Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

BÀN VỀ TIỀN LƯƠNG

Thị trường hàng hóa sức lao động là một trong những thị trường cơ bản của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường và trong thị trường này, tiền lương, tiền công là giá cả của loại hàng hóa đặc biệt – hàng hóa sức lao động. Do vậy mối quan hệ, tương quan giữa giá cả với hàng hóa cùng các quan hệ cung – cầu, cạnh tranh; sự vận động của thị trường hàng hóa sức lao động luôn là mối quan tâm của các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách – đặc biệt là chính sách về lao động, việc làm và tiền lương. Tuy vậy, bài viết dưới đây chỉ góp phần bàn thêm về cơ sở, nguyên tắc định giá hàng hóa sức lao động trên thị trường hàng hóa sức lao động Việt Nam khi chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường.
Quan điểm tiền lương của Karl Marx.
K.Marx định nghĩa tiền lương là giá trị hay giá cả của sức lao động, nhưng biểu hiện ra bên ngoài như là giá cả của lao động.
Như vậy, căn cứ chủ yếu để xác định tiền lương là giá trị sức lao động và tiền lương sẽ luôn luôn vận động cùng chiều với giá trị sức lao động; giá trị sức lao động được đo lường thông qua giá trị những tư liệu tiêu dùng vật chất và tinh thần cần thiết tối thiểu để nuôi sống người lao động và gia đình người lao động, cộng với chi phí đào tạo. Nghĩa là tiền lương phải đủ để nuôi sống được người lao động và gia đình họ trên hai phương diện: vật chất và tinh thần. Bên cạnh đó, trong lý luận giá trị, khi nghiên cứu nguồn gốc của giá trị, K.Marx cho rằng trong cùng một thời gian, lao động phức tạp tạo ra nhiều giá trị hơn so với lao động giản đơn, lao động phức tạp là “bội số” của lao động giản đơn. Do vậy lương trả cho lao động phức tạp tất yếu phải cao hơn so với lao động giản đơn, và lương sẽ tăng lên cùng với sự gia tăng tính phức tạp của lao động cũng như của trình độ người lao động.

Có thể khẳng định rằng, khi tiền lương còn tồn tại thì những luận điểm của K.Marx được viện dẫn ở trên vẫn là những căn cứ cơ bản cho việc xây dựng chính sách tiền lương, thang lương, bảng lương. Và tiền lương được trả theo những nguyên lý như vậy là tiền lương đúng nghĩa.
Thực tế cho thấy, trình độ khoa học – công nghệ càng cao, đời sống kinh tế – xã hội càng phát triển, nhu cầu về vật chất, văn hóa tinh thần của con người càng gia tăng; hay diễn đạt cách khác, xã hội càng văn minh, kinh tế càng tăng trưởng thì những cơ sở để trả lương và luận điểm về tiền lương của K.Marx càng lung linh sáng.
Tiền lương của chúng ta.
Thủ tướng Phan Văn Khải có lần phát biểu rằng tiền lương của chúng ta chỉ đủ để nuôi người lao động 10 – 15 ngày, đúng là vậy, mà như thế có nghĩa là, tiền lương của chúng ta không hoàn toàn đúng nghĩa tiền lương. Do đó, chính sách tiền lương hiện hành là nguyên nhân chính hoặc là một trong những nguyên nhân góp phần làm nảy sinh nhiều tiêu cực trên một số khía cạnh chính sau đây:
- Hạn chế tái sản xuất sức lao động trên cả hai phương diện: thể lực và trí lực. Đây là nguy cơ đe dọa đến sự phát triển nguồn nhân lực cả trong hiện tại lẫn trong tương lai.
- Kỷ luật lao động lỏng lẻo: người lao động thiếu trách nhiệm, không tận tâm, không gắn bó với công việc. Đây là một trong những nguyên nhân đưa đến hiệu quả và năng suất lao động thấp và có chiều hướng đi xuống.
- Tạo nên sự chênh lệch, sự bất bình đẳng về thu nhập, mức sống giữa những người có cùng trình độ, cùng năng lực làm việc, nhưng làm việc ở những thành phần kinh tế khác nhau. Do vậy, để hạn chế dần sự bất bình đẳng đó và rút ngắn khoảng chênh lệch về thu nhập so với từng lớp có thu nhập cao trong xã hội, một số công chức khi có điều kiện sẽ tìm cách vòi vĩnh, nhũng nhiễu dân cư và tham ô, ăn hối lộ. Điều này đưa đến chỗ làm suy yếu bộ máy Nhà nước và giảm niềm tin của dân chúng, của các nhà đầu tư vào chính quyền.
- Không phản ánh đúng sự đánh giá của xã hội đối với người lao động vì vậy trong nhiều trường hợp đã triệt tiêu động lực sáng tạo; không kích thích người lao động tích cực tìm kiếm những giải pháp để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả công việc. Điều này dẫn đến nguy cơ đánh mất năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập.
- Tạo nên sự di chuyển luồn lao động từ nơi này sang nơi khác với mức độ khó kiểm soát, vì vậy phá vỡ định hướng, kế hoạch phân bố lực lượng lao động theo yêu cầu phát triển của các ngành và vùng lãnh thổ; gây nên sự mất cân đối về lực lượng lao động giữa các ngành và các vùng.
- Do lương không đủ sống nên nhiều người phải tạo ra, tìm thêm những nguồn thu nhập ngoài lương. Vì vậy rất khó xác định đúng thu nhập thực tế của mỗi người. Điều này đưa đến sự phát sinh tiêu cực trên ba phương diện: thứ nhất, gây thất thu thuế thu nhập cá nhân; thứ hai, khó truy tìm những nguồn thu nhập bất chính; thứ ba, không đánh giá đúng sức cầu lao động hiện tại trong xã hội và khó dự đoán mức cầu tương lai khi hoạch định chiến lược thị trường, chính sách thu nhập và chính sách kinh tế.
- Hạn chế sự hình thành và phát triển thị trường sức lao động – một trong những thị trường cơ bản của nền kinh tế vận động theo cơ chế kinh tế thị trường.
Tóm lại, tiền lương không đúng nghĩa tiền lương đã và sẽ ngày càng phát sinh nhiều tác động tiêu cực trên các phương diện kinh tế, chính trị và xã hội.
Những nguyên lý về tiền lương, chính sách tiền lương, các yếu tố ảnh hưởng và căn cứ, cơ sở thay đổi tiền lương đều đã được bàn luận nhiều. Như tăng lương, phải tính đến thu chi ngân sách Nhà nước; tiền lương trong quan hệ với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, hiện trạng nền kinh tế và mức cung hàng hóa trên thị trường; sự thay đổi lượng tiền trong lưu thông và biến động của giá cả khi tăng lương; tiền lương trong mối quan hệ với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, khoa học – công nghệ, chi phí đào tạo và nhu cầu cơ bản của con người…. Diễn đạt một cách tổng quát, nghiên cứu tiền lương cũng như sự thay đổi của tiền lương cần dựa trên nhiều yếu tố và quan hệ tác động lẫn nhau giữa tiền lương với các phạm trù, các hiện tượng, quá trình kinh tế khác nhau là đúng. Nhưng chính đây lại cũng là những cản ngại, là cơ sở của những do dự trong việc thay đổi chế độ tiền lương – cho dù đó là chế độ tiền lương đã hoàn toàn lỗi thời, để đưa tiền lương về đúng nghĩa tiền lương.
Tuy vậy, dù sao cũng cần thấy rằng, nền kinh tế đất nước đã chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường hơn 20 năm, nhưng chế độ tiền lương của chúng ta lại vẫn mang nặng bản chất của chế độ tiền lương thời bao cấp. Do đó thay đổi căn bản chính sách tiền lương cho phù hợp với nền kinh tế vận động theo cơ chế kinh tế thị trường đã trở thành một đời hỏi cấp thiết. Và sự thay đổi này phải hướng tới đạt được những mục tiêu cơ bản sau đây:
- Tiền lương phải đáp ứng được yêu cầu tái sản xuất và hơn thế là tái sản xuất mở rộng sức lao động trên các phương diện: thể lực, trí lực, văn hóa tinh thần và chi phí đào tạo cho cả người lao động lẫn con cái họ.
- Lương phải thể hiện sự đánh giá chính xác của xã hội đối với tài năng, trí tuệ, năng lực, kết quả lao động và cống hiến của mỗi người.
- Tiền lương phải thực hiện được vai trò kích thích tính năng động, sáng tạo, ý chí học tập, tính kỷ luật, nâng cao hiệu quả và tăng năng xuất lao động đối với mỗi người.
- Chế độ tiền lương vừa đáp ứng được yêu cầu tham gia thúc đẩy sự phát triển thị trường sức lao động vừa góp phần vào quá trình phân bổ nguồn lực lao động hợp lý và nâng cao hiệu quả sử dụng lực lượng lao động cho các ngành các vùng lãnh thổ của đất nước.
- Thực hiện tăng cả tiền lương danh nghĩa lẫn tiền lương thực tế, trong đó tăng tiền lương thực tế là hướng trọng tâm.
(NỘI SAN KINH TẾ SỐ THÁNG 9 NĂM 2005 – VIỆN KINH TẾ TPHCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét