Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Thực trạng pháp luật về giấy phép kinh doanh

1. Giấy phép kinh doanh - công cụ quan trọng của Nhà nước để quản lý doanh nghiệp và nền kinh tế
Trong bất kỳ nền kinh tế hàng hóa nào cũng tồn tại nhu cầu tự do kinh doanh và trong các xã hội khác nhau thì mức độ bảo đảm việc thực hiện nhu cầu tự do kinh doanh đó cũng khác nhau[1]. Có thể nói, tự do kinh doanh là quyền năng quan trọng nhất của con người trong lĩnh vực kinh tế và là sự quan tâm hàng đầu của các quốc gia khi ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Ở Việt Nam, quyền tự do kinh doanh cho người dân đã chính thức được ghi nhận tại Điều 57 Hiến pháp 1992. Theo đó, bất kỳ cá nhân, tổ chức không thuộc các trường hợp pháp luật cấm đoán đều có quyền gia nhập thị trường bằng cách thành lập doanh nghiệp kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận. Suốt hơn 20 năm đổi mới kinh tế, Nhà nước ta đã ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990, Luật Công ty 1990, Luật Doanh nghiệp 1999, sau này là Luật Doanh nghiệp 2005 với những quy định ngày càng hoàn thiện và thông thoáng hơn, nhằm khuyến khích người dân đầu tư thành lập doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, dù quyền tự do kinh doanh đã được luật hóa nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra trong bất kỳ ngành, nghề kinh doanh nào cũng được. Ngược lại, trong một số ngành nghề kinh doanh đặc thù thì Nhà nước vẫn phải duy trì cơ chế cấp phép kinh doanh với mục đích duy trì và kiểm soát nền kinh tế, quản lý hoạt động của doanh nghiệp, đó là điều hết sức bình thường mà pháp luật doanh nghiệp nhiều quốc gia trên thế giới cũng có quy định tương đồng. Vì dù dưới góc độ nào, Nhà nước vẫn giữ một vai trò nhất định trong đời sống kinh tế - xã hội, vì kinh tế là nền tảng có ảnh hưởng quyết định nhất đối với mọi thời đại, mọi chế độ xã hội[2]. Theo quan điểm của Sabine G. Persson và Camilla Steinby (2006) thì để thâm nhập vào một thị trường có tính bảo hộ cao thì các công ty phải có và duy trì được giấy phép kinh doanh (GPKD) do Nhà nước cấp. Nghĩa là các công ty phải chứng minh sự tồn tại và hoạt động của họ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà Nhà nước đặt ra[3].
Trên thế giới, người ta phân biệt rõ hai loại cơ chế kiểm soát thủ tục hình thành của doanh nghiệp:[4] (i) cơ chế đăng ký  (Registration hoặc Notification), theo đó, Nhà nước yêu cầu nhà đầu tư (NĐT) phải cung cấp các thông tin cụ thể của họ để được phép hoạt động kinh doanh; (ii) cơ chế cấp phép (License) nhằm kiểm tra sự đáp ứng của NĐT đối với các điều kiện thực tế mà có thể có độ khó và tính cụ thể nhiều hơn hoặc ít hơn trong các quy định pháp luật đang tác động đến thành lập doanh nghiệp[5]. Nói cách khác, doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện kinh tế thị trường thì bị chi phối bởi hai loại giấy phép: giấy phép thành lập (Entry Licensing) và giấy phép hoạt động (Operation Licensing)[6]. Đối với giấy phép thành lập thì một doanh nghiệp không thể hoạt động hợp pháp trong bất kỳ lĩnh vực nào trừ phi được cấp phép thành lập. Còn giấy phép hoạt động thì đòi hỏi sự cấp phép của Nhà nước cho các hoạt động kinh doanh đặc thù nhưng không ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp[7], đôi khi người ta còn gọi giấy phép này là giấy phép tiêu cực (Negative Licensing)[8].
Ở Việt Nam, hiện chưa có một định nghĩa chính thức nào về giấy phép kinh doanh (GPKD) trong luật. Thực tế, doanh nghiệp gọi GPKD là giấy phép "con”. Trần Hữu Huỳnh cho rằng GPKD là các loại giấy tờ, chấp thuận bằng văn bản hoặc dưới hình thức khác mà doanh nghiệp phải xin cơ quan quản lý nhà nước trước khi có thể tiến hành hoạt động kinh doanh, ngoài giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập ban đầu[9]. Bùi Huy Cường lại có quan niệm khác khi cho rằng, GPKD là chứng thư pháp lý do Nhà nước cấp cho một số chủ thể nhất định khi có đủ điều kiện mà Nhà nước đặt ra[10].
Về vai trò của GPKD, theo Anthony Ogus (2005) thì cơ chế cấp phép có thể được sử dụng để giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước[11]. Thậm chí, ở các nước Châu Phi nói tiếng Anh thì họ sử dụng các biện pháp kiểm soát  "đầu vào” của doanh nghiệp như là công cụ cơ bản trong công tác thuế[12], điều này thường xảy ra là do mục đích của chính quyền địa phương[13]. Erik Lenntorp (2009) cho rằng GPKD là công cụ pháp lý được sử dụng rộng rãi để nhằm cân bằng giữa chi phí và lợi ích cho hoạt động của doanh nghiệp[14]. Còn Pinson (2006) khẳng định GPKD được xem như là một phương tiện để quản lý các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành nghề nhất định[15].
Ở Việt Nam, trong điều kiện kinh tế thị trường, doanh nghiệp có quyền chủ động đăng ký  và hoạt động kinh doanh mà không cần phải xin phép, xin chấp thuận, hỏi ý kiến cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) nếu ngành, nghề kinh doanh đó: (i) không thuộc ngành, nghề cấm kinh doanh;[16] (ii) không thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề đó khi có đủ điều kiện luật định. Quy định này là cần thiết nhằm giúp Nhà nước Việt Nam kiểm soát tốt hơn nền kinh tế, đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp trong khuôn khổ luật định, không làm rối loạn nền kinh tế. Ở Trung Quốc, thậm chí sau nhiều lần cải cách thì hiện tại trong hơn 146 lĩnh vực của nền kinh tế thì họ vẫn đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhận được sự chấp thuận của Nhà nước rồi mới được phép hoạt động[17].
2. Thực trạng giấy phép kinh doanh ở Việt Nam: những kết quả đạt trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính
Trước năm 2000, ở Việt Nam, GPKD tồn tại rất nhiều trong nền kinh tế[18]. Theo ước tính có khoảng 500 GPKD tất cả[19]. Chính GPKD tồn tại quá nhiều, trên mức cần thiết cộng với thủ tục thành lập doanh nghiệp nhiêu khê, phức tạp trong giai đoạn này đã làm nản lòng không ít nhà đầu tư có dự định ra thương trường và chúng đã tạo lực cản cho cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Ngày 03/02/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2000/QĐ-TTg và Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/2000/NĐ-CP ngày 11/08/2000 để bãi bỏ GPKD không phù hợp và chuyển một số GPKD thành điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Thi hành các văn bản này, đã có khoảng 145 GPKD bị bãi bỏ. Trong năm 2007, 289 GPKD đã được rà soát và hàng chục giấy phép đã được kiến nghị bãi bỏ. Đến thời điểm năm 2009, Chính phủ đã bãi bỏ được 316 giấy phép và chuyển 44 giấy phép khác thành ĐKKD[20]. Theo thống kê, chỉ riêng Quyết định 19/2000/QĐ-TTg bãi bỏ 84 GPKD đã tiết kiệm cho mỗi doanh nghiệp trung bình hàng năm khoảng 4,5 triệu đồng và 21 ngày đối với người điều hành doanh nghiệp[21]. Việc giảm bớt số lượng GPKD là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, đem lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội hơn trong hoạt động kinh doanh, vì một khi rào cản GPKD giảm bớt thì năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mới thực sự được phát huy. Chẳng hạn, thi hành Quyết định 19/2000/QĐ-TTg, quy định Sở Giao thông vận tải cấp GPKD vận tải hàng hoá và hành khách bằng đường bộ được bãi bỏ, nên đã tạo điều kiện cho hàng vạn doanh nghiệp vận tải chất lượng cao ra đời, đem lại nhiều đột phá trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần loại bỏ được tình trạng xe dù, bến cóc từng tồn tại dai dẳng, gây nhiều bức xúc cho xã hội
Hiện tại, thẩm quyền đặt ra GPKD được xác định chặt chẽ về mặt pháp lý theo đó, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD áp dụng theo các quy định của các luật, pháp lệnh, nghị định chuyên ngành hoặc quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ[22]. Các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD tại các văn bản QPPL khác không có hiệu lực thi hành[23]. Điều này có nghĩa là, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quy định việc ĐKKD, còn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không có thẩm quyền đặt ra ĐKKD và GPKD đối với doanh nghiệp. Cùng với đó, để hạn chế tình trạng GPKD bùng phát thì trách nhiệm của Chính phủ là phải định kỳ rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoặc một phần các ĐKKD; bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các điều kiện không còn phù hợp; sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các điều kiện bất hợp lý; ban hành hoặc kiến nghị ban hành ĐKKD mới theo yêu cầu QLNN[24]. Như vậy, kể từ thời điểm áp dụng Luật Doanh nghiệp 2005 về sau thì GPKD khó có điều kiện phát triển trong nền kinh tế, ít nhất là về mặt pháp lý, do chính sách của Nhà nước ta nỗ lực xây dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng, có tính cạnh tranh cao, loại bỏ các rào cản pháp lý đối với doanh nghiệp.
Kiểm soát tốt ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cũng là nội dung quan trọng hàng đầu của chương trình cải cách TTHC ở nước  ta "TTHC sẽ phải tiếp tục được cải cách mạnh. Tất cả những giấy phép con, ĐKKD nào ban hành không hợp lý đều phải được xóa bỏ. Nếu năm nay chưa làm hết thì năm sau tiếp tục làm"[25]. Khi ban hành Nghị quyết số 25/2010/NQ-CP ngày 02/06/2010 về đơn giản hoá 258 TTHC thuộc chức năng quản lý của các Bộ, ngành, Chính phủ đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát, bãi bỏ các TTHC gây trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp, trong đó việc giảm bớt các loại GPKD là một trong những ưu tiên được Chính phủ nhắc đến, nhằm giảm bớt số lượng GPKD hoặc nếu có duy trì thì phải cải tiến theo hướng tiện lợi hơn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn việc gộp hai thủ tục cấp mới Giấy phép hành nghề vận chuyển chất thải nguy hại và thủ tục cấp mới Giấy phép hành nghề xử lý, tiêu huỷ chất thải nguy hại lại thành một, đồng thời nâng thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu từ 12 tháng lên thành 36 tháng đã làm giảm tốn kém cho doanh nghiệp khi phải làm thủ tục cấp lại giấy phép này[26].
3. Những tồn tại và hạn chế của pháp luật về giấy phép kinh doanh
Khi luận bàn về mặt trái của GPKD, nhiều nhà kinh doanh nhấn mạnh rằng, đây là lực cản chủ yếu đến hoạt động đầu tư và sự mạo hiểm mới của họ[27]. Ở các nước Đông - Nam Âu (SEE) trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, họ cũng xém xét lại các thủ tục và điều kiện cấp phép kinh doanh và công tác cấp phép dưới chuẩn quốc gia để đảm bảo tất cả đều minh bạch[28]. Ở Việt Nam, dù trải qua nhiều lần cải cách TTHC, với những kết quả đạt được đáng khích lệ nhưng vấn đề GPKD trong pháp luật doanh nghiệp vẫn cần phải được xem xét lại dưới các góc độ sau :
Thứ nhất, số lượng ngành, nghề kinh doanh phải có GPKD vẫn còn nhiều, gây trở ngại lớn cho doanh nghiệp khi thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tính đến đến thời điểm 03/2010, cả nước có 315 GPKD các loại tồn tại trong nền kinh tế[29]. Đành rằng, GPKD cũng rất cần thiết, thể hiện vai trò quản lý của Nhà nước trong một số ngành, nghề kinh doanh đặc thù.   GPKD cũng là phương tiện để Nhà nước đặt ra các điều kiện cho các công ty và tác động đến chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế[30]. Duy có điều, số lượng GPKD đó tồn tại bao nhiêu là điều các nước thường cân nhắc kỹ trước khi đặt ra chúng, nếu không khéo sẽ tạo "chướng ngại vật” trên con đường kinh doanh cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ở Singapore, quốc gia này cũng duy trì cơ chế cấp GPKD nhập khẩu xăng dầu cho doanh nghiệp, họ quản lý ngành nghề này chặt chẽ, không cho phát triển tràn lan, đó cũng là điểm tương đồng với Việt Nam chúng ta. Ngay cả Trung Quốc - nơi có số lượng doanh nghiệp lớn hơn hẳn Việt Nam thì họ cũng chỉ có khoảng 180 GPKD các loại tồn tại trong nền kinh tế. Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc buộc cơ quan đăng ký kinh doanh phải công bố tất cả các loại giấy phép và chỉ khi công bố thì chúng mới có hiệu lực[31]. Đối với Việt Nam, số lượng  315 GPKD là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Cũng theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một doanh nghiệp vẫn cần đến bình quân 4,14 GPKD các loại, và 14,56% doanh nghiệp đánh giá rằng, rất khó khăn để có đủ các loại giấy phép cần thiết này[32]. Đặc biệt những năm gần đây, số lượng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nói chung và GPKD nói riêng ở Việt Nam đã không ngừng gia tăng theo nhiều cách thức khác nhau, đi ngược lại chủ trương kiềm chế chúng mà Quốc hội đã đề ra tại Luật Doanh nghiệp 2005[33]. Nếu như vào thời điểm năm 1999, cả nước chỉ có 29 loại hàng hoá, dịch vụ bị đặt vào diện cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì đến thời điểm năm 2010, con số đó đã lên đến 157, tức là gấp khoảng 5 lần so với 10 năm trước![34] Nhìn vào số liệu đó, chúng ta có thể hình dung những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với TTHC phát sinh từ GPKD. Đa số các điều kiện kinh doanh lại phát sinh từ các văn bản dưới luật do Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc do UBND, HĐND ban hành cũng có, trong khi, như đã nói, các cơ quan trên không có quyền đặt ra ĐKKD[35]. GPKD thường có chung một điểm "sinh ra thì dễ nhưng khai tử thì cực khó”. Năm 2000, để loại bỏ hơn 100 GPKD các loại, Nhà nước ta phải sử dụng đến các văn bản pháp luật do Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ ban hành. Năm 2010, Chính phủ phải ban hành Nghị quyết 25/2010/NQ-CP để chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ cắt giảm số lượng TTHC trong đó có GPKD thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong khi phần lớn các nước công nghiệp phát triển họ áp dụng cơ chế cấp phép trong 3 lĩnh vực cơ bản (là quy hoạch sử dụng đất, quản lý chất thải môi trường và vấn đề an toàn trong xây dựng)[36] thì việc duy trì một số lượng lớn GPKD mang tính đại trà trong nền kinh tế đã khiến Việt Nam đi ngược lại với xu thế chung của thế giới, điều này sẽ làm bào mòn lòng tin của NĐT và vô hiệu hoá chương trình cải cách TTHC mà Nhà nước đang tiến hành.
 Điều đáng lo là trong giai đoạn 2009 - 2010, các GPKD xuất hiện trở lại trong bối cảnh Đề án 30 của Chính phủ về cải cách TTHC đang được triển khai một cách quyết liệt chưa từng có.     Một số lượng lớn GPKD ra đời mang tính cục bộ, đã làm cho nạn tham nhũng, sách nhiễu doanh nghiệp có điều kiện phát triển và cơ chế xin - cho sẽ có đất sống hơn bao giờ hết[37]. Điều đó tất yếu làm tăng gánh nặng TTHC cho doanh nghiệp mà thường thì các thủ tục này có "độ khó” cao, khiến cho con đường kinh doanh cho doanh nghiệp ngày càng chông gai hơn. Theo kết quả rà soát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành trên 37 loại GPKD của một số ngành cho thấy, 100% số giấy phép được đánh giá là có điều kiện cấp phép không hợp lý; 89% số giấy phép được rà soát có vấn đề về thủ tục cấp phép[38].
Có thể nói, GPKD là đỉnh cao của sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh, là biểu hiện của sự hạn chế quyền tự do kinh doanh[39]. Nó là một trong những "kẻ can thiệp” nhiều nhất vào các thủ tục pháp lý[40]. Một cơ quan nhà nước nắm quyền cấp GPKD có thể quyết định con đường kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua việc họ có quyền cấp hay không cấp giấy phép, có quyền gia hạn hay không gia hạn GPKD. Chẳng hạn, ngành công thương hiện sở hữu nhiều GPKD quan trọng như GPKD nhập khẩu xăng dầu, giấy phép bán lẻ xăng dầu, giấy phép sản xuất rượu, giấy phép xuất khẩu gạo, giấy phép cho thương nhân nước ngoài bán lẻ hàng hoá tại Việt Nam, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp... Có gì đảm bảo rằng tất cả các loại GPKD hiện thuộc thẩm quyền của ngành công thương đều hữu ích cho công tác QLNN và không gây tiêu cực đến lợi ích của doanh nghiệp? Bài học của vụ "chạy quota” xảy ra tại Bộ Công thương vào năm 2005 vẫn còn nóng hổi. Vì vậy, một trong những thách thức lớn của công cuộc cải cách TTHC là Nhà nước có "đại phẫu” vấn đề GPKD dư thừa được không? Tại sao sự phát triển bất thường của GPKD được cho là "căn bệnh trầm kha” của nền kinh tế, dứt khoát phải "trị” nhưng khi "kê thuốc trị” bằng các quy định pháp lý mạnh mẽ suốt nhiều năm qua thì lại không giảm, không dứt, trái lại còn gia tăng? Đó là những câu hỏi mà các doanh nghiệp đang rất cần câu trả lời từ phía nhà nước, từ chính cơ quan đặt ra GPKD, đang sở hữu GPKD.
 Thứ hai, các điều kiện để được cấp GPKD ngày càng khắt khe hơn, khiến việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Bên cạnh nỗi lo về số lượng GPKD nhiều, buộc doanh nghiệp phải "cõng” thêm TTHC đã đành, doanh nghiệp còn có nỗi lo khác lớn không kém, đó là các quy định về ĐKKD ngày càng ngặt nghèo hơn khiến cho quyền tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh của doanh nghiệp bị chặn lại bởi các "rào cản” pháp lý, hệ quả là các điều kiện hình thành của doanh nghiệp càng khắt khe và chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra ngày càng cao[41].
Đơn cử, theo Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009, thì muốn có được GPKD vũ trường hay karaoke, doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều điều kiện rất khó như kinh doanh karaoke trong khu dân cư thì doanh nghiệp phải có sự đồng ‎ý bằng văn bản của các hộ liền kề hoặc là địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hoá, cơ quan hành chính ít nhất là 200m[42]. Thử hỏi những điều kiện trên có được bao doanh nghiệp đáp ứng, nhất là ở đô thị lớn như các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ... Hơn nữa, việc yêu cầu các hộ liền kề phải đồng y bằng văn bản có thêm xác nhận của UBND cấp xã chỉ khiến doanh nghiệp lâm vào bế tắc[43]. Ngoài ra, yêu cầu mỗi phòng karaoke chỉ được bố trí 01 nhân viên phục vụ từ 18 tuổi trở lên[44] là hết sức khắt khe, can thiệp trực tiếp vào hoạt động cụ thể của doanh nghiệp, buộc nhiều doanh nghiệp phải vi phạm để tồn tại!
 Chỉ vì sự khắt khe đó mà tại thành phố Hồ Chí Minh có tổng cộng 544 cơ sở kinh doanh karaoke nhưng đối chiếu với các điều kiện đặt ra thì có đến 124 cơ sở phải ngừng hoạt động hoặc phải di dời![45] Do điều kiện cấp phép kinh doanh karaoke quá khó trong khi nhu cầu của xã hội lớn, nên đã xuất hiện tình trạng nhiều chủ thể kinh doanh lặng lẽ rút lui để hình thành cơ sở kinh doanh "chui” tồn tại dưới các hình thức khác mà vẫn được coi là hợp pháp như karaoke gia đình, câu lạc bộ hát với nhau, phòng thu âm giọng hát... Khi đó, họ không cần đến GPKD karaoke nữa mà doanh thu vẫn không bị suy giảm![46] Điều đó cho thấy, ĐKKD trong lĩnh vực này đang tiếp tục làm khổ doanh nghiệp, dù Chính phủ đã "cách tân” bằng Nghị định 103/2009/NĐ-CP.
Thứ ba, GPKD nhiều nhưng hiệu quả QLNN từ các loại giấy phép này chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra
Ở Việt Nam, hiệu quả của công tác cấp GPKD cũng cần được xét lại trong nhiều trường hợp. Hầu hết các cơ quan có thẩm quyền giải thích là do xuất phát từ yêu cầu QLNN để đặt ra ĐKKD, nhưng hiệu quả về mặt QLNN đến nay vẫn chưa rõ ràng. Đơn cử như trong lĩnh vực chứng khoán, việc cấp giấy phép cho niêm yết cổ phiếu lên Sàn giao dịch của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng còn có những bất cập trong công tác thẩm định. Hàng loạt công ty cổ phần đã được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép cho niêm yết cổ phiếu tại HNX và HOSE sau khi đã tiến hành thẩm định hồ sơ trong thời hạn từ 3 - 6 tháng, nhưng có quá nhiều công ty trong số đó cổ phiếu phát hành trên sàn chỉ phục vụ cho mục đích lãnh đạo công ty bán cổ phiếu thu tiền, làm giá cổ phiếu, tính thanh khoản của cổ phiếu rất kém[47]... Nhà đầu tư vẫn bị lừa, bị lỗ vì những nguồn cung kém chất lượng mà Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước không thể kiểm soát được, vì vậy việc thẩm định hồ sơ để cấp phép từ 3 - 6 tháng là hoàn toàn vô nghĩa. Thực tế này cần phải cải tổ chính sách phát hành cổ phiếu ra công chúng và đánh giá lại hiệu quả của các loại Giấy phép mà Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đang cấp[48] để có những thay đổi kịp thời, nhằm đưa thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển lành mạnh, thực sự là phong vũ biểu của nền kinh tế, làm cho TTHC trong lĩnh vực này có ý nghĩa tích cực về mặt QLNN.  
Thứ tư, GPKD phần lớn có thời hạn, tạo thêm thủ tục gia hạn giấy phép, gây tốn kém tiền của và công sức cho doanh nghiệp
Theo quy định pháp luật hiện hành, GPKD được ghi thời hạn. Quy định này khiến doanh nghiệp phải đối mặt với thủ tục gia hạn giấy phép, vì nếu không được gia hạn giấy phép, doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động trong ngành nghề đó. Thời hạn của GPKD ở Việt Nam rất đa dạng, có loại giấy phép có thời hạn từ vài tháng đến vài năm, nhưng cũng có loại không ghi thời hạn... Chẳng hạn, theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 39/2009/NĐ-CP do Chính phủ ban hành vào ngày 23/04/2009 về vật liệu nổ công nghiệp thì GPKD vật liệu nổ công nghiệp, Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phục vụ khai thác khoáng sản chỉ có thời hạn tối đa là 5 năm, còn Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phục vụ thi công công trình, nghiên cứu, thử nghiệm, hoạt động dầu khí và Giấy phép dịch vụ nổ mìn thì Nhà nước cấp theo thời hạn công trình nhưng không quá 02 năm; Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thì theo thời hạn đề nghị trong hồ sơ nhưng không quá 03 tháng; Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp thì cũng cấp theo thời hạn đề nghị trong hồ sơ nhưng không quá 06 tháng. Trường hợp các loại giấy phép này mà hết hạn thì 01 tháng trước khi hết hạn, doanh nghiệp buộc phải làm thủ tục xin cấp lại giấy phép như lần xin cấp mới ban đầu tại Sở Công thương. Hoặc Nghị định số 84/2009/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15/10/2009 quy định: GPKD xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu do Bộ Công thương cấp và Giấy chứng nhận đủ ĐKKD xăng dầu do Sở Công thương cấp chỉ có hiệu lực 5 năm, kể từ ngày cấp. Thiết nghĩ, kinh doanh nhập khẩu xăng dầu là ngành nghề Nhà nước hạn chế kinh doanh, hiện cả nước chỉ có 11 đầu mối doanh nghiệp được quyền nhập khẩu xăng dầu[49]. Để có được giấy phép này, doanh nghiệp phải có sự đầu tư cơ sở vật chất rất lớn, phải trải qua các TTHC với các ĐKKD có "độ khó” rất cao mới được Bộ Công thương cấp phép, nhưng chúng chỉ có thời hạn 5 năm là không hợp lý, dẫn đến việc "trói” doanh nghiệp với thủ  tục gia hạn giấy phép và dễ làm phát sinh tiêu cực trong công tác cấp phép./.



[1] Xem TS. Bùi Ngọc Cường, “Một số vấn đề về quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế hiện hành của Việt Nam” Sách chuyên khảo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tháng 4/2004, tr 7.
[2] Xem GS.TSKH Từ Điển, “Một số vấn đề về quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” Sách chuyên khảo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tháng 07/2009, tr 7.
[3]Xem Sabine G. Persson and Camilla Steinby, Networks in a protected business: Licenses as restraints and facilitators”, Journal of industrial marketing management”, Volume 35, Issue 07/10/2006, Pages 870-880.
[4] Xem Bureau of Industrial Economics (Australia), Business Licence: International Bechmarking (Report 96/9, 1996, Pages: 10-14); N.Devas and R.Kelly “Regulation or Revenue? Implementing local government business licence reform in Kenya” 2001, 21 Public Administration and Development, Page 381, 383.
[5] Xem Anthony Ogus and Qing Zhang “Licensing regimes East and West”, International Review of Law and Economics, Volume 25 (2005), Page 126.
[6] Xem The distinction is made in J.Morisset and O.L.Neso, “Administrative barriers to foreigners in developing countries” World Bank Policy Research, Working Paper No 2848 (2002).
[7] Xem Anthony Ogus and Qing Zhang: “Licensing regimes East and West”, International Review of Law and Economics, Volume 25 (2005), Page 126.
[8] Xem C.Scott and J.Blake, Cranston’s Consumer and the Law, (The Third edition,  Butterworths, 2000), Page 460
[9] Xem Trần Hữu Huỳnh,“Cải cách hệ thống GPKD ở Việt Nam trong giai đoạn hậu WTO”, Tạp chí Khoa học Pháp lý, Số 2 (39) 2007.
[10] Xem TS. Bùi Ngọc Cường,“Một số vấn đề về quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế hiện hành ở Việt Nam”, Sách chuyên khảo,  Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tháng 04/2004, tr 106.
[11] Xem Anthony Ogus and Qing Zhang “Licensing regimes East and West”, International Review of Law and Economics, Volume 25 (2005), Page 138.
[12] Xem e.g ., R.Kelly, et all “Improving Revenue Mobilization in Malawi: Study in Business Licensing and Property rates”, Report prepared for Government and UNCDF (2001).
[13] Xem N.Devas and R.Kelly “Regulation or Revenue ? Implementing Local Government Business License Reform in Kenya”, Journal of  Public Administration and Development, Volume 21, 2001, Page 381, 383.
[14] Xem Erik Lenntorp, “On the Joint Use of Licensing and Liability” International Review of Law and Economics”, 2009, Volume 29, Page 244.
[15] Xem Pinson, Linda Jinnett, Jerry, “Step to small Business start-up: Everything you need to know to turn your idea into a successful Business”, Publisher: Dearborn Trade, A.Kaplan Professional Company, 2006, Page 89.
[16] Danh mục ngành nghề cấm kinh doanh hiện được xác định tại Nghị định 102/2010/NĐ-CP, Nghị định 108/2006/NĐ-CP, Nghị định 59/2006/NĐ-CP cũng như trong các quy định pháp luật chuyên ngành khác có liên quan. Ngoại trừ ngành nghề cấm kinh doanh, doanh nghiệp được kinh doanh các ngành nghề còn lại, kể cả các ngành nghề đó không nằm trong danh mục ngành, nghề có mã số được liệt kê tại Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 337/QĐ-BKHĐT ngày 10/04/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
[17] Xem The Enterprise Registration of Bureau of National Industrial and Commerce of Administration of P.R.C: “Collection of Laws and Regulations Concerning  Prior Approvals for Enterprises’ Registry”, (2000), Page 712.
[18] Trước năm 2000, trung bình mỗi doanh nghiệp cần đến 4-5 giấy phép, có khi trên 10 giấy! Chưa kể thủ tục về con dấu, đăng ký thuế, hoá đơn,…rất phức tạp. Trích từ “Một số điểm mới cơ bản của Luật Doanh nghiệp” do TS. Hoàng Thế Liên (Chủ biên), Thông tin Khoa học Pháp lý của Viện Nghiên cứu khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp (2000) tr 31.
[19] Số liệu trên do Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam phối hợp rà soát, được TS. Vũ Thị Hoài Phương trích dẫn trong bài viết "Hoàn thiện pháp luật về TTHC trong đầu tư”, Tạp chí Quản lý Kinh tế số ra tháng 03/2010.
[20]Xem "Cải cách TTHC  từ khi Việt Nam gia nhập WTO” của TS. Hà Quang Ngọc, Tạp chí Cộng sản điện tử, số 3 (171) năm 2009.
[21] Học viện Hành chính Quốc gia: "Một số giải pháp hoàn thiện QLNN đối với doanh nghiệp”, Trang Thị Tuyết (Chủ biên), NXB Chính trị Quốc gia, 06/2006, tr 153 và 154.
[22] Xem Khoản 5 Điều 7 của Luật Doanh nghiệp 2005 và Khoản 1 Điều 8 Nghị định 102/2010/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 01/10/2010.
[23] Xem Khoản 3 Điều 8 Nghị định 102/2010/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 01/10/2010.
[24] Xem Khoản 4 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2005.
[25] Phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị "Phát triển doanh nghiệp dân doanh” tổ chức tại Hà Nội vào ngày 07/09/2007.  
[26] Nguồn: Mục IX.A.6 ban hành kèm theo Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 02/06/2010 của Chính phủ.
[27] Xem K.Schwab, et al., The Global Competitiveness Report 2001, Oxford University Press, 2001.
[28] Xem OECD (2010): “Investment Reform Index 2010: Key Findings and Recommendation” in Monitoring Policies and Institutions for Direct Investment in South-East Europe, Page 1.
[29] Xem“Hoàn thiện pháp luật về TTHC  trong đầu tư” của TS. Vũ Thị Hoài Phương, Tạp chí Tổ chức Nhà nước số ra tháng 03/2010.
[30] Xem Sabine G. Persson and Camilla Steinby Networks in a protected business: Licenses as restraints and facilitators”, Journal of industrial marketing management”, Volume 35, Issue 07/10/2006, Page 872.
[31] Xem PGS.TS Phạm Duy Nghĩa “Giấc mơ về nửa triệu doanh nghiệp và một đạo luật chung: Luật Doanh nghiệp 2005 từ một góc nhìn so sánh”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 7 (219) năm 2006, Trang 52.
[32]  Phát biểu của TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đăng tải tại www.vneconomy.vn , ngày 25/9/2007
[33] TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương trong phát biểu với Phóng viên Báo Tiền Phong tại Hội nghị sơ kết 7 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 5 về kinh tế tư nhân tổ chức vào tháng 04/2010 tại Hà Nội đã khẳng định: Luật Doanh nghiệp khi ra đời đã xóa bỏ được 180 giấy phép con, chuyển đổi 286 giấy phép khác. Nhưng đến năm 2010, giấy phép đã mọc thêm hơn 400 cái. Những giấy phép này được quy định trong luật, nghị định” (http://www.baobacgiang.com.vn/PrintPreview/55117/).

[34] Tài liệu Hội thảo sửa đổi Nghị định 59/2006/NĐ-CP do Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội ngày 10/08/2010.
[35] Theo số liệu tổng hợp bước đầu của Chính phủ, từ tháng 11/2003 đến 05/2005, các bộ ngành đã tổ chức kiểm tra theo thẩm quyền được 3632 văn bản, bước đầu đã phát hiện trên 400 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Trong đó văn bản có nội dung trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, sai thẩm quyền cần huỷ bỏ, bãi bỏ chiếm 4-5%, không đảm bảo về căn cứ pháp lý trên 20% (Xem“Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong điều kiện Việt Nam là thành viên của tổ chức thương mại thế giới” TS. Nguyễn Văn Hậu và TS. Nguyễn Thị Như Hà (đồng chủ biên), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 10/2009, tr 88).
[36] Xem Bureau of Industrial Economics (Australia), Business Licence: International Bechmarking (Report 96/9, 1996, Pages: 10-14); N.Devas and R.Kelly: “Regulation or Revenue? Implementing local government business licence reform in Kenya” 2001, 21 Public Administration and Development, Page 21 – 24.
[37] Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổng hợp từ 16.200 doanh nghiệp trên 42 tỉnh, thành, chi phí tiêu cực trong cấp phép kinh doanh là rất lớn. Để thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký kinh doanh phải mất 45 ngày, ở những tỉnh nhanh nhất cũng phải mất 30 ngày (33% số doanh nghiệp); 20% số doanh nghiệp phải mất ba tháng mới xong thủ tục đăng ký kinh doanh để đi vào hoạt động (Nguồn: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong điều kiện Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới”, TS. Nguyễn Văn Hậu và TS. Nguyễn Thị Như Hà (đồng chủ biên), NXB Chính trị Quốc gia, tháng 10/2009, tr 123).
[38] Phát biểu của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đăng tải tại www.vneconomy, 25/09/2007.
[39] Xem TS. Bùi Ngọc Cường, “Một số vấn đề về quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế hiện hành ở Việt Nam”, Sách chuyên khảo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tháng 04/2004, tr 106.
[40] Xem: Anthony Ogus: “Evaluating Alternative Regulatory Regimes: The contribution of  Law and Economics”, Geoforum, Volume 30, 1999, Page 224.
[41] Xem: Anthony Ogus and Qing Zhang: “Licensing regimes East and West”, International Review of Law and Economics, Volume 25 (2005), Page 139.
[42] Điều 24 và Điều 30 của Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009.
[43] Điểm c, Khoản 4, Điều 12 Thông tư số 04/2009/TT-BVTTTDL ngày 16/12/2009.
[44] Khoản 6 Điều 32 Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009.
[46] Đến 09/2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã cấp khoảng 1.300 giấy chứng nhận đăng ký “hoạt động ghi âm” hoặc “dịch vụ phòng thu âm”. Đa số điểm “hoạt động ghi âm” hoặc “dịch vụ phòng thu âm” đều chuyển sang kinh doanh dưới tên gọi thu âm trên nền nhạc karaoke, tập trung nhiều ở các quận: 12, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh,… (Nguồn: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, số ra  ngày 07/09/2010, có thể truy cập vào địa chỉ http://phapluattp.vn/20100906112249474p0c1021/nhieu-loi-chao-moi-bangiay-phep-karaoke.htm).
[47] Trường hợp của CTCP Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái (mã chứng khoán là CAP) được UBCKNN cấp phép lên sàn HNX và chính thức giao dịch vào ngày 09/01/2008, vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn khoảng 10 tỷ đồng. Tính đến ngày 28/01/2011, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất chỉ có 430 cổ phiếu/phiên, thanh khoản quá kém. Trong các phiên giao dịch vào ngày 17/01/2011, 19/01/2011 và 20/01/2011 cổ phiếu CAP hoàn toàn không có giao dịch dù mang tiếng là công ty đại chúng (http://cafef.vn/hastc/CAP-cong-ty-co-phan-lam-nong-san-thuc-pham-yen-bai-yfaco.chn)
[48] Trong năm 2010, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã “ách lại” 20 hồ sơ của các công ty cổ phần xin niêm yết cổ phiếu lên HNX và HOSE mà lẽ ra các doanh nghiệp này phải được lên Sàn giao dịch vì lý do không đáng có đó là vướng mắc về TTHC giữa Uỷ ban Chứng khoán nhà nước và Sở Kế hoạch & Đầu tư xoay quanh quy định tại Nghị định 01/2010/NĐ-CP ngày 04/01/2010 của Chính phủ. Điều này đã gây bất bình cho các doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết trên HNX và HOSE, khiến nhiều người đặt nghi vấn về năng lực của cơ quan QLNN này (Anh Phương “Uỷ ban Chứng khoán làm khó cho doanh nghiệp?” http://www.phapluatvn.vn/  ngày 25/01/2011).
[49] Trong 11 doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng dầu thì Petrolimex chiếm giữ đến 60% thị phần tại Việt Nam (Số liệu do Bộ Công thương công bố).

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét