Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Dự thảo Luật Tố tụng hành chính: Quy định về đối thoại vẫn chưa rõ

Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Tố tụng hành chính là quy định về việc đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện. Quy định về đối thoại thể hiện sự tiến bộ vì phù hợp với yêu cầu khi giải quyết các loại tranh chấp, trong đó có tranh chấp hành chính. Tuy nhiên, khi xem xét toàn bộ Dự thảo Luật thấy rằng, quy định này chưa rõ ràng.

Trong các quan hệ pháp luật nói chung, khi xảy ra việc tranh chấp giữa các chủ thể tất sẽ có người đúng, kẻ sai. Việc xảy ra tranh chấp thường ở một trong hai trường hợp, hoặc là một bên biết việc làm của mình là sai nhưng cố tình không sửa sai mà vẫn bảo vệ quan điểm đến cùng; hoặc là do nhận thức và hiểu biết pháp luật hạn chế nên không biết được việc mình làm không đúng quy định của pháp luật. Như vậy, nguyên nhân phát sinh tranh chấp luôn xuất phát từ một trong hai yếu tố  là trình độ nhận thức pháp luật hoặc ý thức chấp hành pháp luật.

Xuất phát từ những lý do nêu trên nên đã hình thành một nguyên tắc cơ bản xuyên suốt trong việc giải quyết các loại tranh chấp đó là khuyến khích sự tự thương lượng hoặc hòa giải giữa các bên tranh chấp. Lâu nay trong nhiều văn bản đã dùng thuật ngữ “tự hòa giải” là không chính xác. Việc một hoặc các bên chủ động gặp gỡ để trao đổi thỏa thuận với nhau là hoạt động tự thương lượng giữa các bên. Nói đến hòa giải phải nói đến sự hiện diện và vai trò của chủ thể thứ ba, chủ thể độc lập không có lợi ích liên quan làm trung gian dàn xếp mâu thuẫn giữa các bên tranh chấp. Nếu qua thương lượng hoặc hòa giải mà đạt được kết quả thì có thể dẫn đến việc nhân nhượng điều hòa lại lợi ích (vật chất hoặc tinh thần) của các bên nhưng cũng có thể một bên nhận thấy được sai lầm, nhận thức lại vấn đề đúng đắn hơn nên rút lại yêu cầu, đòi hỏi của mình; kết quả cuối cùng là chấm dứt tranh chấp.

Việc xảy ra tranh chấp trong các quan hệ pháp luật hành chính cũng không nằm ngoài các nguyên nhân như đã nêu trên, cụ thể là do nhận thức hoặc do ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính. Xuất phát từ lý do đó nên tại Điều 37 Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 đã quy định: “Khi cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần đầu gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại”. Nếu như Luật Khiếu nại tố cáo năm 1998 quy định việc đối thoại có thể tùy nghi lựa chọn (khi  cần thiết) thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004 và năm 2005 đã quy định việc đối thoại mang tính bắt buộc, đó là: “Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại”. Thực tế cho thấy, thông thường đơn khiếu nại ít khi được trình bày đầy đủ nội dung sự việc cũng như yêu cầu của người khiếu nại nên việc gặp gỡ, đối thoại là cần thiết để người giải quyết khiếu nại biết rõ hơn về nội dung sự việc, quan điểm và yêu cầu của người khiếu nại. Mặt khác, như đã nêu ở trên nguyên nhân phát sinh việc khiếu kiện hành chính là do nhận thức hoặc ý thức chấp hành pháp luật, do đó qua đối thoại hoặc hòa giải bằng việc trao đổi đưa ra các tài liệu, viện dẫn các quy định của pháp luật, bằng lý lẽ lập luận của các bên, từ đó các bên có thể nhận thức đúng đắn hơn về các quy định của pháp luật, có thể thay đổi quan điểm về quan hệ tranh chấp để rút yêu cầu khiếu nại hoặc hủy bỏ, điều chỉnh quyết định hành chính, khắc phục hậu quả của hành vi hành chính đã thực hiện.

Trong quan hệ pháp luật hành chính thì một quyết định hành chính được ban hành, một hành vi hành chính được thực hiện chỉ có thể đúng hoặc sai; không một cơ quan, một cá nhân nào (chủ thể quản lý hành chính) có quyền thỏa thuận để điều chỉnh, phân chia lợi ích của Nhà nước cho tổ chức, cá nhân (đối tượng quản lý) hoặc thỏa thuận với nhau về quyền và nghĩa vụ. Xuất phát từ lý do này mà lâu nay chúng ta thường quan niệm không được thực hiện việc hòa giải khi giải quyết tranh chấp hành chính và thực tế, các nhà làm luật đã không thiết lập chế định hòa giải trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính cũng như trong Dự thảo Luật Tố tụng hành chính. Quan niệm như vậy là không ổn, bởi lẽ đã đồng nhất hai mặt của vấn đề. Hòa giải là hoạt động chứa đựng hai mặt gồm: hoạt động hòa giải và kết quả (hậu quả pháp lý) của hòa giải. Đây là hoạt động của chủ thể tiến hành hòa giải, phân tích, giải thích quy định của pháp luật, khuyến khích, thuyết phục các bên chấm dứt tranh chấp. Kết quả hòa giải là sự thỏa thuận của các bên hoặc là sự thay đổi, chấm dứt ý chí, quan điểm tranh chấp của các bên. Kết quả của hòa giải không chỉ là sự thỏa thuận mà thông qua hòa giải giúp cho bên khởi kiện biết được việc khởi kiện không có căn cứ để rút yêu cầu khởi kiện, hoặc bên bị kiện nhận thấy được quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình không đúng quy định của pháp luật để hủy bỏ, điều chỉnh hoặc khắc phục hậu quả của hành vi hành chính bị khiếu kiện. Vậy, tại sao không ghi nhận chế định hòa giải để hướng đến mục tiêu này? Việc giải  quyết tranh chấp không phải bởi phán quyết của Tòa án mà bằng chính sự tự nguyện của đương sự luôn là phương thức ổn thỏa và hiệu quả nhất.

 Tại Điều 11 Dự thảo Luật Tố tụng hành chính quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án tạo điều kiện để các bên có thể đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án”. Khoản 9 Điều 46 của Dự thảo cũng quy định các đương sự có quyền “Đối thoại với nhau trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án”. Tuy nhiên, điều đáng nói là Dự thảo Luật chỉ mới dừng lại ở quy định chung về quyền của đương sự và nguyên tắc Tòa án tạo điều kiện để các bên đương sự (người khởi kiện và người bị kiện) gặp gỡ đối thoại. Trong phần thủ tục giải quyết vụ án hành chính chưa có quy định nào về trình tự, thủ tục tiến hành đối thoại: do các bên đương sự tự gặp gỡ trao đổi hay có sự tham gia của Tòa án. Nếu các bên tự gặp gỡ trao đổi ngoài trụ sở Tòa án thì cần gì đến việc tạo điều kiện của Tòa án. Trường hợp một trong các đương sự đề nghị Tòa án tạo điều kiện để các bên gặp gỡ đối thoại thì thủ tục tiến hành như thế nào, vai trò, nhiệm vụ của thẩm phán ra sao? Như vậy, quy định về hoạt động đối thoại của Dự thảo Luật Tố tụng hành chính vẫn mang tính nửa vời.

(Theo báo NĐBND)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét