Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Giáo dục pháp luật trong hoạt động thu thập chứng cứ tại tòa án


Thu thập chứng cứ (TTCC) là một trong những hoạt động tố tụng của Toà án. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (Bộ luật TTDS), TTCC được Toà án tiến hành bằng hai con đường: yêu cầu đương sự giao nộp và Toà án tự thu thập. TTCC trong vụ kiện dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại là hoạt động tố tụng mang tính nghiệp vụ chuyên môn của ngành Toà án, hoạt động này có mục đích đã được xác định trước đó là làm sáng tỏ vụ kiện. Nhìn ở góc độ tố tụng thì đây là hoạt động mang tính nghề nghiệp của cán bộ Toà án và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác nhằm giải quyết vụ kiện khách quan, đúng pháp luật. Tuy nhiên trong thực tiễn, hoạt động này còn hàm chứa nhiều khía cạnh của chức năng giáo dục pháp luật (GDPL) cho đông đảo quần chúng nhân dân.
1.  Giáo dục pháp luật trong hoạt động giao nộp chứng cứ của đương sự
Khi tham gia tố tụng (TGTT) trong vụ án dân sự tại Tòa án, đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ (CCCC) chứng minh để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình. Để thực hiện nghĩa vụ này, các đương sự phải tìm kiếm chứng cứ giao nộp cho Toà án theo quy định của Bộ luật TTDS. Thực tiễn cho thấy, hầu hết các đương sự trong vụ án không thể tự thực hiện việc tìm kiếm, tập hợp và giao nộp chứng cứ đúng với yêu cầu khởi kiện của mình. Vì vậy, trong quá trình TTCC để nộp cho Toà án, họ phải tiếp xúc với cán bộ Toà án và tìm kiếm các chuyên gia tư vấn pháp luật khác để được hướng dẫn, trợ giúp về mặt pháp lý. Thông qua hoạt động này, đương sự lĩnh hội được những kiến thức pháp luật nhất định, thể hiện:
Một là, thực hiện hoạt động giao nộp chứng cứ tại Tòa án, một đương sự được phổ biến nhiều loại văn bản pháp luật khác nhau trong cùng một thời điểm.
Nếu như ở giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án, thẩm phán và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác chủ yếu hướng dẫn, phổ biến cho các đương sự các quy định của luật tố tụng về quyền khởi kiện, cách thức khởi kiện và thẩm quyền của Tòa án trong việc thụ lý vụ án thì đến giai đoạn TTCC, việc phổ biến pháp luật cho đương sự đòi hỏi phải cụ thể và linh hoạt hơn. Bởi lẽ, để giải quyết một vụ kiện dân sự, thẩm phán vừa phải áp dụng luật nội dung, vừa áp dụng luật hình thức trong cùng một vụ kiện, trong đó luật nội dung khá đa dạng và phong phú, mỗi loại luật điều chỉnh mỗi loại quan hệ dân sự khác nhau. Tranh chấp dân sự trên thực tế cũng khá đa dạng và phức tạp, vì vậy việc áp dụng pháp luật phải chặt chẽ, hài hòa và phù hợp với từng dạng tranh chấp. Để việc áp dụng pháp luật hiệu quả, giải quyết vụ kiện thấu tình đạt lý, các thẩm phán đều hướng tới việc phổ biến pháp luật cho đương sự ngay từ giai đoạn đầu của việc CCCC. Trong quá trình CCCC, đương sự được cán bộ Toà án và các chuyên gia tư vấn pháp luật dùng mọi hình thức và biện pháp khác nhau để phổ biến cho họ nội dung từng điều luật cụ thể về từng lĩnh vực có liên quan đến từng vụ kiện cụ thể, điều này có nghĩa là làm cho các đương sự hiểu được nội dung của từng điều luật thuộc lĩnh vực của vụ kiện mà họ đang theo đuổi, làm cho họ phân biệt được giá trị của từng loại chứng cứ như chứng cứ gốc, chứng cứ sao chép lại v.v.. và chứng cứ nào thì không buộc phải chứng minh theo quy định của pháp luật. Ví dụ, khi TTCC trong vụ án hôn nhân gia đình, ngoài quan hệ phi tài sản như quan hệ hôn nhân, quan hệ con cái còn có các quan hệ khác như quan hệ cấp dưỡng nuôi con, quan hệ phân chia tài sản, trong quan hệ phân chia tài sản có phân chia động sản, bất động sản... Tùy thuộc vào từng vụ kiện cụ thể để thẩm phán định hướng cho đương sự tiếp cận các quy định chi tiết của pháp luật nội dung và luật hình thức. Đồng thời yêu cầu đương sự CCCC sát với yêu cầu giải quyết vụ kiện. Như vậy, chỉ trong một vụ án hôn nhân gia đình, cùng một lúc, đương sự được cán bộ Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác trực tiếp phổ biến nội dung cụ thể của các quy định trong Luật Hôn nhân gia đình, Luật Đất đai, BLDS, Luật Thi hành án... đồng thời họ cũng được phổ biến các quy định của Bộ luật TTDS về trình tự CCCC, các nội dung cần chứng minh trong từng vụ kiện cụ thể, khác nhau nhằm mục đích bảo vệ sự thật khách quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tương tự như vậy, đương sự trong vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính cũng được tiếp cận các loại luật liên quan trong từng vụ kiện. Thông qua hoạt động này, một đương sự có thể được tiếp cận và hiểu biết nhiều loại luật nội dung và luật hình thức trong một thời gian ngắn mà không phát sinh chi phí cho việc tìm hiểu pháp luật. Như vậy, sau hoạt động tìm kiếm CCCC cho Tòa án trong vụ kiện dân sự, các đương sự có một lượng kiến thức pháp lý tổng hợp nhất định có thể phân loại, đánh giá chứng cứ và có thể vận dụng tổng hợp, hài hòa nhiều loại luật vào vụ kiện nhằm bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, đặc biệt là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hai là, thực hiện hoạt động giao nộp chứng cứ, đông đảo các đương sự được phổ biến pháp luật.
Có thể nói hoạt động TTCC trong TTDS tại Toà án đã hình thành một cách khách quan nhiều lớp học luật tổng hợp với đội ngũ “tuyên truyền viên” hùng hậu và đội ngũ “học viên” đông đảo và đa dạng. Có thể nêu một vài con số cụ thể của tỉnh DakLak để minh chứng cho tính rộng khắp, tính phong phú và đa dạng của hoạt động này. Hiện nay, toàn ngành toà án tỉnh ĐakLak có 254 cán bộ làm công tác chuyên môn, trong đó có hơn 89 thẩm phán hai cấp tỉnh và huyện. Ngoài ra còn có 61 luật sư và nhiều luật gia công tác tại trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh. Lấy con số này nhân lên trong toàn ngành tư pháp cả nước sẽ thấy được đây là một lực lượng “tuyên truyền viên” pháp luật đông đảo, hùng hậu và đa dạng mà không một hình thức GDPL nào có được. Lực lượng này hầu hết được đào tạo cơ bản về trình độ pháp lý, được chọn lọc một bước về phẩm chất chính trị, đạo đức, có tâm huyết với nghề nghiệp, có bề dày kinh nghiệm thực tiễn.
Đối với “học viên” chỉ tính riêng trong hai năm 2010 và 2011, toàn ngành toà án tỉnh ĐakLak đã thụ lý gần 13.000 vụ kiện dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và hành chính, với hàng trăm dạng tranh chấp khác nhau. Tính bình quân mỗi vụ tranh chấp có khoảng 05 đương sự và 02 cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động thu thập, CCCC thì đã có hàng chục ngàn lượt “học viên” được tiếp xúc với cán bộ nghiệp vụ của ngành Toà án và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác, được lĩnh hội một số kiến thức pháp luật tổng hợp từ các cán bộ nghiệp vụ của Toà án và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác. Lượng kiến thức pháp luật đương sự lĩnh hội được trong hoạt động này có điều kiện vận dụng vào vụ kiện cụ thể góp phần tạo nên thành công lớn trong công tác giải quyết tranh chấp và cũng là thành công của công tác GDPL. Vì vậy, cho dù việc truyền thụ, phổ biến kiến thức pháp luật cho nhân dân trong hoạt động CCCC tại Tòa án có những đặc thù riêng, không được tổ chức tập trung thành trường lớp, thành phần học viên không cùng lứa tuổi, không có sự tương đối đồng đều về trình độ nhận thức như những hình thức phổ biến pháp luật khác nhưng về số lượng học viên và chất lượng GDPL của hình thức GDPL này trên thực tế không kém các hình thức GDPL khác.
Ba là, thực hiện hoạt động CCCC trong vụ kiện đương sự được phổ biến, tìm hiểu pháp luật về chiều sâu, học đi đôi với hành
Thông thường trong mỗi vụ kiện dân sự, kinh doanh thương mại hay hành chính đều có nhiều quan hệ tranh chấp xen kẽ, liên quan với nhau cần phải giải quyết cùng một lúc. Muốn có nguồn chứng cứ sát với yêu cầu của từng dạng quan hệ tranh chấp trong vụ kiện đòi hỏi thẩm phán và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác phải phân loại rạch ròi minh bạch từng quan hệ tranh chấp trong vụ kiện, các nội dung tranh chấp cần chứng minh và định hướng điều luật cụ thể để áp dụng cho mỗi loại quan hệ tranh chấp. Tùy thuộc vào địa vị tố tụng của từng đương sự, thẩm phán phổ biến pháp luật cho họ bằng cách đọc và phân tích nội dung cụ thể, chi tiết từng điều luật có liên quan đến quan hệ tranh chấp mà đương sự đang theo kiện. Định hướng cho đương sự tìm hiểu thêm các văn bản pháp luật liên quan đồng thời yêu cầu đương sự tìm nguồn chứng cứ để cung cấp cho Tòa án đúng với yêu cầu giải quyết tranh chấp.
Trên thực tế giải quyết tranh chấp, khi đương sự vướng mắc về nhận thức do điều luật được phổ biến quá tổng quát thì thẩm phán và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác phổ biến và hướng dẫn đương sự sử dụng các nguồn văn bản dưới luật mang tính chi tiết hơn vào vụ kiện để tìm kiếm chứng cứ giao nộp cho Tòa án, hướng dẫn đương sự cách thức áp dụng hài hòa các loại luật, các nguồn luật vào việc tìm kiếm chứng cứ nhằm CCCC một cách chính xác sát với yêu cầu giải quyết vụ kiện.
Cũng thông qua hoạt động TTCC, các cán bộ Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luậtquán triệt cho các đương sự khi tìm kiếm chứng cứ giao nộp cho Toà án phải dựa trên nền tảng sự thật khách quan của vụ án và khuyến cáo cho các đương sự biết về hậu quả pháp lý của hành vi gian lận trong việc thu thập và CCCC.
Yêu cầu đặt ra đối với cán bộ Toà án và các chuyên gia tư vấn pháp luật trong hoạt động này là phải bằng mọi cách thức làm cho những người TGTT tại Toà án nhanh chóng nắm được luật nôi dung, luật tố tụng của lĩnh vực mình đang theo kiện và hiểu biết, thành thạo trong tìm kiếm, tổng hợp phân loại chứng cứ, thấy được tính tôn nghiêm của pháp luật, tính minh bạch của sự thật khách quan thông qua việc CCCC. Đặc biệt làm cho những người TGTT trong vụ án thấy rõ chứng cứ trong vụ kiện là “chìa khoá” giải mã các vướng mắc của các bên, nó bộc lộ bản chất khách quan, minh bạch của vụ án và mang tính thuyết phục cao trong quá trình giải quyết tranh chấp. Xin nêu một ví dụ cụ thể: Khi đương sự được tiếp cận với cán bộ Toà án để giải quyết một vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá, trước hết, đương sự sẽ được các cán bộ Toà án định hướng tiếp cận các quy định về mua bán hàng hoá trong Luật Thương mại. Đồng thời đương sự được cán bộ Toà án phổ biến các điều luật trong Bộ luật TTDS quy định về quy trình, nguyên tắc TTCC và yêu cầu đương sự cung cấp các chứng cứ là các hợp đồng mua bán, các loại hoá đơn mua bán hàng, các chứng từ thanh toán và các chứng từ liên quan đến việc ký kết thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá theo quy định của Luật Thương mại hiện hành. Đây là những trải nghiệm thực tế quý báu và những bài học pháp luật hiệu quả nhất của đương sự khi được tiếp cận về chiều sâu các quy định về ký kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá trong Luật Thương mại, những quy định về trình tự thủ tục kiện tụng trong luật tố tụng, từ đó đương sự hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình khiCCCC cho Tòa án cũng như khi thực hiện giao dịch mua bán hàng hoá trong thương mại, hiểu được nguyên nhân sâu xa dẫn đến tranh chấp, vi phạm hợp đồng. Đặc biệt là nhận ra lỗi của mình và có sự hợp tác giải quyết tranh chấp bằng con đường thoả thuận các bên cùng có lợi. Mặt khác, việc hiểu biết pháp luật hình thành trong đương sự tình cảm pháp lý, tạo nên thói quen chấp hành pháp luật và phát triển dần thành ý thức pháp luật. 
2. Giáo dục pháp luật trong hoạt động tự thu thập chứng cứ của Tòa án
Trong trường hợp các đương sự không thể cung cấp được chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thẩm phán Tòa án tự tiến hành TTCC theo mục đích yêu cầu cần chứng minh của từng vụ kiện. Theo quy định của Bộ luật TTDS, hoạt động tự TTCC của thẩm phán bao gồm: Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; Trưng cầu giám định; Định giá tài sản; Xem xét thẩm định tại chỗ; Ủy thác TTCC; Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ kiện.
Nhìn ở góc độ đơn thuần, đây là một hoạt động mang tính nghiệp vụ tố tụng giản đơn nhằm bổ sung các chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ kiện. Tuy nhiên nhìn ở góc độ GDPL, đây là một trong những hoạt động truyền thụ kiến thức pháp lý qua lại giữa cá nhân, tổ chức yêu cầu và cá nhân, tổ chức được yêu cầu CCCC, thể hiện:
- Trong thực tiễn, hoạt động tự TTCC tại Tòa án cho thấy mỗi biện pháp nghiệp vụ của thẩm phán trong hoạt động này đều làm phát sinh mối quan hệ pháp lý giữa thẩm phán Toà án vớingười, cơ quan được yêu cầu CCCC. Khi tiến hành hoạt động này, ngoài thao tác nghiệp vụ theo quy định của luật tố tụng, thẩm phán Tòa án còn phải chuyển tải cho các đối tác CCCC những quy định của pháp luật về trình tự, nguyên tắc CCCC và hậu quả pháp lý của việc gian lận trong CCCC, những yêu cầu, nội dung vụ kiện cần phải chứng minh.
Đối với các cá nhân đại diện cơ quan, tổ chức được Tòa án yêu cầu CCCC, họ tham gia hoạt động CCCC với tư cách là đại diện các cơ quan chuyên môn hoạt động theo lĩnh vực nghề nghiệp. Họ dùng nghiệp vụ chuyên môn của ngành mình để phối hợp với Tòa án làm sáng tỏ vụ kiện. Do cá nhân, cơ quan, tổ chức được yêu cầu CCCC trong vụ kiện dân sự khá đa dạng, có cả những đối tượng đại diện cho các tổ chức, cơ quan quan trọng, có vị trí xã hội cao, có trình độ chuyên môn nhất định và đặc biệt họ là người mang đến cho thẩm phán Tòa án nguồn thông tin cần thiết cho việc giải quyết vụ kiện nên thẩm phán Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác lĩnh hội được ở họ những kiến thức chuyên môn, những quy định của pháp luật trong lĩnh vực chuyên môn mà họ phụ trách.
Về phía các cá nhân, các đại diện cơ quan, tổ chức được tiếp xúc với thẩm phán Toà ántrong quá trình thực hiện việc CCCC, họ hiểu biết thêm về lĩnh vực TTDS, đồng thời hiểu biết quyền, nghĩa vụtrách nhiệm chuyên môn cũng như trách nhiệm pháp lý của  họ khi CCCC cho Toà án. Xin nêu một ví dụ khi thẩm phán Tòa án ban hành một quyết định trưng cầu giám định chữ ký, cơ quan giám định yêu cầu thẩm phán cung cấp mẫu vật tức chữ ký mẫu để giám định. Trong trường hợp này, thẩm phán và đương sự là người được yêu cầu CCCC, còn cán bộ giám định là người thẩm định tính đúng đắn của chứng cứ. Mối quan hệ GDPL qua lại của hoạt động này là thẩm phán hiểu biết được một số kiến thức pháp luật về chuyên môn giám định được ghi trong văn bản kết quả giám định của cơ quan chuyên môn, ngược lại cán bộ cơ quan chuyên môn giám định biết được kiến thức pháp luật ở thẩm phán và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác về quyền và nghĩa vụ của người giám định trong TTDS và hậu quả pháp lý của việc giám định. Vì vậy, khác với hoạt động yêu cầu đương sự CCCC, trong hoạt động tự TTCC tại Tòa án, thẩm phán vừa là người phổ biến pháp luật cho cá nhân, cơ quan được yêu cầu CCCC, đồng thời cũng là người được lĩnh hội kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động chuyên môn từ các cá nhân, cơ quan CCCC. Như vậy việc tuyên truyền phổ biến pháp luật giữa cán bộ Tòa án với cá nhân, cơ quan được yêu cầu CCCC trong hoạt động này được diễn ra trên tinh thần hợp tác, tương trợ, học hỏi lẫn nhau nhằm mục đích chung đó là có được nguồn chứng cứ khách quan phục vụ cho yêu cầu giải quyết đúng đắn vụ kiện.
Đối với đương sự, khi Tòa án tiến hành hoạt động tự TTCC bằng hình thức yêu cầu các cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức chuyên môn cung cấp các thông tin bổ sung nguồn chứng cứ của đương sự như giám định, định giá tài sản, thẩm định tại chỗ, ủy thác lấy lời khai v.v.. thì họ trở thành người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong hoạt động này, giữa đương sự và những người cung cấp thông tin cho Tòa án phát sinh mối quan hệ pháp lý tự nhiên ràng buộc lẫn nhau. Để hoạt động này được tiến hành đúng yêu cầu của Tòa án, đương sự buộc phải theo sát các hoạt động CCCC bổ sung của các cơ quan chuyên môn này nhằm thực hiện các quyền nghĩa vụ của mình khi được yêu cầu. Ví dụ khi thẩm phán Tòa án ban hành quyết định thẩm định tại chỗ một nguồn hàng tồn kho theo yêu cầu của đương sự thì ngoài quan hệ với Tòa án, giữa đương sự trực tiếp yêu cầu thẩm định hàng tồn kho và các cán bộ thẩm định tại chỗ phát sinh một mối quan hệ pháp lý ràng buộc lẫn nhau. Trong trường hợp này, sự có mặt của đương sự yêu cầu thẩm định tại chỗ sẽ quyết định tổ chức thành công hay không thành công một phiên thẩm định, nghĩa là đương sự phải có mặt để thực hiện nghĩa vụ chỉ định hiện trường cần thẩm định như mở kho hàng để thẩm định tại chỗ lượng hàng tồn và cung cấp cho cơ quan thẩm định các hồ sơ giấy tờ cần thiết cho việc thẩm định, trường hợp đương sự vắng mặt thì phiên thẩm định sẽ không tiến hành được. Từ hoạt động này, đương sự có thêm những tuyên truyền viên pháp luật mới có kiến thức chuyên môn khác nhau. Đây cũng là môi trường để cho đương sự học hỏi thêm kiến thức pháp luật mới về chuyên môn của từng ngành mà họ được tiếp cận trong quá trình TTCC.
Việc thẩm phán tiến hành lấy lời khai người làm chứng, thực hiện đối chất giữa các đương sự hay lấy lời khai của đương sự đã tạo điều kiện để đương sự tiếp cận gần gũi với thẩm phán, giải tỏa những vướng mắc về tâm lý, bày tỏ được tâm tư nguyện vọng mong muốn được pháp luật bảo vệ và đây cũng là điều kiện tốt nhất để họ hiểu biết kiến thức pháp luật trong lĩnh vực mà họ đang theo kiện từ thẩm phán. Thông thường thẩm phán vừa tiến hành lấy lời khai của đương sự vừa kết hợp đối chiếu, phân tích đánh giá các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ kiện nhằm mục đích tìm ra mối liên hệ giữa các chứng cứ với nhau trên cơ sở đó tìm ra nguyên nhân dẫn đến tranh chấp để giải quyết một cách khách quan đúng đắn từng quan hệ tranh chấp trong vụ kiện. Mặt khác, hoạt động này cũng là điều kiện tốt cho thẩm phán kiểm nghiệm, khẳng định tính đúng đắn của lý luận pháp lý trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, tạo bề dày kinh nghiệm thực tiễn cho thẩm phán.
3. Một số khó khăn và giải pháp khắc phục
Ở giai đoạn TTCC, cán bộ Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật phổ biến cho người TGTT nhiều loại luật khác nhau trong cùng một thời gian, trong đó có cả luật nội dung và luật tố tụng. Đối tượng tham gia vào quan hệ GDPL ở giai đoạn này đa dạng, không đồng đều về trình độ văn hóa, nhận thức xã hội nên việc phổ biến pháp luật cho người TGTT mất nhiều thời gian, công sức. Pháp luật về dân sự, hành chính và các luật liên quan đến quan hệ dân sự của Nhà nước ta hiện nay nằm trong một khối lượng văn bản có thể nói là khổng lồ. Mỗi loại luật có nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật của các cơ quan khác nhau, ban hành vào nhiều thời gian khác nhau, như Luật Đất đai phải có đến 05 Nghị định hướng dẫn thi hành chưa kể đến các thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan nên khó khăn cho cán bộ Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật trong việc tổng hợp kiến thức pháp luật và cập nhật văn bản cũng như chuyển tải nội dung quy định của pháp luật cho người TGTT.
  Các văn bản pháp luật quy định trùng lặp chồng chéo vừa khó khăn cho việc áp dụng trong giải quyết tranh chấp, vừa khó khăn cho việc phổ biến pháp luật cho người TGTT, ví dụ Luật Thương mại có đến 324 điều quy định riêng về hoạt động thương mại dành riêng cho chủ thể thương nhân. Trong Bộ luật Dân sự (BLDS) cũng có quy định về quan hệ hợp đồng dân sự với các chủ thể là pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh và các cá nhân, tổ chức khác. Điểm khác nhau trong các quy định của hai luật này là các chế tài theo Luật Thương mại nặng hơn các chế tài theo pháp luật dân sự. Khi phổ biến pháp luật cho những người TGTT, cán bộ Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật cố gắng phân biệt sự khác nhau giữa khái niệm pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh với khái niệm thương nhân nhằm thuyết phục đương sự về sự khác nhau giữa hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự để áp dụng luật nào trong giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên cách phân biệt này không mang tính thuyết phục cao do quan hệ thương mại và quan hệ dân sự trong hai luật này xét về thực chất chỉ là một. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều đương sự cho rằng, các chế tài của Luật Thương mại áp dụng cho thương nhân là thiếu bình đẳng và bất lợi cho họ nên họ yêu cầu Tòa án áp dụng các quy định về hợp đồng dân sự trong BLDS   để giải quyết vụ kiện. Ngoài ra trong BLDS và Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành cũng có những quy định trùng lặp về chế định tài sản chung của vợ chồng v.v..
Để khắc phục vấn đề này trong thời gian tới, Nhà nước cần có sự sửa đổi lớn trong BLDS, quy tất cả những vấn đề liên quan đến thỏa thuận trong đời sống xã hội thành quan hệ dân sự và đưa vào BLDS, mạnh dạn bãi bỏ những luật có nhiều quy định trùng lặp không có giá trị áp dụng trên thực tế. Giảm thiểu các văn bản dưới luật, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận các quy định của pháp luật dễ dàng, đơn giản hơn. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong nhân dân về sự khuyến khích của Nhà nước trong thỏa thuận dân sự, hướng dẫn nhân dân có trách nhiệm cao đối với các cam kết dân sự của mình trong đời sống hàng ngày và đặc biệt cần có những quy định cụ thể các giao dịch dân sự thuộc nhóm nào thì phải được thể hiện bằng văn bản để khi xảy ra tranh chấp, pháp luật dân sự chỉ là định hướng giải quyết chung nhất cho tất cả các quan hệ dân sự, còn sự việc cụ thể thì căn cứ vào thỏa thuận của các bên đương sự để giải quyết tranh chấp, tránh tình trạng một vụ kiện dân sự phải áp dụng quá nhiều loại luật như hiện nay./.

Nguồn: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét