Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Những hạn chế của pháp luật về khiếu nại hành chính trong xây dựng Nhà nước pháp quyền

Quan hệ giữa quyền lực nhà nước và nhân dân luôn được xử lý hợp lý, đúng đắn, không chỉ công dân phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước mà tất cả các cơ quan nhà nước và những người thực thi quyền lực nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình trước công dân.


Xây dựng nhà nước pháp quyền là một đòi hỏi tất yếu, khách quan và phù hợp với xu thế phát triển lịch sử chung của xã hội loài người, bởi Nhà nước pháp quyền là một giá trị chung của nhân loại trên con đường phát triển tiến bộ và cũng phù hợp với mục tiêu "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" mà Đảng và Nhà nước ta xác định. Các tiêu chí của Nhà nước pháp quyền phù hợp với điều kiện Việt Nam đang được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện, nhưng có một tiêu chí mà chúng ta cần phải đạt được nếu muốn xây dựng thành công nhà nước pháp quyền, đó là: Việc tôn trọng, đảm bảo trên thực tế các quyền con người và các giá trị xã hội, như công bằng, nhân đạo, dân chủ... phải là định hướng căn bản trong tổ chức và hoạt động thực tiễn của Nhà nước.

Quan hệ giữa quyền lực nhà nước và nhân dân luôn được xử lý hợp lý, đúng đắn, không chỉ công dân phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước mà tất cả các cơ quan nhà nước và những người thực thi quyền lực nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình trước công dân.

Để làm được điều đó, chúng ta phải xây dựng được một hệ thống pháp luật về khiếu nại hành chính trên nền tảng các quyền cơ bản của con người. Nhằm bảo vệ các quyền đó, pháp luật phải có chất lượng tốt, phản ánh xu thế phát triển tiến bộ chung của xã hội, phù hợp với hiện thực khách quan, thể hiện đúng đắn ý chí của nhân dân. Trong thực tế hiện nay, Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2004, 2005) và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Điều của pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ngày 05/4/2006 còn nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đầy đủ, đã làm hạn chế một số quyền chính đáng của công dân và không đáp ứng được mối quan hệ bình đẳng giữa Nhà nước và công dân trong giải quyết khiếu nại hành chính. Dưới góc độ lý luận và thực tiễn giải quyết các vụ việc khiếu nại hành chính, bài viết này sẽ phân tích, làm rõ một số hạn chế trong các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại hiện nay.

Thứ nhất, Luật khiếu nại, tố cáo và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Điều của pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ngày 05/4/2006 quy định: chỉ khiếu nại hoặc khởi kiện những quyết định hành chính bằng văn bản hoặc hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính. Như vậy, những quyết định hành chính của cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính dưới những hình thức khác (như: thông báo, công văn, các biên bản cuộc họp... ) hoặc những hành vi hành chính của những người không có thẩm quyền trong cơ quan hành chính ví dụ: hành vi hành chính của những người làm công tác dân phố, an ninh tham gia cưỡng chế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền...) sẽ không được cơ quan có trách nhiệm, thụ lý giải quyết; trong khi đó, những quyết định, hành vi hành chính nói trên vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước. Pháp luật về giải quyết khiếu nại hành chính cần quy định đầy đủ, cụ thể hơn, để bảo đảm và bảo vệ được các quyền của công dân đã được quy định trong Hiến pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ hai, Luật khiếu nại, tố cáo quy định: cơ quan giải quyết khiếu nại lần 1 là cơ quan hoặc người có thẩm quyền có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại. Thực tiễn cho thấy, hầu như các quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu đều giữ nguyên quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại, rất hiếm trường hợp cơ quan giải quyết lần đầu huỷ bỏ, sửa đổi quyết định, chấm dứt hành vi hành chính của mình. Vấn đề đó, đặt ra cho chúng ta câu hỏi: phải chăng các quyết định, hành vi hành chính hầu như đã đảm bảo các quy định của pháp luật? Không phải như vậy, thực tế có nhiều quyết định hành chính, hành vi hành chính đã bị cơ quan giải quyết khiếu nại lần 2 hoặc Toà án yêu cầu huỷ bỏ, sửa đổi hoặc yêu cầu chấm dứt. Như vậy, rõ ràng quy định về cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính theo pháp luật hiện hành còn bất cập, chưa phân định và tách bạch được hoạt động quản lý điều hành với hoạt động giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước, do đó chưa đảm bảo tính khách quan, dân chủ. Nếu quy định như Luật khiếu nại, tố cáo hiện nay sẽ làm thời gian giải quyết những khiếu nại của công dân kéo dài nhưng không có hiệu quả.

Do đó, thiết nghĩ, cơ quan đã ban hành quyết định, hành vi hành chính không được giải quyết khiếu nại, mà chỉ có quyền cùng với người khiếu nại trao đổi, thống nhất, thoả thuận những nội dung liên quan đến quyết định, hành vi hành chính của mình theo nguyên tắc bình đẳng trong mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân. Nếu không thống nhất được, thì cơ quan giải quyết khiếu nại lần đầu phải là cơ quan hành chính cấp trên hoặc Toà án. Như vậy, mới thể hiện được tính độc lập trong việc giải quyết mối quan hệ hành chính giữa Nhà nước với công dân.

Thứ ba, Toà án nhân dân các cấp được giao thêm thẩm quyết xét xử các vụ án hành chính sau khi người dân không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính, nhưng thực tế các các vụ việc hành chính khởi kiện ra Toà án nhân dân rất ít. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có 02 nguyên nhân liên quan đến quy định của pháp luật mà chúng ta không sửa đổi kịp thời, dẫn đến công dân không thể hoặc không đủ điều kiện để khởi kiện các vụ án hành chính, đó là:

Luật khiếu nại, tố cáo và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Điều của pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính quy định về thời hiệu khởi kiện các vụ án hành chính là 30 ngày (vùng sâu, vùng xa là 45 ngày) kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, nếu quá thời hạn không khởi kiện thì mất quyền khởi kiện. Thực tế cho thấy, không ít công dân đã mất quyền khởi kiện bởi những quy định cứng nhắc và không rõ ràng trên; bởi lẽ, quyết định giải quyết khiếu nại thường được cơ quan hành chính gửi qua đường bưu điện, do nhiều nguyên nhân (do thất lạc, do văn thư gửi muộn. . . ) người khiếu nại không nhận được quyết định giải quyết khiếu nại hoặc nhận được nhưng quá thời hạn được quyền khởi kiện. Các cơ quan Toà án thường căn cứ vào ngày cơ quan hành chính ban hành quyết định giải quyết khiếu nại để tính thời hiệu khởi kiện vả trả lại đơn khởi kiện, mà không xem xét đầy đủ nguyên nhân khách quan và với quy định thiếu chặt chẽ trên thì không thể xác đinh trách nhiệm thuộc về ai. Do đó, Luật cần quy định các cơ quan giải quyết khiếu nại phải mời người khiếu nại đến nhận quyết định và lập biên bản bàn giao quyết định giải quyết khiếu nại. Biên bản bàn giao quyết định giải quyết khiếu nại sẽ là căn cứ để cơ quan Toà án xác định ngày người khiếu nại nhận được quyết định và từ đó xác định thời hiệu khởi kiện như trên, để xem xét thụ lý hay không thụ lý hồ sơ khởi kiện của công dân gửi đến cơ quan Toà án.

Trong vấn đề quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi hành chính về quản lý đất đai (một trong những lĩnh vực có có số lượng đơn thư khiếu nại nhiều nhất- chiếm từ 60 % đến 80% các vụ việc khiếu nại và có tính chất phức tạp nhất), thì Luật khiếu nại, tố cáo và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Điều của pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã quy định không thống nhất, do đó đã triệt tiêu quyền khởi kiện vụ án hành chinh của công dân và đây có thể là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến số lượng các vụ án hành chính thấp. Cụ thể: Luật khiếu nại, tố cáo quy định: người khiếu nại khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần 2, nếu không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án; trong khi đó, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ngày 05/4/2006 lại quy định người khiếu nại chỉ có quyền khởi kiện: đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết khiếu nại lần đầu, nhưng người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết đó và không tiếp tục khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết khiếu nại lần đầu, nhưng người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết đó (nội dung này còn được Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể). Như vậy, Toà án nhân dân đã căn cứ vào pháp lệnh để không thụ lý đối với quyết định hành chính, hành ví hành chính về quản lý đất đai mà Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết lần 2 nhưng công dân không đồng ý và tiếp tục khởi kiện. Trong thực tiễn, thì loại vụ việc về quản lý đất đai có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 là chủ yếu, nhưng không được Toà án thụ lý giải quyết. Điều đó đã phản ánh thực trạng: Toà án e ngại giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, nên đã căn cứ văn bản quy phạm pháp luật có thứ bậc thấp hơn (pháp lệnh theo thứ bậc áp dụng thấp hơn luật) để không thụ lý đơn khởi kiện của người khiếu nại. Chính vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm khắc phục sự mâu thuẫn nói trên để giúp người dân tìm được cơ quan có trách nhiệm giải quyết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ./.

( Theo Thanhtravietnam.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét