Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Cách viết bản án hình sự


 I. Mục đích, ý nghĩa của bản án hình sự
          Bản án hình sự là một văn bản tố tụng hình sự ghi nhận các kết luận và quyết định của Hội đồng xét xử, cao hơn nữa đó là sự đánh giá của Nhà nước đối với một hành vi, một con người cụ thể khi hành vi đó, con người đó bị truy tố trước Tòa án. Bản án hình sự đánh dấu sự kết thúc của quá trình điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng, do vậy bản án phải phản ánh trung thực diễn biến của vụ án và phải xác định rõ sự thật khách quan, đó là: có sự việc phạm tội xảy ra không?, ai là người đã thực hiện các hành vi đó và hành vi đó có cấu thành tội phạm không?, nếu là tội phạm thì phạm tội gì, theo điểm, khoản, điều nào của Bộ luật hình sự?, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân người phạm tội, động cơ, mục đích, hoàn cảnh, điều kiện của tội phạm đó… Căn cứ vào các kết luận, các phân tích, đánh giá nêu trên để Hội đồng xét xử Quyết định hình phạt cho tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội. Nếu không có tội thì Hội đồng xét xử phải xác định những căn cứ để tuyên bố bị cáo không phạm tội và giải quyết việc phục hồi danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.
          Theo nguyên tắc “Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án” (Nguyên tắc suy đoán vô tội) – Điều 9 BLHS năm 2003.
          Do đó, bản án hình sự có hiệu lực pháp luật là sự thể hiện quyền lực của Nhà nước trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hoạt động xét xử mà kết quả là việc hội đồng xét xử ra bản án để xác định một người có tội hay không có tội, phải chịu hình phạt hay không phải chịu hình phạt có ý nghĩa chính trị, xã hội rất sâu sắc và trước hết trực tiếp ảnh hưởng tới người bị đưa ra xét xử. Bản án hình sự tuyên đúng người, đúng tội, đúng pháp luật không chỉ có ý nghĩa về mặt đảm bảo pháp chế Xã hội chủ nghĩa được thực hiện nghiêm minh mà còn mang tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm trong xã hội, đồng thời tạo ra niềm tin của nhân dân vào công lý.
          II. Các nguyên tắc viết bản án hình sự
          1. Bản án phải đảm bảo chính xác và có tính thuyết phục
          – Tính chính xác của bản án được thể hiện ở chỗ các kết luận của bản án phải phù hợp với sự thật khách quan của vụ án. Bản án phải xác định đúng sự việc phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội, hậu quả của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự… từ đó áp dụng đúng các quy định của pháp luật hình sự.
          Bản án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật tức là việc áp dụng pháp luật đúng đắn, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, được dư luận đồng tình và đó cũng là tính thuyết phục cao của bản án. Tính thuyết phục của bản án còn thể hiện ở việc bản án phân tích sâu sắc, đầy đủ, hoàn thiện diễn biến và nội dung của vụ án, đánh giá đúng tính chất, mức độ, áp dụng đúng pháp luật để có quyết định hình phạt chính xác, đảm bảo nguyên tắc giáo dục và trừng trị.
          2. Bản án phải có căn cứ
          Việc phân tích, chứng minh, kết luận của bản án phải dựa trên các chứng cứ mà các chứng cứ này đã được thẩm tra tại phiên tòa. Hội đồng xét xử không được áp đặt ý kiến chủ quan hoặc sử dụng những chứng cứ chưa được thẩm tra tại phiên tòa.
          Khi kết luận bị cáo phạm tội, Hội đồng xét xử phải viện dẫn các căn cứ buộc tội bị cáo, căn căn cứ để trên cơ sở đó Hội đồng xét xử áp dụng xử phạt bị cáo. Ngược lại, khi tuyên bố bị cáo không phạm tội, Hội đồng xét xử cũng phải đưa ra các chứng cứ, các căn cứ để không chấp nhận việc truy tố của Viện kiểm sát.
          3. Bản án phải hợp pháp
          Bản án hợp pháp là bản án thỏa mãn hai phương diện: Nội dung và hình thức.
          – Về nội dung: Bản án phải giải quyết đầy đủ, toàn diện các vấn đề của vụ án trên cơ sở của Luật nội dung và Luật tố tụng. Các quyết định của bản án khi viện dẫn phải chính xác điểm, khoản, Điều của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự.
          – Về mặt hình thức: Bản án phải được thể hiện bằng ngôn ngữ phổ thông (tiếng Việt), nếu các bạn Lào là tiếng Lào. Văn phong trong bản án phải trong sáng, rõ ràng, đúng chính tả. Bản án phải thể hiện được không gian, thời gian, địa điểm xét xử, tên Tòa án xét xử, thành phần Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng khác như Viện kiểm sát, thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng. Việc phân tích, đánh giá trong các phần của bản án phải đảm bảo tính thống nhất, không được mâu thuẫn.
          III. Cơ cấu của một bản án hình sự
          Bản án phải được viết theo một cơ cấu, bố cục hợp lý. Bản án hình sự được chia thành từng phần và mỗi phần đều có tính độc lập riêng nhưng nằm trong một thể thống nhất, có quan hệ mật thiết, biện chứng, bổ sung hoặc là cơ sở của những phần tiếp theo. Trong tổng thể đó, vụ án được làm sáng tỏ.
          TAND tối cao có hướng dẫn về cách viết bản án hình sự sơ thẩm. (Hướng dẫn, giới thiệu Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 5/11/2004 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “xét xử sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự 2003).
          1. Phần mở đầu của bản án hình sự
          Phần này phản ánh những vấn đề về thủ tục tố tụng của việc xét xử mà chưa phân tích về nội dung vụ án (có tính hình thức). Trong phần này cần ghi rõ:
          – Tên Toà án xét xử;
          – Thời gian, địa điểm xét xử;
          – Xử công khai hay xử kín;
          – Họ tên các thành viên Hội đồng xét xử;
          – Họ tên đại diện Viện kiểm sát;
          – Họ tên thư ký phiên toà;
          – Họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, tiền án, tiền sự, ngày tạm giữ, tạm giam, trả tự do của bị cáo;
          – Họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú của những người tham gia tố tụng (người bị hại; người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bị hại; người làm chứng; người có quyền, nghĩa vụ liên quan; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự…);
          – Họ tên của Luật sư hoặc người bào chữa trong vụ án.
          2. Phần nội dung
          Phần này được chia thành hai phần là “xét thấy” và “nhận thấy”
          2.1. Phần “nhận thấy” trình bày sự việc phạm tội, các hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát truy tố tại bản cáo trạng. Trong phần này, Toà án chỉ viết những vấn đề liên quan trực tiếp đến vụ án, không phải là chép nguyên văn của bản cáo trạng.
          2.2. Phần “xét thấy” đó là những phân tích và đánh giá của Hội đồng xét xử về những vấn đề xung quanh vụ án, trong đó đặc biệt chú trọng đến:
          – Các chứng cứ xác định có sự việc phạm tội không? có cấu thành tội phạm không? người thực hiện hành vi phạm tội. (xác định có tội hoặc không có tội).
          – Nếu có tội thì cần áp dụng điểm, khoản, điều naà của Bộ luật hình sự. Nếu bị cáo không phạm tội thì áp dụng điều nào của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự.
          – Nếu bị cáo phạm tội thì các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Trong đó cần thiết phải xác định rõ nhân thân, điều kiện, động cơ, mục đích… để đánh giá đúng tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm.
          – Đánh giá thiệt hại, hậu quả của vụ án và xác định trách nhiệm dân sự (nếu có).
          – Giải quyết các vấn đề về vật chứng (nếu có).
          – Giải quyết vấn đề án phí hình sự, dân sự.
          3. Phần quyết định của bản án hình sự
          Phần quyết định của bản án hình sự phải ghi đầy đủ, rõ ràng về các căn cứ pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ án. Các căn cứ này là các điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự. Quyết định trong bản án phải cụ thể, dứt khoát, không nửa vời, nước đôi, không có sự hiểu lầm nhằm đảm bảo cho việc thi hành án thuận lợi.
          Phần cuối của quyết định phải tuyền quyền kháng cáo đối với bản án đó.
          IV. Một số vấn đề khác
          1. Khi viết bản án hình sự phúc thẩm: Giáo viên có thể giới thiệu qua về bản án phúc thẩm. Do có sự khác nhau giữa thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm nêu cách viết bản án hình sự phúc thẩm cũng có một số điểm khác sơ thẩm.
          2. Viết quyết định giám đốc thẩm hình sự
          Có thể giới thiệu sơ bộ về một quyết định giám đốc thẩm hình sự, trong đó có nêu về tính đặc thù của thủ tục giám đốc thẩm. (phá án). Từ đó có thể giới thiệu qua về cách viết một quyết định giám đốc thẩm hình sự.
Theo: Cổng thông tin điện tử TANDTC (http: toaan.gov.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét