Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

HỆ THỐNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP TẠI CHLB ĐỨC

Vai trò quan trọng của một hệ thống bảo hiểm thất nghiệp là đảm bảo thu nhập trong tình trạng thất nghiệp không tự nguyện. Từ góc độ kinh tế vĩ mô, hệ thống bảo hiểm thất nghiệp là một loại hình “tự động ổn định” hỗ trợ tiêu dùng trong tình trạng kinh tế suy thoái. Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp do đó góp phần duy trì sức tiêu dùng ở cả góc độ cá thể và kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tìm việc làm hiệu quả – tạo điều kiện kết nối tốt hơn giữa cung và cầu trong thị trường lao động. Thông qua việc chuyển rủi ro xã hội từ từng cá nhân sang cho cộng đồng gánh vác, BHXH đóng vai trò quan trong nâng cao phúc lợi cộng đồng một cách tổng thể.
Rủi ro ngắn hạn và thất nghiệp tạm thời (khoảng thời gian giữa hai việc làm) có thể dễ dàng được bảo hiểm bởi các chương trình bảo hiểm tự hạch toán. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao do ảnh hưởng từ các suy thoái quốc tế và quốc gia có thể làm cho Quỹ bảo hiểm thất nghiệp mất cân đối, chi vượt thu. Khoản chi chế độ thất nghiệp trong thời điểm này giúp làm giảm nhẹ tình trạng suy thoái. Mặc dù vậy, nó phải được cấp thêm nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước hoặc từ các nguồn khác bên ngoài quỹ dự phòng của chương trình. Việc này có thể được thực hiện bằng hình thức vay hoặc bao cấp. Từ trước tới nay, các chương trình trợ cấp thất nghiệp đã đảm bảo khả năng hoạt động bằng một loạt cơ chế chặt chẽ như xác định rủi ro trong các khoản mục chi tiết, giới hạn diện được bảo hiểm, và đi kèm với các điều khoản của chế độ bảo hiểm là một loạt điều kiện cụ thể, một điều kiện quan trọng nhất trong số đó có lẽ là khoảng thời gian hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Các ảnh hưởng tích cực của chính sách an sinh xã hội thỉnh thoảng lại gây ra các hậu quả tiêu cực đối với vấn đề việc làm và thất nghiệp. Các khoản chi chế độ thất nghiệp hào phóng có thể dẫn đến việc tăng mức lương bảo lưu – mức lương mà một người thất nghiệp có thể sẵn sàng chấp nhận một công việc làm chính thức. Trong trường hợp này nó làm tăng tình trạng thất nghiệp cơ cấu và đồng thời dẫn đến việc kéo dài thời gian phục hồi thị trường lao động sau kỳ suy thoái. Bên cạnh giác độ vĩ mô, cũng có thể có một số ảnh hưởng tiêu cực ở mức độ vi mô. Tỷ lệ lương thay thế cùng với thời gian dài hưởng chế độ thấp nghiệp dẫn đến tình trạng làm thoái chí, không khuyến khích người thất nghiệp tìm việc làm mới hoặc ảnh hưởng tới quyết định của họ có hay không chấp nhận một việc làm mới. Thất nghiệp dài hạn có thể là một hệ quả của tình trạng trên. Để khắc phục vấn đề này, các quốc gia trên thế giới đang tăng cường sử dụng các chính sách tích cực thúc đẩy người thất nghiệp tìm việc làm mới (thông qua biện pháp khuyến khích và phạt).
Bài viết này giới thiệu khái quát về chính sách bảo đảm thu nhập cho người lao động bị mất việc làm đang được thực hiện tại Cộng hòa Liên bang Đức bao gồm hai loại hình: Bảo hiểm thất nghiệp (dựa vào đóng góp) và Trợ cấp thất nghiệp (dựa vào ngân sách Nhà nước).
Bảo hiểm thất nghiệp
Bảo hiểm thất nghiệp được bắt đầu thực hiện tại Đức vào năm 1919 và chính thức hóa bằng một bộ luật vào năm 1927, là một cấu thành trong hệ thống BHXH của Đức bao gồm bảo hiểm hưu trí, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm chăm sóc. Bảo hiểm thất nghiệp là một chương trình BHXH bắt buộc dựa trên sự đóng góp tài chính của người lao động và chủ sử dụng lao động. Năm 2003, tỷ lệ đóng góp bảo hiểm thất nghiệp là 6,5% lương trong đó người lao động đóng 50%, chử sử dụng lao động đóng 50%.
Chế độ bảo hiểm thất nghiệp được chi trả hàng tháng với một tỷ lệ thay thế lương là 67% hoặc 60% mức lương thực tế tháng cuối cùng của người lao động trước khi thất nghiệp, không bao gồm các khoản thu nhập và tài sản khác. Năm 2003, tổng số tiền chi cho chế độ bảo hiểm thất nghiệp gần 30 tỷ Euro.
Điều kiện hưởng
Người lao động phải có hợp đồng lao động tối thiểu 12 tháng trong một giai đoạn xem xét (3 năm cuối trước khi đăng ký thất nghiệp) và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc. Trong một số trường hợp đặc biệt (ví dụ: chăm sóc thành viên gia đình, chăm sóc trẻ em dưới 3 tuổi), thời gian này được loại trừ khỏi giai đoạn xem xét. Đối với người lao động làm việc thường xuyên dưới 12 tháng trong một năm vì lý do đặc thù của công việc (gọi là các lao động thời vụ) thì chỉ cần có đủ 6 tháng làm việc và đóng bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc. Người lao động nước ngoài có công việc thường xuyên có thể nhận được chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo các điều kiện tương tự như người lao động Đức.
Đối tượng xin hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp phải là người bị thất nghiệp, đã đăng ký tại cơ quan việc làm địa phương và đủ điều kiện về thời gian làm việc và đóng bảo hiểm. Người trên 65 tuổi sẽ không được nhận chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Người thất nghiệp là người làm công ăn lương bị mất việc làm tạm thời (yêu cầu thất nghiệp) và đang tìm công việc làm mới đối tượng của sự đóng góp BHXH (yêu cầu tìm việc). Tại Đức, công việc đòi hỏi thời gian làm việc dưới 15 giờ/tuần hoặc có được một khoản thu nhập dưới 325 Euro (hoặc lao động tự lập có mức thu nhập tương tự) được gọi là “việc làm phụ” – cũng có thể được đăng ký và hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Chương trình bảo hiểm thất nghiệp yêu cầu đối tượng hưởng chế độ phải chứng tỏ sự sẵn sàng nhận công việc mới và các nỗ lực của họ nhằm chấm dứt tình trạng thất nghiệp. Theo yêu cầu của cơ quan việc làm, đối tượng thụ hưởng phải đưa ra bằng chứng về các nỗ lực của họ đã thực hiện để tìm việc làm. Khi đã đăng ký thất nghiệp, những người hưởng chế độ thất nghiệp phải có trách nhiệm báo cáo với cơ quan việc làm nếu được yêu cầu.
Mức hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp
Lương thất nghiệp được chi bằng 60% lương thực tế sau khi đã trừ đi các khoản đóng góp bắt buộc (thuế thu nhập, đóng góp BHXH, BHYT). Trong trường hợp người lao động có ít nhất một trẻ em phụ thuộc sẽ được nhận mức lương thất nghiệp là 67%lương thực tế. Mức lương thất nghiệp khác nhau tùy thuộc vào mức lương đóng bảo hiểm mà người lao động phải đóng. Có một mức trần đóng bảo hiểm để xác định mức lương thất nghiệp tối đa (tại thời điểm 2001 là 4.448 Euro). Mức trần này được điều chỉnh hàng năm theo mức tăng lương chung.
Lương thất nghiệp dựa trên tổng thu nhập trung bình hàng tuần làm căn cứ đóng bảo hiểm trong khoảng 52 tuần trước khi yêu cầu hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Để tính toán mức hưởng, đầu tiên các khoản mà người lao động có nghĩa vụ phải nộp theo luật pháp sẽ được khấu trừ đi từ thu nhập chưa chịu thuế – ví dụ, các loại thuế thu nhập và các đóng góp BHXH, BHYT. Các tỷ lệ được đề cập ở trên được tính từ tổng thu nhập thực tế.
Thu nhập từ chế độ bảo hiểm thất nghiệp không phải chịu thuế. Trong thời gian thất nghiệp, đối tượng hưởng chế độ vẫn được tiếp tục tham gia BHYT trong một quỹ y tế công. Cơ quan việc làm cũng đóng bảo hiểm hưu trí bắt buộc cho người hưởng chế độ thất nghiệp.
Thời gian hưởng chế độ
Sau khi mất việc làm, không có giai đoạn chờ áp dụng cho người thất nghiệp trước khi nhận phúc lợi. Khoảng thời gian hưởng chế độ thất nghiệp tùy thuộc vào thời gian làm việc có đóng bảo hiểm trước đó (trong giai đoạn 7 năm trước khi bị thất nghiệp) và tuổi của người thất nghiệp theo bảng sau (Bảng biểu trang 34)
Theo quy định của Liên minh châu Âu, người thất nghiệp có thể tìm việc trong các nước Liên minh châu Âu khoảng 3 tháng và có thể lưu tại đó trong thời gian này và sẽ tiếp tục nhận được lương thất nghiệp. Thời gian hưởng chế độ không bị gián đoạn trong các kỳ nghỉ (không quá 3 tuần) nếu thông báo cho cơ quan việc làm.
Các thu nhập bổ sung
Thu nhập bổ sung trong thời gian đang hưởng chế độ mà một người thất nghiệp nhận được từ “việc làm phụ” (dưới 15 giờ/tuần) sẽ được khấu trừ từ lương thất nghiệp tính theo tháng.
Sự chấp thuận công việc đề nghị
Một người tìm việc không phải bắt buộc chấp nhận một công việc mà chỉ được trả ít hơn đáng kể so với mức lương đối chiếu làm căn cứ để tính chế độ thất nghiệp cho đối tượng. Trong 3 tháng thất nghiệp đầu tiên một đề nghị việc làm với một mức lương thấp hơn 20% mức lương đối chiếu sẽ được phép từ chối. Trong 3 tháng tiếp theo thì một đề nghị việc làm có mức lương thấp hơn 30% người thất nghiệp có thể được phép từ chối. Sau 7 tháng thất nghiệp, người thất nghiệp chỉ được phép từ chối một công việc làm nếu mức lương thấp hơn lương thất nghiệp. Tuy nhiên, đối tượng hưởng chế độ thất nghiệp thậm chí phải chấp nhận một công việc tạm thời.
Giai đoạn không đủ tiêu chuẩn hưởng và sự mất quyền hưởng chế độ
Một người thất nghiệp sẽ bị tước quyền hưởng chế độ trong 12 tuần (6 tuần trong trường hợp người thất nghiệp đang trong tình trạng cực kỳ khó khăn) nếu đối tượng đã bị chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do vi phạm các điều khoản trong hợp đồng, hoặc sai phạm trong công việc dẫn tới chủ sử dụng lao động sa thải. Thời hạn đình chỉ quyền hưởng chế độ tương tự cũng được áp dụng nếu người thất nghiệp từ chối nhận công việc được đề nghị bởi cơ quan việc làm hoặc từ chối tham gia các chương trình đào tạo. Nếu người thất nghiệp đã từng bị tước quyền hưởng chế độ trong 12 tuần và đã nhận thông báo bằng văn bản về vấn đề này thì quyền hưởng chế độ sẽ vĩnh viễn bị tước nếu đối tượng vi phạm một vấn đề tương tự.
Tiền bồi thường chấm dứt hợp đồng lao động
Khoản tiền bồi thường chấm dứt hợp đồng mà một người thất nghiệp đã nhận hoặc được quyền hưởng do sự chấm dứt quan hệ lao động nói chung không bị khấu trừ vào chế độ thất nghiệp. Nhưng ngày chi trả sẽ bị chậm lại trong khoảng tối đa là một năm nếu sự chấm dứt hợp đồng không phù hợp với giai đoạn bảo đảm công việc luật định. Trong giai đoạn này người thất nghiệp phải tự đóng BHYT. Nếu hợp đồng lao động được chấm dứt với thông báo hợp lệ, thì người thất nghiệp sẽ được chi trả chế độ thất nghiệp ngay khi đăng ký thất nghiệp.
Sự đình chỉ chi trả chế độ
Chế độ bảo hiểm thất nghiệp bị ngừng chi trong thời gian người thất nghiệp nhận tiền trợ cấp từ các chế độ BHXH khác như chế độ ốm đau, lương hưu.
Chế độ thất nghiệp một phần
Chế độ thất nghiệp một phần mới được áp dụng là một mô hình thay thế thu nhập độc lập trong hệ thống bảo hiểm thất nghiệp. Mục đích của nó là bảo đảm người lao động đang tham gia vào một số quan hệ lao động bán thời gian trong cùng một thời điểm. Việc mất một trong số các việc làm bán thời gian này sẽ được xét hưởng chế độ thất nghiệp một phần.
Điều kiện hưởng chế độ là người lao động đã có một công việc trong 12 tháng trong hai năm gần nhất, bên cạnh đó, còn có một công việc được bảo hiểm khác và người lao động sẵn sàng và có khả năng nhận một công việc bán thời gian được bảo hiểm mới (bên cạnh công việc hiện có) hoặc một công việc toàn thời gian. Do nguyên nhân rủi ro đặc thù cho hệ thống bảo hiểm thất nghiệp liên quan tới chế độ bảo hiểm, chế độ thất nghiệp một phần chỉ được chi trả trong thời gian tối đa là 6 tháng.
Trợ cấp thất nghiệp
Khi người thất nghiệp đã nhận bảo hiểm thất nghiệp quá thời gian quy định mà vẫn chưa tìm được công việc làm mới thì họ sẽ bị cắt chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Nếu gặp khó khăn về tài chính, người thất nghiệp lúc này có quyền xin hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Với mục tiêu tương tự như bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp kết hợp thành một hệ thống toàn diện bảo đảm cho người lao động khi bị thất nghiệp. Nhưng trong trường hợp trợ cấp thất nghiệp, các đối tượng hưởng trợ cấp phải trải qua kiểm tra thu nhập và tài sản. Nhìn chung, các quy định hưởng trợ cấp thất nghiệp tương tự như với bảo hiểm thất nghiệp trừ một số ngoại lệ nhất định. Năm 2003, tổng số tiền chi cho trợ cấp thất nghiệp là 16,5 tỷ EURO, số tiền này được Chính phủ Liên bang trích từ ngân sách Nhà nước và không lấy từ nguồn đóng góp bảo hiểm thất nghiệp.
Các điều kiện hưởng
Đối tượng xin hưởng trợ cấp thất nghiệp phải là người đã đăng ký thất nghiệp tại cơ quan việc làm và không còn được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Một điều kiện khác là đối tượng đang trong tình trạng khó khăn tài chính và trước đó đã lĩnh chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Một người thất nghiệp được coi là đang trong hoàn cảnh khó khăn là người không thể tự nuôi bản thân bằng bất kỳ nguồn thu nhập nào ngoài tiền trợ cấp thất nghiệp. Việc kiểm tra thu nhập và tài sản căn cứ trên thu nhập, tài sản của bản thân đối với vợ/chồng người thất nghiệp không vượt quá một mức nhất định. Một số phúc lợi được hưởng bao gồm chế độ phòng bệnh, khám chữa bệnh, trợ cấp căn bản theo Luật Trợ cấp Liên Bang và chế độ chăm sóc trẻ em theo Luật Phúc lợi Trẻ em Liên Bang.
Mức hưởng trợ cấp
Người thất nghiệp có ít nhất một trẻ em sống phụ thuộc sẽ được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp tương đương với 57% lương thực tế sau khi khấu trừ các khoản đóng góp bắt buộc theo luật định, nếu không có trẻ em phụ thuộc thì trợ cấp thất nghiệp sẽ là 53%. Trợ cấp thất nghiệp được điều chỉnh hàng năm. Cơ quan Việc làm Liên bang chi các khoản đóng bảo hiểm hưu trí và y tế cho đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thời gian hưởng
Như trong quy định, trợ cấp thất nghiệp được cấp không giới hạn thời gian đến tận khi nào đối tượng hưởng trợ cấp đến tuổi 66. Thường thì một quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ có tác dụng trong 1 năm, sau đó phải được xem xét và quyết định lại.
Tại Đức, cứ 4 người thất nghiệp thì có 1 người không được hưởng chế độ thất nghiệp hoặc trợ cấp thất nghiệp. Những người thất nghiệp này chủ yếu là những người không đủ tiêu chuẩn hưởng phúc lợi/trợ cấp. Một số khác chỉ đăng ký với cơ quan việc làm với các lý do an sinh xã hội, hoặc họ cố gắng tìm việc thông qua cơ quan việc làm công không cần tới chế độ bảo hiểm/trợ cấp thất nghiệp.
(TẠP CHÍ BẢO HIỂM XÃ HỘI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét