Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

TRANH CHẤP VỀ TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ: KIỆN BỒI THƯỜNG BỨC TRANH

Chủ nhân bức tranh sơn dầu đòi bồi thường 200 triệu đồng, còn bên kia bảo việc kiện tụng trên là phi lý.
Ngày 3-6, ông L., ngụ huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã nộp đơn khởi kiện, đòi ông K. bồi thường 200 triệu đồng do đã làm bẩn bức tranh sơn dầu của mình …
Bức tranh bị bẩn
Theo hồ sơ, ông L. có bức tranh “Dáng Huế” vẽ một thiếu nữ Huế mặc áo dài trắng cầm cành hoa sen, được giới trong nghề nhận định rất giá trị.
Ngày 9-4, qua giới thiệu, ông K. tìm đến thỏa thuận mua với giá khoảng 128 triệu đồng. Tuy nhiên, trước khi trả tiền, ông muốn mượn bức tranh trong một tuần để đem đi nhờ người thẩm định. Ông L. đồng ý và buộc ông K. phải trả 5 triệu đồng cho việc mượn tranh.
Sau một tuần, ông K. đem trả lại do không thích tranh này và chỉ trả 5 triệu đồng tiền mượn tranh. Mở bức tranh ra xem lại, ông L. phát hiện một góc tranh bị vấy bẩn và tranh có một số hạt màu lốm đốm. Ông nhất quyết không nhận lại tranh và yêu cầu ông K. phải mua lại bức tranh trên như giá thỏa thuận ban đầu…
Phải trả lại nguyên bản…
Hai bên tranh cãi mãi mà vẫn không thống nhất nên ông L. phải gửi đơn đến tòa một quận ở TP.HCM phân xử. Ông L. yêu cầu tòa buộc ông K. đền lại bức tranh y nguyên bản ban đầu, nếu không đền được ông K. phải bồi thường thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Bởi ngoài giá trị 128 triệu đồng mà đôi bên đã đồng ý mua bán, ông còn bị tổn thất về tinh thần do bức tranh là tài sản quý mà cha ông đã để lại cho gia đình…
Ngược lại, phía ông K. cho rằng yêu cầu đòi bồi thường của ông L. là hết sức phi lý. Bức tranh ông hoàn trả là nguyên vẹn. Ông L. bảo ông làm nó vấy bẩn là không chính xác. Vết vấy bẩn trên tranh có từ khi nào ông không rõ và không phải do ông gây ra. Ông yêu cầu tòa đưa bức tranh đi thẩm định giá phần thiệt hại đồng thời nếu có cơ sở chứng minh ông làm hư bức tranh thì ông mới bồi thường. Cuối cùng ông khẳng định thêm, giá trị bức tranh không thể nào lên tới 128 triệu đồng.

Định giá sao đây?
Giải quyết vụ án, tòa bối rối trước hết đây là vụ kiện khá lạ liên quan đến một tài sản khó có thể định giá. Thứ nữa là không biết sẽ dựa trên cơ sở nào để xác định giá trị bức tranh. Giá trị của tranh có phải là giá mà người bán kêu giá và người mua ưng thuận hay là giá mà cơ quan giám định kết luận? Cạnh đó, nếu cơ quan định giá chỉ bảo bức tranh bị hư hỏng khoảng 20% thì giá trị bồi thường cụ thể là bao nhiêu và dựa trên cái giá nào? Chưa kể có ý kiến cho rằng bức tranh là một tác phẩm nghệ thuật, bị hư hỏng là coi như mất toàn bộ giá trị, việc giám định thiệt hại là mất 5% hay 10% cũng chỉ là số liệu để tham khảo mà thôi…
Một vấn đề rắc rối khác là việc xác định bức tranh bị vấy bẩn vào thời điểm nào khi một bên cho rằng nó bị vấy bẩn lúc ông K. mang trả, một bên lại bảo mình không hề gây ra vết bẩn này… Dĩ nhiên điều này các bên phải chứng minh cho yêu cầu của mình nhưng để minh định chính xác cũng không đơn giản.
Trước những băn khoăn đó, hiện tòa đã quyết định hỏi ý kiến tòa cấp trên về đường lối xử lý chứ chưa thể đưa ra xét xử. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có diễn biến mới…
Giá trị tranh là do hai bên thỏa thuận
Năm 1998, TAND TP.HCM từng xử một vụ đòi lại bức tranh thủy mặc đã hơn 100 tuổi giữa một họa sĩ nghèo và một Việt kiều. Theo đơn kiện, năm 1997, ông P. cho bà L. mượn bức tranh trên. Hợp đồng thể hiện bức tranh giá trị 15.000 USD và tranh bị rách biên. Tuy nhiên, sau đó bức tranh đã bị thủng nhiều lỗ và bốn viền biên bị cắt xén…
Theo hội đồng định giá, những lỗ thủng trên tranh có trước khi cho mượn. Còn bốn viền bị cắt xén làm giảm khoảng 20% giá trị bức tranh và có sau khi cho mượn. Hội đồng thống nhất bức tranh chỉ có giá trị 5.000 USD.
Xét xử, TAND TP.HCM lại nhận định hai bên thỏa thuận ban đầu là bức tranh có giá 15.000 USD nên đây là giá trị thực của bức tranh. Tòa buộc bà L. phải bồi thường phần hư hại cho ông P. là 3.000 USD (trị giá 20% bức tranh)… Sau đó ông P. đã kháng cáo không đồng ý với phán quyết trên nhưng Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã y án.
Nguồn: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét