Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

CÔNG NHÂN NỮ NGOẠI TỈNH TRONG CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI HÀ NỘI

Quá trình hội nhập kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và dân chủ hóa đời sống xã hội là điều kiện và động lực quan trọng tác động đến sự di cư của người lao động nông thôn ra thành thị. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp và tâm lý muốn thoát ly khỏi lao động nông nghiệp vất vả là tác nhân cuốn hút người lao động nông thôn ra thành thị, trong số đó có nhiều lao động nữ.
Việc làm và đời sống của nữ công nhân ngoại tỉnh
Khảo sát thực tế công nhân nữ ngoại tỉnh trong các doanh nghiệp liên doanh tại Hà Nội cho thấy, phần lớn công nhân nữ được ký hợp đồng một năm. Hợp đồng lao động ngắn hạn, công việc không ổn định đã tạo tâm lý lo mất việc làm đối với họ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hà Nội. Có tới 77,78% số người được hỏi cho rằng, công việc không ổn định và 67,92% công nhân nữ cho biết họ rất lo bị mất việc làm. Ngoài ra, công nhân phải tăng số giờ làm việc, tăng ca nhiều hơn: 76,36% số công nhân nữ ngoại tỉnh được hỏi đang làm việc tại Khu Công nghiệp Thăng Long thường xuyên phải làm việc ngoài giờ; thậm chí một bộ phận công nhân phải làm tăng ca triền miên từ 10 – 12 giờ/ngày và 7 ngày/tuần.
Người sử dụng lao động muốn tăng thêm giờ làm việc nhằm tăng sản lượng nhưng không phải đầu tư thêm cơ sở vật chất, không phải tuyển dụng thêm lao động. Không có thỏa ước lao động là tình trạng phổ biến trong các doanh nghiệp liên doanh, mặc dù hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể là một trong những công cụ quan trọng bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Nhiều doanh nghiệp xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể nhưng nó chỉ mang tính hình thức. Có 66,67% số công nhân nữ ngoại tỉnh được hỏi khẳng định, Công đoàn ở doanh nghiệp của mình không ký thỏa ước lao động tập thể.
Phần lớn (83%) nhận được mức lương từ 1 – 1,5 triệu đồng/tháng. Với thu nhập như vậy công nhân nữ ngoại tỉnh gặp nhiều khó khăn vì họ phải trả tiền thuê nhà, điện, nước và tiền ăn, nhất là trong bối cảnh "bão giá" hiện nay. Thực tế cho thấy, công nhân nữ ngoại tỉnh hiện đang sống trong những điều kiện hết sức kham khổ. Thu nhập thấp không chỉ làm cho công nhân nữ ngoại tỉnh khó khăn về cuộc sống vật chất mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của họ.
Đời sống tinh thần của một lực lượng xã hội như nữ công nhân ngoại tỉnh trong các doanh nghiệp liên doanh tại Hà Nội là sự phản ánh điều kiện sống và làm việc, sự hưởng thụ văn hóa, tiếp cận với phúc lợi và dịch vụ xã hội.

Kết quả điều tra cho thấy, công nhân nữ ngoại tỉnh không có thời gian dành cho các hoạt động giao lưu, giải trí, xem phim ảnh, hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục, thể thao. Ý thức chính trị của một bộ phận công nhân nữ ngoại tỉnh hiện nay đang có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại. Hiện tượng "vô cảm" chính trị khá phổ biến, công nhân ít quan tâm tới vai trò, vị thế chính trị của mình, không có định hướng giá trị xã hội rõ ràng trong cuộc sống và điều đó đã tạo ra "khoảng trống" chính trị trong đời sống tinh thần của công nhân.
Mức độ tiếp cận của công nhân nữ ngoại tỉnh đến những thông tin chính thức về việc làm, pháp luật và chính sách rất hạn chế. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trên 83% số công nhân nữ tiếp cận thông tin về việc làm qua người quen và bạn bè; 85,45% không biết những điều khoản cụ thể trong Luật Lao động. Việc không nắm bắt đầy đủ thông tin về lao động, việc làm trước khi vào làm việc tại doanh nghiệp có thể dẫn đến khả năng tự đào thải hoặc bị đào thải khỏi các doanh nghiệp.
Vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho người lao động hầu như chưa được đặt ra trong quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp. Nhà ở là một trong những vấn đề bức xúc nhất của công nhân ngoại tỉnh hiện nay. Phần lớn công nhân nữ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất phải sống trong các khu nhà trọ tạm bợ, chật chội, không bảo đảm về độ an toàn, vệ sinh. Chợ, trường học, nơi giải trí… cho những khu vực tập trung đông công nhân ngoại tỉnh là vấn đề nổi cộm hiện nay.
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là những cấu thành của hệ thống an sinh xã hội đối với những người lao động trong các doanh nghiệp, nhưng công nhân nữ ngoại tỉnh làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hà Nội hiện nay đang đứng trước tình trạng không được đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, ít có cơ hội tiếp cận với loại hình dịch vụ này, do không được ký kết hợp đồng lao động dài hạn.
Hầu hết lao động nữ ngoại tỉnh đang làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Hà Nội là phụ nữ trẻ, chưa lập gia đình, nhưng họ ít có thời gian, môi trường xã hội thuận lợi để tìm hiểu và làm quen với các bạn trai. Lao động trong các doanh nghiệp này chủ yếu là nữ nên cơ hội kết bạn với người khác giới của họ rất hạn chế. Những công nhân nữ có bạn trai cũng gặp nhiều thách thức trong điều kiện sống xa nhà. Một số nghiên cứu cho thấy, có nhiều nam nữ sống chung và có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Nhiều trường hợp không đi tới hôn nhân, để lại những hậu quả nặng nề mà do các áp lực xã hội và định kiến về giới, phụ nữ bao giờ cũng bị thiệt thòi.
Những khó khăn của công nhân nữ ngoại tỉnh trong cuộc sống gia đình sau khi kết hôn có thể nói là chồng chất, liên quan đến mang thai, sinh đẻ, chăm sóc con nhỏ và gia đình. Điều kiện sinh hoạt kham khổ thiếu thốn, ít được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, con cái không được nuôi dưỡng và giáo dục chu đáo (do nhiều công nhân phải gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp) là "chân dung" cuộc sống sau kết hôn của nhiều người lao động ngoại tỉnh. Dù rơi vào hoàn cảnh nào, không tìm được bạn đời, hay có cơ hội xây dựng gia đình và lập nghiệp tại Hà Nội, cuộc sống của công nhân nữ ngoại tỉnh cũng sẽ không dễ dàng và tiềm ẩn những yếu tố rủi ro đối với hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc và sự bền vững của gia đình họ thực sự mong manh.
Một số vấn đề đặt ra và hướng giải quyết
Một là, công đoàn và người sử dụng lao động chưa bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân nữ. Hoạt động của tổ chức công đoàn trong nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn yếu và chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho người lao động. Việc nhiều doanh nghiệp né tránh, trì hoãn thành lập tổ chức công đoàn, gây khó khăn, không tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động là khá phổ biến. Chính vì vậy, việc thành lập công đoàn cơ sở đã khó nhưng để công đoàn cơ sở hoạt động có chất lượng, thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động lại càng khó khăn hơn.
Tại các loại hình doanh nghiệp này, hầu như chiến lược phát triển doanh nghiệp, các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh đều do chủ doanh nghiệp quyết định, người lao động và tổ chức công đoàn không được tham gia thảo luận công khai như ở doanh nghiệp nhà nước. Xét từ góc độ luật pháp, chính sách của Nhà nước, cán bộ công đoàn chưa có cơ chế hoạt động độc lập; Nhà nước chưa có chính sách cụ thể, thiếu cơ sở pháp lý để bảo vệ cán bộ công đoàn. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã không thực hiện đầy đủ các quyền của người lao động đã được pháp luật quy định, tìm cách đối phó với pháp luật, lách luật, xâm hại đến quyền lợi của người lao động.
Hai là, sự khác biệt về giới đang tạo ra nhiều thiệt thòi cho công nhân nữ trong các doanh nghiệp liên doanh tại Hà Nội. Sự khác biệt giới ở đây bao hàm sự khác biệt giữa công nhân nam và công nhân nữ, sự khác biệt giữa công nhân nữ ngoại tỉnh với công nhân nam ngoại tỉnh và công nhân nữ có hộ khẩu ở Hà Nội trên một số khía cạnh như loại hình, tính chất công việc, thu nhập và một số vấn đề xã hội khác. Hiện tượng nữ hóa trong lao động công nghiệp, nhất là trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở các ngành sản xuất giày da, chế biến thủy sản, dệt may… tương đối rõ nét. Điều này gây ra nhiều vấn đề cả về nhân lực cho công nghiệp và cả về vấn đề con người dưới góc độ hôn nhân, gia đình. Đặc thù tổ chức công nghiệp hình thành nên đặc trưng xã hội mà nét tiêu biểu là tính "nữ hóa" của một không gian xã hội tạo nên một trạng thái mất cân bằng về giới, tuy cục bộ song rất nghiêm trọng. Thiếu đối tác nam để công nhân nữ tìm hiểu và xây dựng gia đình đang là một vấn đề lớn về giới của loại doanh nghiệp này.
Có sự khác biệt khá rõ nét giữa công nhân nữ ngoại tỉnh và công nhân nữ ở Hà Nội và cư dân đô thị về điều kiện sống và làm việc. Có thể nói, cuộc sống của công nhân nữ ngoại tỉnh đang phải chịu những yếu tố tác động không chỉ bởi họ là phụ nữ, mà còn vì họ là người ngoại tỉnh. Những khó khăn của họ bao gồm điều kiện sống thiếu thốn, đời sống tinh thần nghèo nàn, giao lưu và tiếp cận với các dịch vụ xã hội còn rất hạn chế do không có hộ khẩu tại Hà Nội. Đối với nhiều lao động công nghiệp di cư từ nông thôn tới các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ là nơi họ bị vắt kiệt sức lao động. Nguy cơ xuất hiện vấn đề xã hội tiềm ẩn từ những áp lực lao động và môi trường sống bất cập hôm nay.
Ba là, môi trường xã hội và hạ tầng dịch vụ xã hội trong khu công nghiệp và khu chế xuất chưa tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân nữ. Quan niệm về khu công nghiệp như một khu biệt lập thuần túy sản xuất, không có cơ sở hạ tầng xã hội là nguyên nhân đầu tiên khiến cho hầu hết các khu công nghiệp mọc lên với sự thiếu thốn về các hạ tầng dịch vụ xã hội. Cuộc sống của công nhân nữ trong các doanh nghiệp thời gian qua đã diễn ra trong điều kiện sống thiếu thốn, môi trường và an toàn xã hội không bảo đảm. Có thể nói, cung và cầu nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp mất cân đối nghiêm trọng. Chưa có chiến lược, quyết sách trong việc xây dựng môi trường xã hội, dịch vụ hạ tầng xã hội trong khu công nghiệp là hạn chế nổi bật trong tư duy, trong hoạch định và hành động của nhiều cấp chính quyền tại nơi có các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
Bốn là, nhận thức của công nhân nữ ngoại tỉnh về quyền pháp lý của người lao động cần được nâng cao. Nhìn chung, lao động ngoại tỉnh, nhất là lao động nữ thiếu hiểu biết về pháp luật lao động có ít mối quan hệ xã hội và gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về chính sách. Công nhân nữ được phỏng vấn thể hiện sự không hiểu rõ về Bộ Luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, không quan tâm đến pháp luật lao động. Chính điều này làm cho người lao động thụ động trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Người lao động khi được tuyển dụng không cân nhắc, thỏa thuận với chủ sử dụng lao động về nội dung các điều khoản của hợp đồng lao động. Trong khi đó, hợp đồng lao động là căn cứ duy nhất để bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Do vậy, khi xảy ra tranh chấp lao động, người lao động thường bị thua thiệt.
Lao động nữ ngoại tỉnh trong các doanh nghiệp là sản phẩm của quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội, của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là sản phẩm trực tiếp của quá trình đô thị hóa. Nhóm xã hội này thường tập trung ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp tập trung và có xu hướng gia tăng.
Thực tế của Hà Nội cho thấy, công nhân nữ ngoại tỉnh trong thực hiện các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một bộ phận quan trọng trong thực hiện các chính sách phát triển của đất nước và Thủ đô Hà Nội. Họ có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nơi đến, cũng như những đóng góp kinh tế cho gia đình và người thân. Tuy nhiên, lao động nữ ngoại tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong công việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thực tế đó đang đặt ra cho Nhà nước phải quan tâm đặc biệt đến nhóm xã hội đặc thù này, đưa ra các chính sách phù hợp để giải quyết những bất ổn hiện nay.
Cần chú trọng nhiều hơn nữa đến lao động nữ ngoại tỉnh làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Hà Nội đang có nhiều nguy cơ bị mất các quyền lợi chính đáng của họ. Việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân nữ và hoàn thiện môi trường xã hội trong các khu công nghiệp phải bắt đầu từ chính sách xây dựng hạ tầng dịch vụ xã hội cho các khu này. Hoạt động của tổ chức công đoàn, ban nữ công trong nhiều doanh nghiệp cần phải đổi mới để bảo vệ một cách hiệu quả quyền và lợi ích của lao động nữ. Đồng thời, cần có những giải pháp để nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự hiểu biết về pháp luật từ phía lao động nữ. Các giải pháp đồng bộ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp và lao động nữ có thể tạo ra nền tảng vững chắc, bảo đảm cuộc sống của công nhân nói chung và công nhân nữ ngoại tỉnh nói riêng, góp phần phát triển lực lượng lao động này./.
( Theo TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 7 (175) NĂM 2009)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét