Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Chống chuyển giá và khả năng thực thi pháp luật của cơ quan thuế

Thời gian gần đây, dư luận đề cập nhiều đến việc một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài bị nghi ngờ thực hiện hành vi chuyển giá để trốn thuế (điển hình là Công ty Coca-Cola Việt Nam). Nhiều ý kiến bức xúc khi các doanh nghiệp này kinh doanh nhiều năm ở Việt Nam, liên tục kê khai lỗ nhưng lại mở rộng kinh doanh, tăng doanh thu. Có doanh nghiệp có lỗ cộng dồn lớn hơn số vốn đầu tư ban đầu. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu cơ sở pháp lý, do Luật Đầu tư sơ hở, hay do giao dịch của doanh nghiệp quá đặc thù làm cơ quan thuế bất lực?... Chúng tôi xin bàn đến góc độ khả năng thực thi pháp luật của cơ quan thuế.
1. Cơ sở pháp lý
Có thể liệt kê các văn bản pháp luật hiện hành điều chỉnh vấn đề liên quan đến chuyển giá như Luật Quản lý thuế 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012); Luật Giá 2012; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008; Thông tư 66/2012/TT-BTC (Thông tư 66 - hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết), trong đó đặc biệt là Thông tư 66 điều chỉnh chi tiết và trực tiếp nhất.
Mục đích của Thông tư 66 là hướng dẫn thực hiện các quy định về việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết làm căn cứ kê khai xác định nghĩa vụ thuế thu nhập của cơ sở kinh doanh. Thuật ngữ “giá thị trường” được giải thích là “để chỉ giá sản phẩm theo thỏa thuận khách quan trong giao dịch kinh doanh trên thị trường giữa các bên không có mối quan hệ liên kết (các bên độc lập)”. Như vậy, các doanh nghiệp có mối liên hệ liên kết khi giao dịch với nhau phải thực hiện theo giá thị trường như với các bên độc lập (arm’s length principle).
Thông tư 66 đã quy định chi tiết thế nào là các bên liên kết (tỷ lệ nắm giữ vốn đầu tư của chủ sở hữu, tỷ lệ vốn vay của bên liên kết…). Thông tư 66 cũng hướng dẫn cách xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết. Theo đó, có 5 phương pháp xác định giá thị trường: 1) Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập; 2) Phương pháp giá bán lại; 3) Phương pháp giá vốn cộng lãi; 4) Phương pháp so sánh lợi nhuận; 5) Phương pháp tách lợi nhuận. Tùy theo đặc thù của từng giao dịch mà lựa chọn phương pháp xác định giá thị trường phù hợp nhất. Trong đó Phương pháp 1 dựa vào đơn giá sản phẩm trong giao dịch độc lập để xác định đơn giá sản phẩm trong giao dịch liên kết khi các giao dịch này có điều kiện giao dịch tương đương nhau. Trong trường hợp không xác định được giá giao dịch độc lập (do là giao dịch đặc thù hoặc duy nhất) thì có thể áp dụng các phương pháp còn lại trên cơ sở xác định tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc tỷ suất sinh lợi.
Khi khai báo thuế, doanh nghiệp có giao dịch liên kết có nghĩa vụ kê khai vào một mẫu ban hành kèm theo Thông tư 66 gồm thông tin về giao dịch liên kết và phương pháp xác định giá đối với các giao dịch liên kết đó. Doanh nghiệp có giao dịch liên kết có nghĩa vụ và trách nhiệm lưu giữ các thông tin, tài liệu và chứng từ làm căn cứ áp dụng phương pháp xác định giá thị trường đối với sản phẩm trong các giao dịch liên kết và xuất trình đầy đủ các dữ liệu, tài liệu, chứng từ cần thiết chứng minh cho việc lựa chọn và áp dụng phương pháp xác định giá phù hợp nhất đối với giao dịch liên kết.
Nếu doanh nghiệp dựa vào các tài liệu, dữ liệu, chứng từ không hợp pháp, không hợp lệ hoặc không nêu rõ nguồn gốc xuất xứ để xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc các tỷ suất sinh lời áp dụng cho giao dịch liên kết hoặc không áp dụng hoặc cố tình áp dụng không đúng các quy định tại Thông tư 66 và doanh nghiệp không chứng minh được trong thời hạn tối đa là 90 ngày kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan thuế thì tùy theo mức độ tuân thủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ của doanh nghiệp mà cơ quan thuế có quyền căn cứ vào cơ sở dữ liệu của mình ấn định mức giá được sử dụng để kê khai tính thuế, ấn định thu nhập chịu thuế hoặc số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
2. “Chuyển giá” là gì ?
Thuật ngữ “chuyển giá” là để ám chỉ việc doanh nghiệp dàn xếp các giao dịch với bên có mối quan hệ liên kết theo mức giá không như mức giá đối với bên độc lập (nói đơn giản là mua với giá cao và bán với giá thấp) hoặc các khoản chi trả dịch vụ bất hợp lý hoặc không cần thiết nhằm mục đích chuyển lợi nhuận về quốc gia có mức thuế suất có lợi nhất cho tập đoàn đó. Hành vi “chuyển giá” vì vậy thường được thực hiện bởi các tập đoàn đa quốc gia có các công ty con hoặc cơ sở kinh doanh thường trú ở nhiều quốc gia khác nhau. “Chuyển giá” ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu thuế của các quốc gia có liên quan.
Để chống chuyển giá, các quốc gia phát triển đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và xây dựng các quy định pháp luật về nguyên tắc xác định giá thị trường; xác định mối quan hệ liên kết; nguyên tắc ấn định chi phí, tỷ suất lợi nhuận, ấn định mức thuế.... Mặc dù vẫn tồn tại một số hạn chế, nhưng có thể nói, Thông tư 66 đã thừa kế khá đầy đủ những kinh nghiệm chống chuyển giá của các quốc gia phát triển.
3. Khả năng thực thi chống “chuyển giá” của cơ quan thuế
Theo Thông tư 66, cơ quan thuế phải xem xét bảng kê khai giao dịch liên kết của doanh nghiệp và các tài liệu chứng từ chứng minh (bao gồm hợp đồng, chứng từ, hóa đơn...). Nếu doanh nghiệp có giao dịch liên kết khai báo lỗ, đặc biệt là lỗ kéo dài nhưng vẫn mở rộng quy mô kinh doanh, doanh thu tăng nhưng vẫn lỗ thì là những đối tượng cần phải thanh tra các giao dịch liên kết. Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải chứng minh các giao dịch liên kết có thực sự cần thiết, kế đến là giá giao dịch có theo các nguyên tắc xác định giá thị trường. Nếu cơ quan thuế không thống nhất thì có quyền: bác bỏ giao dịch đó (không chấp nhận khoản khấu trừ thu nhập chịu thuế), hoặc ấn định phương pháp xác định giá khác với phương pháp xác định giá của doanh nghiệp để kê khai tính thuế, ấn định thu nhập chịu thuế hoặc số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Để làm được điều này, cơ quan thuế phải dựa vào cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế là các thông tin, dữ liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp do cơ quan thuế thu thập, phân tích, lưu giữ, cập nhật và quản lý từ các nguồn khác nhau.
Thực tế hiện nay, để thực hiện được các nội dung trên không đơn giản, cơ quan thuế vướng phải những khó khăn sau:
Cơ sở dữ liệu
Những nguồn cơ sở dữ liệu có sẵn mà cơ quan thuế có thể thu thập được như: thông tin, dữ liệu do các cơ quan, ban, ngành của Nhà nước, các viện nghiên cứu, các hiệp hội và các tổ chức chuyên ngành được Nhà nước công nhận và chịu trách nhiệm công bố công khai hoặc cung cấp theo yêu cầu; báo cáo tài chính, báo cáo đầu tư thường niên hoặc định kỳ của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán được công bố công khai theo các quy định và điều lệ hoạt động của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, những nguồn này không thể bao gồm hết các thông tin của các doanh nghiệp có giao dịch có tính chất và bối cảnh giao dịch tương đồng. Một nguồn thông tin, dữ liệu khá đầy đủ và toàn diện là nguồn thông tin, dữ liệu do các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hành nghề độc lập được cấp phép hoạt động xác nhận hoặc công bố công khai (ví dụ: cơ quan kiểm toán độc lập, cơ quan đăng ký, đăng kiểm chất lượng, tổ chức phân loại, đánh giá uy tín các doanh nghiệp). Hiện nay, nguồn dữ liệu loại này được các công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán, thuế sử dụng và được chấp nhận bởi cơ quan thuế ở các nước. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan thuế Việt Nam chưa mua một nguồn cơ sở dữ liệu nào. Lý do được đưa ra là giá một cơ sở dữ liệu khá đắt. Vấn đề đặt ra là cơ quan thuế khó mà có cơ sở để bác các kê khai thuế của doanh nghiệp nếu không có nguồn cơ sở dữ liệu này để phân tích so sánh giao dịch độc lập có tính chất và điều kiện tương đồng. Với những nguy cơ thất thu thuế do doanh nghiệp thực hiện chuyển giá như hiện nay thì việc phải mua nguồn cơ sở dữ liệu này là việc không thể không làm.
Năng lực cán bộ thuế
Một khó khăn mang tính chủ quan là năng lực của cán bộ thuế. Kể cả khi cơ quan thuế đã mua nguồn cơ sở dữ liệu nói trên thì việc sử dụng được nguồn dữ liệu đó cũng là một thách thức bởi vấn đề ngoại ngữ, khả năng phân tích tìm ra cơ sở để xác định giá giao dịch độc lập tương đồng hoặc tỷ suất lợi nhuận gộp, tỷ suất sinh lợi tương đồng (bench-marking). Hiện nay, ngoài Tổng cục Thuế có tổ chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá thì các Cục thuế địa phương không có một bộ phận chuyên trách về chuyển giá, mà chủ yếu là cán bộ thuế phụ trách thuế thu nhập doanh nghiệp kiêm nhiệm. Bản thân các cán bộ thuế này cũng không được đào tạo bài bản về chuyến giá. Do đó vấn đề cấp bách hiện nay, ngoài việc phải mua nguồn cơ sở dữ liệu, cần phải đào tạo chuyên sâu về chống chuyển giá cho cán bộ thuế từ trung ương đến địa phương và họ chỉ phụ trách chuyên về chuyển giá. Cũng cần nói thêm là tại các công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán và thuế lớn đều có bộ phận phụ trách chuyên về chuyển giá.
Trở lại nghi án Coca-cola Việt Nam
Thông tin báo chí đăng tải trong thời gian qua về nghi án Coca-cola chuyển giá có hai luồng ý kiến: thứ nhất quy cho các giao dịch với bên liên kết của Coca-cola Việt Nam là giao dịch đặc thù, duy nhất, khó xác định giá giao dịch tương đồng (bao gồm cả ý kiến của cơ quan thuế Việt Nam); thứ hai (chủ yếu là lý giải của Coca-cola Việt Nam) đó là giá nguyên liệu mua của công ty mẹ cao, những chi phí lớn mà Coca-cola phải đầu tư...
Phân tích và áp dụng các quy định của Thông tư 66 thì các lý do trên không phải là vấn đề lớn. Một là, Thông tư 66 cho phép áp dụng 5 phương pháp xác định giá thị trường đối với giao dịch với bên liên kết. Tùy theo đặc thù của giao dịch mà lựa chọn phương pháp áp dụng phù hợp nhất. Nếu trong trường hợp Coca-cola thực hiện giao dịch đặc thù, duy nhất và khó xác định được giá giao dịch độc lập theo phương pháp 1, thì có thể áp dụng phương pháp xác định tỷ suất lợi nhuận và đây là thẩm quyền của cơ quan thuế có quyền điều chỉnh và ấn định phương pháp xác định giá thị trường phù phợp. Hai là, việc Coca-cola Việt Nam kê khai những chi phí khác thì cơ quan thuế cũng hoàn toàn có thể xác định tính cần thiết hay có hợp lý hay không để khấu trừ.
Vấn đề ở đây - như đã nêu trên - là cơ quan thuế Việt Nam thiếu cơ sở dữ liệu để bác bỏ kê khai của doanh nghiệp và năng lực của cán bộ thuế. Việc hiểu biết hạn chế và thiếu cơ sở dữ liệu dẫn đến việc cơ quan thuế không thể mạnh tay với doanh nghiệp, bởi nếu không khéo thì có thể bị doanh nghiệp kiện ngược ra tòa hành chính. Hiện nay, bản thân các thẩm phán cũng khó có thể nói là am tường về chuyển giá thì việc xét xử những vụ kiện như thế là một thách thức đối với họ.
Kế hoạch hành động của cơ quan thuế
Ngành thuế Việt Nam đang thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, trong đó tập trung vào nâng cao năng lực thực thi thuế quốc tế (trong đó có vấn đề quản lý thuế đối với chuyển giá). Cụ thể[1]:
Trong chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012-2015 của Bộ Tài chính, sẽ thành lập tổ chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá tại một số Cục thuế quản lý nhiều doanh nghiệp liên kết như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh v.v.. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận nhiều sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế (JICA, ADB, EU, IFC, WB...) cho việc đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ thuế về giá chuyển nhượng.
Từ năm 2012, ngành thuế đã đặt thanh tra giá chuyển nhượng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Thực tế đã thanh tra, kiểm tra 1.495 doanh nghiệp lỗ có dấu hiệu chuyển giá, đã điều chỉnh giá dẫn đến nhiều doanh nghiệp từ lỗ đã có lãi, truy thu và phạt 622,8 tỷ, giảm lỗ 3.306,6 tỷ. Sắp tới ngành thuế sẽ tăng cường rà soát, đánh giá rủi ro và thanh tra giá chuyển nhượng, đảm bảo tỷ lệ 20% cuộc thanh tra giá chuyển nhượng tính trên tổng số cuộc thanh tra được thực hiện.
Đối với hệ thống cơ sở dữ liệu, ngành thuế đang tiến hành tin học hóa các thông tin về đăng ký thuế, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bản cân đối kế toán, tình hình thực hiện kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp và có kế hoạch mua thêm nguồn cơ sở dữ liệu.
Hy vọng với những nỗ lực trên, ngành thuế Việt Nam có thể nâng cao được khả năng thực thi chống chuyển giá - hiện đang là vấn đề bức xúc không chỉ đối với Nhà nước mà cả đối với người dân Việt Nam./.


[1] Theo thông tin của Tổng cục Thuế về thực trạng công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá tại Việt Nam tại hội thảo “Quản  lý hoạt động chuyển giá - kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” tại Hà Nội, tháng 12/2012 .

Nguồn: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét