Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010

“ÁN ĐỤNG TRẦN”: SỬA SAI BẰNG TÒA ÁN ĐẶ̣C BIỆT

Hội đồng Thẩm phán hiện nay chưa đủ biên chế, về chất lượng thì chưa phải là “cơ quan thông tuệ pháp luật nhất đất nước”. Có lẽ đây mới là nguyên nhân chính dẫn đến một số quyết định của Hội đồng Thẩm phán chưa được xã hội “tâm phục, khẩu phục”!
Trước hết, cần phải nhìn nhận một cách biện chứng rằng quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (HĐTP) có thể có sai lầm, thậm chí có sai lầm nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong 50 năm qua (tính từ năm 1960 đến nay) chỉ có một vài quyết định giám đốc thẩm của HĐTP bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận là có sai lầm nghiêm trọng. Tuy chỉ có một vài vụ nhưng đã để lại dư luận không tốt đối với HĐTP.
Nhiều lần Quốc hội đã đưa ra thảo luận vấn đề này để tìm giải pháp khắc phục nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên chưa thể gút. Lần này, nhân việc Quốc hội thảo luận về Luật Tố tụng hành chính, các luật gia lại có dịp góp ý. Về phần mình, tôi có một số ý kiến.
Tăng chất, tăng lượng cho HĐTP
Có ý kiến đề nghị lập lại Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao như trước đây. Tôi thấy nếu có lập lại ủy ban này cũng không giải quyết được gì. Chúng ta đã cố gắng lắm mới bỏ được một cấp giám đốc thẩm ở TAND Tối cao cũng là nhằm tránh tình trạng có nhiều cấp giám đốc thẩm. Cho đến nay, trong hệ thống TAND vẫn còn tới ba cấp giám đốc thẩm là ủy ban thẩm phán tòa án cấp tỉnh, các tòa chuyên trách TAND Tối cao và HĐTP.
Tuy nhiên, tôi cho rằng HĐTP hiện nay về số lượng thì chưa đủ biên chế mà Quốc hội đã phê chuẩn (17 thành viên). Về chất lượng, chưa phải là “cơ quan thông tuệ pháp luật nhất đất nước” như ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đình Nhã. Có lẽ đây mới là nguyên nhân chính dẫn đến một số quyết định của HĐTP chưa được xã hội “tâm phục, khẩu phục”!

Lập tòa án hiến pháp?
Nếu có cơ chế xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của HĐTP thì phải giao cho một cơ quan khác (Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc tòa án đặc biệt) chứ không thể giao cho chính các thành viên HĐTP tự mình xem xét lại quyết định của mình. Như vậy nó vừa vi phạm tố tụng, vừa trái nguyên tắc “Thẩm phán không được tham gia xét xử hai lần trong cùng một vụ án”. Cả thế giới không ở đâu làm như vậy cả!
Trước đây luật tố tụng còn quy định “trừ thành viên của Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao đã xét xử vụ án đó thì vẫn được tham gia xét xử ở HĐTP”. Nhưng nay Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao không còn thì quy định này cũng mặc nhiên bị bãi bỏ. Ngoài ra, không có quy định ở bất cứ đạo luật nào cho phép một thẩm phán được tham gia xét xử hai lần trong cùng một vụ án.
Nếu Luật Tố tụng hành chính cho phép HĐTP tự mình xem xét (xét xử) lại vụ án mà các thành viên đã tham gia xét xử trước đó vẫn được tham gia thì không chỉ trái với hiến pháp mà còn trái với nguyên tắc tố tụng. Chưa kể đến những hệ quả mà Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đình Nhã đã nêu: “Nếu chúng ta áp dụng cơ chế đặc biệt này, có thể giải quyết được một vài vụ án mà xưa nay chúng ta gọi là có sai lầm nghiêm trọng nhưng tình hình sẽ đến đâu? Như thế chúng ta phá vỡ niềm tin hay sự tín nhiệm của công chúng là việc xét xử của ta không có điểm dừng và không đáng tin”. Nếu tố tụng hành chính làm được thì sẽ xử lý các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại và tranh chấp lao động thế nào? Không thể tồn tại các luật tố tụng khác nhau về cùng một vấn đề.
Thiết nghĩ cần phải có thêm thời gian để nghiên cứu. Nếu có thay đổi thì phải thay đổi từ gốc, từ những nguyên tắc cơ bản của tố tụng, từ hệ thống các tòa án, cần thiết thành lập tòa án đặc biệt mà ở đó các thành viên không phải là những thẩm phán ở HĐTP đã tham gia xét xử vụ án đó.
(Theo  BÁO PHÁP LUẬT TPHCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét