Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Chiến lược “mượn xác” của nhà đầu tư ngoại


Gần đây, nếu để ý sẽ thấy một số doanh nghiệp tại Việt Nam, sau khi được nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần chi phối, thì sự hiện diện của họ trở nên mờ nhạt hơn so với trước đó. Điểm dễ thấy nhất là hoạt động kinh doanh đi theo chiều hướng xấu hơn hay các hoạt động quảng bá sản phẩm đã không còn được chăm chút kỹ nữa. Phải chăng khi mua doanh nghiệp Việt, không ít nhà đầu tư ngoại chỉ quan tâm đến phần xác là hệ thống phân phối, chi nhánh, đại lý...; phần hồn là sản phẩm và thương hiệu không phải là đích nhắm của họ?

Kinh doanh lỗ lã, thương hiệu mờ nhạt

Chuyện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đi xuống sau mua bán và sáp nhập không phải là hiếm. Một ví dụ là Công ty Thực phẩm Quốc tế (IFS). IFS là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, được Trade Ocean Holdings Sdn Bhd (Malaysia) thành lập vào năm 1991. Đến năm 2006, IFS niêm yết 23% vốn tại Sàn Giao dịch TP.HCM (HoSE).
Hồi đầu năm 2011, Kirin, tập đoàn thực phẩm hàng đầu của Nhật, đã mua lại 57% vốn từ các thành viên sáng lập và mua tiếp 23% cổ phiếu niêm yết nữa sau đó. Đến nay, Kirin sở hữu 80% vốn IFS. Sau 2 năm về dưới trướng của Kirin, tình hình kinh doanh của IFS vẫn không có triển vọng gì sáng sủa. Điều khiến nhà đầu tư băn khoăn là không phải IFS không có điều kiện để tạo ra lợi nhuận.
Về mặt thương hiệu, Wonderfarm là cái tên đã rất quen thuộc trên thị trường. Ngoài dòng sản phẩm chủ lực là nước yến và trà bí đao, IFS liên tục giới thiệu nhiều nhóm sản phẩm mới khác như nước dừa (thực phẩm chế biến), nước xá xị (có gas), nước trái cây (10 loại), 4 nhóm bánh (23 loại) và trà xanh Wonderfarm. Về lợi thế kinh doanh, IFS sở hữu hệ thống phân phối đến 110.000 điểm bán hàng. IFS cũng được công ty mẹ Kirin cho vay vốn với lãi suất 0% năm 2011 và 1,7% năm 2012 (USD). Điều này đã giúp giảm đáng kể chi phí lãi vay của Công ty qua các năm.
Mặc dù có nhiều lợi thế cạnh tranh nhưng IFS vẫn báo lỗ 2 năm liên tiếp. Nếu đặt hoạt động kinh doanh của IFS trong bối cảnh nhóm ngành nước giải khát, kết quả kinh doanh này cũng không tương xứng. Theo Công ty Truyền thông Tài chính StoxPlus, tỉ suất lợi nhuận của nhóm ngành nước giải khát đạt xấp xỉ 20% trong năm 2012.
Lần giở báo cáo tài chính của IFS lại thấy giá vốn hàng bán, chi phí quản lý và chi phí tài chính liên tục giảm từ năm 2010. Tuy nhiên, chi phí bán hàng và chi phí khác tăng mạnh, khiến IFS lỗ lớn. Ở điểm này lại phát sinh một khúc mắc khác. Chẳng hạn, trong quý IV/2012, IFS thuyết minh chi phí hoa hồng chiếm đến 50% tổng chi phí. Nhưng theo lẽ thường, hoa hồng cho đại lý và nhà phân phối tăng nghĩa là doanh nghiệp bán được hàng và doanh thu tăng. Vậy mà doanh thu của IFS cứ liên tục giảm kể từ năm 2010 đến nay.
Một chuyện khó hiểu nữa là IFS quyết định thanh lý tài sản không sử dụng trong năm 2012 có giá trị hơn 45 tỉ đồng, làm phát sinh chi phí khác. Nhưng giá trị thanh lý lại không được ghi nhận vào mục thu nhập khác.

Đi đường vòng

Theo IFS, nguyên nhân lỗ lớn liên tục 2 năm qua là chi phí tăng mạnh, nhất là chi phí bán hàng vượt cả lợi nhuận bán hàng. Tuy nhiên, một chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong ngành thực phẩm tiêu dùng (không muốn nêu tên) cho rằng giải thích này vẫn chưa đủ sức thuyết phục nhà đầu tư. Đi tìm lý do thực sự đằng sau các khoản lỗ lớn này cũng không phải là điều dễ dàng.
IFS từng là doanh nghiệp bị phạt và truy thu thuế (giai đoạn 2007 - 2009) gần 12 tỉ đồng. Cùng với quyết định hủy niêm yết trong năm 2013, IFS có khả năng đang nằm trong diện nghi vấn chuyển giá. Năng lực quản lý của một tập đoàn thực phẩm đa quốc gia như Kirin với hệ thống phân phối rộng lớn của IFS lại không thể tạo ra lợi nhuận là cơ sở cho sự hoài nghi này.
Vị chuyên gia trên cho rằng, khả năng rất lớn là Kirin đang chuyển hệ thống phân phối các sản phẩm của IFS sang cho mình. Theo đó, các sản phẩm mang thương hiệu Wonderfarm sẽ không còn được ưu tiên như trước. Về lâu dài, sản phẩm thương hiệu Wonderfarm sẽ dần biến mất và được thay thế bằng thương hiệu Kirin.
Nhưng tại sao Kirin lại không muốn giữ thương hiệu Wonderfarm? Mấu chốt vấn đề nằm ở sản phẩm chính của Kirin. Theo thông tin Kirin Holdings công bố trên website, sản phẩm chính của họ là các thức uống có cồn và riêng sản phẩm bia, Kirin đã có thị phần đứng đầu ở Nhật. Tập đoàn này cũng có một vài loại thức uống không cồn khác nhưng không đáng kể. Trước mắt, họ có thể giữ lại những thương hiệu lâu đời của IFS song hành với các sản phẩm mới do họ đưa vào. Nhưng về lâu dài, các sản phẩm với chất lượng quốc tế của họ với sức cạnh tranh cao có thể sẽ lấn lướt các sản phẩm của IFS trong hệ thống phân phối có sẵn của doanh nghiệp này.
Từ những ngày đầu mua IFS, Kirin cũng thừa nhận, nhà đầu tư mới phải mất ít nhất 5 năm để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nếu chỉ bằng tự lực. Do đó, Kirin chấp nhận đi đường vòng như một số thương hiệu nước ngoài để rút ngắn thời gian.
Việc sản phẩm mang thương hiệu trong nước được doanh nghiệp nước ngoài mua và dần biến mất đã xảy ra không ít lần ở Việt Nam. Bibica cũng đang đối mặt với áp lực này. Tuy nhiên, Bibica có dòng sản phẩm tương đồng với đối thủ nước ngoài nên quá trình thay thế sẽ kéo dài. Hay lúc Unilever mua P/S thì thương hiệu này đang chiếm lĩnh thị trường trong nước nên đã được giữ lại. “Đằng này, sản phẩm nước giải khát của IFS lại không phải là mục tiêu Kirin quan tâm nên quá trình thay thế chắc chắn sẽ diễn ra khốc liệt hơn”, vị chuyên gia nói trên nhận xét.

Theo NCĐT

Phá sản ngân hàng: Có hay không?


Từ năm 1975 đến nay, ở Việt Nam chưa có ngân hàng thương mại nào tuyên bố phá sản. Và cả thị trường dường như đều có chung niềm tin rằng sẽ không bao giờ có chuyện này xảy ra. Nhưng niềm tin đó liệu có còn đúng, khi trong Thông tư 07/2013 của Ngân hàng Nhà nước mới đây đã xuất hiện cụm từ “phá sản”?

3 con đường cứu ngân hàng

Việc Ngân hàng Nhà nước chấp nhận đưa thêm cụm từ “phá sản” vào Thông tư 07 đã tạo ra bất ngờ, bởi chỉ nửa năm trước, sau sự cố Bầu Kiên, chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã khẳng định “sẽ không để ngân hàng nào đổ vỡ”.
Trong lịch sử, đây cũng không phải là lần đầu Ngân hàng Nhà nước xử lý các ngân hàng yếu kém. Quay ngược trở lại giai đoạn khủng hoảng ngân hàng vào những năm 1990, có khá nhiều ngân hàng thương mại đã được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Nhiều ngân hàng tiến hành sáp nhập, hợp nhất, mua lại đổi tên, thậm chí giải thể. Kết quả là số lượng ngân hàng thương mại cổ phần giảm từ 51 (năm 1997) xuống còn 39 (năm 2001). Ngược lại, cũng không ít ngân hàng được vực dậy và phát triển trở lại sau cuộc khủng hoảng như Eximbank, VP Bank hay Maritime.
Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa hai giai đoạn. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã mở lối cho những ngân hàng yếu kém không thể tái cấu trúc được, cho dù có sự giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước, thì buộc phải phá sản.
Phá sản một ngân hàng thường không đơn giản. Bởi điều khác biệt lớn nhất giữa một ngân hàng và doanh nghiệp phi tài chính là hệ thống người gửi tiền và sự liên hệ chặt chẽ giữa các ngân hàng với nhau. Vì thế, phá sản ngân hàng là lựa chọn cuối cùng, khi những nỗ lực xử lý trước đó của ngân hàng trung ương không thành công.
Bước đi đầu tiên và dễ dàng nhất là bơm tiền để các ngân hàng yếu kém duy trì hoạt động với hy vọng chúng sẽ cải thiện được tình hình. Tuy nhiên, đây là biện pháp tốn kém và khó giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Một phương pháp ưa thích của các ngân hàng trung ương là khuyến khích hoặc ép buộc các thương vụ mua bán sáp nhập. Theo Tiến sĩ Lê Hồng Giang, quan trọng nhất là tìm được một ngân hàng khác chịu ôm phần nợ của ngân hàng yếu kém. Ưu điểm của phương pháp này là tiết kiệm được một khoản tiền mặt khổng lồ.
Đây cũng chính là con đường Việt Nam đang đi, với thương vụ điển hình là Habubank sáp nhập vào SHB. Với khả năng thanh toán gần như bằng 0, vốn chủ sở hữu giảm chỉ còn gần 200 tỉ đồng, Habubank được xem là gặp may khi có SHB đứng ra bảo lãnh mọi khoản nợ. Đối với Ngân hàng Nhà nước, đây là một thành công khi có thể bảo toàn được khoản tiền gửi của người dân tại Habubank trị giá 18.700 tỉ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã thành công với thương vụ hợp nhất đình đám giữa 3 ngân hàng ở trong tình trạng mất thanh khoản trầm trọng SCB, FicomBank và TinnghiaBank trong năm 2011. Trong cuộc hợp nhất này, Ngân hàng Nhà nước đã dùng 2 công cụ để xử lý: thứ nhất là tái cấp vốn cho ngân hàng dưới sự tài trợ vốn của BIDV và thứ hai là buộc 3 ngân hàng tự hợp nhất với nhau. “Chi phí xử lý không lớn vì tài sản và nợ hầu như không đổi, chỉ có vốn chủ sở hữu là bị mất bớt”, Tiến sĩ Giang cho biết.
Biện pháp cuối cùng để xử lý ngân hàng yếu kém chính là quốc hữu hóa. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ được sử dụng khi ngân hàng đó “quá lớn để sụp đổ”, tức có quá nhiều mối liên kết chằng chịt và to lớn trong hệ thống tài chính. Đây cũng là biện pháp tốn kém nhất. Bài học từ Thái Lan cho thấy, để có tiền hỗ trợ hệ thống ngân hàng, ngoài việc phát hành một lượng trái phiếu khổng lồ, Thái Lan đã 2 lần vay mượn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tới 20 tỉ USD. Kết quả, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã thực hiện sáp nhập và quốc hữu hóa 6 ngân hàng thương mại, 12 công ty tài chính, đồng thời đóng cửa 1 ngân hàng thương mại và 56 công ty tài chính.
Với biện pháp này, ngân hàng trung ương sẽ cử người ngồi vào ghế quản trị ngân hàng, trực tiếp điều hành và thực hiện công việc tái cấu trúc, cải thiện hoạt động kinh doanh. Sau khi đã ổn định mọi thứ, ngân hàng trung ương sẽ bán cổ phần trở lại cho tư nhân và thậm chí còn có thể thu lời để bù đắp cho chi phí tái cấu trúc.
Tiêu biểu cho phương pháp này là Tập đoàn Bảo hiểm AIG. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008, AIG được Chính phủ Mỹ quốc hữu hóa vì họ là đầu mối của các hợp đồng bảo hiểm phá sản tín dụng của các tổ chức tài chính trên toàn cầu, trị giá tới hơn 50.000 tỉ USD.
Mọi chuyện sẽ rất tốt đẹp nếu như xử lý thành công các tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán bằng những con đường nói trên; nếu không, chính phủ cũng phải chấp nhận để ngân hàng phá sản. Và ở Việt Nam, với Thông tư mở đường cho việc để ngân hàng phá sản, phải chăng Ngân hàng Nhà nước đã hết chiêu để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém?

Đường nào cho Việt Nam?

Khi một ngân hàng nộp thủ tục xin phá sản, phần tiền thu được từ việc thanh lý tài sản sẽ được trả cho các chủ nợ theo thứ tự ưu tiên: cơ quan thuế, người gửi tiền, các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, người sở hữu trái phiếu của ngân hàng, các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và cuối cùng là cổ đông của ngân hàng.
Về mặt lý thuyết, các ông chủ ngân hàng sẽ phải chịu thiệt nhiều nhất, nhưng thực tế không hẳn như vậy.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, thành viên Hội đồng Quản trị ABBank, trong một số trường hợp, cổ đông ngân hàng chưa chắc đã mất hết tiền nếu ngân hàng có nhiều tài sản có giá trị cao, chẳng hạn như bất động sản.
Đó là chưa kể các chiêu tẩu tán tài sản của các ông chủ ngân hàng. Ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP), cho biết, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, nhiều ông chủ ngân hàng ở các quốc gia khủng hoảng đã tăng cường cho các đối tác nước ngoài hoặc công ty sân sau do chính họ lập ra vay. Các khoản vay này được ghi vào nợ xấu và trong trường hợp ngân hàng phá sản hay được giải cứu, chúng đều được xóa bỏ. Vào thời điểm đó, giá trị các khoản tẩu tán lên đến hàng tỉ USD.
Ở đây, có một khái niệm cần làm rõ là cụm từ “ông chủ ngân hàng”. Những lợi thế nói trên chỉ thuộc về cổ đông lớn, có thể là những người đang trực tiếp điều hành ngân hàng và nắm trước những thông tin quan trọng. Cổ đông nhỏ tất nhiên không thể có được cơ hội đó.
Câu chuyện của Habubank là một ví dụ. Chỉ khi đến Đại hội Cổ đông vào tháng 4.2012, cổ đông Habubank mới vỡ lẽ rằng sau báo cáo giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước vốn chủ sở hữu của ngân hàng mình chỉ còn hơn 195 tỉ đồng, trong khi báo cáo tài chính (đã được kiểm toán) năm 2011 ghi rằng, vốn chủ sở hữu của Habubank là hơn 4.051 tỉ đồng.
Trở lại với vấn đề bảo vệ người gửi tiền, cổ đông lớn ở những ngân hàng yếu kém chưa kịp tẩu tán tài sản thường có xu hướng trì hoãn sự can thiệp của Nhà nước hoặc yêu cầu hỗ trợ thanh khoản, với lý do đảm bảo các khoản tiền gửi cho dân chúng. Lý do này có hoàn toàn thuyết phục?
Hãy xem xét Habubank trước khi sáp nhập. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2012 cho thấy ngân hàng này có tổng tài sản hơn 34.600 tỉ đồng. Như vậy, trong trường hợp phá sản, giả định tài sản của Habubank được thanh lý với mức giá chiết khấu 50%, số tiền thu về đã đủ để chi trả cho người gửi tiền, mà chưa cần sử dụng đến phần bảo hiểm tiền gửi 50 triệu đồng/tài khoản.
Tất nhiên, những phân tích này đều dựa trên giả định đơn giản, bởi thực tế Habubank phá sản còn ảnh hưởng tới thanh khoản của các ngân hàng khác, do liên quan đến các khoản tiền gửi, tiền vay trên thị trường liên ngân hàng và tác động tâm lý đến thị trường. Điều đáng nói ở đây là lý do bảo đảm tiền gửi là chưa hợp lý. Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể đứng ra cam kết trả lại toàn bộ tiền gửi cho người dân, sau khi đã bán xong Habubank, tương tự như cách Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Mỹ (FDIC) đã làm với các ngân hàng của nước này.
Quan trọng hơn, dù có cho phá sản ngân hàng hay không thì một bài học lớn từ các nước đi trước là Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ các khoản ra vào của một ngân hàng đã nằm trong danh sách giám sát, thậm chí phải phong tỏa tài sản.
Ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị TienphongBank, cho rằng, ở Việt Nam khó xảy ra chuyện phá sản ngân hàng. Việt Nam vẫn sẽ tập trung giảm số lượng ngân hàng yếu kém bằng cách hợp nhất và sáp nhập, thay vì cho phá sản. Và theo ông, quá trình này sẽ diễn ra chậm chạp, bởi các ngân hàng vẫn có tâm lý chờ đợi Nhà nước rót vốn, thay vì bán mình với giá rẻ.
Hơn nữa, không ít ông chủ ngân hàng tin rằng, trong trường hợp xấu nhất, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn một biện pháp cuối cùng trước khi cho phá sản, đó là quốc hữu hóa. Trên thực tế, cho đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa sử dụng đến biện pháp này và có lẽ không ít ông chủ ngân hàng vẫn trông chờ cơ hội được cứu vớt.
Tuy nhiên, còn một ý kiến khác cho rằng không hề có chuyện ngân hàng phá sản. Theo ông Sơn, Quỹ Đầu tư VCP, trong khoảng 150 năm trở lại đây, thế giới chưa từng có vụ phá sản ngân hàng nào.
Người ta thường cho rằng Thái Lan, trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997, đã cho phá sản nhiều ngân hàng. Theo ông Sơn, bản chất sự việc không phải như vậy. Một số ngân hàng mất khả năng chi trả được sáp nhập vào các ngân hàng thuộc sở hữu của Chính phủ. “Nói chính xác là có những ngân hàng đóng cửa và thương hiệu biến mất”, ông nói.
Tương tự như việc phá sản ở Mỹ. Giai đoạn 2008 - 2012, FDIC đã cho đóng cửa 465 tổ chức tín dụng, phần lớn có quy mô nhỏ. Các khoản tiền gửi, tiền vay, chi nhánh đều được nhập vào một ngân hàng khác và FDIC chấp nhận hứng chịu một phần lỗ.
Việc phá sản ngân hàng, vì thế, có thể sẽ không dễ nhìn thấy như việc phá sản một doanh nghiệp thông thường. Chẳng hạn, bình luận về thương vụ hợp nhất 3 ngân hàng Việt Nam ở trên, Tiến sĩ Lê Hồng Giang cho rằng về bản chất thì 3 ngân hàng này đã phá sản, sau đó BIDV đứng ra mua lại và lập ra một ngân hàng mới.

Theo NCĐT

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Tái cấu trúc - Giữa nói và làm


Tái cấu trúc là nói với người hay chữ, với dân thường người ta hiểu nền kinh tế đã run lên như ngôi nhà trước bão vì rường cột của nó lung lay. Vung tiền dân cho doanh nghiệp nhà nước và các dự án đầu tư công, kiểm soát lỏng lẻo giới tài chính và kinh doanh nhà đất trong một thị trường đầy rẫy những tin đồn, khi nền kinh tế đình đốn và đồng tiền mất giá, nỗi bất hạnh đổ ập ngay xuống đầu người dân, trước hết là dân nghèo.

Để giữ lấy sự ổn định có nguy cơ đã trở nên mong manh, Chính phủ đã nhiều lần tuyên bố sẽ dựng lại rường cột cho ngôi nhà trở nên ngay ngắn, bắt đầu bằng siết chặt kiểm soát các tổ chức tín dụng, ép doanh nghiệp nhà nước phải tuân theo luật chơi của thị trường và kiểm soát gắt gao hơn các dự án đầu tư công. Đó chính là ba trọng tâm căn bản của tái cấu trúc nền kinh tế.

Chỉ có điều, sau nhiều lời nói, để dân tin, chính quyền phải bắt đầu ngay với những việc làm cụ thể. Dường như, trong thời gian qua, lời nói chưa hẳn lúc nào cũng đi đôi với việc làm. Nguồn vốn cấp cho doanh nghiệp nhà nước, quy mô và số lượng các dự án đầu tư công chưa giảm, mà ngược lại cứ lầm lũi tăng thêm. Cũng như thế, không hiếm quan chức nhà nước công khai sốt sắng lo cho các đại gia kinh doanh bất động sản, nhăm nhe dùng của công để che chắn cho doanh nghiệp trước sự trừng phạt khắc nghiệt của thị trường. Vì những lẽ ấy, giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN đã thẳng thắn khuyến nghị VN cần hành động để biến những cam kết thành hiện thực. Cũng vì những lẽ ấy, nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan mới băn khoăn, sau gần một năm triển khai thực hiện người ta vẫn chưa rõ hình thù của tái cấu trúc nền kinh tế ra sao.

Băn khoăn, thẳng thắn.. lại là nói với người hay chữ. Với thường dân, ai cũng hiểu chính quyền đâu chỉ là những thánh thần. Người ta ở đời làm hay không làm một việc gì phàm đều vì lợi ích. Đặt lại rường cột kinh tế quốc gia hóa ra phải bắt đầu bởi việc thiết lập những thể chế quản trị quốc gia nhằm tạo cơ hội cho mọi người dân được biết nhiều hơn, được bàn nhiều hơn, và khi cần có đủ công cụ để buộc từng quan chức nhà nước phải chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm. Tái cấu trúc nền kinh tế hóa ra không chỉ là câu chuyện của những người hay chữ, đó cũng là con đường để mỗi người dân giành lấy quyền công dân chính đáng của mình.

QUYỀN TÀI SẢN


Vụ án dưới đây chỉ là một trong số hàng vạn tranh chấp về nhà đất ở Việt Nam. Năm 1995 ông Bùi Văn Thanh mua nhà đất của bà Nguyễn Thị Nương tại ấp 7, xã Thanh Hòa, Lộc Ninh, Bình Phước; việc mua bán được làm bằng giấy viết tay. Năm 1996, bà Nương được UBND huyện Lộc Linh cấp sổ đỏ cho lô đất kể trên. Dựa trên sổ đỏ đó, bà này khởi kiện, đòi ông Thanh phải trả lại nhà đất, với lí do việc mua bán đất là vô hiệu. Qua các cấp xét xử, TAND huyện Lộc Ninh (Bản án sơ thẩm số 40/DSST ngày 31/12/2002), TAND tỉnh Bình Phước (Bản án phúc thẩm số 38/DSPT ngày 15/04/2003) đều xác nhận việc mua bán nhà đất là có thực, song tuyên bố hợp đồng này vô hiệu, vì vào năm 1995 người bán chưa được cấp sổ đỏ nên chưa có quyền bán đất, sau khi bán hai bên lại không làm thủ tục đăng kí chuyển nhượng sổ đỏ. Tuyên hợp đồng mua bán nhà đất vô hiệu, tòa buộc ông Thanh phải trả lại đất cho bà Nương; ngược lại, bà Nương có nghĩa vụ trả lại cho ông Thanh số tiền bán nhà đất đã nhận.

Vụ tranh chấp kể trên không phải cá biệt, mà ngược lại, là một hiện tượng phổ biến ở Việt Nam. Từ vụ tranh chấp kể trên có nhiều vấn đề pháp lí cơ bản dưới đây cần được thảo luận: (i) nhà đất đang chờ sổ đỏ có thể mua bán được hay không, (ii) hợp đồng mua bán nhà đất viết tay có hiệu lực hay không, (iii) tòa án cần can thiệp như thế nào đối với những trường hợp tương tự.
Mua bán nhà đất đang chờ sổ đỏ
Pháp luật phải ghi nhận và bảo hộ quyền tài sản tư của người dân (gọi đó là quyền sử dụng đất hay quyền thuê đất), kể cả khi đất đó chưa được cấp sổ đỏ. Điều này dễ hiểu như một người vừa mua một chiếc xe máy từ cửa hàng mà chưa kịp đăng kí; xe chờ đăng kí cũng giống như nhà đất chờ cấp sổ đỏ. Nếu người ta có thể mua bán, tặng cho xe chưa đăng kí, thì nhà đất chờ cấp sổ đỏ cũng là một thứ tài sản không thể bị cấm lưu hành.
Thực ra sổ đỏ với đất, sổ hồng với nhà đều là sự ghi chép của nhà nước phục vụ minh bạch hóa quyền tài sản, chứ các ủy ban nhân dân không có cái quyền ban phát sở hữu, cũng như cái giấy khai sinh chỉ ghi nhận, chứ cái giấy đó không đẻ ra con người. Quyền tài sản, từ thủa hồng hoang cho tới nay, đều hình thành qua vài con đường, hoặc do cưỡng đoạt, hoặc do khẩn khai, tôn tạo, hoặc do thừa kế hay mua sắm mà có. Điều ấy cũng đúng với nhà đất, quyền tài sản đối với nhà đất đã được xác lập bởi nhiều phương cách khác nhau. Chước bạ thời xưa hay sổ đỏ thời nay chỉ là sự ghi chép, chứ không thể sinh ra quyền tài sản. Nếu xem xét như vậy, thì nhà đất chờ sổ đỏ tất phải là quyền tài sản của người dân và tất yếu phải được lưu hành.
Văn tự mua bán nhà đất viết tay có hiệu lực không?
Tự thủa xa xưa, người nước ta vẫn mua bán nhà đất bằng văn tự viết tay. Các khế ước đoạn mãi thường rất ngắn gọn, theo một thể thức đơn giản, nhấn mạnh tới việc mua đứt bán đoạn, thế mới gọi là đoạn mãi. Đối với nhà đất đang chờ sổ đỏ, các bên chẳng còn cách nào khác là phải mua bán bằng giấy viết tay, bởi người bán mới hoàn tất kê khai, song chưa được cấp sổ đỏ, vì thế không thể công chứng hợp đồng và tiến hành đúng các thủ tục mà Bộ luật dân sự nước ta quy định.
Tuyên vô hiệu một hợp đồng nghĩa là can thiệp vào quyền tự do định đoạt tài sản, tự do khế ước của các bên; một sự can thiệp như vậy rất nên được cân nhắc cẩn trọng. Nếu nhà đất chờ sổ đỏ không phải là hàng cấm, người bán người mua không bị nhầm lẫn và bày tỏ ý chí của mình một cách tự nguyện, không bị đe dọa, cưỡng bức.. thì khế ước đã bước đầu được xác lập một cách có hiệu lực. Kể cả khi khế ước không được xác lập đúng thể thức, thì khế ước đó không mặc nhiên vô hiệu, người ta phải chiểu theo ý chí tự do khế ước mà hối thúc các bên hoàn tất những thể thức dở dang theo luật định.
Tòa án cần can thiệp ra sao?
Tôi rất hiểu nỗi phiền lòng của quan tòa nước ta, phải tuân thủ pháp luật chứ  chưa có quyền sáng tạo ra án lệ hay dựa vào học lí mà giải thích luật. Song tôn chỉ của tòa án trước hết là hướng tới công lí, chứ không hướng tới sự phục tùng kiểu như mệnh lệnh hành chính. Bởi vậy, tìm cách hợp lí nhất bảo vệ quyền dân sự chính đáng của người dân có lẽ là hướng can thiệp đáng hoan nghênh nhất trong thời buổi hiện nay.
Cũng giống như mua xe chưa đăng kí, từ cái xe đó, người ta thủ đắc luôn quyền đem giấy tờ ra để đăng kí chước bạ với cảnh sát giao thông. Thì cũng vậy, người mua nhà đất đang chờ sổ đỏ cũng phải có cái quyền nại ra cơ quan chước bạ để ghi tên mình vào sổ và được cấp sổ đỏ cho vật quyền có được do khế ước. Nếu sổ đỏ, vì lí do nào đó đã được cấp cho chủ cũ sau khi việc mua bán nhà đất diễn ra, thì chủ mới vẫn có cái quyền nại ra cơ quan công lực để hoàn tất nốt những thể thức đăng kí thay đổi chước bạ. Mọi lí thuyết về quyền tài sản đang hình thành hay sự phân tách giữa nghĩa vụ và thể thức nghe ra có vẻ cao siêu, nhưng áp dụng vào trường hợp thực tế rất mạch lạc: qua khế ước người ta đã mua được quyền tài sản, tòa án chỉ hối thúc các bên hoàn tất mọi thể thức để quyền tài sản đó được xác lập một cách trọn vẹn mà thôi.
Quả là cuộc cải cách ở Việt Nam chỉ có thể được đẩy xa hơn nữa, nếu người nước ta yêu mến sở hữu tư nhân và hết lòng bảo hộ cái giá trị giản đơn, song thiêng liêng đó. Nó giản đơn, vì một chút của riêng tư làm người ai chẳng muốn; nó thiêng liêng vì quyền tài sản tư là động lực ganh đua của mọi giống người, ơn sự ganh đua khốc liệt đó mà mọi nguồn tài nguyên khan hiếm của quốc gia được sử dụng có hiệu quả, xã hội được văn minh. Thay đổi cách nhìn nhận về sở hữu, gia tăng bảo hộ quyền tài sản tư nhân của người dân là một định hướng mà người nước ta nên quan tâm ./.
Nguồn: SGTT

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Giáo dục pháp luật trong hoạt động thu thập chứng cứ tại tòa án


Thu thập chứng cứ (TTCC) là một trong những hoạt động tố tụng của Toà án. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (Bộ luật TTDS), TTCC được Toà án tiến hành bằng hai con đường: yêu cầu đương sự giao nộp và Toà án tự thu thập. TTCC trong vụ kiện dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại là hoạt động tố tụng mang tính nghiệp vụ chuyên môn của ngành Toà án, hoạt động này có mục đích đã được xác định trước đó là làm sáng tỏ vụ kiện. Nhìn ở góc độ tố tụng thì đây là hoạt động mang tính nghề nghiệp của cán bộ Toà án và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác nhằm giải quyết vụ kiện khách quan, đúng pháp luật. Tuy nhiên trong thực tiễn, hoạt động này còn hàm chứa nhiều khía cạnh của chức năng giáo dục pháp luật (GDPL) cho đông đảo quần chúng nhân dân.
1.  Giáo dục pháp luật trong hoạt động giao nộp chứng cứ của đương sự
Khi tham gia tố tụng (TGTT) trong vụ án dân sự tại Tòa án, đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ (CCCC) chứng minh để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình. Để thực hiện nghĩa vụ này, các đương sự phải tìm kiếm chứng cứ giao nộp cho Toà án theo quy định của Bộ luật TTDS. Thực tiễn cho thấy, hầu hết các đương sự trong vụ án không thể tự thực hiện việc tìm kiếm, tập hợp và giao nộp chứng cứ đúng với yêu cầu khởi kiện của mình. Vì vậy, trong quá trình TTCC để nộp cho Toà án, họ phải tiếp xúc với cán bộ Toà án và tìm kiếm các chuyên gia tư vấn pháp luật khác để được hướng dẫn, trợ giúp về mặt pháp lý. Thông qua hoạt động này, đương sự lĩnh hội được những kiến thức pháp luật nhất định, thể hiện:
Một là, thực hiện hoạt động giao nộp chứng cứ tại Tòa án, một đương sự được phổ biến nhiều loại văn bản pháp luật khác nhau trong cùng một thời điểm.
Nếu như ở giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án, thẩm phán và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác chủ yếu hướng dẫn, phổ biến cho các đương sự các quy định của luật tố tụng về quyền khởi kiện, cách thức khởi kiện và thẩm quyền của Tòa án trong việc thụ lý vụ án thì đến giai đoạn TTCC, việc phổ biến pháp luật cho đương sự đòi hỏi phải cụ thể và linh hoạt hơn. Bởi lẽ, để giải quyết một vụ kiện dân sự, thẩm phán vừa phải áp dụng luật nội dung, vừa áp dụng luật hình thức trong cùng một vụ kiện, trong đó luật nội dung khá đa dạng và phong phú, mỗi loại luật điều chỉnh mỗi loại quan hệ dân sự khác nhau. Tranh chấp dân sự trên thực tế cũng khá đa dạng và phức tạp, vì vậy việc áp dụng pháp luật phải chặt chẽ, hài hòa và phù hợp với từng dạng tranh chấp. Để việc áp dụng pháp luật hiệu quả, giải quyết vụ kiện thấu tình đạt lý, các thẩm phán đều hướng tới việc phổ biến pháp luật cho đương sự ngay từ giai đoạn đầu của việc CCCC. Trong quá trình CCCC, đương sự được cán bộ Toà án và các chuyên gia tư vấn pháp luật dùng mọi hình thức và biện pháp khác nhau để phổ biến cho họ nội dung từng điều luật cụ thể về từng lĩnh vực có liên quan đến từng vụ kiện cụ thể, điều này có nghĩa là làm cho các đương sự hiểu được nội dung của từng điều luật thuộc lĩnh vực của vụ kiện mà họ đang theo đuổi, làm cho họ phân biệt được giá trị của từng loại chứng cứ như chứng cứ gốc, chứng cứ sao chép lại v.v.. và chứng cứ nào thì không buộc phải chứng minh theo quy định của pháp luật. Ví dụ, khi TTCC trong vụ án hôn nhân gia đình, ngoài quan hệ phi tài sản như quan hệ hôn nhân, quan hệ con cái còn có các quan hệ khác như quan hệ cấp dưỡng nuôi con, quan hệ phân chia tài sản, trong quan hệ phân chia tài sản có phân chia động sản, bất động sản... Tùy thuộc vào từng vụ kiện cụ thể để thẩm phán định hướng cho đương sự tiếp cận các quy định chi tiết của pháp luật nội dung và luật hình thức. Đồng thời yêu cầu đương sự CCCC sát với yêu cầu giải quyết vụ kiện. Như vậy, chỉ trong một vụ án hôn nhân gia đình, cùng một lúc, đương sự được cán bộ Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác trực tiếp phổ biến nội dung cụ thể của các quy định trong Luật Hôn nhân gia đình, Luật Đất đai, BLDS, Luật Thi hành án... đồng thời họ cũng được phổ biến các quy định của Bộ luật TTDS về trình tự CCCC, các nội dung cần chứng minh trong từng vụ kiện cụ thể, khác nhau nhằm mục đích bảo vệ sự thật khách quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tương tự như vậy, đương sự trong vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính cũng được tiếp cận các loại luật liên quan trong từng vụ kiện. Thông qua hoạt động này, một đương sự có thể được tiếp cận và hiểu biết nhiều loại luật nội dung và luật hình thức trong một thời gian ngắn mà không phát sinh chi phí cho việc tìm hiểu pháp luật. Như vậy, sau hoạt động tìm kiếm CCCC cho Tòa án trong vụ kiện dân sự, các đương sự có một lượng kiến thức pháp lý tổng hợp nhất định có thể phân loại, đánh giá chứng cứ và có thể vận dụng tổng hợp, hài hòa nhiều loại luật vào vụ kiện nhằm bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, đặc biệt là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hai là, thực hiện hoạt động giao nộp chứng cứ, đông đảo các đương sự được phổ biến pháp luật.
Có thể nói hoạt động TTCC trong TTDS tại Toà án đã hình thành một cách khách quan nhiều lớp học luật tổng hợp với đội ngũ “tuyên truyền viên” hùng hậu và đội ngũ “học viên” đông đảo và đa dạng. Có thể nêu một vài con số cụ thể của tỉnh DakLak để minh chứng cho tính rộng khắp, tính phong phú và đa dạng của hoạt động này. Hiện nay, toàn ngành toà án tỉnh ĐakLak có 254 cán bộ làm công tác chuyên môn, trong đó có hơn 89 thẩm phán hai cấp tỉnh và huyện. Ngoài ra còn có 61 luật sư và nhiều luật gia công tác tại trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh. Lấy con số này nhân lên trong toàn ngành tư pháp cả nước sẽ thấy được đây là một lực lượng “tuyên truyền viên” pháp luật đông đảo, hùng hậu và đa dạng mà không một hình thức GDPL nào có được. Lực lượng này hầu hết được đào tạo cơ bản về trình độ pháp lý, được chọn lọc một bước về phẩm chất chính trị, đạo đức, có tâm huyết với nghề nghiệp, có bề dày kinh nghiệm thực tiễn.
Đối với “học viên” chỉ tính riêng trong hai năm 2010 và 2011, toàn ngành toà án tỉnh ĐakLak đã thụ lý gần 13.000 vụ kiện dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và hành chính, với hàng trăm dạng tranh chấp khác nhau. Tính bình quân mỗi vụ tranh chấp có khoảng 05 đương sự và 02 cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động thu thập, CCCC thì đã có hàng chục ngàn lượt “học viên” được tiếp xúc với cán bộ nghiệp vụ của ngành Toà án và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác, được lĩnh hội một số kiến thức pháp luật tổng hợp từ các cán bộ nghiệp vụ của Toà án và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác. Lượng kiến thức pháp luật đương sự lĩnh hội được trong hoạt động này có điều kiện vận dụng vào vụ kiện cụ thể góp phần tạo nên thành công lớn trong công tác giải quyết tranh chấp và cũng là thành công của công tác GDPL. Vì vậy, cho dù việc truyền thụ, phổ biến kiến thức pháp luật cho nhân dân trong hoạt động CCCC tại Tòa án có những đặc thù riêng, không được tổ chức tập trung thành trường lớp, thành phần học viên không cùng lứa tuổi, không có sự tương đối đồng đều về trình độ nhận thức như những hình thức phổ biến pháp luật khác nhưng về số lượng học viên và chất lượng GDPL của hình thức GDPL này trên thực tế không kém các hình thức GDPL khác.
Ba là, thực hiện hoạt động CCCC trong vụ kiện đương sự được phổ biến, tìm hiểu pháp luật về chiều sâu, học đi đôi với hành
Thông thường trong mỗi vụ kiện dân sự, kinh doanh thương mại hay hành chính đều có nhiều quan hệ tranh chấp xen kẽ, liên quan với nhau cần phải giải quyết cùng một lúc. Muốn có nguồn chứng cứ sát với yêu cầu của từng dạng quan hệ tranh chấp trong vụ kiện đòi hỏi thẩm phán và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác phải phân loại rạch ròi minh bạch từng quan hệ tranh chấp trong vụ kiện, các nội dung tranh chấp cần chứng minh và định hướng điều luật cụ thể để áp dụng cho mỗi loại quan hệ tranh chấp. Tùy thuộc vào địa vị tố tụng của từng đương sự, thẩm phán phổ biến pháp luật cho họ bằng cách đọc và phân tích nội dung cụ thể, chi tiết từng điều luật có liên quan đến quan hệ tranh chấp mà đương sự đang theo kiện. Định hướng cho đương sự tìm hiểu thêm các văn bản pháp luật liên quan đồng thời yêu cầu đương sự tìm nguồn chứng cứ để cung cấp cho Tòa án đúng với yêu cầu giải quyết tranh chấp.
Trên thực tế giải quyết tranh chấp, khi đương sự vướng mắc về nhận thức do điều luật được phổ biến quá tổng quát thì thẩm phán và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác phổ biến và hướng dẫn đương sự sử dụng các nguồn văn bản dưới luật mang tính chi tiết hơn vào vụ kiện để tìm kiếm chứng cứ giao nộp cho Tòa án, hướng dẫn đương sự cách thức áp dụng hài hòa các loại luật, các nguồn luật vào việc tìm kiếm chứng cứ nhằm CCCC một cách chính xác sát với yêu cầu giải quyết vụ kiện.
Cũng thông qua hoạt động TTCC, các cán bộ Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luậtquán triệt cho các đương sự khi tìm kiếm chứng cứ giao nộp cho Toà án phải dựa trên nền tảng sự thật khách quan của vụ án và khuyến cáo cho các đương sự biết về hậu quả pháp lý của hành vi gian lận trong việc thu thập và CCCC.
Yêu cầu đặt ra đối với cán bộ Toà án và các chuyên gia tư vấn pháp luật trong hoạt động này là phải bằng mọi cách thức làm cho những người TGTT tại Toà án nhanh chóng nắm được luật nôi dung, luật tố tụng của lĩnh vực mình đang theo kiện và hiểu biết, thành thạo trong tìm kiếm, tổng hợp phân loại chứng cứ, thấy được tính tôn nghiêm của pháp luật, tính minh bạch của sự thật khách quan thông qua việc CCCC. Đặc biệt làm cho những người TGTT trong vụ án thấy rõ chứng cứ trong vụ kiện là “chìa khoá” giải mã các vướng mắc của các bên, nó bộc lộ bản chất khách quan, minh bạch của vụ án và mang tính thuyết phục cao trong quá trình giải quyết tranh chấp. Xin nêu một ví dụ cụ thể: Khi đương sự được tiếp cận với cán bộ Toà án để giải quyết một vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá, trước hết, đương sự sẽ được các cán bộ Toà án định hướng tiếp cận các quy định về mua bán hàng hoá trong Luật Thương mại. Đồng thời đương sự được cán bộ Toà án phổ biến các điều luật trong Bộ luật TTDS quy định về quy trình, nguyên tắc TTCC và yêu cầu đương sự cung cấp các chứng cứ là các hợp đồng mua bán, các loại hoá đơn mua bán hàng, các chứng từ thanh toán và các chứng từ liên quan đến việc ký kết thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá theo quy định của Luật Thương mại hiện hành. Đây là những trải nghiệm thực tế quý báu và những bài học pháp luật hiệu quả nhất của đương sự khi được tiếp cận về chiều sâu các quy định về ký kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá trong Luật Thương mại, những quy định về trình tự thủ tục kiện tụng trong luật tố tụng, từ đó đương sự hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình khiCCCC cho Tòa án cũng như khi thực hiện giao dịch mua bán hàng hoá trong thương mại, hiểu được nguyên nhân sâu xa dẫn đến tranh chấp, vi phạm hợp đồng. Đặc biệt là nhận ra lỗi của mình và có sự hợp tác giải quyết tranh chấp bằng con đường thoả thuận các bên cùng có lợi. Mặt khác, việc hiểu biết pháp luật hình thành trong đương sự tình cảm pháp lý, tạo nên thói quen chấp hành pháp luật và phát triển dần thành ý thức pháp luật. 
2. Giáo dục pháp luật trong hoạt động tự thu thập chứng cứ của Tòa án
Trong trường hợp các đương sự không thể cung cấp được chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thẩm phán Tòa án tự tiến hành TTCC theo mục đích yêu cầu cần chứng minh của từng vụ kiện. Theo quy định của Bộ luật TTDS, hoạt động tự TTCC của thẩm phán bao gồm: Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; Trưng cầu giám định; Định giá tài sản; Xem xét thẩm định tại chỗ; Ủy thác TTCC; Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ kiện.
Nhìn ở góc độ đơn thuần, đây là một hoạt động mang tính nghiệp vụ tố tụng giản đơn nhằm bổ sung các chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ kiện. Tuy nhiên nhìn ở góc độ GDPL, đây là một trong những hoạt động truyền thụ kiến thức pháp lý qua lại giữa cá nhân, tổ chức yêu cầu và cá nhân, tổ chức được yêu cầu CCCC, thể hiện:
- Trong thực tiễn, hoạt động tự TTCC tại Tòa án cho thấy mỗi biện pháp nghiệp vụ của thẩm phán trong hoạt động này đều làm phát sinh mối quan hệ pháp lý giữa thẩm phán Toà án vớingười, cơ quan được yêu cầu CCCC. Khi tiến hành hoạt động này, ngoài thao tác nghiệp vụ theo quy định của luật tố tụng, thẩm phán Tòa án còn phải chuyển tải cho các đối tác CCCC những quy định của pháp luật về trình tự, nguyên tắc CCCC và hậu quả pháp lý của việc gian lận trong CCCC, những yêu cầu, nội dung vụ kiện cần phải chứng minh.
Đối với các cá nhân đại diện cơ quan, tổ chức được Tòa án yêu cầu CCCC, họ tham gia hoạt động CCCC với tư cách là đại diện các cơ quan chuyên môn hoạt động theo lĩnh vực nghề nghiệp. Họ dùng nghiệp vụ chuyên môn của ngành mình để phối hợp với Tòa án làm sáng tỏ vụ kiện. Do cá nhân, cơ quan, tổ chức được yêu cầu CCCC trong vụ kiện dân sự khá đa dạng, có cả những đối tượng đại diện cho các tổ chức, cơ quan quan trọng, có vị trí xã hội cao, có trình độ chuyên môn nhất định và đặc biệt họ là người mang đến cho thẩm phán Tòa án nguồn thông tin cần thiết cho việc giải quyết vụ kiện nên thẩm phán Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác lĩnh hội được ở họ những kiến thức chuyên môn, những quy định của pháp luật trong lĩnh vực chuyên môn mà họ phụ trách.
Về phía các cá nhân, các đại diện cơ quan, tổ chức được tiếp xúc với thẩm phán Toà ántrong quá trình thực hiện việc CCCC, họ hiểu biết thêm về lĩnh vực TTDS, đồng thời hiểu biết quyền, nghĩa vụtrách nhiệm chuyên môn cũng như trách nhiệm pháp lý của  họ khi CCCC cho Toà án. Xin nêu một ví dụ khi thẩm phán Tòa án ban hành một quyết định trưng cầu giám định chữ ký, cơ quan giám định yêu cầu thẩm phán cung cấp mẫu vật tức chữ ký mẫu để giám định. Trong trường hợp này, thẩm phán và đương sự là người được yêu cầu CCCC, còn cán bộ giám định là người thẩm định tính đúng đắn của chứng cứ. Mối quan hệ GDPL qua lại của hoạt động này là thẩm phán hiểu biết được một số kiến thức pháp luật về chuyên môn giám định được ghi trong văn bản kết quả giám định của cơ quan chuyên môn, ngược lại cán bộ cơ quan chuyên môn giám định biết được kiến thức pháp luật ở thẩm phán và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác về quyền và nghĩa vụ của người giám định trong TTDS và hậu quả pháp lý của việc giám định. Vì vậy, khác với hoạt động yêu cầu đương sự CCCC, trong hoạt động tự TTCC tại Tòa án, thẩm phán vừa là người phổ biến pháp luật cho cá nhân, cơ quan được yêu cầu CCCC, đồng thời cũng là người được lĩnh hội kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động chuyên môn từ các cá nhân, cơ quan CCCC. Như vậy việc tuyên truyền phổ biến pháp luật giữa cán bộ Tòa án với cá nhân, cơ quan được yêu cầu CCCC trong hoạt động này được diễn ra trên tinh thần hợp tác, tương trợ, học hỏi lẫn nhau nhằm mục đích chung đó là có được nguồn chứng cứ khách quan phục vụ cho yêu cầu giải quyết đúng đắn vụ kiện.
Đối với đương sự, khi Tòa án tiến hành hoạt động tự TTCC bằng hình thức yêu cầu các cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức chuyên môn cung cấp các thông tin bổ sung nguồn chứng cứ của đương sự như giám định, định giá tài sản, thẩm định tại chỗ, ủy thác lấy lời khai v.v.. thì họ trở thành người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong hoạt động này, giữa đương sự và những người cung cấp thông tin cho Tòa án phát sinh mối quan hệ pháp lý tự nhiên ràng buộc lẫn nhau. Để hoạt động này được tiến hành đúng yêu cầu của Tòa án, đương sự buộc phải theo sát các hoạt động CCCC bổ sung của các cơ quan chuyên môn này nhằm thực hiện các quyền nghĩa vụ của mình khi được yêu cầu. Ví dụ khi thẩm phán Tòa án ban hành quyết định thẩm định tại chỗ một nguồn hàng tồn kho theo yêu cầu của đương sự thì ngoài quan hệ với Tòa án, giữa đương sự trực tiếp yêu cầu thẩm định hàng tồn kho và các cán bộ thẩm định tại chỗ phát sinh một mối quan hệ pháp lý ràng buộc lẫn nhau. Trong trường hợp này, sự có mặt của đương sự yêu cầu thẩm định tại chỗ sẽ quyết định tổ chức thành công hay không thành công một phiên thẩm định, nghĩa là đương sự phải có mặt để thực hiện nghĩa vụ chỉ định hiện trường cần thẩm định như mở kho hàng để thẩm định tại chỗ lượng hàng tồn và cung cấp cho cơ quan thẩm định các hồ sơ giấy tờ cần thiết cho việc thẩm định, trường hợp đương sự vắng mặt thì phiên thẩm định sẽ không tiến hành được. Từ hoạt động này, đương sự có thêm những tuyên truyền viên pháp luật mới có kiến thức chuyên môn khác nhau. Đây cũng là môi trường để cho đương sự học hỏi thêm kiến thức pháp luật mới về chuyên môn của từng ngành mà họ được tiếp cận trong quá trình TTCC.
Việc thẩm phán tiến hành lấy lời khai người làm chứng, thực hiện đối chất giữa các đương sự hay lấy lời khai của đương sự đã tạo điều kiện để đương sự tiếp cận gần gũi với thẩm phán, giải tỏa những vướng mắc về tâm lý, bày tỏ được tâm tư nguyện vọng mong muốn được pháp luật bảo vệ và đây cũng là điều kiện tốt nhất để họ hiểu biết kiến thức pháp luật trong lĩnh vực mà họ đang theo kiện từ thẩm phán. Thông thường thẩm phán vừa tiến hành lấy lời khai của đương sự vừa kết hợp đối chiếu, phân tích đánh giá các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ kiện nhằm mục đích tìm ra mối liên hệ giữa các chứng cứ với nhau trên cơ sở đó tìm ra nguyên nhân dẫn đến tranh chấp để giải quyết một cách khách quan đúng đắn từng quan hệ tranh chấp trong vụ kiện. Mặt khác, hoạt động này cũng là điều kiện tốt cho thẩm phán kiểm nghiệm, khẳng định tính đúng đắn của lý luận pháp lý trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, tạo bề dày kinh nghiệm thực tiễn cho thẩm phán.
3. Một số khó khăn và giải pháp khắc phục
Ở giai đoạn TTCC, cán bộ Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật phổ biến cho người TGTT nhiều loại luật khác nhau trong cùng một thời gian, trong đó có cả luật nội dung và luật tố tụng. Đối tượng tham gia vào quan hệ GDPL ở giai đoạn này đa dạng, không đồng đều về trình độ văn hóa, nhận thức xã hội nên việc phổ biến pháp luật cho người TGTT mất nhiều thời gian, công sức. Pháp luật về dân sự, hành chính và các luật liên quan đến quan hệ dân sự của Nhà nước ta hiện nay nằm trong một khối lượng văn bản có thể nói là khổng lồ. Mỗi loại luật có nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật của các cơ quan khác nhau, ban hành vào nhiều thời gian khác nhau, như Luật Đất đai phải có đến 05 Nghị định hướng dẫn thi hành chưa kể đến các thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan nên khó khăn cho cán bộ Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật trong việc tổng hợp kiến thức pháp luật và cập nhật văn bản cũng như chuyển tải nội dung quy định của pháp luật cho người TGTT.
  Các văn bản pháp luật quy định trùng lặp chồng chéo vừa khó khăn cho việc áp dụng trong giải quyết tranh chấp, vừa khó khăn cho việc phổ biến pháp luật cho người TGTT, ví dụ Luật Thương mại có đến 324 điều quy định riêng về hoạt động thương mại dành riêng cho chủ thể thương nhân. Trong Bộ luật Dân sự (BLDS) cũng có quy định về quan hệ hợp đồng dân sự với các chủ thể là pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh và các cá nhân, tổ chức khác. Điểm khác nhau trong các quy định của hai luật này là các chế tài theo Luật Thương mại nặng hơn các chế tài theo pháp luật dân sự. Khi phổ biến pháp luật cho những người TGTT, cán bộ Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật cố gắng phân biệt sự khác nhau giữa khái niệm pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh với khái niệm thương nhân nhằm thuyết phục đương sự về sự khác nhau giữa hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự để áp dụng luật nào trong giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên cách phân biệt này không mang tính thuyết phục cao do quan hệ thương mại và quan hệ dân sự trong hai luật này xét về thực chất chỉ là một. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều đương sự cho rằng, các chế tài của Luật Thương mại áp dụng cho thương nhân là thiếu bình đẳng và bất lợi cho họ nên họ yêu cầu Tòa án áp dụng các quy định về hợp đồng dân sự trong BLDS   để giải quyết vụ kiện. Ngoài ra trong BLDS và Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành cũng có những quy định trùng lặp về chế định tài sản chung của vợ chồng v.v..
Để khắc phục vấn đề này trong thời gian tới, Nhà nước cần có sự sửa đổi lớn trong BLDS, quy tất cả những vấn đề liên quan đến thỏa thuận trong đời sống xã hội thành quan hệ dân sự và đưa vào BLDS, mạnh dạn bãi bỏ những luật có nhiều quy định trùng lặp không có giá trị áp dụng trên thực tế. Giảm thiểu các văn bản dưới luật, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận các quy định của pháp luật dễ dàng, đơn giản hơn. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong nhân dân về sự khuyến khích của Nhà nước trong thỏa thuận dân sự, hướng dẫn nhân dân có trách nhiệm cao đối với các cam kết dân sự của mình trong đời sống hàng ngày và đặc biệt cần có những quy định cụ thể các giao dịch dân sự thuộc nhóm nào thì phải được thể hiện bằng văn bản để khi xảy ra tranh chấp, pháp luật dân sự chỉ là định hướng giải quyết chung nhất cho tất cả các quan hệ dân sự, còn sự việc cụ thể thì căn cứ vào thỏa thuận của các bên đương sự để giải quyết tranh chấp, tránh tình trạng một vụ kiện dân sự phải áp dụng quá nhiều loại luật như hiện nay./.

Nguồn: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP

Cục Sở hữu trí tuệ vạch rõ Vinacafe Biên Hòa lừa dối


Vinacafe Biên Hòa đang tung ra một clip quảng cáo được chiếu trên Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam, trong đó có lời dẫn "Được tuyển chọn từ hạt cà phê của 8 vùng đặc sản (Buôn Mê Thuột, Cầu Đất, Đăk Hà, Đăk Mil, Khe Sanh, Chiềng Ban, Long Khánh, Chư Sê) ngon nhất Việt Nam"... để khẳng định chỉ có cà phê của mình mới là thật và ngon nhất.
Tuy nhiên, trao đổi với báo Đất Việt, ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý (Cục Sở hữu trí tuệ) cho biết, sự thật không phải như vậy.
Tất cả việc quảng cáo 'láo' đã được chỉ rõ qua phân tích của Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và công nghệ).

Không có khái niệm sản phẩm "ngon nhất"

Theo ông Thanh, Quy định chỉ dẫn địa lý được quy định trong pháp luật Việt Nam một cách đầy đủ và cơ bản nhất phù hợp với các quy định của pháp luật, Luật thương mại, WTO, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2009.
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.
Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.
Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ. Theo quy định tại Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện cụ thể, khoa học.
Khi được bảo hộ rồi thì chỉ những người trong khu vực đó mới được mang tên bảo hộ. Những người ngoài khu vực không được phép gắn tên bảo hộ cho sản phẩm của mình.
Nếu những người ngoài khu vực mà sử dụng tên này là vi phạm pháp luật và vi phạm luật sở hữu trí tuệ. Những người trong khu vực được bảo hộ mà chưa được phép sử dụng thì cũng không được sử dụng.
Ông Thanh cho biết, trong 8 vùng chỉ dẫn địa lý mà Vinacafe đưa ra chỉ có duy nhất cà phê Buôn Mê Thuột đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. 7 vùng còn lại vẫn chưa nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn.
Buôn Mê Thuột, cũng phải hiểu rất linh hoạt. Mặc dù mang tên Buôn Mê Thuột nhưng không phải toàn tỉnh được bảo hộ, mà chỉ có những khu vực nào đáp ứng được tiêu chuẩn chung, mang lại được sản phẩm có tính chất đặc thù thì mới được mang cái tên Buôn Mê Thuột. Hơn nữa, sản phẩm phải gắn liền với lịch sử lâu dài chứ không phải sản phẩm trồng hôm nay, ngày mai được mang tên Buôn Mê Thuột.
Một vấn đề nữa là cách dùng từ "ngon nhất" như trong quảng cáo là không ổn. "Trong luật sở hữu trí tuệ không có khái niệm thế nào là "ngon; ngon nhất". Định nghĩa từ "ngon" đã rất khó đánh giá rồi, ngon với tôi nhưng không ngon với người khác, nên rất khó để định nghĩa. Dùng từ ngon, ngon nhất là không đúng với cách dùng từ của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo quy định, chỉ có thể là chất lượng đặc thù, đặc trưng, ông Thanh cho biết thêm.

Vinacafe Biên Hòa đem vùng bảo hộ hồ tiêu đi quảng cáo cà phê

Ông Thanh phân tích, một địa danh có thể đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nhiều sản phẩm khác nhau. Nhưng nếu một địa danh đăng ký bảo hộ địa lý cho một sản phẩm này mà lại quảng cáo cho một sản phẩm khác là không đúng.
Ví dụ, 8 địa danh mà Vinacafe khẳng định là 8 vùng địa lý có cà phê đặc ngon nhất nhưng chỉ có duy nhất Buôn Mê Thuột đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý với sản phẩm cà phê. Chư Sê đăng ký hồ tiêu, Long Khánh là cao su và các sản phẩm công nghiệp...
Việc Vinacafe Biên Hòa sử dụng địa danh đăng ký bảo hộ hồ tiêu, cao su để quảng cáo cho cà phê là không ổn, như vậy là lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Đối với hạt tiêu Chư Sê, để đăng ký bảo hộ UBND tỉnh phải cho phép tổ chức đó đứng ra đăng ký tổng thể cho toàn bộ những người sản xuất, kinh doanh hạt tiêu Chư Sê. Tổ chức này được thành lập hợp pháp và phải đảm bảo được quyền và quyền lợi của những người kinh doanh trong khu vực, lúc đó UBND tỉnh mới cho phép tổ chức đó sử dụng cái tên Chư Sê để đăng ký nhãn hiệu.
Ví dụ, cùng một loại cà phê có thể là cà phê nhân, cà phê tươi.. thì được coi là một loại cà phê. Tuy nhiên, cà phê với hạt tiêu thì lại là hai loại hoàn toàn khác nhau và phải được đăng ký bảo hộ khác nhau.
Nếu Chư Sê chỉ đăng ký hồ tiêu mà Vinacafe lại quảng cáo cà phê cho Chư Sê thì rõ ràng là đã vi phạm quy định của pháp luật (chỉ đăng ký hạt tiêu mà lại sử dụng quảng cáo cà phê), thứ hai, UBND tỉnh chỉ cho phép đăng ký tên Chư Sê bảo hộ cho hạt tiêu thôi chứ không được quyền đăng ký cho sản phẩm khác. Với hai nhận định đó thì rõ ràng Vinacafe Biên Hòa không được làm như vậy. Đó là đánh đồng khái niệm.
Tuy nhiên, việc xác định Vinacafe Biên Hòa vi phạm luật hay không phải do cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định. Trong luật đã quy định rất rõ về dấu hiệu, hành vi và hình thức xử lý.
(Theo Báo Đất Việt)

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Thủ tục xin giấy phép kinh doanh thuốc lá


Cơ sở pháp lý:
1. Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
2. Nghị định số 119/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh thuốc lá;
3. Thông tư số 14/2008/TT-BCT ngày 25 tháng 11 năm 2008 của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh thuốc lá.
Hồ sơ thủ tục hành chính:
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh bán buôn (hoặc đại lý bán buôn) sản phẩm thuốc lá gồm:
Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh bán buôn (hoặc đại lý bán buôn) sản phẩm thuốc lá (theo mẫu của Phụ lục 8 kèm theo Thông tư 14/2008/TT-BCT ngày 25 tháng 11 năm 2008 của Bộ Công Thương);
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận mã số thuế;
- Văn bản giới thiệu của doanh nghiệp cung cấp sản phẩm thuốc lá, thương nhân bán buôn khác, trong đó ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh;
-  Phương án kinh doanh;
-  Tài liệu chứng minh năng lực của doanh nghiệp.
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ (hoặc đại lý bán lẻ) sản phẩm thuốc lá gồm:
Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ (hoặc đại lý bán lẻ) sản phẩm thuốc lá (theo mẫu của Phụ lục 11 kèm theo Thông tư 14/2008/TT-BCT ngày 25 tháng 11 năm 2008 của Bộ Công Thương);
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Văn bản giới thiệu của thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá, trong đó ghi rõ địa điểm kinh doanh;
- Tài liệu chứng minh tính hợp pháp về địa chỉ, địa điểm kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá của thương nhân.
Những nội dung khác cần lưu ý:
1. Tiêu chuẩn được xét cấp giấy phép:
a) Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá
- Là doanh nghiệp được thành lập theo qui định của pháp luật và có đăng ký kinh doanh hoạt động mua, bán sản phẩm thuốc lá.
-  Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới kinh doanh sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
-  Đảm bảo điều kiện về cơ sơ vật chất và tài chính (kho hàng, phương tiện vận tải phù hợp), có năng lực tài chính bảo đảm cho toàn bộ hệ thống phân phối của mình hoạt động bình thường.
-  Được doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá, doanh nghiệp thương mại của tập đoàn, tổng công ty sản xuất sản phẩm thuốc lá, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu sản phẩm thuốc lá, các hình thức hiện diện của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc thương nhân bán buôn khác chọn làm thương nhân bán buôn (hoặc đại lý bán buôn) và tổ chức hệ thống phân phối sản phẩm thuốc lá ổn định trên địa bàn.
b) Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá
- Thương nhân có đăng ký kinh doanh hoạt động mua, bán sản phẩm thuốc lá.
- Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, phù hợp với Qui hoạch hệ thống mạng lưới kinh doanh sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Có khu vực bán sản phẩm thuốc lá riêng biệt.
-  Thuộc hệ thống phân phối của thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá.
2. Thời hạn hiệu lực
Giấy phép kinh doanh sản phẩm thuốc lá có thời hạn hiệu lực là năm (05) năm kể từ ngày cấp.
Quy trình xử lý:
1. Quy trình cấp giấy phép kinh doanh bán buôn (hoặc đại lý bán buôn) sản phẩm thuốc lá
- Gửi hồ sơ xin cấp giấy phép tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Thương nhân bán buôn (hoặc đại lý bán buôn) kinh doanh trên địa bàn từ hai (02) tỉnh trở lên gửi hồ sơ về Bộ Công Thương
Thương nhân bán buôn (hoặc đại lý bán buôn) kinh doanh trên địa bàn một (01) tỉnh gửi hồ sơ về Sở Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính
- Xem xét và xử lý hồ sơ
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan cấp phép xem xét và cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm thuốc lá cho thương nhân
Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Cơ quan cấp phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do
- Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ
Trong vòng 07 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân, Cơ quan cấp phép có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung.
2. Quy trình cấp giấy phép kinh doanh bán lẻ (hoặc đại lý bán lẻ) sản phẩm thuốc lá
- Gửi hồ sơ xin cấp giấy phép tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Thương nhân gửi hồ sơ về Phòng Công Thương nơi thương nhân đề nghị mở địa điểm kinh doanh
- Xem xét và xử lý hồ sơ
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Công Thương xem xét và cấp Giấy phép doanh bán lẻ (hoặc đại lý bán lẻ) sản phẩm thuốc lá
Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ
Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 07 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân, Phòng Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung.

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ theo số điện thoại: 0988 505 572

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Chống chuyển giá và khả năng thực thi pháp luật của cơ quan thuế

Thời gian gần đây, dư luận đề cập nhiều đến việc một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài bị nghi ngờ thực hiện hành vi chuyển giá để trốn thuế (điển hình là Công ty Coca-Cola Việt Nam). Nhiều ý kiến bức xúc khi các doanh nghiệp này kinh doanh nhiều năm ở Việt Nam, liên tục kê khai lỗ nhưng lại mở rộng kinh doanh, tăng doanh thu. Có doanh nghiệp có lỗ cộng dồn lớn hơn số vốn đầu tư ban đầu. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu cơ sở pháp lý, do Luật Đầu tư sơ hở, hay do giao dịch của doanh nghiệp quá đặc thù làm cơ quan thuế bất lực?... Chúng tôi xin bàn đến góc độ khả năng thực thi pháp luật của cơ quan thuế.
1. Cơ sở pháp lý
Có thể liệt kê các văn bản pháp luật hiện hành điều chỉnh vấn đề liên quan đến chuyển giá như Luật Quản lý thuế 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012); Luật Giá 2012; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008; Thông tư 66/2012/TT-BTC (Thông tư 66 - hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết), trong đó đặc biệt là Thông tư 66 điều chỉnh chi tiết và trực tiếp nhất.
Mục đích của Thông tư 66 là hướng dẫn thực hiện các quy định về việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết làm căn cứ kê khai xác định nghĩa vụ thuế thu nhập của cơ sở kinh doanh. Thuật ngữ “giá thị trường” được giải thích là “để chỉ giá sản phẩm theo thỏa thuận khách quan trong giao dịch kinh doanh trên thị trường giữa các bên không có mối quan hệ liên kết (các bên độc lập)”. Như vậy, các doanh nghiệp có mối liên hệ liên kết khi giao dịch với nhau phải thực hiện theo giá thị trường như với các bên độc lập (arm’s length principle).
Thông tư 66 đã quy định chi tiết thế nào là các bên liên kết (tỷ lệ nắm giữ vốn đầu tư của chủ sở hữu, tỷ lệ vốn vay của bên liên kết…). Thông tư 66 cũng hướng dẫn cách xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết. Theo đó, có 5 phương pháp xác định giá thị trường: 1) Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập; 2) Phương pháp giá bán lại; 3) Phương pháp giá vốn cộng lãi; 4) Phương pháp so sánh lợi nhuận; 5) Phương pháp tách lợi nhuận. Tùy theo đặc thù của từng giao dịch mà lựa chọn phương pháp xác định giá thị trường phù hợp nhất. Trong đó Phương pháp 1 dựa vào đơn giá sản phẩm trong giao dịch độc lập để xác định đơn giá sản phẩm trong giao dịch liên kết khi các giao dịch này có điều kiện giao dịch tương đương nhau. Trong trường hợp không xác định được giá giao dịch độc lập (do là giao dịch đặc thù hoặc duy nhất) thì có thể áp dụng các phương pháp còn lại trên cơ sở xác định tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc tỷ suất sinh lợi.
Khi khai báo thuế, doanh nghiệp có giao dịch liên kết có nghĩa vụ kê khai vào một mẫu ban hành kèm theo Thông tư 66 gồm thông tin về giao dịch liên kết và phương pháp xác định giá đối với các giao dịch liên kết đó. Doanh nghiệp có giao dịch liên kết có nghĩa vụ và trách nhiệm lưu giữ các thông tin, tài liệu và chứng từ làm căn cứ áp dụng phương pháp xác định giá thị trường đối với sản phẩm trong các giao dịch liên kết và xuất trình đầy đủ các dữ liệu, tài liệu, chứng từ cần thiết chứng minh cho việc lựa chọn và áp dụng phương pháp xác định giá phù hợp nhất đối với giao dịch liên kết.
Nếu doanh nghiệp dựa vào các tài liệu, dữ liệu, chứng từ không hợp pháp, không hợp lệ hoặc không nêu rõ nguồn gốc xuất xứ để xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc các tỷ suất sinh lời áp dụng cho giao dịch liên kết hoặc không áp dụng hoặc cố tình áp dụng không đúng các quy định tại Thông tư 66 và doanh nghiệp không chứng minh được trong thời hạn tối đa là 90 ngày kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan thuế thì tùy theo mức độ tuân thủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ của doanh nghiệp mà cơ quan thuế có quyền căn cứ vào cơ sở dữ liệu của mình ấn định mức giá được sử dụng để kê khai tính thuế, ấn định thu nhập chịu thuế hoặc số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
2. “Chuyển giá” là gì ?
Thuật ngữ “chuyển giá” là để ám chỉ việc doanh nghiệp dàn xếp các giao dịch với bên có mối quan hệ liên kết theo mức giá không như mức giá đối với bên độc lập (nói đơn giản là mua với giá cao và bán với giá thấp) hoặc các khoản chi trả dịch vụ bất hợp lý hoặc không cần thiết nhằm mục đích chuyển lợi nhuận về quốc gia có mức thuế suất có lợi nhất cho tập đoàn đó. Hành vi “chuyển giá” vì vậy thường được thực hiện bởi các tập đoàn đa quốc gia có các công ty con hoặc cơ sở kinh doanh thường trú ở nhiều quốc gia khác nhau. “Chuyển giá” ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu thuế của các quốc gia có liên quan.
Để chống chuyển giá, các quốc gia phát triển đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và xây dựng các quy định pháp luật về nguyên tắc xác định giá thị trường; xác định mối quan hệ liên kết; nguyên tắc ấn định chi phí, tỷ suất lợi nhuận, ấn định mức thuế.... Mặc dù vẫn tồn tại một số hạn chế, nhưng có thể nói, Thông tư 66 đã thừa kế khá đầy đủ những kinh nghiệm chống chuyển giá của các quốc gia phát triển.
3. Khả năng thực thi chống “chuyển giá” của cơ quan thuế
Theo Thông tư 66, cơ quan thuế phải xem xét bảng kê khai giao dịch liên kết của doanh nghiệp và các tài liệu chứng từ chứng minh (bao gồm hợp đồng, chứng từ, hóa đơn...). Nếu doanh nghiệp có giao dịch liên kết khai báo lỗ, đặc biệt là lỗ kéo dài nhưng vẫn mở rộng quy mô kinh doanh, doanh thu tăng nhưng vẫn lỗ thì là những đối tượng cần phải thanh tra các giao dịch liên kết. Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải chứng minh các giao dịch liên kết có thực sự cần thiết, kế đến là giá giao dịch có theo các nguyên tắc xác định giá thị trường. Nếu cơ quan thuế không thống nhất thì có quyền: bác bỏ giao dịch đó (không chấp nhận khoản khấu trừ thu nhập chịu thuế), hoặc ấn định phương pháp xác định giá khác với phương pháp xác định giá của doanh nghiệp để kê khai tính thuế, ấn định thu nhập chịu thuế hoặc số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Để làm được điều này, cơ quan thuế phải dựa vào cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế là các thông tin, dữ liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp do cơ quan thuế thu thập, phân tích, lưu giữ, cập nhật và quản lý từ các nguồn khác nhau.
Thực tế hiện nay, để thực hiện được các nội dung trên không đơn giản, cơ quan thuế vướng phải những khó khăn sau:
Cơ sở dữ liệu
Những nguồn cơ sở dữ liệu có sẵn mà cơ quan thuế có thể thu thập được như: thông tin, dữ liệu do các cơ quan, ban, ngành của Nhà nước, các viện nghiên cứu, các hiệp hội và các tổ chức chuyên ngành được Nhà nước công nhận và chịu trách nhiệm công bố công khai hoặc cung cấp theo yêu cầu; báo cáo tài chính, báo cáo đầu tư thường niên hoặc định kỳ của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán được công bố công khai theo các quy định và điều lệ hoạt động của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, những nguồn này không thể bao gồm hết các thông tin của các doanh nghiệp có giao dịch có tính chất và bối cảnh giao dịch tương đồng. Một nguồn thông tin, dữ liệu khá đầy đủ và toàn diện là nguồn thông tin, dữ liệu do các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hành nghề độc lập được cấp phép hoạt động xác nhận hoặc công bố công khai (ví dụ: cơ quan kiểm toán độc lập, cơ quan đăng ký, đăng kiểm chất lượng, tổ chức phân loại, đánh giá uy tín các doanh nghiệp). Hiện nay, nguồn dữ liệu loại này được các công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán, thuế sử dụng và được chấp nhận bởi cơ quan thuế ở các nước. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan thuế Việt Nam chưa mua một nguồn cơ sở dữ liệu nào. Lý do được đưa ra là giá một cơ sở dữ liệu khá đắt. Vấn đề đặt ra là cơ quan thuế khó mà có cơ sở để bác các kê khai thuế của doanh nghiệp nếu không có nguồn cơ sở dữ liệu này để phân tích so sánh giao dịch độc lập có tính chất và điều kiện tương đồng. Với những nguy cơ thất thu thuế do doanh nghiệp thực hiện chuyển giá như hiện nay thì việc phải mua nguồn cơ sở dữ liệu này là việc không thể không làm.
Năng lực cán bộ thuế
Một khó khăn mang tính chủ quan là năng lực của cán bộ thuế. Kể cả khi cơ quan thuế đã mua nguồn cơ sở dữ liệu nói trên thì việc sử dụng được nguồn dữ liệu đó cũng là một thách thức bởi vấn đề ngoại ngữ, khả năng phân tích tìm ra cơ sở để xác định giá giao dịch độc lập tương đồng hoặc tỷ suất lợi nhuận gộp, tỷ suất sinh lợi tương đồng (bench-marking). Hiện nay, ngoài Tổng cục Thuế có tổ chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá thì các Cục thuế địa phương không có một bộ phận chuyên trách về chuyển giá, mà chủ yếu là cán bộ thuế phụ trách thuế thu nhập doanh nghiệp kiêm nhiệm. Bản thân các cán bộ thuế này cũng không được đào tạo bài bản về chuyến giá. Do đó vấn đề cấp bách hiện nay, ngoài việc phải mua nguồn cơ sở dữ liệu, cần phải đào tạo chuyên sâu về chống chuyển giá cho cán bộ thuế từ trung ương đến địa phương và họ chỉ phụ trách chuyên về chuyển giá. Cũng cần nói thêm là tại các công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán và thuế lớn đều có bộ phận phụ trách chuyên về chuyển giá.
Trở lại nghi án Coca-cola Việt Nam
Thông tin báo chí đăng tải trong thời gian qua về nghi án Coca-cola chuyển giá có hai luồng ý kiến: thứ nhất quy cho các giao dịch với bên liên kết của Coca-cola Việt Nam là giao dịch đặc thù, duy nhất, khó xác định giá giao dịch tương đồng (bao gồm cả ý kiến của cơ quan thuế Việt Nam); thứ hai (chủ yếu là lý giải của Coca-cola Việt Nam) đó là giá nguyên liệu mua của công ty mẹ cao, những chi phí lớn mà Coca-cola phải đầu tư...
Phân tích và áp dụng các quy định của Thông tư 66 thì các lý do trên không phải là vấn đề lớn. Một là, Thông tư 66 cho phép áp dụng 5 phương pháp xác định giá thị trường đối với giao dịch với bên liên kết. Tùy theo đặc thù của giao dịch mà lựa chọn phương pháp áp dụng phù hợp nhất. Nếu trong trường hợp Coca-cola thực hiện giao dịch đặc thù, duy nhất và khó xác định được giá giao dịch độc lập theo phương pháp 1, thì có thể áp dụng phương pháp xác định tỷ suất lợi nhuận và đây là thẩm quyền của cơ quan thuế có quyền điều chỉnh và ấn định phương pháp xác định giá thị trường phù phợp. Hai là, việc Coca-cola Việt Nam kê khai những chi phí khác thì cơ quan thuế cũng hoàn toàn có thể xác định tính cần thiết hay có hợp lý hay không để khấu trừ.
Vấn đề ở đây - như đã nêu trên - là cơ quan thuế Việt Nam thiếu cơ sở dữ liệu để bác bỏ kê khai của doanh nghiệp và năng lực của cán bộ thuế. Việc hiểu biết hạn chế và thiếu cơ sở dữ liệu dẫn đến việc cơ quan thuế không thể mạnh tay với doanh nghiệp, bởi nếu không khéo thì có thể bị doanh nghiệp kiện ngược ra tòa hành chính. Hiện nay, bản thân các thẩm phán cũng khó có thể nói là am tường về chuyển giá thì việc xét xử những vụ kiện như thế là một thách thức đối với họ.
Kế hoạch hành động của cơ quan thuế
Ngành thuế Việt Nam đang thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, trong đó tập trung vào nâng cao năng lực thực thi thuế quốc tế (trong đó có vấn đề quản lý thuế đối với chuyển giá). Cụ thể[1]:
Trong chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012-2015 của Bộ Tài chính, sẽ thành lập tổ chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá tại một số Cục thuế quản lý nhiều doanh nghiệp liên kết như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh v.v.. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận nhiều sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế (JICA, ADB, EU, IFC, WB...) cho việc đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ thuế về giá chuyển nhượng.
Từ năm 2012, ngành thuế đã đặt thanh tra giá chuyển nhượng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Thực tế đã thanh tra, kiểm tra 1.495 doanh nghiệp lỗ có dấu hiệu chuyển giá, đã điều chỉnh giá dẫn đến nhiều doanh nghiệp từ lỗ đã có lãi, truy thu và phạt 622,8 tỷ, giảm lỗ 3.306,6 tỷ. Sắp tới ngành thuế sẽ tăng cường rà soát, đánh giá rủi ro và thanh tra giá chuyển nhượng, đảm bảo tỷ lệ 20% cuộc thanh tra giá chuyển nhượng tính trên tổng số cuộc thanh tra được thực hiện.
Đối với hệ thống cơ sở dữ liệu, ngành thuế đang tiến hành tin học hóa các thông tin về đăng ký thuế, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bản cân đối kế toán, tình hình thực hiện kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp và có kế hoạch mua thêm nguồn cơ sở dữ liệu.
Hy vọng với những nỗ lực trên, ngành thuế Việt Nam có thể nâng cao được khả năng thực thi chống chuyển giá - hiện đang là vấn đề bức xúc không chỉ đối với Nhà nước mà cả đối với người dân Việt Nam./.


[1] Theo thông tin của Tổng cục Thuế về thực trạng công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá tại Việt Nam tại hội thảo “Quản  lý hoạt động chuyển giá - kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” tại Hà Nội, tháng 12/2012 .

Nguồn: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP