Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Hợp đồng tương lai

Manh nha xuất hiện ở Việt Nam khoảng 6 năm nay, nhưng hiện mới chỉ có trên dưới 100 doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh thông qua các ngân hàng thương mại, trong đó có hợp đồng tương lai. Trong khi đó, trên thực tế, Việt Nam đã có một số loại hàng hóa có thể giao dịch trên các sàn giao dịch hàng hóa thế giới như cao su, cà phê, đậu tương, hạt điều, kim loại. Vậy vì sao doanh nghiệp Việt Nam lại ít sử dụng hợp đồng tương lai?
Lợi thì có lợi...
Hợp đồng tương lai xác lập nghĩa vụ mua bán hàng hóa với giá cả đã được xác định tại thời điểm hiện tại, nhưng giao hàng vào một thời điểm trong tương lai. Do vậy, hợp đồng sẽ giúp hạn chế rủi ro biến động giá. Doanh nghiệp có thể thông qua các ngân hàng thương mại để ký hợp đồng tương lai. Ngân hàng sẽ kết nối với các sàn giao dịch hàng hóa để thực hiện lệnh đặt mua hoặc bán. Về cơ bản, cách thức hoạt động của các sàn này cũng giống như sàn giao dịch chứng khoán. Chỉ khác là sàn chứng khoán giao dịch cổ phiếu, còn sàn hàng hóa thì giao dịch cà phê, đậu tương, cao su, lúa gạo, kim loại...
Theo ông Đào Duy Long, Phó Giám đốc Khối nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ của Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), việc giao dịch hợp đồng tương lai gắn với hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu thực của doanh nghiệp (tức có khối lượng, thời gian giao hàng cụ thể trong tương lai) là một cách bảo hiểm rủi ro, có thể giúp tránh thua lỗ.
Còn ông Ker Chung Yang, chuyên gia phân tích thị trường hàng hóa của Philip Futures (Singapore) thì cho biết, trên thế giới, nhiều nhà đầu tư sử dụng công cụ này để đầu tư giống như đầu tư chứng khoán và họ cũng dùng đòn bẩy tài chính. Nếu dự đoán xu hướng giá cả hàng hóa không chính xác, họ sẽ bị thua lỗ. Ngược lại, nếu phân tích xu hướng chính xác, nhà đầu tư sẽ thắng lớn. Những vụ đánh cược như thế diễn ra phổ biến ở các thị trường tài chính phát triển. Còn ở Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp chưa đủ khả năng cũng như công cụ hỗ trợ để sử dụng hợp đồng tương lai theo cách này.
Những cái khó
Hiện nay, cả nước chỉ có trên dưới 100 doanh nghiệp sử dụng các công cụ phái sinh, một con số quá khiêm tốn. Một nguyên nhân chính là Việt Nam chưa phát triển mạnh sàn giao dịch hàng hóa. Có chăng chỉ là một vài sàn như sàn cà phê BCEC tại Buôn Ma Thuột, hay Sàn Hàng hóa Việt Nam VNX (giao dịch cà phê, cao su và thép), nhưng giao dịch cũng chưa sôi động. Nghĩa là chưa có đất để hợp đồng tương lai cũng như các công cụ phái sinh khác phát triển. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam chọn tham gia các sàn quốc tế là chính. Tuy nhiên, khi tham gia các sàn giao dịch quốc tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ người chuyên môn cao để phân tích, dự báo xu hướng giá thế giới, từ đó có thể đưa ra quyết định chính xác.
Ông Đinh Thế Quyết, Giám đốc Công ty An Phú Linh, cho biết để chốt được giá của một hợp đồng tương lai về đậu tương, ông phải theo dõi nhiều kênh thông tin quốc tế như Bloomberg, Reuters, các báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ về mùa vụ, các thông tin về diễn biến thời tiết ở những khu vực có trồng nhiều đậu tương… Bên cạnh đó, ông còn tham khảo báo cáo chuyên sâu của các ngân hàng có cung cấp dịch vụ hợp đồng tương lai và tư vấn của cán bộ ngân hàng về xu hướng giá đậu tương. Mặc dù nghiên cứu kỹ như vậy, nhưng ông Quyết cho biết cứ 10 phiên mà dự đoán chính xác được 7 phiên đã là tốt.
Còn ông Nguyễn Thế Hiền, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Trường Lộc Phát, thì cho biết ông đã sử dụng hợp đồng tương lai đối với mặt hàng đồng từ vài năm nay ở một số sàn tại Mỹ hay Anh. Để có thể dự đoán giá cả thị trường, Công ty có cả một đội ngũ nghiên cứu và ông thường phải trực tiếp tham gia mới có thể nắm được phần thắng.
Theo đánh giá của ông Long, PG Bank, hầu hết các doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh đều là doanh nghiệp tư nhân. Vấn đề không hẳn nằm ở chỗ các doanh nghiệp nhà nước không muốn sử dụng hợp đồng tương lai; nó còn liên quan đến nhận thức của cơ quan chức năng về tính hữu hiệu của công cụ này. Đối với giao dịch hàng hóa thực, hợp đồng tương lai luôn giúp doanh nghiệp, dù là quốc doanh hay tư nhân, tránh được rủi ro. Nhưng mọi việc sẽ trở nên rất nặng nề, đặc biệt đối với các doanh nghiệp quốc doanh nếu việc sử dụng các công cụ phái sinh khiến cho họ thiệt hại về tài chính.
Ngày 27.3.2012, chẳng hạn, một công ty cà phê Việt Nam đã sử dụng hợp đồng tương lai về xuất khẩu cà phê, giá chốt giao tháng 7 tới là 2.051 USD/tấn. Với mức giá này, tạm tính các chi phí vốn, lưu kho bãi, hao hụt… doanh nghiệp này cũng đã có lãi. Thế nhưng, nếu đến khi giao hàng, giá cà phê trên sàn London tăng mạnh lên 2.100 USD/tấn, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại 49 USD/tấn. Khối lượng cà phê xuất khẩu càng nhiều thì thiệt hại cho doanh nghiệp càng lớn. Đây chính là điểm doanh nghiệp nhà nước phải giải trình với đơn vị chủ quản. Và thực tế điều này đã xảy ra.
Rõ ràng, sự hiểu biết, cởi mở hơn của cơ quan chức năng và việc tạo ra khuôn khổ pháp lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển các công cụ phái sinh. Ở ví dụ trên, nếu chỉ nhìn một chiều thì sẽ thấy doanh nghiệp bị thiệt hại. Nhưng nếu doanh nghiệp tính toán đúng xu hướng giá và nếu vào lúc giao hàng, giá giảm xuống mức 2.000 USD/tấn thì họ đã làm lợi cho mình tới 51 USD/tấn. Và xuất khẩu với khối lượng càng nhiều, lãi sẽ càng lớn.
Ông Long, PG Bank, cũng lưu ý rằng trên thế giới, có nhiều doanh nghiệp sử dụng loại hợp đồng này và giá ghi trong hợp đồng tương lai là giá tham chiếu cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thực. Vì thế, không thể nói rằng không tham gia hợp đồng tương lai thì không bị ảnh hưởng gì. Doanh nghiệp, dù đứng ngoài cuộc chơi, vẫn sẽ bị tác động khi giá các hợp đồng tương lai biến động. Do đó, cần chủ động tiếp cận công cụ này để nắm bắt thông tin thị trường.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Ker Chung Yang, Philip Futures, cho biết, ở Singapore, 90% người dân có hiểu biết về thị trường chứng khoán, 50% người dân biết về hợp đồng tương lai. Do vậy, doanh nghiệp rất ưa chuộng công cụ này. Theo ông, ngân hàng luôn có vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp hiểu biết và sử dụng hợp đồng tương lai qua việc cung cấp thông tin chuyên sâu về các ngành hàng, các loại hàng hóa cũng như tư vấn cho doanh nghiệp.

Nguồn: NCĐT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét