Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Lỗ của DNNN cao gấp 12 lần doanh nghiệp khác

Bộ KHĐT cho biết, sẽ trình Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước (DNNN)" lên Thủ tướng Chính phủ vào khoảng tháng 6/2012.
Theo báo cáo của Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp-Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (đơn vị chủ trì đề án), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, DNNN hiện chiếm 70% vốn đầu tư của toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA và chỉ đóng góp vào GDP ở mức khoảng 37-38%.
Những số liệu này cho thấy hiệu quả kinh doanh của DNNN chưa cao và tình hình tài chính của nhiều DNNN chưa đảm bảo yêu cầu an toàn, lành mạnh. Khả năng sinh lời từ vốn nhà nước còn hạn chế. Nhiều DNNN chưa đảm bảo các yêu cầu lành mạnh và an toàn tài chính, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro và đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê năm 2011, hàng năm có khoảng 12% DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh, trong khi của khu vực doanh nghiệp nói chung là 25%. Tuy nhiên, mức lỗ bình quân của một DNNN bị lỗ cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Cơ chế quản lý đầu tư còn nhiều bất cập đã hạn chế hiệu quả đầu tư hiệu quả của DNNN. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của DNNN chưa tương xứng với quy mô các nguồn lực được đầu tư.
Những nguyên nhân chủ yếu, xuất phát từ đặc thù của DNNN, không theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận như doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Cơ cấu DNNN hoạt động kinh doanh chưa hợp lý, có khoảng cách khá xa giữa chính sách và triển khai thực hiện; bản thân chính sách còn bất cập; kết quả của quá trình cơ cấu lại DNNN cho đến nay mới chỉ dừng lại ở mức độ giảm số lượng DNNN mà chưa có ảnh hưởng rõ rệt đến cơ chế phân bổ nguồn lực nhà nước, tái cấu trúc ngành nghề và hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN. Quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tốt.
Đề án trình Chính phủ đã đưa ra các chính sách chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN như đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại DNNN. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý DNNN và mô hình tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước.
Tăng cường giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, đặc biệt cần đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác, loại bỏ hình thức ưu đãi và bao cấp đối với DNNN còn tồn tại.

Nguồn: DDDN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét