Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Quyền lựa chọn pháp luật trong tư pháp quốc tế Việt Nam

Dẫn nhập. Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (YTNN) tồn tại như một điều tất yếu và làm phát sinh xung đột pháp luật (tức hai hay nhiều hệ thống pháp luật khác nhau có khả năng được áp dụng).
Trước hiện tượng xung đột pháp luật, tư pháp quốc tế (TPQT) có quy định nhằm xác định hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ có YTNN, và nhìn một cách tổng thể, các quy định này có thể được chia thành hai nhóm. Trong nhóm thứ nhất, pháp luật đưa ra tiêu chí xác định hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ có YTNN và không quan tâm tới ý chí của các chủ thể liên quan. Ví dụ, theo khoản 1 Điều 766 Bộ luật Dân sự (BLDS) của Việt Nam, “việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu tài sản, nội dung quyền sở hữu đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản đó”. Quy định này xác định hệ thống pháp luật điều chỉnh các vấn đề về quyền sở hữu tài sản là “pháp luật của nước nơi có tài sản” và việc xác định này không phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể liên quan. Trong nhóm thứ hai, pháp luật đưa ra quy định theo hướng xác định hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ có YTNN căn cứ vào ý chí của chủ thể liên quan. Ở đây, hệ thống pháp luật nào sẽ điều chỉnh quan hệ có YTNN phụ thuộc vào việc lựa chọn của chủ thể liên quan.
Hướng trao cho chủ thể liên quan quyền lựa chọn pháp luật (LCPL) như trên đã xuất hiện trong khoa học pháp lý từ thế kỷ thứ 16 và ban đầu chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hợp đồng. Tuy nhiên, nghiên cứu tư pháp quốc tế trên thế giới cho thấy quyền LCPL đã dần dần được mở rộng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày thực trạng của TPQT Việt Nam trong việc ghi nhận quyền LCPL cũng như định hướng mở rộng quyền này cho các chủ thể sau khi đối chiếu với hệ thống pháp luật khác. Chúng ta đang nghiên cứu sửa đổi BLDS, Luật Hôn nhân và gia đình, nên bài viết sẽ đưa ra một số kiến nghị cụ thể đối với hai văn bản này liên quan đến quyền LCPL điều chỉnh quan hệ có YTNN (một nội dung cơ bản của TPQT Việt Nam).
I. Thực trạng và hướng mở rộng quyền lựa chọn pháp luật trong tư pháp quốc tế Việt Nam
1. Thực trạng ghi nhận quyền LCPL trong TPQT Việt Nam
Văn bản hiện hành. TPQT Việt Nam có quy định ghi nhận quyền LCPL điều chỉnh quan hệ có YTNN.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 769 BLDS, “quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thoả thuận khác”. Với quy định này, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng được điều chỉnh bởi pháp luật do các bên lựa chọn và chỉ khi nào không có sự lựa chọn hợp pháp của các bên thì hệ thống pháp luật của nơi thực hiện hợp đồng mới được sử dụng. Hướng ghi nhận quyền LCPL như trên trong lĩnh vực hợp đồng cũng tồn tại trong văn bản khác ở Việt Nam. Chẳng hạn, theo khoản 2 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại, “đối với tranh chấp có YTNN, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn”[1]. Đối với động sản trên đường vận chuyển, BLDS hiện hành cũng quy định theo hướng chấp nhận sự LCPL của các bên tại khoản 2 Điều 776 theo đó “quyền sở hữu đối với động sản trên đường vận chuyển được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, nếu không có thoả thuận khác”.
Như vậy, quyền LCPL điều chỉnh của các chủ thể trong quan hệ dân sự có YTNN đã được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, đó là các quy định rất hiếm hoi. Đối với các lĩnh vực khác lĩnh vực hợp đồng như quyền sở hữu (ngoại trừ động sản trên đường vận chuyển nêu trên), thừa kế, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, kết hôn, ly hôn…, chúng ta không có quy định ghi nhận quyền LCPL cho các chủ thể liên quan. Đây là điều mà chúng ta cần xem xét lại trong xu thế hội nhập, và, để hiểu rõ hơn vị trí của quyền LCPL trong TPQT Việt Nam, chúng ta cùng nhau điểm qua chủ đề này trong TPQT nước ngoài.
Nghiên cứu so sánh. Quyền LCPL cho các chủ thể trong lĩnh vực hợp đồng đã được ghi nhận từ rất lâu trong TPQT và chúng ta không bàn thêm. Tuy nhiên, từ khoảng 20 năm gần lại đây, nhiều nghiên cứu đã cho thấy quyền LCPL đã được ghi nhận trong các lĩnh vực không phải là hợp đồng.
Trong cuốn chuyên khảo của mình xuất bản năm 1993, hai chuyên gia hàng đầu của Pháp về TPQT đã khẳng định “giới hạn trong lĩnh vực hợp đồng trong thời gian dài, quyền LCPL ngày nay đã dần dần xâm nhập vào các ngành luật khác”[2]. Năm 1992, thông qua nghiên cứu TPQT của nhiều nước trên thế giới, một chuyên gia của Li-băng đã cho thấy quyền LCPL đã “xâm nhập” vào cả lĩnh vực hôn nhân và gia đình[3]. Nghiên cứu hai đạo luật mới về TPQT trên thế giới cho thấy quyền LCPL đã vượt xa lĩnh vực truyền thống (hợp đồng). Năm 2004, Bỉ ban hành Bộ luật TPQT (có hiệu lực năm 2005) và một tác giả đã khẳng định “Bộ luật đã dành một vị trí rất rộng cho quyền LCPL. Xuất phát từ tự do ý chí trong pháp luật thực chất về hợp đồng, sự phát triển này đã được dự báo trong quan hệ vợ chồng trong hôn nhân, thừa kế... Sự đột phá được thể hiện trong lĩnh vực ly hôn, bồi thường thiệt hại hay phát hành tín phiếu”[4]. Trung Quốc mới ban hành năm 2010 Luật TPQT (có hiệu lực năm 2011) và có tác giả đã cho rằng “Luật mới của Trung Quốc đã dành vị trí rất ưu ái cho nguyên tắc tự do LCPL đối với các bên” và: ngoài quy phạm xung đột pháp luật truyền thống áp dụng nguyên tắc tự do LCPL của các bên trong lĩnh vực hợp đồng, các quy định sau cho phép các bên LCPL điều chỉnh: khoản 2 Điều 16 về đại diện theo ủy quyền; Điều 18 về thỏa thuận trọng tài; Điều 24 về quan hệ tài sản của vợ chồng; Điều 26 về thuận tình ly hôn; Điều 37 về vật quyền đối với động sản; Điều 38 về vật quyền trong quá trình vận chuyển; Điều 44 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; Điều 47 về được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật và thực hiện công việc không có ủy quyền; Điều 49 về chuyển giao và sử dụng theo thỏa thuận quyền sở hữu trí tuệ; Điều 50 về bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...[5].
Như vậy quyền LCPL trong TPQT nước ta tồn tại nhưng có vị trí rất hạn chế so với TPQT của một số nước, nhất là Trung Quốc.
2. Mở rộng quyền LCPL trong TPQT Việt Nam
Ưu điểm của việc mở rộng quyền lựa chọn. TPQT Việt Nam còn quá dè dặt, quá “truyền thống” trong việc xác định pháp luật điều chỉnh quan hệ có YTNN. Quyền LCPL của các bên chỉ tập trung vào một lĩnh vực của TPQT là hợp đồng (một chút trong lĩnh vực quyền sở hữu liên quan đến tài sản trong quá trình vận chuyển) và vắng bóng trong các lĩnh vực khác. Trong tương lai, TPQT Việt Nam nên theo hướng mở rộng quyền LCPL cho các chủ thể trong quan hệ dân sự có YTNN và việc này sẽ đem lại những ưu điểm sau:
Thứ nhất, việc mở rộng nêu trên khắc phục được tâm lý của chủ thể trong quan hệ quốc tế. Cụ thể như sau: Khi nghiên cứu TPQT Việt Nam, người quan tâm có cảm giác việc xác định pháp luật điều chỉnh quan hệ có YTNN như hiện nay mang tính “áp đặt” vì các chủ thể liên quan không có quyền lựa chọn, định đoạt pháp luật điều chỉnh quan hệ liên quan đến họ. Do đó, việc mở rộng trường hợp cho phép các chủ thể liên quan LCPL cho thấy chúng ta tôn trọng sự định đoạt của họ.
Thứ hai, các quy định hiện nay về xác định pháp luật điều chỉnh quan hệ có YTNN tạo ra sự không an toàn pháp lý cho các chủ thể. Bởi lẽ, với quy định hiện nay (ngoại trừ lĩnh vực hợp đồng và tài sản trong quá trình vận chuyển), chủ thể liên quan đôi khi không biết rõ quan hệ của họ được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật nước nào. Chẳng hạn, theo khoản 1 Điều 773 BLDS hiện hành, “việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc nơi phát sinh hậu quả thực tế của hành vi gây thiệt hại”. Ở đây, người gây thiệt hại và người bị thiệt hại chưa biết được pháp luật nước nào sẽ điều chỉnh quan hệ của họ nên họ chưa thể biết được quyền lợi của họ như thế nào. Với việc cho phép LCPL điều chỉnh quan hệ có YTNN, các bên sẽ biết pháp luật điều chỉnh quan hệ của họ và quyền lợi của họ. Điều này tạo cho họ sự an toàn pháp lý cao hơn so với quy định không cho phép LCPL.
Thứ ba, chúng ta đã mở cửa và hội nhập quốc tế trong khi đó xu hướng mở rộng quyền LCPL đã được ghi nhận nhiều trong TPQT nước ngoài. Do đó, để không bị đơn độc, chúng ta cũng nên theo xu hướng nêu trên. Việc mở rộng này còn tạo điều kiện, cho phép các quyết định của Tòa án nước ta dễ được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài khi các bên LCPL của nước mà quyết định liên quan đến họ sẽ được công nhận và cho thi hành.
Nhược điểm của việc mở rộng quyền lựa chọn. Không có giải pháp nào là hoàn hảo. Việc cho phép chủ thể liên quan LCPL cũng theo quy luật này và có nhược điểm riêng của nó. Tuy nhiên, những nhược điểm này hoàn toàn có thể khắc phục được.
Thực ra, việc cho phép chủ thể liên quan LCPL điều chỉnh quan hệ có YTNN có thể dẫn đến trường hợp sẽ chọn một hệ thống pháp luật nào đó nhằm tránh những quy định bắt buộc thông thường được áp dụng. Chính yếu tố này đã dẫn đến tình trạng trong một thời gian dài, TPQT không muốn ghi nhận quyền LCPL cho các chủ thể. Chẳng hạn, đối với thừa kế có YTNN, pháp luật của Pháp không ghi nhận quyền lựa chọn cho người để lại di sản và lý do cơ bản cho việc không ghi nhận này được các chuyên gia về TPQT Pháp lý giải như sau: “quyền LCPL cần được loại bỏ” trong lĩnh vực thừa kế vì việc ghi nhận quyền này kéo theo “hệ quả là cho phép người để lại di sản LCPL không bảo vệ người thân của người để lại di sản thông qua chế định lưu sản (thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc)”[6]. Tuy nhiên, nhược điểm nêu trên hoàn toàn có thể khắc phục được mặc dù vẫn ghi nhận quyền LCPL và kinh nghiệm của Bỉ cho thấy rõ điều vừa nêu: theo Điều 78 Bộ luật TPQT của Bỉ, pháp luật điều chỉnh thừa kế là pháp luật của nước mà người để lại di sản có nơi thường trú và, khi di sản là bất động sản, thì áp dụng pháp luật của nước nơi có bất động sản. Tiếp theo, Điều 79 quy định cho phép LCPL điều chỉnh thừa kế và, để tránh nhược điểm nêu trên, Điều 79 đã quy định thêm rằng “việc LCPL điều chỉnh không được có hệ quả tước bỏ quyền của người thừa kế được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo pháp luật được xác định theo Điều 78”.
Bên cạnh đó, việc cho phép LCPL điều chỉnh quan hệ có YTNN có thể kéo theo hệ quả là chúng ta áp dụng hệ thống pháp luật xâm phạm đến quyền lợi của người thứ ba. Tuy nhiên, nhược điểm vừa nêu cũng có thể khắc phục được và kinh nghiệm của Bỉ đã cho thấy điều này: liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Điều 99 và 100 Luật TPQT của Bỉ đã đưa ra các tiêu chí để xác định pháp luật điều chỉnh. Đến Điều 101, các nhà lập pháp Bỉ đã ghi nhận quyền của các bên LCPL nhưng đoạn cuối của Điều 101 đã nêu rõ “sự lựa chọn này phải minh thị và không được xâm phạm tới quyền lợi của người thứ ba”[7].
Hướng mở rộng quyền lựa chọn. Việc ghi nhận quyền LCPL tạo tâm lý an tâm cho các chủ thể liên quan và ở tầm vĩ mô, cho thế giới thấy chúng ta đã “cởi mở” trong quan hệ có YTNN. Chính vì vậy, việc chúng ta thể hiện sự ghi nhận này càng rõ thì càng có lợi.  
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào chúng ta cũng cho chủ thể liên quan quyền LCPL. Thực tế, khó có thể đưa ra một nguyên tắc chung cho tất cả các trường hợp và phạm vi lựa chọn phụ thuộc vào từng hoàn cảnh.
Trước những yêu cầu trên, trong phần chung về xung đột pháp luật (ở nước ta hiện nay là trong phần VII của BLDS), chúng ta nên có quy định có nội hàm cho phép LCPL đồng thời quy định này cũng có nội hàm thể hiện quyền lựa chọn này là không tuyệt đối. Chẳng hạn, trong phần đầu của phần VII của BLDS, chúng ta có thể quy định như sau: Chủ thể trong quan hệ dân sự có YTNN được quyền LCPL theo các quy định của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ở đây, chúng ta ghi nhận quyền LCPL nhưng sự lựa chọn này phải tuân thủ các quy định của Việt Nam (trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam)[8].
II. Một số kiến nghị liên quan đến quyền lựa chọn pháp luật trong tư pháp quốc tế Việt Nam
1. Kiến nghị về quyền LCPL trong BLDS
     a) Đối với thừa kế có YTNN
Đối với thừa kế theo pháp luật. BLDS năm 1995 không có quy định xung đột pháp luật về thừa kế và BLDS năm 2005 đã bổ sung. Ngày nay, theo Điều 767, “thừa kế theo pháp luật phải tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết. Quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”. Quy định này đưa ra hướng xác định pháp luật điều chỉnh các vấn đề thừa kế và không quan tâm tới ý chí của người để lại di sản trong việc xác định pháp luật điều chỉnh thừa kế. Thực ra, hướng xác định này không xa lạ và TPQT của Pháp từ trước đến nay vẫn theo hướng này (cũng không quan tâm tới ý chí của người để lại di sản đối với pháp luật điều chỉnh các vấn đề thừa kế). Việc không quan tâm tới ý chí của người để lại di sản trong việc LCPL như trên đã dần dần được thay đổi trong TPQT. Bởi lẽ, một xu hướng mới đề cao ý chí của người để lại di sản đã được hình thành và xin dẫn một số ví dụ để minh họa (ngoài trường hợp của Bỉ đã nêu ở trên):
Điều 66 Luật năm 1992 về quan hệ có YTNN của Roumani quy định pháp luật điều chỉnh thừa kế là pháp luật quốc gia của người để lại di sản hay là pháp luật nơi có di sản nếu là bất động sản và khẳng định thêm rằng, người lập di chúc có thể LCPL điều chỉnh thừa kế[9]. Tương tự như vậy trong pháp luật Ý, Ý có thay đổi TPQT vào năm 1995 và theo hướng pháp luật điều chỉnh thừa kế là pháp luật của nước mà người để lại di sản là công dân, quốc tịch (khoản 1 Điều 46 Luật năm 1995) nhưng “bên cạnh hệ thuộc khách quan về quốc tịch, nhà lập pháp Ý đã đưa thêm khả năng LCPL điều chỉnh thừa kế”[10]. Cụ thể, ngay sau khoản 1, theo đó “thừa kế được điều chỉnh bởi pháp luật của nước mà người để lại di sản có quốc tịch”, khoản 2 Điều 46 Luật TPQT Ý quy định: “người để lại di sản có thể, thông qua một tuyên bố rõ ràng bằng di chúc, LCPL của nước mà họ thường trú để điều chỉnh toàn bộ các vấn đề về thừa kế”[11]. Cũng tương tự như vậy trong pháp luật Quê-bếch (Canada): theo khoản 1 Điều 3098 BLDS của Quê-bếch (Canada), pháp luật điều chỉnh thừa kế là pháp luật của nước mà người để lại di sản có nơi cư trú cuối cùng và, đối với bất động sản, là pháp luật của nước nơi có bất động sản. Tuy nhiên, khoản 2 của điều luật trên đã quy định “một người có thể chỉ định, thông qua di chúc, pháp luật điều chỉnh thừa kế”[12]. Một nghiên cứu của Viện công tố Tòa án tối cao Pháp được công bố năm 2005 cho thấy, quyền của người để lại di sản LCPL điều chỉnh thừa kế còn được ghi nhận trong pháp luật Hà Lan, Phần Lan, Thụy Sĩ, Đan Mạnh, Đức. Cũng theo nghiên cứu này, quyền LCPL trong lĩnh vực thừa kế đã được ghi nhận ở một số nước châu Mỹ[13]. Mới đây nhất, Liên minh châu Âu đã ban hành Nghị định (Règlement) ngày 7/6/2012 về thừa kế có YTNN và theo hướng thừa kế được điều chỉnh bởi pháp luật mà người để lại di sản có nơi thường trú nhưng người để lại di sản có thể LCPL của nước mình để điều chỉnh các vấn đề thừa kế.
Như vậy, việc cho phép người để lại di sản LCPL điều chỉnh thừa kế không còn xa lạ trong TPQT nước ngoài và chúng ta nên theo hướng này, nhằm tôn trọng quyền định đoạt của người để lại di sản (cá nhân được định đoạt tài sản của mình thì cũng được quyền LCPL điều chỉnh di sản của mình khi chết). Tuy nhiên, quyền lựa chọn của người để lại di sản không phải là không có giới hạn, hệ thống pháp luật mà người để lại di sản được lựa chọn phải là hệ thống pháp luật có sự gắn kết với các vấn đề thừa kế di sản. Nhìn chung, hệ thống pháp luật ghi nhận quyền LCPL cho người để lại di sản hiện nay giới hạn phạm vi lựa chọn của người để lại di sản. Ở Liên minh châu Âu, người để lại di sản chỉ được LCPL khác pháp luật nơi thường trú là pháp luật của nước mà họ có quốc tịch (không phân biệt di sản là động sản hay bất động sản). Trong pháp luật của Ý, người để lại di sản chỉ được LCPL khác pháp luật của nước họ có quốc tịch là pháp luật của nước mà họ có nơi thường trú. Ở Bỉ, người để lại di sản chỉ có thể LCPL của nước mà họ có quốc tịch hay nơi thường trú. Chúng ta hiện nay đang theo hướng áp dụng pháp luật của nước mà người để lại di sản có quốc tịch và pháp luật nơi có tài sản nếu di sản là bất động sản. Trong tương lai, đối với Điều 767 nêu trên của BLDS, chúng ta nên theo hướng cho phép người để lại di sản được LCPL, nhưng chỉ giới hạn ở pháp luật của nước nơi họ thường trú ở thời điểm lập di chúc hay ở thời điểm mở thừa kế.
Đối với thừa kế theo di chúc: Bên cạnh các quy định trên, BLDS của chúng ta còn có quy định về hình thức của di chúc, theo đó “hình thức của di chúc phải tuân theo pháp luật của nước nơi lập di chúc” (khoản 2 Điều 768). Với quy định này, ý chí của người lập di chúc không được quan tâm, quyền của người lập di chúc LCPL điều chỉnh hình thức của di chúc không được ghi nhận.
Nghiên cứu so sánh cho thấy, ngoài việc áp dụng pháp luật của nước nơi di chúc được lập để điều chỉnh hình thức di chúc, TPQT nước ngoài còn ghi nhận cho người lập di chúc khả năng LCPL khác. Chẳng hạn, ở Pháp, hình thức của các giao dịch (trong đó có cả di chúc) được điều chỉnh bởi pháp luật nơi giao dịch được xác lập. Tuy nhiên, theo án lệ, quy định này mang tính tùy nghi và người lập di chúc có thể LCPL khác. Ví dụ, liên quan đến một di chúc được lập tại Pháp bởi một người Anh và theo hình thức của pháp luật Anh. Theo pháp luật Pháp, thông thường di chúc này phải tuân thủ hình thức của pháp luật Pháp vì được lập tại Pháp, nhưng Tòa án tối cao Pháp theo hướng chấp nhận di chúc được lập theo hình thức của pháp luật Anh vì, theo Tòa án tối cao Pháp, “người lập di chúc có quyền lựa chọn giữa các hình thức được chấp nhận trong pháp luật nước mình và các hình thức được yêu cầu trong pháp luật nơi mà người lập di chúc lập di chúc”[14].
Thực ra, quy định tại khoản 2 Điều 768 như trên của BLDS là cứng nhắc, không quan tâm tới quyền tự chủ của người để lại di sản. Thiết nghĩ, trong tương lai, chúng ta nên ghi nhận quyền LCPL điều chỉnh hình thức của di chúc theo hướng người lập di chúc còn được lựa chọn hình thức quy định trong pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch hay của nước mà người lập di chúc có nơi thường trú. Trong trường hợp di sản là bất động sản, chúng ta nên theo hướng người lập di chúc còn được quyền lựa chọn cả pháp luật nơi có bất động sản để điều chỉnh hình thức của di chúc.
b) Đối với bồi thường thiệt hại có YTNN
       Nghiên cứu so sánh. Theo khoản 1 Điều 773 BLDS, “việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc nơi phát sinh hậu quả thực tế của hành vi gây thiệt hại”. Với quy định này, chúng ta lại thấy pháp luật nước ta theo hướng xác định pháp luật điều chỉnh quan hệ bồi thường thiệt hại có YTNN mà không quan tâm tới ý chí của chủ thể liên quan.
Khác với pháp luật của chúng ta, hiện nay nhiều hệ thống theo hướng cho các bên LCPL điều chỉnh quan hệ bồi thường thiệt hại có YTNN. Luật về TPQT của Áo đã theo hướng ghi nhận quyền LCPL của các bên. Cụ thể, theo Điều 35 Luật về TPQT của Áo, vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được điều chỉnh bởi pháp luật do các bên thỏa thuận và, nếu không có thỏa thuận LCPL, bởi pháp luật của nước nơi có hành vi gây thiệt hại. Điều 101 Bộ luật TPQT của Bỉ cũng theo hướng này khi quy định “các bên có thể lựa chọn, sau khi phát sinh tranh chấp, pháp luật điều chỉnh nghĩa vụ phát sinh từ hành vi gây thiệt hại”. Tương tự theo Điều 44 Luật TPQT của Trung Quốc: sau khi đưa ra tiêu chí xác định pháp luật điều chỉnh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (không có thỏa thuận của các bên), Điều 44 quy định “nếu các bên đã lựa chọn theo thỏa thuận pháp luật điều chỉnh sau khi có hành vi trái pháp luật, thỏa thuận này được áp dụng”. Cũng tương tự như vậy theo Điều 132 Luật TPQT của Thụy Sĩ theo đó pháp luật Thụy Sỹ ghi nhận quyền LCPL điều chỉnh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Mới đây, liên minh châu Âu cũng có quy định về xung đột pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo hướng ghi nhận quyền LCPL cho các bên. Cụ thể, Nghị định (Règlement) số 864/2007 năm 2007 quy định tại khoản 1 Điều 14 rằng các bên có thể LCPL điều chỉnh nghĩa vụ ngoài hợp đồng bằng một thỏa thuận sau khi xảy ra sự kiện gây thiệt hại.
Sửa đổi BLDS. Phần trên cho thấy BLDS hiện hành của chúng ta khá cứng nhắc trong việc quy định việc xác định pháp luật điều chỉnh quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (không ghi nhận quyền LCPL cho các bên) trong khi đó nhiều hệ thống pháp luật hiện đại theo hướng chấp nhận cho các bên LCPL điều chỉnh quan hệ này.
Để tạo điều kiện cho các bên trong việc xác định pháp luật điều chỉnh quan hệ của họ và để tôn trọng quyền định đoạt của họ, chúng ta cũng nên theo hướng ghi nhận cho các bên khả năng LCPL điều chỉnh vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong lần sửa đổi BLDS lần này, chúng ta nên mạnh dạn chỉnh sửa các quy định tại Điều 773 theo hướng trên.
Về thời điểm LCPL, nếu các bên được quyền LCPL điều chỉnh ở bất kỳ thời điểm nào đối với hợp đồng thì đối với bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, chúng ta nên theo hướng của pháp luật Trung Quốc là chỉ chấp nhận cho các bên LCPL ở thời điểm sau khi có sự kiện gây thiệt hại (nhìn chung pháp luật các nước không chấp nhận thỏa thuận nói chung và thỏa thuận LCPL khi chưa có sự kiện gây thiệt hại).
c) Đối với những trường hợp khác
Quyền sở hữu tài sản. Ngoài hai lĩnh vực nêu trên, quyền LCPL cũng cần được lưu tâm đối với các lĩnh vực khác thuộc phạm vi điều chỉnh của BLDS.
Đối với vấn đề đã có quy phạm xung đột, lĩnh vực về quyền sở hữu đáng được lưu tâm khi bàn về quyền LCPL. Hiện nay, BLDS đưa ra tiêu chí xác định pháp luật điều chỉnh mà không quan tâm tới ý chí của chủ thể liên quan. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 776, “việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu tài sản, nội dung quyền sở hữu đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản đó”. Ở đây, việc xác định pháp luật vẫn mang tính “áp đặt”, không quan tâm tới ý chí của các chủ thể.
Thiết nghĩ, chúng ta nên nghiên cứu theo hướng ghi nhận quyền tự chủ của các chủ thể trong việc xác định pháp luật điều chỉnh các vấn đề về quyền sở hữu động sản. Đây cũng là hướng mà các nhà cải cách Trung Quốc đã làm trong Luật TPQT năm 2010 theo đó “các bên có thể, bằng một thỏa thuận, LCPL áp dụng cho các vật quyền động sản” (Điều 37).
Nghĩa vụ ngoài hợp đồng. Bên cạnh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, chúng ta còn có một số nghĩa vụ (trách nhiệm) ngoài hợp đồng khác như hoàn trả tài sản do chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, hoàn trả được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật hay các nghĩa vụ (trách nhiệm) phát sinh từ thực hiện công việc không có ủy quyền. Đối với các nghĩa vụ ngoài hợp đồng vừa nêu, xung đột pháp luật hoàn toàn có thể xảy ra và chúng ta cần có quy phạm điều chỉnh. Thực ra, Trung Quốc cũng đã theo hướng này và đã ban hành quy phạm xung đột pháp luật (xem phần dưới). Tương tự như vậy trong Nghị định (Règlement) số 864/2007 năm 2007 của châu Âu nêu trên (Điều 10 và 11). BLDS hiện hành của chúng ta chưa có quy định xung đột đối với các nghĩa vụ này và chúng ta nên bổ sung.
Đối với các nghĩa vụ ngoài hợp đồng nêu trên, Nghị định (Règlement) số 864/2007 năm 2007 của châu Âu cho phép các bên LCPL điều chỉnh như đối với trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Điều 14). Tương tự như vậy trong Bộ luật TPQT của Bỉ (Điều 104). Đây cũng là hướng mà các nhà lập pháp Trung Quốc đã làm trong Luật TPQT năm 2010. Cụ thể, theo Điều 47, “được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật hay thực hiện công việc không có ủy quyền được điều chỉnh bởi pháp luật mà các bên thỏa thuận lựa chọn. Khi không có thỏa thuận lựa chọn của các bên, pháp luật của nước nơi các bên có nơi thường trú chung được áp dụng; nếu không có nơi thường trú chung, pháp luật của nơi diễn ra được lợi không có căn cứ pháp luật hay thực hiện không có ủy quyền được áp dụng”.
Đối với các nghĩa vụ ngoài hợp đồng nêu trên, thiết nghĩ chúng ta cũng nên theo hướng cho phép các chủ thể liên quan được LCPL. Về thời điểm các bên có thỏa thuận này, chúng ta theo hướng của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã trình bày ở trên: thỏa thuận LCPL chỉ được chấp nhận sau khi xuất hiện sự kiện làm phát sinh nghĩa vụ.
2. Kiến nghị về quyền LCPL trong Luật Hôn nhân và gia đình
Đối với ly hôn. Đối với lĩnh vực hôn nhân và gia đình, TPQT nước ta đã có quy định xác định pháp luật điều chỉnh và chúng ta cùng nhau nghiên cứu các quy định về ly hôn.
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, pháp luật của chúng ta không cho phép vợ chồng quyền LCPL điều chỉnh vấn đề ly hôn. Ở đây, chúng ta vẫn theo hướng “áp đặt” pháp luật điều chỉnh ly hôn và ý chí của các chủ thể liên quan không có vai trò gì[15]. Nghiên cứu TPQT nước ngoài cho thấy, việc cho phép vợ chồng LCPL điều chỉnh ly hôn không xa lạ và nếu có điều kiện chúng ta cũng nên theo hướng này. Cụ thể, theo Điều 55 Bộ luật TPQT Bỉ, “vợ chồng có thể LCPL điều chỉnh ly hôn hay ly thân. Họ chỉ có thể lựa chọn một trong các hệ thống pháp luật sau: 1) Pháp luật của nước mà vợ và chồng có quốc tịch ở thời điểm yêu cầu ly hôn, ly thân; 2) Pháp luật Bỉ”. Ở châu Âu, Nghị định (Règlement) số1259/2010 cũng theo hướng cho phép vợ chồng LCPL điều chỉnh ly hôn. Cụ thể, theo Điều 5 của Nghị định, pháp luật điều chỉnh ly hôn là pháp luật do vợ chồng lựa chọn. Tuy nhiên, vợ chồng chỉ được chọn pháp luật của nước nơi họ thường trú; pháp luật của nước mà họ có nơi thường trú cuối cùng khi một người vẫn thường trú ở đó; pháp luật của nước mà vợ hay chồng có quốc tịch; pháp luật của Tòa án. Luật TPQT của Trung Quốc năm 2010 cũng ghi nhận quyền LCPL của vợ chồng tại Điều 26 theo đó “liên quan đến thuận tình ly hôn, các bên có thể thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật của nước nơi vợ hay chồng có nơi thường trú hay pháp luật của nước mà vợ hoặc chồng có quốc tịch”.
Việc cho phép vợ chồng LCPL điều chỉnh lý hôn như trên được đánh giá tốt trong giới chuyên gia[16] và, trong quá trình sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, chúng ta cũng nên nghiên cứu ghi nhận quyền LCPL điều chỉnh ly hôn (theo hướng quyền lựa chọn có giới hạn).
Đối với quan hệ vợ chồng trong hôn nhân. Bên cạnh các quy định về kết hôn và ly hôn, TPQT các nước thường có quy định về xung đột pháp luật liên quan đến quan hệ vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Luật Hôn nhân và gia đình của chúng ta cũng có quy định về xung đột pháp luật liên quan đến kết hôn (Điều 103) và ly hôn (Điều 104) nhưng lại chưa có quy định về xung đột pháp luật liên quan đến quan hệ vợ chồng trong hôn nhân (như về trách nhiệm của vợ chồng với nhau, quan hệ tài sản giữa họ). Trong lần sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình lần này, chúng ta nên nghiên cứu bổ sung loại quy định về xung đột pháp luật này.
Khi xây dựng quy định về xung đột pháp luật đối với quan hệ vợ chồng trong hôn nhân, quyền LCPL của vợ chồng cũng được quan tâm. Thực ra, từ thế kỷ thứ 16, Dumulin (một luật gia Pháp) đã theo hướng cho phép vợ chồng LCPL điều chỉnh quan hệ của họ[17]. Điều 49 Bộ luật TPQT của Bỉ năm 2004 ghi nhận quyền lựa chọn của vợ chồng theo đó “quan hệ vợ chồng trong hôn nhân được điều chỉnh bởi pháp luật mà vợ chồng đã lựa chọn. Vợ chồng chỉ có thể lựa chọn một trong các hệ thống pháp luật sau: 1) Pháp luật của nước mà họ sẽ có nơi thường trú sau kết hôn; 2) Pháp luật của nước mà vợ hoặc chồng có nơi thường trú ở thời điểm lựa chọn; 3) Pháp luật của nước mà vợ hoặc chồng có quốc tịch ở thời điểm lựa chọn”. Thực ra, trước Bỉ, Luật TPQT của Ý năm 1995 đã ghi nhận quyền LCPL tại khoản 2 Điều 30 theo đó “vợ chồng có thể thỏa thuận bằng văn bản LCPL điều chỉnh quan hệ vợ chồng trong hôn nhân là pháp luật của nước mà một trong hai người có quốc tịch hay một trong hai người có nơi thường trú”. Việc Ý ghi nhận vào năm 1995 quyền LCPL đối với quan hệ vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đã được đánh giá cao, được coi là một “sự đột phá quan trọng”[18]. Nghiên cứu so sánh cho thấy, việc không cho phép LCPL điều chỉnh quan hệ vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân chỉ tồn tại ở rất ít nước và, trong Liên minh châu Âu, “phần lớn pháp luật các nước thành viên ghi nhận quyền LCPL của vợ chồng đối với quan hệ vợ chồng trong hôn nhân”[19]. Thiết nghĩ, nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể trong quan hệ hôn nhân có YTNN, chúng ta cũng nên ghi nhận quyền cho vợ chồng LCPL điều chỉnh quan hệ của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Nghiên cứu so sánh cho thấy, nhìn chung, quyền LCPL trong lĩnh vực này không tuyệt đối, cần có giới hạn để “tránh trường hợp vợ chồng lựa chọn hệ thống pháp luật chỉ có ít quan hệ với họ” [20] và chúng ta cũng nên theo hướng này.
Kết luận. Nghiên cứu các quy định của TPQT Việt Nam cũng như TPQT nước ngoài cho thấy quyền LCPL đã được ghi nhận cho chủ thể trong quan hệ có YTNN. Với việc ghi nhận quyền này, vấn đề xung đột pháp luật do chính chủ thể liên quan giải quyết; chính họ sẽ xác định hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ liên quan đến họ.
Quyền LCPL đã được ghi nhận rất sớm trong TPQT đối với xung đột pháp luật trong lĩnh vực hợp đồng. Khoảng từ 20 năm gần đây, quyền này ngày càng được mở rộng sang các lĩnh vực khác trong đó có lĩnh vực hôn nhân và gia đình, nghĩa vụ ngoài hợp đồng.
Đối chiếu TPQT Việt Nam với TPQT nước ngoài, chúng ta thấy quyền LCPL của chủ thể trong quan hệ dân sự có YTNN ở nước ta còn rất dè dặt và vẫn còn nặng theo hướng “áp đặt” pháp luật điều chỉnh (tức không quan tâm tới ý chí của các chủ thể trong quan hệ). Thực trạng này là không thuyết phục với xu hướng mở cửa và hội nhập, nên nhân dịp sửa đổi BLDS, Luật Hôn nhân và gia đình lần này, chúng ta mạnh dạn mở rộng phạm vi ghi nhận quyền LCPL ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều công trình về quyền LCPL trong TPQT Việt Nam để quyền lựa chọn sớm được ghi nhận cho các chủ thể trong các lĩnh vực khác lĩnh vực hợp đồng./.
 

[1] Về chủ đề này, xem thêm Đỗ Văn Đại và Trần Hoàng Hải, Pháp luật Việt Nam về Trọng tài thương mại, Nxb. CTQG 2011, phần số 245 và tiếp theo.
[2] Henri BATIFFOL và Paul LAGARDE, Traité de droit international privé, LGDJ 1993, phần số 269.
[3] Pierre GANNAGE, La pénétration de l'autonomie de la volonté dans le droit international privé de la famille, Revue critique de droit international privé 1992, tr. 425 và tiếp theo.
[4] Jean-Yves CARLIER, Le Code belge de droit international privé, Revue critique de droit international privé 2005, tr. 11 và tiếp theo.
[5] Chen WEIZUO và Lyvia BERTRAND, La nouvelle loi chinoise de droit international privé du 28 octobre 2010: contexte législatif, principales nouveautés et critiques, Journal du droit international (Clunet) n°2, tháng 4/2011, var. 2, phần số 14 và 15.
[6] Pierre MAYER và Vincent HEUZE, Droit international privé, Montchrestien 2001, phần số 806.
[7] Ngoài những cách thức như đã trình bày, chúng ta còn có thể khắc phục những nhược điểm nêu trên thông qua các quy định hiện hành của TPQT như bảo lưu trật tự công cộng, quy định áp dụng bắt buộc (về các khái niệm này, xem thêm Đỗ Văn Đại và Mai Hồng Quỳ, TPQT Việt Nam-Quan hệ dân sự, lao động, thương mại có YTNN, Nxb. Chính trị Quốc gia 2010).
[8]Đây cũng là hướng mà các nhà lập pháp Trung Quốc đã đi theo khi quy định tại Điều 3 (phần các quy định chung) của Luật TPQT rằng “trên cơ sở các quy định của pháp luật, các bên có thể lựa chọn rõ ràng pháp luật điều chỉnh một quan hệ dân sự có YTNN”. Quy định này được đánh giá là một «minh chứng của sự cởi mở» của pháp luật Trung Quốc (xem Chen WEIZUO và Lyvia BERTRAND, bđd, phần số 17).
[9] Dragos-Alexandru SITARU, Successions internationals en Roumanie in Successions (Travaux de l’Association Henri Capitant), Nxb. Bruylant 2012, tr. 799.
[10]Jacopo RE, Successions internationals en Italie in Successions (Travaux de l’Association Henri Capitant), Nxb. Bruylant 2012, tr. 698.
[11]Việc Ý ghi nhận quyền LCPL điều chỉnh thừa kế như trên được đánh giá là một “sự đột phá lớn”: Xem Tito BALLARINO, Personnes, famille, régimes matrimoniaux et successions dans la Loi de réforme du droit international privé italien, Revue critique de droit international privé 1996, tr. 136.
[12] Edith VEZINA, Successions en Droit international privé québécois, in Successions (Travaux de l’Association Henri Capitant), Nxb. Bruylant 2012, tr.786 và 787.
[13] LE LIVRE VERT  SUR LES SUCCESSIONS ET LES TESTAMENTS DE LA COMMISSION EUROPEENNE-Observations et propositions  du parquet général de la Cour de cassation, septembre 2005.
[14] Về án lệ này, xem Pierre MAYER và Vincent HEUZE, sđd, phần số 754.
[15] Cụ thể, theo Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, “1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam được giải quyết theo quy định của Luật này. 2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì theo pháp luật Việt Nam. 3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.
[16] Xem Hélène PEROZ, L'avènement de l'autonomie de la volonté dans les divorces internationaux, Droit de la famille et des personnes, 15/7/2012, n° 7, tr. 1.
[17] Xem Andrea BONOMI, Les régimes matrimoniaux en international privé comparé, in Les régimes matrimoniaux en droit comparé et en droit international privé, Nxb. Librairie Droz, Genève 2006, tr. 62.
[18] Xem Andrea GIARDINA, Les caractères généraux de la réforme, Revue critique de droit international privé 1996, tr. 12.
[19] Andrea BONOMI, bđd, tr.62.
[20] Andrea BONOMI, bđd, tr.63 (trong tài liệu của mình ở trang 64, Andrea BONOMI cho thấy chỉ có pháp luật của Áo là ghi nhận rộng rãi quyền LCPL của vợ chồng. Theo tác giả này, Áo không đưa ra bất kỳ giới hạn nào và vợ chồng có thể lựa chọn một hệ thống pháp luật cho dù không có quan hệ với họ).

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét