Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP – MỚI, KHÓ NHƯNG CẤP BÁCH

Dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp hiện đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Chính phủ nhằm bảo đảm việc thực hiện chế độ này từ 1-1-2009. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn rất nhiều quan ngại về tính thực thi hiệu quả của đạo luật được đánh giá là rất mới mẻ, rất khó thực hiện nhưng rất quan trọng này.
1 – Bảo hiểm thất nghiệp: người lao động được gì?
Với 1% mức lương hiện hưởng, người lao động sau 15 ngày mất việc sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng của 6 tháng liền kề trước khi mất việc trong thời gian tối đa là 12 tháng, tùy theo thời gian trước đó đã đóng bảo hiểm thất nghiệp; được hỗ trợ học nghề phù hợp để chuyển đổi nghề nghiệp trong thời gian tối đa không quá 6 tháng; được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế mà nguồn tài chính lấy từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Cái lợi thì rất rõ, song không phải người lao động nào cũng có được cái nhìn dài hạn để đồng tình với chính sách này. Có một thực tế: chỉ khi nào phải nằm viện điều trị dài ngày với khoản chi phí tương đối lớn, người ta mới nghĩ đến sự cần thiết của cái thẻ bảo hiểm y tế và cũng tương tự, chỉ khi nào đứng trước nguy cơ mất việc làm cao, người lao động mới muốn đóng bảo hiểm thất nghiệp. Thế nhưng, đối với những lao động phổ thông, trình độ thấp (nhóm dễ bị mất việc), việc nhận diện nguy cơ thất nghiệp thường không dễ dàng. Hơn thế, bởi thu nhập cũng thấp tương ứng với trình độ lao động nên họ thường chỉ nhìn thấy cái thiệt trước mắt là sẽ mất đi một phần trong thu nhập mà không thấy được cái lợi lâu dài. Nhất là với nguy cơ bị mất việc làm, điều mà không phải ai cũng sẽ phải trải qua.
Trên thực tế, lao động thuộc những ngành bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ như: chế biến thủy sản, dệt may, da giày… và những lao động có trình độ tay nghề thấp sẽ có nguy cơ mất việc làm cao và sẽ rất cần đến chế độ bảo hiểm thất nghiệp nhằm bảo đảm cho họ nguồn thu nhập nhất định trong thời gian đi tìm việc làm mới, được đổi nghề nếu ngành nghề cũ hết chỗ làm. Thế nhưng, theo Luật Bảo hiểm xã hội, chỉ những lao động có hợp đồng lao động (hoặc hợp đồng công việc) từ 1 năm trở lên mới được tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Quy định này có lợi cho cơ quan quản lý trong việc theo dõi lao động, song vô tình đã loại những lao động mùa vụ, những người có nguy cơ thất nghiệp cao ra khỏi đối tượng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
2 – Dùng dằng tổ chức thực hiện
Theo các chuyên gia nghiên cứu, để thực hiện có hiệu quả chế độ bảo hiểm thất nghiệp, hệ thống tổ chức bảo hiểm thất nghiệp là yếu tố đặc biệt quan trọng. Trước vấn đề này đã có nhiều ý kiến khác nhau. Do tính chất đặc thù, bảo hiểm thất nghiệp không chỉ có chức năng bù đắp mất mát thu nhập mà còn có chức năng nhanh chóng đưa người lao động trở lại với công việc. Do vậy, tổ chức bộ máy này cần phải có khả năng điều phối giữa các hệ thống hiện hành về bảo hiểm xã hội (thu phí và chi trả trợ cấp) và giới thiệu việc làm (theo dõi và quản lý cũng như hỗ trợ người lao động). Hiện Dự thảo Nghị định chưa chính thức quy định tổ chức bảo hiểm thất nghiệp sẽ là cơ quan cụ thể nào (mà chỉ nói đây là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).
Song, theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, công việc này thường được giao cho các trung tâm dịch vụ (giới thiệu) việc làm, bởi đây là nơi người lao động thường lui tới để tìm kiếm thông tin việc làm. Theo lý thuyết, trung tâm sẽ lợi thế trong việc thu thập thông tin về thất nghiệp, tổ chức tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm, do đó có khả năng làm tốt chức năng của một tổ chức bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống các trung tâm ở Việt Nam đều đang hoạt động kém hiệu quả do trình độ chuyên môn của cán bộ còn yếu kém. Mặc dù chức năng chính của các trung tâm này là tư vấn dạy nghề, giới thiệu việc làm, song thực tế cái “chính” lại trở thành “phụ”, bởi theo quy định, dịch vụ này không được thu tiền của người lao động nên không tạo ra nguồn thu. Các trung tâm thường lao vào việc dạy nghề, vốn không phải là lĩnh vực “sở trường” của mình để rồi “bỏ lơi” nhiệm vụ chính. Hơn thế, thay vì được quản lý bởi một hệ thống, các trung tâm lại được mở ra ở nhiều bộ, ngành, tổ chức khác nhau, như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… khiến hệ thống này hoạt động không đồng nhất, hiệu quả phân tán. Đây cũng chính là nguyên nhân mối quan ngại của cơ quan quản lý nhà nước, nếu lựa chọn hệ thống trung tâm làm đầu mối trực tiếp thực hiện quản lý số lượng người thất nghiệp và tổ chức chi trả bảo hiểm thất nghiệp.
Theo một hướng tiếp cận khác, có ý kiến lại cho rằng, nên giao công việc này cho hệ thống bảo hiểm xã hội bởi cơ quan này đã có sẵn “chân rết” đến tận cấp xã, phường. Việc quản lý thu chi bảo hiểm sẽ hiệu quả hơn vì đã có kinh nghiệm quản lý một cách nhuần nhuyễn những chế độ khác như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. Đồng thời, đây cũng là cách để tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp bởi chỉ cần đến một cơ quan là hoàn thành thủ tục của tất cả các chế độ bảo hiểm. Song, điểm đáng lo ngại là cơ quan bảo hiểm xã hội lại không có các chức năng bảo đảm thực hiện các chế độ khác không kém quan trọng của bảo hiểm thất nghiệp là: tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức dạy nghề cho người lao động để tăng cao khả năng tái tìm được việc làm sau khi thất nghiệp.
Cũng có ý kiến cho rằng, nên sử dụng cả 2 tổ chức trên để tận dụng những lợi thế về cơ sở vật chất và con người sẵn có của từng hệ thống. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sự phối kết hợp giữa 2 cơ quan này có được thường xuyên và liên tục để bảo đảm hiệu quả quản lý hay không, trong khi việc kết nối thông tin để thống nhất quản lý vốn vẫn được coi là khâu yếu trong hoạt động của hầu hết các cơ quan quản lý nhànước.
3 – Cả doanh nghiệp và người lao động đều “lơ mơ”
Ông Cấn Văn Minh, Trưởng Phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp ở đây chưa quan tâm đến vấn đề này, thậm chí có nơi còn chưa biết là chính sách này sẽ được thực hiện từ đầu năm tới. Chị Đặng Phương Mai, cán bộ quản lý lao động, Công ty TNHH KYB (Khu Công nghiệp Thăng Long) cho hay, là một doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản nên “ông chủ” ở đây rất quan tâm đến pháp luật lao động của Việt Nam. “Công ty yêu cầu tôi phải tham gia tất cả các lớp tập huấn về pháp luật lao động do Ban Quản lý tổ chức nên tôi cũng đã biết về thông tin này, tuy nhiên cũng chỉ là biết để thông báo với chủ sử dụng lao động. Vì thế sẽ không thể trách được khi người lao động không biết gì về vấn đề này”- chị Mai nhấn mạnh.
Theo một chuyên gia nghiên cứu bảo hiểm thất nghiệp, cả doanh nghiệp và người lao động Việt Nam vẫn chưa có thói quen chuẩn bị cho những gì sẽ xảy ra mà chỉ tập trung vào việc “đối phó” với các chính sách hiện hành. Điều này giải thích vì sao Luật Bảo hiểm xã hội đã được thông qua từ ngày 29-6-2006, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn không biết chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa là các quy định về bảo hiểm thất nghiệp sẽ có hiệu lực.
4 – Nguy cơ trốn đóng bảo hiểm là rất lớn
Một điểm đáng quan tâm khác khi triển khai chế độ bảo hiểm thất nghiệp là việc thu – đóng. Nhiều người quan ngại rằng, liệu bảo hiểm thất nghiệp có thoát khỏi “vết xe đổ” của bảo hiểm xã hội và quỹ dự phòng mất việc làm (hình thức sơ khai của bảo hiểm thất nghiệp)? Theo thống kê, cho đến nay, chỉ ở một vài doanh nghiệp làm ăn phát đạt mới hình thành Quỹ dự phòng mất việc làm theo quy định của Bộ luật Lao động, con số nhỏ chỉ đếm trên đầu ngón tay trong số hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang hoạt động. Còn việc trốn đóng bảo hiểm xã hội thì vẫn đang diễn ra hằng năm với những con số ngày càng tăng không chỉ ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà còn ở cả doanh nghiệp nhà nước.
Việc đóng góp nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm của chủ sử dụng lao động đối với công nhân không thể chỉ kêu gọi lòng tốt bởi mục tiêu cuối cùng của họ là lợi nhuận. Vì vậy, cho dù chỉ với tỷ lệ 1% tổng quỹ lương, song số tiền mà doanh nghiệp phải chi thêm do sử dụng lao động cũng sẽ tăng lên làm giảm lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, chi phí cho nhân lực thực hiện nhiệm vụ này cũng là điều khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà, thậm chí lẩn tránh với bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, chế tài xử lý sẽ là điều đặc biệt quan trọng. Nhưng, phải tiếp tục xử lý hiệu quả trước sức ép việc làm lớn như hiện nay để các chế tài được thực thi một cách thống nhất, đồng bộ và cụ thể, nếu không sẽ đặt xã hội đứng trước nguy cơ đẩy những người thất nghiệp vào tình trạng bất ổn, vô hình trung làm trầm trọng hóa tình trạng khinh nhờn “kỷ cương phép nước” ở các đơn vị sử dụng lao động. Đó phải là quyết tâm của tất cả chúng ta, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên con đường bảo đảm công bằng cho người lao động trong điều kiện hiện nay.
Thực thi bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động không chỉ là quyền lợi chính đáng của họ mà còn là nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Né tránh, thờ ơ đối với vấn đề này không chỉ vi phạm đạo lý mà còn vi phạm pháp luật.
Ngày 1-1-2009 là thời điểm tất cả sự lơ mơ, trốn tránh đóng bảo hiểm thất nghiệp cần được khắc phục. Đó là điều bắt buộc./.
(TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 14 (158 ) NĂM 2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét