Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

Giáo dục pháp luật trong hoạt động khởi kiện và thụ lý vụ án

1. VÀI NÉT VỀ HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG VÀ VIỆC GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG CHUNG TẠI TÒA ÁN
Tố tụng tại Tòa án là toàn bộ hoạt động giải quyết tranh chấp của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng bắt đầu từ việc nhận đơn kiện cho đến khi kết thúc vụ kiện. Có thể chia quá trình tố tụng dân sự (TTDS) tại Tòa án làm bốn giai đoạn đó là khởi kiện thụ lý vụ án, thu thập chứng cứ, hòa giải và xét xử vụ án.
Giáo dục pháp luật trong hoạt động tố tụng tại Tòa án là việc các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng, các chuyên gia tư vấn pháp luật hướng dẫn, phổ biến các kiến thức pháp luật và truyền thụ tình cảm pháp lý cho những người tham gia tố tụng và những người khác trong cộng đồng dân cư nhằm mục đích giải quyết vụ kiện một cách thấu tình đạt lý, từ đó hình thành ở họ sự hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật, tình cảm pháp lý và thói quen hành động theo pháp luật. 
Do tính đặc thù của hoạt động tố tụng nên đối tượng trực tiếp tham gia công tác giáo dục pháp luật và đối tượng được tuyên phổ biến pháp luật trong hoạt động tố tụng tại Tòa án chủ yếu là cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng tại Tòa án.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) thì cơ quan tiến hành tố tụng gồm: Tòa án nhân dân (TAND) và Viện Kiểm sát nhân dân; những người tiến hành tố tụng tại Tòa án gồm: Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án; Viện trưởng Viện kiểm sát và kiểm sát viên; Những người tham gia tố tụng trong vụ kiện là đương sự và những người tham gia tố tụng khác. Đương sự trong vụ kiện dân sự là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nguyên đơn là người đưa đơn khởi kiện, người được cá nhân, cơ quan tổ chức khác do Bộ luật TTDS quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan tổ chức khác do Bộ luật TTDS quy định. Người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Ngoài đương sự còn có những người tham gia tố tụng khác, đó là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý có đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định trong Bộ luật TTDS, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch và người đại diện cho đương sự.
 Việc giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tố tụng tại Tòa án chỉ được bắt đầu tiến hành khi có đơn khởi kiện của đương sự. Như vậy có thể nói, đơn khởi kiện của đương sự là sự khởi đầu và là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ giáo dục pháp luật giữa các chủ thể trong hoạt động tố tụng tại tòa án. Động cơ tìm hiểu pháp luật của những người tham gia tố tụng tại Tòa án (đối tượng học viên chủ yếu của hình thức giáo dục pháp luật này) khá là thực tế, đó là khát khao, mong muốn có một kiến thức pháp lý nhất định để hướng đến mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, thiết thực, cận kề cho bản thân mình, nên nhu cầu tìm hiểu pháp luật để bảo vệ lợi ích chính đáng của họ cấp thiết hơn. Vì vậy, những người tham gia tố tụng đến với những người, cơ quan tố tụng, với các chuyên gia tư vấn pháp luật để học hỏi và tìm hiểu các quy định của pháp luật trong lĩnh vực họ đang theo kiện cũng có điểm khác biệt so với các hình thức giáo dục pháp luật khác, đó là họ chủ động hơn, nhiệt tình hơn và nó còn được ví như là một nhu cầu khách quan cần phải được đáp ứng.
Hình thức giáo dục pháp luật trong hoạt động tố tụng tại Tòa án cũng mang nét đặc trưng riêng, nó không được tổ chức thành trường lớp, không có giáo trình cụ thể như hình thức giáo dục pháp luật trong trường học. Hình thức giáo dục này cũng không mang tính lưu giữ các nguồn tài liệu pháp luật phục vụ công tác nghiên cứu và tìm hiểu pháp luật như hình thức giáo dục pháp luật bằng tủ sách pháp luật và nó cũng không được tổ chức thành phong trào rộng khắp trong trong toàn thể cộng đồng dân cư theo kế hoạch định hướng trước của các chủ thể giáo dục pháp luật như hình thức giáo dục pháp luật trong cộng đồng. Giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tố tụng tại Tòa án phát sinh trên cơ sở đơn khởi kiện của đương sự và là một quá trình tác động có mục đích, có tổ chức, có chủ định và có kế hoạch của các chủ thể giáo dục đó là các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký tòa án, Giám định viên và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác đến các đối tượng giáo dục là những người tham gia tố tụng và những người khác có quan tâm đến quan hệ tranh chấp đang được Tòa án giải quyết, nhằm mục đích trước hết là giải quyết đúng đắn, khách quan vụ kiện, tạo niềm tin cho người tham gia tố tụng và nhân dân, làm hình thành ở họ ý thức pháp luật, trạng thái xúc cảm, tình cảm pháp luật đúng đắn, là cơ sở cho hành vi, ứng xử phù hợp với yêu cầu của pháp luật.
Chất lượng của công tác giáo dục pháp luật trong hoạt động tố tụng tại Tòa án có ảnh hưởng lớn đến chất lượng của việc giải quyết vụ án và ngược lại, nó được ví như hai mặt của một vấn đề. Thực tiễn cho thấy, trong quá trình giải quyết vụ kiện, nếu người, cơ quan tiến hành tố tụng và người, cơ quan tham gia tố tụng (tức cả đội ngũ giảng viên và học viên) cùng lấy pháp luật làm chuẩn mực trong hoạt động tố tụng, tôn trong sự thật khách quan thì chất lượng giáo dục pháp luật trong hoạt động này luôn diễn biến theo chiều  hướng tích cực. Trường hợp người, cơ quan tiến hành tố tụng đưa người, cơ quan tham gia tố tụng đi trái nguyên tắc này thì kết quả giải quyết vụ án sẽ bị sai lệch và kết quả của việc giáo dục pháp luật trong hoạt động này có chiều hướng ngược lại. Như vậy, thành công của công tác giáo dục pháp luật trong hoạt động tố tụng tại Tòa án luôn luôn đồng thời với thành công của việc giải quyết vụ án.
2. GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG KHỞI KIỆN VÀ THỤ LÝ VỤ ÁN
1.2 Một số khái niệm về khởi kiện và thụ lý vụ án
Cho đến nay, chưa có tài liệu nào định nghĩa một cách đầy đủ hành vi khởi kiện là gì, nhưng qua thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Tòa án, có thể hiểu khởi kiện là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức tự mình hoặc qua người đại diện hợp pháp viết văn bản trình bày các sự kiện phát sinh trong đời sống mà họ cho rằng, trong sự kiện đó, có cá nhân, tổ chức đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ cần phải được pháp luật bảo vệ, gửi cho Tòa án có thẩm quyền nhằm yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trong thực tế, hành vi khởi kiện chỉ xảy ra khi có một hoặc nhiều sự kiện phát sinh mà tự người khởi kiện hoặc các bên không thể cùng đồng thuận giải quyết được cần yêu cầu một cơ quan bảo vệ pháp luật đứng ra giải quyết, can thiệp như sự kiện tranh giành đất đai, tài sản, ly hôn, vi phạm cam kết trong hợp đồng v.v.. Tuy nhiên, không phải bất cứ đơn khởi kiện nào cũng được Tòa án tiếp nhận thụ lý để giải quyết. Theo quy định của Bộ luật TTDS, Tòa án chỉ thụ lý những đơn kiện đúng về mặt hình thức, có yêu cầu rõ ràng cụ thể, có nội dung phản ánh đầy đủ quan hệ pháp luật đang bị tranh chấp và thuộc thẩm quyền của mình khi đương sự đã nộp đủ tiền tạm ứng án phí.
Như vậy, thụ lý vụ án là việc Tòa án có thẩm quyền xem xét đơn, nhận đơn, ghi vào sổ theo dõi đơn khởi kiện và phân công Thẩm phán giải quyết vụ kiện của cá nhân, tổ chức khởi kiện khi có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của Bộ luật TTDS. Đơn khởi kiện là điều kiện tiên quyết để thụ lý vụ án, nó làm phát sinh quan hệ pháp lý giữa Tòa án và cá nhân, tổ chức khởi kiện, làm phát sinh quan hệ giáo dục pháp luật giữa các chủ thể. Sau khi vụ án được thụ lý, cá nhân, tổ chức khởi kiện trở thành đương sự trong vụ kiện, có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, đồng thời họ cũng trở thành đối tượng học viên chủ yếu của công tác giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tố tụng tại Tòa án.
2.2. Giáo dục pháp luật trong giai đoạn khởi kiện
Có quan điểm cho rằng, ở giai đoạn khởi kiện chưa cần đặt vấn đề tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cá nhân hoặc tổ chức khởi kiện, bởi lẽ đây mới là hoạt động ban đầu của người khởi kiện, ở giai đoạn này người khởi kiện chỉ cần nêu được những vấn đề chính của sự kiện đã và đang xảy ra kèm theo những vấn đề cần yêu cầu Tòa án giải quyết là đủ. Tuy nhiên trong thực tiễn khi có sự kiện tranh chấp phát sinh, người khởi kiện đã có nhu cầu được phổ biến kiến thức pháp luật về khởi kiện dân sự nhằm có được một đơn kiện đúng với hình thức và chuyển tải đúng, đủ nội dung yêu cầu của mình, gửi đến một Tòa án có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật để được Tòa án chấp nhận thụ lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình đang bị người khác xâm phạm. Thông thường ở giai đoạn này người khởi kiện thường tìm đến các luật sư, luật gia và những người làm công tác trợ giúp pháp lý v.v.. (gọi chung là các chuyên gia tư vấn pháp luật) để được trợ giúp về mặt pháp lý. Kết quả thăm dò ý kiến của 100 người khởi kiện trong quý IV năm 2011 tại bốn cơ quan TAND cấp huyện của tỉnh ĐakLak cho thấy, có hơn 70% số người muốn tìm hiểu pháp luật để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại Tòa án, khoảng 17% số người khởi kiện muốn tìm hiểu pháp luật để cùng với luật sư tham gia tố tụng tại tòa, số còn lại khoảng 13% số người không có điều kiện về thời gian, phải ủy quyền cho người khác thay mình tham gia tố tụng tại Tòa án nhưng vẫn có mong muốn tìm hiểu pháp luật để tăng thêm vốn kiến thức pháp luật phục vụ đời sống. Nhu cầu khách quan này của người khởi kiện trên thực tế đã làm phát sinh hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật. Hoạt động này trước hết được tiến hành giữa bên tuyên truyền là các chuyên gia tư vấn pháp luật với bên được tuyên truyền là cá nhân, tổ chức khởi kiện. Kiến thức pháp luật mà người khởi kiện và người bị kiện được phổ biến trong giai đoạn này thể hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất: Bài học pháp luật đầu tiên của người khởi kiện trong giai đoạn này là cách thức viết đơn khởi kiện, hay nói cách khác,là người khởi kiện được các chuyên gia tư vấn pháp luật phổ biến các quy định của pháp luật về hình thức, nội dung đơn khởi kiện, căn cứ khởi kiện và đặc biệt là hiểu được trách nhiệm vật chất khi đưa đơn khởi kiện. Thực tiễn giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính tại Tòa án cho thấy, một đơn khởi kiện đạt yêu cầu quy định trong bộ luật TTDS là phải được thể hiện bằng hình thức văn bản ghi rõ họ tên địa chỉ của người khởi kiện, người bị kiện và các vấn đề cần yêu cầu Tòa án giải quyết, các vấn đề này phải có căn cứ pháp luật và phải được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu. Ngoài ra, người khởi kiện cũng cần phải nắm được các quy định của pháp luật về trách nhiệm pháp lý gắn liền với trách nhiệm vật chất khi đưa đơn khởi kiện đối tác ra Tòa án. Ví dụ, khi đưa đơn khởi kiện một cá nhân hay tổ chức mà người khởi kiện cho rằng cá nhân hay tổ chức đó đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người khởi kiện buộc phải nộp một khoản tạm ứng án phí bằng 25% tổng số án phí của vụ án. Trong trường hợp thua kiện thì người khởi kiện phải nộp toàn bộ án phí của vụ kiện. Đây là khoản tiền ràng buộc trách nhiệm của người khởi kiện, khoản phí vật chất này làm cho người khởi kiện buộc phải cân nhắc, tìm hiểu kỹ càng các căn cứ của pháp luật trước khi đưa đơn khởi kiện đối tác ra Tòa án. Yêu cầu cụ thể của người khởi kiện trong giai đoạn này là phải nắm được các quy định chi tiết của Bộ luật TTDS về hình thức, nội dung đơn kiện, căn cứ khởi kiện và các quy định của pháp luật về trách nhiệm vật chất khi đưa đơn khởi kiện. Ngoài ra, tùy theo từng lĩnh vực tranh chấp, người khởi kiện còn phải nắm được các quy định của các luật nội dung như BLDS, Luật Thương mại, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Lao động v.v.. để phần trình bày trong nội dung đơn kiện được đầy đủ, rõ ràng, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, làm căn cứ cho Tòa án giải quyết. Vì vậy, yêu cầu của công tác giáo dục pháp luật đặt ra cho những chuyên gia tư vấn pháp luật trong giai đoạn này là bằng mọi phương pháp, cách thức truyền đạt, chuyển tải cho cho người khởi kiện nắm được các quy định chi tiết của luật TTDS về cách thức trình bày đơn khởi kiện, các quy định của luật nội dung trong lĩnh vực họ đang theo kiện để giúp người khởi kiện xác định đúng các căn cứ khởi kiện, đặc biệt là làm cho người khởi kiện hiểu được các quy định của pháp luật về trách nhiệm vật chất khi đơn kiện của họ không được Tòa án chấp nhận, nghĩa là phải làm cho người khởi kiện nhận thức được hậu quả pháp lý khi đơn khởi kiện của họ không đủ căn cứ pháp luật và bị thua kiện. Thành công của công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật giữa các chuyên gia tư vấn pháp luật và người khởi kiện trong hoạt động khởi kiện được đánh giá bằng chính chất lượng của đơn khởi kiện đó là một đơn kiện đúng hình thức theo quy định của pháp luật, các yêu cầu của người khởi kiện được trình bày ngắn gọn rõ ràng, dễ hiểu, có căn cứ pháp luật và được Tòa án chấp nhận thụ lý để giải quyết.
Thực tế hiện nay vẫn còn những chuyên gia tư vấn pháp luật vì lợi ích cá nhân nên ngay từ giai đoạn khởi kiện đã cố tình phức tạp hóa những quy định của pháp luật trong hoạt động khởi kiện và các hoạt động tố tụng khác, gây khó khăn trong tiếp thu kiến thức pháp luật cho người khởi kiện, người bị kiện và những người liên quan trong vụ kiện làm cho họ không thể tham gia tố tụng một cách độc lập mà buộc phải phụ thuộc lâu dài vào nhà tư vấn. Thực tế này đặt ra cho Nhà nước ta trách nhiệm quản lý chặt chẽ hệ thống luật sư, mở rộng các tổ chức trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho nhân dân có điều kiện và môi trường lựa chọn nhà tư vấn đủ năng lực chuyên môn và có đạo đức nghề nghiệp.
Thứ hai: Phổ biến cho người khởi kiện các quy định của pháp luật về cách thức xác định thẩm quyền của Tòa án để gửi đơn khởi kiện. Đây không phải là vấn đề mới được đặt ra trong công tác giáo dục pháp luật nhưng cũng là vấn đề đang được người khởi kiện quan tâm. Thực tiễn cho thấy, người khởi kiện viết được đơn khởi kiện đạt yêu cầu nhưng không gửi đúng Tòa án có thẩm quyền thì đơn khởi kiện đó buộc phải chuyển lòng vòng, trước hết là làm mất thời gian, cơ hội của người khởi kiện, đồng thời gây khó khăn tốn kém tiền bạc và sức lao động trong việc xử lý đơn của Nhà nước. Vì vậy, mong muốn của người khởi kiện và cũng là mong muốn của Nhà nước ta là đơn kiện phải đến đúng cơ quan Tòa án có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất. Từ nhu cầu khách quan này, người khởi kiện thường hướng đến việc tìm hiểu các quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án trước khi đưa đơn khởi kiện. Yêu cầu đặt ra cho các chuyên gia tư vấn pháp luật trong hoạt động này là phải tuyên truyền phổ biến cho người khởi kiện hiểu được một cách sơ lược về hệ thống các cơ quan TAND và chức năng nhiệm vụ của nó được quy định trong Luật Tổ chức TAND, BLDS và Bộ luật TTDS, nghĩa là phải làm cho người khởi kiện nhận thức, hình dung và phân biệt được thẩm quyền của Tòa án theo cấp, theo lãnh thổ và theo sự lựa chọn của nguyên đơn. Có quan điểm cho rằng, ở giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án không cần thiết phải phổ biến cho đương sự chức năng nhiệm vụ của toàn hệ thống các cơ quan Tòa án, bởi lẽ trong giai đoạn này, đương sự chỉ gửi đơn khởi kiện tại Tòa án cấp sơ thẩm nên chỉ cần biết thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm là đủ. Tuy nhiên trong thực tiễn phổ biến pháp luật cho đương sự về thẩm quyền của Tòa án ở giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án, các Thẩm phán và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác đều nhận ra một thực tế là, những đương sự khởi kiện vì nhiều lý do khác nhau nhưng đều có mong muốn hình dung được chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của từng bộ phận trong toàn bộ hệ thống các cơ quan Tòa án Việt Nam hiện nay. Mặt khác, thực tiễn giải quyết tranh chấp dân sự và hành chính cũng cho thấy những đương sự được phổ biến tỉ mỉ các quy định của pháp luật về thẩm quyền của từng bộ phận trong toàn bộ hệ thống các cơ quan Tòa án ngay từ giai đoạn thụ lý vụ án đều có khả năng xác định thẩm quyền nhanh và chính xác ở giai đoạn giải quyết sơ thẩm cũng như giai đoạn phúc thẩm sau này. Vì vậy, việc phổ biến cho đương sự hiểu biết về thẩm quyền của toàn hệ thống các cơ quan Tòa án cần được các cán bộ Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác thực hiện ngay từ giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án. Đây là một yêu cầu tương đối khó khăn mà từ trước tới nay ít có chuyên gia tư vấn pháp luật nào đạt tới, nhưng so với nhu cầu tìm hiểu pháp luật hiện nay của nhân dân thì yêu cầu này là phù hợp thực tế phát triển của xã hội. Thành công của công tác giáo dục pháp luật trong giai đoạn này được đánh giá bằng sự nhận thức của người khởi kiện về thẩm quyền giải quyết các loại án của từng cơ quan Tòa án, nghĩa là khi có sự kiện tranh chấp xảy ra, người khởi kiện phân biệt được một cách thành thạo vụ tranh chấp nào thì thuộc Tòa án nào giải quyết và họ có tâm lý yên tâm khi đơn khởi kiện của họ chưa được giải quyết thỏa đáng ở Tòa án cấp dưới thì có thể được xem xét lại ở Tòa án cấp trên hay nói cách khác, họ biết được cơ quan Tòa án nào sẽ giải quyết cho họ khi quyền lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm.
3.2. Giáo dục pháp luật trong giai đoạn thụ lý vụ án
Khi một đơn khởi kiện có đủ điều kiện được Tòa án thụ lý và phân công Thẩm phán trực tiếp giải quyết thì người khởi kiện, người bị kiện cùng thay đổi địa vị pháp lý. Họ trở thành những người tham gia tố tụng tại Tòa án có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật TTDS. Như vậy, đối tượng tham gia quan hệ giáo dục pháp luật trong giai đoạn này cũng được mở rộng hơn. Ngoài các chuyên gia tư vấn pháp luật, quan hệ giáo dục pháp luật giữa người, cơ quan tiến hành tố tụng với những người, cơ quan tham gia tố tụng trong vụ kiện bắt đầu được hình thành. Yêu cầu đặt ra cho các cán bộ Tòa án, kiểm sát viên và các chuyên gia tư vấn pháp luật trong giai đoạn này là:
Một là: Tư vấn cho đương sự các quy định của pháp luật về người đại diện tham gia tố tụng tại Tòa án và quy định của pháp luật về quyền tìm người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình khi cần thiết, nghĩa là phải làm cho đương sự và những người tham gia tố tụng khác nhận thức được các chế định về đại diện theo quy định của luật dân sự và TTDS hiện hành. Hay nói cách khác là làm cho họ hiểu được theo quy định của pháp luật dân sự hiện nay có hai loại đại diện đó là đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Người đại diện theo pháp luật là đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bao gồm: cha mẹ đối với con chưa thành niên; người giám hộ đối với người được giám hộ; người được Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người đứng đầu pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chủ hộ gia đình đối với hộ gia đình; tổ trưởng tổ hợp tác đối với tổ hợp tác và những người khác theo quy định của pháp luật. Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền của người đại diện và người được đại diện. Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự là người được đương sự nhờ và được Tòa án chấp nhận.
Việc phổ biến các chế định pháp luật về đại diện của cán bộ tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật một mặt giúp cho đương sự và những người tham gia tố tụng khác hiểu được địa vị pháp lý và trách nhiệm nặng nề của mình khi tham gia tố tụng với tư cách đại diện, giúp họ thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ đại diện, đồng thời giúp họ có trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn người khác thay mình tham gia tố tụng với tư cách đại diện theo ủy quyền tại Tòa án. Mặt khác, vấn đề giáo dục pháp luật về đại diện còn giúp các đương sự và người tham gia tố tụng khác hiểu biết về trách nhiệm pháp lý khi đứng tên đại diện trong xử lý tình huống hàng ngày. Xin lấy ví dụ: Người đứng tên đại diện hộ gia đình ký hợp đồng vay vốn Ngân hàng để phục vụ mục đích sản xuất, tiêu dùng chung của hộ, khi được phổ biến pháp luật về đại diện, họ hiểu được việc họ đứng đại diện hộ gia đình ký hợp đồng vay tiền sẽ làm phát sinh trách nhiệm vật chất đối với tất cả các thành viên trong hộ gia đình, từ đó họ sẽ có sự cân nhắc và tính toán thận trọng hơn khi ký hợp đồng vay, thận trọng hơn khi sử dụng vốn và có trách nhiệm cao hơn trong việc trả nợ cho Ngân hàng. Tuy nhiên, các chế định của pháp luật về đại diện là những khái niệm tương đối khó khăn đối với người tham gia tố tụng. Vì vậy khi truyền đạt, chuyển tải kiến thức pháp luật về đại diện cho họ, các chuyên gia tư vấn pháp luật, các kiểm sát viên và các cán bộ Tòa án cần có nội dung, chương trình cụ thể, có tâm huyết và trích quỹ thời gian hợp lý.
 Hai là: Phổ biến cho đương sự và những người tham gia tố tụng khác về quyền và nghĩa vụ của họ khi tham gia tố tụng tại Tòa án.
Quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng được quy định cụ thể từ Điều 58 đến Điều 78 Bộ luật TTDS. Nó bao gồm rất nhiều quyền và nghĩa vụ pháp lý mà người tham gia tố tụng buộc phải tìm hiểu trong quá trình tố tụng. Đây là vấn đề được người, cơ quan tiến hành tố tụng và các chuyên gia tư vấn pháp luật đưa vào chương trình phổ biến giáo dục pháp luật xuyên suốt trong cả quá trình tham gia tố tụng và tiến hành tố tụng tại Tòa án bắt đầu từ giai đoạn khởi kiện đến khi kết thúc vụ án.
Ở giai đoạn thụ lý vụ án thông qua việc ban hành thông báo thụ lý vụ án, cán bộ Tòa án, kiểm sát viên và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác bước đầu phổ biến cho người tham gia tố tụng một số quyền và nghĩa vụ như quyền thay đổi, bổ sung đơn kiện của nguyên đơn, quyền bác bỏ nội dung đơn kiện và quyền phản tố của bị đơn, quyền yêu cầu độc lập của người có quyền nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Yêu cầu đặt ra cho người, cơ quan tiến hành tố tụng và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác trong giai đoạn này là phải bằng nhiều biện pháp, cách thức chuyển tải cho người tham gia tố tụng những quy định của  Bộ luật TTDS về quyền và nghĩa vụ của họ liên quan đến khởi kiện và phản tố trong vụ kiện. Hay nói rõ hơn là làm cho người tham gia tố tụng nhận thức được quyền trong TTDS, hành chính hay kinh doanh thương mại đều phải đi đôi với nghĩa vụ, ví dụ đương sự có quyền thay đổi bổ sung nội dung đơn khởi kiện nhưng đồng thời phải có nghĩa vụ chứng minh tính có căn cứ pháp luật của các nội dung đơn kiện được bổ sung, thay đổi đó. Tham gia tố tụng ở giai đoạn thụ lý vụ án, người tham gia tố tụng cần nhận thức được mỗi loại đương sự có các quyền và nghĩa vụ khác nhau, nhưng bản chất của mọi quyền và nghĩa vụ của đương sự trong TTDS tại Tòa án đều xuất phát từ quyền định đoạt của họ. Quyền này đã trở thành nguyên tắc chung xuyên suốt trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Thực hiện quyền này đương sự có thể tự quyết định việc khởi kiện hay phản tố làm phát sinh quan hệ tố tụng và quan hệ giáo dục pháp luật giữa họ với người, cơ quan tiến hành tố tụng và họ cũng có thể rút yêu cầu khởi kiện hay phản tố của mình ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình tố tụng để làm chấm dứt các quan hệ  nói trên.
       Ba là: Phổ biến cho bị đơn thủ tục nộp đơn phản tố, đơn yêu cầu độc lập
Sau khi thông báo thụ lý vụ án, người, cơ quan tiến hành tố tụng và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác lập chương trình hướng dẫn phổ biến cho đương sự biết theo quy định của BLDS thì sau khi thụ lý đơn khởi kiện, bị đơn có quyền phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu độc lập trong vụ án. Việc phản tố của bị đơn hay yêu cầu độc lập của người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án chỉ được tiến hành ở Tòa án cấp sơ thẩm, phải là việc có liên quan đến vụ kiện và phải thực hiện trước thời gian Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Cùng với việc thông báo thụ lý vụ án, người, cơ quan tiến hành tố tụng và các chuyên gia tư vấn pháp luật sử dụng kiến thức pháp luật về tố tụng nhằm làm cho bị đơn nhận thức và phân biệt được phản tố trong vụ kiện không đồng nghĩa với phản bác yêu cầu của nguyên đơn. Bị đơn muốn phản bác hay bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn chỉ cần cung cấp các chứng cứ cho Tòa án để chứng minh yêu cầu của nguyên đơn là không có căn cứ pháp luật. Ví dụ, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bị đơn trả cho nguyên đơn 100 triệu đồng tiền nợ theo hợp đồng mua bán hàng hóa đã ký giữa hai bên. Trong trường hợp này, bị đơn bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn bằng cách xuất trình cho Tòa án hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn giao hàng và hóa đơn thanh toán tiền chứng minh mình không còn nợ tiền nguyên đơn và yêu cầu Tòa bác đơn kiện của nguyên đơn. Còn bị đơn phản tố đối với nguyên đơn khi bị đơn nhận thức rằng trong cùng sự kiện phát sinh tranh chấp dẫn đến nguyên đơn khởi kiện thì bị đơn cũng có quyền lợi đang bị nguyên đơn xâm phạm. Tóm lại việc phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn là việc đòi quyền lợi vất chất có liên quan trong vụ kiện. Mục đích phản tố của bị đơn là để bù trừ nghĩa vụ đối với nguyên đơn hoặc dẫn đến loại trừ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, ví dụ, nguyên đơn khởi kiện bị đơn đòi nợ đầu tư trong hợp đồng liên kết đầu tư trồng cây công nghiệp ký giữa hai bên, bị đơn phản tố nguyên đơn đòi trả tiền bồi thường vì nguyên đơn trong khi đầu tư trồng cây trên đất đã tự ý cắt một phần diện tích đất thuộc quyền sử dụng của bị đơn giao cho người khác...
Thủ tục viết đơn phản tố của bị đơn và thủ tục viết đơn yêu cầu độc lập của người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng như trách nhiệm vật chất khi nộp đơn phản tố, đơn yêu cầu độc lập tương tự như thủ tục khởi kiện của nguyên đơn, nghĩa là đơn phản tố hay đơn yêu cầu độc lập cũng cần được làm thành văn bản có họ tên địa chỉ người viết đơn và họ tên địa chỉ người bị phản tố và bị yêu cầu, nội dung đơn cần ngắn gọn, rõ ràng và phải có căn cứ pháp luật, khi nộp đơn phản tố, đơn yêu cầu độc lập, đương sự cũng phải nộp một khoản tạm ứng án phí bằng 25% tổng số án phí phản tố.
Vấn đề quan trọng nhất cần tư vấn và phổ biến cho bị đơn và người có quyền nghĩa vụ liên quan trong giai đoạn thụ lý vụ án vụ là trong trường hợp nào thì cần phải phản tố và cần yêu cầu độc lập. Việc phản tố hay yêu cầu độc lập cần phải có căn cứ pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng và đúng pháp luật. Tránh tình trạng đương sự lợi dụng phản tố, yêu cầu độc lập để làm rối và kéo dài việc giải quyết vụ án.
4.2. Một số khó khăn trong công tác phổ biến pháp luật ở giai đoạn khởi kiện, thụ lý vụ án và giải pháp khắc phục
 Thực tiễn giải quyết tranh chấp dân sự tại Tòa án cho thấy, điều khó khăn mà cán bộ Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật gặp phải trong hoạt động phổ biến pháp luật cho các đương sự trong giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án chủ yếu là vấn đề thẩm quyền của các cấp Tòa án, cụ thể:
-Các quy định về thẩm quyền của từng cấp Tòa án được quy định khái quát trong Luật Tổ chức TAND và thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự lại được quy định trong Bộ luật TTDS. Khi phổ biến pháp luật về thẩm quyền cho đương sự, cán bộ Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật phải phối hợp lồng ghép hai loại luật này. Đây là một công việc hết sức khó khăn cho cán bộ Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật. Từ trước tới nay, hai luật này gần như được coi là “của riêng” của ngành tư pháp, chưa có chương trình chi tiết phổ biến rộng khắp trong nhân dân. Thực tế hoạt động này cho thấy, đối với đương sự, vấn đề thẩm quyền của Tòa án là những vấn đề hết sức xa lạ, có những đương sự có học vị cao, có nhận thức xã hội rộng nhưng đối với vấn đề thẩm quyền của Tòa án lại là vấn đề mới mẻ, chỉ khi có sự kiện phát sinh cần đến sự bảo vệ của pháp luật họ mới nghiên cứu và tiếp cận các luật này.
-Việc phổ biến pháp luật về thẩm quyền cho người tham gia tố tụng của cán bộ Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật chưa được thực hiện theo một chương trình thống nhất trong toàn ngành. Hầu hết các cán bộ Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật phổ biến pháp luật về thẩm quyền của Tòa án cho người tham gia tố tụng bằng kinh nghiệm thực tiễn đúc rút được từ thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Tòa án. 
-Các quy định của pháp luật về thẩm quyền của Tòa án nói chung có quá nhiều từ ngữ chuyên môn mà hầu hết người khởi kiện lại không có chuyên môn sâu về pháp luật nên có nhiều trường hợp, người khởi kiện đã được các chuyên gia tư vấn pháp luật phổ biến, hướng dẫn, tư vấn về thẩm quyền của Tòa án mà vẫn gửi đơn kiện đến Tòa án không thuộc thẩm quyền, hoặc có người gửi đơn đúng Tòa án có thẩm quyền nhưng cũng chỉ hiểu biết thẩm quyền của Tòa án trong một vụ tranh chấp cụ thể mang tính chất cục bộ mà không hiểu biết một cách tổng thể về thẩm quyền của các Tòa án, nên cứ mỗi lần khởi kiện lại phải tìm chuyên gia pháp luật tư vấn lại về thẩm quyền.
Để khắc phục những vấn đề này, Viện Khoa học xét xử và Trường Cán bộ Tòa án thuộc TAND Tối cao cần phối hợp soạn thảo chương trình giáo dục pháp luật thống nhất trong toàn ngành Tòa án. Đối với chương trình phổ biến quy định về thẩm quyền của Tòa án, nên sử dụng phương pháp vẽ sơ đồ hệ thống Tòa án, ghi rõ trong sơ đồ chức năng nhiệm vụ thẩm quyền của từng cấp Tòa án, thay đổi các từ ngữ chuyên môn bằng các từ đồng nghĩa dễ hiểu mà nhân dân thường dùng trong đời sống, phổ biến chương trình này thống nhất trong toàn ngành Tư pháp kèm theo nguồn kinh phí hợp lý hỗ trợ cho cán bộ Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật trong công tác phổ biến pháp luật cho người tham gia tố tụng. Đồng thời, phát hành rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng sơ đồ TAND có kèm theo chú giải về chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cấp Tòa án. Đồng thời, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho toàn thể nhân dân trong việc tìm hiểu về thẩm quyền của các cơ quan Tòa án và nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục pháp luật trong ngành tư pháp cả nước./. 

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét