Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Vấn đề định tội trong trường hợp: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự – Một số vấn đề cần trao đổi.


Điểm d khoản 2 Điều 139 Bộ luật Hình sự (BLHS) – Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định về tình tiết định khung “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức”. Về tình tiết “Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức” đã được làm sáng tỏ về lý luận và thực tiễn trong áp dụng luật Hình sự.
Đối với tình tiết “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn”, trong áp dụng pháp luật còn có một số điểm vướng mắc nhất định, cần thiết phải nghiên cứu, trao đổi làm sáng tỏ để nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của việc áp dụng pháp luật Hình sự trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tình tiết “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một tình tiết mới được quy định trong BLHS năm 1999. Theo Từ điển tiếng Việt thì “Lợi dụng” là một động từ gồm hai nghĩa: một là, dùng vào việc gì có ích; hai là, thừa dịp mưu ích riêng cho mình. Trong trường hợp này chúng ta nên hiểu theo nghĩa thứ hai và nếu phát triển theo ngữ nghĩa ấy thì tình tiết “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” trong luật Hình sự được hiểu là dựa vào phần việc phải làm theo chức vụ, quyền hạn để mưu lợi ích riêng cho cá nhân. Nghĩa là dựa vào quyền năng (quyền hành) do chức vụ, quyền hạn mang lại để thực hiện hành vi phạm tội. Như vậy, trong trường hợp này chức vụ, quyền hạn đã được người phạm tội sử dụng như một phương tiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm. Biểu hiện cụ thể của trường hợp này là người phạm tội đã sử dụng quyền năng của mình vào việc thực hiện hành vi gian dối,làm cho người khác tin nhầm tưởng giả là thật mà trao tài sản để chiếm đoạt. Nghiên cứu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 139 – BLHS năm 1999, chúng ta nhận thấy rằng, về mặt lập pháp tội phạm này đã được xây dựng dựa trên cơ sở ba điều luật của BLHS năm 1985 đó là: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa (XHCN) (Điều 134); Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN (Điều 134 a) và Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân (Điều 157). Trong BLHS năm 1985 tình tiết “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được nhà làm luật xây dựng cấu thành một tội phạm độc lập, đó là tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản công dân (Điều 156). Do vậy, trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi gian dối (lừa đảo) để chiếm đoạt tài sản và tài sản đó là tài sản của công dân và trong khi thực hiện tội phạm có tình tiết lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì họ bị xử lý về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản công dân theo Điều 156 của BLHS 1985. Trong nhiều giáo trình, sách tham khảo luật Hình sự đã mô tả hành vi khách quan của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản công dân là hành vi chiếm đoạt tài sản của công dân bằng thủ đoạn lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Biểu hiệncủa hành vi phạm tội này thông thường được hiểu bao gồm các dạng hành vi đó là: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn uy hiếp tinh thần chủ tài sản buộc họ phải giao tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn lừa dối (gian dối) để chiếm đoạt tài sản; chiếm đoạt tài sản đã được chủ tài sản giao cho mà việc giao này là do tin vào chức vụ, quyền hạn của người chiếm đoạt (lạm dụng lòng tin). Các dạng hành vi chiếm đoạt tài sản nêu trên về cơ bản cũng giống như hành vi khách quan của các tội cưỡng đoạt tài sản (uy hiếp tinh thần), lừa đảo chiếm đoạt tài sản (gian dối) và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (bội tín), điểm khác cơ bản so với các tội danh đó là có tình tiết lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thực hiện hành vi phạm tội. Chính vì lẽ đó mà trong các tội cưỡng đoạt tài sản công dân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân trong BLHS năm 1985 trước đây không có quy định về tình tiết định khung là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”.
Hiện nay tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 280 thuộc chương các tội phạm về chức vụ của BLHS năm 1999. Nghiên cứu quy định của điều luật cho thấy, về phạm vi trách nhiệm hình sự của tội phạm này được áp dụng rộng hơn và được thể hiện ở chỗ không chỉ xác định đối tượng tác động chỉ là tài sản công dân như BLHS 1985 mà bao gồm cả tài sản Nhà nước, tài sản của tổ chức hoặc tài sản của công dân. Dựa trên cơ sở mở rộng về phạm vi trách nhiệm hình sự và việc xác định lại chính xác khách thể bị xâm hại của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280), tội phạm này đã được tách ra khỏi chương các tội xâm phạm sở hữu và quy định trong chương các tội phạm về chức vụ như BLHS hiện hành là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay trong đa số các giáo trình, sách chuyên khảo luật Hình sự khi đề cập về dấu hiệu định tội của tội phạm này, cũng chỉ mô tả hành vi phạm tội dựa trên cơ sở biểu hiện ở ba dạng hành vi giống như giáo trình, sách chuyên khảo luật Hình sự được áp dụng cho BLHS năm 1985, đó là: Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để uy hiếp tinh thần, hoặc lừa dối và hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản. Theo chúng tôi đây là vấn đề chưa thật sự hợp lý và cần thiết phải nghiên cứu, trao đổi nhằm vận dụng chính xác pháp luật Hình sự trong thực tiễn. Bởi vì, ở đây chúng ta sẽ gặp phải một vấn đề là trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản mà đều có tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” thì khi nào thuộc về tình tiết định khung quy định tại điểm d khoản 2 Điều 139 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) và khi nào thuộc về dấu hiệu định tội quy định tại Điều 280 – BLHS (Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản). Trong trường hợp này dưới góc độ lý luận chúng ta có thể dễ dàng để phân biệt được, nếu dựa trên cơ sở tiếp cận ngữ nghĩa của các gốc từ “lợi dụng” hoặc “lạm dụng” và trên cơ sở phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm. Song dưới góc độ thực tiễn, nhất là khi vận dụng tình tiết định khung và dấu hiệu định tội nêu trên để giải quyết trong từng vụ án cụ thể lại gặp rất nhiều khó khăn. Đó là việc vận dụng và áp dụng không thống nhất và thậm chí là có sự “mâu thuẫn” giữa các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp và giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở các địa phương khác nhau. Thực tiễn này cho thấy nếu không có sự “phân định” rạch ròi thì sẽ dẫn đến một tình trạng là đối với một vụ án về cơ bản là giống nhau, nhưng ở các cơ quan tiến hành tố tụng khác nhau thì việc vận dụng các tình tiết định khung và định tội khác nhau để xử lý. Chúng tôi xin được đưa ra ví dụ sau đây để làm rõ cho vấn đề đã nêu ở trên:
Trường hợp 1: Điều tra viên A đang trực tiếp thụ lý điều tra vụ án cướp giật tài sản mà B là thủ phạm. Trong quá trình điều tra A đã lợi dụng vị trí công tác của mình để gặp gỡ thân nhân của B và hứa giúp đỡ B được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Vì lý do đó nên A đã nhận được từ gia đình B số tiền là 50.000.000,00 đồng, nhưng thực chất A không giúp gì cả. Khi thấy B vẫn bị xử lý hình sự, gia đình B đã làm đơn tố cáo về hành vi của A và A bị bắt. Tại cơ quan điều tra A đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Trường hợp 2: Các tình tiết vụ án hoàn toàn giống như ở trường hợp một ở trên và chỉ có một điểm khác cơ bản so với trường hợp một là: A là điều tra viên trong cơ quan điều tra đó, nhưng A không phải là người đang trực tiếp thụ lý điều tra vụ án của B.
Khi gặp các trường hợp này trong thực tiễn chúng ta xác định cả hai trường hợp này chỉ phạm vào một tội là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với tình tiết định khung “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” hoặc hai trường hợp này phạm vào hai tội danh khác nhau. Trong trường hợp thứ nhất A phạm vào tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và ở trường hợp thứ hai A phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong các dẫn chứng nêu trên, đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải phân biệt chính xác về tình tiết lợi dụng chức vụ, quyền hạn là thuộc về dấu hiệu định tội của Điều 280 – BLHS hoặc thuộc về tình tiết định khung của Điều 139 – BLHS và đây là cơ sở quan trọng nhất để định tội danh và vận dụng đúng đắn pháp luật Hình sự, đây cũng là một vấn đề gặp không ít khó khăn trong thực tiễn. Theo chúng tôi, cả hai trường hợp nêu trên chỉ nên xác định phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 – BLHS thì mới đảm bảo được tính thống nhất trong thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự.
Xuất phát từ những lập luận đã trao đổi trên đây và để nhằm góp phần vận dụng chính xác tình tiết định khung “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 139 – BLHS trong thực tiễn, chúng tôi xin có một số ý kiến như sau:
- Một là, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết về tình tiết định khung thuộc điểm d khoản 2 Điều 139 – BLHS.
- Hai là, trong thực tiễn áp dụng luật Hình sự, nên vận dụng thống nhất theo hướng xác định những hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản có tình tiết sử dụng chức vụ, quyền hạn như một điều kiện, một phương tiện để thực hiện hành vi trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc Điều 139 – BLHS.
- Ba là, trong công tác nghiên cứu, giảng dạy đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280) không nên mô tả các dạng hành vi khách quan như các giáo trình, sách tham khảo hiện nay đang đề cập mà chỉ nên mô tả hành vi là: Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và được thể hiện bằng các dạng hành vi cụ thể là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn uy hiếp tinh thần chiếm đoạt tài sản hoặc hành vi lạm dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản. Còn đối với trường hợp người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để thực hiện tội phạm thì nên coi đây là một trường hợp phạm tội thuộc điểm d khoản 2 Điều 139 – BLHS (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tình tiết định khung là lợi dụng chức vụ, quyền hạn).
Những vấn đề đã đưa ra trong phạm vi bài viết này chỉ mang tính chất nghiên cứu, trao đổi. Chúng tôi mong nhận được sự đóng góp ý kiến của đồng nghiệp và quý bạn đọc để nhằm đạt tới mục đích cuối cùng là hiểu đúng bản chất và vận dụng chính xác về tình tiết định khung “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định điểm d khoản 2 Điều 139 – BLHS trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử ĐH Cảnh sát nhân dân (http:www.pup.edu.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét