nhận và giấy này cũng không được bà H yêu cầu giám định nên Tòa đã bác yêu cầu của bà H đòi chuộc lại 5.500m2 đất, công nhận quyền sử dụng đất cho ông D, bà M.
Không trả đất vì giao dịch ngay tình
Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử và luật sư bảo vệ cho bà H (do Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cử) đều có chung nhận định cấp sơ thẩm tuyên bác đơn của bà H, chấp nhận lời khai nại của vợ chồng ông N là không phù hợp. Bởi, mặc dù ông N, bà Q không thừa nhận tờ giấy cho thuê đất, nhưng tại biên bản hòa giải ngày 19.4.2006 của ấp Thạnh Trị, bà Q xác nhận tờ cho thuê đất là đúng sự thật, nhưng do ông N say rượu nên mới ký (bút lục 11). Hơn nữa, ông Danh Tr, Danh R, Danh L là anh em ruột của bà H cũng đều xác định khi cha mẹ còn sống có cho bà H phần đất này để canh tác, đến năm 1991 thì cho vợ, chồng ông N thuê. Mặt khác, ông N, bà Q cũng không xuất trình được giấy tờ bán đất mà ông đã khai mua của mẹ bà H. Như vậy, vợ chồng ông N vẫn biết 5.500m2 đất là của bà H, nhưng lại chuyển nhượng cho ông T.

Không biết có phải do ông T đã chết từ năm 2000, không để lại tài sản và không có người thừa kế về quyền và nghĩa vụ nên Tòa phúc thẩm chỉ quy kết lỗi cho vợ chồng ông N; công nhận việc chuyển nhượng giữa ông D, bà M với ông T là ngay tình? Vì vậy, Tòa đã tuyên chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bà H; sửa một phần bản án sơ thẩm của TAND huyện Tân Hiệp. Cụ thể, công nhận ông D, bà M được quyền sử dụng 5.500m2 đất theo Giấy chứng nhận QSDĐ mang tên bà H; buộc vợ chồng ông N trả cho bà H 40 chỉ vàng 24k, bà H trả cho vợ chồng ông N 100 giạ lúa.
Sự việc đã rõ ràng, tuy nhiên theo quy định tại Khoản 2, Điều 138 Bộ luật Dân sự: “Trong trường hợp tài sản giao dịch là động sản hoặc bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá…”. Vì vậy, Tòa phải xử lý hậu quả của hợp đồng cầm cố, chuyển nhượng vô hiệu; chấp nhận cho bà H chuộc lại 5.500m2 đất như thỏa thuận ban đầu với vợ chồng ông N mới thỏa đáng.
Sau hơn 3 năm, kể từ khi bà H đã làm đơn khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm và đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang xem xét vụ việc, ngày 16.8.2011 Tòa dân sự, TANDTC đã ra Quyết định giám đốc thẩm hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án huyện xét xử lại vì tòa cấp sơ thẩm bác yêu cầu của bà H, công nhận phần đất của ông D và bà M 5.500m2 là không đúng. Tòa cấp phúc thẩm công nhận cho ông D và bà M được quyền sử dụng 5.500m2 đất, buộc ông N và bà Q trả cho bà H 40 chỉ vàng cũng không đúng. Hy vọng, trong các phiên tòa tới, phán quyết của Tòa sẽ khắc phục được sai sót trên.

Nguồn: BAO ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét