Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

VỀ ĐIỀU KIỆN LÀM VIỆC CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NGOÀI QUỐC DOANH

Thực hiện chính sách lao động đối với người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DNNQD) được thể hiện ở rất nhiều khía cạnh khác nhau như tiền lương, việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề, điều kiện lao động, chăm sóc sức khoẻ… Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến điều kiện làm việc của người lao động ở các DNNQD qua số liệu điều tra khảo sát của Trường Đại học Công đoàn Việt Nam, góp phần vào việc hoàn thiện chính sách lao động đối với người lao động nói chung, với các DNNQD nói riêng trong tình hình hiện nay.
Các DNNQD thuộc diện khảo sát được thực hiện 30 tỉnh thành phố trong cả nước, đại diện cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Khảo sát xã hội học về môi trường điều kiện làm việc của người lao động trong các DNNQD được thực hiện dưới các góc độ sau:
Môi trường, điều kiện làm việc của người lao động tại DNNQD
Môi trường, điều kiện làm việc trong các DNNQD tốt hay không tốt, phù hợp hay không phù hợp, một mặt cho thấy sự đầu tư thích đáng hay không thích đáng của chủ doanh nghiệp; mặt khác cho thấy việc thực hiện chính sách đối với người lao động theo quy định của Nhà nước cũng như thể hiện rõ sự quan tâm đối với người lao động của doanh nghiệp.
Điều kiện làm việc cụ thể của mỗi nhà xưởng được thể hiện ở nhiều tiêu chí như thoáng mát hay nóng bức, chật chội hay rộng rãi, đủ ánh sáng hay tối tăm… Trong số những công nhân được hỏi, ngoài 2,7% không có ý kiến, có 82,54% cho rằng nhà xưởng nơi họ làm việc có đầy đủ ánh sáng, 76,69% cho rằng rộng rãi, và thoáng mát là 69,4%. Bên cạnh đó, công nhân cho biết nhà xưởng nơi họ làm việc nóng bức (6,03%), lạnh (4,74%) và chật chội (4,1%)… Nhìn chung, môi trường, điều kiện làm việc theo đánh giá của người lao động tại các DNNQD được khảo sát của khu vực miền Trung ở mức độ tốt có tỷ lệ cao hơn so với khu vực miền Bắc và miền Nam.

Ngoài ra, có một tỷ lệ tuy không lớn (xấp xỉ trên dưới 3%) ý kiến của người lao động cho biết các nhà xưởng nơi họ làm việc còn không thông thoáng, trơn, gồ ghề, rung, tối… Tuy nhiên, số người lao động tại các DNNQD cho rằng điều kiện làm việc của họ không thuận lợi như: tối, không thoáng, rung, lạnh… ở khu vực miền Bắc chiếm tỉ lệ cao hơn hẳn so với khu vực miền Trung &Tây Nguyên cũng như khu vực miền Nam.
Thực tế đã cho thấy, với mỗi loại hình doanh nghiệp khác nhau (quy mô sản xuất, sản phẩm, cơ sở vật chất, số lượng người lao động, vị trí địa lý, địa bàn mà doanh nghiệp đóng…) thì môi trường, nhà xưởng làm việc cũng khác nhau. Theo đánh giá của công nhân tại các doanh nghiệp được khảo sát thì: về độ “rộng rãi”, chiếm tỉ lệ cao nhất thuộc về công ty trách nhiệm hữu hạn (81,58%); về “môi trường làm việc đầy đủ ánh sáng”: tỉ lệ cao nhất thuộc về hợp tác xã (86,16%); về “chật chội” (8,92%) và “nóng bức” (42,44%) là tỷ lệ cao nhất thuộc về các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài; công ty hợp danh là doanh nghiệp được đánh giá có tỉ lệ “ẩm thấp” cao nhất (8,46%).
Như vậy, nhìn chung môi trường làm việc của các DNNQD vẫn còn những bất cập nhất định và có ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động cũng như năng suất lao động của họ. Tuy nhiên, ở mỗi vùng, miền, mỗi loại hình doanh nghiệp thì môi trường làm việc của lao động trong các doanh nghiệp nói trên có sự khác nhau. Mặc dù sự khác nhau không lớn nhưng cũng là một yếu tố cho các nhà nghiên cứu, những người tham gia hoạch định chính sách lao động đối với người lao động trong các doanh nghiệp nhìn nhận đúng đắn, đảm bảo tính khoa học về trang bị của các chủ doanh nghiệp cho hoạt động sản xuất cũng như cho người lao động của doanh nghiệp.
Điều kiện làm việc của người lao động được đánh giá qua độ bụi, độ ồn, khí độc… của môi trường xung quanh hoạt động sản xuất của họ. Việc cảm nhận của người công nhân về mức độ các ô nhiễm môi trường không chỉ là một trong những căn cứ để có thể xem xét sự an toàn trong lao động như thế nào mà còn khắc hoạ rất rõ nét “bức tranh” về môi trường , nhà xưởng làm việc của doanh nghiệp đó một cách chân thực, công khai..
- Về độ bụi: trong số những người được hỏi, ngoài 14,3% không trả lời, 10,7% cho rằng môi trường làm việc của họ không có bụi, và tỉ lệ có bụi là 75%. Tuy nhiên, có sự đánh giá khác nhau về nồng độ bụi của người lao động. Trong đó, tới 25,98% công nhân cho rằng môi trường làm việc của họ có: rất nhiều và nhiều bụi; nồng độ bụi bình thường với tỉ lệ 32,84% (có nghĩa họ cảm thấy nồng độ bụi tại nơi làm việc không có gì khác biệt với nồng độ bụi mà hàng ngày hàng giờ trong cuộc sống họ cảm nhận thấy) và 22,25% cho biết có ít và rất ít bụi.
- Về khí độc: trong số những người được hỏi, ngoài 36,45% người lao động không trả lời, có 20,78% người lao động cho biết môi trường làm việc của họ không có khí độc, 13,26% có rất nhiều và nhiều khí độc, 29,87% cho rằng có ít và rất ít khí độc và 24,17% người được hỏi cho biết họ làm việc trong môi trường không khí bình thường.
- Về độ ồn: trong số những người được hỏi, ngoài 21,64% người không trả lời, số người cho rằng môi trường làm việc của họ không ồn là 6,16% , có độ ồn cao và rất cao là 21,58%, cho rằng bình thường là 36,7% và 33,86% cho rằng độ ồn ở nơi họ làm việc là ít và rất ít.
- Về thiết bị lao động: Thiết bị lao động không chỉ là yếu tố cần phải có để người lao động thực hiện hoạt động sản xuất mà còn là biểu hiện một cách cơ bản nhất, bản chất nhất c?a môi trường, điều kiện làm việc – yếu tố mang tính vật chất có tính quyết định đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. ý kiến đánh giá của người lao động trong các DNNQD thuộc diện khảo sát về thiết bị lao động theo các tiêu chí sau:
- Các loại thiết bị phục vụ sản xuất và đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho người lao động: Ngoài những thiết bị cần thiết của quá trình sản xuất, các cơ sở trang bị thêm đèn chiếu sáng, quạt thông gió, thiết bị che chắn, quạt thoáng khi, một mặt để phục vụ sản xuất, mặt khác để phục vụ cho chính bản thân sức khoẻ và sự an toàn của người lao động. Trong số những người được hỏi, ngoài 7,06% người không trả lời, có 90,04% người lao động cho rằng nơi họ làm việc: có đèn thắp sáng, 72,72% có quạt thông gió, 54,03% có thiết bị che chắn máy móc để đảm bảo an toàn lao động và 49,83% có quạt bàn thoáng khí.
- Loại máy móc thiết bị, công cụ sản xuất: Trong các cơ sở sản xuất, do đặc thù sản xuất cùng với điều kiện đầu tư của nhà doanh nghiệp mà mức độ hiện đại của máy móc, công cụ sản xuất khác nhau. 22,43% số người được hỏi cho biết họ dang làm việc với máy móc tự động hoá; 49,33% làm việc với máy móc đã được nửa cơ giới, 40,83% làm việc với công cụ sản xuất thô sơ. Đặc biệt, có 2,35% người được hỏi cho rằng họ vẫn lao động với công cụ thô sơ lạc hậu.
- Việc đảm bảo an toàn vệ sinh của máy móc, thiết bị sản xuất: Phần lớn số công nhân cho biết (80,74%) cho biết các máy móc, công cụ, thiết bị lao động của họ được đảm bảo an toàn vệ sinh, chỉ có 8,93% cho rằng không đảm bảo. Lý do các máy móc , công cụ, thiết bị lao động không đảm bảo có nhiều, từ việc không có che chắn hoặc có che chắn nhưng không đảm bảo an toàn; máy móc cũ, hỏng, rò rỉ; máy móc có công nghệ lạc hậu; máy móc không có bảng hướng dẫn…; 42,35% công nhân cho rằng họ đang lao động với những máy móc, công cụ sản xuất không có che chắn để đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động, 36,84% công nhân đang làm việc với máy móc có che chắn nhưng không đảm bảo vệ sinh và an toàn lao động, 26,93% công nhân làm việc với máy móc sản xuất đã cũ, lạc hậu, hỏng…
- Máy móc, thiết bị sản xuất thuận lợi cho các thao tác của người lao động: Trong quá trình sản xuất, người lao động khi sử dụng máy móc, thiết bị lao động phải thực hiện nhiều thao tác khác nhau. Máy móc mà giúp cho thao tác thuận lợi thì sẽ tăng năng suất lao động và cũng là một điều kiện đảm bảo sức khoẻ cho người lao động. Qua số liệu khảo sát, ngoài 10,68% người không trả lời, có 86,21% người cho rằng máy móc mà họ đang sử dụng trong quá trình lao động có thuận lợi cho các các thao tác của họ.
Về nguyên liệu sản xuất
Nguyên liệu sản xuất, cũng giống như thiết bị lao động, là yếu tố vật chất của điều kiện, môi trường sản xuất. Việc sử dụng nguyên liệu như thế nào để vừa có năng suất lao động cao vừa đảm bảo được vệ sinh và an toàn cho người lao động là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của các doanh nghiệp. Trong rất nhiều nguyên liệu cho quá trình sản xuất, có những nguyên liệu dễ cháy, có nguyên liệu dễ phát nổ, có nguyên liệu có nhiều bụi, có nguyên liệu dễ gây bỏng cho người lao động… Số liệu khảo sát cho thấy, phần lớn công nhân làm việc với các nguyên liệu: dễ gây bụi (79,19%), dễ gây chấn thương (20,37%), có chất độc chiếm (20,12%), dễ cháy nổ (14,27%), với nguyên liệu có chứa vi sinh vật gây hại (11,47%) và 6,58% công nhân làm việc với nguyên liệu dễ gây cháy bỏng.
Vật dụng bảo hộ lao động cho người lao động tại các DNNQD
Quần áo, giầy dép, găng tay, khẩu trang, kính… là những vật dụng bảo bộ lao động (BHLĐ) cần thiết giúp bảo vệ đảm bảo an toàn ở mức tối thiểu cho công nhân. Chủng loại vật dụng BHLĐ cho người lao động tại các DNNQD mà cuộc khảo sát thực hiện bao gồm: quần áo, giày dép, găng tay, khẩu trang và kính. Qua khảo sát, số người được hỏi cho biết có được phát quần áo BHLĐ chiếm tỉ lệ cao nhất là 80,35%, được phát khẩu trang BHLĐ với tỉ lệ 70,66%. Có khoảng 50% công nhân được hỏi cho biết họ được phát giầy dép BHLĐ và găng tay BHLĐ, trong khi đó chỉ có 22,72% công nhân được hỏi cho biết họ được phát kính BHLĐ.
Qua khảo sát, việc cấp phát các chủng loại vật dụng lao động cho công nhân đều được tất cả các DNNQD thực hiện. Tuy nhiên có sự khác nhau giữa các doanh nghiệp về mức độ từng chủng loại được cấp phát. Cụ thể: quần áo BHLĐ là loại vật dụng được cấp phát chiếm tỷ lệ lớn nhất (cao nhất là công ty cổ phần : 87,7%, thấp nhất là HTX: 65,65%), xếp thứ hai là khẩu trang BHLĐ (cao nhất là công ty cổ phần: 79,08%, thấp nhất là công ty hợp doanh:24,62%), xếp thứ ba là giày dép BHLĐ (cao nhất là doanh nghiệp liên doanh nước ngoài: 61,2%, thấp nhất là doanh nghiệp FDI: 26,49%), tỷ lệ cấp phát găng tay BHLĐ đứng thứ tư (thấp nhất là công ty hợp danh: 24,62%, cao nhất là HTX: 55,8%) và việc cấp phát kính BHLĐ có tỉ lệ thấp nhất trong các vật dụng BHLĐ cấp phát cho người lao động (thấp nhất là Công ty TNHH: 10,77%, cao nhất là HTX: 35,71%).
- Theo vùng miền: nhìn chung không có sự khác biệt về việc phát những vật dụng bảo hộ lao động theo các vùng miền. Cả ba miền, số lao động cho rằng được phát quần áo bảo hộ lao động đều chiếm tỉ lệ cao nhất, sau đó là khẩu trang bảo hộ lao động, găng tay, giầy dép bảo hộ lao động và kính bảo hộ lao động. Nhìn chung ở khu vực miền Trung & Tây nguyên, số công nhân được hỏi cho rằng có được phát quần áo, giày dép, găng tay bảo hộ lao động chiếm tỉ lệ cao hơn ở khu vực miền Bắc và miền Nam; số công nhân được hỏi ở miền bắc cho rằng được phát khẩu trang, kính bảo hộ lao động lại chiếm tỉ lệ cao hơn ở miền Trung & Tây nguyên và miền Nam.
- Về thời gian cấp phát vật dụng BHLĐ: việc cấp phát các vật dụng bảo hộ lao động có thể theo các định kỳ thời gian khác nhau, điều đó tuỳ thuộc vào điều kiện của doanh nghiệp, những ký kết thoả thuận giữa doanh nghiệp và công nhân, nhu cầu của công việc sản xuất, nhu cầu của người công nhân…Một điều dễ nhận thấy, những vật dụng bảo hộ nhanh hỏng, rẻ, thì thời gian định kỳ cấp phát ngắn, chủ yếu theo tháng như găng tay (găng tay bằng vải), khẩu trang, còn các vật dụng khác như quần áo, giày dép, kính chủ yếu phát theo quý, thậm chí theo năm.
Chất lượng các vật dụng BHLĐ được cấp phát theo đánh giá của người lao động trong các DNNQD được khảo sát cũng là một trong những tiêu chí mà cuộc khảo sát thực hiện dưới góc độ xem xét môi trường, điều kiện làm việc của người lao động.Nhìn chung, tỉ lệ công nhân được hỏi cho rằng các vật dụng bảo hộ lao động có chất lượng tốt chiếm tỉ lệ còn thấp (trên dưới 40%), chỉ có 50,42 công nhân được hỏi về kính bảo hộ lao động đã đánh giá tốt. Số công nhân đánh giá chất lượng các vật dụng bảo hộ lao động là bình thường chiếm tỉ lệ trên 50%.
Xem xét sự đánh giá trên theo giới tính và vùng miền thì thấy không có sự khác biệt. Nhìn chung cả lao động nam và lao động nữ, lao động cả ba vùng miền đều có những đánh giá tương đối thống nhất với đánh giá chung. Tuy nhiên, có sự khác biệt nhất định khi xem xét những đánh giá về chất lượng vật dụng BHLĐ theo các loại hình doanh nghiệp. Hợp tác xã là nơi có sự trạng bị vật dụng bảo hộ lao động tốt nhất và các công ty hợp danh là nơi có sự trạng bị vật dụng lao động kém chất lượng nhất.
Một số kết luận rút ra từ kết quả cuộc khảo sát về điều kiện lao động của người lao động trong các DNNQD
Thứ nhất, môi trường, điều kiện làm việc của người lao động tại doanh nghiệp cũng như việc cấp phát vật dụng BHLĐ cho người lao động chưa được các chủ doanh nghiệp tuân thủ theo đúng Luật Lao động quy định về BHLĐ, an toàn vệ sinh lao động.
Thứ hai, chưa có sự đầu tư cũng như mối quan tâm của các chủ doanh nghiệp về điều kiện làm việc cho người lao động một cách thỏa đáng. Điều này ảnh hưởng lớn đến vấn đề an toàn lao động, sức khoẻ của người lao động tại doanh nghiệp.
Thứ ba, còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các loại hình doanh nghiệp cả về điều kiện làm việc cho người lao động cũng như việc cấp phát các vật dụng BHLĐ cho người lao động.
Thứ tư, có sự khác biệt (tuy không nhiều) về việc cấp phát vật dụng BHLĐ giữa lao động nam và lao động nữ.
Thứ năm, ý thức của các chủ doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện làm việc tốt , thực hiện đúng đủ trong việc cấp phát vật dụng BHLĐ cho người lao động do mình quản lý không phụ thuộc vào quy mô phát triển của doanh nghiệp hay nguồn lực tài chính đầu tư cho daonh nghiệp (100% vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh với nước ngoài, 100% vốn trong nước).
Những kiến nghị
- Thanh tra lao động từ cấp trên đến cấp cơ sở cần tiến hành việc kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện vệ sinh an toàn lao động, cấp phát vật dụng BHLĐ cho người lao động trong các DNNQD (trong đó, chú trọng hình thức kiểm tra đột xuất, không báo trước). Từ đó, có khen thưởng, tuyên dương những doanh nghiệp thực hiện tốt, xử phạt nghiêm những doanh nghiệp không làm tốt và vi phạm nhiều lần vấn đề nêu trên. Vì thế, nhất thiết phải có chế tài xử phạt một cách cụ thể, rõ ràng, phù hợp với tình hình chung; việc xử phạt cần thể hiện rõ tính răn đe. Cần có quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp, việc đền bù thiệt hại cho người lao động (sức khoẻ, tính mạng, thu nhập…) khi môi trường, điều kiện làm việc không tốt của doanh nghiệp gây ra vừa đảm bảo những quy định chung, vừa mang tính đặc thù vốn có của doanh nghiệp.
- Cán bộ thanh tra lao động, cán bộ công đoàn chuyên trách cần thường xuyên nắm bắt tình hình môi trường, điều kiện làm việc của người lao động tại doanh nghiệp mình phụ trách và có đề xuất kịp thời với chủ doanh nghiệp, nhằm thực hiện đúng, đủ quy định mà Nhà nước đã ban hành về vấn đề này.
- Chủ doanh nghiệp và Ban quản lý doanh nghiệp nên thường xuyên lấy ý kiến đánh giá của người lao động tại doanh nghiệp mình về điều kiện làm việc để có sự điều chỉnh cho phù hợp, nhằm đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp cũng như sức khoẻ, tính mạng của người lao động. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp trong việc tạo ra môi trường thuận lợi, điều kiện làm việc an toàn cho người lao động tại doanh nghiệp.
(Theo TẠP CHÍ BẢO HIỂM XÃ HỘI SỐ 130 NĂM 2009)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét