Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

NGUY CƠ KHỦNG HOẢNG NỢ CÔNG TOÀN CẦU VÀ NHÌN LẠI NỢ

Trong tháng 7 vừa qua, thị trường tài chính quốc tế trở nên nhạy cảm với những thông tin liên quan đến vấn đề nợ nần của các nước châu Âu và Mỹ. Phải chăng kinh tế thế giới đang bắt đầu đi vào khủng hoảng nợ công toàn cầu? Theo phân tích, do lo ngại về nợ khu vực đồng Euro và việc bế tắc trong thoả thuận giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà về nâng trần nợ công trước thời hạn 2/8 khiến vàng thế giới liên tục tăng mạnh và lập kỷ lục mới 1.638USD/1ounce vàng vào 29/7 vừa qua.
Từ khi bắt đầu nổ ra cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, các nhà hoạch định chính sách Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã lo ngại rằng cơn hỗn loạn tài chính bắt đầu từ Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha rồi sẽ nhấn chìm những nền kinh tế lớn khác trong khu vực.
Hy Lạp đang đối mặt với 2 vấn đề thâm hụt cùng một lúc, đó là thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai. Theo số liệu nghiên cứu, nợ trong hạn của Hy Lạp lên tới gần 400 tỷ đôla Mỹ, lãi suất Hy Lạp phải trả cho các khoản vay nợ lên tới mức kỷ lục, trên 9% đối với các khoản vay có kỳ hạn.
Hy Lạp đã chính thức kêu gọi hỗ trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các quốc gia thành viên Eurozone. Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone đã quyết định hỗ trợ tài chính dành cho Hy Lạp với mức hỗ trợ 110 tỷ Euro với lãi suất ưu đãi là 5%. Sau khi nhận được khoản hỗ trợ 110 tỷ Euro, Hy Lạp vẫn tiếp tục ở trong nguy cơ vỡ nợ. Gần đây, IMF ước tính nợ quốc gia của Hy Lạp có thể lên đến 172% GDP (so với mức khoảng 120% lúc bắt đầu rơi vào khủng hoảng nợ) trong khi thâm hụt ngân sách của nước này cao hơn dự kiến và nước này đang cần một khoản hỗ trợ mới.
Sau cuộc họp khẩn cấp ngày 21/07/2011, lãnh đạo 17 nước thuộc Eurozone và IMF đã đồng ý cấp cho Hy Lạp 159 tỷ Euro (229 tỷ USD), với lãi suất 3,5%, thời gian đáo hạn có thể lên tới 30 năm, và có thể gia hạn 10 năm nữa. Ngoài ra, Eurozone cũng đưa ra một số loại hình bảo lãnh đối với trái phiếu chính phủ Hy Lạp để các ngân hàng Hy Lạp có thể tiếp tục được Ngân hàng Trung ương châu Âu hỗ trợ thanh khoản.
Tại Ireland, dấu hiệu đầu tiên cho cuộc khủng hoảng nợ công tại quốc gia này là một thị trường bất động sản bong bóng. Trong một thập niên tính đến năm 2007, giá nhà tại Ireland tăng gần gấp 4 lần, thậm chí còn đắt hơn cả những thành phố vẫn được mệnh danh là đắt đỏ trên thế giới như Los Angeles. Khi bong bóng bất động sản vỡ tung đã kéo theo sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng. Và khi chính phủ ra tay cứu trợ ngân hàng – nợ công trở thành gánh nặng cho ngân khố quốc gia.

Ngân hàng Trung ương Ireland đã lên tiếng yêu cầu trợ giúp từ Liên minh châu Âu (EU) trong việc kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực ngân hàng do chi phí trang trải các khoản nợ lên tới 70 tỷ Euro (tương đương 99 tỷ USD), một con số nợ khổng lồ đối với một đất nước tạo ra 171 tỷ USD một năm.
Ireland đã trở thành quốc gia thứ hai sau Hy Lạp buộc phải thực hiện các biện pháp thắt chặt kinh tế để đổi lấy khoản cứu trợ khẩn cấp từ IMF và EU với hi vọng sẽ giải quyết triệt để khủng hoảng nợ công, giảm mức thâm hụt ngân sách từ con số kỷ lục 32% GDP hiện nay xuống mức 3% GDP và giảm tỷ lệ thất nghiệp từ trên 13% hiện nay xuống dưới 10% vào năm 2014.
Tại Bồ Đào Nha, khoản nợ công của năm 2010 lên tới 84% GDP. Nghiêm trọng hơn, 70% các khoản nợ của Bồ Đào Nha là nợ nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc quốc gia này khó có thể xoay xở hay trì hoãn khi nợ đáo hạn. Theo dự báo, tỷ lệ nợ công Bồ Đào Nha sẽ tăng trong thời gian tới từ 82,4% trong tổng GDP trong năm ngoái lên 87,9% GDP trong năm nay và tăng đến 88,1% GDP vào năm tới. Cuộc khủng hoảng nợ công cũng khiến cho tình hình chính trị của nước này bị chia rẽ sâu sắc. Moody’s đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của chính phủ Bồ Đào Nha xuống thêm một bậc, từ A3 xuống Baa1. Các thành viên EU và giới phân tích nhận định quốc gia này cần ít nhất 100 tỷ USD để trang trải các khó khăn tài chính cho tới khi đáo hạn và tổng tuyển cử.
Tây Ban Nha có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ công với bong bóng nhà đất khổng lồ và các vấn đề liên quan đến các khoản nợ tăng lên với mức độ chóng mặt. Hợp đồng bảo hiểm khả năng vỡ nợ (CDS) kỳ hạn 10 năm của trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha đã lên tới mức 312 điểm phần trăm, cao chưa từng có từ trước tới nay. Như vậy, cứ 10 triệu Euro nợ dài hạn của Tây Ban Nha sẽ mất 312.000 Euro phí bảo lãnh.
TẢI TOÀN VĂN BÀI VIẾT TẠI ĐÂY
Nguồn: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 15/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét